Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Vũ khí hạt nhân và 'bóng ma ngày tận thế'

 

- Kỳ 1: Liên Xô từng phát triển 'siêu bom' thế nào?

Nghe đọc bài
8:18
1x

Vào thời Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô (cũ) đã từng ráo riết chạy đua chế tạo "siêu bom" hạt nhân.

Quả cầu lửa trong vụ thử nghiệm bom Tsar Bomba ngày 30-10-1961 - Ảnh: ROSATOM

Quả cầu lửa trong vụ thử nghiệm bom Tsar Bomba ngày 30-10-1961 - Ảnh: ROSATOM

Nhiều vụ báo động giả tấn công hạt nhân xảy ra trong nỗi sợ hãi chiến tranh hạt nhân bùng nổ. Nỗi ám ảnh ngày tận thế giờ lại như lờ mờ tái diễn sau khi hiệp ước New START không còn giá trị ràng buộc.

Ý tưởng chế tạo bom nhiệt hạch (bom H, bom hydro hay bom khinh khí) với sức công phá hàng trăm megaton không phải là chuyện bất thường vào cuối những năm 1950.

Liên Xô nỗ lực phát triển vũ khí có sức công phá lớn để chống lại Mỹ bành trướng trong lĩnh vực vũ khí nhiệt hạch.

Tạp chí RUSSIA BEYOND

Cảnh tượng kỳ quái, siêu thực và thật đáng sợ!

Rạng sáng ngày 30-10-1961, một máy bay ném bom Tu-95-202 của Liên Xô bay qua biển Barents đến quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Cực. Treo dưới bụng máy bay là quả bom H khổng lồ như chiếc xe buýt trường học nhỏ.

Trước đó, bom đã được vận chuyển bằng đường sắt đến căn cứ không quân Olenya trên bán đảo Kola. Máy bay được sơn lớp sơn phản quang màu trắng đặc biệt để bảo vệ khỏi bức xạ nhiệt từ vụ nổ gây ra.

Các thiết bị đo lường được gắn khắp máy bay. Máy bay thứ hai bay bên cạnh phụ trách quay phim và theo dõi mức phóng xạ.

Tạp chí Russia Beyond (Nga) mô tả quả bom nặng 26 tấn, dài gần 8m, đường kính 2m và đây là quả bom H mạnh nhất trong lịch sử loài người.

Tên chính thức là RDS-220 nhưng bom được biết đến nhiều hơn với cái tên Tsar Bomba (bom Sa hoàng), cái tên không rõ ai gọi đầu tiên. Bom được thiết kế đạt sức nổ 100 megaton song sức nổ trong thử nghiệm giảm còn 50 megaton (50 triệu tấn thuốc nổ TNT) để giảm mức phóng xạ.

11h32, máy bay thả "siêu bom" Tsar Bomba từ độ cao 10.500m xuống khu thử nghiệm hạt nhân Sukhoy Nos trên đảo Severny. Chiếc dù khổng lồ nặng gần 1 tấn bung ra hãm đà rơi để phi công đưa máy bay đến khoảng cách an toàn.

Một phút sau, bom phát nổ từ độ cao 4.000m. Ánh sáng chớp lóa kéo dài hơn một phút. Quả cầu lửa tỏa ra với đường kính gần 9,7km. Trong vài phút, quả cầu lửa biến thành đám mây hình nấm lớn. Trong 10 phút, đám mây đạt tới độ cao 67km với đường kính khoảng 96km và có thể quan sát được từ xa 1.000km.

Một người quay phim quan sát từ quần đảo Novaya Zemlya nhớ lại: "Quả cầu lửa màu đỏ có kích thước khổng lồ bốc lên cao và lớn dần.

Nó càng lúc càng lớn và khi đạt đến kích thước khổng lồ vẫn tăng thêm. Đất dường như bị hút vào phía dưới nó trông giống cái phễu. Cảnh tượng vô cùng kỳ quái, siêu thực và quả cầu lửa như ở hành tinh khác. Thật đáng sợ!".

Mặc dù bom nổ cách mặt đất 4.000m nhưng khắp thế giới ghi nhận sóng địa chấn mạnh như động đất trên 5 độ Richter. Máy bay Tu-95 chở quả bom đã bay rất xa nhưng sóng xung kích đã làm máy bay lập tức mất độ cao 1.000m, sau đó máy bay may mắn hạ cánh an toàn.

Các nhà quay phim Liên Xô đã thực hiện một bộ phim tài liệu tuyệt mật dài 30 phút có tiêu đề "Thử nghiệm bom nhiệt hạch sạch với sức công phá 50 megaton". Bộ phim đã được Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) giải mật vào tháng 8-2020.

Bom Tsar Bomba trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí hạt nhân Sarov (Nga) - Ảnh: TASS

Bom Tsar Bomba trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí hạt nhân Sarov (Nga) - Ảnh: TASS

Bom mạnh gấp ngàn lần bom nguyên tử năm 1945

Trong bài viết "Bí mật bom H của Liên Xô" đăng trên tạp chí Physics Today, hai tiến sĩ sử học Mỹ Alex Wellerstein và Edward Geist ghi nhận Liên Xô bắt đầu chú ý đến "siêu bom" sau khi tin tình báo xác định Mỹ đang nỗ lực bước đầu chế tạo bom H.

Năm 1953, Liên Xô thử nghiệm bom đạt sức nổ 500 kiloton. Tháng 11-1955, Liên Xô thử nghiệm "siêu bom" đầu tiên đạt sức nổ 1,6 megaton (bom nhiệt hạch RDS-37). Cuối năm 1955, tướng KGB Avraamiy P. Zavenyagin đề xuất tăng sức nổ lên "vài chục megaton".

Trung tâm nghiên cứu vũ khí hạt nhân Chelyabinsk-70 của Liên Xô bắt đầu thiết kế "siêu bom" RDS-202. Mùa thu năm 1956, bom đã sẵn sàng thử nghiệm nhưng do không chắc chắn tác động xảy ra của loại vũ khí lớn như vậy, Liên Xô đã hoãn thử nghiệm chờ nghiên cứu bổ sung.

Trong bài viết trên tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists (Mỹ), PGS.TS Alex Wellerstein - giám đốc nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Viện Công nghệ Stevens (Mỹ) - ghi nhận sau khi tướng Zavenyagin qua đời vào cuối năm 1956, dự án bom RDS-202 được lệnh dừng vào tháng 3-1957. Các bộ phận được tháo dỡ và tái chế, chỉ còn để lại vỏ bom.

Trong khi đó, các nghiên cứu thiết kế bom H của Liên Xô đã được cải thiện đáng kể. Hai nhà vật lý trẻ Yuri Trutnev và Yuri Babaev tại trung tâm phát triển vũ khí hạt nhân Arzamas-16 đã đưa ra nguyên lý mới chế tạo đầu đạn hiệu quả hơn và phát tiếng nổ lớn hơn.

Thiết kế bom mới được thử nghiệm thành công vào tháng 2-1958. Nhà vật lý Igor Kurchatov ("cha đẻ" của bom nguyên tử Liên Xô) báo cáo từ nay Liên Xô đã có bom nguyên tử và bom H mạnh hơn, hiện đại hơn, đáng tin cậy hơn, nhỏ gọn hơn và rẻ tiền hơn.

Cuối năm 1958, Mỹ và Liên Xô đồng ý tạm dừng thử nghiệm hạt nhân. Đến tháng 5-1960, nhiều bài báo nước ngoài viết Mỹ đang nghiên cứu "siêu bom" có sức nổ "hàng ngàn megaton".

Các nhà vật lý hạt nhân Liên Xô nghiên cứu bom Tsar Bomba Ảnh: ROSATOM2

Các nhà vật lý hạt nhân Liên Xô nghiên cứu bom Tsar Bomba Ảnh: ROSATOM2

Các nhà khoa học Liên Xô tin là thật và lập tức chế tạo bom Tsar Bomba. Ban đầu họ thiết kế vụ thử bom có sức nổ nhỏ nhưng sau khi bắt gặp vỏ bom từ dự án bom RDS-202, họ đã thiết kế loại bom mới cùng kích thước và trọng lượng như RDS-202 nhưng sức nổ gấp đôi. Rất ít thông tin chi tiết về thiết kế này được tiết lộ.

Theo các tài liệu thời chính quyền tổng thống Kennedy được giải mật, ngày 10-7-1961 chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev đã triệu tập các nhà khoa học hạt nhân từ Arzamas-16 đến để thông báo kế hoạch tiếp tục thử nghiệm.

Tại cuộc gặp này có nhà khoa học nào đó đã đề xuất chế tạo bom 100 megaton. Đến ngày 30-8-1961, Liên Xô tuyên bố từ bỏ thỏa thuận cấm thử nghiệm hạt nhân và khẳng định "Liên Xô đã soạn thảo kế hoạch chế tạo hàng loạt bom hạt nhân siêu mạnh 20, 30, 50 và 100 triệu tấn TNT".

