Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Từ ngôi làng hẻo lánh Phước Lâm đến Viện hàn lâm quốc gia NAE Hoa Kỳ

 

Nguyễn Thục Quyên



Tôi xin chào các quý ông bà, và các bạn ! Tôi rất vui được có mặt ở đây hôm nay để chia sẻ câu chuyện của mình với các bạn. Trước khi bắt đầu, tôi muốn cảm ơn cô Phượng Bùi đã tổ chức buổi hội thảo “ Phụ nữ Việt Nam : sáng tạo và kết nối ” tuyệt vời này để nêu bật những câu chuyện của phụ nữ Việt Nam. Tôi cũng muốn cảm ơn sự hỗ trợ từ viện Collège de France.


Lớn lên ở Việt Nam (1970-1991)


Gia đình Tôi có 5 anh chị em tại một thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tôi sinh ra và lớn lên trong những năm cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam. Tôi nhớ những viên đạn thắp sáng bầu trời vào ban đêm và chạy đến hầm tránh bom mỗi khi nghe thấy tiếng còi báo động. Sau năm 1975, ngôi nhà của gia định tôi đã bị cháy trong chiến tranh và gia đình tôi mất tất cả mọi thứ. Cha tôi đi cải tạo, anh chị em tôi theo mẹ đi vùng kinh tế mới ở một ngôi làng hẻo lánh (Phước Lâm). Tôi và các anh chị em của tôi lớn lên trong cảnh nghèo đói và thiếu những nhu cầu cơ bản như điện, thực phẩm, quần áo, nước uống, v.v.

Trước năm 1975, Mẹ tôi là một giáo viên dạy toán nhưng thời gian ở Phước Lâm, Mẹ chưa xin đi dạy được. Tôi nhớ Mẹ bán cái nhẫn cưới và cái đồng hồ Bố tặng. Mẹ chỉ đủ tiền mua chục tấm tôn cũ và mấy miếng cói để xây một căn nhà nhỏ gần bờ sông. Mẹ không đủ tiền mua xi măng để tráng nền nhà nên nền nhà bàng cát. Con nít chúng tôi thì rất thích chơi với cát ở trong nhà không cần ra biển.

tq1
Buôn Mệ Thuột, Phước Lâm...


Mẹ tôi bươn chải kiếm sống và nuôi 5 người con ăn học. Anh trai tôi 7 tuổi và em út tôi 9 tháng. Tôi nhớ đã thấy mẹ tôi hay khóc. Mẹ tôi học cách làm bánh đa và bà đi bộ đến chợ Phước Tỉnh để bán rồi dùng tiền để mua thức ăn cho chúng tôi. Một hôm có một người đi xe máy say rượu ngã vào sọt và làm vỡ bánh đa. Đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi vì tôi được ăn những chiếc bánh đa dòn tan thơm mùi mè đen. Tôi ăn nhưng không thấy Mẹ ăn, tôi đưa Mẹ một miếng lúc đó tôi nhận ra là Mẹ tôi đang khóc. Tôi hỏi mẹ “ Sao mẹ lại khóc ? Mẹ có bị đau không ? ”. Mẹ lau nước mắt và nói : “ Mẹ không sao. Con cứ ăn bánh đi và để lại cho anh chị em một ít.” Mãi mấy năm sau tôi lớn lên mới hiểu vì sao ngày hôm đó mẹ tôi lại khóc “ bánh đa bể, mẹ không bán được, có nghĩa là không có tiền mua thức ăn cho anh chị em tôi ngày hôm đó ”.

Sau một thời gian, Mẹ về Ban Mê Thuật xin lại giấy chứng nhận để về tỉnh Đồng Nai xin dạy học lại. Gia đình chuyển từ làng này sang làng khác tùy theo nơi nào cần giáo viên dạy toán nhưng lương giáo viên không đủ nuôi gia đình. Chúng tôi thiếu ăn mỗi ngày nên thường vô các lớp học lục những ngăn bàn kiếm đồ ăn mà người ta bỏ đi để ăn. Có những mẩu bánh mì khô queo, kiến bu đầy, chúng tôi cứ vỗ bánh mì lên mặt bàn cho đến khi kiến bỏ đi hết rồi chúng tôi mới ăn. Đến giữa năm 1980, Bố tôi được về nhà. Có Bố về, Bố dạy nhạc cho ca đoàn, rồi làm ruộng, vẽ bảng hiệu. Mẹ thì nhận thêu quần áo. Ngoài giờ học, anh chị em tôi làm công việc nhà, nấu ăn, tôi và anh trai phụ Bố vẽ bảng hiệu, bán bia hơi. Tôi giúp Mẹ thêu áo cho khách hàng. Bố tôi rất nghiêm khắc. Bố dạy chị em tôi là một người con ngoan và chuẩn bị cho chúng tôi là một người vợ và một người mẹ tốt trong tương lai. Bố tường nói “ Bố Mẹ đặt đâu con ngồi đó, Bố Mẹ nói đúng hay nói sai gì cũng phải nghe không được nói lại.” Khi tôi 15 tuổi, một vài người trong làng có con trai tới nhà tôi chơi để coi tôi cho con trai họ. Có một lần, họ tới nhà nhưng Bố Mẹ tôi không có nhà. Tôi ngồi trên ghế ở phòng khách, họ nhìn tôi chằm chằm và bình phẩm “ da đen quá, mũi hơi tẹt, gầy quá…” Tôi nhớ rất rõ cảm giác bị xúc phạm vì bị coi như là một món đồ chứ không phải là con người. 

Học ở trường làng không đủ giáo viên nên không có môn ngoại ngữ. Đến năm lớp 11, gia đình tôi dọn qua Vũng tàu. Bố có một người chị chủ tiệm phở Thiện Lợi ở Vũng Tàu. Bác tôi là người gia đình tôi mang ơn rất nhiều. Khi Bố tôi ở trung tù cải tạo, mỗi tháng Bác gánh đồ ăn, thuốc men vô nuôi Bố tôi. Không chỉ tiếp tế cho Bố trong tù, mỗi tháng Bác cho Mẹ gạo, thịt, nước mắm, và tiền để nuôi chúng tôi. Bác cho gia đình tôi mượn vốn để mở tiệm phở và chỉ cho Bố tôi nấu phở. Cực lắm nhưng đỡ hơn ở trong làng. 4 giờ sáng chúng tôi phải dạy chuẩn bị rồi. 6g30 sáng, tôi đi học nhưng nhà nghèo, không có xe đạp để đi tới trường, tôi thường đứng trước nhà để đi quá giang các bạn học chung trường. Hôm nào ra trễ, họ đi hết thì tôi phải nghỉ ở nhà. Học trung học, tôi chỉ khá môn văn học và lịch sử. Tôi cũng thích môn hoá học nhưng không khá vì bận phụ giúp gia đình tôi không có đủ giờ học bài. 

Đến năm 1990, Bố nghe từ những người bạn về chương trình HO của chính phủ Mỹ đưa những người sĩ quan chế độ trước và gia đình họ qua Mỹ định cư. Bố mới nộp đơn. Trong vòng một năm gia đình tôi được gọi đi phỏng vấn và đến giữa tháng 6 năm 1991, gia đình tôi rời Việt Nam.


Định cư ở Mỹ (1991 – Hiện nay)


Khi tới Mỹ, tôi 21 tuổi. Mỗi chúng tôi có vài bộ quần áo, và cả gia đình có vài trăm đô la và biết vài chữ tiếng Anh. Thời gian đầu ở Mỹ, gia đình tôi rất cực. Tôi từng nhiều lần khóc đòi về Việt Nam vì không nói được tiếng Anh cũng như không quen thuộc phong tục tập quán Mỹ. Khó khăn nhất là ngôn ngữ, đi đâu cũng phải nhờ người thông dịch. Nhiều lúc tôi bị coi thường vì không biết tiếng Anh và nghèo có những người chế nhạo tôi vì tôi phát âm tiếng Anh sai.

Tôi quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đi học tại ba trường ở ba thành phố mỗi ngày. Cứ sáng, chiều, tối, mỗi buổi học ở một trường. Mỗi ngày tôi xem tin tức trên đài truyền hình Mỹ để tập nghe. Tháng 9.1993, tôi xin vô học Santa Monica College. Tôi tham gia bốn lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài. Tôi học ngày đêm, rồi tới những trung tâm dạy kèm sinh viên miễn phí trong trường để học thêm. Sau một năm thì tôi được vô học chính thức như những sinh viên khác... Thấy bố mẹ làm việc vất vả trong nhà hàng và ở hãng may, tôi không cho phép bản thân thất bại. Để có tiền đi học, tôi cũng làm thêm trong nhà hàng, tiệm nail, thư viện của trường và tôi mượn tiền của chính phủ để đi học. Thời gian đó tôi chỉ nghĩ càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Chính vì những khó khăn trong cuộc đời là động lực lớn nhất thúc đẩy tôi cố gắng nhiều hơn. Triết lý của tôi là tôi không nổi giận hay nói nhiều mà tôi muốn cho mọi người thấy những gì tôi có thể làm.


