Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

'Chú Vũ Khoan' / Đọc bài viết của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Bạch Ngọc Chiến

Doanh nhân

“Chú Vũ Khoan” là cách gọi thân mật mà lãnh đạo và nhân viên Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao dành cho chú, lúc tôi mới vào Vụ năm 1997.

Lúc đó, chú Vũ Khoan là Thứ trưởng phụ trách Vụ, tôi may mắn được làm nhân viên dưới quyền ông. Mỗi lần có tờ trình của Vụ gửi chú duyệt là một lần chúng tôi háo hức chờ xem chú sẽ sửa như thế nào để học hỏi. Chú chỉ sửa vài chữ là có thể thay đổi hoặc làm sáng tỏ một vấn đề phức tạp. Dự các cuộc họp do chú chủ trì cũng là một dịp may vì chú luôn ngắn gọn, sắc sảo, rành mạch, không rườm rà, không tầm chương, trích cú. Cách nói "một là, hai là, ba là" có lẽ xuất phát từ phong cách chỉ đạo hội nghị của chú.

Như rất nhiều người cùng thế hệ, tôi kính trọng chú Vũ Khoan không chỉ vì năng lực tự học, tự thích ứng và quyết đoán mà còn vì tính trách nhiệm của chú với công việc và tính cách thẳng thắn, bộc trực. Một lần, mở đầu phát biểu tại một Hội nghị Thông tin Đối ngoại, chú nói: "Tôi sẽ kiện Ban Tổ chức vi phạm bản quyền vì báo cáo năm nay giống y báo cáo năm trước".

Nhiều năm trước, trong cuộc họp của Ban Bí thư với Thường vụ tỉnh uỷ Hà Tây, chú (là người sinh ra ở Hà Tây) nói: "Chưa có tỉnh nào có nhiều điều kiện thuận lợi như Hà Tây. Sát nách Thủ đô, có đồng bằng, có đồi núi, có nông nghiệp, có công nghiệp, có du lịch, có thương mại. Là tỉnh duy nhất có Chủ tịch UBND tỉnh nói được tiếng Anh. Thế mà làm ăn bết bát, năm nào cũng phải xin cấp ngân sách từ Trung ương".

Chú Vũ Khoan học tiếng Nga từ nhỏ và từng là phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước những năm 1960. Đến khi chủ trì các hội nghị cao cấp Á-Âu tại Hà Nội, chú lại có thể nói tiếng Anh chuẩn xác, nhất là các thuật ngữ chuyên ngành về thương mại, đầu tư quốc tế. Tất cả là nhờ tự học. Từ đầu những năm 1990, chú đã học tiếng Anh thông qua đọc tạp chí Newsweek và The Economist (chủ yếu do Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan gửi về) và đọc sách kinh tế học của Paul Sammuelson. Là người được đào tạo tại Liên Xô và trưởng thành trong nền kinh tế XHCN, chú nắm bắt nhanh chóng các nguyên tắc thị trường và là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ gia nhập WTO, mở cửa thị trường, áp dụng các nguyên lý kinh tế thị trường.

Tôi được nghe chú kể lại, là sau một lần tranh luận với các đồng liêu về việc có gia nhập WTO hay không, chú nói: "Nếu không gia nhập WTO thì chúng ta lại lên rừng kháng chiến tiếp".

Thời gian chú làm Bộ trưởng Thương mại và Phó Thủ tướng trùng với các mốc lớn về quan hệ ngoại giao và thương mại quốc tế của Việt Nam như đàm phán Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, gia nhập WTO, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ. May mắn cho đất nước là lãnh đạo cao cấp thời kỳ đó đã chọn chú, một người "góc cạnh" giữ những trọng trách đối ngoại và hội nhập kinh tế.

Nhiều người kỳ vọng Phó Thủ tướng Vũ Khoan kế nhiệm Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhưng hệ thống chính trị nào cũng có những nguyên tắc vận hành riêng. Chú Khoan đã xuất hiện đúng lúc để giải quyết đúng việc và biết ra đi đúng thời điểm. Khi đang ở đỉnh quyền lực, uy tín, trọng vọng và kỳ vọng, chú xin nghỉ hưu.