Đầu tháng 9, Liên Xô tiến hành nhiều vụ thử với bom đạt sức nổ đến 12,5 megaton. Đến ngày 17-10, Khrushchev chính thức thông báo cuối tháng 10 Liên Xô sẽ thử nghiệm bom H có sức công phá 50 megaton nhằm kiểm tra thiết bị kích hoạt bom 100 megaton. Ngày 30-10-1961, "siêu bom" Tsar Bomba đã được thử nghiệm.


Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử 15 kiloton xuống Hiroshima và 20 kiloton xuống Nagasaki (Nhật) vào tháng 8-1945.

Cứ thử tính toán, bom Tsar Bomba có sức công phá đến 50 megaton, tức tương đương 3.800 quả bom ném xuống Hiroshima (Nhật).

Trong khi đó, chỉ cần một quả bom 10 megaton cũng đủ hủy diệt toàn khu vực trung tâm một thành phố lớn. Sóng nổ và sức nóng có thể tàn phá hơn 2.500km2 và gây thương vong cho nhiều triệu người. Mức phóng xạ sẽ tăng hàng trăm lần gây ô nhiễm trên quy mô rất lớn.

 - Kỳ 2: 'Siêu bom' hạt nhân 100 megaton kiểu Mỹ

Theo nhiều tài liệu giải mật của Mỹ, trong một thời gian dài các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu "siêu bom" hạt nhân với sức công phá lên đến 100 megaton, tức gấp đôi sức nổ bom Tsar Bomba của Liên Xô.

Bom Flashback lớn đến mức phải treo bên ngoài khoang pháo đài bay B-52 - Ảnh: theaviationgeekclub.com

Bom Flashback lớn đến mức phải treo bên ngoài khoang pháo đài bay B-52 - Ảnh: theaviationgeekclub.com

Thậm chí Mỹ còn nghiên cứu thiết kế vũ khí có sức công phá đến 1.000 megaton.

EDWARD TELLER
Sức nổ 15 megaton chỉ là trò trẻ con.

Không quân Mỹ muốn "siêu bom"

Theo bài viết đăng trên tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists (Mỹ), PGS.TS Alex Wellerstein - giám đốc nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Viện Công nghệ Stevens (Mỹ) - cho biết từ tháng 10-1944, Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ đã tính toán thiết kế "siêu bom" nhiệt hạch (bom H) đạt sức công phá 100 megaton, tức gấp nhiều ngàn lần hai quả bom được thả xuống Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai sau đó.

Mùa xuân năm 1951, hai nhà vật lý hạt nhân Edward Teller và Stanislaw Ulam bắt đầu phát triển "siêu bom". Tháng 11-1952, Mỹ thử nghiệm thiết bị Sausage đạt sức nổ 10 megaton. Một phiên bản thiết kế nhỏ gọn hơn (bom Castle Bravo) được thử nghiệm vào đầu tháng 3-1954 trên đảo Bikini đã đạt sức nổ đến 15 megaton. Bụi phóng xạ phát sinh nhiều hơn dự kiến đến mức phải sơ tán dân trên các đảo san hô dưới chiều gió.

Vài tháng sau, Teller tuyên bố sức nổ 15 megaton chỉ là trò trẻ con. Trong một cuộc họp bí mật của Ủy ban Năng lượng nguyên tử (AEC), Teller báo cáo Phòng thí nghiệm quốc gia Livermore đang nghiên cứu hai thiết kế vũ khí mới Gnomon và Sundial. Gnomon đạt sức nổ "khủng" 1.000 megaton được dùng làm mồi kích hoạt… Sundial 10.000 megaton.

Phần lớn báo cáo của Teller được giữ bí mật đến nay nhưng một số nhà khoa học tham dự cuộc họp kể lại họ đã bị sốc. Ai cũng tưởng Teller chỉ muốn "nổ" nhưng quả thật Livermore đang nghiên cứu Gnomon.

Năm 2015, một số tài liệu giải mật cho thấy đến tháng 3-1955 đã có ít nhất 40 nghiên cứu về Gnomon. Song trong tài liệu, trừ ngày và con số ra thì các từ đều bị Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) đục bỏ.

Cuối thập niên 1950, Bộ Tư lệnh không quân chiến lược (SAC) thúc đẩy chế tạo "siêu bom" 60 megaton và chỉ định đây là ưu tiên hàng đầu của SAC. Dù vậy, trong nội bộ có nhiều ý kiến chỉ trích. Theo tài liệu lưu trữ về thử nghiệm hạt nhân Mỹ, thành viên AEC Thomas Murray đã kiến nghị với Tổng thống Eisenhower liệu có cần thiết chế tạo "siêu bom" hay không và "siêu bom" có phù hợp với nguyên tắc đạo đức về sử dụng vũ lực theo cách ôn hòa và có phân biệt đối xử trong chiến tranh hay không.

Eisenhower bèn ủy quyền cho Lầu Năm Góc và AEC nghiên cứu. Cuối cùng họ kết luận có lẽ không thích hợp phát triển "siêu bom" vì phát sinh dư luận tiêu cực trong và ngoài nước. Dù vậy, kết luận vẫn khẳng định: "Khía cạnh đạo đức của việc sử dụng vũ khí cỡ lớn không khác với sử dụng mọi loại vũ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt".

Theo các tác giả Ernest May, John D. Steinbruner và Thomas W. Wolfe trong cuốn sách Lịch sử chạy đua vũ khí chiến lược 1945-1972, năm 1958 SAC vẫn tiếp tục yêu cầu AEC nghiên cứu vũ khí lớn có sức công phá từ 100-1.000 megaton. 

Sau đó, một báo cáo của SAC được giải mật nêu: "Bộ tham mưu không quân kết luận việc sử dụng vũ khí 1.000 megaton có thể khả thi nhưng không mong muốn. Nguyên do vì chất phóng xạ gây chết người có thể không chỉ khu trú trong giới hạn quốc gia thù địch và thử nghiệm loại vũ khí như vậy có thể không thực tế, vậy nên vào tháng 4-1959, Hội đồng Không quân quyết định hoãn đưa ra quan điểm về vấn đề này".

Bom nhiệt hạch B-41 (Mark 41), may là chưa bao giờ được sử dụng - Ảnh: atomicarchive.com

Bom nhiệt hạch B-41 (Mark 41), may là chưa bao giờ được sử dụng - Ảnh: atomicarchive.com

Đợi chỉ đạo của tổng thống để chế tạo "siêu bom"

Cuối tháng 8-1961, Giám đốc Ủy ban Giải trừ quân bị Mỹ John McCloy báo cáo trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev, ông Khrushchev tuyên bố Liên Xô sẽ cần thử nghiệm vũ khí 100 megaton để biết thiết kế có hoạt động hay không. Cuộc tranh luận về "siêu bom" lại bùng lên ở Mỹ.

Ngày 18-10-1961, Chủ tịch AEC Glenn Seaborg gửi báo cáo cho Tổng thống Kennedy giải thích về "siêu bom" 100 megaton và cho rằng nếu xác định đây là mục tiêu ưu tiên cao nhất thì Mỹ sẽ có "siêu bom" trong vòng từ 6-12 tháng. Dù vậy, Seaborg vẫn thuyết phục thử nghiệm "siêu bom" là ý tưởng tồi. 

Một số nhà khoa học Mỹ khẳng định "siêu bom" vô ích về chiến lược vì bom 100 megaton giải phóng năng lượng gấp 10 lần bom 10 megaton nhưng vụ nổ 100 megaton gây sát thương chỉ gấp đôi bom 10 megaton trong khi bom 100 megaton lại nặng hơn gấp 10 lần nên khó triển khai bằng máy bay hoặc tên lửa.

Chỉ vài ngày trước khi Liên Xô thử nghiệm "siêu bom" Tsar Bomba vào sáng 30-10-1961, để trấn an dân Mỹ và các đồng minh, lần đầu tiên một nghị sĩ Mỹ tiết lộ Mỹ đã chế tạo "vũ khí năng lượng rất cao" với sức nổ khoảng 25 megaton. Một tài liệu hiếm hoi được giải mật sau này (có thể giải mật nhầm) đã nêu con số chính xác là 23 megaton. 

Cuối năm 1962, Chủ tịch AEC Seaborg báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara AEC đã sẵn sàng phát triển "siêu bom" nhưng ông tiếp tục cảnh báo cần phải tăng đầu tư đáng kể và ông sẽ không làm điều đó nếu không có chỉ đạo rõ ràng từ tổng thống.

