Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ

 - Kỳ 1: Chuyến xe than cuối cùng của đêm trước đổi mới

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Những người đứng tuổi chắc vẫn chưa quên cảnh chực chờ ở bến xe để có tấm vé hiếm hoi xuôi về miền Tây hay lên Tây Nguyên, ra miền Trung nắng gió. Có cả chuyến xe than...

Một chuyến xe đò cũ kỹ qua núi rừng miền Trung - Ảnh tư liệu

Một chuyến xe đò cũ kỹ qua núi rừng miền Trung - Ảnh tư liệu

Thời hậu chiến khó khăn, bến xe có mùi không lẫn vào đâu của rác rưới, bùn lầy, dầu nhớt và cả than củi khét lẹt để chạy xe.

Nhưng có lẽ ký ức khó quên nhất vẫn là những đêm nằm đợi qua bắc (phà) Cần Thơ và Mỹ Thuận, rồi những chiều gió mưa mà đứng tim với chiếc xe cũ nát rền rĩ leo đèo Rù Rì, Hải Vân...

Một ngày, ba mẹ tôi cuốn gói rời vùng quê Vĩnh Thái (Cam Hiệp, Cam Ranh, Phú Khánh mà nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) để đi tìm "đất hứa" - nơi được hiểu có trường học gần nhà cho con cái theo đuổi chuyện học hành, có điện sáng ban đêm thoát cảnh tù mù của đèn dầu xóm quê, gần đường quốc lộ để gia đình có thêm cơ hội đổi đời...

Xe than thời khó

Xe than thời khó ra sao? Tủ, giường, heo, gà, đủ thứ hằm bà lằng... được chất lên một chiếc xe đò có cái bình than phía sau. Chiếc xe ì ạch như một gã hen già nua kéo chúng tôi đi về một "đất hứa" ở xứ thừa nắng thiếu mưa...

Một đứa trẻ 6 tuổi ở trong làng quê heo hút vào thời bao cấp sẽ không thể hiểu nổi vì sao một chiếc xe đò lại có thể vận hành bằng cái thùng than nóng như vạc dầu phía sau. Trong đầu nó, đó là một điều kỳ diệu đi cùng với cảm giác khủng khiếp.

Người lớn như ba mẹ tôi, những người trưởng thành và học hành ở các đô thị miền Nam, vào lúc ấy chắc cũng không thể hiểu vì sao có sự chuyển tiếp từ chiếc xe chạy xăng trước 1975 sang chiếc xe chạy than sau 1975. Tâm trí họ có lẽ chỉ nghĩ tới một hành trình để thoát khổ. Và hành trình đó phải nhờ đến cái phương tiện giao thông rơi rớt lại từ nền "văn minh cơ khí vận tải" có từ Thế chiến thứ hai.

Những chiếc xe đò cũ kỹ được "độ" lại từ xe tải ở một bến xe miền Trung thập niên 1980  Ảnh tư liệu

Những chiếc xe đò cũ kỹ được "độ" lại từ xe tải ở một bến xe miền Trung thập niên 1980 Ảnh tư liệu

Sau này, người ta coi chiếc xe chạy than là một sáng kiến về kỹ thuật vận tải trong thời bao cấp. Đó là thời kỳ Nhà nước quản lý giao dịch xăng dầu theo chế độ tem phiếu, xăng là mặt hàng được mua bán theo chỉ tiêu khắt khe. 

Các nhà xe lúc bấy giờ vẫn dùng những chiếc xe chạy xăng thời cũ, nhưng chỉ đổ xăng ít ỏi đủ để khởi động máy. Động cơ không đổi là mấy, nhưng thay vì vận hành bằng nhiên liệu khí đốt xăng thì bộ máy những chiếc xe đò được "độ" lại để chuyển sang nhiên liệu đốt than củi. Than củi được cho vào một thùng than kín, treo phía sau để đốt cháy thường xuyên nhưng lửa không bén thành ngọn.

Cái "buồng than" đó tạo nhiệt lượng chuyển vào bộ hòa khí, giúp máy xe vận hành. Thường thì mất hơn một giờ đốt, xộc khơi than thì nguồn nhiệt lượng mới đủ cho xe lăn bánh. Vận tốc xe than chỉ đạt tới khoảng 20 - 30 km/h. 

Hồi hộp nhất là khi bình than giảm nhiệt lượng mà xe đến đoạn dốc sẽ nhiều nguy cơ xe bị đuối máy. Những lúc đó, anh lơ xe miệng la oang oang cảnh báo, tay cầm hai cái gối gỗ nhảy xuống chèn vào hai bánh sau để xe không bất ngờ hụt hơi, tuột dốc.

Năm 1986, khoảng giao thời bao cấp và đổi mới, ở một tuyến đường liên tỉnh của miền Trung nắng gió, tem phiếu vẫn chưa đi qua, tự do mua bán vẫn còn đầy bỡ ngỡ. Cả gia đình tôi lắc lư, sặc sừ trên chiếc xe nóng như hỏa diệm sơn dưới cái nắng nung trời và tiếng la oang oang của anh lơ xe, tiếng văng tục và khạc nhổ qua cửa lái của bác tài.

Càng đi, chúng tôi thấy những làng quê càng hoang vắng, những đồi xương rồng càng trải dài, những trảng cát càng cô quạnh, những đồi gai càng hoang vu. Thùng xe bốc lên một thứ mùi không sao quên được. Mùi của phân gà phân heo, mùi mật xanh mật vàng của mẹ tôi, em tôi ực ra trong những trận ói kéo dài. Mùi ngờm ngợp khói thuốc lá vấn của bác tài hòa với khói than thi thoảng xì ra từ cái bình "trung tâm hỏa ngục" cứ nghiến cót két ở cửa sau xe...

Muội than bay mù mịt mỗi khi anh lơ leo lên mui xe tạt mấy ca nước chống nóng rồi dùng một cây sắt xọc vào thùng cời cho củi than cháy tạo thêm nhiệt lượng cho chiếc xe rệu rã lăn bánh về phía trước. Chiếc xe đi tới đâu, những viên than cháy đỏ rơi rớt xuống đường đến đó.

Xe chạy than thời bao cấp khó khăn - Ảnh tư liệu

Xe chạy than thời bao cấp khó khăn - Ảnh tư liệu

Bánh xe chạy trước... xe

Xe đi từ Đồng Bà Thìn, qua những vườn dừa xứ biển. Tôi thấy biển như kẻ chơi trốn tìm, lúc ẩn lúc hiện, màu xanh lóa nắng ngoài ô cửa.

Khi đến những đồng lúa có vành đai xương rồng rậm rạp ở vùng Gò Đền, Hộ Diêm thì chiếc xe lại cà khật cà khật và chao đảo xuôi về phía một bờ đê. Anh lơ xe đu ở cửa phụ kêu lên hốt hoảng: "A, tấp vô, tấp vô. Cái bánh chạy đằng trước rồi kìa!". Cả xe nháo nhác. Người lớn ôm chầm con cái chuẩn bị cho một cú lăn tròn xuống lòng ruộng. Còn bọn trẻ thì la hét hỗn loạn.

Bác tài xế vẫn mặt lạnh như tiền, đánh lái vô lăng để cố "dìu" cái xe lảo đảo chỉ còn ba bánh cho đến khi nó tấp vào được một gốc cây và đứng khựng. Cả nhà rồng rắn bồng bế nhau bước xuống đường, mặt mũi bơ phờ bám đầy muội than. Không ai buồn nói với ai câu gì. Mẹ tôi ngồi bệt bờ cỏ và làm dấu thánh giá. Ba tôi thì lau mặt cho tụi nhỏ rồi hít một hơi thở sâu, cố an ủi: "Không sao đâu, sắp tới nơi rồi...". Trong khi đó, anh lơ xe thì vần cái bánh xe lên khỏi một bờ ao đầy sình lầy...

Trưa đó, chúng tôi nghỉ lại trong một ngôi làng nhỏ ven đường chờ gắn lại bánh xe và đốt lại một thùng than mới. Dân nghèo thấy người lỡ đường liền rộng cửa đón tiếp. Tài xế và lơ xe nằm lăn ra dưới tán cây keo ngáy khò khò.

Chiếc xe lại lăn bánh, ì ạch đi trên con đường quốc lộ tiến về hướng Nam. Tới bến xe Phan Rang thì chiều xuống, xe phải đứng bến nghỉ lại đêm. Ngày nay thật khó hình dung con đường từ Cam Ranh (Khánh Hòa) tới huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận, nơi chúng tôi sẽ đến) chỉ trên dưới 80 cây số mà phải đi trong hai ngày chỉ vì tài xế lo lắng cái xe "trở chứng" lần nữa khi qua chặng đường dốc, hai bên là rừng cây thưa nhà của quốc lộ 27.

Ở bến xe Phan Rang, những chiếc xe đò xếp theo hàng dọc phơi trong nền chiều những màu sơn rợ cũ, những chiếc mui đầy nhóc hàng hóa của người buôn chuyến và các thùng than gỉ sét cồng kềnh còn hừng hực nóng sau các lộ trình nhọc nhằn liên tỉnh miền Trung. Đất dậy mùi khai của nước tiểu, của dịch ói mà hành khách đi xe đựng trong bọc ni lông và quăng vô tội vạ, của mùi rau quả hư mà thương lái lọc bỏ vứt ở mấy đống rác ở ngay lối vào...

Len lách giữa những chiếc xe đò còm cõi còn hừng hừng hơi nóng từ bình đựng than là tiếng rao chao chát cuối ngày: "Ai nước chì đây" (Ai nước chè đây) của những đứa bé mặt mày đen nhẻm đi bán nước rong.

Thuở bao cấp xe cộ thiếu thốn, hàng hóa và người chồng chất trên mui xe là bình thường  Ảnh tư liệu

Thuở bao cấp xe cộ thiếu thốn, hàng hóa và người chồng chất trên mui xe là bình thường Ảnh tư liệu

Đêm đến, một manh chiếu được trải ra ngay dưới bình than, chiếc mùng lính bằng vải dù - kỷ vật mà ông ngoại tặng ba mẹ tôi khi xa quê Cam Ranh - được giăng bốn góc. Bọn trẻ sau bữa cơm tạm bợ ôm nhau đánh giấc mê mệt. Còn người lớn, có lẽ đã thức canh cho đến khi trời sáng, chờ thùng than được khơi lên cho chặng còn lại của hành trình đến "đất hứa"...

Cứ chạy một đoạn, tài xế lại phải tấp vào bên con đường đầy xương rồng và ruộng cạn để anh lơ xe châm thêm than củi. Mỗi bình than nung đốt sẽ duy trì nhiệt lượng cho chiếc xe chạy được chừng ba bốn mươi phút, rồi xe lại cà khật cà khật chạy rì rì như người đã kiệt sức.

- Kỳ 2: Những chuyến xe đò nối biển với núi rừng

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Cuối thập niên 1990, khi con đường qua đèo Khánh Lê chưa được mở, đường nhánh từ thị trấn Ninh Sơn qua Cam Ranh cũng chưa có, thì những chuyến xe đò từ cao nguyên hoa Đà Lạt về duyên hải Nha Trang chỉ một ngõ chính, đó là phải qua đèo Ngoạn Mục.

Một chuyến xe đò tuyến Đà Lạt đi các tỉnh thập niên 1990 - Ảnh tư liệu

Một chuyến xe đò tuyến Đà Lạt đi các tỉnh thập niên 1990 - Ảnh tư liệu

Đèo tên là Ngoạn Mục (Sông Pha), nhưng đây lại là lộ trình "trần ai" đến thót tim và sặc sừ, nhất là phải đi trên những chiếc "xe ca" cũ nát liên tỉnh.

Miễn sao có xe để đi

Cha tôi nhấc bổng chiếc xe đạp cà tàng để anh lơ kéo nó lên buộc trên mui xe. Mui xe chất đầy những thúng giỏ đan tre và lu đựng cá mắm, trái cây... từ vùng đồng bằng duyên hải chở lên cao nguyên Đà Lạt.

Chiếc xe đò thời bấy giờ không còn chạy bằng than, nhưng "chất lượng dịch vụ" xe khách xem ra không khá hơn.