Sau khi nghỉ hưu, chú tiếp tục đi giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên ngoại giao, cán bộ trẻ và bồi dưỡng cán bộ cao cấp. Ở đâu chú cũng được chào đón nồng nhiệt. Ở đâu chú cũng truyền đến năng lượng tích cực và nguồn cảm hứng lớn lao.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã có một cuộc sống và sự nghiệp trọn vẹn. Chú là một trong số lãnh đạo "nói được và làm được", được yêu mến lúc còn đương chức, khi đã về hưu và sẽ được nhớ đến sau khi đã mất.

Chú từng chia sẻ: "Có người hỏi tôi rằng, khi về nghỉ hưu, ông hối tiếc điều gì nhất. Tôi nghĩ điều hối tiếc nhất là có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn... Tôi luôn tâm niệm: Có thể không biết cách lên, nhưng nhất định phải biết cách xuống đúng lúc và đúng cách".

Điều quan trọng tôi nhận ra từ cuộc đời và quá trình làm việc với chú Vũ Khoan, là một đất nước muốn phát triển mạnh mẽ không chỉ trông chờ vào một số cá nhân xuất sắc mà cần một hệ thống có thể tạo ra người xuất sắc và trọng dụng được họ.

Bạch Ngọc Chiến

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từ trần ở tuổi 86. Cuộc đời hoạt động của ông trải qua nhiều cương vị, nhưng gắn bó nhiều nhất với ngành Ngoại giao.

Từ cuối năm 1954, ông được cử sang Liên Xô học tiếng Nga, học 9 tháng thì được điều ra Đại sứ quán làm phiên dịch. Đến năm 1956, ông tham gia vào ngành Ngoại giao, khởi đầu từ vị trí phiên dịch và sau đó lần lượt đảm nhiệm các vị trí công tác quan trọng trong ngành.

Đầu năm 2000, khi đang giữ chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao thì ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, sau đó đảm nhiệm cương vị Phó thủ tướng Chính phủ (phụ trách nhiều lĩnh vực bao gồm công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước). Như vậy nếu tính từ năm 1956 đến năm 2000 thì ông Vũ Khoan đã công tác liên tục trong ngành Ngoại giao 46 năm.

Rất nhiều cán bộ ngoại giao qua các thế hệ đã bày tỏ cảm xúc, viết về ông với sự trân trọng, cảm phục cao nhất và những tình cảm chân thành nhất: Một cây đại thụ, một cán bộ lãnh đạo xuất chúng, một người thực sự đã cống hiến cả cuộc đời mình cho ngành Ngoại giao nói riêng và cho sự phát triển của đất nước nói chung.

Tờ séc 5.000 USD của ông Vũ Khoan - 1

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (Ảnh: Nguyễn Khánh)

Đại sứ Nguyễn Đức Hùng - một nhà ngoại giao kỳ cựu, đã chia sẻ rằng: "Cuộc đời và sự nghiệp của nhà ngoại giao tài ba Vũ Khoan đã giúp "mở mắt" cho các thế hệ cán bộ trong ngành những bài học vô giá về phẩm chất ngoại giao cần phải có, về sự nỗ lực tự học suốt đời và hơn hết là về phẩm giá trong sáng của một con người".

"Ông thường nhắc chúng tôi muốn nắm được những vấn đề cốt tủy và sự vận động của các mối quan hệ quốc tế cần trước hết phải hiểu được các nước lớn. Hiểu được một nước lớn đã khó, hiểu được các nước lớn thì quả là một bài toán cực khó. Song ông đã là một tấm gương không mệt mỏi chinh phục được những thách thức tự đặt ra cho mình.

Ông là con người của trao đổi luận bàn để tìm ra lẽ phải, tìm ra chân lý. Với tư duy sắc sảo, ông thường kiến giải những vấn đề khô khan, phức tạp một cách giản dị dễ hiểu và có sức thuyết phục…" - những nhận xét này của Đại sứ Nguyễn Đức Hùng đã nói thay suy nghĩ của tôi và chắc là cũng của rất nhiều cán bộ Ngoại giao khác có may mắn làm việc cùng ông Vũ Khoan.

