- Kỳ 1: Khi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là… gia tăng lợi nhuận
Tôi nhìn Farnum, người bạn học năm xưa, một trong những tỷ phú thành công, giàu có nhất Chicago. Đi qua trải nghiệm cận tử, ông đã trở thành một người rất khác.
Người mà hiện giờ sự thoải mái, thanh thản luôn tỏa sáng trên khuôn mặt đã hằn những vết nhăn của năm tháng. Tỷ phú Farnum âm thầm giao cho tôi toàn bộ khối tài sản của mình để làm những việc có ý nghĩa. Tôi nghĩ đến những người giàu có như ông, mặc dù tuổi đời đã cao nhưng vẫn loay hoay từng ngày ngắn ngủi còn lại trong cuộc đời để lo toan, tính toán từng con số trong trương mục ngân hàng.
Người giàu keo kiệt
Farnum nói tiếp: “Tôi từng thấy một người hành khất nghèo đói vừa xin được một miếng bánh pizza đã vội chia sẻ ngay với một con chó hoang gầy ốm đang lang thang kiếm ăn gần đó. Việc cho đi mà không mong đợi sự đáp trả nào như thế còn cao đẹp hơn cả những triệu phú sẵn sàng bỏ số tiền lớn làm từ thiện nhưng mục đích là để tên tuổi, công lao của họ được tung hô trên báo chí”.
Tôi gật đầu: “Anh nói đúng. Đa số người ta làm việc đều mong đợi kết quả nào đó, dù là phần thưởng vật chất hay chỉ là một lời khen tặng”.
Farnum tiếp tục: “Có lẽ anh cũng thấy, hầu hết những người giàu đều có xu hướng thu vào và không muốn cho ra. Quá nửa những người có quyền thế, gia sản khổng lồ đều chỉ biết tích lũy chứ không biết bố thí, cho đi, hay giúp đỡ người khác. Đối với họ, nghe nói đến chữ “bố thí” là đã thấy e dè, vì bản tính của họ là nắm giữ khư khư thật chắc, còn cho đi là mất mát, là đau khổ, là xót xa. Một xã hội mà có quá nhiều người giàu keo kiệt như thế thì không thể là một xã hội lành mạnh được, nó thối rữa từ bên trong đấy”.
Farnum im lặng như suy nghĩ rồi nói tiếp: “Chúng ta đều là những người làm trong lĩnh vực về tài chính nên biết rõ các dữ liệu kinh tế. Trước đây, hầu hết các công ty lớn nhỏ đều phân phối lợi nhuận một cách công bằng, rộng rãi. Qua báo cáo tài chính, chúng ta biết rõ họ đã trả lương cho nhân viên bao nhiêu, quyền lợi thế nào, đóng thuế cho chính phủ ra sao. Chính sách phân phối công bằng này đã tạo ra sự thịnh vượng cho xã hội trong thời gian rất lâu.
Tuy nhiên bắt đầu từ thập niên 70, đã có sự thay đổi lớn bởi quan niệm của nhà kinh tế học Milton Friedman, khi ông khẳng định rằng: "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tận dụng mọi nguồn lực của mình và tham gia vào các hoạt động được thiết kế để gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp". Lúc đó, những người đầu tư như chúng ta đều hết lòng ca tụng Milton nhất là khi ông đoạt giải Nobel Kinh tế nhờ những đóng góp vào chủ nghĩa tiền tệ (Monetarism) mà đến nay vẫn được coi là khuôn vàng thước ngọc”.
Phải chăng vì lòng tham, mà…
Tôi đồng tình: “Nhiều lãnh đạo cũng áp dụng chính sách này cho quốc gia của họ, không mấy ai ngờ được hậu quả về sau”.
Farnum gật đầu: “Quan niệm này đã thúc đẩy lòng tham của một số giám đốc điều hành, họ lợi dụng lý thuyết này để áp dụng một cách sai lạc nhằm vơ vét tất cả những gì họ có thể lấy được. Anh cũng như tôi đều nhìn thấy rõ, trong khi mức lương của công nhân làm trong các doanh nghiệp vẫn đứng yên tại chỗ thì lương các giám đốc điều hành đã gia tăng theo cấp số nhân. Sự bất bình đẳng này vẫn còn tiếp tục kéo dài cho đến nay.