Làm sao quên được không gian những chiếc xe ca luôn ngập trong một hỗn hợp mùi của xăng, của trái cây thối, của cá mắm, của hàng trăm thứ lưu cữu... khiến bất cứ ai mắc chứng say xe sẽ chực nôn ói ngay từ khi vừa bước chân lên.

Nhồi nhét, đó là thực tế mà tôi phải chấp nhận. Những băng ghế có thể nhồi người gấp đôi, thậm chí gấp ba số chỗ.

Người buôn chuyến thì quen rồi, ngồi xích vô, xích ra, thóp bụng, nghiêng vai, thậm chí người này ngồi trên đùi người kia... miễn sao cùng nhau đi qua một đoạn gian nan để tới nơi cần tới.

Trên mui xe, có khi là những chiếc lồng heo, gà kêu rát cả tai. Cái cảnh này ít nhiều gợi nhớ về chuyến xe đi tìm "đất hứa" của gia đình tôi năm nào trên một chiếc xe chạy bằng than.

Trải qua một cái mốc có tính bản lề của thời đổi mới - cái xe than đã được thay bằng xe xăng, nhưng đời những kẻ phiêu dạt trên những cung đường liên tỉnh xem ra hãy còn nhọc nhằn không kém. Trên xe, dân tứ chiếng tôi gặp vẫn ăn nói bỗ bã, vừa thô tục lại vừa hào hiệp.

Họ thương thằng tân sinh viên sặc sừ ói ra mật xanh mật vàng khi xe leo qua khúc ngoặt cùi chỏ thứ nhất trên đèo Ngoạn Mục. Họ ngồi chật một chút để cho chàng thư sinh ốm đói được thoải mái. Họ xức dầu xanh và lấy quạt ra quạt phành phạch.

Mùi hôi xe và mùi hôi nách, mùi dầu xanh và mùi dịch ói của những người tội nghiệp chưa quen đi đường đèo... và dĩ nhiên, cả tiếng ói ọe trở thành một nỗi ám ảnh trên con đường 18 cây số ngoằn ngoèo đèo dốc trên chiếc xe đánh lái liên tục.

Ngày trước, chiếc xe đò cũ kỹ chạy tuyến miền Trung còn "cõng" cả gỗ trên mui  - Ảnh tư liệu

Ngày trước, chiếc xe đò cũ kỹ chạy tuyến miền Trung còn "cõng" cả gỗ trên mui - Ảnh tư liệu

Kiểu xe đi đèo của dân buôn chuyến thời kỳ này không còn cái cảnh đứng chen chúc trong thùng xe như xe đò thời chạy than. Nhưng không chen đứng thì cũng chen ngồi. Trong những chiếc xe 16, 24 chỗ đã có ghế da, có khi hầm hập hơi người.

Anh lơ sẽ là người bắt khách dọc đường. Anh thường xuyên thò đầu qua cửa phụ la "quẹo dô... queo dô..." trong khi tài xế thì nhấn còi inh ỏi mỗi lúc phát hiện có khách đứng bên đường vẫy vẫy tay.

Anh ta sẽ phóng xuống đường, tay vừa nhấc đồ cho khách, vừa thỏa thuận giá. Một màn thu thập thông tin nơi đến và trả giá chóng vánh, nếu khách gật đầu thì liền bị anh lơ bị lùa ngay vào xe.

Có nhiều lúc thỏa thuận giá chưa xong nhưng anh lơ đã lùa khách lên và xe lăn bánh, đi được một đoạn, tới khi thu tiền thì khách không đồng tình, hậm hực đòi bước xuống... Nhiều khách bị trả dọc đường bực bội nhưng đành phải chờ chuyến xe khác (không chắc khá hơn!).

Cái kiểu "giao dịch dân sự" có màu sắc chợ đen này phóng chiếu một một phần kỳ lạ trong đời sống kinh tế của thời kỳ vừa đổi mới.

Một bến xe Đà Lạt giờ không còn nữa - Ảnh tư liệu

Một bến xe Đà Lạt giờ không còn nữa - Ảnh tư liệu

Một nhân quần lắc lư...

Người đi buôn chuyến ở cung đường Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang ngày ấy, thì thường thuộc nằm lòng từng nhà xe, nên dễ chủ động đi lại. Tài xế, lơ xe cũng quen mặt từng người buôn chuyến vì họ gặp nhau hằng ngày.

Nhưng với những cô cậu sinh viên mặt búng ra sữa lần đầu mới dò dẫm bước ra khỏi nhà, thì lên xe là chấp nhận đủ thứ thiệt thòi. Thiệt thòi lớn nhất là thường bị mấy anh lơ xấu tính hét giá trên trời mà không biết cách trả treo, cả chuyện đang đi xe này thì bị lùa sang xe khác do tài xế bất ngờ... đổi tuyến.

Kiểu "sang xe" này thường dễ gặp khi xe đi tới những bến nhỏ ở Dran, Phi Nôm, xe đột ngột "quẹo" về Đức Trọng hay Bảo Lộc. Vậy là khách bị "bán" cho nhà xe khác.

Chặng đường chưa đầy 80 cây số từ nhà quê lên Đà Lạt vậy mà có khi anh sinh viên ngơ ngác bị "bán" đến hai lần...

Nhưng như vậy vẫn không đáng lo bằng những hiểm nguy luôn rình rập. Có nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đèo Ngoạn Mục, do đường sá khúc khuỷu, các xe lại thường tranh nhau chạy để vớt khách dọc đường dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm.

Mỗi lần tôi về thăm nhà, ngang qua con đèo này, lại thấy ven đường mọc lên những am mới. Trong khung cảnh đèo núi hoang vu, thấp thoáng những am miếu cô lẻ chờn vờn giữa sương lạnh làm sao khỏi rùng mình ớn lạnh.

Thế nên mới hiểu tại sao tài xế đi xe khách cung đường này, dù có dày dặn sương gió đến đâu, cũng ít nhất mỗi chuyến một lần dừng xe xuống thắp hương khấn cho một cái am nào đó rồi mới yên tâm cầm lái.

Những người lớn lên ở thập niên 70-80, thậm chí sang 90 của thế kỷ 20 không lạ gì cảnh phải đu đuôi xe, ngồi vắt vẻo trên mui vì thiếu xe - Ảnh tư liệu

Những người lớn lên ở thập niên 70-80, thậm chí sang 90 của thế kỷ 20 không lạ gì cảnh phải đu đuôi xe, ngồi vắt vẻo trên mui vì thiếu xe - Ảnh tư liệu

Những năm học ở Đà Lạt, cậu sinh viên liên tục về thăm nhà trên những chuyến xe đò Đà Lạt - Nha Trang, dần dần quen với các cung đường, quen với sự nhọc nhằn trong di chuyển, thì không còn cái cảnh bước vào xe phải xin anh lơ mấy túi ni lông thủ sẵn để nôn, không còn thấy khó chịu vì các bà đi buôn nói quá nhiều và văng tục quá gắt hay thứ nhạc mà anh tài xế mở thường quá mức ồn ào...

Cậu sinh viên phố núi cũng cảm thấy dễ chịu hơn với việc xe đón khách dọc đường vì không đâu xa lạ, họ cũng chính là hình ảnh và tình cảnh của mình.

Một xã hội tự quản trong chiếc xe đò cũng kỹ hôi hám được sắp xếp và quy định bởi anh lơ bỗ bã và bác tài lạnh lùng, thoạt nhìn có vẻ chật chội nhưng nghĩ lại, nhiều khi cũng nghiệm ra được những bài học của lòng bao dung, tinh thần chung sống của những người tứ chiếng.

Tuyến xe đò liên tỉnh nối cao nguyên Đà Lạt với duyên hải Ninh Thuận, Khánh Hòa qua đèo Ngoạn Mục có thể nói là tuyến đặc thù nhất của lộ trình giao thông theo đường ngang trên bản đồ chữ S ở vùng đoạn Nam Trung Bộ.

Những cung đường ngắn, dốc đèo hiểm trở nhưng mang trên mình sứ mệnh huyết mạch của một thời kỳ không nhiều chọn lựa. Xe đò xuôi đèo thường chở lagim, các loại nông sản xứ lạnh miền cao, ngược đèo thường chở cá mắm, muối và thổ sản vùng biển.

Một hỗn hợp mùi hôi lưu cữu trên những ghế ngồi, sàn xe... rất đặc trưng. Các chuyến hàng cứ thế ngược xuôi. Cậu sinh viên vẫn đứng bên đường vẫy vẫy mong tìm một chỗ đi qua cung đường nhọc nhằn này.

Vậy đó, mà chòng chành lắc lư qua đèo...

Khách trên xe bị nhồi nhét thì hết nghiến răng chịu đựng sẽ quay qua càu nhàu than vãn với tài xế, dọa không bao giờ đi xe này nữa. Nói thì nói vậy, chứ xe cộ thời đó còn khó khăn, ai cũng hiểu qua sông thì phải lụy đò. Ai cũng chịu khó sao cho được việc.

- Kỳ 3: Chiếc rờ-nôn đưa tôi đến 'kinh kỳ sáng chói'

Chiếc xe đò đã gắn bó da diết với thời đi học của tôi, từ khi rời trường làng về trường huyện rồi lên trường tỉnh.

Những chiếc xe đò bảng số 40B đã quen thuộc với quãng đời đi học của tôi ở Huế  - Ảnh tư liệu

Những chiếc xe đò bảng số 40B đã quen thuộc với quãng đời đi học của tôi ở Huế - Ảnh tư liệu

Hết ba năm trung học lại thêm bốn năm đại học, có thể gọi đó là quãng đời ròng rã xe đò, tàu chợ. Mỗi tuần đều đặn hai chuyến lên Huế - về Truồi.

Đi xe đò mà như đi đò

Đến đầu năm học 1984 - 1985, tôi rời làng lên phố để theo học cấp III. Làng tôi thuộc xứ Truồi, nằm cách thành phố Huế chừng 30 cây số về phía nam, nhưng là hai thế giới khác hẳn. 

Xứ Huế có kinh thành cổ kính lại có thêm phố phường sầm uất, những quán ăn ngon, có rạp xinê, sân vận động, tiệm sách báo và những ngôi trường nổi tiếng Đồng Khánh, Quốc Học... Đưa tôi đến với "kinh kỳ sáng chói" chính là những chiếc xe đò mang bảng hiệu Huế - Truồi.

Cầm tờ giấy nhập học và cái rương đựng áo quần, sách vở, tôi ra quốc lộ 1 đón chuyến xe chiều từ Truồi lên Huế. Lần lượt những chiếc rờ-nôn (Renault, tên hãng xe của Pháp) chạy qua, mang bảng hiệu Huế - Cầu Hai, Huế - Lăng Cô cùng những chiếc đờ-sô-tô (DeSoto, tên hãng xe Mỹ) mang bảng hiệu Huế - Đà Nẵng. 

Chiếc xe đò  rờ - nôn từ Huế đi, về qua cầu Truồi  - Ảnh tư liệu

Chiếc xe đò rờ - nôn từ Huế đi, về qua cầu Truồi - Ảnh tư liệu

Những chiếc xe đò mang bảng số 40B của Hợp tác xã vận tải ô tô Huế chạy tuyến nội tỉnh Bình Trị Thiên. Dù sợ trễ nhưng tôi vẫn chờ chiếc xe rờ-nôn bên hông ghi hàng chữ Huế - Truồi. Xe đã chật kín đến độ không còn chỗ đứng để nhét cái chân. Anh ét xe (tức lơ xe) bảo tôi quay lưng lại và ép mấy phát thì lọt vô được thùng xe. Anh đóng cửa cái rầm rồi hét to: "Êm rứa, tới đi bác tài!".

Máy nổ phành phạch, phụt khói đen sì, chiếc xe ì ạch tiến lên, qua những khúc cua nghe cả tiếng khung xe kêu ẹo ẹo. Vậy mà bác tài vẫn cười tươi như hoa, vì còn chi sướng hơn là xe đầy khách. Trên trần còn chất đầy cả củi, những bao chè xanh, mít, vả, chuối và sắn, những thứ đặc sản xứ Truồi. 

