Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

BÁC HỒ "BẮT MẠCH"
BỆNH CỦA ĐẢNG TỪ 65 NĂM TRƯỚC

Cách đây 65 năm, vào tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Đây là một tác phẩm chuyên đề về xây dựng Đảng và công tác cán bộ, qua thời gian vẫn bền sức sống, nổi tiếng về giá trị tư tưởng. Nhà xuất bản Sự thật đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách này lần đầu vào năm 1948, và sau đó cuốn sách này được tái bản nhiều lần, đến năm 1959 đã tái bản lần thứ 7.
“Sửa đổi lối làm việc” là cuốn sách không dày, chỉ với trên 26.700 chữ, nhưng có giá trị giáo dục rất lớn trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Ngay trong cuốn sách này, Bác Hồ nhấn mạnh vai trò của cán bộ, và vị thế mọi cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu phải coi trọng sửa đổi lối làm việc: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”.

Có một thực tế làm cho mọi người đều ngạc nhiên, đọc “Sửa đổi lối làm việc” của Bác Hồ viết cách đây đã 65 năm, nhưng nội dung và những vấn đề mà vị lãnh tụ cách mạng của dân tộc chỉ ra đã thể hiện tầm nhìn xa rộng, một tiên tri, dự đoán kỳ diệu.

Đọc hết cuốn sách, có cảm tưởng Bác Hồ viết cuốn sách này là cho hôm nay, nêu lên những thực trạng còn đặt ra cấp bách, gay gắt, phức tạp và vô cùng nan giải trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ hiện nay.

Những “căn bệnh” trong Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong cuốn sách này đúng như Nghị quyết Trung ương 4 (16-1-2012) đã mạnh dạn, thẳng thắn nêu: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.

Mọi người đếu biết rằng, những “căn bệnh” trong Đảng Cộng sản mà Bác Hồ đưa vào cuốn sách không phải thực trạng của thời điểm 1947, mà mang tính thời sự ở ngay thời điểm hiện nay, năm 2012. Đó là sự tiên tri kỳ diệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vào những năm đầu nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ có một Đảng lãnh đạo thực sự mang bản chất tốt đẹp vốn có của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đang chịu nghèo, chịu nhiều gian khổ dồn sức vượt qua muôn vàn khó khăn để cùng toàn dân “kháng chiến, kiến quốc”. Như mọi người đều biết trong tình thế lúc bấy giờ, tính mạng dân tộc, chế độ xã hội dân chủ do giai cấp công nông non trẻ lãnh đạo đang rơi vào cảnh huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi đó, nước ta mới giành được độc lập dân tộc, “Đảng số” lúc đó chỉ có trên 1.500 (Đảng Cộng sản Đông Dương). Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, thì chỉ 20 ngày sau, đêm 22 rạng 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Nhân dân Nam bộ đã anh dũng đánh địch bằng những vũ khí thô sơ, bằng ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm, quyết tâm giữ vững quyền tự do độc lập cho dân tộc.

Nhân dân miền Bắc và miền Trung ủng hộ cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Sách lược của ta đối với quân Tưởng và Pháp trước và sau Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 là: “Hoà hoãn với quân Tưởng Giới Thạch, nhân nhượng cho quân Tưởng một số quyền lợi kinh tế, cho bọn việt gian (Việt Quốc, Việt Cách) tay sai của Tưởng 70 ghế trong quốc hội; đồng thời tập trung đánh Pháp ngay từ khi chúng mới đổ quân vào Sài Gòn. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân ta phải gồng mình lên, khi miền Bắc vừa thóat khỏi trận đói kinh hoàng nhất trong lịch sử, miền Nam chưa kịp ngơi tay để hưởng tự do độc lập đã phải trực tiếp đương đầu với cuộc xâm lăng mới của thực dân Pháp. Đảng ta lúc đó bị đặt trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn "ngàn cân treo sợi tóc" như đã nêu là vì vậy. Phải nói rằng những căn bệnh phát sinh trong Đảng thời nay, khi đó hầu như chưa bộc lộ triệu chứng gì, kể cả những loại bệnh trong đội ngũ cán bộ đảng viên mà Bác Hồ nêu trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”.

