Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Nói về tiếng Việt: Bác Sĩ, Tiến Sĩ, Thạc Sĩ…

 Nguyễn Văn Đạt

1. Nói về tiếng Doctor ở Mỹ:

          1. 1. Trước hết, mặc dù chữ Doctor có nguồn gốc từ chữ Teacher, không ai gọi Teacher là Doctor, ngoại trừ trường hợp người Teacher đó có bằng cấp có chữ Doctor. Thí dụ như Teacher Jill Biden được gọi là Doctor vì bà ta có bằng cấp Doctor of Education.

          1. 2. Tất cả những ai có bằng cấp có chữ “Doctor”, trong bất cứ ngành nào cũng đều có thể được gọi là Doctor. Ngoại trừ một vài trường hợp chẳng hạn như bằng cấp Juris Doctor. Thí dụ như Joe Biden có bằng cấp Juris Doctor nhưng không ai gọi Joe Biden là Doctor (trong khi Jill Biden có bằng cấp Doctor of Education thì được gọi là Doctor). Barack Obama và Michele Obama đều có bằng cấp Juris Doctor nhưng không ai gọi họ là Doctor cả.

          1. 3. Thông thường, tiếng “Doctor” được hiểu ngầm là nói tắt của tiếng Medical Doctor. Thí dụ như trên một chuyến bay (đang ở trên không) có người bị ngất xỉu, tiếp viên hàng không hỏi trên máy bay có ai là Doctor hay không (để nhờ giúp bệnh nhân kia) thì những người có bằng cấp Doctor như Jill Biden không lên tiếng, vì họ biết rằng tiếng Doctor ở đây là nói tắt của tiếng Medical Doctor mà thôi, không ám chỉ những Doctor khác.

          1. 4. Nếu nói về các chương trình học ở các đại học Mỹ để được cấp bằng có chữ “Doctor” thì rất dài dòng; càng đi vào chi tiết thì càng dễ bị sai sót vì mỗi ngành mỗi khác, và mỗi trường mỗi khác cho từng ngành… Một chi tiết đúng cho ngành nầy có thể không đúng cho ngành khác. Ngay cả trong cùng một ngành, chi tiết đúng cho trường nầy có thể không đúng cho trường khác. Ngay cả trong cùng một ngành của cùng một trường cũng có các trường hợp khác nhau. Thí dụ như School of Public Health ở Havard University có chương trình Doctor of Public Health (Dr. PH) mà cũng có chương trình Ph.D (in Public Health).

2. Nói về tiếng Việt (Bác Sĩ, Tiến Sĩ, Thạc Sĩ):

          2. 1. Nói chung (vì có những trường hợp ngoại lệ) thì tiếng Bác Sĩ thời VNCH được dùng để nói về Bác Sĩ Y Khoa (giống như tiếng Doctor của Mỹ thông thường được dùng để chỉ Medical Doctor, xin xem mục số 1. 3 ở trên). Trong khi đó chữ Tiền Sĩ được dùng để gọi những người có bằng cấp có chữ “Doctor” nhưng không phải trong ngành Y học (thí dụ như bằng Ph.D, Dr.PH, Ed.D…).

Đó là lý do tại sao người Việt chúng ta gọi ông Anthony Fauci là Bác Sĩ Fauci (vì ông nầy có bằng cấp Medical Doctor) và gọi ông Henry Kissinger là Tiến Sĩ Kissinger (vì ông nầy có bằng Ph.D). Trong khi ở Mỹ cả hai đều được gọi là Doctor (Doctor Fauci và Doctor Kissinger).