Xe chạy qua ngã ba La Sơn, bác tài định dừng lại nhét thêm vài khách thì bị bà con la ó nên đạp ga chạy thẳng, miệng lầm bầm: "Cho tui kiếm thêm mấy đồng chớ như ri thì ăn thua chi". Đến chợ Nong thì bác tài dừng xe, động cơ tắt nghe một tiếng xịch và sau đó là hơi nóng phả ra như cái lò đúc. Xe nằm đó gần nửa tiếng đồng hồ để chở thêm mấy bao bột lọc.

Chiếc xe no hàng không đón thêm ai nữa, chạy lặc lè qua trảng Phù Bài heo hút không bóng người, qua Phù Lương thì bắt đầu thấy hình dáng phố thị. Đến ngã ba Dạ Lê thì hàng bắt đầu thả xuống, đó là những gánh lá rừng để nấu nước uống mà người dân ở đây phải về tận rừng Truồi để chặt. 

Đến Cống Bạc là yên tâm vì hai bên đường có rất nhiều tiệm sửa ô tô, đổ nước mui, bơm mỡ, vá lốp. Đến Nghẹo Giàng Xay (tức ngã ba An Dương Vương - Ngự Bình bây giờ), xe dừng lại khá lâu để sạt xuống những bao hàng phế liệu ve chai. 

Đến bến xe An Cựu thì nhá nhem tối. Ai cũng mừng vui thở phào vì cuối cùng cũng về đến Huế. "Đi xe mà như đi đò!", tiếng ai đó nhăn nhó vì bị trễ giờ.

Một chiếc xe tải hiệu Dodge M37 của Mỹ từ thời chiến được chuyển thành xe đò chở khách tại Huế sau 1975 - Ảnh tư liệu

Một chiếc xe tải hiệu Dodge M37 của Mỹ từ thời chiến được chuyển thành xe đò chở khách tại Huế sau 1975 - Ảnh tư liệu

Chiếc rờ-nôn của ông Chương

Kể từ hôm đó, tôi trở thành một người khách quen thuộc của bến xe An Cựu. Cái bến xe được xây dựng trên phần đất của cánh đồng làng An Cựu xưa, bây giờ là nơi tọa lạc tòa nhà siêu thị Go. 

Toàn bộ các chuyến xe đò từ Huế đi về các huyện phía nam của tỉnh và các tỉnh phía Nam đều xuất phát từ đây. Thứ bảy mỗi tuần, cơm trưa vừa xong là tôi cuốc bộ ngay ra bến xe An Cựu để về nhà. Vừa tới cổng bến là các anh ét xe ra mời chào ngay: "Mi về mô, Truồi, Đá Bạc, Cầu Hai, Thừa Lưu, Lăng Cô?". 

Nếu về Truồi thì có thể lên bất cứ xe nào, kể cả xe đi Đà Nẵng. Tôi vẫn thích lên xe Truồi, vì cảm giác thân quen. Và thân quen nhất trong đoàn xe Truồi là chiếc xe rờ-nôn già nua của bác tài tên Chương.

Bến xe An Cựu, một dấu ấn sâu đậm trong ký ức xe đò xứ Huế  Ảnh tư liệu

Bến xe An Cựu, một dấu ấn sâu đậm trong ký ức xe đò xứ Huế Ảnh tư liệu

Chiếc xe của ông Chương trước đó chạy tuyến Lăng Cô, vì khoảng cách 60 cây số, qua hai ngọn đèo nên xe phải còn ngon mới chạy nổi. Sau nhiều năm, phong độ giảm dần, ông Chương rút về tuyến Huế - Truồi. 

Lúc này, chiếc xe chỉ còn như một cái thùng sắt gỉ di động. Mỗi lần khởi động, ông Chương cầm hai đầu dây điện chập vào nhau cái chóe, máy gầm rú lên làm rung rinh cả chiếc xe già nua. Xe không có kính chiếu hậu ở hai bên nên cậu con trai làm ét xe phải chạy quanh kiểm tra, xong thì kêu to "tới đi ba".

Ai đi xe đò Huế - Truồi thập niên 1980 chắc cũng như tôi, không quên được chiếc xe "cà rịch cà tang" của ông Chương. Chiếc xe y như con ngựa già rệu rã, nên ông Chương không dám chạy nhanh. 

Mỗi lần khách kêu cho xuống, ông Chương phải đạp phanh mấy phát thì xe mới khựng lại. Nếu dừng lại lâu thì cậu ét xe phải chạy xuống bên đường vác cục đá để chèn bánh kẻo xe trôi.

Có lần xe chết máy giữa đường, ông Chương chập hai sợi dây đề-pa mãi mà không thấy tóe lửa, cậu con trai lại chạy lui gầm xe rút cái càng ma-ni-ven xỏ vô đầu xe quay cho đến khi máy nổ thì mời bà con lên xe đi tiếp. 

Lại có lần xe đang chạy nửa chừng thì máy khục khục rồi tắt lịm. Té ra là két nước làm mát động cơ đang sôi sùng sục. Nhìn cái trán hói và đầu tóc rối bù đầm đìa mồ hôi của ông Chương, ai cũng thương nên không càu nhàu chi nữa.

Suốt đời mang ơn xe đò

Hết tuần, đối với học sinh, sinh viên là hết tiền. Như mọi lần, tôi lại ra bến xe An Cựu, chọn chiếc xe Truồi và lên xe. Mùa đông mưa gió lạnh lẽo, xe chỉ vài người khách mà tôi không dám ngồi vào ghế. 

Anh ét xe tên Chè, người nhỏ thó mà tiếng nói thì rất to, kêu tôi ngồi xuống. Tôi đành ngồi xuống mà lòng tự nhủ mình không được phép chiếm một chỗ ngồi, vì hôm nay mình chỉ đi ké. Đi ké thì phải đứng. Vậy là xe chạy một lúc, tôi lại bước ra khỏi ghế và đứng dậy.

Xe chạy gần nửa đường thì anh ét Chè kêu bà con cho tiền xe. Đến lượt mình, tôi run run trình bày hoàn cảnh: "Bữa ni em hết tiền, anh thông cảm!". Anh Chè trố mắt: "Hết tiền mà đòi đi xe à. Rứa theo mi xe chạy bằng xăng hay bằng nước lạnh?". 

Anh Chè la mắng ỏm tỏi: "Hèn chi kêu ngồi cũng không chịu ngồi, thôi cho mi xuống đi bộ". Lập tức, một mệ già làm nghề buôn chuyến liền lên tiếng: "Thôi đừng la nữa mà tội, học trò hết tiền cho hắn đi nhờ một bữa, đi nhờ xe mà biết điều không chiếm chỗ ngồi của người ta là giỏi rồi". Mệ là khách ruột của xe đò, chuyên về chợ Truồi mua hàng mang lên bán lại ở chợ Đông Ba.

Mùa hè năm 1991, tôi tốt nghiệp đại học và rời Huế vào Tây Nguyên lập nghiệp. Chuyến xe "đò dọc" đường dài Huế - Đà Lạt năm đó đã ghi vào lưng tôi một "kỷ niệm đau đớn" nhớ đời, nhưng thôi, tôi sẽ kể vào một dịp khác. Còn bây giờ tôi phải kể cho hết câu chuyện xe "đò ngang" Huế - Truồi mà tôi đã mang nặng ơn nghĩa suốt đời.

Trong ký ức của tôi, xe đò là chiếc xe có dạng như cái hình thang, nhả khói đen kịt, mà người ta thường gọi là xe rờ-nôn, tức là tên của Hãng xe Renault (Pháp).

Vào khoảng đầu thập niên 1960, người ta đã nhập khẩu động cơ và linh kiện của Hãng Renault, đưa về miền Nam Việt Nam sản xuất thêm thùng xe, rồi đóng thành chiếc xe rờ-nôn đậm nét thô mộc.

Cho dù xe đò thuở ấy có đủ loại xe của các hãng xe Pháp và Mỹ, nhưng chiếc xe rờ-nôn có dáng hình lầm lũi như con trâu của nhà nông vẫn cứ là hình ảnh đại diện cho xe đò.

-Kỳ 4: Xe qua đèo Hải Vân rồi mới biết mình còn sống

"Xe đò Việt Nam đi chút đã tụt phanh/Qua đèo Hải Vân run như cầy sấy". Câu hát chế và tấm ảnh chiếc xe đò chết máy giữa đường đèo Hải Vân ai đó vừa đưa lên trang mạng.

Đèo Hải Vân năm 1968, chiếc xe đò Renault của  Hãng Nam Lộc chạy tuyến Huế - Đà Nẵng - Ảnh tư liệu

Đèo Hải Vân năm 1968, chiếc xe đò Renault của Hãng Nam Lộc chạy tuyến Huế - Đà Nẵng - Ảnh tư liệu

Vậy là một trời kỷ niệm ùa về theo dòng comment của những người đã một thời qua lại đèo Hải Vân bằng chiếc xe đò giờ chỉ còn lại với những tấm ảnh tư liệu cũ kỹ.

Đi bộ thì khiếp Hải Vân

Nhiều người trong số đó là học sinh, sinh viên Đà Nẵng ra Huế học từ trước 1975. Sau đó là sinh viên Huế vô Đà Nẵng học đại học bách khoa, kinh tế.

Ai đã từng là sinh viên thuở ấy, chắc hẳn không thể quên chuyến xe ám ảnh qua đèo Hải Vân. Mỗi lần lên xe như thể bước vào một trận đánh. Xuống đến chân đèo mới thở phào biết mình còn sống.

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, tức là nhà giáo Nguyễn Văn Bổn, là một trong những "học trò trong Quảng ra thi" ở xứ Huế và đậu vào Trường Quốc Học năm 1963. Lần đầu tiên từ Đà Nẵng ra Huế để thi, ông đi chuyến xe của Hãng Phi Long.

Đó là một hãng xe đò nổi tiếng bấy giờ với đoàn xe rờ-nôn (Renault) màu sơn nửa đỏ nửa vàng.

Lúc đó, do đường đèo còn nhỏ hẹp nên xe chỉ chạy một chiều từ chân đèo lên đỉnh. Người ta bố trí ba trạm kiểm soát ở hai đầu đèo và trên đỉnh đèo, để điều hành đoàn xe đi qua Hải Vân.

Xe từ phía Huế đi vô tập trung dưới chân đèo phía bắc, chỗ thị trấn Lăng Cô bây giờ. Xe từ Đà Nẵng ra thì tập trung ở chân đèo nam. Khi được lệnh của trạm kiểm soát, hai đoàn xe từ hai phía sẽ cùng bò lên.

Đến đỉnh đèo, có một bãi rộng, để xe hai phía tránh nhau. Khi chiếc barie của trạm đỉnh đèo nhấc lên, thì đoàn xe sẽ cùng xuống đèo, để khỏi phải tránh nhau giữa đường chật hẹp nguy hiểm.

Thầy Bổn kể mỗi lần xe lên đỉnh dừng lại, khách được xuống nghỉ ngơi ăn uống và để xả bớt căng thẳng. Cái bãi đất rộng trên đỉnh đèo chính là bãi đậu xe hồi đó, giờ vẫn còn.

Năm 1965, quân đội Mỹ đổ bộ vô vũng Hàn (Đà Nẵng) thì qua năm 1966 họ bắt tay mở rộng đường đèo Hải Vân.

Từ năm đó, xe qua đèo cùng lúc hai chiều. Đường mở rộng hơn nhưng hiểm nguy thì vẫn không bớt đi mấy. Có những đoạn xe chạy sát một bên là vách đá, một bên là bờ vực, và sợ nhất là những khúc cua tay áo quá ngặt.

Thỉnh thoảng lại nghe báo đưa tin xe đứt phanh lao xuống đèo, xe tung vô vách đá rớt xuống vực. Nhưng khách qua đèo bấy giờ còn nỗi sợ nữa đó là vấp mìn, hoặc trúng đạn pháo kích.

"Một lần từ Huế về thăm nhà, ngồi trên chiếc xe đò tắc-xông của Hãng An Lợi, tôi đã chứng kiến chiếc xe jeep trước mặt mình trật bánh vì đường trơn rớt xuống hố", thầy Bổn nhớ lại. "Đi bộ thì khiếp Hải Vân/Đi thủy thì khiếp sóng thần hang Dơi", câu ca dao ra đời từ thuở ông cha đi bộ qua đèo, vẫn còn đúng cho đến thời con cháu đi xe đò.