Ngay trong phần đầu “Phê bình và sửa chữa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ và đảng viên ta vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa. Từ nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta phải chú ý cảnh giác, phòng ngừa và cần nhanh chóng có “thuốc trị” 3 căn bệnh chủ yếu dẫn tới làm mất tư cách người cách mạng là: Bệnh về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bệnh chủ quan; về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi, xa dân; khuyết điểm về cách nói và cách viết, thích khoa trương thành tích, báo cáo không trung thực, chạy theo thành tích, tức là ba hoa. Bác khẳng định: “Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng. Phải cố sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khoẻ, bình an”.

Đặc biệt, khi nói về phận sự Đảng viên, tức là việc thực hiện nhiệm vụ của dảng viên, cùng với việc tu rèn đạo đức, lối sống của đảng viên, Bác Hồ đã nêu lên là mọi cán bộ đảng viên phải hội tụ đủ 5 đức tính là: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Và nếu ai chưa hội đủ 5 đức tính trên là coi như có bệnh. Bác chỉ ra những thứ bệnh đó là: Bệnh cá nhân chủ nghĩa, lợi dụng to quyền, mạnh thế, cái gì cũng muốn vơ lợi về cho cá nhân, gia đình, vợ con dòng tộc của mình. Bác nêu thẳng thắn: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ "chí công vô tư", cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân”. Với bệnh cá nhân chủ nghĩa, Bác Hồ đã căn dặn rằng, muốn chữa bệnh này, trước hết mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải hoàn toàn phục tùng lợi ích của Đảng. Không nên có mục đích cá nhân. Không nên vì cá nhân mà yêu cầu Đảng cái này cái khác. Sau này, Bác Hồ còn viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Trong quan điểm của người, do chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ ta làm hỏng đủ chuyện, hư hỏng về đạo dức, tác phong, lối sống, mất hết phẩm chất cần có ở một người cộng sản. Người cho rằng Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là "tính Đảng".

Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Lợi ích của Đảng cũng là lợi ích của dân tộc, không có gì mâu thuẫn nếu Đảng là một tổ chức cách mạng chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân . Sự phát triển và thành công của Đảng, một mặt tức là thành công của dân tộc, một mặt tức là thành công của đảng viên. Vì vậy, chỉ có khi Đảng thành công và thắng lợi, thì đảng viên mới có thể thành công và thắng lợi. Chính vì vậy mà đảng viên cần phải hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng. Nhất là những cán bộ, đảng viên càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Hơn nữa, đảng viên còn phải làm gương cho tất cả quần chúng noi theo. Trước đây, người dân sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Đảng, hi sinh bản thân mình vì tồn vong của dân tôc trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ngày nay, trong điều kiện thời bình, cuộc chiến đấu với nghèo nàn, lạc hậu , tham ô, tham nhũng cũng phức tạp không kém vì quan hệ "địch-ta" với giặc nội xâm nằm ngay trong tổ chức của Đảng, có không ít đảng viên thoái hóa, biến chất, hà hiếp nhân dân...làm giảm uy tín của Đảng, đánh mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc CNH-HĐH.

Những căn bệnh phổ biến của đảng viên mà Bác Hồ đã chỉ ra có thể tóm tắt như dưới đây:

Bệnh tham lam: Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình, vơ vét công quỹ, tham ô, tham nhũng.

Bệnh lười biếng: Không hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, khoán trắng cho cấp dưới và bộ máy cơ quan, lấy an nhàn cho cá nhân mình. Làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn. Gặp dân chúng thì không gần gũi, không hỏi han, không tuyên truyền, không giải thích. Xem như dân chúng không có quan hệ gì với mình. Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích. Những tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời dân chúng.