46 năm công tác trong ngành Ngoại giao và sau này là lãnh đạo Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Khoan đã có đóng góp rất lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước; đặc biệt là trực tiếp tham gia vào việc phá thế bao vây cấm vận cho đất nước những năm 80 thế kỷ trước, rồi bình thường hóa quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ và sự nghiệp hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Ngay cả khi ông đã nghỉ hưu, ông vẫn tích cực đóng góp vào việc xây dựng chiến lược đối ngoại Việt Nam thời kỳ mới, và vào việc đào tạo cán bộ làm công tác đối ngoại không chỉ cho Bộ Ngoại giao mà cho các bộ Quốc phòng, Công an và các bộ ngành, địa phương trong cả nước.

Với cá nhân tôi, tôi luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi được ông chọn làm thư ký riêng trong vài năm sau khi tôi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc và về nước.

Là thư ký, giúp việc cho ông chẳng biết được bao nhiêu, nhưng học được ở ông thì rất nhiều, từ tư duy, phương pháp nghiên cứu, cách xử lý tình huống, cách trình bày vấn đề, viết bài …, và quan trọng hơn nữa là nhân cách sống đàng hoàng, chính trực.

Ông đọc rất nhiều và rất nhanh. Nhiều anh chị cán bộ ngoại giao đi làm Đại sứ ở các nước biết sở thích đọc và nghiên cứu của ông nên thấy cuốn sách hay nào lại đặt mua gửi về biếu ông. Được một cuốn sách hay, ông mừng lắm.

Có lần đi công tác nước ngoài về, ông gọi tôi vào phòng đưa cho tôi một cái séc trắng trị giá 5.000 USD do một tổ chức nước ngoài trả thù lao cho ông, nhưng họ "tế nhị" để trống tên người nhận. 5000 USD vào thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ trước là số tiền lớn, khi lương của ông lúc đó chắc cũng chỉ loanh quanh 100 USD/tháng. Ông dặn: "Cháu chuyển cái séc này cho Vụ Quản trị tài vụ để sung công quỹ nhé". Cẩn thận, tôi hỏi lại: "Thưa chú, sung công quỹ toàn bộ số tiền này ạ". Ông nói luôn: "Đúng rồi, số tiền lớn thế cơ mà"!

Tôi thích nhất là những tấm ảnh mà người bạn đời của ông, cô Hồ Thể Lan chụp lén, những lúc ông đang miệt mài trên bàn làm việc, các ngón tay mổ cò trên chiếc máy tính, đầu tóc bạc phơ, sức khỏe đã kém đi rất nhiều nhưng vẫn chẳng chịu nghỉ ngơi.

Có lần tôi thắc mắc với ông: "Thế chú nghỉ lúc nào?". Ông đáp: "Lúc viết chính là lúc tớ đang nghỉ ngơi". Thật là chẳng giống ai!

Xin vĩnh biệt người Thủ trưởng đáng kính của tôi và của ngành Ngoại giao Việt nam trong nhiều thập kỷ qua.

Tác giả: Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (2011 - 2014), tại Nhật Bản (2015-2018).

Đọc bài viết của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Người tài

Vũ Khoan

Vũ Khoan

Nguyên Phó thủ tướng

Tôi không phải người tài nhưng được người tài sử dụng. Là phiên dịch, tôi được tiếp xúc và học hỏi nhiều ở các tiền bối như Bác Hồ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Tôi đã lăn lộn trong ngành ngoại giao 45 năm trời, từ năm 1955 đến năm 2000. Nếu kể cả thời gian sang Bộ Thương mại (một phần cũng làm ngoại giao kinh tế) và tham gia lãnh đạo Đảng, Nhà nước (được phân công phụ trách công tác đối ngoại) thì trọn cả đời làm ngoại giao.