          2. 2. Đúng như các ông/bà Nguyễn Dương (Jean Aimarre) và Dinh Nguyen đã vạch ra, thời VNCH chữ Thạc Sĩ được dùng để chỉ những người có bằng cấp cao nhất trong ngành của họ, thường thường tốt nghiệp ở Pháp (Thạc có nghĩa là rộng/cao). Thời VNCH có rất ít người được gọi là Thạc Sĩ, và học vị Thạc Sĩ thời đó được coi là có uy tín không thua kém Tiến Sĩ nếu không muốn nói là hơn cả Tiến Sĩ.  Thí dụ như Thạc Sĩ Vũ Quốc Thúc, sinh năm 1920, đậu bằng thạc sĩ (kinh tế học) ở Pháp năm 1950, cùng lúc và cùng trường với cựu Thủ Tướng Pháp Raymond Barre. Trước năm 1975 Thạc Sĩ Vũ Quốc Thúc từng giữ các chức vụ như Bộ Trưởng Giáo Dục, Giám Đốc Ngân Hàng QGVN, Khoa Trưởng trường Đại Học Luật Khoa, Quốc Vụ Khanh đặc trách tái thiết, kinh tế….  Sau năm 1975 ông sang định cư ở Pháp và làm giáo sư kinh tế học ở Đại Học Paris cho đến lúc nghỉ hưu năm 1988. Thí dụ dài dòng nầy là để cho thấy rằng học vị Thạc Sĩ thời VNCH không thấp hơn bất cứ học vị nào khác.

          2. 3. Sau năm 1975 tiếng Việt có nhiều thay đổi. Một số thay đổi là do tiếng Việt là một “Sinh Ngữ” nên sự thay đổi theo thời gian là một chuyện đương nhiên. Tuy nhiên có nhiều những thay đổi là do sự thiếu hiểu biết nên dùng chữ sai, hay nói đúng hơn là không biết dùng chữ nào cho đúng để diễn tả ý mình nên dùng đại chữ nào mình đã học lóm được nên dùng không đúng chỗ. Đây là một chuyện dài vô tận nên chúng ta không bàn ở đây.  Xin trở lại chữ Thạc Sĩ. Ngày nay người VN dùng chữ Thạc Sĩ để chỉ những người có bằng cấp tương đương với bằng Master của Mỹ, tức là có học một hay hai năm sau chương trình đại học. Trong thời VNCH chúng ta gọi học vị này là Cao Học. Thời VHCH, nhiều trường đại học ở VN có các chương trình Cao Học, tương đương với chương trình Master ở Mỹ. Và cũng có vài trường có cả chương trình Tiến Sĩ, như trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn có cấp bằng Tiến Sĩ (hình như gọi là Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp, tương đương với một bằng Tiến Sĩ ở Pháp).

          2. 4. Sau năm 1975, ở VN không những học vị Thạc Sĩ đã bị “xuống cấp” mà còn có các học vị khác cũng bị cùng chung số phận.  Thí dụ như thời VNCH các trường cao đẳng (đào tạo kỹ sư) được xem là rất có uy tín so với các trường đại học văn khoa, luật khoa, khoa học (đào tạo cử nhân). Vì muốn vào các trường cao đẳng thì phải qua các cuộc thi tuyển khó khăn, có khi với hàng ngàn thí sinh mà chỉ tuyển chọn có năm ba chục sinh viên (thí dụ như các trường cao đẳng Công Chánh, Điện Học, Hoá Học… ở Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ), trong khi với các trường đại học văn khoa, luật khoa, khoa học thì chỉ cần ghi danh sau khi đã đậu Tú Tài là được học. Nếu làm việc cho chính phủ thì chỉ số lương cho Kỹ Sư cũng cao hơn so với Cử Nhân (chỉ số 470 thay vì 430).

Ngày nay ở VN chữ Cao Đẳng được dùng để chỉ những trường đào tạo các sinh viên chi học 2 năm sau bậc trung học (tương đương với các trường Community College nhỏ ở Mỹ). Học vị cao đẳng ngày nay thấp hơn học vị cao đẳng thời VNCH rất nhiều. Có thể nói học vị cao đẳng ở VN ngày nay chị tương đương với học vị Cán Sự hay Kiểm Sự thời VNCH (lúc đó chỉ số lương là 350).

Nguyễn Văn Đạt