Học hành (1993 – 2001)


Con đường đến với khoa học của tôi rất khác so với những nhà khoa học khác. Tôi vốn yêu thích lịch sử thế giới và văn học, thích địa lý nhưng ngặt nỗi khi sang Mỹ để theo các môn đó phải đọc sách rất nhiều mất rất nhiều thời gian tra từ điển. Vậy là tôi chuyển sang lớp toán, rồi hoá học rồi sinh học. Sau đó, tôi dần trở nên hứng thú với hóa học và bắt đầu theo đuổi con đường này.

tq2

Tháng 9/1995, tôi xin chuyển lên Đại học California, Los Angeles (UCLA) và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Tôi đứng rửa dụng cụ nhưng mắt theo dõi những người làm thí nghiệm. Mùa hè năm 1996, tôi xin người quản lý phòng thí nghiệm cho tôi làm nghiên cứu nhưng bà trưởng phòng không cho tôi làm. Thích thú với công việc nghiên cứu, nhưng tôi không được nhận vì tiếng Anh tôi không giỏi. Họ bảo với tôi rằng nghiên cứu không phải chuyện ai cũng làm được, rồi khuyên tôi nên tập trung vào việc học tiếng Anh trước. Rất buồn vì bị coi thường nhưng tôi không nản chí, thậm chí nhờ vậy mà tôi cố gắng nhiều hơn. Qua đây tôi muốn nhắn nhủ cho những bạn trẻ rằng : “ không ai có thể ngăn cản bạn thực hiện ước mơ của mình. Cố gắng và đừng từ bỏ cuộc dễ dàng ”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học vào năm 1997, tôi nộp đơn học cao học và chỉ một năm sau đã có bằng thạc sĩ ngành Lý-Hóa. Tôi quyết định học tiếp lên tiến sĩ và trong năm cuối của chương trình, trở thành một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia, Los Angeles, được trao học bổng cho Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất.

Tháng 6/2001, tôi nhận bằng tiến sĩ, trước cả những sinh viên trong phòng thí nghiệm nơi tôi từng phải rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Tháng 9 năm 2001, Tôi làm nghiên cứu ở Trường Đại học Columbia ở New York. Trong thời gian này tôi cũng làm hợp tác với những khoa học gia ở IBM ở Yorktown Heighs, Tiểu bang New York. Tôi chính thức giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) từ hè năm 2004.

Kể nhiều như thế không phải để chứng minh tôi giỏi hơn người. Thế giới rộng lớn, ngoài kia chắc chắn có người giỏi hơn tôi, mà để tôi muốn nói rằng, tôi vừa học tiếng Anh vừa hoàn thành chương trình đại học, thạc sĩ và thậm chí tiến sĩ trong thời gian ngắn là vì tôi có rất nhiều động lực so với những sinh viên khác. Động lực của tôi là muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn ngoài niềm đam mê khoa học.


Sự nghiệp nghiên cứu (2004 – Hiện nay)


Khi trở thành giáo sư ở Mỹ, việc tự xây dựng một phòng thí nghiệm từ căn phòng trống đến gây quỹ để làm nghiên cứu, thành lập đội ngũ, hay điều hành phòng thí nghiệm của riêng mình là thách thức với một giáo sư trẻ. Đó không phải là con đường dễ dàng, đã có lần tôi khóc vì bị đồng nghiệp cấp cao bắt nạt tôi, tôi cũng từng nghĩ đến việc bỏ cuộc và chỉ đi dạy học. Thường tôi khóc một hai ngày rồi tôi tự nhủ, tôi đã cố gắng rất nhiều, tôi sẽ không bỏ cuộc chỉ vì một đàn anh hoặc cấp trên nào đó. Bên cạnh việc giảng dạy và nghiên cứu, tôi còn giúp đỡ nhiều nữ sinh viên trẻ, các nữ khoa học và các nữ giáo sư trên khắp thế giới trong sự nghiệp của họ. Cho tới bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn đi theo con đường khoa học. Tôi cho rằng, làm khoa học là một vinh dự  và là đặc quyền vì tôi luôn học hỏi những kiến thức mới. Các nhà khoa học có quyền tự do làm nghiên cứu bất cứ điều gì họ muốn miễn là họ có gan làm.

Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong của sự nghiệp. Là một người trẻ, lại là phụ nữ đến từ Việt Nam, việc nhận được lời mời thuyết giảng ở các hội nghị quốc tế rất hiếm. Để được công nhận, tôi phải chứng minh bằng sự đóng góp nỗ lực của mình trong lĩnh vực bán dẫn hữu cơ và điện tử hữu cơ. Các nghiên cứu của tôi xoay quanh tính chất quang học và điện của chất nhựa liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ, vật lý thiết bị của pin mặt trời hữu cơ, bóng bán dẫn, bộ tách sóng quang, và điện tử sinh học.

Lý do tôi chọn hướng nghiên cứu vật liệu mới cho ứng dụng pin mặt trời hữu cơ là vì suốt 16 năm thời thơ ấu lớn lên trong cảnh không có điện ở quê nhà nên mối quan tâm đặc biệt đến năng lượng mặt trời luôn ở trong tiềm thức của tôi.

Làm khoa học đã khó nhưng nữ giới làm khoa học lại càng khó hơn.  Nữ giới làm khoa học rất vất vả vì về nhà họ còn phải chăm lo cho gia đình, làm nội trợ, lo cho chồng… ngoài việc làm nghiên cứu, giảng dạy. Họ thường bị thiếu ngủ, thường xuyên vội vã, không có thời gian cho bạn bè, không có thời giờ lo cho bản, không được gặp bố, mẹ, anh, chị, em… Phụ nữ làm khoa học phải làm việc chăm chỉ và tốt hơn rất là nhiều để mà có được sự công nhận giống như là các đồng nghiệp nam ; ở nhiều nước, tiền lương của nữ khoa học lại thấp hơn so với nam giới làm chung trong các cấp bậc, trong các nghề nghiệp giống nhau…

Đến nay tôi đã có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Tôi đã hướng dẫn 167 sinh viên, khoa học gia vfa giáo sư làm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu của Tôi được đánh giá cao trong cộng đồng OPV (organic photovoltaics / quang điện hữu cơ) và điện tử hữu cơ và được minh chứng qua số lượng trích dẫn lớn : 3 chương sách, 293 bài báo được giới thiệu nhận được hơn 36.000 lượt trích dẫn và hệ số H của Google Scholar là 97. Mỗi năm, Tôi nhận được rất nhiều thư mời đi thuyết trình ở các hội nghị, trường đại học và công ty trên thế giới (trên 300 bài thuyết trình).

Sự gia tăng tiêu thụ năng lượng toàn cầu và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng đã dẫn đến biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế là nhu cầu cấp thiết. Ánh sáng mặt trời cho đến nay là nguồn năng lượng dồi dào nhất trên Trái đất và nếu được thu hoạch, có thể giải quyết nhu cầu năng lượng trong tương lai. OPV có thể cung cấp các nguồn năng lượng thay thế chi phí thấp, diện tích lớn, linh hoạt, nhẹ, sạch và yên tĩnh cho các ứng dụng trong nhà và ngoài trời. Hiện tại, các tòa nhà tiêu thụ khoảng 40% năng lượng toàn cầu, do đó, có một nhu cầu cấp thiết là thiết kế các tòa nhà tiết kiệm năng lượng hoặc thậm chí tốt hơn là các tòa nhà tự sản xuất ra năng lượng. OPV có trọng lượng nhẹ (mỏng hơn 1.000 lần so với PV silicon) và bán trong suốt, đồng thời có thể được thiết kế thành nhiều kích cỡ, hình dạng và màu sắc khác nhau, đồng thời ngăn chặn tia UV trong khi truyền ánh sáng khả kiến. Các OPV linh hoạt có thể được bọc xung quanh bên ngoài tòa nhà hoặc phủ lên cửa sổ kính để tạo ra điện cho bộ điều khiển nhiệt độ và chiếu sáng trong nhà, điều không thể thực hiện được với các tấm silicon (Si) mờ đục thông thường. Hơn nữa, chúng thân thiện với môi trường hơn rất nhiều khi được sản xuất thông qua các phương pháp xử lý dung dịch ở nhiệt độ phòng như in, sơn cuộn, phun, v.v. và cài đặt nhanh chóng và đơn giản. OPV cũng có thể được lắp đặt trong các tòa nhà, cấu trúc, mái nhà hiện có không thể hỗ trợ các mô-đun Si nặng. Do đó, OPV là giải pháp lý tưởng cho các tòa nhà chọc trời và cao ốc sử dụng năng lượng bằng không để giảm lượng khí thải carbon.

Một ứng dụng quan trọng khác của OPV là tạo ra điện cho nhà kính. Canh tác trong nhà kính cung cấp trái cây và rau quả quanh năm và có thể giúp tăng nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Nó có một số lợi thế bao gồm năng suất cây trồng cao hơn, kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại, bảo vệ khỏi hạn hán và thời tiết xấu ; tuy nhiên, nó có chi phí vận hành cao do cần chạy bộ điều khiển nhiệt độ. OPV bán trong suốt có thể được thiết kế để hấp thụ tia cực tím hoặc tia hồng ngoại gần và truyền ánh sáng nhìn thấy được để thực vật quang hợp.


