Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Vĩnh biệt Giáo sư Ngô Vĩnh Long

 

Giang Công Thế

Hôm nay nghe tin Giáo sư Ngô Vĩnh Long vừa mất vì bệnh ung thư gan ngày 12/10/2022, thọ 78 tuổi, xin chia buồn với gia đình và bạn bè của Giáo sư.

Xin kể một lần gặp ông vào tháng 1-2014 ở Virginia. Năm 2018 báo Tuổi Trẻ đăng 4 kỳ “Giải mã hồ sơ Nguyễn Thái Bình”, các anh chị du học những năm cuối 1960 đầu 1970 từ Sài Gòn sang Mỹ biết rõ chuyện này hơn người cùng thời ở miền Bắc chỉ biết qua đài báo.
Tôi biết vài người ở bên Mỹ, chị Hội Chân làm cho World Bank, anh Ngô Vĩnh Long và một chị được cho rằng anh Nguyễn Thái Bình yêu mê mệt, còn viết thư vĩnh biệt trước khi lên máy bay về Sài Gòn.
Tháng 1-2014, anh Nguyễn Anh Tuấn (VNN) email cho tôi giấy mời tham dự buổi hội thảo qua cầu truyền hình với chủ đề “Tranh chấp biển đảo và sự đe dọa” tại viện Brookings nhân dịp 40 năm sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm trái phép Anh nói, giáo sư Ngô Vĩnh Long của đại học Maine cũng tới DC và dự ở đầu cầu truyền hình.
Nghe tên vị giáo sư đáng kính này đã lâu, từng đọc nhiều bài của ông viết và cả người ta đồn thổi, tôi mời giáo sư tới nhà ở cho vui, chẳng cần thuê khách sạn làm gì, thế là mình có khách quí tới nhà.
Mình dặn rất kỹ trong email cách đi thế nào tới nhà từ bến metro, trong bụng cứ nghĩ, giáo sư ngơ ngơ thế nào cũng lạc. Thế mà đúng 5 giờ chiều, nghe tiếng gõ cửa, mở ra, một người nhỏ thó, tóc bạc muối tiêu, nụ cười rạng rỡ và thật hiền, đứng trước mặt tôi.
Hỏi có phải chuẩn bị bài cho ngày mai không, giáo sư nói, chẳng cần anh à. Phải tùy cơ ứng biến, dựa vào ngữ cảnh của cuộc trao đổi mà mình nói dự theo. 40 năm kỷ niệm Hoàng Sa quan trọng lắm. Đây là dịp Việt Nam cần lên tiếng cho thế giới biết về chủ quyền, về quyền lợi của các quốc gia trong khu vực, về mức độ nguy hiểm của xung đột nếu xảy ra. Việt Nam đang yếu, cần sử dụng triệt để diễn đàn quốc tế để lên tiếng.
Với mỗi một cái túi, cái iPhone, không máy tính, không email, không facebook hay blog, giáo sư đi khắp thế giới bằng hành trang là khối tri thức chứa trong đầu thu thập được từ 70 năm nay.
Sang Mỹ từ năm 1964 khi Mỹ ném bom Bắc Việt Nam, giáo sư Long là người Việt đầu tiên đỗ vào Harvard danh tiếng.
Cha ông là người Từ Sơn, họ hàng gần với nhà cách mạng Ngô Gia Tự, vì tham gia cách mạng chống Pháp, phải trốn vào Nam. Tại đây cụ gặp một người phụ nữ Huế và sinh ra giáo sư tại Vĩnh Long nên ông có tên của miền đất nổi tiếng miền Nam này. Họ ngoại của giáo sư Long thuộc về dòng họ Hồ ở Huế.
Có lẽ vì thế mà sinh ra chàng trai Ngô Vĩnh Long có đủ tính cách ba miền nổi tiếng gan ngạnh từ hồi trẻ, có tri thức đầy mình của sỹ phu Bắc Kỳ, cách dấn thân liều lĩnh của người Nam Bộ và rất biết chịu khổ của người miền Trung.
Nhân lúc vui chuyện, giáo sư kể về người cha. Trên đường trốn vào nam, cụ phải giả làm người soát vé. Một lính Pháp đi qua, do cụ mải soát vé không để ý, nên không chào, lập tức thằng mũi lõ chỉ vào mặt và quát “Tại sao mày không chào tao”.
Vốn dân tây học, tiếng Pháp như gió, cụ không kém “Tôi đang mải soát vé, không nhìn thấy”. Thế là xảy ra xô xát. Tới ga tiếp, cụ điện dây thép về cho người chỉ huy, và xin ý kiến. Thế là phải trốn đi đường khác.
Sau này, trong những năm đầu thập kỷ 50, ông làm trưởng ga Đà Lạt. Ga rất lớn nhưng hai bố con chỉ có hai cái giường nhỏ và gia tài là một thùng carton đầy sách và một thùng đựng quần áo của hai cha con.
Một hôm có một ông, lúc đó gọi là “chef train,” lấy dầu sơn tà vẹt đường rầy viết một câu trên tường: “Hoả xa có mỗi ông Tùng//Giang sơn có một thùng carton.” Thế là cả sở hoả xa miền Nam đều biết. Bạn bè của ông thời chống Pháp đã gọi ông là “Tùng khùng.”
Năm 1964 chàng trai Ngô Vĩnh Long đã tham gia biểu tình chống chế độ Nguyễn Khánh ở Sài Gòn. Tháng 10 năm 1964 khi sang học Harvard College, ông lại tham gia chống chiến tranh do Mỹ gây ra, từng gặp Martin Luther King, tham gia tổ chức cho hàng triệu người bao vây Pentagon và trên National Mall chống sự tham chiến của Mỹ vào Việt Nam.