Tôi khởi đầu ở phòng phiên dịch tại Bộ Ngoại giao, đi dịch cho lãnh đạo bộ và các vụ, phục vụ các đoàn. Lúc đầu tôi dịch cho tùy tùng, kể cả đầu bếp của các đoàn, sau dịch cho các đoàn viên rồi mới tới các lãnh đạo. Dưới thời Pháp thuộc, người ta gọi phiên dịch là "ông thông ngôn", chuyên bám gót ông tây bà đầm, do đó người dân coi là tay sai của thực dân và rất khinh rẻ. Dưới chế độ ta, tuy nhiều người không còn nghĩ như vậy song thực ra cũng chẳng coi trọng lắm. Có người còn cho rằng nghề này khó gì đâu, người ta nói sao cứ dịch ra làm vậy là được. Phiên dịch chỉ ăn theo nói leo, nhiều khi chỗ ăn chẳng có, chỗ ở cũng không, khi khách ăn mình phải dịch, giờ nghỉ có khi ngồi ngoài gốc cây, bờ biển, đường thăng tiến chẳng có.

Nhưng tôi tâm niệm cái nghề này rất quan trọng. Phiên dịch viên là cầu nối với các nước khác. Nếu cái cầu ấy ọp ẹp, bấp bênh, ván lát rơi ra thì quan hệ quốc tế có thể "thụt chân" chứ chẳng chơi. Cái cầu ấy mà vững chắc, qua lại thông thoáng thì sự giao lưu giữa các dân tộc tốt đẹp hơn. Đấy là đối với xã hội, còn đối với bản thân, nghề này cũng rất hay. Một là, anh có được công cụ rất quan trọng để tiếp cận với văn hóa, văn minh của các dân tộc khác. Hai là, anh có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều giới, tiếp cận nhiều vấn đề khác nhau. Ba là, anh có dịp đi thăm nhiều nơi, nhiều nước, mở rộng tầm nhìn, được "gặp nhiều VIP" theo cách nói bây giờ.

Bản thân tôi đã có dịp phục vụ và quen biết với tất cả các nhà lãnh đạo đất nước thuộc "thế hệ lập quốc" và học hỏi được nhiều điều. Có thể nói không ngoa rằng, sở dĩ tôi tiến bộ được một phần quan trọng là do được "gặp mặt, bắt tay" với nhiều nhân vật như tất cả các tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên xô, từ Khrushchev cho tới Brezhnev, Andropov, Chernenko, Gorbachov. Tuy không dịch tiếng Trung nhưng do đi theo các đoàn cấp cao nên tôi đã từng gặp mặt Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai và cả "bè lũ bốn tên" nữa. Rồi Kim Nhật Thành, Fidel, Che, Raoul của Cuba, các nhà lãnh đạo Đông Âu và phong trào cộng sản công nhân quốc tế.

Rồi tôi trưởng thành lên được vì đã được giao những công việc khó và đòi hỏi cao. Vào cuối những năm 1980 thế kỷ trước, khi là vụ trưởng rồi trợ lý bộ trưởng, tôi đã được ông Nguyễn Cơ Thạch lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao giao cho nhiều việc "trái khoáy" buộc tôi phải vượt qua chính mình. Những thử thách ấy buộc tôi phải học tập, nghiên cứu, đi vào cuộc sống, từ đó trưởng thành. Kiến thức và kinh nghiệm thâu lượm được đã giúp tôi đỡ lúng túng khi giữ các cương vị trái nghề như khi được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Sau này, nghĩ về việc dùng người, theo tôi có thể nhìn từ bốn góc độ.

Thứ nhất, phải trả lời được câu hỏi: ta có thật lòng cần họ không và cần những loại nhân tài nào? Có người nói, khi đã cầu hiền tức là thừa nhận mình dốt, vậy điều trước hết là phải chấp nhận người ta giỏi hơn mình cái đã.

Thứ hai, đã cầu hiền thì phải tạo môi trường, điều kiện cho người ta cống hiến bằng cách giao cho họ những công việc có giá trị đích thực, đòi hỏi gay gắt và đánh giá đúng công việc họ làm vì người tài thích được đòi hỏi, thậm chí đòi hỏi khắt khe.

Thứ ba, cần có sự đãi ngộ thỏa đáng. Người tài thường không đòi hỏi vật chất nhiều đâu mà điều quan trọng hơn với họ là sự tôn trọng, công bằng.

Thứ tư, phải rộng lượng vì người tài hay có tật. Nếu vì tật nhỏ mà rũ bỏ thì thật hoài phí - những tật không ảnh hưởng tới công việc, không trái với nhân cách làm người, chẳng hạn tật hay cãi. Các cuộc họp mà không có người cãi thì chán lắm, đã dám dùng người tài thì phải chịu nghe họ.

