Đầu năm 1975 tôi đang làm Bác Sĩ điều trị tại Quân Y Viện Nguyễn Huệ Nha Trang thì có lệnh chuyển tôi lên Trung Tâm 2 tuyển mộ nhập ngũ tại Diên Khánh Thành. Trung Tâm 2 tuyển mộ nhập ngũ là một Trung Tâm lớn thuộc bộ Tổng tham mưu chế độ Sài Gòn nên quân số cơ bản khá đầy đủ, đặc biệt là phòng quân y của Trung Tâm, thường xuyên có 3 Bác Sĩ, mặc dù công việc quân y chẳng có gì nhiều. Trưởng phòng quân y là Bác sĩ Vĩnh Thuế, thuộc hoàng tộc triều Nguyễn, người thấp, mập, điềm đạm, ít nói, đúng phong thái của một người quý tộc. Người thứ 2 là Bác sĩ Trạch, cùng khoá với tôi ở trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, là người vui tính, luôn tươi cười, anh về Trung Tâm trước tôi nên anh phụ trách X Quang phổi của tân binh, là công việc quan trọng của phòng quân y và cả Trung Tâm. Tôi thì được giao việc phụ trách Bệnh xá Trung Tâm, một công việc thật nhàn hạ! Nói là Bệnh xá nhưng chỉ lèo tèo vài tân binh nằm bệnh. Có bệnh nặng thì được chuyển về Quân Y Viện Nguyễn Huệ, chỉ cách Trung Tâm 10Km. Phụ tá cho tôi là một viên Sĩ Quan trợ y, anh ta đủ sức để điều hành cái bệnh xá bé tí đó, thế nên chẳng có việc gì cho tôi làm, tôi cũng chẳng đến bệnh xá làm gì, Bệnh xá với vài anh tân binh mới bị bắt lính đau ốm xoàng xỉnh!
Trang blog này nhằm lưu lại những bài viết của chính tác giả hoặc của những tác giả khác đã viết và công bố trên các ấn phẩm chính thức, trên phương tiện truyền thông đại chúng, và trên mạng Internet, về những vấn đề Kinh Tế, Văn hoá, Xã hội, Y tế & Giáo dục đang cần tìm hiểu...lúc tuổi già. Không biết nói gì hơn, ngoài lời được xin phép và trân trọng cám ơn các bạn có bài đăng lại trên Blog này.
Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022
NGÀY CUỐI CÙNG TÔI LÀM VIỆC TẠI TRUNG TÂM (Trích TẬP TỰ TRUYỆN NGHỀ NGHIỆP, BS.Nguyễn Tấn Tờn)
Tôi ở thành phố Nha Trang, mỗi buổi sáng khoảng 7 – 8 giờ đi xe máy lên Trung Tâm vào văn phòng ký vài cái công văn xin bổ sung thuốc, xin hủy thuốc quá hạn, ký “khống” vài cái giấy nhập viện khẩn cấp cho cả ngày và ký một ít phiếu cho thuốc tân binh của ngày hôm trước cho hợp lệ, tất cả các dạng giấy tờ đó do viên sỹ quan trợ y điền sẵn. Thế cũng tốt, anh ta quen việc, hơn nữa có lẻ cũng là “nồi gạo” của anh ấy. Nề nếp đã như thế tôi xáo trộn gây khó khăn làm gì cho khổ tôi, khổ mọi người? Thế là việc làm của tôi thật dễ chịu, quá ít việc, có lẻ 15-20 phút tôi giải quyết (ký) xong công việc trong ngày, lại đi xe gắn máy về Nha Trang, 20 phút sau là có mặt tại bãi biển, đọc sách báo, ăn trưa, ngủ trên bãi biển trong căn chòi của người chủ quán.
