Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Quán cơm 2000: Những tấm lòng nhân ái


Xin nói ngay rằng “2000” ở đây là hai ngàn đồng, chứ không phải năm 2000. Bạn có thể mua gì với số tiền đó? Chắc không nhiều. Ấy thế mà có một nhóm chủ trương lập nên những nhà ăn (eatery), và khách hàng chỉ trả 2000đ để có một bữa ăn đạm bạc. Tôi quen biết một chị trong nhóm chủ trương, và cũng có dịp đến tận nơi để tìm hiểu, và đây là vài ghi nhận cá nhân.

Trong những chuyến đi công tác ở VN, tôi làm quen với một số bạn trong các công ti dược quốc tế. Đó là những người rất năng động, những người rất business. Nhưng trong số những người đó, có một người tôi mới quen sau này mà tôi muốn viết ra vài dòng, vì người này rất đặc biệt. Chị ấy tên là K, làm việc cho công ti dược lớn nhất ở VN hiện nay. Chồng chị ấy cũng làm trong ngành y, và từng theo học vài lớp học do tôi đảm trách. Chị ấy rất xông xáo trong những lớp học CME. Chị ấy còn là một “thư kí từ xa” cho tôi. Những lần công tác bên VN tôi rất bận. Có những chuyến bận ngay từ ngày đáp xuống phi trường cho đến ngày lên máy bay về Sydney, và có khi tôi không nhớ mình sắp làm gì hay đi đâu. Và, tôi đều cho các đối tác xem lịch trình để biết. Thế là lâu lâu chị ấy điện thoại nhắc tôi nên sắp làm gì và sắp đi chỗ nào. Thú thật, có khi nhận điện thoại mà thót ruột vì thời gian quá cận kề :-).
Nhưng chị ấy đặc biệt ở chỗ tấm lòng. Thoạt đầu quen chị ấy, tôi vẫn nghĩ chị cũng như bao nhiêu người khác làm business, cái mục tiêu chính và trên hết là làm lời cho công ti. Công ti thương mại, chứ có phải là nhà từ thiện đâu. Nhưng sau vài lần nói chuyện, tôi thay đổi nhận xét chung chung đó; chị ấy đúng là người mà nói theo Trịnh Công Sơn là sống ở đời cần có một tấm lòng. Chị đúng là người có tấm lòng với xã hội, với những người nghèo khó trong xã hội. Chị là một trong những sáng lập nhà ăn 2000 đồng ở Sài Gòn, và mới đây nhất là ở Cần Thơ. Tôi không biết chị lấy tài trợ ở đâu để có thể “nuôi” sống những quán ăn này, nhưng việc làm của chị quả thật làm tôi cảm phục.
Hôm đó, chúng tôi đi Cần Thơ, và chị ấy muốn giới thiệu quán 2000 đồng mới khai trương. Quán nằm sâu trong một con hẻm, nhưng xe bốn bánh vẫn vào được. Bề ngang quán chỉ độ 5 mét, bề dài khoảng 30 mét gì đó. Phía ngoài đông nghẹt khách đang ngồi ăn, phía ngoài thì hàng tốp người đang đứng xếp hàng chờ đến phiên mình được phục vụ. Phục vụ là những em sinh viên tình nguyện. Ngay cả em phụ trách giữ xe cũng là thiện nguyện. Bữa ăn có đầy đủ cơm, món kho mặn, món soup, và cả salad nữa, nói chung là đủ dinh dưỡng. Phía sau quán là hàng đống hàng hoá, thịt thà, rau cải, v.v. đang chờ chế biến. Khu vực nấu ăn xem ra cũng thứ tự và sạch sẽ. Trong cái nắng hừng hực và nhìn những người (tôi đoán là thành phần lao động) ngồi ăn một cách ngon lành làm mình vừa vui vừa buồn. Vui là vì quán đã phục vụ cho những người nghèo, và buồn là vì giờ này mà vẫn còn quá nhiều người nghèo. Đây là thành phố Cần Thơ, còn trong quê thì biết bao nhiêu người nghèo khác. Thôi thì đâu thể lo hết cho mọi người, làm được cái gì hay cái đó.
Hai ngàn đồng ngày nay mua được gì? Không mua được một li cà phê lề đường. Cao lắm là mua được một nấm xôi lề đường. Nói đến đây tôi chợt chạnh lòng khi nhớ đến hôm ghé qua khách sạn Imperial ở Huế, lúc đó là buổi tối gần 10 pm, đói bụng, nên lên nhà hàng kiếm món ăn. Nhìn qua bảng gía, tôi “tá hoả” khi thấy một tô bún bò huế giá 80 ngàn, một li bia giá 90 ngàn! Dĩ nhiên, đây là giá của khách sạn 5 sao, không thể khác hơn được. Ôi, làm sao tôi có thể chi ra số tiền này, khi ở ngoài kia, mấy người đạp xích lô chỉ làm được một trăm ngàn một ngày (và đó là đã cao). Tôi quyết chí: thà đói chứ không ăn. Đấy, 2000 đồng thì chỉ là số lẻ cho những buổi ăn sang trọng (thật ra, cũng chẳng có gì sang trọng) như thế. Tôi hỏi chị tại sao 2000 đồng, mà không là 5000 hay thậm chí 0 đồng? Chị nói cái giá 2000 đồng chỉ là tượng trưng, để người khách không mặc cảm là ăn xin, mà có trả tiền đàng hoàng. Thật ra, để có một bữa ăn như thế đúng ra phải là 20,000 đồng, nhưng vì có sự tài trợ của các nhà hảo tâm và nhất là công sức của những người chủ trương nên có thể giữ cái giá đó cho bà con.
Trong thời đại người ta bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua một tô phở, hay vài ngàn USD để có một chai rượu cognac, thì những việc làm của chị K và đồng nghiệp của chị quả thật đáng trân trọng. Winston Churchill từng nói một câu (mà tôi chỉ nhớ lỏm bỏm) rằng you can make a living by what you get, but you can make a life by what you give. Chị K đúng là người make a life vậy.