Một khía cạnh nữa về nhân tài còn ít được đề cập đúng mức. Đó là bản thân nhân tài phải có hoài bão, phải dấn thân, ham mê học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, sống lương thiện chứ không nên chỉ đòi hỏi một chiều ở xã hội. Ai cũng thế thì lấy đâu ra nhân tài để làm cho đất nước giàu mạnh, từ đó có khả năng đãi ngộ xứng đáng nhân tài?

Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Ta cứ nói ta "là lương tri của thời đại", nhưng sự thật thì nhiều việc, nhiều người chưa thể hiện được điều đó. Nhiều người đã đánh mất "gene xấu hổ". Làm hỏng việc không xin lỗi, không từ chức, ra đường thì chen chúc, phóng uế bậy bạ, thấy hoa đẹp thì vặt bẻ không thương tiếc, người ta gặp tai nạn thì xông vào hôi của, quan chức thì tham nhũng vơ vét, "văn hoá phong bì" tràn lan, tệ "chạy" lây lan sang mọi lĩnh vực. Do đó, không nên nói quá nhiều những chuyện cao xa mà hãy học làm người tử tế đã. Tôi hay khuyên các cháu thanh niên rằng, trước hết hãy cố nói chứ đừng chửi thề, nhặt rác chứ đừng vứt rác, trồng cây chứ đừng chặt cây, đi chứ đừng chen lấn. Không làm người lương thiện thì khoan nói đến chuyện lý tưởng, hoài bão.

Giá trị sống thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, giai tầng, nhưng có những giá trị vĩnh cửu được gọi chung là cái thiện, cái tử tế, cái con người, trong đó tôi trân trọng nhất là lòng tự trọng. Tôi sợ nhất, thậm chí ghê tởm nhất những người không biết tự trọng, quỵ lụy, cúi mình nịnh nọt, chạy chọt và tệ hơn nữa là làm hại đồng loại để mưu lợi cho mình. Thật đau buồn thấy bây giờ sao lòng tự trọng bị đánh mất nhiều thế. Ai đời Đại hội Đảng cũng phải thốt lên trước tình trạng chạy tràn lan: chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương. Thực ra danh mục "chạy" còn dài hơn nhiều, kể cả chạy nghi thức và đất mai táng nữa. Đáng buồn nhất là cái cơ chế sinh ra nạn "chạy" vẫn tồn tại và đáng trách nhất là những người đáp ứng sự chạy chọt đó. Chính những người ấy cũng đã để mất lòng tự trọng một khi hạ mình sánh vai cùng với những kẻ chạy.

Có người hỏi tôi rằng, khi về nghỉ hưu, ông hối tiếc điều gì nhất. Tôi nghĩ điều hối tiếc nhất là có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn.

Nhìn bề ngoài hoặc xem lý lịch thì có vẻ đời tôi thuận buồm xuôi gió, nhưng thật ra không phải vậy. Tôi cũng đã từng trải qua biết bao thử thách, thậm chí bị trù úm, gièm pha đủ điều chứ đâu có sóng yên biển lặng. Nay nhìn lại thấy rợn tóc gáy, nhiều khi tưởng như không thể vượt qua nổi. Còn sức mạnh nào đã giúp tôi vượt qua thì tôi đã nói rồi: bất luận thế nào "mình vẫn là mình", tự trọng, không quỵ lụy luồn cúi.

Chữ tài đi với chữ tâm là vì thế. Dù anh là ai, tài đến đâu cũng phải biết lượng sức, đừng bao giờ nghĩ mình là người không thay thế được. Tôi luôn tâm niệm: "Không nên biết cách lên", nhưng nhất định phải "biết cách xuống" đúng lúc và đúng cách.

Vũ Khoan

Bài học ở tòa Bạch ốc

Vũ Khoan

Vũ Khoan

Nguyên Phó thủ tướng

Từ khi Ban Mê Thuật được giải phóng ngày 10/3/1975, gia đình tôi như biến thành cục tác chiến mini.

