Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ KHOAN & KHÔNG GIAN ĐÓNG GÓP CHO CÁC NHÀ KỸ TRỊ

 Truong Huy San

Cho dù rất kính trọng Phó thủ tướng Vũ Khoan, trong bài viết này, tôi không nói về tài đức của cá nhân ông mà xin nói về trường hợp của ông như một điển hình về công tác cán bộ.

Theo ông Phan Văn Khải, khi thăm dò ý kiến chuẩn bị nhân sự cho Đại hội X, các ban ngành đánh giá ông Vũ Khoan cao hơn Nguyễn Tấn Dũng. Một trong những “ban, ngành” nhiệt tình ủng hộ ông Vũ Khoan là Ban Nghiên cứu của thủ tướng.
Ông Khải thừa nhận, ông cảm tình với ông Vũ Khoan hơn, tuy nhiên, phần vì Vũ Khoan bị coi là thiếu thực tế trong nước, phần vì ông đã lớn tuổi - Vũ Khoan sinh năm 1937, cùng năm sinh với các ông Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An - nên việc giới thiệu ông là gần như không thể.
Nhưng, chủ yếu, theo ông Khải, “Tương quan lực lượng không cho phép”. Đây là một điều đáng tiếc vì 2006 là thời điểm Việt Nam hội nhập gần như hoàn toàn. Nếu đứng đầu chính phủ là một nhà kỹ trị, am hiểu quốc tế thì vị thế Việt Nam sẽ khác.
Trong “Thư Gửi Mẹ & Quốc Hội”, ông Bảy Trấn [Nguyễn Văn Trấn, Chính ủy Khu IX trong Chiến tranh chống Pháp] viết [đại ý], Khi chọn người thay Trường Chinh, Lê Đức Thọ “hỏi Bác”, “Nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn tới có phải là giải phóng miền Nam?” “Bác” gật đầu. Lê Đức Thọ nói tiếp, “Muốn giải phóng miền Nam thì có ai hiểu miền Nam hơn anh Ba?”
Nếu vì lợi ích của đất nước chứ không phải vì “tương quan lực lượng”, yếu tố quyết định trong chính trị, theo “nguyên lý” mà Lê Đức Thọ nói với “Bác” ở trên, thì thủ tướng của 2006 phải là một người như ông Vũ Khoan chứ không phải là Nguyễn Tấn Dũng.
Tôi sẽ nói về Nguyễn Tấn Dũng trong phần sau. Công tác cán bộ đã có vấn đề với “trường hợp Vũ Khoan” từ trước đó.
Tháng 2-2000, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bị “luân chuyển” về làm bí thư Nghệ An. Trong tiệc tiễn do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ông Tuyển đọc thơ nói rằng, việc ra đi của ông đơn giản vì (Tổng Bí thư) cần “chỗ trống”. Chỗ trống để đưa Thứ trưởng kỳ cựu Vũ Khoan rời Bộ Ngoại giao, tạo “chỗ trống” cho ông Nguyễn Dy Niên lên bộ trưởng.
Bộ Ngoại giao bắt đầu có vấn đề từ đây và "công tác cán bộ" bắt đầu có “màu sắc thị trường” khi PTT Phạm Gia Khiêm đưa Nguyễn Thanh Sơn lên làm trợ lý bộ trưởng kiêm vụ trưởng Tổ chức cán bộ.
Không chỉ vì tương quan lực lượng, PTT Vũ Khoan chỉ mới là bí thư Trung ương Đảng, trong khi, ứng cử viên Tứ Trụ thường phải trải qua ít nhất một nhiệm kỳ ủy viên Bộ chính trị. Nguyên tắc này gần như được áp dụng cho Bộ Tam các cấp. Trừ một trường hợp ở địa phương [mà tôi biết] là vào năm 2005, Ông Trần Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn khi chưa từng ở trong thường vụ [Nếu nguyên tắc này vẫn bị áp dụng cứng nhắc ở Hà Tĩnh, thì ngày nay ta không có ủy viên BCT Trần Cẩm Tú].
Thay vì đưa một nhà kỹ trị đứng đầu chính phủ trong thời kỳ hội nhập, “tương quan lực lượng” đã đặt vào vị trí ấy một con người ít học và nhiều thủ đoạn.
Trong một cuộc họp “duyệt phương án nhân sự” cho tỉnh Kiên Giang [trước Đại hội VII] tại T78, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã quyết định chọn Nguyễn Tấn Dũng thay cho ông Lâm Kiên Trì, một người bạn chiến đấu lâu năm của ông Võ Văn Kiệt.
Sau chuyến thăm Kiên Giang bằng trực thăng vào tháng 5-1993, Lê Đức Anh, người được giao nắm an ninh, quốc phòng, đã chọn Nguyễn Tấn Dũng thay thế tướng Võ Viết Thanh [Tướng Thanh không chịu điều tra “vụ Sáu Sứ” theo hướng buộc Tướng Giáp, Tướng Trà vào một âm mưu tiếm quyền trước Đại hội lần thứ VII].