Giải thưởng

tq3

Trong sự nghiệp khoa học, Tôi đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Tôi là một trong số ít nhà khoa học nữ 5 năm liền được vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (HCR).

2005 - Giải thưởng Nhà Nghiên Cứu Trẻ của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (Office of Naval Research Young Investigator Award)

2006 - Giải thưởng Quỹ Khoa học Quốc gia CAREER

2007 - Giải thưởng Harold Plous

2008 - Giải thưởng Học giả – Giáo viên Camille Dreyfus

2009 - Giải Nghiên cứu viên Alfred Sloan năm

2010 - Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực Cạnh tranh Hoa Kỳ của Quỹ Khoa học Quốc gia

2015 - Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt Foundation của Đức

2016 - Giải Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh

2015, 2016, 2017, 2018, và 2019 - Trí tuệ Khoa học có Ảnh hưởng nhất Thế giới năm

Top 1% Nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được Trích dẫn Nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.

2019 - Thành viên của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ (AAAS)

2019 - Được chọn vô “ Hall of Fame ”của tạp chí Advanced Materials

2019 - Thành viên của Trường St John’s, Đại học Cambridge

2020 - Giải thưởng Xuất sắc của UCSB về hướng dẫn cho Sinh viên làm nghiên cứu

2021 - Được chọn bởi tạp chí Advanced Materials một trong những nữ khoa học xuất sắc trong ngành khoa học Vật Liệu

2023 -  Huân chương của Wilhelm Exner, tôi là người Việt Nam đầu tiên được đề cử và nhận giải thưởng cao quý có hơn 100 tuổi đời của Hiệp hội Thương mại Áo.

2023  -  Thành viên của Viện Hàn Lâm Quốc Gia Khoa học Kỹ thuật  Hoa Kỳ (NAE)

Tháng 2 năm 2023, Tôi rất vinh dự là một trong 124 thành viên được Viện Hàn Lâm Quốc Gia Khoa học Kỹ thuật Hoa Kỳ (NAE) kết nạp làm viện sĩ. NAE có 2420 thành viên người Mỹ và 319 người nước ngoài. Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1964, với sứ mệnh thúc đẩy sự thịnh vượng của đất nước, thông qua việc thúc đẩy các nhóm ngành kỹ thuật, đưa ra tư vấn chuyên môn cho chính phủ trong những vấn đề kỹ thuật và công nghệ. 

Theo quy định của Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ, một đề cử ứng cử viên cho thành viên phải được thực hiện bởi một thành viên của Học viện, với các tài liệu tham khảo hỗ trợ từ ba thành viên khác. Sau đó, hồ sơ của một ứng viên mới sẽ do chính các viện sĩ hiện tại đánh giá và bỏ phiếu. Để được kết nạp, ứng viên cần chứng tỏ khả năng lãnh đạo, không chỉ nghiên cứu và dạy học trong phạm vi tổ chức của mình mà còn phải đóng góp cho xã hội, cộng đồng khoa học trong và ngoài nước. 

Thú thật là tôi cũng chưa từng mơ ước hay tưởng tượng được rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành viện sỹ của Viện Hàn Lâm Quốc Gia Khoa học Kỹ thuật Hoa Kỳ.

Tôi vô cùng vinh dự bởi vì đó là một trong những sự công nhận cao nhất từ đồng nghiệp và đây cũng là sự ghi nhận cho nhiều năm lao động sáng tạo và cống hiến của mình và nhóm nghiên cứu của mình trong lĩnh vực khoa học. Nói chung là tôi không thể làm việc này một mình được mà có cả một nhóm nghiên cứu của tôi, những sinh viên, tiến sĩ và cộng tác viên đã làm việc chung với tôi. Ở cấp độ cá nhân thì không có từ ngữ nào có diễn tả được cảm giác của tôi trước sự công nhận này bởi vì tôi đã vượt qua nhiều thử thách và khó khăn trong cuộc sống và việc làm để có thể có ngày hôm nay.

Tôi không chỉ hoàn thành ước mơ của riêng bản thân mình mà còn là cho cả mẹ tôi nữa, cho cả những người phụ Việt Nam và phụ nữ trên thế giới vì những giấc mơ của họ bị tan vỡ vì những thử thách trong cuộc sống và lo toan cho gia đình họ. Như mẹ tôi từng ước mơ được học đại học và được trở thành nữ bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của thành phố Buôn Ma Thuột, nhưng rồi mẹ tôi kết hôn năm 18 tuổi rồi sau đó có năm đứa con nên thành thử ước mơ của mẹ tan thành mây khói. Đằng sau sự thành công này có rất nhiều nước mắt nhưng “có công mài sắt có ngày nên kim”.


Hoạt động nghiệp vụ :


Từ năm 2018, Tôi là Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) tại UCSB. CPOS được thành lập vào năm 1982 bởi người đoạt giải Nobel Alan Heeger. Mục tiêu của trung tâm là thúc đẩy các hoạt động giáo dục và nghiên cứu trên toàn cầu, tạo điều kiện hợp tác quốc tế, đào tạo thế hệ các nhà khoa học và kỹ sư tiếp theo có kỹ năng lãnh đạo quốc tế trong nghiên cứu Vật liệu. 

Năm 2020, Tôi giúp thành lập Quỹ VinFuture được trao hàng năm cho những nhà khoa học và nhà sáng chế trên toàn cầu, có những thành tựu đột phá. Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu, Tôi nỗ lực đóng góp cho cộng đồng khoa học toàn cầu. Tôi từng là thành viên của nhiều ủy ban khác nhau : biên tâp viên khoa học của Materials Horizons 10 năm (Hiệp hội Hóa học Hoàng gia, RSC), thành viên ban cố vấn cho nhiều tạp chí khoa học, giúp tổ chức 29 hội nghị và hội thảo quốc tế.


Lời khuyên cho các bạn trẻ, nhất là phụ nữ


Tôi có một số lời khuyên cho bạn trẻ, là hãy có niềm tin vào bản thân. Khi bạn có ước mơ, hãy biến nó thành sự thật, đừng để mọi người làm bạn thay đổi ý kiến và từ bỏ ước mơ của mình. Khi bạn vấp ngã trong cuộc đời, có thể khóc một vài ngày nhưng sau đó suy nghĩ nguyên do mình vấp ngã để biến sự vấp ngã thành một kinh nghiệm sống. Bạn cần phải có trách nhiệm với chính bản thân, hành động và cuộc đời mình. Điều quan trọng là phải rèn luyện trí óc của bạn để trở nên mạnh mẽ hơn. Đừng ngại nhờ mọi người giúp đỡ khi bạn cần sự giúp đỡ. Không có quy tắc nào viết rằng bạn phải hành động một mình. Không phải tất cả những người bạn hỏi sẽ giúp bạn nhưng luôn có một số người sẽ làm giúp bạn. Luôn học hỏi từ những người khác. Ông Bà mình có câu “người khôn là người biết nghe”!...


khtq
Nguyễn Thục Quyên (phải) và Vũ Kim Hạnh (trái), 8.6.2023


Phương châm sống của tôi là mình chỉ có một cuộc đời để sống nên hãy sống thật tốt và thật ý nghĩa, mình có thể làm gì để giúp đỡ người khác và có ích cho xã hội, hãy làm những gì bạn yêu thích, trân trọng những gì bạn có và đừng quên tận hưởng vẻ đẹp xung quanh bạn, tử tế và tôn trọng những người xung quanh, đối xử với mọi người theo cách bạn muốn được đối xử, yêu mến, quý trọng và dành thời gian cho gia đình của bạn.

Tôi xin cảm ơn quý khán giả đã bỏ thời giờ để nghe lời chia sẻ của tôi hôm nay.

Nguyễn Thục Quyên



NGUỒN : Bài phát biểu tại Hội thảo “ Phụ nữ Việt Nam : sáng tạo và dấn thân ”
tại Collège de France ngày 8.6.2023, tác giả cho phép Diễn Đàn công bố (23.6.2023).

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Chợ nổi

 

Chợ nổi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chợ nổi Lok Baintan ở Banjarmasin, Indonesia.

Chợ nổi là một loại hình chợ thường xuất hiện tại vùng sông nước được coi là tuyến giao thông chính. Nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe/thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển. Địa điểm có chợ nổi thường tại các khúc sông không rộng quá mà cũng không hẹp quá. Khúc sông phải tương đối rộng, không cạn quá mà cũng không sâu quá. Nếu sông sâu quá, lớn quá thì không thể neo đậu ghe, xuồng một cách dễ dàng và rất nguy hiểm.

Campuchia[sửa | sửa mã nguồn]

Làng Chợ nổi trên sông ở Tonle Sap ở Campuchia

Ở Campuchia cũng có các chợ nổi họp dọc theo sông Mekong và bên bờ hồ Tonle Sap.

Thái Lan[sửa | sửa mã nguồn]

Chợ nổi ở Thái Lan

Ở Thái Lan có nhiều chợ nổi nổi tiếng.

Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Chợ nổi Cái RăngCần Thơ
Nông sản là hàng hóa phổ biến ở chợ nổi

Ở Việt Nam chợ nổi thường họp ở miền Tây Nam Bộ. Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghethuyềnxuồng của cư dân. Chợ họp cả ngày, nhưng thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây. Nét riêng của các thuyền là trên mỗi thuyền có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm mà mình có bán. Cho nên khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào đó là có thể biết trên thuyền, ghe đó có thứ mình cần hay không.

Chợ nổi Việt Nam có đặc điểm chung là:

  • Chợ là nơi mua bán thật sự của cư dân địa phương, là nơi người dân địa phương trao đổi sản vật, nông sảnthực phẩm, v.v. Khác hoàn toàn với chợ nổi Damnoen Saduak tại Thái Lan[1].
  • Các cửa hàng hay các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, chợ bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này "cây bẹo"[2]. Người bán dùng cây chống ngay trước mũi xuồng, ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những loại nông sản mà mình muốn bán. Chẳng hạn như bán cam thì người ta treo lên vài quả cam; bán xoài thì treo vài trái xoài; bán chuối thì treo nải chuối, bán mía thì dựng lên bó mía... Với cách tiếp thị độc đáo này, những người mua tới chợ từ xa đã quan sát thấy.
Một ghe trái cây đến từ Vĩnh Long
  • Muốn biết các ghe thuyền và các cư dân sông nước đến từ địa phương nào, chỉ cần nhìn vào mạn thuyền, trên thuyền có ghi mã tỉnh được viết tắt bằng 2 chữ cái đầu. Ví dụ, trên thuyền ghi "TG" thì thuyền đó đến từ Tiền Giang. Chợ nổi là nơi tụ họp của rất nhiều cư dân đến từ khắp miền đất nước.

Tuy rằng người dân "treo gì bán đó" thông qua những cây bẹo, tuy nhiên có 3 trường hợp ngoại lệ:

  1. "Cái gì treo mà không bán?" Chính là quần áo. Cư dân chợ nổi thường sinh sống và sinh hoạt ngay trên thuyền, vì thế, quần áo họ thường phơi cả trên thuyền, do đó "mặt hàng" này họ không bán.
  2. "Cái gì bán mà không treo?" Chính là các thuyền bán hàng ăn uống và nước giải khát. Những thứ này không thể treo lên được.
  3. "Cái gì mà treo cái này, bán cái khác?" Chính là treo lá dừa nhưng lại bán thuyền. Người dân muốn bán ghe thuyền của họ thường treo lên thuyền một cây sào, trên đó có gắn một miếng lá dừa.

Một số chợ nổi nổi tiếng ở Việt Nam là:

  • Chợ nổi Cái Bè nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền GiangVĩnh Long và Bến Tre.
  • Chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), Phụng Hiệp là tên của huyện, còn địa điểm họp chợ là giao điểm của bảy nhánh sông…
  • Chợ nổi Châu Đốc (An Giang) gần thị xã Châu Đốc…
  • Chợ nổi Cái Răng: Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5 km theo hướng quốc lộ về tỉnh Sóc Trăng. Tương lai chợ nổi Cái Răng sẽ trở thành chợ trung tâm tự sản tự tiêu lớn nhất vùng.
  • Chợ nổi Phong Điền: Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ 17 km, đây là nơi mua bán sản phẩm miệt vườn.
  • Chợ nổi Long Xuyên: Chợ nổi Long Xuyên nằm cách trung tâm thành phố Long Xuyên chừng 2 km, tuy không nổi tiếng như các khu chợ nổi nhưng đến đây bạn sẽ cảm nhận được sự phong phú của những đặc sản và tình cảm chân thành, mộc mạc của người dân Nam Bộ.
Treo cái này mà bán cái khác, đó chính là treo lá dừa nhưng bán thuyền

Các chợ nổi này hoạt động tự phát từ xưa đến nay, không có sự quản lý hành chính, thu thuế nào một cách chặt chẽ. Chợ nổi tự phát là do những người buôn bán trên sông đã lâu, cùng với những người nông dân làm vườn địa phương và một số người buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương hình thành nên.

Đồng bằng sông Cửu Long là xứ nhiệt đới gió mùa điển hình, trái cây, khoai, củ, rau quả rất đa dạng và phong phú cho nên mùa nào cũng có thể đi mua bán những mặt hàng này được. Từ đó, một số cư dân ở đây hình thành nên thói quen một cách tự phát là đi mua bán các loại trái cây, khoai củ, rau quả lúc nông nhàn hoặc thành nghề truyền từ đời này sang đời khác. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo điều kiện thuận lợi cho xuồng, ghe đi khắp nơi trong đồng bằng. Chính vì ghe, xuồng có thể lưu thông tự do khắp nơi trong đồng bằng như vậy nên thương lái có thể len lỏi mọi ngõ ngách ở đồng bằng tìm mua các loại trái cây, khoai, rau quả mà nông dân, người làm vườn bán tại vườn với số lượng nhiều, giá rẻ.

Các khu vực khác ở Việt Nam không thể có chợ nổi trên sông buôn bán nông sản như vậy, do hệ thống sông ngòi và bị đê bao quanh sông cái ngăn lũ nên ghe, xuồng không thể hoạt động, không thể len lỏi khắp nơi trong đồng bằng được.

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Theo định nghĩa chợ: chợ là nơi mua bán và trao đổi hàng hóa của con người, trong khi đó, chợ nổi của Thái Lan chỉ bán cho khách du lịch và không có hoạt động trao đổi và mua bán giữa cư dân với cư dân địa phương
  2. ^ "Bẹo" ở đây là bẹo hình, bẹo dáng. Vốn cư dân xưa của vùng đất Nam Bộ là những cư dân chưa biết chữ, họ dùng cây bẹo để nói lên cái mà bán, tập tục lưu giữ đến ngày nay
  3.   

          

- Bài 1: Chợ nổi miền Tây Nam Bộ liệu đã hết vai trò?

Văn Kim Khanh | 08/06/2023, 07:34

Ông Nhâm Hùng, người có nhiều nghiên cứu về chợ nổi miền Tây cho rằng “Chợ nổi hình thành đã lâu đời ở vùng đất này. Chợ tự nhiên quần tụ để trao đổi giao lưu hàng hóa trên sông nước, nhưng hiện nay nó đã hết vai trò lịch sử”.

Cũng theo ông Nhâm Hùng, cách nay 200 - 300 năm, vùng đất phương nam giao thông thời bấy giờ chủ yếu là trên sông nước. Vùng đất hoang vu này rất khắc nghiệt qua câu ca dao xưa:

“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn

Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng cọp tha”.

Khi sự đi lại chủ yếu bằng sông rạch thì giao thương trên sông nước thuở ban sơ ấy thông qua chợ nổi trên sông, là chuyện tất nhiên.

cn-cai-rang-mew.jpg
Chợ nổi Cái Răng trước kia - Ảnh: Internet

Ở miền Tây Nam Bộ, chợ nổi thường họp tại các ngã ba sông hoặc nơi nhiều nhánh sông chụm lại, tiêu biểu nhất là chợ nổi Ngã Bảy trước kia. Chợ nổi là nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp bềnh bồng trên sông, giữa một vùng sông nước hàng trăm ghe, tam bản, xuồng của cư dân tụ lại buôn bán hàng hóa trái cây, nông sản. Một số nơi có ghe hàng bán hàng bách hóa như bánh kẹo, đường đậu, nước tương, nước mắm…

cn-nga-nam-an-uong.jpg
Chợ nổi Ngã Năm - Ảnh: Internet

Nhu cầu ăn uống nảy sinh nên chợ nổi có những tam bản, xuồng bán đồ ăn thức uống như bún nước lèo, hủ tíu, bánh dân gian, tàu hủ, bánh lọt, cà phê, nước đá...

Nói chung chợ nổi ở miền Tây bán nông sản là chính, ngoài ra những gì chợ trên đất có bán thì chợ nổi cũng bán. Chợ họp từ 3 - 4 giờ sáng đến chiều, tối. Ai có nhu cầu mua bán hàng hóa cứ ghé ghe xuồng vào. Trên ghe chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây như cam, quýt, xoài, mận, sầu riêng, dưa, măng cụt, dừa khô, dừa tươi... Có nơi chợ nổi còn bán cả cừ tràm, lá chầm lợp nhà.

Nét độc đáo của những ghe thương hồ buôn bán trái cây nông sản này là treo “bẹo” hàng hóa để cho khách biết mua bán. Bẹo là trái cây mà ghe đang có hàng. Ví dụ như ghe khóm thì treo bẹo khóm; dưa hấu, bí đỏ, xoài thì treo trái ấy cho khách biết mà mua bán. Bẹo thường được treo trên cây sào, bẹo lủng lẳng như mời gọi khách hàng sản phẩm mà mình có. Khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào là có thể biết trên thuyền ghe đó có bán thứ hàng mình cần hay không.

cho-noi-ca-mau-vntri.jpg
Chợ nổi Cà Mau - Ảnh: Internet

Đồng bằng sông Cửu Long là xứ nhiệt đới trái cây, khoai, củ, rau quả rất đa dạng và phong phú, mùa nào cũng có thể đi mua bán những mặt hàng này. Từ đó, một số cư dân ở đây hình thành nên thói quen tự phát là đi mua bán các loại trái cây, rau củ quả lúc nông nhàn hoặc thành nghề truyền từ đời này sang đời khác. Người nghèo thì đi bán hàng bằng ghe, xuồng nhỏ, người giàu thì sắm ghe lớn, khá hơn nữa thì sắm ghe đi tỉnh này, tỉnh khác mua hàng nông sản. Giàu hơn nữa những chủ ghe mua nhà đất ngay vùng chợ nổi hoạt động để làm vựa trái cây, lên hàng, xuống hàng và dùng xe tải chở hàng đi Sài Gòn và lục tỉnh.