Chiếc xe đò Huế - Đà Nẵng ở đầu đèo Hải Vân. Ảnh chụp năm 1989 qua ống kính một du khách Hà Lan Stefan Hajdu

Chiếc xe đò Huế - Đà Nẵng ở đầu đèo Hải Vân. Ảnh chụp năm 1989 qua ống kính một du khách Hà Lan Stefan Hajdu

Xuống đến chân đèo mới thở phào nhẹ nhõm

Thế hệ chúng tôi qua đèo Hải Vân khi hòa bình vừa lập lại, nhưng hiểm nguy cũng không thua chi thời chiến.

Đó là một ngày tháng 4-1985, tôi ra bến xe An Cựu xếp hàng mua vé chuyến Huế - Đà Nẵng và lên chiếc xe đờ-sô-tô đã qua nhiều lần sơn sửa. Chiếc xe màu xanh lam của Hãng DeSoto từ Mỹ đưa sang miền Nam từ thập niên 1960, vốn là xe của Hãng Đồng Tân chuyên chạy tuyến Đà Nẵng - Huế trước 1975.

Chiếc xe chạy rầm rì qua khỏi cầu Lăng Cô thì dừng lại dưới chân đèo Hải Vân cho bớt nóng máy, và để anh phụ xe chạy đi thắp hương ở mấy cái miếu. Hầu như xe nào qua đèo cũng dừng lại làm thủ tục này, trừ mấy chiếc xe quá cảnh của Lào thì vẫn chạy vô tư.

Xe bò chậm chạp lên đèo, thỉnh thoảng lại gặp những am miếu hai bên đường. Qua khúc cua tay áo thắt ngặt, vẫn còn nhìn thấy dấu vết của những chiếc xe bị lật. Leo lên đến lưng chừng đèo thì chiếc xe nóng máy như chạy không nổi nữa.

Mệ già ngồi bên cạnh lẩm nhẩm đọc kinh "Nam mô A Di Đà Phật". Cả xe im phăng phắc, dường như ai cũng biết cần phải bình tĩnh. Lên đến đỉnh đèo, xe dừng lại cho máy đỡ nóng. Mùi khét lẹt từ gầm xe bốc lên.

Khi cái mùi khét dịu đi thì mời bà con lên xe xuống đèo. Động cơ không còn phải gầm rú nữa, chiếc xe lao xuống nhẹ nhàng, nhưng bác tài có vẻ căng thẳng hơn, vì dường dốc chúi xuống mà một bên là bờ vực dựng đứng.

Anh ét xe (lơ xe) tay lăm lăm khúc gỗ, chỉ cần nghe khi tài xế hô là nhảy xuống chèn ngay vô bánh. Tôi chợt nhớ lại lời dặn "ngồi ở gần cửa lên xuống, khi mô thấy ét xe nhảy thì mình nhảy theo".

Đang nghĩ vơ vẩn thì giật thót mình khi chiếc xe chợt nảy lên vì vấp phải hòn đá. May là hòn đá nhỏ. Xe xuống đến chân đèo, nhìn thấy con đường bằng phẳng hiện ra, ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

Qua đèo Hải Vân run như cầy sấy

Sau năm 1975, bom mìn và đạn pháo kích không còn tấn công con đèo hiểm trở này nữa, nhưng đến lượt nghèo đói và lạc hậu tấn công. Đường đèo hư hại nhanh chóng qua những mùa mưa lũ, vật tư không đủ để duy tu bảo dưỡng.

Trong khi đó, những chiếc xe qua đèo thì mỗi ngày mỗi xuống cấp nặng hơn. Đường xấu mà xe cũng xấu, nên tai nạn thảm khốc vẫn thường xảy ra, khiến đèo Hải Vân trở thành đoạn đường hiểm nguy hàng đầu trên toàn tuyến quốc lộ 1 xuyên Việt.

Một chuyến xe đò qua đèo Hải Vân cuối thập niên 1980 - Ảnh: tư liệu

Một chuyến xe đò qua đèo Hải Vân cuối thập niên 1980 - Ảnh: tư liệu

Và hành khách Huế - Đà Nẵng là những người phải đối mặt thường xuyên với hiểm nguy đó, vì hằng ngày, hằng tuần đều phải qua đèo.

Hiểm nguy đến mức nhiều người không dám đi xe qua đèo và chuyển sang đi tàu chợ dù tốc độ như rùa bò và trễ giờ đến cả buổi. Nhưng ai cần đi nhanh vô Đà Nẵng, ra Huế thì phải đón xe đò.

Dù nguy hiểm vậy, nhưng xe đò vẫn là thứ "sang trọng" đối với đám sinh viên từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ra Huế học, vì vé xe đò vẫn cao hơn tàu chợ rất nhiều lần. Nhưng khi có việc cần phải về nhà gấp, họ lại phải ra bến xe An Cựu xếp hàng từ mờ sáng, đưa cái thẻ sinh viên để được ưu tiên mua vé.

Nghe tôi kể lại cảm giác hồi hộp lúc đi xe qua đèo Ải (tức Hải Vân) thuở đó, các cựu sinh viên năm nọ liền đua nhau "ôn nghèo kể khổ". Tôi đưa ra tấm ảnh chiếc xe đò dừng lại trên đèo Hải Vân, vậy là các cựu hành khách liền tranh nhau bình luận: "Biết ngay mà, nó chết máy rồi, cái nắp capô đang lật lên đó, chắc bác tài đang chui xuống gầm xe để sửa lại cái phanh".

Rồi họ lại cười vui hát lại câu cải biên năm xưa: "Xe đò Việt Nam đi chút đã tụt phanh/Qua đèo Hải Vân run như cầy sấy".

Bởi vậy, khi hầm đường bộ Hải Vân mở ra (năm 2005), không ai mà không vui sướng. Và vui sướng nhất có lẽ là những người từng đi xe qua đèo, mà xuống xe rồi mới biết mình còn sống.

Sau 1975, đoàn xe rờ-nôn (Renault) của các hãng Phi Long, Nam Lộc, Tiến Lực đã đưa vô hợp tác xã vận tải và cũng đã già nua lắm, nên chỉ chiếc nào còn khá mới có thể chạy tuyến Huế - Đà Nẵng. Số đông xe chạy tuyến hiểm trở này là loại xe DeSoto và Ford của Mỹ, máy móc vẫn còn khá hơn, bổ sung thêm một số xe nhà binh như Dodge, GMC cải hoán thành xe khách.

Ngoài ra, có một số xe Citroen của Hãng An Lợi (Huế) mà khách quen gọi là xe tắc-xông (Citroen Traction Avant), dù sản xuất từ thập niên 1950 nhưng còn gắng leo đèo. Đến khoảng đầu thập niên 1990 thì các xe cũ này hầu như không còn leo đèo được nữa.

  - Kỳ 5: Xe than và những chuyến xe 'thở than'

LÊ ĐỨC DỤC

Thập niên 80 của thế kỷ 20, với những sinh viên từ nhiều miền đất nước về học ở Huế hẳn ký ức sẽ khó lòng quên các chuyến xe đò thuở ấy, trong đó có xe than.

Anh lơ xe luôn phải chịu vất vả, nóng nực với xe than ngày ấy - Ảnh tư liệu

Anh lơ xe luôn phải chịu vất vả, nóng nực với xe than ngày ấy - Ảnh tư liệu

Sinh viên Huế giai đoạn đó hầu hết sinh sống từ Bắc Trung Bộ kéo dài vào tận Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Phương tiện đi về là tàu hỏa và xe đò, mà thường là mỗi năm sinh viên ở xa chỉ có thể đi về được vài lần đầu năm học, nghỉ Tết và hè bởi chuyện xe tàu ngày ấy quá gian nan.

Một giờ xe chạy thời nay là một ngày thuở ấy

Đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến vào tháng 4-1975 thì sau đó chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ và ít năm sau là chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đất nước chồng chất khó khăn. Nhiên liệu phải ưu tiên cho chiến trường trong điều kiện đất nước bị cấm vận. Xe cộ phải "đắp chiếu" vì thiếu xăng. 

Cần nhớ là trước đó, thị trường vận tải hành khách và hàng hóa ở miền Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với những hãng "chạy suốt" từ miền Trung vào cao nguyên hay dọc ngang miền Nam, nhưng rồi khủng hoảng nhiên liệu đã khiến hệ thống xe cộ vận tải này tê liệt.

Sau năm 1975, ưu tiên các mặt trận, nhiên liệu với người dân chủ yếu chỉ được phân phối bằng tem phiếu gọi là "chất đốt" hằng tháng một cách hiếm hoi. Một loại dầu mazut khi cháy tỏa khói mù được bán dùng để đun bếp dầu cho các công dân đô thị và ở nông thôn nó lại được dùng thắp sáng những ngọn đèn dầu đầy muội đen và bồ hóng cho trẻ con đêm đêm học bài.

Khi những chiếc xe đò dân sự nằm im vì thiếu xăng, còn nhu cầu đi lại của người dân lại rất lớn, thì "cái khó ló cái khôn" gần như là một truyền thống đặc biệt của người Việt. Những chiếc xe đò chạy than bắt đầu xuất hiện trên các tuyến đường. 

Gọi là xe đò chạy than nhưng nó không phải chạy bằng hơi nước (kiểu như củi đốt hay than đá cho nồi hơi ở tàu lửa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20), mà xe chạy than vốn được lắp thêm một lò đốt củi ở đuôi xe. Lò là một thùng sắt hình trụ đường kính tầm 50cm, cao 1,6 - 1,8m.

Nguyên lý hoạt động của xe này là thay vì chạy xăng, lò than gắn ở đuôi xe được cho than củi vào và được "hầm" nóng lên. Than không được cháy thành lửa ngọn mà bốc ra khí "gas". Từ khi bỏ than củi vô thùng nung nóng lên cho tới lúc bốc ra khí gas mất khoảng vài chục phút, khí này sẽ chạy qua một bầu lọc thô sơ rồi được hút vào xy lanh, sau khi xe đã nổ máy với một lượng xăng nhỏ làm "mồi". 

Tuy nhiên chỉ khái lược về kỹ thuật như thế để biết rằng đó là một sáng kiến "thô sơ hóa hiện đại" góp phần giúp hàng ngàn chiếc xe đò thay vì đắp chiếu vì thiếu xăng sẽ chạy được bằng... than củi. Còn câu chuyện chính về những chuyến xe đò thời đó chính là tất cả những hỉ nộ ái ố mà nó mang lại cho một thế hệ hành khách.

Ngót nghét ở tuổi gần hết đời người, đã đi đủ loại phương tiện xe cộ ở nhiều quốc gia, nhưng những chuyến xe đò thời sinh viên luôn là một ám ảnh trong ký ức. Năm 1986, để đi từ Đông Hà vào Huế thi đại học, từ làng quê mình về tới bến xe Đông Hà kịp chuyến sớm, chúng tôi phải dậy từ 4h sáng để theo chuyến đò dọc về chợ thị xã.

Từ Đông Hà vào Huế, ai may mắn sẽ được đi bằng chiếc xe không "nằm vạ", còn thì để qua được chặng đường ấy là chuyện hên xui! Bây giờ đây, khoảng cách từ Quảng Trị vào Huế, chúng tôi chỉ chạy mất tầm một giờ đồng hồ, còn thời sinh viên đi hết 70km này mất cả ngày đường là chuyện thường.

Xe đò thập niên 1980 tuyến miền Trung rất “trần ai” mỗi khi vượt đèo Hải Vân - Ảnh tư liệu

Xe đò thập niên 1980 tuyến miền Trung rất “trần ai” mỗi khi vượt đèo Hải Vân - Ảnh tư liệu

Tai nạn và ngủ trên đèo Hải Vân

Nhưng quãng đường 70km từ Đông Hà vào Huế là đường đồng bằng, cho dù xe than hay xe xăng có cổ lỗ đến mấy cũng không kinh khủng bằng những chuyến xe từ Huế đi vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Ám ảnh nhất của sinh viên từ Nam Trung Bộ ra đến Đà Nẵng học ở Huế là con đèo Hải Vân. 

