Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18

 

00:10:32
Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 1.

Nhiều năm làm báo trong lĩnh vực điều tra, chắc hẳn cũng không thể kể hết được những vụ việc anh từng theo đuổi. Nhưng tôi nhớ vụ án về "trùm" xã hội đen Năm Cam ở TP.HCM, anh là nhà báo có được thông tin, hồ sơ đầu tiên. Vụ án này cho đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến bởi quy mô, tính chất đặc biệt nguy hiểm của tội phạm, không ít cán bộ, lãnh đạo của ngành bảo vệ pháp luật cũng đã dính vòng lao lý. Anh có nhớ đã tiếp cận vụ án này như thế nào không?

- Cách đây 28 năm, tôi là người đầu tiên trong báo giới Việt Nam viết loạt bài phóng sự điều tra trên báo Thanh Niên về Đường dây cờ bạc lớn nhất tại TP.HCM và việc bắt giữ trùm casino Trương Văn Cam (tức Năm Cam). Ngoài việc tổ chức đánh bạc, Năm Cam còn bảo kê cho các trường gà, nhà hàng, vũ trường, khách sạn với đám đàn em giang hồ hơn trăm tay anh chị sẵn sàng đâm thuê, chém mướn. Theo số liệu điều tra, thời điểm ấy TP.HCM có gần 300 casino hoạt động trái phép, hầu hết do sự điều hành trực tiếp của trùm tội phạm Năm Cam.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 2.

Đầu năm 1995, trong quá trình điều tra viết bài về băng nhóm xã hội đen Năm Cam, tôi đã được Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho đọc tại phòng của ông, những tư liệu ban đầu do các trinh sát ngoại tuyến thu thập được về các hoạt động của băng nhóm Năm Cam ở TP.HCM. Đáng chú ý, bên lề tư liệu này, có bút phê chữ đỏ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an) khẩn trương điều tra, triệt phá băng nhóm Năm Cam.

Nghe nói việc bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam năm 1995 cũng gặp rất nhiều trở ngại vì sau lưng anh ta là thế giới ngầm và một số người bảo kê, bao che cho tội phạm này?

- Để có được những thông tin ban đầu, tôi đã tiếp xúc với Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc (tức Ngọc điếu) một điều tra viên lừng danh của Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, người trực tiếp tham gia triệt phá các băng nhóm xã hội đen trên địa bàn cả nước. Lúc ấy, việc bắt giữ Năm Cam rất khó khăn. Các băng nhóm giang hồ dưới sự điều hành của Năm Cam đã tập hợp những tay anh chị của giới tội phạm chuyên nghiệp liên kết thành một tổ chức, được sự bao che trực tiếp hoặc gián tiếp của một số cán bộ thoái hóa ở các cấp.

Bằng tiền-gái-rượu, Năm Cam đã tha hóa được một số cán bộ nhà nước thoái hóa ở một số ngành. Chính vì thế một số tin tức từ nội bộ đã bị Năm Cam phát hiện. Có một thời gian, phần lớn các kế hoạch truy quét các sòng bạc có liên quan đến tổ chức của Năm Cam đều được y biết trước và né tránh.

Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, lúc ấy, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Nội vụ chỉ thị phải bắt Năm Cam, nhưng không hiểu vì sao kế hoạch bị lộ, y trốn biệt. Năm Cam đã quyết định rời Sài Gòn, giao lại toàn bộ sự chỉ huy điều phối hoạt động của các sòng bài và nhà hàng cho con rể là Hiệp phò mã. Năm Cam tung tin vịt là hắn về Vĩnh Long chơi, những thực ra, Năm Cam bay ra Bắc, móc nối với một số đường dây quen biết ở Hà Nội, để hòng tiếp xúc với một số cơ quan hữu quan nhằm chạy tội. Nhưng thủ đoạn này của Năm Cam không thành.

Vào thời điểm này, Bộ Nội vụ và Công an TP.HCM ra đòn quyết định: cử trinh sát đặc nhiệm là Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc đóng vai "thanh tra đặc biệt" từ Bắc vào. Việc bắt giữ Năm Cam cũng khá lý kỳ, khi ông Ngọc vào TP.HCM, rồi tìm cách bắn tin qua con trai Năm Cam để tổ chức một cuộc gặp gỡ "tiếp xúc thân mật" với tên trùm tội phạm này.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 3.

m Cam được giới tội phạm coi là ông trùm của những ông trùm giang hồ với rất nhiều âm mưu, thủ đoạn tàn độc. Hắn đã "mua" được không ít người trong cơ quan công quyền thời gian ấy, nhưng tới năm 1995 thì bị sa lưới trong một vở kịch rất ngoạn mục, đúng không anh?

