Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Kỷ niệm 60 năm ngày Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm (11/6/1963 - 11/6/2023)

 

TƯỞNG NIỆM NGỌN ĐUỐC 1963


Cao Huy Thuần  


Trong lịch sử Phật giáo, cũng như trong lịch sử Việt Nam, 1963 là một niên biểu trọng đại. Một đỉnh cao, một mốc thời gian trong đó máu và nước mắt của Phật tử chan hòa và tiếp nối máu và nước mắt oai hùng của cả một dân tộc đã đổ ra trong hơn một thế kỷ để giành lại độc lập toàn vẹn cho đất nước. Người Việt Nam phải thuộc sử Việt Nam. Và người Phật tử thì không phải chỉ 50 năm một lần, 60 năm một lần đọc lại trang sử 1963, mà đọc lại hàng năm, mỗi ngày Phật đản, đọc thầm cũng được, để thấy máu và nước mắt của một thời thấm vào tim mình. Bài học 1963 không những còn nguyên giá trị, mà còn sáng rực ngọn đuốc Quảng Đức trong vô minh của mọi đêm tối.   

Trong vô minh ấy của chính chúng ta, 1963 để lại những bài học gì? Nhiều lắm. Nhưng hãy tạm hạn chế trong bốn yếu tố căn bản:  

1. Thứ nhất là yếu tố quần chúng. Tuyệt đẹp, tuyệt hảo là tình cảm gắn bó thiết tha giữa quần chúng và Phật tử, giữa một tầng lớp quần chúng với chùa chiền trong suốt thời gian pháp nạn. Không có quần chúng thì chắc chắn không có 1963, chắc chắn không có Phật giáo ngày nay, chắc chắn lịch sử chiến tranh sẽ khác. Ngay từ đầu, ngay sau vụ thảm sát ở Đài Phát thanh Huế, biểu tình là tự phát, quần chúng đổ ra đường cùng với Phật tử. Ở đâu có đàn áp, lập tức ở đấy có tự phát biểu tình. Càng về sau, càng đàn áp khủng bố, quần chúng lại càng đồng hóa với Phật tử. Chính dùi cui cũng không biết phân biệt đầu nào là đầu dân, đầu nào là đầu thầy chùa: Pháp nạn với dân nạn, quốc nạn là một. Vì vậy mà dù Từ Đàm bị bao vây, chim bay tưởng khó lọt, quần chúng vẫn vô ra mà không cần địa đạo. Cứ tưởng tượng lại quang cảnh bi hùng ấy mà thương quần chúng: cảnh sát, quân đội, chiến xa bao vây ba vòng, máy bay uy hiếp trên không, Từ Đàm bị phong tỏa như một chiến khu, bằng cách nào bên ngoài tiếp tế lương thực, áo quần, thuốc men cho các thầy và hàng chục Phật tử luân phiên tuyệt thực, cầu nguyện ở bên trong? Trả lời: Ban đêm, tìm lối sau, xuyên qua nhà dân, từ nhà này qua nhà khác, vườn nọ tiếp vườn kia, không ai tố giác, tin tức trao qua đổi lại không lộ bí mật, một lời phóng ra từ bên trong, bên ngoài chấn động cả thành phố.   

Có quần chúng, chưa đủ, nếu quần chúng ấy vô kỷ luật. Vô kỷ luật thì càng đông càng ô hợp. Quần chúng của 1963 là quần chúng biết nghe, nghe theo kỷ luật, nghe theo phải trái. Và bởi vì phải trái đã quá phân minh, chỉ cần nghe theo lẽ phải của chính lòng mình là không cần ai bắt buộc cũng thành kỷ luật. Cho nên, ở Huế cũng như ở Sài Gòn về sau, hàng hàng lớp lớp biểu tình mà bạo loạn không xảy ra. Chúng ta tự hào đã là một tấm gương kỷ luật để quần chúng noi theo. Meeting trước chùa hay biểu tình ngoài phố; đi, đứng, ngồi xuống đường, chắp tay cầu nguyện mặc đánh đập; tiến, thoái, khẩu hiệu, biểu ngữ, hiệu lệnh truyền ra, nhất nhất Tăng Ni, Phật tử hành động đồng loạt, mà Tăng Ni trẻ là hình ảnh nổi bật hàng đầu trong tấm gương. Hòa thượng Trí Quang đặc biệt tán dương các vị Tăng Ni trẻ trong Hồi ký, dành những lời thiết tha nhất để nhắc lại dũng khí của kỷ luật và giới đức trang nghiêm như một tấm gương để quần chúng soi hình ảnh của Phật giáo bấy giờ và mãi mãi. Xin trích:  