Ngót bốn mươi năm trước, đường đèo hẹp và chưa có các lối cứu nạn, hay hiện đại hơn là hầm xuyên núi như bây giờ. Thi thoảng ngày ấy, tôi lại theo bạn bè mình vào Đà Nẵng, Quảng Nam và xe đò vượt đèo luôn là một ký ức khó quên.

Kinh khủng nhất là lâu lâu ký túc xá chúng tôi lại náo động khi nghe tin có một vài sinh viên nào đó trên chuyến xe về nhà hay ra lại trường khi qua đèo Hải Vân xe gặp tai nạn. Những năm đó, hơn hai chục cây số đường đèo từ Lăng Cô vào tới đến Kim Liên cứ một quãng vài trăm, thậm chí vài chục mét, lại thấy một cái am dựng bên đường nghi ngút khói nhang. Không ai nhớ hết bao nhiêu chuyến xe bị nạn trên đèo những năm tháng của thập niên 1970 - 1980 của thế kỷ 20 đó. 

Tai nạn vì đường đèo hiểm trở, tai nạn vì xe cộ quá cũ kỹ không đảm bảo an toàn... Nhưng đó là con đường độc đạo, muốn ra Huế chỉ có thể qua đèo dù xe đò hay tàu hỏa. So với việc mua vé tàu hỏa thì mua vé xe trong giai đoạn đó vẫn đỡ hơn, nhất là khi tấm thẻ sinh viên vẫn được xếp vào hạng ưu tiên khi ra bến xe mua vé.

Những chuyến xe đò vượt Hải Vân ngày ấy đồng nghĩa với vượt qua những trạm kiểm soát của các ban ngành liên hợp trên tuyến. Và đội quân buôn lậu hàng hóa gùi cõng từ Thái Lan qua Lào vào cửa khẩu Lao Bảo, từ đó hàng hóa sẽ theo những chuyến xe đò vào Nam ra Bắc. 

Tất nhiên, đám sinh viên về nhà luôn được các chị đi buôn lậu nhắm đến để nhờ ôm hộ một số hàng. Khi hàng qua trót lọt, với vài chục đồng bồi dưỡng, những đứa sinh viên nghèo ngày ấy có khi đủ để xông xênh cà phê, ăn sáng cả tuần.

Bởi tuyến đường đèo hiểm trở như thế nên trong ký ức chúng tôi luôn nhớ về một sản phẩm độc đáo được bán ngay hai phía chân đèo mà ngày nay dường như đã không còn nữa: những khúc gỗ chèn bánh xe được đẽo thành hình khối trụ tam giác. Khi xe lên đèo, lơ xe luôn thủ sẵn khúc gỗ tam giác đó sẵn sàng lao vào chèn bánh khi xe chết máy bị tuột dốc. Thường có hai lơ xe trong tư thế lăm lăm đòn chèn trên tay ngồi ngay bậu cửa, chỉ cần nghe tiếng máy "hậc" lên rồi tắt lịm là họ lao xuống với động tác chính xác chèn ngay đòn kê vào bánh.

Những lúc như thế, tài xế động viên khách cứ nhảy xuống và túc tắc đi bộ lên đèo, rồi xe sau khi sửa xong sẽ chạy lên đón khách của mình. Nhưng đâu phải xe nào cũng sửa được sau vài chục phút hay thậm chí vài tiếng, nên ngủ lại giữa đèo không là điều gì lạ lẫm với khách đi xe đò ngày ấy...

Còn nhớ xe xuất bến từ 8h sáng, nếu xe chạy ổn, dù tốc độ hơi chậm (nhưng đường quốc lộ 1 thuở ấy vắng xe) thì 70 cây số ấy sẽ mất chừng 3-4 tiếng. Tuy nhiên hiếm khi có chuyến xe nào chạy được liền mạch như thế. Nhất là với chuyến xe than vừa chạy chậm, lâu lâu lại như "thở than, ăn vạ" bằng cách đột ngột lịm máy, đấy là chưa kể để xe chạy liên tục trong khi than phải cháy trong điều kiện thiếu không khí nên có xu hướng tắt dần.

Để khỏi "sập nguồn", cứ chạy một quãng anh lơ xe lại dùng một que sắt dài khều than, gạt tro cho lò đốt năng lượng tiếp tục cháy.

- Kỳ 6: Những chuyến xe khách dưới đạn pháo biên giới

VŨ TUẤN

Cánh tài xế già đến giờ vẫn hay bảo nhau "có phong hai lần anh hùng cũng chẳng dám lái xe khách tuyến Tuyên Quang - Xín Mần (Hà Giang) ngày ấy". Nào đường trơn, vực sâu, nào thủng lốp, nào đạn pháo Trung Quốc rít eo éo trên đầu...

Xe khách tuyến Tuyên Quang - Hà Nội (xe giữa) thập niên 1990 đã bắt đầu thay dần các xe quá cũ kỹ -  Ảnh tư liệu

Xe khách tuyến Tuyên Quang - Hà Nội (xe giữa) thập niên 1990 đã bắt đầu thay dần các xe quá cũ kỹ - Ảnh tư liệu

Người ngồi trên nóc, đu hông xe

Tiếng gào phành phạch của động cơ chiếc xe "Ba Đình" cổ lỗ sĩ như lại dội về ngay bên tai ông Nguyễn Văn Lập. Những ngày vần vô lăng bên mép vực của cung đường Tuyên Quang - Xín Mần (Hà Giang) như vừa mới ngày hôm qua.

Người tài xế già chuẩn bị bước sang tuổi 70, ông cũng mới nghỉ việc lái xe khi vừa tròn mốc 50 năm cầm lái.

Tổ tài xế của ông Lập ở Công ty vận tải ô tô Hà Tuyên hồi thập niên 70, 80 của thế kỷ trước và chạy các tuyến Tuyên Quang đi Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, nhưng tuyến đặc biệt nhất là Tuyên Quang - Su Phì - Xín Mần (thuộc Hà Giang ngày nay).

Sau khi thành lập tỉnh Hà Tuyên (sáp nhập Tuyên Quang - Hà Giang năm 1975) thì ông Lập chuyển từ tài xế xe tải sang lái xe khách.

Chiếc xe khách đầu tiên ông cầm lái mang nhãn hiệu Ba Đình. Đây là loại xe được Xí nghiệp ô tô Hòa Bình (Hà Nội) cải tiến từ những chiếc xe tải IFA cũ.

Khối máy ngay trong cabin, bên cạnh ghế tài xế, tiếng nổ như xe tăng, hơi nóng phả ra như lò thiêu bên cạnh, lúc lên dốc phả khói mịt mù như cái lò gạch thủ công.

Chiếc xe có 42 ghế, nhưng chuyến nào cũng chở tới 70, 80 người. Khách đứng chen chân chật kín cabin, khách đu như làm xiếc hai khoang cửa, khách ngồi vắt vẻo thò mông ra cửa sổ, rồi ngồi lố nhố trên nóc.

Thời ấy, nóc xe nào cũng được đóng thêm ba ga để chở hàng. Tuyến xe vùng cao ngoài gạo, muối, quần áo, dầu hỏa, trên nóc lúc nào cũng có thêm vài rọ lợn.

Những con lợn kêu eng éc những lúc xe chồm qua ổ gà, lúc lại tè dọc đường khiến khách bên dưới vừa la hét vừa chửi rủa lũ lợn là "ngu như lợn"!

"Từ Tuyên Quang đến Xín Mần gần 200 cây số, nhưng phải đi mất một ngày rưỡi. 5h sáng xuất bến ở Tuyên Quang, chập tối mới đến Hoàng Su Phì. Chúng tôi phải ngủ lại qua đêm, sáng hôm sau tiếp tục đi Xín Mần", ông Lập mô tả lại quãng đường.

Khách đến bến, mua vé từ hôm trước thì có ghế, hoặc đứng trong cabin, khách lên xe dọc đường chỉ đu cửa hoặc ngồi trên nóc. Ấy thế nhưng chính người tài xế già cũng rùng mình: "Ngồi trên nóc an toàn hơn trong cabin".

Tuyến đường Hà Tuyên ngày ấy toàn đèo với vực. Những ngày mưa, đường trơn như đổ mỡ, tài xế nằm lại dọc đường vào nhà dân xin sắn ăn qua ngày chờ đường khô mới dám đi. Và những vụ xe khách mất phanh, lao xuống sông, lật xuống vực như cơm bữa. Đồng nghiệp ông Lập bị lật xe ở dốc Tráng Kìm (Quản Bạ - Hà Giang) chết hơn 40 người.

Những người trên nóc nhảy ra chỉ bị thương. Rồi những vụ xe mất phanh lao xuống sông Lô ở phà Bợ (Hàm Yên, Tuyên Quang), người trên nóc nhảy ra bơi vào bờ, người trong cabin không may mắn như họ.

Đường đã khó đi, còn phụ tùng để sửa xe thì càng hiếm. Thủng một quả lốp tài xế phải gánh săm (ruột) đi vá cách đó vài chục cây số.

Xe khách chủ yếu là xe Ba Đình cải tạo từ xe tải IFA, sau này công ty mới trang bị được vài chiếc IFA W50. Người dân gọi những chiếc xe khách là xe "chuồng gà".

Ấy thế mà ông Lập cũng ôm vô lăng cái "chuồng gà di động" ngót nghét 20 năm. Người tài xế già ngao ngán kể lại những lần phải sửa cuppen (vòng đệm giữa xi lanh và phanh xe) giữa đường.

"Cái đó hỏng thì phanh (thắng) sẽ không ăn, hoặc mất phanh. Nó là cái vòng cao su nhỏ như miệng cái chén nước chè nhưng ngày đó cực hiếm. Chúng tôi khắc phục bằng cách... cuộn chỉ vào piton để đi tạm".

"Tôi ngán nhất là con suối dưới chân dốc Cốc Pài. Đứng ở đây ngẩng đầu lên nhìn thấy thị trấn Xín Mần, nhưng có khi mất cả ngày mới lên tới nơi", ông Lập kể. Dân trong nghề nói chân dốc ấy có "dớp".

Xe đến đó khi thì thủng lốp, khi hỏng cầu, khi lại bỗng dưng chết máy. Bưu tá ngày ấy đi xe khách lúc nào cũng có thêm một đôi quang gánh. Xe nằm đường là chất đống thư báo lên quang, quẩy đến thị trấn cho kịp giờ.

Thời bao cấp thiếu xe cộ, được ngồi mui xe thế này cũng là rất quý để đi đường núi rừng Tây Bắc - Ảnh: Hans - Peter Grumpe

Thời bao cấp thiếu xe cộ, được ngồi mui xe thế này cũng là rất quý để đi đường núi rừng Tây Bắc - Ảnh: Hans - Peter Grumpe

Đạn pháo bắn qua xe

Thường thì ba ngày mới có một chuyến xe, chuyến nào cũng đông như nêm cối. Kinh nghiệm của các tài già khi chạy hết đất Tuyên Quang là đóng cửa, không bắt khách. Đường sá quanh co chỉ có đèo, dốc, vực sâu, ổ gà, đá hộc và bùn lầy.

Chuyến nào xe cũng chở nặng tới oằn cả nhíp. Mỗi lần xe chạy đến ngã ba từ Bắc Quang (Hà Giang) rẽ vào Hoàng Su Phì, khách vây kín xe, tranh nhau trèo lên "xí" chỗ.

Người nào nhanh chân giành được một suất đu cửa hoặc ngồi nóc, người chậm chân hơn, không chen được đành hậm hực cuốc bộ.

Khoảng năm 1978, lúc này tuyến xe khách đã mở được vài năm, những tay "bắt xe" ma mãnh hơn không đợi ở ngã ba mà nấp dưới chân dốc Cổng trời 1. Xe đến đây phải về số thấp, khách nhảy xổ ra từ bên đường, bám vào cửa sổ, leo lên nóc mặc cho anh phụ xe ú ớ ngăn cản.

"Tranh chỗ thế thôi, chứ đoạn đường từ Hoàng Su Phì đi Xín Mần thì khách kéo xe nhiều hơn xe chở khách - Ông Lập cười - Dốc cao, đường trơn, xe không qua được, chúng tôi phải móc dây xích để khách kéo xe".