- Năm Cam có một câu nói nổi tiếng khắp giới giang hồ: "Những gì không thể mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Tôi được Thượng tá Ngọc kể lại, Năm Cam bỏ trốn nhưng vẫn tìm cách dùng tiền bạc, vật chất để tiếp cận và mua chuộc ông. Cũng chính vì vậy mà "nhờ gió bẻ măng", Thượng tá Ngọc mới lừa, bắt được tay trùm. Ngày 22/5/1995, Năm Cam cùng 5-6 đàn em đến nơi thượng tá Ngọc đang ở, chỗ nhà khách Bộ Nội vụ tại 337, đường Nguyễn Trãi, TP.HCM. Lúc đó, ông Ngọc mới chỉ biết mặt Năm Cam qua ảnh, mà ảnh đã chụp quá lâu, nên không xác định được trong số người đến gặp ông, ai là Năm Cam.

Khi đám giang hồ xăm trổ đầy mình lên phòng, Thượng tá Ngọc pha nước chè mời họ uống rất vui vẻ. Để phát hiện Năm Cam là người nào, ông Ngọc nói: "Ông Cam ở lại gặp tôi, ai không có việc thì về quán nhậu chuẩn bị đồ ăn, khoảng một tiếng sau chúng tôi sẽ tới". Bọn tội phạm tưởng rằng đã "thông cảm" và mua chuộc được ông cán bộ thanh tra, nên tất cả răm rắp làm theo. Không biết tên còn lại có phải là Năm Cam hay không, ông Ngọc dò hỏi: "Nhà hàng khách sạn của ông kinh doanh làm sao mà để dân kiện nhiều thế? Ông đưa giấy tờ về các nhà hàng khách sạn đây để tôi xem, rồi ngồi viết cho tôi cái lý lịch".

Khi hắn viết xong, Thượng tá Ngọc thấy trong lý lịch còn thiếu một người con ở Canada, ông nghi tên này không phải là Năm Cam thật và tự hỏi hay bọn chúng đưa kẻ khác ra để thử mình. Ông Ngọc bèn bảo hắn xem lại có thiếu ai không. Hắn mới nhớ còn sót một đứa con ở Canada. Ông Ngọc nghi ngờ kẻ ngồi trước mặt mình không phải Năm Cam.

Trước đó, trong quá trình điều tra, ông Ngọc biết Năm Cam lúc đó rất thân với ông Chín Cam, Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Ông Ngọc gọi điện cho ông Chín Cam nói: "Tôi đang ngồi với Năm Cam, nếu ông rảnh thì đến và cho tôi xin cây thuốc Jet để hút". Khi Chín Cam tới, qua cách chào hỏi của ông ta với kẻ đang nghi là Năm Cam ngồi trong phòng, ông Ngọc mới biết chắc đó thực sự là Năm Cam. Ông Ngọc bảo Chín Cam ra ngoài, khi nào xong việc sẽ cùng nhau đi nhậu.

Ông Chín Cam vừa ra khỏi phòng, ông Ngọc đã công bố lệnh bắt khẩn cấp và khóa tay Năm Cam trong sự ngỡ ngàng, bủn rủn của tay trùm tội phạm. Sau đó, ông Ngọc gọi điện báo cáo với cấp trên, nhưng mọi người vẫn không tin, cứ tưởng nói đùa. Hai hôm sau, đích thân ông Ngọc áp giải Năm Cam lên máy bay, ra Bắc.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 4.

Có vẻ vụ bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam năm 1995 có hồi kết không trọn vẹn như kết quả điều tra ban đầu nên không thể xét xử được tội phạm này. Năm Cam trở về tiếp tục điều hành băng nhóm xã hội đen lớn nhất ở TP.HCM. Có lý do nào vậy, thưa nhà báo?

- Sau vụ bắt Năm Cam năm 1995, có nhiều ý kiến khác nhau ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Người trực tiếp bắt giữ Năm Cam là Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc bị rất nhiều đơn nặc danh tố cáo về nhiều chuyện gửi đến cơ quan chức năng, Bộ Nội vụ và báo chí. Trong đó, vợ Năm Cam và gia đình tố cáo ông Ngọc đã lấy chiếc điện thoại di động sang trọng của Năm Cam để sử dụng việc riêng.

