Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Bà Giáo Sư Racoto Féringa và lớp APM

 Phạm Quốc Bảo

GS Racoto Féringa và lớp APM 1962 (Hình do QYHD16 Nguyễn Dương gởi)

Tôi là kẻ vốn có nhiều người bạn quen qua những thân hữu khác. Hiện tượng này không hẳn là một điều gì lạ lùng lắm đâu, nhất là đối với hầu hết những ai cùng thời, cùng lớp tuổi với tôi.Tôi nghĩ thế.
Và một trong những bạn như vậy đã có dịp tôi gặp gỡ đôi ba lần mỗi năm trong vòng vài năm nay. Cách đây mấy tháng, một buổi chiều tôi ngồi quán uống cà phê với một người bạn thân khác thì tình cờ anh bạn quen kia đến và cho biết anh vừa từ bệnh viện ra sau khi được biết vợ anh đã ổn định sức khỏe qua một cuộc giải phẫu thay thận. Trên đường trở về nhà anh tạt qua đây uống giải khát bằng ly cà phê đá, và anh gặp hai chúng tôi.
Ngỏ lời mừng cho anh, tôi giới thiệu hai người với nhau. Và ba chúng tôi mào đầu trao đổi vài ba câu chuyện làm quà, chi tiết sao đó tôi cũng chẳng nhớ nữa. Nhưng đến khi anh kia nghe giới thiệu người bạn đang ngồi uống cà phê với tôi là một y sĩ, anh bảo niên học 1961- 62 anh có học lớp P.C.B. (viết tắt của Physique-Chimie-Biologie animale, chứng chỉ Lý-Hóa-Sinh mà cũng là lớp Dự bị Y Khoa hồi đó) nhưng mà anh đã không qua khỏi kỳ thi tuyển vào cuối năm. Người bạn của tôi hiện là y sĩ liền cho biết rằng hai chúng tôi (tôi và anh ấy) cũng đều học lớp đó, năm đó, cũng tại trường Khoa Học Sàigòn; và anh nói rõ thêm nữa là tôi đậu nhưng lại bỏ sang học Văn Khoa, còn chính anh trượt rồi chỉ vì “tức khí” nên anh đã “đúp” lại lớp Dự bị Y khoa này ở năm sau (niên học 1962-63, lớp này bắt đầu có tên riêng là A.P.M., viết tắt của Année Préparatoire de Médecine). Chính vì thế, “mới mang cái nghiệp bác sĩ cho đến tận bây giờ đấy,” anh nói vậy.
Tự nhiên chúng tôi ba người thấy thân thiết hẳn lại với nhau. Giữa câu chuyện rôm rả vì hứng khởi bất ngờ, chúng tôi cứ thế sẵn dịp nối tiếp nhắc nhớ nhau đến những gì rất ư là lộn xộn vừa hiện ra trong tiềm thức. Đấy là những chi tiết mới bắt được một cách vô cùng mù mờ nhưng trái lại, khi được gợi nhớ và hiện ra, chúng đột nhiên chiếu sáng rõ dần cái khung cảnh học hành hồi ấy của từng người trong ba chúng tôi:
Nào là Phòng Thí Nghiệm Vật Lý vẫn hay trống vắng và là nơi chúng tôi thường tụ tập vào buổi trưa ở lại để tiện thể học luôn các lớp buổi chiều.
Nào là lớp học hầu hết đã diễn ra ở Giảng đường I, giảng đường lớn nhất của khuôn viên viện đại học Khoa Học Sàigòn bấy giờ.
Nào là những chen lấn chúng tôi thường xuyên vào lớp... Và cành cây phượng che mái quán ăn-giải khát, cái đầu hồi của quán này ngay sát cạnh cổng sắt phụ (bên phải của cổng chính lớn) dẫn vào khuôn viên trường Khoa Học, còn đáy của căn quán kéo dài theo bờ tường ngăn hai khuôn viên trường của Khoa Học với Trung học Pétrus Ký...