Tháng 3-1963, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân chính thức yêu cầu phát triển "vũ khí năng lượng rất cao" ném từ máy bay B-52. Seaborg tỏ ra lạnh nhạt và nhấn mạnh chính tổng thống phải đưa ra quyết định, song theo quy trình ông vẫn báo cáo rằng các phòng thí nghiệm cho biết bom dễ chế tạo nhất là bom Mark 41 thu nhỏ nặng 15,8 tấn, đường kính 1,7m, dài 7,7m có sức công phá 50 megaton. Đây gần như là kích thước tối đa vừa với khoang chứa bom của máy bay B-52.

Ghi hình vụ thử nghiệm bom hạt nhân tại bãi thử trong sa mạc Nevada năm 1958 Ảnh: atomcentral.com

Ghi hình vụ thử nghiệm bom hạt nhân tại bãi thử trong sa mạc Nevada năm 1958 Ảnh: atomcentral.com

Ngày 5-8-1963, Mỹ, Anh và Liên Xô ký kết Hiệp ước Cấm thử nghiệm có giới hạn (LTBT có hiệu lực từ ngày 10-10-1963) quy định cấm thử nghiệm hạt nhân trong khí quyển, trong vũ trụ và dưới nước (có thể thử nghiệm giới hạn dưới lòng đất). 

Sau hiệp ước, mục tiêu chế tạo "siêu bom" của Mỹ vẫn chưa dừng lại. Tuy tuyên bố không quan tâm đến "vũ khí năng lượng rất cao" nhưng Mỹ vẫn nghiên cứu bom nhiệt hạch Flashback đạt sức nổ từ 50-100 megaton để đề phòng Liên Xô vi phạm hiệp ước.

Năm 1968, mối quan tâm về "vũ khí năng lượng rất cao" không còn phù hợp nữa. CIA kết luận Liên Xô không vi phạm hiệp ước mà chỉ chú trọng sử dụng nhiều đầu đạn nhỏ trên một tên lửa để tấn công nhiều mục tiêu. Năm 1996, Liên Hiệp Quốc thông qua Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) nhưng đến nay hiệp ước vẫn chưa có hiệu lực.

Vũ khí hạt nhân lớn nhất mà Mỹ đã từng chế tạo trong thời kỳ chạy đua vũ trang khốc liệt với Liên Xô là bom Mark 41 với sức nổ khoảng 25 megaton, tuy nhiên bom chưa từng được thử nghiệm. Đến nay sức nổ chính xác và thông tin chi tiết về quá trình phát triển bom Mark 41 vẫn còn trong vòng bí mật.

- Kỳ 3: Báo động hạt nhân khủng khiếp lúc 3h sáng

Thế giới đã có lúc ở thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi Mỹ cảnh báo hàng ngàn tên lửa đạn đạo liên lục địa Liên Xô đang phóng về hướng Mỹ. Hóa ra máy tính đã cảnh báo sai!

Đường vào NORAD trên núi Cheyenne đầu những năm 1980 - Ảnh: Getty Images

Đường vào NORAD trên núi Cheyenne đầu những năm 1980 - Ảnh: Getty Images


1.400 tên lửa đạn đạo bay tới Mỹ?

Hồi ký của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert M.Gates xuất bản năm 1996 kể lại có lần cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski được đại tá William Odom đánh thức lúc nửa đêm để báo tin khủng khiếp... Mỹ bị tên lửa Liên Xô tấn công.

Hồi ký có đoạn:

"Như đã kể lại với tôi, Brzezinski được (trợ lý quân sự William) Odom đánh thức lúc 3h sáng. Odom báo cáo khoảng 250 tên lửa Liên Xô đã được phóng đến Mỹ. Brzezinski biết thời gian tổng thống quyết định ra lệnh trả đũa là từ 3-7 phút, do đó ông nói với Odom ông sẽ chờ cuộc gọi tiếp theo để xác nhận vụ phóng và các mục tiêu bị tấn công trước khi báo cáo tổng thống.

Brzezinski tin rằng chúng ta phải đánh trả và yêu cầu Odom xác nhận Bộ Tư lệnh không quân chiến lược đang triển khai máy bay. Odom gọi lại báo cáo đã có 2.200 tên lửa được phóng đi. Đây là cuộc tấn công tổng lực.

Một phút trước khi Brzezinski định gọi cho tổng thống, Odom gọi lần thứ ba thông báo các hệ thống cảnh báo khác không ghi nhận Liên Xô phóng tên lửa. Ngồi một mình lúc nửa đêm, Brzezinski không đánh thức vợ dậy và suy tính mọi người có thể sẽ chết trong vòng nửa tiếng. Rốt cuộc đây là báo động nhầm. Ai đó đã đưa nhầm các băng diễn tập quân sự vào hệ thống máy tính".

Câu chuyện nêu trên không nêu rõ ngày xảy ra sự kiện nhưng dựa vào tình tiết "ai đó đã đưa nhầm các băng diễn tập quân sự vào hệ thống máy tính", đó chỉ có thể là lần báo động nhầm ngày 9-11-1979 xảy ra vào buổi sáng.

Chuyên gia phân tích cấp cao William Burr tại Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ nhận xét ông Gates dựa vào lời của Brzezinski, còn Brzezinski lại nhầm lẫn giữa hai lần báo động nhầm vào ngày 9-11-1979 và ngày 3-6-1980.

Trung tuần tháng 3-2020, lần đầu tiên Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia đã công bố tài liệu giải mật về các vụ báo động nhầm tên lửa Liên Xô tấn công trong năm 1979-1980. Tài liệu này bổ sung nhiều chi tiết về các vụ báo động nhầm được giải mật năm 2012.

Theo tài liệu giải mật năm 2020, lần báo động nhầm vào ngày 9-11-1979 xảy ra giữa buổi sáng, còn lần xảy ra vào ngày 3-6-1980 là lần báo động nhầm duy nhất lúc nửa đêm trong những năm Tổng thống Carter cầm quyền.

Trong vụ báo động nhầm vào sáng ngày 9-11-1979, màn hình cảnh báo tên lửa của Bộ Tư lệnh phòng vệ không phận Bắc Mỹ (NORAD) trên núi Cheyenne hiển thị 1.400 tên lửa đạn đạo Liên Xô tấn công.

Tám phút sau khi màn hình phát cảnh báo, NORAD kết luận vụ tấn công đang diễn ra.

Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ

Tám phút sau, NORAD kết luận: "Vụ tấn công đang diễn ra". Thật ra một nhân viên NORAD đã đưa băng diễn tập hạt nhân vào máy tính để kiểm tra, vì vậy máy tính phát đi cảnh báo sai.

Thông tin từ đoạn băng diễn tập xuất hiện cùng lúc trên bảng điều khiển cảnh báo của Lầu Năm Góc, Bộ Tư lệnh không quân chiến lược (SAC) và một số nơi khác, do đó các biện pháp đối phó đã được triển khai, trong đó lực lượng đánh chặn của NORAD đã nhận lệnh báo động.

Đánh giá về sự cố này, NORAD nhận định các kỹ thuật viên của NORAD sẽ có thể dẫn đến các lỗi tương tự do thiếu hiểu biết về tính tổng thể của hệ thống và thường dễ chấp nhận các yêu cầu kiểm tra không cần thiết.

Ngoài ra họ không hiểu đầy đủ hậu quả xảy ra của hoạt động kiểm tra có thể liên quan đến toàn hệ thống. Tin báo động nhầm nhanh chóng được đăng trên báo chí Mỹ. Ngày 14-11-1979, Tổng bí thư Leonid Brezhnev đã gửi một thông điệp cho Mỹ qua trung gian đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoly Dobyrnin bày tỏ mối quan ngại về "mức độ cực kỳ nguy hiểm" của sự cố này.

Trung tâm tác chiến của NORAD khoảng năm 1982 - Ảnh: Cơ quan Thông tin Mỹ

Trung tâm tác chiến của NORAD khoảng năm 1982 - Ảnh: Cơ quan Thông tin Mỹ

Chỉ vì một con chip giá 46 xu

Bảy tháng sau lại có ba lần cảnh báo sai vào ngày 28-5-1980, 3-6-1980 và 6-6-1980. Hôm 3-6-1980, màn hình radar tại Lầu Năm Góc và SAC đã hiển thị 200 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và sau đó là 2.020 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) bay đến Mỹ.

Tại SAC, các máy bay ném bom và máy bay chở nhiên liệu được lệnh khởi động động cơ. Trạm chỉ huy trên không của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương được đưa vào hoạt động trong khuôn khổ báo động khẩn cấp. Sở Chỉ huy trên không khẩn cấp quốc gia (NEACP) tại căn cứ không quân Andrews được đặt trong tình trạng sẵn sàng hành động khẩn cấp.

Dù vậy, NORAD đã không triển khai tên lửa đánh chặn có lẽ do đã rút kinh nghiệm lần báo động nhầm vào tháng 11-1979.