Thực ra, ông lưu giữ chiếc điện thoại để phục vụ công tác điều tra, truy tìm xem Năm Cam đã liên lạc với số điện thoại nào, liên lạc với những ai trước khi bị bắt giữ. Cũng chính từ việc này, Thượng tá Ngọc đã lên được danh sách những người liên quan đến băng nhóm Năm Cam để bí mật theo dõi, làm rõ các mối quan hệ.

Cùng lúc lại có đơn tố cáo ông Ngọc có quan hệ nam nữ không trong sáng với một nữ diễn viên điện ảnh, rồi cùng với đàn em bảo kê nhà hàng, khách sạn. Khi thanh tra Bộ Nội vụ xuống làm việc, Thượng tá Ngọc khẳng định những việc ấy hoàn toàn là vu khống, bịa đặt. Sau đó cơ quan Thanh tra không đưa ra kết luận gì.

Điều đáng nói, khi vụ án Năm Cam đang được tiếp tục điều tra, Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, người phân công Thượng tá Ngọc thực hiện phá án đã bất ngờ nhận được lệnh về hưu, còn ông Ngọc thì bị chuyển sang nhiệm vụ khác. Năm 1995, Năm Cam bị bắt. Vì chứng cứ phạm tội chưa rõ ràng, nên Năm Cam chỉ bị lệnh cưỡng bức lao động 3 năm.

Ngày 27/9/1997, Năm Cam được tha trước thời hạn sau khi cải tạo được hơn 2 năm. Sau khi trở về TP.HCM, Năm Cam vẫn lộng hành, ngang nhiên điều hành thế giới ngầm và đường dây tội phạm xã hội đen. Và chỉ mấy năm sau, băng nhóm xã hội đen Năm Cam đã gây ra vụ án sát hại cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn giữa chốn đông người và bắn chết trùm xã hội đen Dung Hà trong việc thanh toán nhau giữa các băng nhóm giang hồ cộm cán để tranh giành quyền bảo kê các sòng bạc, nhà hàng, khách sạn.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 5.
Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 6.

Là phóng viên điều tra lúc đó, để tránh được những hiểm nguy, anh phải khôn ngoan như thế nào để có thể xử lý được những thông tin vừa đảm bảo mang được sự thật đến với công chúng, vừa đảm bảo an toàn tính mạng của chính mình?

- Phóng viên điều tra là một nghề rất nguy hiểm. Ngay từ những năm 1993 khi chưa có quy định bắt phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, tôi đã suốt ngày trên đường với cái "nồi cơm điện" kính che kín mít trên đầu. Năm 1995, khi viết loạt bài đầu tiên về Năm Cam, bọn đàn em của anh ta đã hăm dọa "đặt bom" tòa soạn ở trong Sài Gòn. Tôi ở Hà Nội cũng rất cảnh giác. Một hôm, tôi vừa đi xe máy rời tòa soạn thì bị một xe máy tông thẳng vào, tôi ngã sấp mặt xuống đường, may có mũ bảo hiểm. Thật hú vía, túi tài liệu về băng nhóm Năm Cam vẫn còn nguyên. Sau khi xác minh, thấy đây chỉ là vụ tai nạn giao thông bình thường.

Chưa hết, ngay hôm sau, có một bưu kiện của một người không quen biết ở TP.HCM gửi đích danh tên tôi. Tôi nói với thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc (người bắt Năm Cam) nghi ngờ đây là bom thư, tôi nhờ ông Ngọc giải quyết hộ. Thượng tá Ngọc phải nhờ bộ phận kỹ thuật đến bưu điện, phong tỏa, kiểm tra xác minh. Rất may, trong bưu kiện đó chỉ toàn là tài liệu đơn thư.

Đỉnh điểm là vụ sát hại Cảnh sát hình sự (CSHS) Phan Lê Sơn xảy ra đêm 27/1/2000 tại quán phở Cấm Chỉ, số 4 Hải Triều, Q.1, TP.HCM, theo nguồn tin điều tra riêng của báo Thanh Niên, 2 kẻ đứng ra tổ chức cho đàn em dùng mã tấu chém anh Phan Lê Sơn đến chết đều là người thân trong gia đình Năm Cam. Sau khi báo đưa tin về việc băng nhóm xã hội đem sát hại CSHS Phan Lê Sơn là tội phạm có tổ chức, Năm Cam đã tính tới chuyện lên kế hoạch cho đàn em ám sát nhà báo Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh Niên lúc đó.