Với CIA, ông bị nghi ngờ là do phía miền Bắc cài vào để sang Mỹ. Nhưng tại Việt Nam, cả hai miền đều nghi ngờ ông là gián điệp.
Ông kể, do phản đối chiến tranh, lobby để quốc hội Mỹ không tham chiến sau hiệp định Paris, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, tướng Nguyễn Cao Kỳ tức điên, ra giá 30 ngàn đô la để lấy đầu giáo sư Long năm 1982 tại California khi ông sang đó dự hội thảo do các nhà báo và các giáo sư Mỹ nổi tiếng tổ chức kỷ niệm 10 năm sau Hiệp định Paris.
Tướng Kỳ sau đó bị các cơ quan an ninh của Mỹ làm áp lực phải rời California xuống bang Texas để khỏi tiếp tục xúi giúc các phần tử quá khích trong cộng đồng người Việt ở California.
Khi hòa bình, giáo sư Long cũng được phía miền Bắc hỏi ý kiến về nhiều chuyện. Ông thẳng thắn, các anh nên thả hết tù nhân trong trại cải tạo, và không nên tiếp tục cuộc hợp tác hóa nông nghiệp.
Chả là ông về Việt Nam ở 6 tháng từ cuối năm 1979 đến tháng 6 năm 1980, làm việc tại một HTX (Hà Tây) trong 4 tháng để nghiên cứu. Ông chứng kiến cảnh chủ tịch xã từ sáng sớm đi khua kháo xã viên ra đồng, một kiểu quản lý ấu trĩ. Ruộng 5% tốt hơn ruộng hợp tác chứng tỏ sự sai lầm của cung cách xây dựng CNXH qua quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của dân.
Vì những ý kiến thẳng thắn, ông bị liệt vào đối tượng bị theo dõi. Ông kể khi trở về qua con đường sang Pháp, chuyến bay Air France bị hoãn tới 8 tiếng liền ở Tân Sơn Nhất chỉ vì mấy cuốn băng và tập tài liệu mang theo, cho dù ông đã báo cáo an ninh và đã được niêm phong từ Hà Nội với là thư chứng nhận và có đóng dấu của ông Hoàng Tùng.
Thấy ông người nhỏ thó, hiền lành, nhưng vẻ bên trong chứa đựng biết bao bí mật của thế giới, của nước Mỹ và nước Việt, thạo 5 ngoại ngữ, lại thông thạo lịch sử Trung Quốc, tiếng Trung, tôi đùa, trông GS giống nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.
Giáo sư như vui vẻ hẳn, ồ, có quen anh Ẩn và phục anh ấy, sống có trước có sau. Anh Ẩn được bảo vệ bởi chính cách sống của mình. Trong nghề tình báo, giấu kiểu gì cũng bị lộ, nhưng vì tình người nên anh Ẩn thoát hiểm bởi sự che chắn của bạn bè.
Hỏi tại sao ông Ẩn lại cứu ông Trần Kim Tuyến, GS cho rằng, đó là kết quả của tình người giữa giới trí thức với nhau. Sống giữa những làn đạn của nhiều phía, cái vỏ bọc duy nhất chính là con người và nhân cách của nhà tình báo.
Hỏi giáo sư về anh Nguyễn Thái Bình có phải do CIA tổ chức giết không. Giáo sư lắc đầu vẻ không đồng tình. Ông còn những bức thư của Nguyễn Thái Bình viết từ biệt bạn bè trước khi về Sài Gòn, mục đích cướp máy bay để gây sự chú ý của thế giới về cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam.
Nếu coi Nguyễn Thái Bình là người của Bắc Việt cài sang Mỹ thì hơi khiên cưỡng. Là người nghiên cứu lịch sử, ông luôn hướng tới sự thật.
GS cho hay, Nguyễn Thái Bình tham gia biểu tình chống chiến tranh nhiều nên được một số cô mến mộ.
Chợt nhớ ra tôi quen thân một chị ở Virginia. Khi hỏi chị về anh Bình, chị cười, anh này tỏ tình nhưng chị không thích vì anh Bình…bé tý. Chị cười nháy mắt, có vài bức thư anh Bình gửi tỏ tình nhưng chị xé đi trước khi về Sài Gòn vì sợ liên lụy. Chị là con một TNS ở Sài Gòn hồi đó khá danh giá.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, người trong cuộc cũng đã trên dưới 70-80, người còn người mất, nhớ nhớ quên quên, nhưng với GS Ngô Vĩnh Long thì ngày xưa ấy vẫn còn đong đầy kỷ niệm, sống giữa bạn bè khắp năm châu.
Hôm nay Gs. Long đã rời bỏ chúng ta, một người đi giữa hai làn đạn hơn 70 năm qua. RIP ông.
HM.
PS. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Harvard, từ đầu năm 1969 cho đến đầu năm 1976, Giáo sư Ngô Vĩnh Long làm Tổng Giám đốc Trung tâm tài liệu VN ở Cambridge. Từ năm 1985 cho đến nay là giảng viên tại trường đại học bang Maine.