Trung Tâm chẳng ai buồn “chăm sóc” công việc của tôi, cũng có cái lý của nó: Chỉ huy phó là thiếu tá Trạm, trưởng phòng nhân huấn là thiếu tá Quang vốn là đệ tử của anh hai tôi (Trung tá chỉ huy trưởng Nguyễn Tấn Khôi), người tiền nhiệm vừa mới nghỉ hưu thì tôi được chuyển về Trung Tâm. Những người cũ vị nể tôi một phần vì anh tôi đã cân nhắc đề bạt họ thăng tiến kể cả phòng quân y cũng thế, mặt khác tôi cũng muốn sống “êm êm” không thích dính mũi vào việc người khác, ngay cả cái Bệnh xá tôi phụ trách, tôi cũng theo hội chứng “Mackéno” (mặc kệ nó), miễn sao đừng đụng đến tôi là được. Nỗi buồn vì bao năm học hành bây giờ bỏ cả, hay nói đúng hơn là chỉ dùng một chút xíu nghề nghiệp; Nhưng guồng máy quân đội là thế! Chính quyền là thế, mình chỉ là hạt cát trong bãi cát mênh mông vô tận…
Công việc của tôi cứ như thế cho đến ngày 27/03/1975 có một người bạn là Dược sĩ Đức di tản từ Đà Nẵng vào tạm ở với tôi. Anh kể với tôi cái gian nan khi di tản từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Buổi chiều đó tôi và anh chứng kiến cảnh đoàn người quan, lính, đàn bà, trẻ con, nồi niêu soong chảo trên những chiếc xe jeep quân đội trải dài trên quốc lộ 1 vào thành phố, họ di tản vô trật tự, dữ dằn từ Buôn Ma Thuột vào Nha Trang. Đoàn quân hốt hoảng như thế tôi đã được xem đâu đó trong những phim tài liệu về sự rã ngũ của quân đội phát xít Đức thất trận thế chiến thứ hai? Tối 27/03/1975 dược sĩ Đức đang nói chuyện về chiến tranh, về cuộc tháo chạy hỗn độn ở Đà Nẵng thì loa phóng thanh ở Bộ Tư Lệnh quân đoàn 2 tuyên bố hùng hồn là quân đoàn 2 tử thủ, Nha Trang tử thủ, quân đội bắn bỏ những ai cướp giựt ngoài đường phố. Thành phố giới nghiêm từ 9 giờ tối…Dược sĩ Đức nói với tôi: “Tụi nó nói tử thủ là chạy trốn, ở Đà Nẵng cũng như thế”. Dược sĩ Đức có kinh nghiệm trong việc tháo chạy nên nói thêm: “Tụi nó nói tử thủ để rảnh đường cho nó chạy, đừng tin” Anh rủ tôi ngày mai 28/03 cùng anh chạy sớm vào Sài Gòn. Tôi bán tin bán nghi và chưa có ý định chạy trốn!.
Sáng 28/03 Dược sĩ Đức dậy thật sớm, anh biết tôi không “chạy” nên chào tôi và đi vào Sài Gòn (Hiện nay tôi không biết anh ở đâu và làm gì?). Tôi ngủ tiếp đến 7 giờ sáng, như thường lệ tôi đến quán phở Hợp Lợi ăn sáng để đi làm. Tại quán phở tôi ngạc nhiên vì có quá nhiều Bác sĩ Quân y viện Nguyễn Huệ còn dùng phở ở đó, có nhóm vài ba người thì đã ăn xong, đang đứng từng đám từ 3 đến 5 người bàn bạc gì đó? Có đám còn ăn trong tiệm. Tôi vào ăn phở và suy nghĩ: Có cái gì đó không bình thường? Vì từ 7 giờ tất cả Bác sĩ đều phải có mặt ở Quân y viện để giao ban cùng Chỉ huy trưởng và làm việc; Tôi không hỏi làm gì? Có hỏi cũng chẳng có thì giờ vì họ có vẻ vội vã tính toán! Ăn phở xong tôi đi xe gắn máy lên Trung Tâm, đến nơi khoảng 8 giờ. Đoạn đường 10 km từ thành phố đến Trung Tâm người đi kẻ lại vội vàng, đông hơn thường lệ nhưng không có vẻ gì là người chạy loạn. Tôi đến Trung Tâm khoảng 8 giờ 20 phút sáng, như thường lệ: Tôi ký các loại giấy tờ xong, định về thành phố thì nhân viên phòng quân y báo cho tôi biết bác sĩ Vĩnh Thuế trưởng phòng và bác sĩ Trạm X-quang đã bỏ chạy. Ô! Thế là họ lanh quá! Tôi chẳng biết gì cả! Tôi nán lại xem sao thì có loa