Tôi nhớ, buổi chiều hôm đó, trên đường đi săn tin, tôi nhận được cuộc gọi khẩn của Tổng biên tập Nguyễn Công Khế, giọng bức xúc kể về việc ông vừa thoát được một vụ được cho là âm mưu ám sát và ông bảo "May mà bên lực lượng công an biết trước nên tôi tránh được".

Tôi không ngờ vụ việc này lại tới mức rất nghiêm trọng như vậy. Tôi liền gọi ngay điện thoại cho Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc và chạy xe máy tới. Suốt buổi chiều hôm đó, mặc dù lòng như lửa đốt, tôi vẫn phải nhẩn nha nghe ông Ngọc phân tích, diễn giải về các thói quen và cách hoạt động của cánh giang hồ cộm cán phía Bắc. Cuối chiều hôm đó, sau khi chia tay ông Ngọc, tôi về cơ quan viết bài ngay cho số báo hôm sau. 11h đêm về tới nhà, tôi đổ gục xuống giường như một cây chuối héo. Vợ tôi vỗ về: "Anh cứ hành xác suốt ngày dài đêm thâu thế này thì sức khỏe lâu dài chịu sao nổi? Hay anh nói với BBT cho chuyển sang mảng văn hóa văn nghệ có hợp lý không vì anh là nhà thơ cơ mà?"...

Tôi kể như vậy để các bạn thấy rằng, làm phóng viên nội chính luôn phải sống trong cảnh lúc nào cũng thường trực nỗi lo sợ. Thực tế cho thấy, có nhiều nhà báo điều tra đã bị hành hung, hoặc phải trả giá bằng tính mạng của mình. Cũng có những người phải dính vào vòng lao lý.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 8.

Có phải anh đang muốn nói đến vụ PMU 18 xảy ra cách đây tròn 15 năm không? Từ một vụ án đánh bạc triệu đô la, cơ quan điều tra đã phát hiện ra đường dây chạy án, tham nhũng, gây rúng động dư luận?

- Đúng vậy. Lúc đó sự việc rất nóng. Tất cả báo chí vào cuộc. Hiếm thấy khi nào mà một sự kiện mà 40-50 tờ báo đều đưa tin hàng ngày. Nhưng sau đó, tôi và nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi trẻ), đã gặp "tai hoạ nghề nghiệp" trong vụ việc này.

Nhiều người đều hiểu rằng, việc bắt bạc thực ra chỉ là cái cớ để đánh tiêu cực, tham nhũng đối với những cán bộ biến chất ở Bộ GTVT thời kỳ đó. Lúc đó, khi tham gia vào viết về vụ việc này, anh có suy nghĩ như thế nào?

- Để có thêm thông tin nhiều chiều phục vụ cho công việc tìm hiểu, điều tra vụ án này, ngoài các thông tin thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, tôi đã tìm cách tiếp xúc với các điều tra viên của Cục Cảnh sát Hình sự và nhiều lãnh đạo của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công để kiểm chứng các nguồn thông tin như: Thượng tướng Lê Thế Tiệm (thứ trưởng Bộ Công an); Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (Cục trưởng Cục CSHS, Trưởng ban chuyên án PMU18)...

Theo đó, khoảng 15h30 ngày 13/12/2005 lực lượng của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội-C14 Bộ Công an đã bắt quả tang một tụ điểm đánh bạc ngay giữa hồ Bách Thảo. Nhiều người trong số này là cán bộ chiến sĩ công an trên địa bàn Hà Nội. Khi thấy lực lượng của Cục C14, đám đông đã có những phản ứng. Lực lượng của Cục đã nổ súng cảnh cáo.

Mở rộng điều tra, Cục C14 đã khám nhà Bùi Quang Hưng, lái xe tại Phòng cảnh sát giao thông thành phố, phát hiện đường dây tổ chức cá độ bóng đá. Trong cuộc họp báo công khai tại Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), Ban chuyên án vụ PMU18 đã đưa các bằng chứng quá rõ ràng về các đối tượng đã tham gia đường dây cờ bạc cá độ bóng đá xuyên quốc gia do Bùi Quang Hưng điều hành, thậm chí có cán bộ chơi cá độ với số tiền lên tới 2,6 triệu USD. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Là cán bộ cơ quan nhà nước thuộc ngành giao thông vận tải, nếu không tiêu cực, không tham nhũng thì họ lấy đâu ra số tiền lớn tới hơn triệu đô-la Mỹ để cá độ bóng đá như vậy?

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 8.