Từ ông già bà cả tới hàng con cháu, mỗi ngày đều dán mắt mắt vào tấm bản đồ trên tường theo dõi những bước tiến thần tốc của quân dân ta ở miền Nam.

Làm việc ở Bộ Ngoại giao lúc ấy, suốt ngày đêm anh em chúng tôi miệt mài theo dõi dư luận thế giới và tìm cách ứng phó với đủ kiểu thiên hạ thăm dò ý định thật sự của ta.

Thế rồi, trưa ngày 30/4, đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin toàn thắng. Niềm vui bất ngờ đã làm "nổ tung" Hà Nội.

Trên ban công trụ sở Thông tấn xã Việt Nam xế nhà tôi vang lên những tràng pháo dài. Hàng vạn người đổ ra quảng trường Nhà hát lớn, lấp đầy các con đường quanh Hồ Gươm và đường Tràng Thi dẫn lên cửa Nam. Họ tiến về quảng trường Ba Đình và Lăng Bác.

Lúc này, anh em chúng tôi lại lao vào thu thập, tổng hợp thông tin về dư luận thế giới đối với sự kiện lịch sử này; tiếp nhận, biên dịch và báo cáo về những bức điện mừng của lãnh đạo các quốc gia và tổ chức khắp năm châu bốn biển gửi tới lãnh đạo và nhân dân cả nước ta.

Thú thật, mong ước cháy bỏng của tôi lúc ấy là được bổ ngay vào miền Nam để được ngụp lặn trong dòng chảy của sự kiện lịch sử nóng bỏng.

Thế nhưng, nhân định không bằng thiên định. Thay vì vào Nam, tôi được lệnh đi sang tít chân trời phía Bắc là Liên Xô. Đoàn đại biểu Đảng và chính phủ ta do ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng chính phủ, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu sang dự lễ kỷ niệm lần thứ 30 Ngày chiến thắng fascist ở Matxcơva. Tôi đành tự an ủi: thay vì tận hưởng không khí chiến thắng trong nước mình có dịp chứng kiến không khí bè bạn năm châu chia vui với dân tộc ta vậy.

Quả thật, lễ kỷ niệm ngày chiến thắng fascist ở Liên Xô quy tụ hàng trăm đoàn đại biểu cấp cao của các nước đã biến thành lễ mừng hai cuộc đại thắng: 9/5 của Liên Xô và 30/4 của Việt Nam.

Hội trường cung đại hội Kremlin chứa mấy nghìn người vang lên những tràng vỗ tay và lời hoan hô nồng nhiệt mỗi khi cái tên "Việt Nam" được nhắc tới. Diễn văn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh nhiều lần bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay kéo dài. Có thể nói, chiến thắng 30/4 không chỉ là niềm tự hào của riêng dân tộc ta mà còn là biểu tượng của chính nghĩa, khát vọng hòa bình đối với mọi dân tộc.

Cuối cùng, tôi cũng có dịp vào miền Nam. Chiếc cầu Hiền Lương dài chỉ mấy trăm mét nhưng có thể chia đôi đất nước, tạo ra bi kịch của cả một dân tộc và biết bao gia đình. Thăm thành cổ Quảng Trị hoang tàn, tôi càng thấm thía chân lý: niềm vui 30/4 phải trả giá bằng biết bao xương máu của nam thanh nữ tú đất Việt.

Cảm giác choáng ngợp, sững sờ khi vào tới Sài Gòn khi ấy đã luôn đeo bám tôi. Không phải vì sự đồ sộ, phồn hoa của thành phố, vì tôi từng thăm quan không ít thành phố đồ sộ hơn nhiều, mà chủ yếu vì sự ngạc nhiên: nội đô hầu như nguyên vẹn, cứ như chưa hề chứng kiến bom rơi, đạn lạc.

Lúc ấy, tôi bỗng nhớ tới những điều Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn, từ lâu trước 30/4/1975 chia sẻ với anh em phục vụ trong một dịp đi công tác nước ngoài. Về đại thể, ông nói, ta không thể áp dụng chiến lược "lấy nông thôn bao vây thành thị" mà phải thực hiện chiến lược "ba vùng chiến lược, ba mũi giáp công" (tức là không ngừng thế tiến công ở cả vùng nông thôn lẫn thành thị và rừng núi, đấu tranh cả về quân sự lẫn chính trị và địch vận) để Sài Gòn và các thành phố lớn đỡ tổn thất.

