Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Pháp : Bảo tồn ký ức lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến II

 


Ông Jacques Lemaire, người đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn kí ức những người lính thợ Đông Dương làm việc trong nhà máy thuốc súng Saint-Chamas (La Poudrerie nationale de Saint-Chamas) trong Thế Chiến II. Lễ tưởng niệm ngày 16/10/2022, Saint-Chamas, miền nam Pháp. Ảnh cắt từ video do bà Brigitte Sabattini cung cấp.
Ông Jacques Lemaire, người đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn kí ức những người lính thợ Đông Dương làm việc trong nhà máy thuốc súng Saint-Chamas (La Poudrerie nationale de Saint-Chamas) trong Thế Chiến II. Lễ tưởng niệm ngày 16/10/2022, Saint-Chamas, miền nam Pháp. Ảnh cắt từ video do bà Brigitte Sabattini cung cấp. © RFI / Brigitte Sabattini

Cách đây 83 năm, con tầu Yang Tsé rời cảng Hải Phòng ngày 12/10/1939 với 1.396 thanh niên Đông Dương bị ép sang Mẫu quốc, gia nhập lực lượng gồm 20.000 lính thợ thuộc địa đầu tiên làm việc trong các nhà máy thuốc súng để chống phát xít Đức. Trong Thế Chiến II, khoảng 1.000 lính thợ Đông Dương được điều đến thành phố Saint-Chamas, miền nam Pháp, nhiều người phải ở lại đến năm 1952. Công lao của họ được thành phố Saint-Chamas và Miramas tổ chức trong buổi lễ ngày 16/10/2022.

QUẢNG CÁO

Thời tiết hôm Chủ Nhật rất đẹp, nắng ấm khiến ông Jacques Lemaire, một người lưu truyền lịch sử thành phố, trong đó có giai đoạn những người lính thợ Đông Dương sống và làm việc, hài lòng. Từ nhiều ngày qua, ông đã chuẩn bị sự kiện quan trọng, gửi giấy mời, chuẩn bị triển lãm ở Thư viện thành phố. Chính ông là người đề xuất với thị trưởng Saint-Chamas gắn bia ghi công những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến II lên bảo tàng nhỏ trong Công viên Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas (La Poudrie nationale de Saint-Chamas) vào năm 2011.  

Hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ Mẫu quốc 

Thị trưởng hai thành phố Saint-Chamas và Miramas, chủ trì sự kiện đón khoảng 150 khách mời để tưởng nhớ công lao những người lính thợ Đông Dương bị ép sang giúp đất nước vẫn tự nhận là “Mẫu quốc”, theo phát biểu của thị trưởng Saint-Chamas :  

“Ngày nay, chúng ta chỉ có thể lên án và phẫn nộ về cách đối xử mà người mẹ này dành cho họ. Một người mẹ không dành tình mẫu tử cho những người con vẫn bị gọi là “người bản địa”. Những đứa con đó được lựa chọn trong số những thanh niên khỏe mạnh nhất ở những ngôi làng Đông Dương. Đó là điều kiện cần thiết, như Pierre Daum từng viết, để chống chọi được hành trình bất tận, trong những điều kiện tồi tàn, đến tận thành phố Marseille, nơi khi vừa mới cập bến, họ đã bị đưa đến những khu nhà tạm bợ, như trung tâm Carnot, cách đây không xa. 

Phần lớn cuộc sống của họ diễn ra giữa khu nhà trọ và nhà máy thuốc súng. Một nhà máy mà họ chỉ rời đi sau chuỗi ngày đằng đẵng mệt mỏi để hoàn thành những nhiệm vụ nguy hiểm nhất mà chính những huynh đệ bản xứ của họ cố tình thoái thác. Khó có thể hình dung ra được, nhưng họ vẫn có thể tìm được sức mạnh và can đảm đến gặp gỡ người dân địa phương”

Trong số 150 khách mời, rất nhiều người là con cháu của những người lính thợ ở lại vì không thể trở về quê hương. Nhiều người sau này mới biết được phần nào những gian truân, vất vả, những kì thị, ngược đãi mà cha ông của họ phải hứng chịu trong thời gian dài. Đó là trường hơp của bà Myriam Le Huu, con gái của ông Lê Hữu Thọ, người đầu tiên đi tìm lại công bằng cho những người lính thợ Đông Dương. Phát biểu tại buổi lễ, bà Myriam Le Huu, hiện là chủ tịch Hội MOI - Kí ức những người lính thợ Đông Dương - nhắc lại:  

“Lệnh trưng dụng bắt buộc mỗi gia đình Việt Nam, chủ yếu là ở nông thôn, có từ ba con trai trên 18 tuổi, phải cấp ít nhất là một người cho nước Pháp để hỗ trợ chiến tranh bằng cách làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là trong các nhà máy sản xuất súng đạn.  