Ghi chú:
Quán cơm 2000 ở Cần Thơ: Số 8A3, Hẻm 3T2, đường 30-4, Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Mở cửa: Thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần. Từ 11 giờ đến 13 giờ.


Ấm áp cơm 2000 đồng

 

Khi nghe tôi kể có quán cơm chỉ bán với giá 2000 đồng, mọi người đều tròn mắt ngạc nhiên. Có mặt tại quán vào đúng giờ cao điểm của bữa trưa, mới thấy, đúng là trên đời này còn quá nhiều tấm lòng thơm thảo.

DĨA CƠM LÚC ĐÓI LÒNG
Sài Gòn có 2 quán cơm giá 2000 đồng. Quán cơm thứ nhất trước đây ở cư xá Lữ Gia, Q.11, nhưng bây giờ đã thay đổi địa chỉ vế 56/21 đường 281, P.15, Q.11. Quán cơm thứ hai thì vẫn tồn tại ở địa chỉ số 14/1 Ngô Quyền, Q.5. Quán cơm tại đường 281 bán cơm vào những ngày 2-4-6, còn quán cơm trên Ngô Quyền thì duy trì bán vào ngày 3-5-7. Cả hai quán đều do thành viên diễn đàn http://www.nguoitoicuumang.com/ tổ chức và quản lý.






























Khi tôi tới, con hẻm 14 Ngô Quyền đã chật cứng xe đạp. Chiếc xe gắn máy của tôi ngày thường bình dị trên đường là thế, mà bây giờ bỗng trở nên cồng kềnh và lạc lõng, khiến tôi thấy quá đỗi mắc cỡ. Khách tới ăn đã xếp hàng dài từ cuối hẻm ra đầu hẻm. Những sinh viên tình nguyện hướng dẫn cho khách nhiệt tình chỉ dẫn: “Dì ơi, bác ơi, để xe chỗ này”. “Ông ơi, bà ơi, nơi này còn trống chỗ”.

Cái nắng nóng gay gắt cuối mùa khô của Sài Gòn khiến chúng tôi đều nhễ nhãi mồ hôi. Tôi đứng cùng hàng với mọi người. Phía trước tôi là cậu bé bị thiểu năng, đi cùng mẹ. Phía sau tôi là một người đàn ông bán vé số đang ho sù sụ như xé phổi. Dù vậy, ai nấy đều rất trật tự xếp hàng đến lượt.
Người đứng thu tiền và phát biểu là anh Nguyễn Hồng Ánh – người quản lý diễn đàn. Cầm trên tay một xấp tiền lẻ (đương nhiên rồi), anh thoan thoắt thu tiền, trả loại tiền dư và phát cho khách một tấm phiếu. Cầm tấm phiếu trên tay, ai nấy đều hớn hở đi vào phía nhà bếp nhận khay cơm và ăn xong thì tự mang khay ra phía bên hông nhà – nơi các em sinh viên tình nguyện đang hối hả rửa chén. Căn nhà chỉ rộng chừng 70m vuông, bàn ghế kê nhau san sát, khá chật, nhưng không ai kêu ca gì. Mọi người ăn uống khẩn trương để nhường cho người khác đang đứng chờ thành dãy dài trong con hẽm.