Những gì được thấy ở Sài Gòn và cả Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng... sau đó là minh chứng hùng hồn về tầm nhìn chiến lược đó.

Và nữa, lần đầu được vào miền Nam, nhưng sao tôi thấy nhiều địa danh quen thuộc đến thế? Hóa ra trong tiềm thức tôi đọng lại rất nhiều địa danh liên quan tới các trận đánh, những chiến dịch diễn ra suốt mấy chục năm của hai cuộc chiến tranh cứu nước.

Các bà má miền Nam cũng bỏm bẻm nhai trầu hiền khô hệt như các mệ miền Trung và các mẹ miền Bắc. Những con người, tính cách, văn hóa của bà con trong Nam ngoài Bắc đâu có khác nhau nhiều mà người ta nhẫn tâm chia ly mấy chục năm dòng?

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ cảm nghĩ về nước Mỹ. Lần đầu tiên sang Mỹ khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ, đặt chân lên sân bay San Francisco, trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ: "cái nước hiện đại, hùng mạnh thế này mà lại thua nước ta - một nước còn nghèo nàn lạc hậu - thì quả thật không dễ gì ‘nuốt’ nổi". Hóa ra thắng, thua không chỉ tùy thuộc vào vũ khí, tiền bạc mà còn do những "sức mạnh mềm" như truyền thống văn hóa, lòng quả cảm, ý chí kiên cường, tính chính nghĩa. Những phẩm chất ấy, dân tộc ta mạnh hơn nhiều.

Rồi vật đổi, sao dời, tháng 7 năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã tiếp tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Thương mại sau khi ký Hiệp định thương mại song phương tại Mỹ. Trong tòa Bạch ốc, ông kể rằng, chính tại nơi đây Tổng thống Roosevelt đã nhắc tới cái tên Việt Nam khi còn chiến tranh. Nay, cựu thù thuở nào trở thành đối tác.

Chỉ có hợp tác bình đẳng mới có lợi cho hai nước, cho khu vực và thế giới. Đó là một bài học đậm nét tôi rút ra hôm ấy, khi đứng trong tòa Bạch ốc với hồi ức ngày 30/4.

Vũ Khoan

Cảm nghĩ tháng Bảy

Vũ Khoan

Vũ Khoan

Nguyên Phó thủ tướng

Không biết vì sao trong tháng Bảy có nhiều ngày kỷ niệm đến thế.

Nếu điểm lại theo thời gian thì đó là quốc khánh Mỹ 4/7; 12/7 vừa tròn 25 năm nước ta và Mỹ kiến lập quan hệ ngoại giao; 14/7, người Pháp mừng ngày quốc khánh và ngày đó cũng kỷ niệm 20 năm nước ta và Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương; 20/7/1954 đánh dấu Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký; 23/7 vừa tròn 40 năm anh hùng Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên bay lên vũ trụ; 27/7 là ngày thương binh, liệt sỹ; 28/7 vừa tròn một phần tư thế kỷ nước ta trở thành thành viên chính thức của ASEAN.

Sự trùng hợp ấy hoàn toàn ngẫu nhiên. Tiếng vậy, nếu nối chúng với nhau thì sẽ hiện lên mối quan hệ nhân - quả giữa các sự kiện trong tháng Bảy. Ta hãy thử làm việc đó xem sao.

Tuyên ngôn độc lập của Mỹ được thông qua 244 năm trước là một văn kiện tiến bộ khi khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Chẳng thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích đoạn này để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên đọc ngày 2/9/1945, đánh dấu sự ra đời của nhà nước dân chủ đầu tiên trong thế giới thuộc địa.