163cholongxuyen.jpg
Chợ nổi Long xuyên - Ảnh: Internet

Miền Tây với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo điều kiện thuận lợi cho xuồng, ghe đi khắp nơi trong vùng. Chính vì ghe, xuồng có thể lưu thông tự do khắp nơi trong đồng bằng như vậy nên thương lái có thể len lỏi mọi ngõ ngách ở đồng bằng tìm mua các loại trái cây, khoai củ, rau quả mà nông dân, người làm vườn bán tại vườn với số lượng nhiều, giá rẻ. Từ các ngõ ngách, hàng hóa ra đến chợ nổi thỏa thuận giá, sang qua ghe là có lời. Từ những người kiếm sống trên sông nước, dần dà những thương nhân miệt vườn này thành thương nhân chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chợ nổi dần dần hết sung, một vài chợ tàn lụi, như chợ nổi Ngã Bảy, chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Phong Điền… Chợ nổi Ngã Năm, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cà Mau, chợ nổi Cái Bè giảm dần lượng khách và có những biểu hiện cho thấy chợ nổi đang sắp kết thúc vai trò lịch sử.

cn-cr-5.jpg
Chợ nổi Cái Răng bị bờ kè bê tông gây khó khăn cho việc buôn bán - Ảnh: Văn Kim Khanh

Gần đây nhiều thông tin cho rằng chợ nổi đã kết thúc vai trò lịch sử, vì vậy nó sẽ dần dần biến mất. Nếu xét về khía cạnh giao thông và phát triển, giao thông hàng hóa bằng đường thủy đã bị giao thông đường bộ và đường hàng không thay thế. Ngày nay hệ thống giao thông đường bộ mở ra đến tận ấp, xã. Giao thông nông thôn, hương lộ đang làm cho việc mua bán hàng nông sản, rau củ quả dễ dàng di chuyển bằng đường bộ. Xe tải nhỏ, xe tải lớn, xe gắn máy chở hàng nông sản ra tận những chủ vựa, nhà kho, từ đó hàng lên xe tải lớn dọc ngang nam bắc, thậm chí hàng đi tận Trung Quốc, Campuchia...

cho-noi-cai-be-tien-.jpg
Chợ nổi Cái Bè trước kia - Ảnh: Internet 

Trước thực trạng nhiều chợ nổi có nguy cơ biến mất ở ĐBSCL, TP.Cần Thơ đã có động thái bảo tồn chợ nổi Cái Răng phục vụ cho hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cần Thơ vừa ký ban hành kế hoạch Cần Thơ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch. Cần Thơ sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng; tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch chợ nổi Cái Răng thành điểm đến của du khách.

Người dân và du khách mong đợi Cần Thơ  và các tỉnh miền Tây Nam Bộ có kế hoạch bảo tồn thành công chợ nổi địa phương mình để giữ lại hình ảnh chợ nổi đặc trưng, gần gũi, thân thương.

 - Bài 2: Nhiều vấn đề phát sinh từ chợ nổi Cái Răng

Văn Kim Khanh | 11/06/2023, 07:00

Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ, ThS Nguyễn Khánh Tùng cho rằng chợ nổi Cái Răng đang dần mất đi sức hấp dẫn của nó. Một trong những nguyên nhân là bờ kè xi măng quy mô làm cho chợ trở nên “khô cứng”, những người sống trên ghe thương hồ đang dần lui khỏi chợ nổi này.

Bài 1: Chợ nổi miền Tây Nam Bộ liệu đã hết vai trò?

cn-cai-rang-mew.jpg
Chợ nổi Cái Răng thời hoàng kim - Ảnh: Internet

Thật vậy, đầu tháng 6 tôi đi một vòng chợ nổi Cái Răng, khung cảnh chung thấy buồn. Vệ sinh môi trường trên sông vẫn chưa tốt. Lục bình cùng với túi ni lông, hộp nhựa, hộp thiếc trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Kè bê tông hoành tráng hai bên chợ nổi Cái Răng đã cơ bản xong. Nước trên sông Cái Răng đã cạn thấp, từ mặt nước lên đến đỉnh kè cao khoảng 4 - 5 mét. Với kè bê tông như thế này thì chợ nổi tồn tại rất khó khăn nếu chính quyền và các ngành chức năng Cần Thơ không có biện pháp bảo tồn.

Ông Nguyễn Thanh Chính, một người ở ven bờ kè phía chợ nổi Cái Răng cho biết: “Chợ nổi trước kia quần tụ tự nhiên, ghe thương hồ và người buôn bán tấp nập. Mặt sông và nhà người dân rất thân thiện do chợ nổi rất gần với nhà dân, nhà kho chứa nông sản của chủ vựa. Nay bờ kè sông làm quá cao, nhà dân bị giải phóng mặt bằng làm đường ven kè hết rồi. Cầu tàu rất ít, coi như mạch sống của chợ nổi bị đứt”.

cn-cr-3.jpg
Chợ nổi Cái Răng hôm nay không còn như xưa nữa - Ảnh: Văn Kim Khanh

Chúng tôi hỏi chuyện một người dân ở ngay bên bờ chợ nổi, anh nói thực trạng một cách thẳng thắn: "Cò tàu du lịch hoạt động rất mạnh. Do lợi lộc chi hoa hồng lớn nên có sự tranh giành. Một chuyến đò 400.000 đồng, cò ăn hết 200.000 đồng, cứ ăn hoa hồng 50% trên giá như vậy nên khách và người chạy tàu du lịch bị thiệt. Chưa hết, đồ ăn trên sông ở chợ nổi này không phải đặc sản. Họ chủ yếu là buôn bán cà phê, hủ tíu, bún riêu, bánh dân gian... nhưng giá cũng khá cao gấp 2 lần so với quán trên bờ. Một tô bún riêu thường là 30.000 đồng. Khách kêu 1 tô cộng với tiền shiper lên đến 50.000 đồng, nếu kêu 5 tô lên đến 250.000 đồng. Giá như vậy là quá cao so với mức giá trung bình tại Cần Thơ".

z4420244497881_8214a7ec000a755ed21b2ef07165caa8.jpg
Chợ nổi Cái Răng đang bị bê tông hóa - Ảnh: Văn Kim Khanh

Anh Nguyễn Công Danh, một chủ ghe thương hồ neo tại Cái Răng bán bí rợ cho biết: “Bây giờ buôn bán với chợ nổi khó khăn lắm. Bạn hàng ngày một ít, chủ vựa mua hàng đi các tỉnh cũng giảm. Nguyên nhân do vựa ven sông Cái Răng bị giải tán làm kè, làm đường. Trước đây mỗi tháng tôi chở từ 5 - 10 chuyến hàng, trừ chi phí còn lời 10 - 12 triệu. Bây giờ mỗi tháng chở khoảng 4 - 5 chuyến, trừ chi phí còn lời 5 triệu là mừng rồi”.

Ông Nhâm Hùng, một người có nhiều bài viết về lịch sử chợ nổi miền Tây Nam Bộ cho rằng: “Chúng ta đã mất chợ nổi Phụng Hiệp rồi, các chợ nổi khác ở miền Tây đang suy giảm. Nếu không khéo bảo tồn thì khó giữ được chợ nổi Cái Răng”.

Khi Một Thế Giới thực hiện bài viết về chợ nổi Cái Răng, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) Cần Thơ đã cung cấp một số thông tin mới như sau: Qua khảo sát thực tế tại chợ nổi Cái Răng hiện tại, số lượng ghe của thương hồ hoạt động trên chợ nổi dao động từ 250 - 300 chiếc ghe. Số lượng tàu du lịch, khách du lịch đến tham quan không ngừng tăng, số lượng khách tham quan, du lịch tại chợ nổi cũng tăng từ 12 - 15% mỗi năm. Thời gian các ngày cuối tuần và những ngày lễ, tàu tham quan chợ nổi khoảng 150 chiếc, số lượng không đủ phục vụ du khách.

z4420241029300_5fe6fd3aff67e2ff234d6d1093051368.jpg
Bến tàu du lịch tại chợ nổi Cái Răng - Ảnh: Văn Kim Khanh

Sở cũng cho biết hàng hóa được bán tại chợ nổi một số mặt hàng giá cả hơi cao so cửa hàng trên bờ, tuy nhiên đa số đều có niêm yết giá theo quy định. Đối với các ghe nhỏ và bè trên sông buôn bán ăn uống phục vụ khách du lịch, giá bán phổ biến chung khoảng 40.000 - 50.000 đồng/tô (bún, hủ tiếu, mì…). Theo thông tin phản ánh, chủ của các dịch vụ ăn uống có chi hoa hồng cho các tài công các tàu đưa khách tham quan.

Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo thanh tra sở phối hợp với chính quyền quận Cái Răng và các đơn vị liên quan kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên, đồng thời nhắc nhở, thông báo cụ thể và niêm yết giá đúng quy định.

z4420242040948_ca952762c786ed3c36b339f7c15acc45.jpg
Chợ nổi Cái Răng bây giờ giảm nhiều ghe thương hồ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Việc kiểm tra cho thấy tình trạng rác thải đôi lúc tồn đọng trên mặt sông làm ảnh hưởng đến môi trường. Để đảm bảo vệ sinh môi trường tại chợ nổi, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND quận Cái Răng đã tổ chức thu gom rác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiểu thương và du khách nâng cao ý thức văn hóa văn minh trong du lịch.

z4420258290748_d7e3f9dec90f737203fa3425108904d2(1).jpg
Thu gom rác trên tại chợ nổi Cái Răng, ngày 10.6 - Ảnh: Hoài Phương

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ cho biết: "Chúng tôi đang vận động, khuyến khích người dân xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng, gắn với đời sống thương hồ, tạo sinh kế cho người dân. Đặc biệt là sự quan tâm cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và quản lý giá cả; nâng cao thái độ ứng xử văn minh, mến khách cho người dân và du khách. Sở phối hợp với quận Cái Răng vận động thực hiện một số công tác an sinh cho người dân thương hồ tại chợ nổi, chẳng hạn cho vay vốn, wifi miễn phí, điểm nước sạch…".

Ông Tuấn cũng cho biết Viện Kinh tế xã hội TP.Cần Thơ đang xây dựng đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045".


- Bài 3: Chợ nổi ở các nước Đông Nam Á

Văn Kim Khanh | 14/06/2023, 16:10

Ông Vũ Thống Nhất, người có nhiều bài nghiên cứu về văn hóa và chợ nổi miền Tây Nam Bộ cho rằng: “Tại nhiều nước Đông Nam Á hiện nay chợ nổi được bảo tồn, phát triển rất tốt. Chủ yếu họ làm để phục vụ khách du lịch”.

cho-noi-damnoen-saduak-thai-lan.jpg
Chợ nổi Damnoen Saduak ở Thái Lan - Ảnh: Internet

Cũng theo ông Vũ Thống Nhất, đến chợ nổi Thái Lan mới thấy họ đi hơn mình rất xa. Họ quy hoạch và bảo tồn chợ nổi rất chuyên nghiệp để phục vụ du lịch. Đây có thể coi là kinh nghiệm cho việc bảo tồn và phát triển chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ. Cách nay 6 năm, khi đi du lịch Thái Lan, 3 cha con tôi phải chi ra 300 USD để tham quan chợ nổi của Thái. Các chợ nổi khác của Thái cũng thế, du khách đến cũng phải mua vé, đi thuyền, để cảm nhận về chợ nổi, ăn uống những món ngon và mua sắm từ chợ nổi.

ĐBSCL trước đây có gần 10 chợ nổi với quy mô khác nhau, trong đó có  những chợ rất nổi tiếng như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Ngã Bảy, chợ nổi Ngã Năm... Nhưng hiện nay nhiều chợ nổi của vùng này đang mai một và có chợ dần biến mất như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Ngã Bảy...

Theo Wikipedia, Thái Lan có 10 chợ nổi, trong đó có 8 chợ nổi nổi tiếng. Tiêu biểu nhất là chợ nổi Damnoen Saduak. Chợ nổi Damnoen Saduak là khu chợ sầm uất và đa dạng hàng hóa ở xứ sở chùa tháp. Từ chợ nổi này du khách có dịp khám phá nét đẹp văn hóa của cuộc sống người dân Thái Lan trên sông nước.

cho-noi-bang-khu-wiang-thai-lan.jpg
Chợ nổi Bang Khu Wiang ở Thái Lan - Ảnh: Internet

Ở chợ này, các cửa hàng ven sông hay trên ghe thuyền đều có bán những sản vật, đồ ăn, thức uống phục vụ khách du lịch. Nhiều nơi bán hàng lưu niệm, đồ trang sức, nước hoa, mỹ phẩm... Không gian chợ nổi Damnoen Saduak rất thân thiện vì từ nhà hàng ven sông đến các ghe thuyền buôn bán hàng hóa chỉ cách nhau một bước chân. Không có bờ kè cao cách mực nước từ 3 - 4m như ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) hiện nay.

Chợ nổi Damnoen Saduak luôn tấp nập với các ghe hàng di chuyển qua lại. Không có bóng dáng ghe thương hồ. Ở đây có món đặc sản như Pad Thái, Som Tam, thịt gà nướng cho đến đồ ăn vặt như kem xoài, kem dừa đều được bày bán. Chợ hoạt động từ 6 giờ sáng với nhiều trái cây nhiệt đới. Ngoài ra có bán nhiều món ăn, trong đó món Som Tum làm từ cua xanh, tôm nướng, cá, ớt và gia vị nổi tiếng hơn cả. Các món ăn có mức giá dao động từ 50 - 150 baht (32.000 - 95.000 đồng), khá rẻ, hợp với túi tiền du khách bình dân.

Cao điểm của họp chợ lúc khoảng 8 giờ sáng. Du khách có thể đứng trên bờ và dùng sào để mua hàng. Mua hàng bằng sào được xem là một trong những trải nghiệm thú vị nhất tại khu chợ này.

Chợ Damnoen Saduak được xây dựng trên các kênh đào từ năm 1866 theo lệnh của Quốc vương Thái Lan. Từ năm 1967 chợ được chỉnh trang lại và đưa vào hoạt động cho đến ngày nay. Nơi đây trở thành điểm du lịch đặc biệt ở Thái. Trong chợ có đủ mọi hàng hóa từ nông sản, trái cây, hoa, hàng thủ công và cả dịch vụ massage Thái cổ truyền.

cho-noi-thai-lan-patayya-new.jpg
Chợ nổi Pattayya ở Thái Lan - Ảnh: Internet

Tại Thái Lan còn có chợ nổi Pattaya. Chợ nằm ngay con sông cắt ngang đường Sukhumvit Pattaya. Chợ còn có tên khác là chợ nổi Bốn Miền, được chia thành 4 khu tượng trưng cho các miền Trung, Nam, Bắc và Đông Bắc của Thái Lan. Đây là một trong những khu chợ Thái Lan nổi tiếng nhất. Mỗi khu sẽ bày bán các loại sản vật và ẩm thực đặc trưng của từng vùng miền. Giá vé vào chợ là 200 baht (130.000 đồng). Đến chợ nổi Pattaya, bạn nhất định phải thưởng thức qua các món ăn đặc sản của người Thái như gỏi Thái, gỏi xoài, Tom Yum, xôi xoài. Thú vị hơn, du khách còn có thể thuê thuyền để đi vòng quanh chợ, với giá khoảng 300 baht (190.000 đồng) mỗi chuyến.

Đặc biệt, các chợ này khách đi thuyền trên sông không phải bị “cò” giành giựt mối và kê giá. Khi ăn những món ăn đặc sản cũng không bị cơi giá gấp đôi do phải chịu tiền shipper như ở chợ nổi Cái Răng.

in-do-8.jpg
Chợ nổi Lok Baintan ở Indonesia - Ảnh: Internet

Chợ nổi Lok Baintan ở Indonesia là điểm đến mới lạ của du khách. Đây là một trong những chợ nổi nổi tiếng nhất còn mang nhiều nét truyền thống đặc trưng tại thành phố Banjarmasin. Chợ nổi Lok Baintan còn được biết đến như một phần của văn hóa truyền thống, và là di sản của dân Banjar ở Kalimantan.

Những người bán hàng đa số là phụ nữ, họ dùng thuyền jukung, một loại thuyền gỗ nhỏ có máy chèo, không gắn động cơ. Khu chợ nổi này bắt đầu họp từ rạng sáng cho đến chiều tối, có khi đến tận đêm. Cả một khu vực sông ngập tràn màu sắc của trái cây chất đầy thuyền, màu của những trang phục truyền thống mà phụ nữ mặc đi chợ. Cả những tiểu thương phần lớn lớn là nữ cũng mặc loại trang phục truyền thống này. Cũng có thuyền bán thịt, cá, hải sản, những món bánh truyền thống và cả quần áo. Ở đây có nhiều chiếc thuyền bán đồ ăn vặt để thưởng thức một vài món ăn đường phố của Indonesia, chẳng hạn thịt xiên nướng, bakso, súp thịt soto… hết sức ngon lành.

cn-cai-rang-mew.jpg
Chợ nổi Cái Răng ngày nào, nay chỉ còn trong ký ức - Ảnh: Internet

Ông Nhâm Hùng một người rất tâm huyết với chợ nổi và chuyện bảo tồn chợ nổi miền Tây Nam Bộ cho rằng: “Tại Thái Lan các chợ nổi phần lớn là chợ tự tạo. Thế mà họ có đến gần 10 chợ nổi sung túc. Để duy trì chợ nổi phục vụ khách du lịch họ đã tìm các bảo tồn chợ nổi hoạt động. Và đến nay những chợ nổi tự tạo này sung và thành chợ thật”.