Ấy vậy, Tăng Ni tương lai của Phật pháp phải nhìn đạo và nhìn đời, nhìn mình và nhìn người (…) để rồi tự ý thức cái nghĩa vụ của Phật giáo mà các vị là biểu tượng. Các vị phải bồi dưỡng trước và suốt đời về giới đức và tâm đức. Chính giới đức, và chỉ giới đức, mới làm cho các vị và Phật giáo của các vị thành hoa sen trong bùn. Nên giới đức mới cảm hóa được ma quân, chế ngự được ngoại đạo…”. Xin đọc tiếp Hồi ký để nghe lại lời của Người Lãnh Đạo vang vọng lại từ 1963. Và như vậy, xin bước qua yếu tố thứ hai.  

2. Yếu tố thứ hai là lãnh đạo. Có quần chúng mà không có lãnh đạo thì mọi chuyện bất thành. Phước báu mà chư Phật mang đến cho Phật tử trong pháp nạn 1963 là sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo xuất chúng hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo cận đại. Khi Thầy Trí Quang hô hào Phật tử đứng dậy, không ai có thể tưởng tượng chế độ kia sẽ tan rã. Chính Thầy cũng thấy cái chết của chính mình, một thách đố mạng đổi mạng. Hòn đá đổi mạng với cái núi. Châu chấu đổi mạng với cỗ xe. Nhưng đừng tưởng đây là manh động. Đừng tưởng đây là tự tử. Ai ở gần Thầy đều biết: mọi chuyện bắt đầu từ lòng tin. Và lòng tin nơi Thầy phải nói là kỳ lạ, sắt đá không lay chuyển. Tin ở sức mạnh trong chính mình. Ở sức mạnh trong mỗi con người. Trong con người trước lẽ phải. Hai sức mạnh ấy gộp lại trong một bàn tay điều khiển sáng suốt, sách lược.   

Khi mở đầu, khó tưởng tượng tranh đấu sẽ thành công. Cũng khó tưởng tượng sức mạnh ấy có thể mãnh liệt đến mức ấy, sẽ là nước vỡ bờ. Cái mà mọi đối thủ từng sợ nơi Người Lãnh Đạo ấy của chúng ta là đức tin nơi con đường phải đi: chỉ có một con đường ấy mà thôi để Phật giáo còn sống. 1963 không phải là một nước cờ liều. Đó là chuyện tất nhiên phải thế. Chúng ta bái lạy cái thấy “tất nhiên phải thế” bừng lên từ Người Lãnh Đạo qua quần chúng Phật tử, biến những con người vốn hiền hòa trong một thành phố vốn hiền hòa thành thủy triều lan ra cả nước.   

3. Yếu tố thứ ba là mục tiêu. Từ đầu, khi một ký giả ngoại quốc hỏi: “Thầy muốn gì?”, Thầy của chúng ta trả lời: “Chỉ muốn dịch kinh sách”. Câu nói biểu trưng cho lý tưởng và mục tiêu trong suốt của Phật giáo. Từ trong lịch sử, Phật giáo đã chọn cho mình một chỗ đứng, một tư thế xa lánh quyền hành, tranh chấp chính trị. Văn hóa - hay dùng chữ của Nguyễn Trãi, văn hiến - là chỗ đứng muôn đời của Phật giáo. Đứng với dân. Chan hòa trong buồn vui của dân tộc. Bởi vậy, khi Phật giáo đứng lên để “bảo vệ đạo pháp”, quần chúng thấy rõ mục tiêu “dân tộc” mà cao trào tranh đấu nhắm đến. Đây không phải là tranh giành quyền lực: đây là bảo vệ phần hồn của dân tộc, nghĩa là văn hiến, mà chế độ Diệm muốn quật chết trong chính sách. Quần chúng thấy rõ, thấy quá rõ: chính sách thực dân là diệt phần hồn, chính sách ông Diệm là tiếp nối. Dụ số 10 mà Phật tử đứng lên đòi hủy bỏ là cây cầu tiếp nối giữa ông Diệm với thực dân. Dụ ấy là cái nhục của nước, cái nhục nô lệ. Phật giáo đứng lên rửa nhục là rửa nhục chung! Quần chúng thấy rõ đâu là cái hồn phải giữ. Chỉ có một con đường ấy thôi. Cùng đi! Cho nên sức nước vỡ bờ. 1963 là vậy.   