Nhiều người nhận định rằng, thực chất trong chuyên án PMU18, mảng lớn nhất là tham nhũng kinh tế thì lại chìm nhất, trong khi đó việc đánh bạc hay nhận tiền hối lộ chỉ là cái cớ thì lại bị đẩy lên khiến cho thông tin lúc đó bị nhiễu. Là một nhà báo tham gia viết về vụ án nhiều nhất và có thông tin "mật" nhiều nhất, anh nghĩ gì về nhận xét đó?

- Tôi xin dẫn lời của một số người có thẩm quyền trong vụ việc lúc đó. Trả lời phỏng vấn của tôi trên báo Thanh Niên về quá trình điều tra vụ án PMU18, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng C14 khẳng định: "Có thể nói vụ PMU 18 là trận đánh lớn nhất trong đời tôi. Tôi dám làm vì tôi không có động cơ cá nhân, tôi đã có tuổi nên không phải lấy lòng ai, không sợ mất lòng ai. Trận đánh tham nhũng này rất khó khăn vì cũng có những người không ủng hộ và có lẽ ngoài tôi, chắc ít người dám đánh".

Đáng chú ý, trong bài trả lởi phỏng vấn của báo Nhân Dân ngày 27/3/2006 (chỉ 3 tháng sau vụ bắt bạc ở Bách Thảo), ông Phan Diễn, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư 6 (2) cho biết: "Đây là một vụ án nghiêm trọng, đánh bạc, cá độ với số tiền rất lớn, cũng là vụ án tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Những người tham gia đánh bạc, cá độ có nhiều tài sản được hình thành một cách bất hợp pháp, do bòn rút của Nhà nước. Một số cán bộ nhà nước có sai phạm trong vụ án này đã tiến hành hối lộ và nhận hối lộ. Qua điều tra cho thấy, một số vụ việc xảy ra trước đây đã bị cho qua, bị che lấp đi...".

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 9.

Với các phóng viên điều tra, không có gì quan trọng bằng nguồn tin. Để có được những nguồn tin mật, phóng viên điều tra sẽ phải có những kỹ năng như thế nào?

- Trong quá trình viết phóng sự điều tra, khi tiếp xúc với các nguồn tin từ các nhân vật, nhân chứng, với tôi, máy ghi âm luôn là vật bất ly thân, tôi luôn có 2 cái trong người. Khi hỏi chuyện ai đó để phục vụ việc điều tra, nếu họ không muốn ghi âm, tôi đành tắt máy, nhưng chiếc máy ghi âm để trong túi vẫn hoạt động.

Và, để có các nguồn tin khác nhau nhằm kiểm chứng, bổ sung cho các thông tin điều tra đã có được, trong các vụ án lớn, tôi thường từng tìm cách tiếp xúc, phỏng vấn, ghi âm nhiều lãnh đạo của ngành cảnh sát và kiểm sát về các vụ án này.

Có câu rằng "một nửa sự thật thì không phải là sự thật", có khi nào anh đứng trước ranh giới mong manh của lằn ranh sự thật không? Lúc đó anh làm thế nào?

- Khi đứng trước ranh giới mong manh giữa sự thật và một nửa sự thật trong việc làm báo, tôi thường cố gắng dừng lại để thoát khỏi tình trạng phản ánh một chiều và tìm cách bổ sung, kiểm chứng bằng những thông tin khác để quyết định sẽ phản ánh sự thật theo chiều hướng chắc chắn hơn.

Anh có nghĩ, có khi nào mà thời kỳ đó, đôi khi phóng viên nội chính cứ mải chạy theo sức nóng của vụ việc mà lơ là đi sự xác minh nhiều chiều ca các nguồn tin của mình?

- Đó cũng là một vấn đề của phóng viên điều tra nói chung. Phóng viên làm nội chính lâu năm như chúng tôi có rất nhiều nguồn để kiểm chứng. Xong vụ PMU 18, nhiều người cũng nói rằng "các ông làm báo chỉ dựa vào nguồn từ cơ quan điều tra", nhưng thực ra họ ở ngoài cuộc họ không biết, trong quá trình điều tra vụ án, anh em các báo tỏa đi khắp nơi để lấy nguồn tin từ rất nhiều nơi: từ các nhân chứng, từ các cơ quan đang điều tra, gặp các doanh nghiệp, người liên quan, xác minh rất nhiều chiều. Tôi và một số anh em báo chí thường xuyên trao đổi, tương tác, chia sẻ cho nhau cùng làm.