Năm 2010, sau khi đau đớn nhìn Nguyễn Tấn Dũng phá tan hoang di sản của mình, Thủ tướng Phan Văn Khải nói với chúng tôi [tôi và ông Nguyễn Văn Kích, một người giúp việc thân tín của ông Khải], “Sai lầm của tao là khi thấy Nguyễn Tấn Dũng không biết gì, tao đã choàng gánh làm lấy vì sợ mất uy tín Chính phủ. Lẽ ra phải để nó làm hỏng việc thì mấy ông già [chỉ “tam nhân” Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt] mới biết để thôi ủng hộ nó”.
Trong nhóm “tam nhân”, ông Kiệt thích Ba Dũng vì trẻ và quyết đoán. Ông Mười thích vì yếu tố “con liệt sĩ”. Tướng Lê Đức Anh thích vì đây là người có thể “nắm” để duy trì ảnh hưởng cá nhân. Trước khi trở thành thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng là một con người hoàn toàn khác, rất nhã nhặn với cấp dưới, dân dã với em út; còn với các bậc cha chú thì một điều dạ, hai điều vâng, lúc nào cũng xưng “con”, “thưa chú”.
Chỉ khi Nguyễn Tấn Dũng trở thành thủ tướng ông Võ Văn Kiệt mới thấy mình đã ủng hộ sai người.
Thời ông Phan Văn Khải, trước khi chính phủ ban hành bất cứ văn bản nào, thủ tướng cũng đều chuyển cho Ban Nghiên cứu xem trước. Các văn bản hay bị Ban Nghiên cứu có ý kiến lại thường được đưa lên từ Văn phòng Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng không phải là nạn nhân đầu tiên.
Trước Đại hội X, Ban chuyên án “PMU18” đã dùng báo chí đánh rớt hai ứng cử viên sáng giá vào Trung ương [thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến và tướng Cao Ngọc Oánh], tướng Quắc chắc sẽ không bao giờ quên mối hận, liên quan đến con người hai mặt Nguyễn Tấn Dũng, này.
Cũng trước Đại hội X thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt bị dồn đến mức hết sức căng thẳng, khiến cho Ban lãnh đạo Bộ hết sức lo lắng... Thủ tướng Phan Văn Khải biết chuyện, dặn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc “phải hóa giải” từ Nguyễn Tấn Dũng vì cái gốc của vấn đề không phải là ông Bích Đạt mà là cái ghế của ông Phúc. Ông Võ Hồng Phúc liền nói thẳng với ông Dũng rằng, “Tôi không phải người của anh Khải, Đảng phân công tôi làm bộ trưởng thì tôi làm, nếu anh không muốn tôi làm nữa thì tôi nghỉ chứ anh em không có tội gì.
Ngay sau cuộc gặp này, ông Nguyễn Bích Đạt thôi bị đánh.
Năm 2007, sau khi tiếp Thống đốc Lê Đức Thúy tại 16 Tú Xương giải trình về vụ “tiền polimer”, ông Kiệt nói với chúng tôi, “Cậu này hơn chúng nó một cái đầu, nếu cứ thẳng băng thế sẽ không trụ được”. Tiền polimer dùng tốt cho tới tận bây giờ, trong khi tác giả của nó thì bị đánh tơi bời, phải rời chính trường ngay sau đó. Và, các chính sách ngân hàng tín dụng theo hướng kinh tế thị trường của ông bắt đầu bị sửa đổi.
Khi nhìn lại thời kỳ này, một “ông anh”, “đồng minh” của Nguyễn Tấn Dũng đúc kết, “Chính trị chỉ có mục đích chứ chính trị không có đạo đức”.
Làm sao mà những trí thức, những “ông đồ nho” như Vũ Khoan, Trần Xuân Giá, Võ Hồng Phúc, Lê Đức Thúy… có thể có đủ thủ đoạn để thắng được những người như Nguyễn Tấn Dũng.
Khi ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt nhận xét, “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Hôm sau, ông Phan Văn Khải thừa nhận, “Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Chế độ đã chính trị hóa tất cả các mặt trong đời sống xã hội của đất nước. Hệ thống đã chính trị hóa mọi chức danh.
Đành rằng, “chính trị chỉ có mục đích”, nhưng làm sao để có một nền chính trị mà muốn đạt được mục đích không thể làm những việc phi đạo đức. Đành rằng, “chính trị là thủ đoạn”, nhưng làm sao để có một nền chính trị mà trong khi các nhà chính trị sát phạt nhau, các nhà kỹ trị như Vũ Khoan, Lê Đức Thúy… vẫn có không gian cống hiến.