Nguyên nhân báo động nhầm là do vi mạch tích hợp (con chip) giá 46 xu trong một máy tính tại NORAD và thiết kế thông báo bị lỗi. Theo quy trình gửi thông báo định kỳ tới SAC và Trung tâm Chỉ huy quân sự quốc gia (NMCC) của Lầu Năm Góc, thông báo ghi "000" để không có tên lửa phóng đi. Song con số 0 lại bị ghi nhầm thành số 2 nên số "000" hiển thị thành "002" hoặc "200" khiến tưởng nhầm là 2 tên lửa hoặc 200 tên lửa.

Đầu thập niên 1960, Lầu Năm Góc bắt đầu sử dụng Hệ thống Cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEWS) có thể cảnh báo sớm 15 phút. Sau đó đến các hệ thống tán xạ thẳng (radar vượt đường chân trời OTHR) cảnh báo sớm từ 5-7 phút và hệ thống 474N cảnh báo sớm từ 3-7 phút.

Cuối thập niên này, Mỹ triển khai các vệ tinh thuộc Chương trình Hỗ trợ quốc phòng sử dụng công nghệ hồng ngoại có thể phân biệt vụ phóng tên lửa là thử nghiệm hay tấn công căn cứ số lần phóng và quỹ đạo tên lửa. Chương trình phát cảnh báo sớm từ 25-30 phút cùng thông tin về quỹ đạo và mục tiêu của tên lửa.

Năm 1972, NORAD bắt đầu kết nối các hệ thống cảnh báo thành mạng liên kết. Trong cuốn sách "Giới hạn của an toàn: Tổ chức, sự cố và vũ khí hạt nhân", GS Scott Sagan ở Đại học Stanford chua chát nhận định "thất bại có tính tổ chức" của hệ thống cảnh báo sớm Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh vì hệ thống máy tính phức tạp khó tránh khỏi bị hỏng hóc, bị lỗi hoặc nhầm lẫn.

Một báo cáo giải mật tại Thư viện Carter đã thống kê các thời điểm phát cảnh báo sai vô cùng nguy hiểm nhưng nhiều sự cố hầu như không được biết đến.

Sau sự cố báo động nhầm ngày 3-6-1980, NORAD cho hệ thống máy tính chạy ba ngày liên tục để xác định lỗi. Đến chiều ngày 6-6, lỗi tương tự lại xảy ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown đã cảnh báo với Tổng thống Carter: "Chúng ta phải chuẩn bị khả năng hôm nào đó lại xảy ra trục trặc khác có khi không liên quan đến cảnh báo sai". Song ông trấn an: "Chúng ta phải tiếp tục đặt niềm tin vào yếu tố con người (các nhân viên đọc dữ liệu) trong hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công".

Báo chí đã từng hỏi Lầu Năm Góc rằng liệu các sĩ quan trực ban Liên Xô có tưởng cảnh báo của Mỹ là đúng không? Một quan chức quốc phòng Mỹ không nêu tên cho rằng không có gì bảo đảm phản ứng dây chuyền sẽ không xảy ra.

Chưa có người phụ nữ nào dẫn đầu đoàn đàm phán trong lịch sử 50 năm đàm phán vũ khí hạt nhân. Song khi đàm phán hiệp ước New START sau này lại xuất hiện một bóng hồng.

- Kỳ 4: Cuộc gọi nhỡ và bóng hồng đàm phán hạt nhân

Trong lịch sử 50 năm đàm phán về vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô/Nga, bà Rose Gottemoeller là người phụ nữ đầu tiên dẫn đầu đoàn đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thứ trưởng Rose Gottemoeller (trái) phát biểu về vấn đề phê chuẩn hiệp ước New START tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 11-8-2010 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thứ trưởng Rose Gottemoeller (trái) phát biểu về vấn đề phê chuẩn hiệp ước New START tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 11-8-2010 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Cuộc phỏng vấn vã mồ hôi

Trong cuốn sách Đàm phán hiệp ước New START xuất bản vào tháng 5-2021, bà bộc bạch: "Năm 2009, tôi trở thành người phụ nữ đầu tiên đàm phán thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga. Khi Ngoại trưởng Hillary Clinton chọn tôi dẫn đầu các cuộc đàm phán về hiệp ước START sau này, tôi biết tôi sẽ nổi bật vì giới tính của mình trong thế giới ngoại giao hạt nhân toàn nam giới...".

Vào tháng 12-2008, bà đang sống trong một căn hộ nhỏ đơn sơ thuê ở Matxcơva. Vài tuần nữa, bà kết thúc nhiệm kỳ giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow. Bất chợt điện thoại di động của bà reo lên. Bà chưa kịp nghe điện thoại thì cuộc gọi ngưng bặt. Do hạn chế về công nghệ vào thời kỳ đó nên không có cách nào để nghe hộp thư thoại trên mạng di động Nga.

Đe dọa sử dụng hạt nhân cho dù là sử dụng một lần duy nhất và phi chiến lược cũng là đùa với lửa.

ROSE GOTTEMOELLER

Lúc bấy giờ bà rất băn khoăn: "Ôi trời, đó là gì vậy, Nhà Trắng hay chiến dịch của Obama gọi? Phải chăng mình vừa đánh mất cơ hội?". Sau đó, bà đã có câu trả lời. Cuộc gọi lần thứ hai đề nghị bà liên lạc với văn phòng ngoại trưởng chỉ định Hillary Clinton để thảo luận lời mời vị trí thứ trưởng. Lúc đó, ông Obama mới đắc cử tổng thống và đang xây dựng guồng máy chính phủ mới.

Cuộc phỏng vấn rất căng thẳng. Bà Clinton và hai thuộc cấp hỏi bà về khả năng răn đe hạt nhân, các chính sách chiến lược của Mỹ, vấn đề cắt giảm vũ khí chiến lược. Hồi ký của bà ghi lại: "Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ tồi tệ. Một tiếng rưỡi thật mệt mỏi. Tôi nghĩ tôi đã không làm tốt lắm".

Thế nhưng hôm sau, một cuộc gọi đến thông báo bà Clinton không chỉ đề nghị bà làm thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề kiểm soát vũ khí mà sẽ đề nghị với Nhà Trắng cử bà làm trưởng đoàn đàm phán về hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược sắp tới.

Tháng 6-2009, phái đoàn Mỹ đang cố đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành hiệp ước. Thật may mắn bà lại quen biết ông Anatoly Antonov, trưởng đoàn đàm phán Nga, vì bà từng làm giám đốc Trung tâm Carnegie ở Matxcơva trong ba năm (năm 2006 - 2008).

Với khả năng sõi tiếng Nga, bà cũng từng ở Nga với tư cách viên chức của chính quyền Clinton để hợp tác bảo vệ các vật liệu hạt nhân và các đầu đạn Nga chống bọn trộm cắp và bọn khủng bố.

Ông Antonov là giám đốc Ban Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Nga, vì vậy hai người có dịp gặp nhau nhiều lần tại các sự kiện ở Matxcơva. Ông còn mời bà tham gia hội đồng cố vấn về kiểm soát vũ khí và bị nhiều chỉ trích vì để chuyên gia nước ngoài tham gia hội đồng. Thỉnh thoảng, họ vẫn ăn trưa.

Bà nhận xét: "Mối quen biết của chúng tôi là một yếu tố quan trọng giải thích vì sao các cuộc đàm phán về hiệp ước lại diễn ra nhanh chóng. Chúng tôi không mất thời gian vào điệu nhảy "làm quen" của các nhà đàm phán quốc tế".

Tuy nhiên, thái độ tôn trọng lẫn nhau của họ hầu như đã bị đảo lộn chỉ vì một bài báo. Vào tháng 6-2009, một tờ báo Nga đã đăng bài khẳng định ông Antonov sẽ không bao giờ thắng vì bà Gottemoeller là "nhà đàm phán rất cứng".

Bà đã dự đoán hai tình huống. Nếu Antonov bị thay thế, quá trình đàm phán sẽ chậm lại khi nhà đàm phán mới của Nga được bổ nhiệm. Trong trường hợp tốt hơn, đây có thể là dấu hiệu sắp tới Antonov sẽ cứng rắn hơn với bà trên bàn đàm phán. Rốt cuộc, tình huống thứ hai đã xảy ra.

Hai trưởng đoàn đàm phán Rose Gottemoeller (Mỹ) và Anatoly Antonov (Nga) - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Hai trưởng đoàn đàm phán Rose Gottemoeller (Mỹ) và Anatoly Antonov (Nga) - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Cái đập tay xuống bàn duy nhất

Theo thông lệ, thỉnh thoảng các nhà đàm phán vẫn gặp nhau thảo luận không chính thức trong bữa trưa hoặc bữa uống cà phê. Bà Gottemoeller và ông Antonov cũng làm tương tự. Họ đã tận dụng các bữa ăn để khắc phục những bế tắc về khái niệm hoặc thủ tục trên bàn đàm phán. Họ đã sử dụng khăn giấy để phác thảo ý tưởng.