Cái "chuồng gà di động" phải ra khỏi bến Hoàng Su Phì lúc 6h sáng, thế nhưng gần như ngày nào tài xế cũng đánh xe đi từ đêm để... trốn khách. Xe ít mà người đón xe quá đông, nhà xe ưu tiên những người có vé đi đường dài, họ nằm lại trong xe hoặc ở trọ trong bến xe.

Nửa đêm nhà xe khua mọi người dậy, chạy xe ra tận Nậm Dịch, cách Hoàng Su Phì hơn chục cây số. Họ ngủ lại qua đêm để sáng sớm đi Xín Mần.

Tài xế kinh nghiệm trước khi xuất bến Hoàng Su Phì bao giờ cũng mang thêm mấy nắm xôi, gói cá mắm và ít gạo trên xe. Nếu thuận lợi khoảng hơn 10h trưa xe đến Xín Mần, 12h30 quay lại Hoàng Su Phì.

Cả chục năm chạy tuyến xe khách này, ông Lập chưa một lần dám ăn cơm ở Xín Mần. "Có mâm cao cỗ đầy thế nào cũng không dám ăn, xe phải về sớm vì sợ mưa làm trơn đường là nằm lại", ông giải thích.

Trong suốt thập niên 1980, nóc xe chủ yếu là công an và bộ đội. Những năm chiến tranh biên giới, xe khách chạy tuyến Hà Tuyên đã khó lại càng nguy hiểm hơn vì đạn pháo.

Tuyến đường từ Quảng Bạ qua Yên Minh thường khủng khiếp nhất vì đạn pháo Trung Quốc bắn qua đầu. Có chuyến xe đang ì ạch lên dốc, một quả đạn pháo réo qua đầu rồi nổ ầm ở vách đá bên kia vực. Xe chưa kịp dừng, khách đã chui qua cửa sổ, lao cả xuống rãnh.

Tài xế cùng công ty với ông Lập lái xe từ Đồng Văn về, qua Phố Cáo cán phải mìn Trung Quốc. Mìn nổ, xe bay mất một bên động cơ dẫn động cầu trước, một hành khách xấu số không qua khỏi. Tài xế Doanh một lần chở khách đến xã Na Khê (huyện Yên Minh) cũng bị nã pháo...

Tuyến xe khách liên tỉnh đầu tiên ở Tuyên Quang

Gia đình ông Nguyễn Văn Lập có xe khách chạy tuyến liên tỉnh đầu tiên ở Tuyên Quang, Phú Thọ. Cha ông là Nguyễn Văn Phấn lái xe khách ở miền Bắc từ những năm 1930.

Gia đình ông có một chiếc xe khách hiệu Citroen. Khoảng nửa cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ông Phấn xin mở tuyến xe khách Phú Thọ - Tuyên Quang. Đây là tuyến xe liên tỉnh đầu tiên ở địa phương này.

Sau đó, xe của gia đình được trưng dụng vào Công ty vận tải thủy - bộ Tuyên Quang, theo hình thức công tư hợp doanh. Năm 1972, ông Lập được cử đi học và làm việc tại Công ty vận tải ô tô Tuyên Quang.

 - Kỳ 7: Chuyến xe vượt thác lũ kinh hoàng

Lái xe đò Tây Bắc ngày ấy không sợ đèo, chỉ sợ suối. Cầu cống đã sập hết vì bom đạn, không ai đoán biết được bên dưới dòng nước là đá ngầm, hố sâu hay cơn lũ quét ập về bất cứ lúc nào.

Bến xe khách Cao Bằng năm 1993 - Ảnh: HANS - PETER GRUMPE

Bến xe khách Cao Bằng năm 1993 - Ảnh: HANS - PETER GRUMPE

Những đêm nằm ngủ giữa đèo

Thế hệ những người tài xế đầu tiên từ miền xuôi lên Tây Bắc phục vụ từ thập niên 60 của thế kỷ trước chỉ còn vài người trụ lại mảnh đất này.

Ông Nguyễn Văn Hỷ, Nguyễn Văn Tuân học cùng lớp, cùng lên Tây Bắc phục vụ. Lúc ấy, Khu tự trị Thái Mèo chia thành ba tỉnh là Sơn La, Lai Châu và Nghĩa Lộ. Lớp ông Hỷ có 15 người ở Sơn La, 10 người đi Lai Châu và 10 người đi Nghĩa Lộ.

Ngày đầu tiên đến Xí nghiệp vận tải ô tô Sơn La, ông Hỷ được nhận một chiếc xe tải chiến lợi phẩm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiếc xe có cabin bằng ván ép đã mục, trời mưa nước ngấm đầy cabin, máy móc đã lên cos 3 (xoáy nòng xi lanh lần thứ 3). Vài năm sau, cậu tài xế trẻ ngày ấy được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được nhận xe mới và chuyển sang lái xe khách từ ngày ấy.

Chiếc xe khách đầu tiên ông Hỷ cầm lái là hiệu Giải Phóng của Trung Quốc. Ông Hỷ lên tận cửa khẩu Na Sầm (Lạng Sơn) nhận xe về. Chiếc xe tải, có thùng sau rất rộng, xí nghiệp hàn thêm giá, gắn vào mấy hàng ván thế là thành xe "ca" (xe chở khách), có ghế băng bằng gỗ, chở được 40 người.

"Lúc ấy vinh dự lắm - ông Hỷ bồi hồi - Cảm giác cầm lái chiếc xe còn thơm phức mùi sơn, lại là người lái xe an toàn, không hỏng hóc, tai nạn trong 3 năm mới được nhận lái".

Những lái xe của xí nghiệp ngày ấy phải chia nhau ra "nằm vùng" từng tuyến. Ông Hỷ chạy tuyến Sơn La - Sông Mã ba tháng, rồi đổi cho người khác để chạy tuyến Sơn La - Bắc Yên. Ba tháng sau lại chạy tuyến Sơn La - Điện Biên... cứ thế, người tài xế vần chiếc vô lăng xe ca khắp các cung đường nguy hiểm nhất Tây Bắc lúc bấy giờ.

Ông Tuân được giao nhiệm vụ ở địa bàn xa hơn là chạy xe khách tỉnh Lai Châu. Mới đầu ông Tuân cũng lái chiếc Giải Phóng rồi được nhận một chiếc IFA W50 mới coóng. Dân trong nghề gọi là "quan tài bay" vì chiếc xe vuông vức và nguy hiểm như... cỗ quan tài!

"Chạy xe cho nhà nước ngày đó thì tiếng là đúng tiêu chuẩn, đúng tải, đúng số người. Nhưng xe khách thì luôn luôn quá tải. Chuyến nào họ cũng chen nhau lên xe, ngồi đầy trên nóc. Nhưng xe tôi không cho bám cửa, còn phải giăng thép gai quanh xe để cho dân không nhảy xe dọc đường, rất nguy hiểm".

Chiếc "quan tài bay" ông Tuân cầm lái chạy tuyến Mường Lay - Sơn La, Mường Lay - Lào Cai. Tuyến nào cũng phải qua những con đèo tử thần là Pha Đin và Ô Quy Hồ. Những con đèo khác, lái xe chuyên nghiệp như ông Tuân "chấp một mắt". Nhưng đèo Pha Đin vừa dài, vừa dốc, nhiều đoạn cua tay áo, khúc ngoặt rất gấp.

Ông Tuân không thể nhớ nổi bao nhiêu lần phải ngủ lại lưng đèo. Trên xe lúc nào cũng có vài chiếc bếp cồn, nồi, gạo, nước và ít cá, mắm. Tem phiếu mua lương thực cho lái xe lúc nào cũng được ưu tiên.

Quãng đường từ Mường Lay đến thị xã Lào Cai hơn 200km nhưng phải đi mất hai ngày. Ngày đầu tiên đến chân đèo Ô Quy Hồ, ngủ lại dọc đường rồi hôm sau vượt đèo sang thị xã Lào Cai.

"Chuyện đèo trơn, một bánh trôi ngoài vực, xe mất thắng phải tạt vào ta luy dương để dừng lại là chuyện thường. Có khi phải nằm lại mấy ngày ở lưng đèo vì mưa bão, dân mang cả thịt lợn đến cho", ông Tuân kể.

Chiếc xe khách (góc phải) chờ phà qua sông Đà mùa lũ - Ảnh: HANS - PETER GRUMPE chụp năm 1992

Chiếc xe khách (góc phải) chờ phà qua sông Đà mùa lũ - Ảnh: HANS - PETER GRUMPE chụp năm 1992

Trận lũ kinh hoàng

Trong khi đó, người tài xế già Nguyễn Văn Hỷ lại bộc bạch: "Lái xe Tây Bắc chúng tôi không ngại đèo dốc, chỉ sợ suối".

Đời cầm lái của ông hãi nhất là con suối Nậm Ớt như con rắn khổng lồ cuốn thành 12 khúc cắt ngang quốc lộ 4G. Đúng 12 đoạn suối ấy là khe núi hẹp, thấp nhất trong vùng. Ba mặt là những dãy Phiêng Pằn, Pá Khoang, Phiêng Pan, tỉnh Sơn La.

Nhìn từ bản đồ địa hình, Phiêng Pằn, Phiêng Pan loe ra như cái miệng phễu khổng lồ, còn cổ phễu chính là khe núi hẹp có dòng Nậm Ớt. Vào mùa mưa, nơi này thường xuyên hứng chịu những cơn lũ quét kinh hoàng.

Ngày ấy vào khoảng đầu những năm 1980, Xí nghiệp vận tải ô tô Sơn La cử ba chiếc xe đón đoàn người tình nguyện đi Sông Mã xây dựng kinh tế mới. Lúc đó vào giữa hè, đang là mùa lũ. Ba chiếc xe Giải Phóng đón hơn 100 người cùng lỉnh kỉnh nồi niêu, cuốc xẻng đi Sông Mã.

7h sáng xuất phát từ khu tập kết ở đầu quốc lộ 4G (nay thuộc xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La). Đến gần trưa cả ba chiếc xe lò dò qua đoạn suối đầu tiên ở bản Nà Ớt.

Trời nắng chang chang nhưng oi nồng không một làn gió. Nước suối đục lờ nhờ, ông Hỷ căn vệt bánh xe trước lò dò lái qua từng khúc suối. Hết khúc suối thứ 5, một vài khúc củi khô trôi lẫn theo bọt nước xuất hiện.

"Lũ quét!", ông Hỷ thò đầu qua cửa sổ, hét lớn ra hiệu cho xe trước chạy nhanh hơn.

"Chúng tôi bắt buộc phải vượt qua, nếu không phải tìm một chỗ trú thật cao để tránh lũ, đợi nước rút mới đi tiếp", ông Hỷ nói.

Cả ba chiếc dừng lại để người trên xe xuống đi bộ. Phụ xe không kịp xắn quần, lội xuống suối dò đường và hướng dẫn cho lái xe tránh đá hộc, hố ngầm dưới nước.

Lúc phát hiện cơn lũ, nước suối mới ngập tới phần ba bánh xe, tới khúc suối thứ 10 nước đã tràn vào cabin. Hai xe trước buộc dây xích phía trước cho khách kéo để chuẩn bị qua hai đoạn suối cuối cùng. Ông Hỷ bật nắp capô, tháo dây curoa không cho quạt gió quay.

"Nước ngập sâu quá, tôi phải tháo dây để phòng nước bắn lên làm ướt bugi. Giữa suối chết máy thì chỉ có bỏ xe chạy lấy người!", ông Hỷ lý giải.

Đoạn suối thứ 11, xe phía trước do tài xế Lâm cầm lái đã kịp buộc dây cáp sẵn sàng kéo xe ông Hỷ. Đoạn này nước sâu, nhiều đá hộc, xe rất dễ bị trượt bánh. Phụ nữ khuân đồ đạc đi trước, hơn hai chục trai tráng khỏe mạnh theo phía sau đủn xe phụ ông Hỷ.

Vượt qua đoạn sâu nhất, những người đủn xe đã ướt tới ngang túi ngực. Đầu xe đã ở trên dốc, nửa bánh sau vẫn ngập trong nước. Đoạn này dốc trơn, cả hai chiếc xe gào lên, khói xe mịt mù, tiếng lốp rít vào đá trơn ken két.