Nào là những bạn cùng học lớp thời đó có Nguyễn Minh Diễm, Bùi Ngọc Tô, Vũ Ngự Chiêu, Phan Xuân Hiệp, Chu Vị Sơn.., Lý Văn Quang nhớ Phan Khắc Luân là một sinh viên chuyên quay cours bán; nhưng Phạm Gia Cổn còn bảo rằng Luân cùng học với anh ở Pétrus Ký, con cụ Phan Khắc Sửu và là tay vô địch bóng bàn sinh viên-học sinh lúc bấy giờ. Không những thế, Cổn lại bổ túc thêm những tên khác cùng lớp nhưng thuộc cả trong vòng ba niên học trước sau đó nữa như Mai Thanh Truyết, Trần Quốc Đông, Nguyễn Thế Tuấn, Lê Đức Bảo, Phạm Đức Vượng...
Nào là giáo sư thời ấy ở Khoa Học nói chung, ba chúng tôi nhớ được rất ít: Chẳng hạn anh Cổn nhắc được ông Nguyễn Đình Hưng (lúc ấy dường như đang làm Đổng Lý Văn Phòng bộ Giáo Dục, hay một thời đã làm giám đốc Hải Học Viện Nha Trang?) dạy Vật Lý (Physics). Còn anh Truyết khi gặp sau này thì nhớ nhiều hơn: Những ông Nguyễn Văn Huyến dạy môn Khoa học tổng quát…, thêm cả vị nữ phụ khảo họ là gì thì không còn nhớ nhưng tên là cô Đồng (dạy bên chứng chỉ S.P.C.N, chị ruột của y sĩ Hồ sau này?). Trong lá thư đề ngày mùng 4 tháng bẩy-2005 từ San Jose gửi xuống, anh Bùi Ngọc Tô còn nhắc thêm cho tôi nhiều tên giáo sư người Pháp hồi đó ở Khoa Học. Chẳng hạn các ông Proulle, Monavon dậy chứng chỉ Toán đại cương (thời ấy thường gọi tắt “ mát dê”, viết là Math. Gé.), hay De Chapouillez (?) dậy S.P.C.N... nữa! Ôi, chúng tôi thực sự phục sát đất cái ký ức của anh Tô...
Và cuối cùng, bà giáo sư Racoto Féringa (anh Tô lại viết là Rakkoto Féringa).
Tôi, cũng như hai người bạn vừa nêu trên, chỉ nhớ đại khái tên bà là Racoto Féringa. Dường như còn một dọc chữ chỉ cái họ sau cùng nữa mới trọn đầy đủ tên bà, tôi mang máng vậy.Và quả thật,sau đó khi từ Washington D.C. xuống gặp, Nguyễn Minh Diễm lại khẳng định rằng chữ sau cùng trong tên của bà là Félécie. Đã thế, chúng tôi lại thả lỏng cho mình tha hồ tưởng tượng: Chúng tôi đoán có lẽ đây là họ chồng của bà đã được ghép vào sau cùng. (Ai còn nhớ, xin làm ơn nhắc dùm vậy. Tôi cảm ơn trước).
Hơn nữa, cho đến bây giờ, trí nhớ của chúng tôi về nhân dáng bà chỉ loáng thoáng một số đặc điểm như: Bà người da đen nhờ nhờ, vóc hơi tròn trịa nhưng trông thoáng lại không có vẻ to lớn gì, thường xuyên mặc đầm (áo liền quần) với những mầu sắc không bao giờ sặc sỡ lắm mà lại ít khi dùng mầu nóng (mầu đen hay đỏ hẳn)...Tóm lại về vóc dáng, cách ăn mặc và khuôn mặt lẫn vẻ người, bà không có gì để được gọi là một phụ nữ ngoại quốc trung niên da đen làm giáo sư mà đáng hấp dẫn cả. Anh bạn kia cũng vừa mới cho biết rõ thêm rằng bà người gốc đảo Madagasca và là vợ một viên chức (có thể là đại sứ) của tòa đại sứ Ấn Độ tại Sàigòn lúc ấy.