Ngồi vào bàn đàm phán gồm có hai nhà đàm phán và các chuyên gia có kinh nghiệm nhất hỗ trợ. Ở hàng ghế sau là các chuyên viên hiểu tường tận về hệ thống vũ khí, các thanh tra viên nắm vững quy trình thanh sát, các luật sư am tường pháp luật về hiệp ước và các nhà ngôn ngữ học. Người phiên dịch viên chính luôn ngồi cạnh trưởng đoàn đàm phán.

Bà Gottemoeller sớm nhận ra một ê kíp nữ trẻ xuất sắc ngồi ở hàng ghế sau cùng các chuyên viên hàng đầu từ nhiều cơ quan của Nga. Bà bắt đầu truyền bá kiến thức chuyên môn để gửi thông điệp rằng phụ nữ vẫn có thể thực hiện chính sách hạt nhân tốt như nam giới.

Bà ghi trong hồi ký: "Ngay từ các phiên họp toàn thể ban đầu, tôi đã cung cấp chi tiết về khả năng tên lửa Nga và do đó Matxcơva không cần lo lắng về hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Điều này có thêm lợi thế chứng tỏ tôi biết nhiều về chủ đề kỹ thuật. Đã có những cái gật đầu tán đồng từ các chuyên gia quân sự Nga".

Sau đó, bà tiếp cận trực tiếp hơn bằng cách tặng quà trang trí Giáng sinh của Nhà Trắng hoặc các chuỗi hạt dùng trong ngày Mardi Gras (ngày trước thứ tư lễ Tro của người Công giáo) cho cánh phụ nữ trong phái đoàn Nga. Bà nói với ông Antonov nên đưa một số chuyên gia nữ có năng lực trong phái đoàn Nga lên hàng ghế đầu và cho phép họ phát biểu.

Cuối cùng vào cuối cuộc đàm phán, Antonov thông báo nữ luật sư của ông sẽ phát biểu trong phiên họp toàn thể tiếp theo. Hôm đó, nữ luật sư ấy đã có bảng tóm tắt tốt về vấn đề pháp lý đang kết luận.

Về phía phái đoàn Mỹ, trong các cuộc họp chuẩn bị bí mật, phái đoàn Mỹ nhiều lần thúc giục bà thể hiện thái độ tức giận nhiều hơn và cứng rắn hơn với người Nga. Một ngày nọ, bà quyết định làm theo. Tại một phiên họp toàn thể, cũng như nhiều lần trước, phía Nga tiếp tục nêu quan điểm cần hạn chế về phòng thủ tên lửa trong hiệp ước mới.

Bà đã đập bàn đỏ mặt tía tai nói lớn: "Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev đã đồng ý ở London hồi tháng 4 rằng đàm phán lần này bàn đến lực lượng tấn công chiến lược chứ không phải phòng thủ tên lửa".

Cơn tức giận có tác dụng mong muốn. Người Nga ngạc nhiên nhưng quan trọng hơn cánh nam giới trong phái đoàn Mỹ rất sướng vì... bà có thể đập bàn khi cần! Hồi ký ghi lại: "Tôi đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong buổi tổng kết hôm đó. Quan trọng hơn là tôi không cần phải nổi cơn tức giận nào nữa trong thời gian đàm phán còn lại. Tôi đã chứng minh mình có thể làm được nếu buộc phải làm, thế là đủ!".

Hiệp ước về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (New START) đặt ra các giới hạn cho Mỹ và Nga gồm: 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng trang bị vũ khí hạt nhân đã triển khai; 1.550 đầu đạn hạt nhân ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai; 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai của các ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng.

Mỹ và Nga đã đặt ra quy trình phản ứng rất chặt chẽ về tấn công hạt nhân. Vậy tống thống phải làm gì khi trả đũa hạt nhân theo cảnh báo và khi muốn tấn công phủ đầu?

- Kỳ 5: 7 phút kích hoạt chiến tranh hạt nhân

"Sự cố tên lửa Na Uy" năm 1995 là lần duy nhất trong lịch sử các nhà lãnh đạo Nga kích hoạt chiếc cặp hạt nhân.

Hầm chứa tên lửa đạn đạo LGM-30G Minuteman III của Mỹ - Ảnh: Không quân Mỹ

Hầm chứa tên lửa đạn đạo LGM-30G Minuteman III của Mỹ - Ảnh: Không quân Mỹ

7h sáng ngày 25-1-1995, Na Uy phóng tên lửa khí tượng Black Brant XII từ đảo Andoya để nghiên cứu hiện tượng cực quang. Tên lửa có kích thước như tên lửa hạt nhân Trident D-5 của Mỹ lại bay theo quỹ đạo khớp với quỹ đạo Bộ Quốc phòng Nga đánh giá là tối ưu nhất trong trường hợp Mỹ tấn công Nga.

Mỹ không có các quy tắc riêng về tấn công phủ đầu do tổng thống Mỹ ra lệnh.

JORGE MORALES PEDRAZA

Quy trình tấn công hạt nhân của Mỹ

Hệ thống cảnh báo sớm của Nga phát cảnh báo. Trong cuộc họp khẩn cấp, ba chiếc cặp hạt nhân được đặt giữa Bộ trưởng Quốc phòng Pavel Grachev, Tổng tham mưu trưởng Mikhail Kolsnikov và Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Quân đội Nga đánh giá tên lửa được phóng đi để tạo xung điện từ đánh sập mạng lưới radar và liên lạc Nga. 

Ba cặp hạt nhân được kích hoạt. Các lực lượng hạt nhân chiến lược sẵn sàng. Theo trang Russia Beyond (Nga), căng thẳng chỉ lắng xuống sau khi có thông tin rõ ràng tên lửa đã rơi xuống nước gần đảo Spitsbergen (Na Uy). Sau đó, ba chiếc cặp hạt nhân đã được khóa lại.

Nhà nghiên cứu Jorge Morales Pedraza (Áo) giả định nếu hệ thống chỉ huy điều khiển hạt nhân Mỹ phát hiện tên lửa Nga bay tới Mỹ, tổng thống sẽ có 7 phút để quyết định. Chỉ duy nhất tổng thống có quyền ra lệnh tấn công hạt nhân. Mỹ đã dự kiến hai trường hợp tấn công hạt nhân gồm trả đũa khi bị tấn công hạt nhân và tấn công hạt nhân phủ đầu.

Trung tâm Chỉ huy quân sự quốc gia bên trong Lầu Năm góc Ảnh: nuke.fas.org

Trung tâm Chỉ huy quân sự quốc gia bên trong Lầu Năm góc Ảnh: nuke.fas.org

Trường hợp đầu tiên (phóng theo cảnh báo) có ba bước gồm phát hiện sớm vụ tấn công, quy trình ra quyết định của tổng thống và các chỉ huy kho vũ khí hạt nhân thực hiện lệnh phóng. Theo quy trình, sau khi nhận được thông tin bị tấn công hạt nhân, Bộ Quốc phòng có một phút để báo cáo với tổng thống. 

Tổng thống sẽ tham khảo ý kiến các cố vấn quân sự và dân sự nên đáp trả hay không. Tại Nhà Trắng sẽ có cuộc họp ở Phòng Tình huống. Tham gia cuộc họp sẽ có mặt phó giám đốc tác chiến Lầu Năm Góc phụ trách Trung tâm Chỉ huy quân sự quốc gia (NMCC). Trung tâm này được gọi là "phòng chiến tranh" phụ trách chuẩn bị và truyền lệnh phóng của tổng thống.

Sau khi tổng thống phát lệnh trả đũa, "phòng chiến tranh" phải xác thực người ra lệnh tấn công đúng là tổng thống. Sĩ quan đọc mã xác thực gồm hai từ trong bảng chữ cái quân sự. Tổng thống mở cặp hạt nhân lấy thẻ chứa mật mã gồm hai từ có cùng ký tự quân sự. 

Sau đó, "phòng chiến tranh" phát lệnh phóng đến các đội phóng trên tàu ngầm, máy bay và tên lửa dưới hầm chứa. Lệnh phóng đã mã hóa khoảng 150 ký tự nêu kế hoạch tác chiến, thời gian phóng, mã xác thực và mã mở khóa tên lửa.

Các đội phóng mở két lấy mã hệ thống xác thực (SAS) so sánh với mã trong lệnh phóng. Nếu mã trùng khớp, các đội sẽ nhập số kế hoạch tác chiến trong lệnh phóng vào máy tính và sử dụng mã trong lệnh phóng mở khóa tên lửa. Vào thời điểm phóng được chỉ định, năm đội đồng thời kích hoạt chìa khóa gửi năm "phiếu" cho các tên lửa. 