Vấn đề đặt ra là làm sao để chợ nổi miền Tây được bảo tồn và phát triển như các chợ nổi ở Thái Lan, Indonesia... Sắp tới ở miền Tây chợ nổi cũng có thể không có ghe thương hồ, hoặc chỉ còn tượng trưng. Người bán hàng là những cư dân địa phương sống bằng nghề bán hàng hóa trên thuyền, bán trái cây, bán nhưng món ăn đặc sản của miền Tây như tôm nướng, cá nướng, cà phê, hủ tíu, bún, phở tàu hủ, bánh lọt... Những dãy nhà gần mé sông xây dựng theo kiểu du lịch, thanh nhã bán hàng lưu niệm...

Phải làm sao để những người gắn bó với chợ nổi buôn bán và sống được. Những chợ nổi tự tạo này họ không xây dựng hoành tráng mà rất thân thiện với môi trường. Trên bến dưới thuyền, mặt nước sông cách mặt đất trên nhà ven sông khoảng 0,5m. Những khu chợ nổi không nên làm kè cao 3 - 4m như kè chợ nổi Cái Răng. Tôi nghĩ các tỉnh miền Tây có thể làm được, bảo tồn chợ nổi phục vụ du lịch nếu chúng ta nghiên cứu, học hỏi Thái Lan, Indonesia, và quan trọng nhất, là chính quyền có quyết tâm bảo tồn, duy trì chợ nổi.

z4420244433531_e55e961a0cfdd76ac352bcf578242c95.jpg
Chợ nổi Cái Răng hôm nay, kè cao, vắng vẻ - Ảnh: Văn Kim Khanh

"Tôi tin tưởng rằng, nếu chính quyền có định hướng, quy hoạch, đầu tư chợ nổi miền Tây thì chợ nổi có cơ hội được bảo tồn tốt, phục vụ tốt cho du lịch như ở Thái Lan, Indonesia", ông Nhâm Hùng khẳng định.

- Bài 4: Điều gì phá vỡ cấu trúc chợ nổi Cái Răng?

Văn Kim Khanh | 19/06/2023, 08:43

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho rằng chợ nổi Cái Răng bị tác động mạnh bởi công trình xây dựng bờ kè sông. Công trình này làm phá vỡ cấu trúc "trên bến dưới thuyền", triệt tiêu hoạt động thương mại trên bến, phân tán thương hồ.

Báo cáo về công tác bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, UBND quận Cái Răng đã viết rất thực chất, nhìn nhận những điểm yếu đã làm cho chợ nổi Cái Răng từ một trong những chợ nổi có tiếng trong bản đồ du lịch các nước Đông Nam Á nay đang trên bờ vực cảnh “chợ chiều”.

cn-4.jpg
Chợ nổi Cái Răng xưa kia - Ảnh: Internet

Theo đó, hiện chợ nổi Cái Răng chỉ còn từ 200 - 250 ghe tàu mỗi ngày, trong khi đó, cách đây vài năm có từ 500 - 600 ghe tàu, tức giảm từ 50 - 60%.

Trước tình trạng báo động về chợ nổi có nguy cơ “tan chợ”, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu UBND quận Cái Răng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tác động của công trình xây dựng bờ kè sông đối với cuộc sống của thương hồ tại chợ nổi Cái Răng. Bờ kè sông được xây dựng quá cao, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa của thương hồ chợ nổi Cái Răng lên trên bờ, cũng như vận chuyển hàng hóa từ trên bờ xuống ghe tàu của thương hồ.

cn-cr-5.jpg
Chợ nổi Cái Răng hiện nay - Ảnh: Văn Kim Khanh

Công trình xây dựng bờ kè nói trên thuộc dự án kè bờ sông, ứng phó biến đổi khí hậu của TP.Cần Thơ. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ và vốn đối ứng ngân sách của thành phố với thời gian thực hiện từ năm 2016-2023.

Ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa ĐBSCL cho rằng, từ xưa đến nay, chợ nổi Cái Răng cũng như chợ nổi miền Tây Nam Bộ tồn tại theo hình thức trên bến dưới thuyền. Những ngôi nhà ven sông khu chợ nổi là những nhà vựa, kho chứa, kho trung chuyển trái cây, nông sản, hàng quán buôn bán đồ ăn, thức uống. Trước đây hầu hết các chợ nổi sung túc ở miền Tây đều không có bờ kè. Cảnh buôn bán thân thiện, nhộn nhịp lâu nay diễn ra như vậy.

ke-giet-cho-noi(1).png
Kè sông mới xây dựng ở chợ nổi Cái Răng, một trong những tác nhân biến chợ nổi thành "chợ chiều" - Ảnh: H.X

Tại chợ nổi Cái Răng, trước khi xây dựng bờ kè sông, nơi đây có nhiều nhà người dân vừa sinh sống vừa làm vựa - nơi trung chuyển hàng hóa giữa thương hồ ở chợ nổi Cái Răng với các vùng miền khác của đất nước. Khi kè được xây dựng xong, những ngôi nhà vốn là nơi trung chuyển hàng hóa bị dời đi nơi khác nhường chỗ cho đường ven kè.

Thực tế là kè sông ở đây xây dựng quá cao. Nếu tính từ mực nước trung bình của sông Cái Răng, kè mới xây dựng này cao từ 4 - 5m. Điều này gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa của thương hồ chợ nổi Cái Răng lên trên bờ, cũng như vận chuyển hàng hóa từ trên bờ xuống ghe tàu thương hồ.

cn-cr-4(1).jpg
Chợ nổi vắng vẻ, đò khách cũng ế theo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Chợ nổi Cái Răng nằm trên nhánh của sông Hậu, chảy qua quận Cái Răng, nối liền với kinh xáng Xà No. Đây là trục giao thông quan trọng về hướng Vị Thanh - Hậu Giang nối với các sông tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, thuận lợi cho việc giao thông giữa các tỉnh bắc và nam sông Hậu. Đặc điểm chính của chợ Cái Răng là chuyên buôn bán trái cây, rau quả, đặc sản Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Sản phẩm thường thấy tại chợ nổi Cái Răng là cam, quýt, bưởi, xoài, khoai , bí, rau..., sản phẩm buôn bán tùy thuộc vào mùa vụ.

cho-noi-thai-lan-damnoen-saduak.jpg
Chợ nổi du lịch ở Thái Lan chủ yếu phục vụ du khách - Ảnh: Internet

Ông Vũ Thống Nhất, nhà báo lão thành, nhà nghiên cứu về ĐBSCL cho rằng có 2 nguyên nhân làm cho chợ nổi Cái Răng đứng trước nguy cơ biến mất: Một là vai trò kinh tế của giới thương hồ trên sông nước miền Tây Nam Bộ đã hết thời. Thứ hai là bờ kè Cái Răng đã "bức tử" chợ nổi. Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng và chợ nổi miền Tây Nam Bộ để phục vụ phát triển du lịch đã được dư luận gióng lên hồi còi. Đến lúc ta phải học hỏi người Thái, người Indonesia trong công tác bảo tồn chợ nổi.

Lãnh đạo Cần Thơ đã thấy được nguy cơ tiêu vong của chợ nổi Cái Răng nếu không có biện pháp, và đã có quyết tâm bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Đó là điều đáng quý. Tuy nhiên, kế hoạch bảo tồn đó phải thuận theo sự quần tụ của chợ nổi tự nhiên xưa nay. Càng không nên làm theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.

Muốn chợ nổi tồn tại và phát triển, trước tiên TP.Cần Thơ phải tạo điều kiện cho những người buôn bán trên sông và quanh chợ nổi sống được bằng nghề kinh doanh hàng phục vụ cuộc sống sinh hoạt và du lịch. Có như vậy họ mới gắn bó với chợ nổi, và chợ nổi mới phát huy được tác dụng của nó về nhiều mặt.


- Bài 5: Cần Thơ quyết tâm bảo tồn chợ nổi Cái Răng

Văn Kim Khanh | 23/06/2023, 16:23

Ngày 23.6, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết UBND TP ra quyết định 1451/QĐ –UBND thành lập Ban Quản lý nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia "Chợ nổi Cái Răng"

cho-noi-cai-rang-thoi-chua-co-ke.jpg
Chợ nổi Cái Răng trước khi xây dựng bờ kè - Ảnh: Internet

Theo đó, Ban Quản lý do ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ làm trưởng ban; các phó trưởng ban gồm bà Đào Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, ông Huỳnh Thanh Sử - Phó giám đốc Sở Công Thương, ông Nguyễn Thái Bảo - Phó chủ tịch UBND quận Cái Răng.