Khi xưa, đa số những người lãnh đạo doanh nghiệp đều bắt đầu từ vị trí thấp rồi mới lên cao, họ đều là những chuyên viên có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động. Bắt đầu từ thập niên 70, với quan niệm phải gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, hầu hết các giám đốc điều hành này đều bị thay thế bởi những người tốt nghiệp về tài chính, xuất thân từ các trường đại học hàng đầu như Harvard, Chicago, Pennsylvania, Stanford… Bằng quản trị kinh doanh (MBA) là chìa khóa mở cánh cửa để bước vào vị trí giám đốc điều hành. Những người này chỉ có một mục đích duy nhất là làm gia tăng lợi nhuận tối đa để cho giá cổ phiếu lên cao.
Họ tiến hành sa thải một số lượng lớn công nhân nhằm cắt giảm chi phí, đóng cửa nhiều nhà máy, chuyển việc sản xuất qua những quốc gia khác có mức lương nhân công thấp nhằm tăng lợi nhuận. Họ thêu dệt các cụm từ như "toàn cầu hóa", "mang việc làm đến cho những quốc gia kém mở mang, thúc đẩy phát triển kinh tế tại những nơi đó". Thật ra, mục đích duy nhất chỉ là giảm chi, tăng thu, nhằm kiếm lợi nhuận tối đa. Từ đó, giá trị công ty không còn được đánh giá bằng sản phẩm hay chất lượng cao mà bằng mức lợi nhuận, bằng việc giá cổ phiếu lên bao nhiêu điểm.
Đây là chính sách ngắn hạn nhưng vô cùng tai hại. Tuy đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho giám đốc điều hành và thân chủ cổ phiếu, nhưng lại gây ra bất ổn cho xã hội, tăng tỷ lệ thất nghiệp, thu hẹp giai cấp trung lưu, tạo ra bất bình đẳng giàu nghèo. Một doanh nghiệp mà không có phát kiến mới, chỉ sản xuất các sản phẩm với chi phí thấp nhưng lại muốn thu được lợi nhuận cao thì làm sao có thể vượt lên và tiến bộ được trong thế giới cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay?”.
Vấn đề Farnum vừa đề cập khiến tôi nghĩ đến việc phá sản hàng loạt của các công ty lớn trong thời gian vừa qua. Hầu hết những công ty có được sự thành công vẻ vang từ đầu thế kỷ 20 thì hiện nay đều suy sụp hay đã biến mất trên thị trường. Phải chăng chỉ vì lòng tham của một thiểu số lãnh đạo đã mang lại hậu quả tai hại như thế?
Farnum nói thêm: “Từ khi các doanh nghiệp trên thế giới áp dụng chính sách này, thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu đã gia tăng hơn bao giờ hết. Tôi thấy nhiều giám đốc điều hành ngày nay trở nên tàn nhẫn chưa từng thấy. Mọi công ty đều đua nhau sa thải công nhân, đóng cửa xưởng máy, chuyển việc làm ra ngoại quốc, cắt giảm ngân sách nghiên cứu, chỉ để đạt được mục tiêu là gia tăng lợi nhuận, bất kể mọi hiểm họa gây ra cho tương lai. Khi giá cổ phiếu lên cao, người đầu tư vào cổ phiếu gia tăng, doanh nghiệp càng có nhiều tiền thì các vị giám đốc này sẽ làm gì? Họ thẳng tay thanh toán các công ty đối thủ để giảm cạnh tranh”.
– Kỳ 2: Đừng để giới trẻ mất kết nối với gia đình
Sau khi trầm ngâm một chút, tỷ phú Farnum nói thêm: “Có lẽ anh cũng biết, hiện nay nền kinh tế thế giới đã thu hẹp vào trong tay của vài chục tập đoàn cực lớn, chi phối hầu hết mọi sự.
Ảnh hưởng và quyền lực của những gã khổng lồ này có thể khuynh đảo toàn bộ nền kinh tế thế giới trong tương lai.”