phóng thanh mời tôi đến hội trường Chỉ Huy Trưởng để bàn công tác? Đó không phải nhiệm vụ của tôi, nhưng tôi vẫn cứ đến. Hội trường đủ cả Chỉ Huy Trưởng, Chỉ Huy Phó và các Trưởng Phòng, chỉ thiếu Trưởng Phòng quân y. Tôi là người ngoài kế hoạch. Sau khi các Trưởng Phòng báo cáo tình hình trung tâm trong 24 giờ qua, đến lượt tôi: Không phải nhiệm vụ của tôi và tôi có biết gì đâu? Bác sĩ Vĩnh Thuế Trưởng Phòng đã “chạy trốn”! Thay việc báo cáo tình hình tôi nói về thực trạng hiên tại: “Hai bác sĩ phòng quân y đã chạy trốn, Tuy Hoà, Phú Yên đã thất thủ” tôi nói tiếp: “Có lẻ Bộ Tư Lệnh vùng 2 chiến thuật tại Nha Trang cũng đang “chạy trốn”. Tôi nói với chỉ huy trưởng: “Trung tá đã bị bỏ rơi rồi, “Họ” sắp vào đến nơi”. Chỉ huy trưởng nói: “Ông không được thông báo gì cả!” Ông nhắc máy điện thoại hỏi phòng tuyển mộ Tuy Hoà và Phú Yên, đều được trả lời là không có lệnh gì cả (Ông nói với chúng tôi như thế!) Ông quên hẳn nếu các phòng tuyển mộ ở đó có lệnh thì do Trung Tâm của ông chuyển đến, vì Trung Tâm 2 tuyễn mộ nhập ngũ là một đơn vị hàng dọc, điều hành tuyễn mộ nhập ngũ gồm 12 tỉnh thuộc vùng 2 chiến thuật. Lúc đó ông quá bối rối nên quên mất quyền hạn nhiệm vụ của ông. Thế rồi khỏang 10 giờ sáng hôm đó 28/03 cuộc họp kết thúc với lệnh của Chỉ Huy Trưởng là mọi người “tuỳ nghi di tản”. Tôi đi ra khỏi phòng họp.Thiếu tá Trạm và thếu tá Quang theo tôi và nói: “Bác sĩ về nhà Quang, tụi mình di tản vào Sài Gòn bằng đường biển, hai anh đã bố trí tàu bên Đảo Tre. Tôi đồng ý rồi đi xe gắn máy về thành phố khoảng 11giờ. Cảnh tượng thành phố thật hải hùng, đâu đâu cũng thấy người cầm súng, lựu đạn đeo đầy người, đạn thì khoác từ vai áo quàng qua bụng. Tiếng súng lác đác đâu đó. Toàn bọn đầu trâu mặt ngựa đi hội của, nhưng đó chỉ là màn dạo đầu. Tôi “vù” xe nhanh về nhà trọ đem theo một bộ quân phục, một bộ thường phục và vài cái giấy tờ tuỳ thân. Trên bàn làm việc tại nhà trọ tôi để lại dưới kiếng cái có giá trị nhất là chiếc hình của chị tôi loại 3x4, chụp trước năm 1954, tôi vẫn thơ ngây nghĩ là biết đâu trong đoàn quân giải phóng có chị tôi vào Nha Trang sẽ bắt gặp hình của chị trên bàn viết của tôi? Tôi là người rất quý mến chị tôi nên giữ mãi cái hình nhỏ xíu đó từ năm 1954 lúc chị tôi đi tập kết. Bây giờ nghĩ đến tôi thật ngớ ngẫn!
Tôi vội vàng xuống nhà thiếu tá Quang ở đường Xương Huân Nha Trang để bàn kế hoạch ra Đảo Tre di tản vào Sài Gòn. Từ đường Xương Huân ra cầu đá, đi qua Bộ Tư Lệnh quân đoàn 2 thấy ngỗn ngang, tan nát. Ngồi tên chiếc xe jeep mỗi người chúng tôi lăm lăm khẩu tiểu liên, đạn đã lên nòng đề phòng bọn cướp giật! Nhưng may, đến Cầu Đá bình yên. Chúng tôi mướn ghe qua Đảo Tre… Nhưng than ôi? Chẳng có tàu nào cho chúng tôi vượt biển vào Sài Gòn (Mặc dù anh Trạm và anh Quang đã đổi gạo của Trung Tâm để lấy tàu đi biển). Đảo Tre lúc đó tràn ngập quan quân, dân thường, người già, trẻ em, họ hy vọng, họ chờ đợi phép màu. Chúng tôi ở đó suốt đêm 28/03, sau đó chúng tôi di tản từ Nha Trang vào Phú Quốc bằng đường thuỷ, là một quảng đường gian khổ .
Câu chuyện ngày cuối cùng tôi làm việc tại Trung Tâm 2 tuyển mộ nhập ngũ đối với tôi cũng là một Trường Đoạn “gian nan nghề nghiệp”.
22-08-2006