Cũng có thể có những trường hợp như bạn vừa nói, là mải mê chạy theo thông tin, muốn có những tin nóng, nhanh nên việc kiểm nghiệm thông tin có thể bị sao nhãng. Nhưng tôi rất cẩn thận. Vậy nên khi tôi dự cảm có thể sẽ bị bắt, tôi phải bay ngay vào TP.HCM, mang hết tài liệu vào báo cáo Ban Biên tập.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 10.
Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 11.

Tôi muốn hỏi về "tai họa nghề nghiệp" của anh. Tôi tò mò muốn biết, trong vụ án PMU 18, vụ việc khi đó rất nóng và anh có cảm nhận được "cơn bão" đang ập tới khi đó không hay vẫn tự tin với những tư liệu mà mình thu thậđược?

- Sau gần 1 năm (2007-2008) liên tục bị cơ quan điều tra gọi hỏi về các nguồn tin viết bài về vụ án PMU18, tôi đã cung cấp cho họ những băng ghi âm, những bằng chứng, những tài liệu liên quan đến vụ án này, và tôi rất tin tưởng về các tài liệu điều tra mà tôi đã thu thập được. Nhưng rồi, tôi cũng cảm thấy cơn bão tai họa đang đến gần và ngày 12/5/2008 nó đã xảy ra.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 12.

Trong vụ việc PMU 18, Cơ quan điều tra đã khởi tố Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an (Trưởng ban điều tra chuyên án PMU18) và khởi tố, bắt tạm giam cấp dưới của tướng Quắc cho thấy tính chất đặc biệt phức tạp của vụ việc này?

- Có thể nói, cách đây 15 năm, vụ bắt tạm giam 2 nhà báo viết bài chống tham nhũng liên quan đến vụ án PMU18 trên 2 tờ báo Thanh Niên và Tuổi trẻ có số lượng phát hành lớn nhất Việt Nam vào ngày 12/5/2008 đã thực sự gây chấn động dư luận trong và ngoài nước thời điểm ấy.

Trước khi bị bắt giữ, tôi được biết anh đã giao toàn bộ tài liệu, hồ sơ vụ việc của mình cho Ban biên tập (BBT)?

- Khi linh cảm thấy mình có thể bị bắt giữ bất kỳ lúc nào, tôi đã bay vào TP.HCM, giao cho BBT toàn bộ tài liệu, bằng chứng tôi thu thập được trong việc điều tra vụ án PMU18, quan trọng nhất là các băng ghi âm thông tin phỏng vấn các lãnh đạo của Tổng cục Cảnh sát và Ban chuyên án vụ PMU18. Sau khi xem xét các thông tin này, lãnh đạo báo Thanh Niên và BBT đều tin tưởng, yên tâm về những tài liệu tôi có được.

Sự việc đã không như dự tính. Anh có thể chia sẻ thời khắc lúc đó như thế nào không?

- Cái cảm giác bị bắt giam vào một buổi chiều trung tuần tháng 5/2008, đối với một nhà thơ-nhà báo như tôi lúc ấy thật kinh khủng. Tôi như thấy mặt đất dưới chân sụt rỗng nứt toác và bầu trời sụp đổ xuống.

Là một nhà báo biết quá nhiều hay viết quá nhiều về tham nhũng mà đến nỗi phải bị bắt giữ, bị "nhập kho" thì đấy là điều không thể tưởng tượng nổi!

BBT báo Thanh Niên khi nhận được thông tin anh bị bắt đã có những động thái như thế nào và chia sẻ với gia đình anh như thế nào?

- Sau khi tôi gặp tai họa nghề nghiệp, anh em báo Thanh Niên và BBT luôn ở bên cạnh gia đình tôi và làm mọi việc để bảo vệ tôi.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 13.

Trong cuộc trò chuyện dài hơn 2 tiếng đồng hồ với Dân Việt trò chuyện, nhà báo Nguyễn Việt Chiến kể, những đêm dài trong khu biệt giam tăm tối đối với anh là một khoảng trống mênh mông của cô đơn, buồn nản. Rồi anh bất ngờ kể về một giấc mơ kỳ lạ. Đó là một đêm mưa thật to, bốn bề tối đen, anh như bị cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, bị chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn, thăm thẳm cô đơn. Mưa đêm xối xả, một con sông lớn dâng lên trước mặt.

Nguyễn Việt Chiến mơ thấy mình bất ngờ được gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm. Cụ Nguyễn Du chỉ dòng sông trước mặt và nói: "Dòng sông lớn đang cuồn cuộn chảy trước mặt chúng ta kia đâu phải là dòng sông bình thường. Đó là dòng sông văn đấy, anh bạn trẻ ạ. Ta nói điều này cho anh biết. Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng phải trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, nghe chưa…".