Chỉ cần hai "phiếu" là đủ điều kiện phóng tên lửa. Do đó, kể cả khi ba đội phóng không thi hành lệnh thì vụ phóng vẫn không bị gián đoạn. Như vậy mất 5 phút để 400 tên lửa ICBM Minuteman dưới hầm ngầm phóng đi và mất khoảng 15 phút để tàu ngầm phóng tên lửa.

Trong trường hợp tấn công hạt nhân phủ đầu, theo hướng dẫn của Quốc hội về các ghi chú thủ tục, Mỹ không đặt ra quy trình riêng về tấn công phủ đầu do tổng thống Mỹ ra lệnh. Hai trường hợp nêu trên đều dễ phạm sai lầm. 

Theo quy trình "phóng theo cảnh báo", thời gian đưa ra quyết định quá ngắn. Đối với tấn công phủ đầu, nhiều nghị sĩ Mỹ đề nghị cần có quy trình cụ thể như quy trình "phóng theo cảnh báo" chứ không để tổng thống là người duy nhất quyết định.

Chiếc cặp hạt nhân của Nga - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Chiếc cặp hạt nhân của Nga - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Nga: 11 bước từ cảnh báo đến phóng tên lửa

Theo sắc lệnh hành pháp số 355 có tiêu đề "Những nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước của Liên bang Nga về răn đe hạt nhân" có hiệu lực ngày 2-6-2020, quyền quyết định tối cao về sử dụng vũ khí hạt nhân thuộc về tổng thống Nga. Mạng truyền hình PBS (Mỹ) ghi nhận tổng thống Nga có 10 phút để quyết định phản công hạt nhân. Quy trình gồm 11 bước:

- Bước 1 (59 giây đầu): Các vệ tinh Nga phát hiện tên lửa. Hệ thống cảnh báo sớm phân tích thông tin. Trung tâm cảnh báo sớm ở Matxcơva kiểm tra và chuyển thông tin đến trung tâm chỉ huy bộ tổng tham mưu.

- Bước 2 (từ phút thứ 1 đến 1 phút 59): Trung tâm chỉ huy kiểm tra nếu thông tin tin cậy sẽ phát cảnh báo tới ba chiếc cặp hạt nhân (tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng giữ) và trung tâm chỉ huy các lực lượng tên lửa chiến lược.

- Bước 3 (từ phút thứ 2 đến 2 phút 59): Trung tâm chỉ huy bộ tổng tham mưu mở đường dây liên lạc đặc biệt đến các vị trí tên lửa và bệ phóng di động.

- Bước 4 (từ phút thứ 3 đến 3 phút 59): Ba nhân vật mang cặp hạt nhân tham vấn qua điện thoại và liên lạc với các trung tâm cảnh báo sớm để xác nhận.

- Bước 5 (từ phút thứ 4 đến 4 phút 59): Tên lửa nằm trong tầm hoạt động của các trung tâm radar mặt đất. Các trung tâm xác nhận báo cáo của vệ tinh.

- Bước 6 (từ phút thứ 5 đến 5 phút 59): Nếu quyết định đáp trả, tổng thống chuyển mã cấp phép có trong cặp hạt nhân cho bộ tổng tham mưu, không quân, hải quân và trung tâm chỉ huy các lực lượng tên lửa chiến lược.

- Bước 7 (từ phút thứ 6 đến 6 phút 59): Trung tâm chỉ huy bộ tổng tham mưu truyền mã cho phép, kế hoạch tác chiến và mã mở khóa. 

- Bước 8 (từ phút thứ 7 đến 7 phút 59): Sĩ quan chỉ huy tại mỗi điểm phóng phải xác nhận mệnh lệnh bằng cách so sánh mã cho phép đã nhận với mã lưu tại két an toàn. 

- Bước 9 (từ phút thứ 8 đến 8 phút 59): Sĩ quan chỉ huy tại mỗi điểm phóng kích hoạt hệ thống tên lửa bằng chìa khóa an toàn và nhập mã mở khóa.

- Bước 10 (từ phút thứ 9 đến 9 phút 59): Các sĩ quan chỉ huy hoàn tất quy trình phóng cuối cùng.

- Bước 11 (từ phút thứ 9 đến 9 phút 59): Các sĩ quan chỉ huy phóng tên lửa.

Theo sắc lệnh hành pháp đã nêu, tổng thống Nga không có thẩm quyền ra lệnh tấn công hạt nhân phủ đầu. Sắc lệnh cũng không đề cập đến vấn đề tấn công hạt nhân phủ đầu trong xung đột thông thường.

Hai quy trình tấn công hạt nhân của Mỹ và Nga có 6 điểm giống nhau và khác nhau:

- Ở Mỹ và Nga, tổng thống đều là người duy nhất quyết định tấn công hạt nhân.

- Các cơ quan lập pháp ở Mỹ và Nga không có vai trò trong quy trình tấn công hạt nhân.

- Tổng thống Mỹ có quyền ra lệnh tấn công hạt nhân phủ đầu, nhưng tổng thống Nga thì không.

- Nga có ba chiếc cặp hạt nhân, còn Mỹ chỉ có một cặp hạt nhân.

- Ở Nga, ba nhân vật giữ chiếc cặp hạt nhân tham vấn với nhau, trong khi ở Mỹ, tổng thống hỏi ý kiến các cố vấn trước.

- Các lực lượng hạt nhân chiến lược ở hai quốc gia là đơn vị thực hiện lệnh phóng của tổng thống.

 - Kỳ 6: Chiến tranh hạt nhân, trốn đi đâu?

Trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân, một trong những hành động đầu tiên là đưa tổng thống cùng các quan chức cấp cao đến các địa điểm an toàn.

Ngày 13-2-2023, Đan Mạch mở cửa cho tham quan hầm ngầm hạt nhân Regan Vest. Thời Chiến tranh lạnh, hầm ngầm này cũng chỉ dành cho chính phủ và hoàng gia - Ảnh: Lars Bo AXELHOLM

Ngày 13-2-2023, Đan Mạch mở cửa cho tham quan hầm ngầm hạt nhân Regan Vest. Thời Chiến tranh lạnh, hầm ngầm này cũng chỉ dành cho chính phủ và hoàng gia - Ảnh: Lars Bo AXELHOLM


Cuối những năm 1970, chương trình hầm tránh bụi phóng xạ dừng lại vì kinh phí bị cắt.

GARRETT GRAFF

Hầm ngầm dành cho quan chức

Tổng thống và các quan chức cấp cao có nhiều lựa chọn. Muốn chỗ gần thì có hầm ngầm dưới cánh đông Nhà Trắng (trung tâm hoạt động khẩn cấp của tổng thống) được xây dựng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Lựa chọn khác là máy bay E-4B (máy bay ngày tận thế) được chế tạo trong những năm 1970. E-4B được thiết kế hiện đại giữ vai trò trung tâm chỉ huy giúp tổng thống bảo đảm liên lạc với bộ trưởng quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Trong trường hợp khẩn cấp, tổng thống và các quan chức cấp cao có thể ở lại trên máy bay đến ba ngày. 

Quân đội Mỹ có bốn siêu máy bay như E-4B. Thông thường bộ trưởng quốc phòng sử dụng máy bay trong các chuyến công du nước ngoài để duy trì thông tin liên lạc nhằm chỉ huy và kiểm soát quân đội. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn có thể sử dụng các hầm ngầm.

Trong cuốn sách Hầm ngầm: Cần gì để sống sót ngày tận thế xuất bản vào tháng 8-2021, TS Bradley Garrett (Mỹ) nhận xét một số hầm ngầm quanh Washington D.C. và nhiều nơi khác đã được xây dựng trong Chiến tranh lạnh. 

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ vẫn tiếp tục đầu tư hàng tỉ USD mỗi năm xây dựng hầm ngầm cho các quan chức. Một số hầm ngầm khác được xây dựng theo kế hoạch "Chính phủ liên tục" (COG) sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Hầm ngầm hạt nhân ngon lành và an toàn nhất nằm trong khu liên hợp quân sự núi Raven Rock (Lầu Năm Góc ngầm) ở Blue Ridge Summit thuộc bang Pennsylvania. Hầm ngầm được xây dựng đầu những năm 1950, được thiết kế để điều hành hoạt động quân sự trong trường hợp khẩn cấp về hạt nhân và hoạt động như một thành phố độc lập với nhiều tòa nhà trong núi có thể chứa tới 5.000 người đồng thời bảo đảm đầy đủ mọi thứ cần thiết.