Tổng cộng có 14 con tầu chở khoảng 20.000 người Việt Nam từ các cảng ở Việt Nam đến Marseille. Sau hành trình dài 5 tuần, bị dồn trong các khoang chứa hàng được vội bố trí lại, những người đàn ông này khám phá trung tâm tiếp nhận họ được lập trong nhà tù Baumettes mới xây. Từ đó, họ được chia về 24 tỉnh của Pháp. Họ bị dồn vào những khu nhà trọ gần nơi làm việc với tư cách là thợ không có chuyên môn (Ouvrier non spécialisé, ONS) và phải theo nhịp độ rất nặng trong khi trợ cấp lại ít ỏi.  

Bị nhốt trong trại, sống trong những dãy nhà cấp bốn, thiếu ăn thiếu mặc, chịu giá lạnh, thời tiết xấu, bệnh tật và nhất là cô đơn sống xa gia đình và quê hương, phải chịu chế độ như bán tự do, kỷ luật nhà binh dù họ không phải là quân nhân, bị đối xử bất công từ phía quản lý, nhiều người trong số họ cảm thấy tuyệt vọng vô cùng. Khoảng 1.000 người qua đời vì bị ngược đãi.  

Sau khi Pháp thất bại năm 1940, đa số những người lính thợ này sống ở vùng tự do và họ bị điều đi làm nông, lâm nghiệp hoặc trên các ruộng muối ở miền nam hay những cánh đồng lúa ở vùng Camargue. Từ năm 1942 đến 1944, họ bị đưa trở lại các nhà máy vũ khí và làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp cho quân xâm lược phát xít Đức.  

Khi thế chiến kết thúc, cuộc chiến giành độc lập bắt đầu ở Đông Dương căng thẳng đến mức tất cả tầu thủy lẽ ra phải chở lính thợ Đông Dương hồi hương đều ưu tiên chở lính Pháp và thiết bị quân sự sang Đông Dương. Sau khi đã bị vắt kiệt sức, những người lính thợ Đông Dương bị bỏ mặc, không được hưởng bất kỳ quy chế nào từ Nhà nước Pháp. Khoảng 16.000 người đã không về được nhà và sau hơn 10 năm, thậm chí là 13 năm sống chờ đợi, khoảng 2.000 đến 3.000 người đã ở lại Pháp, lập gia đình, sinh con mà chúng tôi là hậu duệ.

Câu chuyện về những người lính thợ bị cưỡng ép sang Pháp bị chôn vùi trong thời gian dài vì những người cha của chúng tôi ít khi nhắc lại chuyện cũ”

Chôn vùi thương đau để bắt đầu cuộc sống mới 

Chuyện cũ của những người ông, người cha đó, là những đau thương và đấu tranh mà có lẽ họ không muốn con cháu cùng chịu đựng. Cũng có lẽ vì thế mà phải chờ đến hơn 70 năm sau, năm 2014, công sức của họ, kể cả sự thật về kỹ thuật trồng lúa nước ở vùng Camargue, mới dần được nhắc đến, nhờ công của nhiều sử gia, nhà nghiên cứu (Brigitte Sabattini, Liêm-Khê Lugern…), nhà báo (Pierre Daum) và nhất là chính thế hệ con cháu của họ (Myriam Le Hữu, anh em họ Trịnh). Ngay cả thị trưởng Miramas cũng chỉ biết đến số phận bi thương của những người lính thợ Đông Dương sau một lần trao đổi với ông Jacques Lemaire. Ông phát biểu trong buổi lễ :  

“Những người đã trải qua đau thương nặng nề đều khó kể lại cho thế hệ trẻ chuyện đã xảy ra. Họ bảo vệ thế hệ trẻ. Nhưng tiếc là khi làm như vậy, câu chuyện của họ bị chìm trong lãng quên. Tôi mừng vì Miramas và Saint-Chamas phối hợp tổ chức sự kiện này từ nhiều năm nay vì buổi lễ nhắc lại trang sử này với tất cả người dân trong vùng. 