Với tinh thần rộng mở, Người đã tuyên bố Việt Nam sẵn sàng "làm bạn với các nước dân chủ, không gây thù oán với ai" và coi "ngũ cường", trong đó có Mỹ, là "bạn bè". Trong vòng chưa đầy hai năm, Người đã gửi tới 8 bức điện cho Tổng thống nước này bày tỏ lòng mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Tiếc rằng, thiện chí ấy đã không được giới cầm quyền Mỹ hưởng ứng. Hơn thế nữa, họ đã đi ngược lại chính lời thề độc lập của các tiền nhân, giúp thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, rồi trong vòng hai chục năm đã trực tiếp xâm lược Việt Nam hòng tước đoạt "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" của nhân dân ta.

Điều gì phải đến đã đến: năm 1973, theo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ buộc phải rút toàn bộ quân đội và khí tài quân sự ra khỏi miền Nam Việt Nam; công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tiếp đó là những năm tháng bao vây, cô lập Việt Nam xen lẫn các cuộc thương lượng đầy cam go đưa tới sự kiện 12/7/1995, khi hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao sau 50 năm Mỹ bỏ lỡ cơ hội. Đúng năm năm sau, cũng vào tháng Bảy, ngày 14, hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương, đưa Mỹ lên hàng đầu danh sách các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Dựa trên hai trụ cột: "ngoại giao" và "thương mại", sự giao lưu Việt - Mỹ lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng - an ninh. Cá nhân tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ đặt chân lên đất Mỹ, càng không thể có chuyện vào Lầu Năm góc - biểu hiện sức mạnh quân sự, sào huyệt của quân đội Mỹ từng ném bom bắn phá nước ta suốt hai chục năm trời. Nhưng rồi, trong quá trình cải thiện quan hệ giữa hai nước, tôi đã có dịp đặt chân vào "cái hang cọp" này để bàn về khả năng mở ra sự hợp tác cả trong lĩnh vực quốc phòng. Đúng là vật đổi sao dời!

Quan hệ Việt - Pháp cũng trải qua con đường tương tự. Đi ngược lại bản Tuyên ngôn 1791 về nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trong Tuyên ngôn Độc lập: "Người ta sinh ta tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi", các thế lực thực dân Pháp đã tiến hành cuộc "chiến tranh bẩn thỉu" suốt 9 năm ròng chống lại các quyền dân tộc thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Rồi cuối cùng, Hiệp định Genève ký ngày 20 cũng tháng Bảy năm 1954 cũng phải công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và nay trở thành "Đối tác chiến lược" của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đổi mới.

Một sự kiện lịch sử nữa cũng diễn ra vào tháng Bảy. Đó là ngày 28 tháng Bảy 25 năm trước đây, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên và tung bay trên bầu trời xanh ngắt tại Brunei, báo hiệu Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, mở đầu quá trình mở rộng Hiệp hội ra toàn khu vực. Lời tuyên bố của Bác Hồ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, coi "các nước châu Á là anh em" đã thành hiện thực.

Được chứng kiến sự kiện này vào buổi chiều lịch sử ấy và 5 năm sau, cũng vào tháng Bảy, đứng trong Vườn Hồng tại Nhà Trắng, tôi cùng các cộng sự nghe Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố với toàn thế giới sự kiện hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương. Tiếp tôi trước đó, ông đã nói: "Chính tại đây Tổng thống F.Roosevelt đã nhắc tới một nước Việt Nam độc lập". Tất cả anh em Việt Nam có mặt tại các sự kiện trên, không ai bảo ai đều xúc động nhớ tới biết bao chiến sỹ, đồng bào, nam thanh nữ tú của nước ta đã hy sinh để đất nước có vị thế quốc tế như vậy.

Quả thật, đằng sau những câu chuyện vật đổi sao dời liên tiếp diễn ra vào tháng Bảy, những ngày này trong tôi, các suy nghĩ lại tràn về. Xương máu của biết bao nam nữ anh hùng đất Việt đã đổ xuống. Niềm đau thương khôn nguôi của biết bao người mẹ, người cha, người vợ, người chồng khắp mọi miền đất nước vẫn day dứt ngày đêm để nước ta có được cơ đồ hôm nay. Lòng biết ơn sâu nặng đối với họ không chỉ được thể hiện trong ngày 27/7 mà ăn sâu vào tâm khảm của mọi người Việt Nam, thúc đẩy chúng ta làm mọi việc có thể vì giang sơn này.

Vũ Khoan