Khi giới trẻ nhiều tham vọng và tham lam hơn
“Tôi cũng rất bận tâm về chính sách toàn cầu hóa mà hiện nay chính phủ nhiều quốc gia đang ca tụng. Họ chỉ nhìn thấy các nguồn lợi ngắn hạn, giúp họ giải quyết nạn thất nghiệp mà không nhận thức được những hậu quả tai hại có thể kéo đến về sau. Hầu hết các công nghệ được chuyển giao cho những quốc gia có nhân công giá rẻ đều đã lỗi thời, máy móc đều đã cũ kỹ, hậu quả là chúng gây ra ô nhiễm trầm trọng, các chất phế thải hóa học bị đổ xuống sông biển đã hủy diệt môi trường, gây ra nhiều bệnh nan y không thể cứu chữa. Việc phá rừng, xẻ núi, khai thác tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu đã đem đến nhiều hậu quả trong tương lai mà không ai ngờ. Tất cả phải chăng chỉ vì lòng tham muốn có thật nhiều tiền và làm giàu mau chóng?”
Farnum tiếp tục: “Thập niên 70 cũng là lúc công nghệ thông tin phát triển, các công ty khởi nghiệp như Apple, Microsoft, Google đều trở thành những ‘tay chơi’ lớn trong thị trường chứng khoán. Khi cổ phiếu của họ gia tăng hàng trăm lần thì những người rất trẻ, chưa trưởng thành đã trở thành những ông chủ lớn với tài sản lên đến con số hàng tỷ. Sự thành công của họ là động năng thúc đẩy thế hệ trẻ hiện nay có nhiều tham vọng và cũng tham lam hơn. Nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp, khi phỏng vấn xin việc đều nói mục đích duy nhất của họ là kiếm thật nhiều tiền, càng nhiều càng tốt.”
Tôi đồng ý với Farnum: “Anh nói đúng, tôi đã gặp những người như thế. Chưa nghe họ nói gì về khả năng đóng góp cho công ty và đất nước thì đã nghe họ nói làm sao có thể kiếm thật nhiều tiền.”
Farnum thở dài: “Trong xã hội, khi một thiểu số trở nên vô cùng giàu có, còn đa số phải làm đủ mọi việc để sống còn, thì xã hội ấy không thể tiến bộ hay phát triển được, trước sau cũng tan rã. Muốn tạo sự quân bình trong xã hội, trước hết phải bắt đầu bằng việc giáo dục về bổn phận, trách nhiệm của con người trong xã hội và trên trái đất này, nhằm thay đổi các thói tham lam, ích kỷ và tư lợi.”
Tôi nói ngay: “Việc này nói thì dễ nhưng khó có thể áp dụng. Hiện nay, tiền bạc đã chi phối hầu hết mọi sự nên đầu óc con người đã bị ảnh hưởng, ít nhiều bị hư hoại, khó mà bỏ được thói tham lam hay ích kỷ…”
Khuyến khích những việc làm cao thượng
Farnum trầm ngâm: “Chúng ta đều là những người đầu tư chứng khoán, mua bán cổ phiếu nên cũng có trách nhiệm phần nào đối với tình trạng này. Do đó, tôi muốn sử dụng tất cả tài sản của mình để hỗ trợ cho những hành động có thể đánh thức, tạo ra sự chuyển hóa tâm thức cho mọi người. Chúng ta cần phải khuyến khích những việc làm cao thượng nhằm nâng cao tâm thức của nhân loại lên mức cao đẹp hơn. Một khi tâm thức đã thấm nhuần những tư tưởng thanh cao thì các thói xấu hiển nhiên sẽ bị loại trừ.”
Tôi hỏi: “Vậy chúng ta có thể làm gì đây?”
Farnum im lặng suy nghĩ rồi nói: “Hiện nay, công nghệ phát triển đã làm thay đổi nền tảng của gia đình, hậu quả là con cái không còn gần gũi hay có mối quan hệ chặt chẽ với cha mẹ như xưa nữa. Thế hệ trẻ đã rơi vào trạng thái mất kết nối và trở nên lạc lõng, cô đơn, phải tìm sự an ủi qua sản phẩm công nghệ như trò chơi, mạng xã hội ảo, rồi giao du với những người xa lạ trên mạng xã hội. Người trẻ ngày nay đang dần mất kết nối trực tiếp giữa người với người mà phải qua trung gian của công nghệ.
Việc này khiến họ không những mất kết nối với gia đình và các thế hệ trước mà còn mất kết nối với chính mình. Họ bơ vơ, lạc lõng, cô đơn, khổ sở trong một thế giới máy móc, vô cảm. Đa số đều mất niềm tin vào mọi thứ, kể cả gia đình và tôn giáo. Trong mấy chục năm qua, áp lực đời sống xã hội đã đẩy nhiều gia đình đến chỗ ly tán và tan vỡ. Tỷ lệ ly hôn lên cao, vợ chồng, con cái trở nên xa lạ với nhau, đôi khi còn biến thành hận thù nữa. Gia đình là nền tảng của xã hội, khi mọi người trong đó không còn kết nối với nhau thì làm sao xã hội có thể duy trì được nữa?”