Nhưng chắc chắn bà Racoto Féringa là một vị giáo sư chuyên khoa môn Biologie animale đúng nghĩa của chúng tôi thời ấy: Luôn luôn nghiêm túc và tận tình trong công tác giảng dạy. Với lối phát âm của người ngoại quốc nói tiếng Pháp, bà giảng bài đều đều, hơi nhanh và thường đánh lưỡi khi phát âm. Trong một lớp học lúc nào cũng luôn luôn đầy những sinh viên ngồi chen chúc nhau và bầu không khí hết sức nóng nực, bà thường lấy khăn mùi xoa lau mồ hôi trên mặt nhưng chưa bao giờ chúng tôi bắt gặp bà có sắc giận lộ trên nét mặt...
Nói chung, bà Raccoto Féringa đã là một nữ giáo sư ngoại quốc hiền hòa nhất, và xem ra bà thường xuất hiện trong lớp học rất tự nhiên, thân ái với bọn “nhô” sinh viên chúng tôi hơn bất cứ ai trong số các giáo sư của lớp P.C.B. hồi ấy. Tuy nhiên, và đồng thời, có lẽ chính cái dáng vẻ bình thường tự nhiên ấy lại khiến cho bà đã trở thành nhân vật chúng tôi nhớ ngay đến một cách rõ nét nhất, sau trên bốn mươi năm dài những biến đổi lớn lao trong đời người của chúng tôi.
Tóm lại, tôi nhận ra rằng cá nhân mình ký ức bết hơn bạn hữu nhiều quá, chỉ dám nhận lãnh sự gợi nhớ của bạn hơn làø moi được trong tiềm thức của chính mình. Nói một cách khác,tôi vẫn là một tên có ký ức mù mờ nhất về niên học 61-62 ấy, thua bất cứ ai trong số bạn hữu vừa nêu tên ở trên.Sao lại vậy nhỉ?
*
Cho đến giờ phút đang viết ra đây, tôi cũng chưa hiểu rõ nguyên nhân. Thôi thì xin các bạn hãy chịu khó kiên nhẫn nghe tôi kể lại hoàn ảnh của tôi thời đó một chút, may ra tìm được nguyên ủy.
Ba năm đệ nhị cấp trung học, tôi học ban C, tức ban Văn Chương. Cái việc chọn học ban C là hoàn toàn do tự ý tôi, chẳng một người nào trong gia đình tôi dính dáng đến, và thậm chí biết đến sự kiện này. Lý do đơn giản là tôi vốn dốt toán, cũng như không chịu học Lý-Hóa, từ mấy năm đệ nhất cấp trung học rồi: Thi Trung học đệ nhất cấp, tối hôm trước tôi cầm cuốn toán đệ Tứ, giở đại ra trúng phần nói về Tổng-Tích, tôi đọc cho thuộc, hôm sau đề thi ra đúng Tổng-Tích, tôi mới may mắn không bị trượt.
Và một chuỗi may mắn cứ thế theo tôi tiếp tục: Tú tài I, tú tài II tôi đều đậu ngay kỳ đầu, mặc dù chỉ hạng thứ. Vừa qua được cửa ải Tú tài II, tôi khấp khởi mừng rằng mình sẽ được rảnh rang đến ít nhất hai tháng rong chơi. Ai ngờ khi về “báo cáo” kết quả thi đậu, ông cụ thân sinh ra tôi “phán”:
-Trong nhà ta thế nào cũng phải có một người học ngành Y. Anh biết không?
-Dạ.
-Bây giờ đến lượt anh rồi đấy.
-Cậu bảo sao?
-Anh sửa soạn ghi danh học Y đi là vừa!
Tôi choáng cả người: Tôi tú tài ban C thì làm sao sang học Y cho nổi! Cái học ngày nay khác xưa quá rồi, nhưng ông cụ chẳng cần tìm hiểu gì. Và cái nếp nhà tôi xưa nay là người trên chỉ “ phán” ra, người dưới cứ thế mà tuân theo, chưa một ai dám có ý kiến ngược lại bao giờ cả.