Chỉ còn vài bước chân, qua gờ cao cuối cùng để chiếc xe thoát khỏi lũ. Bánh sau quay tít, mùi lốp cháy khét lẹt. Bất ngờ một tiếng "khộc" vang lên. Chiếc xe giật nảy phi qua hòn đá trơn cuối cùng, thoát nạn.

Thế nhưng hòn đá trơn to bằng cái mũ cối ấy bị lốp xe quay mạnh, văng ra phía sau đập gãy đùi một người đủn xe. Cả người bị đá bắn và bốn, năm người khác ngã nhào xuống nước. Rất may họ được vớt lên kịp thời, người đàn ông chân gãy ngất xỉu, quần áo toàn bùn đất.

Ba chiếc xe lên tới đỉnh con dốc nhỏ trước, sau là suối. Lúc này nước suối đục ngầu, đặc quánh toàn bọt, cành cây. Tiếng nước chảy ầm ào, tiếng những tảng đá hộc bị nước cuốn đi nghe khùng khục dưới nước. Đoàn người miền xuôi hoảng hồn chứng kiến cơn lũ đầu tiên trong đời.

"Tôi ngồi bệt dưới đường, lúc ấy mới biết mình thoát chết", ông Hỷ nhớ lại giây phút kinh hoàng.

Người đàn ông gãy chân được nẹp xương đùi bằng hai mảnh đòn gánh. Họ căng tạm vài tấm bạt, lôi nồi niêu, xoong chảo trên xe xuống, phân công người nấu cơm.

"Cơm nấu với nước lũ vàng khè, ăn với cá mắm - ông Hỷ kể - Người bị gãy chân được tiêu chuẩn riêng là nồi cháo cũng nấu bằng nước suối lũ nhưng có thêm vài miếng thịt".

Họ ở đó hai ngày, nước rút, tỉnh điều một xe khác vào chở người bị gãy chân quay lại thị xã xử lý. Cả ba lái xe viết tường trình, lên cơ quan công an khai về vụ việc. Đời lái xe của ông Hỷ nhớ mãi chuyến xe kinh hoàng ấy.

 - Kỳ 8: Nhớ những chuyến xe đò nơi miền sông nước

Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - những chuyến xe ắp đầy kỷ niệm đó nay vẫn còn trong ký ức nhiều người.

Hình ảnh cũ kỹ đầy hoài niệm bên trong xe đò thời bao cấp, nhưng thường là đông nghịt khách - Ảnh tư liệu

Hình ảnh cũ kỹ đầy hoài niệm bên trong xe đò thời bao cấp, nhưng thường là đông nghịt khách - Ảnh tư liệu

"Trên chuyến xe năm nào xuôi về miền Tây, tôi quen một người em gái. Mái tóc buông bờ vai, ánh mắt say hồn ai, lòng tôi vẫn chưa mờ phai...". Mỗi lần nghe bài hát Chuyến xe miền Tây của tác giả Đài Phương Trang này, tôi lại nhớ về những chuyến xe ắp đầy kỷ niệm...

Mòn mỏi đợi xe đò chạy

Gia đình tôi sống tại Sa Đéc nhưng nhà ngoại ở Sài Gòn nên năm nào chị em tôi cũng được đi xe đò vài lần vào dịp lễ, Tết. Phần nhiều xe đò hoạt động ở miền Tây vào những năm 1980 có gắn chữ DESOTO với hai cửa để khách lên xuống ở phía trước và sau nhưng ít khi được đóng kể cả lúc xe chạy. Bởi đó là chỗ mấy anh lơ đứng nhoài người ra ngoài đón khách hoặc vừa hò hét vừa đập vào thùng xe để cảnh báo những phương tiện lưu thông cùng chiều nhường đường.

Cửa sổ xe bám đầy bụi bặm lại gỉ sét nên chỉ được kéo xuống khi trời mưa, còn bình thường khách kéo lên hết cho thoáng vì làm gì có máy lạnh thời đó. Sàn xe hay gia cố thêm bằng ván, ghế ngồi có lưng dựa thẳng đứng được bện bằng những sợi dây ni lông bạc màu, tơi tả theo thời gian. Hành lý của ai thì để dưới gầm ghế người đó. Nhưng phần lớn mấy người bạn hàng đi buôn quen với chủ xe đã xí chỗ trước với những bao hàng nặng trịch, khách có ấm ức cũng chỉ biết làm thinh ngồi ôm khư khư hành lý trong lòng.

Ở hầu hết các bến xe đò đi TP.HCM (dân gọi tắt là xe chạy thành phố) luôn được đậu đón khách ở chỗ đắc địa, nổi bật nhất trong bến. Cũng vậy, tại bến xe Sa Đéc, xe đò đi thành phố được bố trí đậu ngay đầu bến, trước mặt tiền trụ sở công ty xổ số kiến thiết.

Phải có vé trên tay, hành khách mới được anh lơ cho lên xe và xếp chỗ ngồi. Hàng hóa, hành lý cồng kềnh bị thu thêm tiền và thỏa thuận miệng nên khách và nhà xe cứ hay kỳ kèo thêm bớt.

Mỗi chuyến xe đò thường gánh thêm lượng hàng hóa không thua gì chiếc xe tải. Thượng vàng hạ cám thứ gì cũng được chất hết lên xe. Từ máy móc, xe cộ cho đến nông sản, gia súc. Sa Đéc nổi tiếng làng nghề làm bột nên những chuyến xe đò xuất bến từ đây thường chở theo bột gạo. Nếu bột khô được đóng trong các bao giấy cỡ chục ký sạch sẽ, còn bột ướt luôn là nỗi ám ảnh người đi xe bởi cái mùi chua đến lợm giọng.

Sa Đéc bấy giờ là tỉnh lỵ Đồng Tháp, nhưng mỗi ngày chỉ có ba chuyến xe đi TP.HCM rồi quay đầu về trong ngày. Với quãng đường 145km này, xe đò thường mất 6-7 tiếng, thậm chí lâu hơn do đường sá gồ ghề, nhỏ hẹp. 

Các chuyến xe xuất bến cách nhau một tiếng với xe tài nhất khởi hành lúc 5h30. Đây cũng là chuyến được gắn cái bảng "xe thư" màu đỏ trên tấm kiếng xe phía trước với nhiệm vụ chở thư, báo, bưu phẩm đi TP.HCM nên được ưu tiên qua phà và ít bị kiểm soát. 

Quy định vậy nhưng xe thường xuất bến trễ do phải đợi cho đầy khách. Khi tài xế bước lên nổ máy xe cũng là lúc hành khách trên xe chộn rộn lên hẳn. Tiếng í ới gọi người thân đang còn đứng mua đồ dưới bến, tiếng người đi kẻ ở tạm biệt nhau và cả tiếng thở phào nhẹ nhõm của nhiều người mừng vì sắp thoát cảnh ồn ào, hỗn tạp ở bến xe.

"Mời bà con cô bác xuống xe, qua phà"

Bến phà Mỹ Thuận cách Sa Đéc hơn chục cây số nên hành khách ngồi chưa ấm chỗ đã phải xuống xe. Anh lơ cầm xấp vé, đứng ngay cửa xe hò hét rân trời: "Mời bà con cô bác xuống xe qua phà, nhớ là xe mình số 66A... Ăn uống, mua sắm gì cũng tranh thủ nghen bà con". Những người lười đi bộ hoặc còn lưỡng lự chưa chịu xuống sẽ bị la tiếp: "Xuống hết nghe, chỉ ông bà già với con nít được ở lại!".

Hầu hết đường về các tỉnh miền Tây đều đi hướng này nên lượng xe cộ qua phà Mỹ Thuận rất đông. Mỗi chuyến xe thường mất 2-3 tiếng mới qua tới được bờ bên kia. Nhằm bữa phà hư, xe gặp sự cố hay nước cạn thì thời gian chờ đợi kéo dài tới 5-6 tiếng, thậm chí cả ngày trời.

Mỗi bến phà như cái chợ nhỏ buôn bán thâu đêm, suốt sáng. Hàng quán sát hai mặt đường treo lủng lẳng bánh tráng, nem chua, bánh phồng sữa, lạp xưởng... Rồi các quán ăn bán hủ tiếu, cơm tấm, cháo lòng, bún riêu, bánh mì, bánh bao, cà phê, nước ngọt... thứ gì cũng có. 

Dù đang ăn uống gì thì ai nấy cũng phải để mắt ngó chừng chiếc xe của mình đang đậu ở đâu, sắp xuống phà chưa. Chỉ tội mấy đứa nhỏ đang trệu trạo nhai chưa kịp nuốt đã nghe người lớn đốc thúc: "Ăn nhanh cho kịp qua phà".

Người cẩn thận hơn thì đi xuống bến, đứng đợi sẵn ở cái phao nổi chờ coi xe mình lên chiếc phà nào thì đi theo lên phà đó. Gặp bác tài dễ tính, khi đã xuống phà rồi sẽ cho hành khách lên xe luôn. Còn không thì sau khi phà đã cập bến, mọi người phải chạy bộ "ba chân, bốn cẳng" theo xe lên tới đúng điểm đón cách bến phà gần cả cây số. 

Có lúc xe qua trước rồi mà khách còn ngồi bên đây. Có khi thì khách qua trước, xe còn nằm bên kia, khách lại phải ngồi chờ, chừng nào xe qua mới đi tiếp được. 

Rồi cũng nhiều trường hợp hành khách lên lộn xe. Lúc nhận ra thì xe đã chạy xa, khách phải năn nỉ bác tài dừng lại để xuống trong khi mấy anh lơ xe cằn nhằn, chửi bới. Thỉnh thoảng cũng có người bị mất đồ đạc khi xuống phà do kẻ gian trà trộn lên xe.

Hình ảnh xe đò cũ kỹ một thời với hai anh lơ xe đứng ở cửa xe vẫy khách - Ảnh tư liệu

Hình ảnh xe đò cũ kỹ một thời với hai anh lơ xe đứng ở cửa xe vẫy khách - Ảnh tư liệu

Và những chuyện khó quên

Đường sá ở miền Tây ngày ấy tuy không hiểm trở như ở miệt ngoài nhưng liên tục đi qua những cây cầu to, nhỏ. 

Có cầu chỉ vừa đủ một chiếc xe đò chạy qua nên xe cộ phải xếp hàng dài hai bên chờ đợi người điều tiết giao thông ngồi trên cái chòi giữa cầu quay bảng cho phép qua cầu hay phải dừng lại. 

Có cầu tạm được ghép bằng những tấm sắt lớn, khi xe chạy qua kêu ầm ầm làm hành khách đang ngủ lim dim phải giật bắn mình tưởng bom đạn nổ. Cũng có những cây cầu dốc thiệt cao để thuyền ghe dưới sông qua lọt nhưng lại là thách thức cho những chiếc xe đò rệu rã. Xe lên một đoạn thì khừng khực, tắt máy rồi tụt trở xuống dốc. Mấy anh lơ xe đồng loạt nhảy xuống, rút cục gỗ hình tam giác chèn vô bánh để xe khựng lại trong lúc đợi bác tài loay hoay nổ máy xe.

Xe đò thời đó máy móc cũ, mỗi lần sửa chữa cũng chỉ chắp vá theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia nên xe nằm đường là chuyện thường ngày. Bác tài và lơ xe phải kiêm luôn thợ máy mỗi khi xe gặp sự cố. 

Tôi nhớ có lần xe hư ở đoạn đường đồng trống giữa trưa. Tới lúc mở máy ra, nghe nói là hư tới ba, bốn bộ phận khác nhau. Vậy là những người của nhà xe từ bà chủ, bác tài và cả mấy anh lơ xe mỗi người cầm mỗi thứ đón xe khác đi tìm chỗ sửa. Trên xe, hành khách phải chờ đợi với cái bụng đói meo. Rồi đâu tới chiều tối mịt mới có đủ mấy bộ phận ráp vô để xe đi tiếp.