– Kỳ 3: Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử tế
Tôi hỏi “Theo anh, làm sao để xây dựng một xã hội vững chắc hơn?”.
Phải bắt đầu từ gia đình
Farnum tiếp tục: “Để xây dựng một xã hội lành mạnh, chúng ta cần bắt đầu từ căn bản, từ gốc rễ là gia đình. Một cái cây cần phải có rễ bám sâu xuống lòng đất thì mới phát triển được. Tại sao những người trẻ hiện nay lại không vững vàng được như xưa? Vấn đề không hoàn toàn nằm ở họ mà nằm ở gia đình. Bổn phận của cha mẹ là dạy dỗ con cái biết hiếu thảo, trở thành công dân lương thiện, yêu thương gia đình, hướng về tổ quốc, bảo vệ quốc gia, xây dựng và làm những điều có ích cho đất nước. Khi gia đình đổ vỡ, khi vợ chồng không hòa thuận, những cuộc cãi vã liên tục nổ ra thì làm sao con cái có thể noi theo và ngoan ngoãn được? Các bậc làm cha mẹ phải ý thức rõ trách nhiệm giáo dục, định hướng con cái chứ không thể giao cho bất kỳ ai khác được. Nếu con cái được dạy từ nhỏ để phát triển nhân cách theo đúng hướng thì khi lớn lên chúng có thể vượt qua thử thách, không bị lung lay bởi tiền bạc, địa vị, sắc đẹp hay danh vọng. Ngày nay, một số chuyên gia tâm lý kêu gọi phải cho con trẻ tự do phát triển theo bản tính của chúng. Tôi không phản đối điều này, nhưng tự do đâu phải là tùy ý muốn làm gì thì làm. Trẻ con mà không được dạy dỗ từ nhỏ, phó mặc chúng phát triển theo ý thích thì chỉ khiến chúng trở nên vô cảm rồi hư hỏng mà thôi.
Tôi góp ý: “Vẫn biết thế, nhưng trong hoàn cảnh ngày nay, ít gia đình nào có thể sống thoải mái với một nguồn thu nhập. Cả chồng lẫn vợ đều phải làm việc mới đủ sống, vì vậy việc đòi hỏi họ dành nhiều thời giờ dạy dỗ con cái là cả một vấn đề lớn”.
Farnum phản đối: “Nhưng không nhất thiết ai cũng phải bỏ hết thời gian để kiếm tiền. Dù bận rộn thế nào, nếu muốn, cha mẹ vẫn có thể dành thời giờ để tìm hiểu và thông cảm với con cái. Khi sinh con, đâu cha mẹ nào muốn con mình trở nên hư hỏng nhưng nhiều người đã "khoán" việc giáo dục quan trọng này cho trường học. Trường học chỉ có thể dạy kiến thức phổ thông, còn căn bản đạo đức làm người thì chỉ cha mẹ mới có thể dạy dỗ và định hướng được. Con trẻ đều học từ cha mẹ, cha mẹ hành động ra sao, con trẻ học theo như thế. Nếu không dành thời gian dạy dỗ, lắng nghe, để hiểu biết và cảm thông với con cái từ khi còn nhỏ, thì làm sao cha mẹ biết khi con cái lớn lên cần những gì? Tại sao thanh niên ngày nay thường có khuynh hướng độc lập, nổi loạn và không vâng theo lời cha mẹ? Tại vì cha mẹ đâu biết gì về con cái, đâu biết chúng nghĩ gì, làm gì, hay có vấn đề gì. Vì cha mẹ không dạy gì cho con nên con chỉ học qua bạn bè và các trang mạng xã hội. Đám trẻ học rằng người thành công là người có thể kiếm nhiều tiền, do đó họ sẵn sàng làm mọi chuyện chỉ để có tiền, bất chấp tốt xấu. Họ học rằng nếu muốn nổi tiếng thì phải làm theo các ngôi sao điện ảnh hay những người đang tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội. Do đó họ mua sắm, chưng diện, nói năng bừa bãi như những người này. Thay vì đọc các sách vở có giá trị, họ chỉ đọc những bình luận, tin nhắn trên mạng xã hội và “chat” với những người xa lạ vì họ đâu có thể trò chuyện, đối thoại thân tình với cha mẹ mình được nữa. Đó chính là tình trạng mất kết nối nghiêm trọng trong giáo dục các gia đình hiện nay trên thế giới".