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến kể, anh choàng tỉnh dậy sau giấc mơ kỳ lạ ấy. Và anh đã thức suốt một đêm mưa lớn để viết bài "Gặp Nguyễn Du trên sông đêm".

"Là một nhà thơ phải nếm cảnh địa ngục trần gian, đến lúc này tôi mới thấu hiểu "Thơ là niềm cứu rỗi" còn sót lại duy nhất đối với mình lúc này. Không có thơ, tôi chắc đã chết", anh trầm ngâm giây lát.

Và đúng là sau này, như nhà báo Nguyễn Việt Chiến nói, anh đã đi qua những thăng trầm ca cuộc đời làm báo nhưng rồi chính thơ ca đã làm nên "gương mặt của tôi". Sau khi ra tù, anh có bài "Tổ quốc nhìn từ biển" đã làm thổn thức hàng triệu trái tim người Việt. Một loạt các bài thơ viết về biển đảo đã đem lại cho anh nhiều giải thưởng văn chương.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 14.

Anh đã đi qua những ngày giông bão như thế nào? Điều gì đã nâng đỡ tinh thần anh trong lúc đó?

- Trong chuỗi ngày u ám ấy, như một người bị trầm cảm, tôi đã tự hỏi "Tại sao mình phải khiếp sợ cảnh tù đày nhỉ?". Là một nhà báo, lại là một nhà văn thì hãy cứ coi đấy như một "chuyến đi thực tế" để quan sát, trải nghiệm, để lấy tư liệu, vốn sống cho những trang viết sau này sống động hơn, máu thịt cuộc đời hơn thì có gì phải ngại!?

Tôi nghĩ như vậy và tự coi mình như một phóng viên chiến tranh được tòa báo cử ra mặt trận nóng bỏng nhất ở Trung Đông hoặc Afghanistan để viết tin bài và có thể sẽ gặp nguy hiểm. Có thể lắm chứ, cứ cho vậy đi và tháng ngày một nhà báo như tôi gặp hoạn nạn trên chính quê hương mình chắc còn dễ chịu hơn nhiều so với sự tàn khốc sống còn nơi chiến trường của các phóng viên chiến tranh thực thụ. Tôi nghĩ thế và thấy thanh thản, nhẹ nhàng hơn.

Sau 251 ngày bị giam giữ, anh được trả lại tự do, trở về công tác ở Báo Thanh Niên và được trả lại thẻ nhà báo. Người ta thường nói "chim bị cung sợ làn dây cong". Có lúc nào đó mà anh nghĩ mình chùn bước trước sự đấu tranh chống tội phạm không?

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 15.

- Tôi trở về làm báo và lại tiếp tục lao ngay vào các vấn đề nóng. Những cái đã làm nên "thương hiệu" của tôi. Làm báo, tôi không ngại một vấn đề gì cả. Thậm chí sau khi tôi về, tôi vẫn theo dõi diễn biến tiếp sau của vụ án PMU18.

Có nhiều khi cũng nản lòng đấy nhưng tôi không hề chùn bước, không chịu khuất phục và chỉ có thể nói bằng mấy câu thơ sau:

Xin đừng hỏi vì sao ta gục ngã

Ta yêu thương như Mẹ - núi sông này

Khi ngay thẳng sống làm người thật khó

Ta dọn mình cho bữa tiệc đắng cay

Khi số phận chọn ta làm ngọn bút

Phất lên đầu sóng dữ một bài ca

Ai biết được ta sẽ chìm tận đáy

Rồi vượt lên bao bất hạnh, trầm kha

Tôi được biết trong tù anh vẫn làm thơ. Tôi vẫn cứ thắc mắc là làm thế nào mà anh có thể viết được và nhớ được những vần thơ như vậy?

- Đây là một điều rất thú vị. Ngay buổi chiều ngày tôi bị bắt giữ, tôi đã nghĩ ra chuyện "viết trong tù". Tôi nói với một số anh em báo là mua giúp tôi ít bánh mì kẹp thịt để ăn chiều hôm đó và mua mấy lọ thuốc ghẻ Xanh methylen. Nhưng thật ra trong thâm tâm tôi nghĩ đây là một loại mực mà có thể vào đó mình sẽ có mực để viết.