Ngoài ra ban còn có các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch - Đầu tư, Thông tin - Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài chính, Nông nghiệp - PTNT, Tài nguyên - Môi trường, Công an thành phố, Văn phòng UBND thành phố, UBND quận Ninh Kiều, UBND phường Tân An (quận Ninh Kiều)...

z4411754766012_83e310df651ecb23aef8388a2ad7c4f5.jpg
Chợ nổi Cái Răng hôm nay - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ban quản lý có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch; tham mưu cho UBND TP.Cần Thơ để khai thực hiện chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về các nội dung có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch.

Ban sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng; phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng.

ke-giet-cho-noi.png
Bờ kè quá cao gây khó cho hoạt động của chợ nổi - Ảnh: Huỳnh Xây

Ban quản lý cũng có nhiệm vụ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng; báo cáo UBND TP.Cần Thơ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch, định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền…

Chợ nổi Cái Răng có lịch sử hơn 100 năm, trong 10 chợ nổi nổi tiếng của của châu Á được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích khi đến Cần Thơ. Theo ước tính, mỗi năm Cần Thơ đón hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 70% du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.

cn-cr-5.jpg
Chợ nổi hiện nay vắng vẻ, thiếu sinh khí - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tuy nhiên, vai trò của lịch sử của giao thông đường sông đã suy giảm, nhường cho giao thông đường bộ, đường hàng không trong thương mại. Từ đó lực lượng ghe thương hồ cũng ít đi so với thời hoàng kim 20 - 30 năm trước. Hiện nay ghe thương hồ chợ nổi đã giảm hơn 50% so với trước kia. Việc xây dựng bờ kè quá cao cũng góp phần làm suy giảm chợ nổi Cái Răng. Vấn đề đặt ra hiện nay với Ban Quản lý chợ nổi Cái Răng và TP.Cần Thơ là làm sao bảo tồn và phát triển "chợ nổi Cái Răng tự tạo" để phục vụ phát triển du lịch.

Kinh nghiệm từ Thái Lan, nơi có gần chục chợ nổi nổi tiếng và hơn 20 chợ nổi nhỏ ở các địa phương, phần lớn chợ nổi của Thái Lan là “chợ nổi tự tạo” phục vụ du lịch, chúng ta tin tưởng rằng chợ nổi Cái Răng sẽ sung túc trở lại nếu ta có kế hoạch phát triển đúng hướng.

8-cho-noi-4-mien-thai-lan-10.jpg

Trước đó, tại buổi làm việc với Quận ủy Cái Răng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho rằng những trường hợp đưa đò chèo kéo khách, bỏ khách… xảy ra ở chợ nổi Cái Răng chủ yếu là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Dẫn chứng mô hình chợ nổi ở Thái Lan làm rất thành công, trở thành điểm sáng về du lịch, thương mại, ông Hiếu đề nghị UBND TP.Cần Thơ tham mưu có chủ trương sớm tạo điều kiện cho lãnh đạo thành phố, một số sở ngành và lãnh đạo hai quận Ninh Kiều và Cái Răng đi học tập kinh nghiệm.

Bí thư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng hiện tại chợ nổi Cái Răng đang có dấu hiệu đi xuống, nếu không tác động sẽ tiếp tục suy giảm, phải kịp thời xử lý để chấn chỉnh tình trạng này.

 - Bài 6: Những chợ nổi bị xóa sổ

Mỹ Tho - Văn Kim Khanh | 26/06/2023, 07:00

Những năm qua, nhiều chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ đã bị xóa sổ. Ngay cả chợ nổi có lịch sử hàng trăm năm như chợ nổi Cái Bè cũng đang đứng trước nguy cơ tiêu vong.

cho-noi-cai-be-tien-giang-1.jpg
Chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) thời hoàng kim - Ảnh: Internet

Dù chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để duy trì, ổn định chợ nổi Cái Bè nhưng chợ nổi này ngày càng thưa vắng và có nguy cơ biến mất.

Theo sử sách, chợ nổi Cái Bè được hình thành từ khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ 17 tại vàm sông Cái Bè (thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bây giờ). Đây là nơi tụ hội ghe thuyền của người dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long để mua bán, trao đổi hàng hóa.

Vào thời hoàng kim, chợ nổi Cái Bè hoạt động suốt ngày đêm và thường là theo con nước lớn. Chợ họp từ 3 - 5 giờ sáng cho đến tận xế chiều. Hàng hóa rất đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống… nhưng nổi bật nhất là trái cây. Gần đây, do điều kiện giao thông đường bộ phát triển, nhu cầu mua hàng hóa dưới sông nước giảm dần nên chợ nổi Cái Bè thưa vắng. Hiện tại, chỉ có vài ghe thuyền tụ tập bán hàng hóa nhưng không ổn định, hàng hóa ế ẩm, khách đến chợ nổi đa phần là khách du lịch đi ngang qua.

cncb-4.jpg
Chợ nổi Cái Bè mấy năm trước - Ảnh: Mỹ Tho

Cuối năm 2017, UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang) lập đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè” nhằm ổn định lại hoạt động chợ nổi, đảm bảo số lượng ghe, tàu neo đậu cố định từ 100 - 150 chiếc và tiếp nhận 200 - 300 ghe, tàu neo đậu mua bán có tải trọng từ 20 - 60 tấn. Đồng thời, phải bảo tồn tối đa những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của chợ nổi nhằm đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân và trở thành một trong những điểm nhấn, một sản phẩm du dịch độc đáo, đặc thù của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, đề án này kém hiệu quả, chợ nổi ngày càng đìu hiu.

Ông Lê Văn Ý, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết chợ nổi vắng khách do quy luật phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng là điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, việc sinh kế của dân thương hồ sống trôi nổi theo sông nước giảm dần.

UBND huyện Cái Bè vừa tổ chức lấy ý kiến các ngành, đoàn thể, cán bộ hưu trí về đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè” nhưng đa phần đại biểu đều cho rằng nên dừng đề án này vì hoạt động chợ nổi đã không còn hiệu quả. Thời gian qua, không có nhà đầu tư nào đến tham gia thực hiện công tác bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè. UBND huyện sẽ xem xét, tìm các giải pháp khả thi và phù hợp nhất cho hoạt động chợ nổi Cái Bè trong thời gian tới.

cncb-2.jpg
Chợ nổi Cái Bè hiện nay - Ảnh: Mỹ Tho

Cũng như nhiều chợ nổi ở ĐBSCL, một số chợ nổi theo quy luật kinh tế nên vắng khách và tự mất đi. Theo chúng tôi nắm được, ngoài chợ nổi Cái Bè đang chết dần, chợ nổi Phong Điền đã chấm dứt hoạt động. Chợ nổi Long Xuyên trước kia sung túc do nơi đây giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL và Campuchia, nhưng đã từ lâu chợ nổi Long Xuyên được xem như xóa sổ.

cn-nga-5-new.jpg
Chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp ngày xưa - Ảnh: Internet

Chợ nổi Trà Ôn trước kia là nơi giao lưu hàng hóa, nông sản giữa các tỉnh bắc và nam sông Hậu nay cũng thưa vắng khách. Nguyên nhân chính là giao thông đường bộ phát triển quá nhanh. Hàng hóa phần lớn đều được vận chuyển bằng đường bộ.

Chợ nổi bị "bức tử chết ngộp" là chợ nổi Ngã Bảy. Chợ nằm ở ngay 7 con kênh, đầu mối là chợ Phụng Hiệp - nơi giao nhau của 7 nhánh sông/kênh. Chợ có lịch sử hàng trăm năm từ khi khai hoang, mở đất. Thế nhưng, đến năm 2002, lấy lý do chợ nổi Ngã Bảy họp nơi ngã sông ảnh hưởng giao thông đường thủy và gây ô nhiễm môi trường nên tỉnh Cần Thơ lúc đó có phương án di dời về nơi cách chợ hiện hữu khoảng 1km, theo hướng kênh Lái Hiếu. Cũng từ đó chợ suy giảm khách.

Đến năm 2009, Tổng cục Du lịch có hỗ trợ hàng chục tỉ đồng để bảo tồn và phát huy chợ nổi phục vụ du lịch. Chợ dời về gần sông Ngã Bảy hơn, có làm bến bãi và cầu tàu cho “văn minh” hơn. Thế nhưng chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp cũng “chìm” luôn từ đó.

chonoiphongdien5_637.jpg
Chợ nổi Phong Điền trước kia - Ảnh: Văn Kim Khanh

Nói về chợ nổi Phụng Hiệp, ông Nhâm Hùng, người có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa miền Tây Nam Bộ cho rằng: “Những chợ nổi có tiếng và lâu đời như Cái Bè, Ngã Bảy không còn hoạt động thật đáng tiếc. Điển hình như chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp, người ta đã dùng mệnh lệnh hành chính "bức tử nó”. Xưa nay ta hay có thói quen trong quản lý kinh tế - xã hội, cái gì không quản được thì cấm. Nếu người ta tìm cách quản lý để chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp phát triển trong điều kinh kinh tế - xã hội bình thường thì đến nay chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp đã không chết”.

Cũng theo ông Nhâm Hùng, đó là bài học cần rút ra, và rất mừng khi lãnh đạo TP.Cần Thơ quyết tâm bảo tồn chợ nổi Cái Răng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, du lịch...