Mọi sự thay đổi phải xảy ra từ bên trong
Tôi tán thành và nói thêm: “Anh nói đúng, tôi thấy ngày nay đại đa số người trẻ ít để ý đến các biến cố trên thế giới, nếu so với những người thuộc thế hệ trước. Bạn tôi, một giáo sư đại học, đã phải than rằng phần lớn sinh viên chỉ xem tin tức qua Facebook, Twitter, TikTok, YouTube hay WeChat... Họ chỉ quan tâm tới cái mà những người trẻ như họ đang làm trên mạng xã hội. Họ ngày càng trở nên vô cảm, không còn ham tìm tòi để gia tăng hiểu biết và chỉ chạy theo vật chất hay các xu thế nhất thời. Người ta vẫn tin rằng nhờ internet mà người trẻ kết nối với nhau nhiều hơn nhưng thật ra đa số kết nối qua các ứng dụng công nghệ chỉ mang tính hào nhoáng bề ngoài và thiếu chân thật”.
Farnum lộ vẻ ưu tư: “Tại sao tiêu chuẩn đạo đức của thế giới lại xuống cấp như thế? Phải chăng vì mọi người chỉ biết chạy theo tiếng gọi của tiền bạc, danh vọng chứ không hề để tâm đến nền giáo dục? Ngay như các trường học cũng cạnh tranh với nhau để có càng nhiều học sinh ghi danh càng tốt, mục đích là để kiếm được nhiều tiền còn chất lượng giáo dục tốt xấu ra sao thì ít ai quan tâm. Đó là chưa kể đến việc trường học đua nhau tăng học phí mỗi năm, rồi còn phát sinh bao nhiêu loại phí khác khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, chẳng còn hơi sức quan tâm đến chất lượng của giáo dục. Một khi giáo dục đã thoái hóa thì làm sao có thể đào tạo ra được nhân tài cho đất nước? Làm sao đào tạo được những tâm hồn cao thượng hay những anh hùng chân chính bảo vệ quê hương? Ngày nay, nhiều người trẻ không biết gì về đạo đức, về tình người, về công bình hay tình bác ái, mà chỉ sống đua đòi theo những thú vui trước mắt, sống với những thói quen buông thả, hưởng thụ bằng đủ mọi cách. Nếu chúng ta không khuyến khích phục hồi những giá trị cao thượng khi xưa thông qua hành động thì rất khó có thể cứu vãn được tình trạng xuống dốc trầm trọng hiện nay”.
Tôi trả lời: “Đã có nhiều người lên tiếng về việc cải thiện tình trạng giáo dục cũng như trách nhiệm làm cha mẹ trong thời đại này, nhưng đến giờ vẫn chỉ là những tiếng kêu vô vọng”.
Farnum mỉm cười: “Trong nhiều năm, chính phủ nào cũng đề xướng nhiều chương trình quy mô lớn với ngân quỹ khổng lồ để làm chuyện đó. Họ thuê những chuyên viên có bằng cấp cao, tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu để thực hiện nhưng kết quả không đi đến đâu. Anh có biết tại sao không, vì đa số những người này, dù có khả năng và kiến thức, nhưng chỉ làm việc để được trả lương chứ không xuất phát từ trong tâm”.
Farnum kết luận: “Theo tôi, mọi sự thay đổi đều phải xảy ra từ bên trong thì mới có thể tạo ảnh hưởng đến bên ngoài. Sự chuyển hóa chỉ xảy ra từ những trải nghiệm và hành động với những gì chúng ta tin tưởng. Đó là lý do tôi không muốn làm những việc lớn lao, nhưng cũng sẵn sàng hỗ trợ cho những việc tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Vì vậy tôi mới mời anh đến quán ăn này để giới thiệu với anh tôn chỉ hoạt động của nơi này, đó là: "Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử tế rồi họ sẽ lan tỏa điều này đi khắp nơi". Biết đâu những việc nhỏ lại có thể đánh thức tiềm năng tốt đẹp của mọi người, đem lại sự chuyển hóa cho tương lai…”.