Tôi xin bạn tù quyển sách, lấy tăm làm bút, đêm đêm trùm màn kín, âm thầm làm thơ, viết trên những cuốn tạp chí, hay lề của cuốn sách. Viết xong tôi lại lấy cơm dán lại. Tôi nghĩ rằng mình phải làm những bài thơ để sau này ra sẽ công bố ngay.

Bài thơ đầu tiên anh viết sau khi ra tù là bài gì?

- Sau khi ra tù, tôi đi thực tế tại quần đảo Trường Sa. Khi thực tế ở đây, với một nhãn quan của người làm báo (tức là có thể thấy trước được và có thể dự đoán được), cùng với trái tim của một người yêu nước, tôi đã phát hiện và thấy ngay rằng, có lẽ từ nay, vấn đề tồn vong của đất nước sẽ hướng về phía biển. Chúng ta có giữ được đất nước trọn vẹn hay không chỉ có thể là giữ được biển đảo của Tổ quốc. Tứ thơ đó đến rất nhanh. Tôi viết bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, đặt ngay vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa lên trên đầu.

Tổ quốc nhìn từ biển - chính là điểm nhìn, một điểm nhìn mới. Trước đây khi nói đến chiến tranh, người ta hay nói về Trường Sơn. Thì hôm nay, lại có một hướng nhìn mới - Tổ quốc nhìn từ biển. Đấy là xác định một tư thế, tầm nhìn của một thời đại mới trong thi ca để nhìn lại một vấn đề của đất nước.

Thật ra khi viết bài thơ đó tôi không ngờ đã gây hiệu ứng rất lớn như vậy. Và tôi cũng nhận ra một điều rằng, thi ca yêu nước lúc nào cũng nằm trong tâm hồn người Việt. Nếu trong thời điểm cam go của đất nước, thời điểm thử thách của dân tộc, đất nước đứng trước mọi hiểm họa lớn thì những bài thơ yêu nước luôn luôn là ngọn sóng thi ca, lay động cảm xúc, lay động tâm can của con người.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 16.

Có sự mâu thuẫn nào trong con người anh không, khi một bên là con người thơ đầy cảm xúc lãng mạn, một bên là con người làm báo đầy bản lĩnh và quyết liệt. Anh thích con người nào của mình?

- Đây là cũng là một điều khá đặc biệt, bởi trước khi trở thành một nhà báo điều tra, tôi đã là một nhà thơ. Bên cạnh con người văn chương là con người báo chí. Hai con người đó có sự liên quan, tương tác, hỗ trợ cho nhau. Những thông tin báo chí có thể sẽ trở thành những thông tin văn chương nếu nhìn ở góc độ nào đó mà nó giúp cho cái nhìn của nhà thơ cũng gần với thời cuộc, mang tính thời sự hơn. Và cũng có khi con người thơ tương tác trở lại. Nó mang tới cho người làm báo những xúc cảm, những suy ngẫm về đời sống con người, về cuộc đời một cách đời hơn. Con người nào đối với tôi cũng rất quan trọng.

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 17.

Cuộc sống sau khi về hưu của anh, có đủ "thú vị" và "sắc màu" như thời kỳ anh còn công tác không?

- Cũng thú vị và đầy chất báo chí khi tôi vẫn được một tờ báo giao cho việc biên tập và lo bài vở cho 2 ấn phẩm. Sau mấy năm tôi về làm trang báo điện tử của Hội Nhà văn và vẫn theo sát các diễn biến thời sự nóng.

Thời gian qua tôi làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội rồi phụ trách mảng sáng tác và công tác nhà văn trẻ. Giờ, tôi dành thời gian cho sáng tác và chuyện văn chương.

Khi ra khỏi trại giam, anh và Tướng Phạm Xuân Quắc có thường gặp nhau không?

- Tôi đã 2 lần về Hải Dương thăm thiếu tướng Phạm Xuân Quắc như thăm lại "cố nhân xưa" cùng thời hoạn nạn. Tướng Quắc rất thích bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" tôi viết sau chuỗi ngày hoạn nạn. Tôi đã tặng ông tập thơ có bài thơ đó. Và tôi không ngờ vị tướng già ngày xưa đó, lại trở thành bạn đọc thi ca của mình. Hóa ra quãng đời khi tôi làm báo, chúng tôi đã thăng trầm cùng nhau nhưng rồi thi ca lại nối kết những trái tim cảm xúc lại với nhau.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 18.
Nhà báo điều tra Nguyễn Việt Chiến: Những chuyện hy hữu bên lề vụ án "trùm" xã hội đen Năm Cam và vụ PMU 18 - Ảnh 19.