Các nghị sĩ Mỹ có nơi trú ẩn riêng nhưng hiện nay chưa biết chính xác ở đâu. Trước đây, đó là hầm tránh bom hạt nhân bí mật dưới vỏ bọc khu nghỉ dưỡng cao cấp Greenbrier tại bang Tây Virginia. Địa điểm này đã bị báo The Washington Post tiết lộ vào năm 1992. 

Cổng A và cổng B vào khu liên hợp núi Raven Rock - Ảnh: whitehouse.gov1.info

Cổng A và cổng B vào khu liên hợp núi Raven Rock - Ảnh: whitehouse.gov1.info

Hầm nằm sâu 6m bên sườn đồi với tường cốt thép dày 0,6m. Trong hầm bố trí nhiều dãy giường tầng. Hiện nay một phần hầm ngầm đã mở cửa cho khách du lịch và phần còn lại dùng để lưu trữ tài liệu.

Trong cuốn sách "Raven Rock: Câu chuyện kế hoạch bí mật của Chính phủ Mỹ tự cứu mình - Trong khi số còn lại trong chúng ta chết" xuất bản vào tháng 5-2017, nhà báo lịch sử Garrett Graff (Mỹ) cho biết cần phân biệt hầm tránh bom và hầm tránh bụi phóng xạ. 

Hầm tránh bom được thiết kế để tránh sức nổ của vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân trong khi hầm tránh bụi phóng xạ không được thiết kế để bảo vệ con người khỏi vụ nổ hạt nhân mà chỉ nhằm tránh bụi phóng xạ.

Ông nhận xét trong Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã đầu tư lớn xây dựng cơ sở hạ tầng phòng vệ công cộng nhằm bảo vệ mạng sống người dân khi xảy ra thảm họa. Ông giải thích: "Tại các quốc gia có xu hướng thị trường tự do như Mỹ và Anh, hầm ngầm được xây dựng dành cho các nhà chính trị, giới tinh hoa, người giàu có giữ các vị trí quyền lực. Có rất ít cơ sở dành cho dân chúng".

Người dân tự tìm chỗ trú ẩn

Mô hình hầm trú ẩn dân sự Sonnenberg ở Lucerne (Thụy Sĩ) Ảnh: Didier Ruef

Mô hình hầm trú ẩn dân sự Sonnenberg ở Lucerne (Thụy Sĩ) Ảnh: Didier Ruef


Tuy không chú trọng xây hầm tránh bom cho người dân như Thụy Sĩ hoặc Liên Xô nhưng từ thời Chiến tranh lạnh Chính phủ Mỹ đã tiến hành chương trình hầm tránh bụi phóng xạ. Hàng chục ngàn địa điểm như nhà để xe, tầng hầm trụ sở công được chỉ định làm nơi tránh bụi phóng xạ. 

Tại đây có dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, trung tâm chỉ huy và hệ thống liên lạc vô tuyến. Riêng thành phố New York đã có khoảng 18.000 địa điểm như vậy. Cuối những năm 1970, chương trình dừng lại vì kinh phí bị cắt. Các địa điểm trú ẩn theo thời gian xuống cấp hoặc được sử dụng vào mục đích khác.

Trong khi đó, thị phần hầm trú tư nhân đã tăng vọt trong thập niên vừa qua ở Mỹ. Người giàu tìm mua cơ sở hạ tầng cũ thời Chiến tranh lạnh rồi cải tạo thành hầm ngầm. Đặc biệt mối quan tâm xây hầm trú ẩn ở Mỹ gia tăng từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine. 

Không có dữ liệu cụ thể nhưng theo nhà báo Garrett Graff, có hàng triệu hầm trú ẩn tư nhân như vậy nếu căn cứ quy mô của ngành xây dựng hầm trú ẩn và số liệu từ Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA). Hầu hết hầm trú tư nhân tập trung ở các bang bờ Tây, có lẽ do các bang này có lịch sử lâu đời về tự cung tự cấp và không cần nhà nước.

Không riêng gì Mỹ, mối quan tâm đến hầm trú ẩn cũng gia tăng ở Anh, đồng minh của Mỹ. Trong ngôi làng nhỏ Kelvedon Hatch ở ngoại ô Brentwood (hạt Essex) có một hầm ngầm tránh bom hạt nhân lớn nhất và sâu nhất nước Anh. Hầm ba tầng bằng bê tông sâu 38m nằm dưới ngôi nhà gỗ được xây dựng trên đất ông bà của cụ ông Mike Parrish trong những năm 1950.

Sau thời gian dùng làm nơi trú ẩn bí mật của chính quyền địa phương thời Chiến tranh lạnh, năm 1992 gia đình Parrish mua lại hầm ngầm của nhà nước và biến nơi đây thành địa điểm du lịch. Báo The Guardian (Anh) ghi nhận khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, đã có nhiều người đến hỏi thuê chỗ dưới hầm ngầm. Ông Parrish (75 tuổi) giải thích dưới hầm có nước riêng, nguồn điện riêng, nhà vệ sinh riêng và có thể chứa 600 người.

Ngoài các hầm ngầm lớn như hầm ngầm của gia đình ông Parrish, còn có các trạm quan sát dưới lòng đất dài chưa tới 5m. Hơn 1.500 trạm quan sát đã được xây dựng từ giữa những năm 1950. Trạm được thiết kế cho ba người là nơi các tình nguyện viên đo bụi phóng xạ và cảnh báo cho dân nếu xảy ra tấn công hạt nhân. Hiện nay nhiều hầm đã hư hỏng nhưng một số đã được người dân mua lại. Một hầm ngầm ở Norfolk được rao bán với giá 25.000 bảng Anh.

Phó giáo sư Luke Bennett tại Đại học Sheffield Hallam (Anh) ghi nhận Chính phủ Anh xây dựng rất ít hầm trú ẩn cho người dân trong Chiến tranh lạnh. Hiện nay, ngoài các trạm quan sát cũ, ước tính còn không quá 50 hầm ngầm thuộc sở hữu nhà nước.

Hầm trú ẩn dân sự lớn nhất thế giới

Năm 1976, Thụy Sĩ đã hoàn thành đường hầm Sonnenberg sau năm năm xây dựng. Đây là hầm trú ẩn dân sự lớn nhất thế giới có sức chứa đến 20.000 người. Hầm dài 1.550m gồm hai đường hầm (mỗi đường một hướng di chuyển) có thể chịu được sức công phá từ vụ nổ hạt nhân 1 megaton cách 1km. Cửa hầm dày 1,5m, nặng 350 tấn.

Giữa hai đường hầm là sở chỉ huy, bệnh viện, đài phát thanh, trạm điện thoại, phòng giam và hệ thống thông gió. Từ năm 1963, hiến pháp Thụy Sĩ quy định nhà nước có nghĩa vụ cung cấp chỗ trú ẩn bụi phóng xạ cho toàn bộ công dân. Hiện nay, 8,6 triệu dân Thụy Sĩ có thể tiếp cận 365.000 nơi trú ẩn đủ chỗ cho gần 9 triệu người.

Tên lửa đạn đạo phóng một đầu đạn hạt nhân 750 kiloton. Đạn phát nổ phía trên khu vực đô thị 3km, hậu quả xảy ra thế nào, cơ hội sống sót nào tốt nhất?

- Kỳ cuối: Có thể sống sót sau vụ nổ hạt nhân?

Trung tuần tháng 7-2022, chính quyền thành phố New York (Mỹ) đã công bố một đoạn băng video dài 90 giây hướng dẫn người dân những việc cần làm trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân.

Hầm trú ẩn phải có hệ thống lọc không khí để tránh bụi phóng xạ - Ảnh: SIPA

Hầm trú ẩn phải có hệ thống lọc không khí để tránh bụi phóng xạ - Ảnh: SIPA

Thị trưởng Eric Adams giải thích băng video hướng dẫn người dân những việc cần làm trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân là bước chủ động bảo vệ an toàn công cộng để đối phó với môi trường an ninh toàn cầu thay đổi sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ.

Đừng nghĩ có thể chui vào tủ lạnh ẩn náu vì gió sẽ hất tung tủ lạnh nát như tương.

Giáo sư DIMITRIS DRIKAKIS

Luồng gió mạnh vũ khí hạt nhân nguy hiểm chết người

Chiến sự đã thổi bùng nỗi sợ hãi về vũ khí hạt nhân vốn đã lắng xuống từ sau Chiến tranh lạnh. Song giáo sư Dimitris Drikakis - nhà nghiên cứu động lực học chất lỏng tại Đại học Nicosia (Cyprus) - nhận thấy mọi người biết rất ít về tác động của vụ nổ hạt nhân đối với người ở trong nhà cách vụ nổ vài km (vùng thiệt hại trung bình), khoảng cách đủ xa để các tòa nhà không bị phá hủy. Chính vì vậy ông cùng đồng nghiệp Ioannis Kokkinakis đã nghiên cứu chủ đề này.