Điều quan trọng đối với tôi, đó là nước Cộng hòa đầy mạnh mẽ. Khi nước Cộng hòa thừa nhận những thời khắc u tối, một số người lại nghĩ điều đó làm suy yếu nền Cộng hòa chúng ta. Trái lại, khi nói về những đau thương, sai lầm, thì lại càng thúc đẩy chúng ta để không bao giờ xảy ra chuyện tương tự, đồng thời cũng để tưởng nhớ những người đã giúp giải phóng nước Pháp. Họ như bị giam lỏng, nhưng họ đã giúp giải phóng đất nước chúng ta. Đó chính là sức mạnh của lịch sử.

Điều làm tôi vô cùng xúc động là chuyện diễn ra ngay sát chúng ta, xung quanh chúng ta, ngay cả những người bên cạnh tôi mà trước đó tôi không biết họ là con cháu lính thợ Đông Dương”.  

Chung tay bảo tồn ký ức lịch sử 

Ngày 16/10/2011, tấm bia tưởng niệm 1.000 lính thợ Đông Dương làm việc trong Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas được gắn trên bảo tàng nhỏ trong công viên mang tên nhà máy trước đây. Thời điểm đó có 8 người lính thợ đến dự. Năm 2022, chỉ còn lại một nhân chứng, đã 103 tuổi, không thể đến dự buổi lễ.

Ký ức về những người lính thợ cần được bảo tồn, và được thị trưởng Saint-Chamas ví với việc không để bức ảnh người lính thợ được trưng bày tại sự kiện bị “ố vàng” và nhất là không để hình ảnh đó “bị phai mờ”, phải “bảo tồn nơi tưởng niệm Nhà máy thuốc súng với những tòa nhà vẫn còn vẳng tiếng nói, tiếng kêu của những người đã góp phần để nước Pháp trở thành một đất nước tự do”

Đối với ông Jacques Lemaire, người vẫn miệt mài đi tìm và lưu lại ký ức của lính thợ Đông Dương, chính sự thờ ơ của nhiều người mới là điều đáng sợ, trong khi các nhân chứng lịch sử lần lượt ra đi :  

“Tiếc là một phần dân chúng không hề cảm thấy quan tâm khi nói rằng thời đó đã qua và những người Đông Dương đã về nhà họ. Nhưng thực ra không đúng, vì có nhiều người đã tìm được tình yêu, sau đó lập gia đình ở đây và có nhiều con cháu.  

Tôi chọn ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng 10 hàng năm để tổ chức tưởng niệm ở Nhà máy thuốc súng là vì con tầu đầu tiên, tầu Yang Tsé, xuất phát từ Hải Phòng ngày 12/10/1939 chở những người sau này làm lính thợ đến Pháp. Lý do chọn ngày Chủ Nhật là để mọi người có thể đến dự. Lễ tưởng niệm thường diễn ra vào Chủ Nhật thứ ba của tháng 10 hàng năm".  

Nhiều công trình, bia ghi công những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến II đã được dựng ở một số thành phố miền nam Pháp, như Sorgues, Salin-de-Giraud, Bergerac, Montpellier nhưng theo thị trưởng Miramas, điều quan trọng là phải luôn ôn lại lịch sử và chống quên lãng để chuẩn bị tương lai cho những thế hệ sau. 

Một số hiệp hội hoặc đơn thuần chỉ là một nhóm những nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục công việc bảo tồn ký ức của những thanh niên bị đẩy sang bảo vệ Mẫu quốc, qua những công trình nghiên cứu, luận văn tiến sĩ, sách báo, phim ảnh, truyện tranh, triển lãm… 

Cuối cùng, bà Myriam Le Huu, chủ tịch Hội MOI được anh em nhà Trịnh thành lập năm 2011, hy vọng “một ngày những người lính thợ Đông Dương này sẽ được vinh danh trên quê hương của họ. Đó là công việc mà anh em họ Trịnh đang theo đuổi. Lịch sử vẫn tiến bước”