Chắc không bao giờ có một thế hệ như thế nữa


Nhân ngày lễ tang cố Phó thủ tướng Vũ Khoan

Nguyễn Quang Dy

Tin buồn anh Vũ Khoan qua đời tuy không đột ngột vì tuổi cao bệnh nặng, nhưng vẫn làm nhiều người hụt hẫng như mất một điểm tựa. Quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” tuy không chừa một ai, nhưng vẫn làm nhiều người thương tiếc khi mất một người thân. Đó là “thế hệ vàng” đang lần lượt ra đi. Chắc không bao giờ có một thế hệ như thế nữa.

***

Đó là thế hệ của những người “làm cách mạng” để góp phần dựng nước sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chứ không phải “theo cách mạng” để mưu cầu lợi ích cho mình. Đa số họ không tham gia các nhóm lợi ích trong giai đoạn quá độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường, và cũng không dính tham nhũng vì không chịu đánh đổi nhân cách để làm giàu.

Đó không chỉ là đặc điểm của một thế hệ, mà còn là nhân cách của mỗi con người. Đó không chỉ là hệ quả của một giai đoạn lịch sử, mà còn là sản phẩm của mỗi gia đình. Trong bối cảnh kinh tế thị trường “định hướng XHCN”, với những hiện tượng biến dạng khó nhận diện là XHCN hay TBCN, những người như Vũ Khoan trở thành “quý hiếm”.

Đó là sự khác biệt của thế hệ “người Việt cũ” với những “người Việt mới” mà Lê Kiên Thành (con trai ông Lê Duẩn) đã đề cập trong một bài viết. Tuy sự phân hóa giữa các thế hệ trong giai đoạn quá độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường là quy luật tất yếu, nhưng sự tha hóa của những “người Việt mới” vì lợi ích nhóm là một bi kịch của quốc gia.

Khi chúng tôi bước vào đời và vào ngành thì những người đàn anh đi trước như Lê Mai, Trần Quang Cơ, Vũ Khoan… là điểm tựa về tinh thần để chúng tôi học hỏi và làm việc. Có lẽ sự khác biệt duy nhất do thời cuộc xoay vần là hầu hết thế hệ các anh được đào tạo tại các nước XHCN, còn đa số thế hệ chúng tôi được đào tạo tại các nước TBCN.

Thế hệ các anh và thế hệ chúng tôi chỉ cách nhau khoảng một thập kỷ nên có nhiều điểm chung: Lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ; Được đào tạo chính quy dù dưới mái trường XHCN hay TBCN; Tuy trải nghiệm thời kỳ quá độ để chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, nhưng chưa bị “diễn biến”.

***

Tôi có nhiều dịp được làm việc với anh Vũ Khoan và rất ấn tượng bởi trí nhớ “tuyến tính” chuẩn xác của anh, và khi trình bày một vấn đề gì thường có trình tự và hệ thống. Nếu đang trình bày mà có ai cắt ngang, anh thường khó chịu. Vì vậy, mỗi khi gặp báo chí, chúng tôi thường dặn trước các nhà báo nên chờ anh trình bày xong mới đặt câu hỏi.