Tình huống giả định như sau: tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá 750 kiloton được phóng đi và phát nổ cách mặt đất 3km trên khu vực đô thị. Hai nhà nghiên cứu đã mô phỏng vụ nổ hạt nhân trên máy tính để giải đáp câu hỏi vụ nổ xảy ra như thế nào, cách sóng xung kích đi qua các tòa nhà gồm phòng, tường, góc, cửa ra vào, hành lang, cửa sổ và cửa ra vào. Nhà phải ở vùng thiệt hại trung bình, tức cách xa vụ nổ từ 4-50km.

Khi vụ nổ xảy ra, chỉ trong chớp nhoáng đầu đạn hạt nhân không chỉ giải phóng bức xạ dưới dạng ánh sáng chói lòa và sức nóng thiêu đốt mà còn tạo ra các luồng sóng xung kích mạnh có thể truyền đi nhiều km. Mức hủy diệt phụ thuộc vào quy mô vụ nổ nhỏ hay lớn, khoảng cách xảy ra vụ nổ gần hay xa. Chưa kể bụi phóng xạ sẽ có hậu quả kéo dài nhiều năm.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Physics of Fluids của Viện Vật lý Mỹ vào trung tuần tháng 1-2023 ghi nhận một đầu đạn 750 kiloton có thể phá hủy mọi thứ trong bán kính 4km nhưng những người ở ngoài bán kính đó vẫn có cơ hội sống sót nếu trú ẩn đúng chỗ trong một cấu trúc kiên cố.

Họ có từ 5-10 giây sau ánh chớp sáng ban đầu để tìm nơi an toàn. Nếu họ ở trong một cấu trúc bê tông dày có ít cửa nẻo như ngân hàng hoặc tàu điện ngầm, họ có thể tận dụng thời gian giới hạn này để chạy đến nơi an toàn.

Những nơi nguy hiểm nhất trong nhà cần tránh là cửa sổ, hành lang và cửa ra vào vì chúng hoạt động như đường hầm gió đẩy nhanh sóng xung kích.

Do đó, nơi tốt nhất là phân nửa xa nhất của tòa nhà trong căn phòng không cửa sổ. Không gian kín có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi lẽ các luồng gió mạnh phát sinh nguy hiểm chết người hơn chính vụ nổ. Chúng có thể quăng quật bất kỳ ai vào tường ở tốc độ cao, đặc biệt với người gần cửa ra vào, gần cửa sổ, trong hành lang hoặc lối ra vào.

TS vật lý hạt nhân Ferenc Dalnoki-Veress tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey (Mỹ) giải thích nếu có nhiều tòa nhà chắn giữa ngôi nhà bạn đang có mặt và sóng xung kích của vụ nổ thì lực và vận tốc của luồng gió sẽ giảm và cơ hội sống sót cao hơn.

TS Dylan Spaulding thuộc Liên minh Các nhà khoa học quan tâm (Mỹ) nhận xét không nên hiểu nghiên cứu nêu trên là cách thức bảo đảm an toàn trong vụ nổ hạt nhân vì ngoài sóng nổ, vũ khí hạt nhân còn phóng thích ra ngoài bức xạ ion hóa và nhiệt còn có bụi phóng xạ.

Phơi nhiễm phóng xạ qua da hoặc hít phải sẽ gây tác hại nhiều đến sức khỏe như bỏng da, tổn thương nội tạng và ung thư. Phạm vi tiếp xúc với bức xạ có thể rộng hàng chục km.

Ông ghi nhận nghiên cứu của giáo sư Drikakis chỉ liên quan đến tên lửa đạn đạo liên lục địa nhưng nguy cơ còn có thể đến từ bom hạt nhân chiến thuật (vũ khí hạt nhân phi chiến lược) được ném từ máy bay vì bom mang tính hủy diệt không kém.

Có thể sống sót nếu ở trong tòa nhà kiên cố cách xa vụ nổ từ 4-50km tùy loại bom hạt nhân - Ảnh: Newsweek

Có thể sống sót nếu ở trong tòa nhà kiên cố cách xa vụ nổ từ 4-50km tùy loại bom hạt nhân - Ảnh: Newsweek

Ở trong nhà kín, đừng dùng dầu gội

Cách đây năm năm, vào 8h10 sáng ngày cuối tuần 13-1-2018, nhà báo Melinda Sacks của tạp chí Stanford Magazine (Mỹ) đang tận hưởng kỳ nghỉ trong ngôi nhà thuê homestay ven biển Honolulu (bang Hawaii). Điện thoại reo.

Cô đọc tin nhắn: "Nguy cơ tên lửa đạn đạo đang đe dọa Hawaii. Tìm chỗ ẩn náu ngay. Đây không phải diễn tập". Melinda xóa tin nhắn vì cứ tưởng tin nhắn rác. Song chồng và hai con cũng nhận được tin nhắn tương tự. Ông chủ nhà thông báo tin nhắn là thật rồi bảo gia đình cô kéo rèm và trú ẩn tại chỗ.

38 phút sau tin nhắn ban đầu, họ nhận được tin nhắn thứ hai: "Không có đe dọa hoặc nguy cơ tên lửa nào đối với bang Hawaii. Lặp lại. Báo động nhầm".

Nhiều câu chuyện cười ra nước mắt như ai cũng cố chạy về nhà nên giao thông hỗn loạn, nhân viên khách sạn không hề biết chỗ ẩn náu ở đâu, người lớn mở nắp hố ga đưa trẻ em xuống. Melinda chua chát tự hỏi: "Điều rõ ràng sau báo động nhầm kinh hoàng sáng nay là chúng ta không chuẩn bị gì hết. Thật ra có cách nào chuẩn bị cho ngày tận thế hay không?".

TS Irwin Redlener - chuyên gia về chuẩn bị thảm họa (Mỹ) - nhận xét nếu người dân có chuẩn bị sẵn sàng, họ có thể sống sót trong trường hợp xảy ra vụ nổ hạt nhân thực sự. Khi nhận được cảnh báo sớm về vụ tấn công hạt nhân và đủ thời gian báo động, Chính phủ Mỹ sẽ phát cảnh báo tương tự câu chuyện ở Hawaii nêu trên.

Ngay sau khi nhận được cảnh báo, người dân nên tìm nơi trú ẩn trong tòa nhà kiên cố bằng bê tông và đừng nhìn về hướng vụ nổ. Nếu bị mắc kẹt ở xa nhà, cố tìm nơi trú ẩn trong tòa nhà gần nhất thay vì lái xe về nhà để tránh phơi nhiễm phóng xạ.

Sau khi vào trong nhà, nên tránh xa cửa sổ và xuống tầng hầm nếu có hoặc ẩn náu sau cầu thang vì đây là chỗ chắc chắn nhất trong nhà. Một khi đã ở trong nhà an toàn thì đừng ra ngoài cho đến khi cơ quan chức năng thông báo có thể ra ngoài an toàn và hướng dẫn hướng di chuyển.

Sau vụ nổ hạt nhân sẽ có 15 phút trước khi các hạt phóng xạ bắt đầu rơi xuống. TS Redlener khuyến cáo trong 15 phút này "bạn không thể làm gì ngoài việc đừng để bản thân bị bỏng nặng hoặc chấn thương do phóng xạ".

Nên cởi bỏ lớp quần áo bên ngoài có thể dính bụi phóng xạ và cho vào túi. Tắm, gội đầu và cơ thể thật kỹ để hạn chế tiếp xúc với bụi phóng xạ nhưng không dùng dầu gội vì có thể làm bụi phóng xạ dính vào tóc. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Nếu có vật nuôi nên nhốt chúng trong nhà.

Nhà báo Garrett Graff (Mỹ) hướng dẫn cách tốt nhất là ở trong hầm trú ẩn 14 ngày đến khi phóng xạ giảm xuống mức tương đối an toàn.

Điều đáng lo là nhiều hầm trú ẩn không được thiết kế đặc biệt để tránh bụi phóng xạ như không có bộ lọc không khí. Do đó, ông cho rằng nếu sống trong khu chung cư với hệ thống lọc không khí khá tốt, cách tốt nhất là ở trong nhà, miễn là... nhà nằm ngoài bán kính vụ nổ.

Tuy nhiên, dù gì đi nữa, chiến tranh hạt nhân vẫn là điều không và không bao giờ để xảy ra.

Theo trang web Ready.gov (trang web chuẩn bị ứng phó thảm họa do Bộ An ninh nội địa Mỹ thành lập), đài phát thanh chạy bằng pin hoặc quay tay là lựa chọn tốt nhất vì vẫn hoạt động được sau vụ nổ hạt nhân.

Thực phẩm phải được niêm phong. Nước phải là nước đóng chai. Thuốc men phải được gói kín. Chỉ có thể uống nước vòi nếu không còn lựa chọn nào khác.