Rồi các bệnh như: Bệnh kiêu ngạo, bệnh háo danh. bệnh tùy tiện, thiếu kỷ luật, coi thường pháp luất, làm sai pháp luật; bệnh có đẩu óc hẹp hòi, óc địa phưng, óc lãnh tụ…Và còn những bệnh khác như: Bệnh "hữu danh, vô thực"; bệnh kéo bè kéo cánh thành phe nhóm. Bác yêu cầu mọi cán bộ đảng viên phải rất cảnh giác với thứ bệnh này, theo Bác: “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa (bây giờ thường gọi là nhóm lợi ích-BVB). Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ.

Và tiếp đến, qua “bắt mạch” cái sẽ xảy ra với Đảng như những yếu kém, tồn tại làm suy thoái, giảm uy tín Đảng cầm quyền, Bác còn kể ra những bệnh như: Bệnh cận thị, không trông xa thấy rộng; bệnh tị nạnh, cái gì cũng muốn mình phải được hưởng lợi hơn người; bệnh xu nịnh, a dua, bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp, v.v.

Bác Hồ đã cảnh báo thứ bệnh không trung thực trong khi thừa hành nhiệm vụ, “làm láo, báo cáo hay, báo cáo lông bông, báo cáo gian dối. Thành công ít, thì xuýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Các thứ bệnh mà Bác Hồ có tầm nhìn xa rộng, tiên tri từ 65 năm trước, nay còn đầy dẫy trong Đảng ta, có bệnh trở thành “tứ chứng nan y” đã lâu rồi. Bác chỉ rõ là: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”. Những thứ bệnh xuất hiện trong “cơ thể Đảng, cơ chế chính trị-xã hội” mà Bác Hồ đã bắt mạch, tiên đoán từ 65 năm trước cũng được nêu trong nội dung Chỉ thị về “Tổ chức nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức trong các tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", "Di chúc" và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung vào các phẩm chất "Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư", ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí”.

Từ gần 5 năm qua, các cấp bộ Đảng từ Trung ương đến địa phương đã dồn sức tổ chức sâu rộng đến từng đảng viên “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, theo Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7-11-2006 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X: “Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Có rất nhiều hình thức tổ chức học tập phong phú, đa dạng, cần nhiều sáng kiến sinh động hiệu quả và tuyệt đối tránh làm để lập thành tích, phô trương phô diễn hình thức ! Học tập là rất cần, nhưng vấn đề đi đến mục đích cuối cùng là phải làm theo, noi theo tấm gương Bác Hồ.

Trong thực tế, ai cũng thấy tuy học nhiều, nhưng cán bộ đảng viên ta làm theo còn ít lắm, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn khá nhiều, có những mặt ngày càng nghiêm trọng. Thiết nghĩ, trong thực trạng nhiều mặt còn yếu kém của Đảng ta hiện nay, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 4, không cần phải nhiểu nội dung, tài liệu, chỉ cần học cho kỹ, phân tích cho sâu, soi rọi để tự chỉnh đốn mà trị cho hết các “căn bệnh” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” là quá đủ rồi.

Trong cuốn sách quý này, 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết T.Ư 4 nêu ra cũng đã được Bác Hồ phân tích rất kỹ, chỉ dạy cách làm rất cụ thể và rõ ràng, thực sự thấu đáo và có lý, có tình. Đây cũng là cách thiết thực và có trọng tâm, trọng điểm trong cuộc chỉnh đốn Đảng lần này, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Người; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã đánh giá: “Nguyên nhân về sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, bất chấp đạo lý, dư luận; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu… Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm, gian giảo, xảo quyệt; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân được”. Như trên đã nêu, để khắc phục và loại trừ những nguyên nhân làm cho Đảng ta bị mất uy tín lãnh đạo, bị yếu đi, suy giảm sức chiến đấu, chỉ cần học và thảo luận cho kỹ cuốn “Sửa đổi lối làm việc” là quá đủ rồi.

Bùi Văn Bồng

5/2012