Cũng vì máy móc cũ nên người ta chế ra cái kiểu làm mát máy xe khá lạ. Trên nóc mỗi xe có hẳn một phuy nước lớn đặt nằm ngang. Nước được dẫn xuống làm mát máy xe sau đó cho chảy thẳng xuống mặt đường, cho nên xe chạy tới đâu cũng có một vệt nước chảy theo. Mỗi lúc nước trên mui sắp cạn, xe sẽ tấp vô những điểm có ghi tấm bảng lớn "Đổ nước mui xe" để đổ đầy phuy nước rồi lại lên đường...

Các phà Mỹ Thuận thường lớn, hai tầng với hai mỏ bàn phà có thể nâng lên hạ xuống để xe cộ di chuyển dễ dàng không phải quay đầu lại. Cặp theo hai bên hông phà có hành lang ở trên lầu với băng ghế dài cho hành khách nghỉ chân, hóng mát. Những hôm nước lớn chảy xiết, chiếc phà không đi thẳng qua bên kia sông mà chạy vòng xuống hạ lưu, nương theo dòng nước rồi mới từ từ tấp vô bờ.

- Kỳ cuối: Đĩa cơm sườn của má và trạm kiểm soát buôn lậu


'Cưng nhận giùm cô bọc đồ chút lét này nghe. Xe qua trạm, cô 'thồi' cho cưng tiền vé xe'. Nhắc nhớ những chuyến xe đò miền Nam thời hậu chiến, tôi vẫn chưa thể quên kỷ niệm này.

Khung cảnh chộn rộn ở bến xe ngày trước - Ảnh tư liệu

Khung cảnh chộn rộn ở bến xe ngày trước - Ảnh tư liệu

Đó là những năm thập niên 1980, mỗi lần xe gần tới trạm kiểm soát chống buôn lậu là cả hành khách lẫn bác tài, lơ xe nhốn nháo hẳn lên. Có hôm bà buôn hàng còn dúi cho tôi bọc gạo và giọng ngọt như mía: "Cưng cứ nói là học sinh mang chút gạo lên thành phố ăn, mấy ổng thương cho qua".

Nhớ mùi khó tả trên xe

Bây giờ nhớ lại hồi đó, thấy nhiều chuyện cũng lạ thiệt. Thuở ngăn sông cấm chợ gắt gao sau năm 1975, các quốc lộ, tỉnh lộ lớn nào ở miền Nam cũng có trạm kiểm soát hàng lậu gắt gao. 

Nhiều trạm có cả công an, du kích cầm súng, cầm còng nhưng người ta vẫn có đủ chiêu để lọt qua trạm. Và chiếc xe đò cứ như là cả một cái chợ hỗn tạp đầy người quê hiền lành, chất phác lẫn kẻ lém lỉnh, khôn ngoan kiếm kế mưu sinh...

Mà xe đò ngày ấy thì người trẻ sinh cuối thập niên 1990 chắc khó có thể hình dung nổi. Đó là những chiếc hầu hết đều đã hoạt động từ trước năm 1975, có tuổi ít nhất cũng 20-40 năm và cũ nát đến mức hành khách có thể thấy mặt đường dưới chân mình vì sàn xe bị mục thủng lỗ chỗ. 

Xe không có máy lạnh như giờ, cũng không có quạt, lại luôn nhồi nhét nhiều người hơn số ghế nên cứ hầm hập nóng như gian bếp củi nhà quê. 

Hơi nóng cộng với mùi khét lẹt của dầu nhớt, mùi chua lét của ai đó ói mửa, rồi mùi mồ hôi, mùi dầu tràm bà đẻ, mùi cá khô, cá mắm, kể cả mùi phân gà, phân vịt quyện nhau tạo thành một thứ mùi vô cùng khó tả mà nhiều năm sau nhắc lại tôi vẫn nôn nao không thể quên.

Khi xe chạy có gió lùa qua cửa sổ còn đỡ, lúc xe nằm đợi khách hay hư hỏng dọc đường thì thôi rồi tía má ơi. Hơi nóng và những mùi khó tả đó càng dậy lên, càng quyện vào nhau hành hạ người đi xe. 

Nhưng ai đó có khó chịu, bực bội thì cố mà găm trong bụng. Ở cái thời thiếu thốn xe cộ, hành khách nào mà càm ràm thì rất dễ bị đuổi như quăng xuống xe. Mà những chiếc xe đò Desoto cũ kỹ ngày đó có hai cửa trước, cửa sau, tức là ngoài tài xế còn có hai lơ xe. 

Dân Sài Gòn lại hay nói câu "đồ mặt lì, mặt chai như cái thằng lơ xe". Hành khách đừng có dại dột mà càm ràm những kẻ phong sương mưa nắng này.

Tuy nhiên, dù nói gì thì nói, tôi rong ruổi nhiều vùng miền, vẫn thấy cánh tài xế và lơ xe miền Tây thường chỉ dữ thần cái miệng, chớ bụng thì lành trớt. Nhà tôi ở Tây Ninh mỗi lần lên Sài Gòn thăm bà con, vẫn thấy cảnh "xin đi ké". 

Đó là người lớn dẫn con cháu nhỏ đi theo, xin anh lơ cho ngồi chung một ghế để đỡ tiền mua vé thứ hai. Nói là em bé chứ nhiều khi cũng đã trồng trộng trên dưới mươi tuổi ráng ép mình ngồi vào lòng cha mẹ, ông bà. Năm tháng khó khăn, bớt được một vé xe là đỡ lắm vì vừa khó mua vé vừa quá khó kiếm đồng tiền.

Qua trạm kiểm soát buôn lậu

Còn nhớ hồi đó xe đò miền Nam cũng nhồi nhét hành khách nhưng đỡ hơn miền ngoài. Lơ xe thường đặt thêm "ghế xúp" dọc giữa xe. Ai không mua được ghế chính thì ngồi ghế này, tất nhiên là giá vé rẻ hơn. 

Ngán nhất là hàng hóa lỉnh kỉnh chất đầy nhóc, từ những chiếc xe đẹp, quang gánh, rổ rá ràng trên mui xe đến trăm thứ nhét lẫn lộn chỗ ngồi hành khách. Các bà đi buôn gạo thường giấu đồ trước khi khách lên xe. Đó là những cái bọc dưới gầm ghế và bất cứ cái hốc nào khuất tầm nhìn. 

Tôi từ Tây Ninh lên TP.HCM, bị chặn xe ở trạm kiểm soát Suối Sâu. Chục xe bị dừng đủ chục để kiểm tra hàng lậu mà thường là gạo quê đưa lên bán lại ở thành phố, sau này có thêm một số mặt hàng khác như dầu tràm, thịt heo cũng bị kiểm soát.

Mấy bà buôn xin xỏ các anh chống buôn lậu hay chia nhỏ đồ để nhờ hành khách nhận giúp không được thì chỉ còn cách quăng bài lơ, "em hổng biết gì" khi bị phát hiện. Thế là nhiều xe bị giữ lại mấy tiếng đồng hồ, thậm chí nửa ngày hay cả ngày là chuyện thường. 

Tài xế lanh lợi đi ra phía sau nhà trạm kiểm soát để "nói chuyện" xin thông xe, nhưng nói chung là các trạm kiểm soát chống buôn lậu hồi đó rất gắt gao. 

Trạm kiểm soát Tân Hương trên quốc lộ 1, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Tiền Giang từng khét lẹt tiếng tăm với câu "Gạo của Đỗ Mười, Đỗ Mười Một, Mười Hai gì cũng bắt". Đó là câu trả lời của cán bộ chống buôn lậu khi lơ xe xin xỏ "đây là gạo địa phương biếu cho ông Đỗ Mười đi công tác miền Nam".

Mỗi lần cán bộ trạm lên xe kiểm tra thì tất cả hành khách bị đuổi xuống hết. Họ lật từng cái ghế, mở từng cái giỏ, bao đồ xe xem có giấu gạo, thịt heo, dầu tràm gì đó không. 

Tôi nhớ có lần đi qua trạm Đức Lập (Long An), mấy anh chống buôn lậu làm căng cả với bao gạo nhỏ xíu của một ông già đã có chữ ký giấy phép địa phương cho mang ít gạo lên thăm con cháu bệnh hoạn gì đó. 

Ông già mặc đồ bà ba đen, kiểu dân bưng biền chất phác, bực quá đổ tung bao gạo ra đường. Thế là bị mấy anh du kích lấy dây thừng trói tay. Tài xế tốt bụng, ráng dừng xe đợi ông già nhưng rồi đành phải chạy đi, còn ông già vẫn kẹt lại ở trạm kiểm soát không biết về sau ra sao...

Người bán bánh mì mời chào khách qua cửa sổ - Ảnh: Life

Người bán bánh mì mời chào khách qua cửa sổ - Ảnh: Life

Nơi tiễn người đi

Thời nay không xe cộ nào cho người lên bán đồ ăn trên xe, nhưng năm tháng ấy thì đầy nhóc. Từ mấy cô bé bán nước mía, xiro, xá xị bỏ trong bọc ni lông cắm ống hút cho tiện uống đến bánh mì, kẹo đậu phộng, bắp luộc, cóc ổi mía ghim đều được lên xe tất tần tật. 

Thậm chí cả mấy anh chàng cởi trần, mình đô, mang danh Sơn Đông mãi võ lên bán mấy cục thuốc trị đau nhức tròn tròn đen xì bằng đầu ngón tay. 

Xe nào cũng chật cứng hành khách, vậy mà họ vẫn luồn lách đi lên đi xuống, oang oang mời chào như chốn không người. Có hành khách vui vẻ mua đồ, có hành khách khó chịu ra mặt. Còn tài xế và lơ xe vẫn tỉnh như ruồi. Chẳng biết họ được lợi lộc gì...

Nhắc ký ức một thời khó quên về những chuyến xe từ quê lên thành và ngược lại, tôi có vô vàn kỷ niệm, nhưng ấn tượng nhất vẫn là những bến xe. 

Hơn 30 năm trước, bến xe hoàn toàn không giống như giờ. Nơi tiễn đưa người đi, đón kẻ về, mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa thì nước đọng, rồi rác rưởi và đủ thứ mùi chua lét của ai đó ói mửa, kể cả mùi nước tiểu khai nồng của những đứa bé, kể cả của tài xế, lơ xe "xả bậy" vào góc khuất hông xe. 

Nhưng không gian đó vẫn không hề làm giảm đi sự háo hức của đứa học sinh chuẩn bị hành trình đầy hấp dẫn về thành phố mà thường nó sẽ được ba má mua cho một ổ bánh mì để thèm thuồng ăn trên xe. Thi thoảng, nó còn được má mua cho một đĩa cơm sườn chan hành mỡ thơm phức.

Hơn 30 năm rồi, nó vẫn như chảy nước miếng khi nhắc tới đĩa cơm sang trọng thời nghèo khó đó. Má thường chỉ dám mua một đĩa, để cho con mình được ăn miếng sườn, còn má gọi chén cơm thêm để chan nước mắm chua ngọt mà ăn với con.

Và bây giờ, 30 năm sau, nó vẫn tiếp tục nhiều hành trình trên những chuyến xe máy lạnh, giường nằm, ghé uống cà phê sữa, ăn phở ở trạm dừng mà nhớ má vô cùng. Ước gì má còn sống, để nó được gọi đĩa cơm sườn cho má như ngày xưa má đã nhịn miệng để dành cho con...

Người thời nay đi xe đò máy lạnh, giường nằm, vào trạm dừng chân rộng rãi, đầy đủ đồ ăn thức uống sạch sẽ. Còn hồi thập niên 1980 thì đó là hình ảnh hoàn toàn khác.

Anh lơ xe không ngồi yên sau cánh cửa như bây giờ mà luôn bám vào cửa, thò người ra ngoài để đón khách dọc đường. Miệng anh ta bai bải không thua kém gì cái loa: "Xe đi Tây Ninh, Bình Phước, cô bác nhanh lên". Miệng anh ta vừa nói, tay vừa kéo hành khách lên lúc xe chưa dừng hẳn và nhiều tai nạn đã xảy ra, nhất là với người ít đi xe.

Còn dân đi nhiều thì cứ mặt lạnh, đợi xe dừng hẳn mới chịu lên xuống. Tôi cũng hay được ba má dặn dò "nhớ xe dừng hẳn an toàn, mới xuống nghe con".