4. Yếu tố thứ tư là phương pháp: Bất bạo động. Bất bạo động nằm trong bản chất của Phật giáo. Cho nên nằm ngay trong câu nói mở đầu tranh đấu của Thầy Trí Quang, câu nói chắc nịch như đinh đóng cột:  

Bất bạo động. Phương pháp này thích đáng với Phật giáo. Dẫu biết bất bạo động thì rất khó. Phải có cái Dũng ngay từ bên trong con người của mình mới bất bạo động được. Gandhi đã nói nhát gan mà bất bạo động thì thà bạo động. Chính tôi cũng thấy bạo động dễ hơn. Dẫu vậy, Phật giáo sẽ không bao giờ từ bỏ bất bạo động. Lý do chỉ vì Phật giáo thì phải là như vậy”.  

Phật giáo thì phải là như vậy, không thể khác. Phải trích thêm một câu nữa:  

Ông Diệm đã gây hấn, sinh sự, dồn Phật giáo vào cái thế phải kháng cự, tự vệ. Tôi lại dự liệu nếu chúng tôi chết thì cái chết ấy như chân lý chết vì bạo lực, không phải chết vì bạo lực này kém bạo lực khác”.  

Cho nên quang cảnh Phật tử ngồi xếp bằng, chắp tay trước cảnh sát, quân đội, xe tăng, và cả chó trận, là thường xuyên, làm chấn động lương tâm của quần chúng, bắt đầu từ Huế trước khi lan đến Sài Gòn. Mặc đàn áp, meeting, tuyệt thực trước các chùa ở Sài Gòn, nhất là Xá Lợi, vẫn diễn ra vào mỗi buổi sáng và trước tối, với sự tham gia của học sinh. Dưới mắt của các ký giả ngoại quốc, bấy giờ mới được tận mắt chứng kiến, quang cảnh ấy được mô tả là “kỳ diệu”. Mà kỳ diệu thật, báo đăng hai tấm hình song song, một tấm chụp đoàn Thanh nữ Cộng hòa của bà Nhu đứng thị uy, một tấm chụp các em nữ sinh bận đồng phục quỳ gối chắp tay cầu nguyện. Quần chúng nhìn vào tấm gương bất bạo động ấy mà giữ kỷ luật về sau, trong các cuộc biểu tình lớn giữa đường phố, tránh bạo loạn mà chính quyền muốn xảy ra.  

1963 dạy ta điều gì qua những hình ảnh bất bạo động tiếp nối nhau từ đầu đến cuối? Dạy: Không sợ! Chúng ta đã không sợ. Chính bọn tàn bạo đã sợ chúng ta. Cho nên hàng ngũ của chúng nó lung lay. Lung lay từ trong cảnh sát. Lung lay đến tận quân đội. Đến khi ngài Quảng Đức tự thiêu thì cả bộ máy chiến tranh đỡ đầu cũng lung lay. 60 năm nhìn lại, ôi, lịch sử nhiệm mầu! Hãy nhìn lại ngọn đuốc Quảng Đức còn rực cháy trong lòng:  

Lúc ngọn lửa bùng lên gần khắp người ngài rồi, còn lại chỉ có một bên vai, gần một nửa trên đầu, trán cũng đã có lửa, chỉ mặt còn nguyên. Chính trong lúc như vậy mà nét mặt của ngài hoàn toàn bình thản, siêu thoát, không một nét nhăn hay một chút rán sức. Lửa bùng lên hoàn toàn mà ngài vẫn an tọa. Cho đến khi lửa tắt, ngài ngồi như pho tượng đồng đen. Sau đó một lúc ngài mới gật đầu xuống như thể cúi chào Tăng Ni”.  

Phật giáo Việt Nam đã cống hiến cho đất nước một vị Bồ-tát. Phật giáo Việt Nam thừa sức hộ quốc như vậy trong hiện tại và tương lai với ngọn đuốc Quảng Đức soi đường và soi tâm.  


 Cao Huy Thuần


Nguồn:


Báo Giác Ngộ số 1202, 16.5.2023 (Giai phẩm  kính mừng Phật đản và tưởng niệm 60 năm Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân)
Báo đã đưa bài lên mạng ngày 7/6/2023, tại địa chỉ Tưởng niệm ngọn đuốc 1963, đây là bản tác giả gửi Diễn Đàn.