Dĩa cơm mà người đàn ông đứng phía sau tôi mang ra khá tươm tất: cơm nhiều (điều này quá 1dễ hiểu, vì cả cơm và canh đều được thêm miễn phí), 2 miếng thịt gà kho gừng cháy cạnh và chén canh luộc gà. Với số tiền 2 ngàn đồng, hẳn rằng, ai nấy đều hiểu, các mạnh thường quân đều phải chung tay góp sưc để duy trì những quán cơm này. Không chỉ ở Sài Gòn, mà Đà Lạt và Cần Thơ đều cũng duy trì hàng tuần. Có điều khác biệt, nếu ở Sài Gòn, đối tượng thực khách tới ăn là những người bán vé số, người nghèo lang thang, dân thu mua phế liệu, ve chai, những cậu bé đánh giầy, người già và người mất sức lao động, thì ở Đà lạt và Cần thơ, đa phần là các sinh viên nghèo. Cũng phải thôi, Sài Gòn là mảnh đất sinh nhai của dân tứ xứ. Sài Gòn hào phóng đã bao bọc những tỉ phú xài tiền như nước nhưng cũng không quên những mảnh đời nghèo chỉ đủ ăn những đĩa cơm giá 2 ngàn đồng.

HỌ KHÔNG XIN ĂN
Anh Ánh chia sẻ, 2 ngàn đồng là số tiền tượng trưng. Hoàn toàn không phải thu tiền để bù đắp cho khoản này hay khoản khác. Nhưng tại sao không là 500 hay 1000 đồng? Đơn giản vì không kiếm đâu ra tiền lẻ để thối lại cho khách. Tôi thắc mắc, vậy tại sao không mở quán cơm từ thiện không lấy tiền luôn, để khỏi mất công thu tiền, đổi tiền lẻ hằng ngày? Câu trả lời của người quản lý khiến tôi đỏ mặt: “Người nghèo cũng có lòng tự trọng lắm. Người ta không đi xin ăn, mà bỏ tiền lao động vất vả ra để mua cơm. Cũng có người hết sạch tiền, chả còn đồng nào trong túi, tới bữa vẫn tới ăn, nhưng thay vì nói: “Cho tôi một phần cơm thì lại ngượng nghịu rằng: “Bán thiếu cho tôi một phần cơm nhé!”. Tuần sau, tháng sau, người ta vẫn không quên quay lại trả 2 ngàn đồng để giữ một chữ tín danh dự của con người.”
Không chỉ có người nghèo xếp hàng ăn. Điều ngạc nhiên là có cả những người khá giả cũng tới. Anh Ánh bảo, họ có thể tới ăn một lần cho biết, để âm thầm đóng góp tiền của cho việc duy trì công tác thiện nguyện này nhưng cũng có thể vì thấy giá rẻ quá, đồ ăn ngon quá, nên cứ tới hoài. Không ai nhắc nhở, cũng không ai nói gì, nhưng chỉ một thời gian sau, họ tự động rút lui sau khi được chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh đang chờ đến lượt để ăn lót lòng dĩa cơm cho qua bữa.


THIỆN TÂM
Tôi gặp ở quán cơm đặc biệt này những con người quá đỗi dễ thương. Đó là anh Nguyễn Hồng Ánh từng học Trung cấp Y khoa tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, từ khi vào Sải Gòn sinh sống đã toàn tâm toàn ý đi theo những công việc thiện nguyện. Đó là Trần Tư Hùng, sinh viên năm 3 khoa luật, ĐH Mở Sài Gòn, cùng với Hậu, Nam, Thắng, đều quê ở các vùng đất nghèo Quảng Trị, Quảng Nam, đã ăn, ở ngay tại quán, cùng phục vụ bà con nghèo. Đó là hơn 30 sinh viên tình nguyện mà tôi không thể trò chuyện hết được, có rất nhiều bạn khi vào Sài Gòn để thi đã được tới ăn cơm tại đây và sau khi đậu đại học, cứ nửa buổi đến trường, nửa buổi tới rửa chén bát, nấu ăn, sắp xếp và coi xe cho khách.
Tôi tạm biệt anh Ánh và mấy bạn sinh viên để ra về. Tới đầu hẻm, xe tôi vướng phải chiếc xe lăn của một ông cụ bán vé số bị tật nguyển. Ông không vào trong quán ăn được nên các em sinh viên mang dĩa cơm ra tận ngoài đường để ông ngồi trên xe lăn xúc cơm ăn. Khi nhìn thấy tôi giơ máy ảnh lên, ông cười móm mém với hàm răng đã rụng gần hết nhưng tươi tắn vô cùng dưới cái nắng gắt giữa trưa Sài Gòn.

ĐINH THU HIỀN

(Thế Giới Phụ Nữ 17/2012)