Tôi bất đắc dĩ lên cầu cứu ông bác đang hành nghề y sĩ. Mặc dù thương cháu lắm nhưng ông bác cũng lắc đầu: “Trong anh chị em,bố cháu vốn là người nghiêm khắc và nóng tính nhất.Đến bác trước giờ vẫn phải e dè... Chỉ còn có một cách là cháu phải tuân theo lời ông ấy trước đi đã, rồi sau đó thủng thẳng bác tìm dịp lựa lời nói vào cho, được phần nào hay phần nấy. Chứ bác cũng không dám hứa chắc đâu!”
Thôi thế là kỳ nghỉ hè năm 1961, thay vì thoải mái vui chơi, tôi phải ngày đêm bù đầu học lại cho thông các chương trình toán-lý-hóa ba năm đệ nhị cấp trung học. Ghi vào P.C.B., luôn luôn lúc nào cũng đông nghẹt cả mấy trăm người chen lấn nhau học, thầy cô giảng toàn bằng Pháp ngữ: Ban đầu nghe như vịt nghe sấm! Phải tìm cours (cũng đa số bằng pháp văn) rồi chúi mũi tra tự điển, đọc ngày đọc đêm. Cũng may thêm nữa là ba năm đệ nhị cấp, năm nào học trò chúng tôi đã giao hẹn nhau mua ít nhất mỗi đứa hai quyển sách ngoại ngữ (nhất là sách truyện pháp văn) rồi chuyền tay nhau mà xem, nên khi qua được ngưỡng cửa tú tài thì khả năng đọc anh văn-pháp văn của bọn chúng tôi cũng tạm khá.
Nhờ đọc cours bổ túc và chăm đi nghe giảng, vài tháng sau tôi chật vật lắm mới theo kịp, ít nhất là hiểu được đại cương dàn bài của từng môn. Cuối năm thi tuyển, tôi đứng hạng chót được vào năm thứ nhất, tôi liền nài nỉ ông bác nói khó với bố tôi cho tôi khỏi phải học tiếp ngành Y. Nghe ông bác tỉ tê: Thực sự cố công học Y nhưng tôi lại có khiếu văn chương(!).., bố tôi ngoài mặt vẫn còn sắc giận nhưng có lẽ một phần vị nể ông anh, một phần cũng thấy tôi quần quật học lấy học để thật sự, nên ông cụ im lặng lờ đi luôn, chứ không gắt ầm lên như thường lệ. Thoát nợ, tôi mới dám hớn hở sang Văn Khoa bắt đầu từ niên học 62- 63.
Như thế, rõ rệt năm 61-62 là năm tôi khốn khổ nhất trong suốt thời kỳ học hành của tôi: Năm đó tôi bắt buộc phải chúi đầu vào một vùng không gian hoàn toàn tối đen những môn học tôi chán ghét nhất, trong một tâm trạng luôn luôn u uất chưa từng có trong đời. Sau khi vứt bỏ được năm học đó ra khỏi ký ức, tôi đã quên bẵng hẳn đi ngay cái niên khóa ấy, như đục bỏ đi một thứ gì mà mình không hề muốn hiện diện trong đời sống của chính mình!
Nhưng bây giờ thì vị giáo sư người da đen Racoto Féringa đang thực sự là đại diện cho cái năm học 61-62 “đau đớn” nhất của tôi: Bà vốn là hình ảnh hiền hòa đáng yêu mến mà tôi muốn nhớ đến nhất, cho cái thời học hành xa xưa đó.
Thế thì người bạn tôi vẫn còn quên tên kia,người bạn mà nhờ anh chúng tôi mới có dịp gợi nhớ lại bà giáo sư Racoto ấy, gợi nhớ cả một thời lận đận quá khứ, tôi hiện giờ rất muốn được gặp lại người bạn này./.
(Trích tuyển tập HỐT MỘT THANG, Việt Hưng xuất bản 2006).