Có lần tham gia một hội nghị quốc tế, chúng tôi làm việc căng thẳng đến trưa ăn xong tranh thủ nghỉ một chút để chiều làm tiếp. Nhưng vừa nằm xuống chưa kịp nghỉ thì anh Vũ Khoan gọi điện bảo sang phòng anh ngay vì vừa nghĩ ra mấy ý mới cần trao đổi để viết lại, nếu chờ đến chiều sợ không kịp. Đó là một cỗ máy làm việc chuyên nghiệp.

Lần khác, trong một cuộc họp với các cơ quan trong nước do anh Vũ Khoan chủ trì (với cương vị Phó thủ tướng), khi một vị bắt đầu phát biểu với một loạt thưa gửi dài dòng theo thói quen, anh Vũ Khoan sốt ruột cắt ngang: “đây là họp làm việc nội bộ, nếu đ/c có gì trình bày thì nói ngay, đừng thưa gửi dài dòng làm mất thời gian của người khác”.

Có người ví anh Vũ Khoan như “xe cứu hỏa”. Điều đó đúng: chỗ nào khó là có Vũ Khoan. Một số người cho rằng lẽ ra anh Vũ Khoan phải làm Thủ tướng. Điều đó chỉ đúng một nửa: Việt Nam rất cần các nhà kỹ trị lãnh đạo, nhưng với thể chế hiện nay, họ rất khó làm Thủ tướng (như ông Phan Văn Khải) và không thể làm TBT (ông Võ Văn Kiệt).

***

Khi gặp nhau tại giỗ đầu anh Trần Quang Cơ, anh Vũ Khoan hỏi: “sao bây giờ cậu viết nhiều và hay thế mà trước đây không chịu viết?”. Tôi biết đó không chỉ là lời khen thân tình, mà còn có ý nhắc nhở về trách nhiệm. Trong các lý do “tại sao tôi viết”, có lời hứa ngầm với các đàn anh và đồng nghiệp đã ra đi như anh Lê Mai và anh Phạm Xuân Ẩn.

Có lần anh Vũ Khoan gọi điện cho tôi nói đang soạn một bài diễn văn quan trọng cho lãnh đạo, cần sử dụng một số ý và tư liệu trong bài viết của tôi, và nhờ tôi tìm giúp anh một số tư liệu khác có liên quan. Đó là một con người thận trọng và chu đáo. Được làm việc với những người vừa có trí tuệ vừa có trách nhiệm là một cơ hội tốt để học hỏi.

Tôi thường gửi các bài viết cho anh Vũ Khoan, Vũ Quốc Hùng, Vũ Ngọc Hoàng. Đó là “ba ngự lâm pháo thủ” tuy làm ba lĩnh vực khác nhau nhưng đều có trí tuệ và nhân cách đáng quý. Nay anh Hùng và anh Khoan đã về cõi vĩnh hằng. Người ta thường nói “ra đi là giải thoát”. Nhưng chắc anh Vũ Khoan ra đi mà tâm vẫn còn nặng trĩu vì đất nước.

Cách đây không lâu, anh Vũ Khoan đã viết và đăng một bài khá dài trên Tạp chí Cộng sản (Một thời đại mới đang dần hình thành? Vũ Khoan, TCCS, 20/1/2022). Tôi đã ví bài viết đó như “tiếng hát cuối cùng của con thiên nga” trước khi ra đi, nhưng tâm còn nặng trĩu vì đất nước đang bề bộn và ngổn ngang với những thách thức mới khó lường.

***

Theo quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”, cái gì phải đến sẽ đến, và “cái còn lại là cái vô hình” như “sắc sắc, không không”. Bài viết này là một nén tâm hương để chia tay với anh Vũ Khoan, một đàn anh và đồng nghiệp kính mến nhân ngày tang lễ. Xin chia buồn với chị Thể Lan và gia đình cùng các thân hữu về mất mát lớn này. Nam Mô A Di Đa Phật!

N.Q.D.

27/06/2023