Ba tàu Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng từ 23-27/4/2012
Hạ tuần tháng Tư năm 2012, trong vòng một tuần lễ, Việt Nam tiếp đón hai chuyến thăm của hải quân Trung Quốc với tàu huấn luyện Trịnh Hòa ghé thăm Sài Gòn ba ngày và hải quân Hoa Kỳ với chiến hạm USS Blue Ridge thuộc hạm đội Bảy ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng năm ngày.
Tàu Trịnh Hòa được coi là biểu tượng của sự trỗi dậy hòa bình ở Trung Quốc.
BBC Tiếng Việt đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và được chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học George Mason Hoa Kỳ cho biết nguyên nhân thực chất về bang giao đằng sau các cuộc trao đổi thăm viếng quân sự hải quân của hai cường quốc này ở Việt Nam.
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, chúng là những hoạt động có tính cách biểu tượng mà đằng sau là những chính sách quan trọng.
Cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều muốn chứng tỏ Việt Nam có quan hệ tốt với họ và muốn tạo ảnh hưởng với Việt Nam. Theo tôi, Việt Nam miễn cưỡng trong quan hệ với Trung Quốc.
BBC: Tờ Hoàn Cầu thời Báo số ngày 25/4/2012 có bài viết “Không cần sợ Mỹ trên Biển Đông”, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc không chấp nhận bất cứ đề xuất chính trị nào có liên quan đến Biển Đông mà có sự tham dự của Washington, cũng như bất cứ vai trò trung gian nào mà Washington tìm kiếm giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, Giáo sư bình luận thế nào?
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Tờ Hoàn cầu Thời báo là kênh nói lên tiếng nói của khuynh hướng diều hâu bên Trung Quốc.
Theo tôi, lập trường không muốn Mỹ đóng vai trò trung gian trong tranh chấp biển Đông là lập trường chính thức của chính phủ Trung Quốc.
Nhưng quan niệm “không cần sợ Mỹ trên Biển Đông” không phản ánh sự suy nghĩ thực sự của lãnh đạo Trung Quốc.
Trung Quốc thường xuyên đưa các tàu hải giám ra Biển Đông mà họ gọi là Nam Sa
BBC: Cũng tờ này hôm 25/4 nói “Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc gây sức ép với Manila và Hà Nội do những lo ngại về Hoa Kỳ”, “Trung Quốc nên lựa chọn kẻ khiêu khích hung hăng nhất, tiến hành các cuộc tấn công toàn diện và gây sức ép về cả kinh tế, chính trị và quân sự." Kẻ thủ đó là ai? Và tại sao lập trường này lại được Trung Quốc tung ra lúc này, thời điểm trước đại hội Đảng 18 của họ? Phải chăng cánh quân sự trong Đảng muốn "lấy điểm"?
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Gây sức ép với Manila và Hà Nội là việc Trung Quốc đã làm từ mấy năm nay. Nhất là trong mấy tháng gần đây.
Theo tôi, mục đích là để dò xem phản ứng của Philippines và Mỹ như thế nào để có thể lấn được chút nào hay chút ấy. Dù nhỏ nhưng cũng tạo ra một tiền lệ.
Nếu nói “khiêu khích và hung hăng nhất” lúc này đối với Trung Quốc phải là Philippines.
Nhưng đối tượng chính của Trung Quốc vẫn là Việt Nam vì Việt Nam không có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ như một số quốc gia Đông Nam Á khác.
Và nếu Việt Nam phải nhân nhượng thì các nước khác cũng phải nhân nhượng theo.
'Thực chất quan hệ'
BBC: Hôm 24/4/2012, Việt Nam phản đối Trung Quốc bắt giữ 21 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, tiếp đó lại phản đối “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc' của Trung Quốc bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, khi thăm TQ tháng này vẫn nói “phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và bền vững với TQ luôn là chủ trương nhất quán và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của VN.” Liệu Việt Nam có thể có quan hệ tốt với TQ hay không, nhất là giữa lời nói và hành động của TQ thường có sự khác biệt?
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Lãnh đạo Việt Nam nào sang Trung Quốc cũng đều phải nói rằng quan hệ hai bên tốt đẹp và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Theo tôi, đó là những tuyên bố có tính cách công thức mà cả hai bên đều không tin.
Hành động cụ thể của hai bên mới phản ánh quan hệ song phương và quyền lợi riêng của mỗi nước.
BBC: Tranh chấp trên Biển Đông nói riêng, tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Việt - Trung nói chung thực chất ra sao? Liệu chúng có bị bất cứ bên nào, phe phái nào trong nội bộ của từng nước lợi dụng, hay thổi phồng, để tạo ra lợi thế chính trị giữa các phe nhóm nội bộ? Liệu có sự định hướng dẫn dắt chú y’ dư luận ở trong nước nào hay không. Nếu là nguy cơ thực sự thì, mức độ, khả năng và phạm vi của mối nguy đó tới đâu?
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Thực chất là xung đột quyền lực và quyền lợi giữa hai quốc gia.
Theo tôi, Trung Quốc muốn ép và lấn Việt Nam, muốn Việt Nam đi hẳn theo mình.
Trong khi đó, thì Việt Nam cố gắng cưỡng lại sức ép đó, được phần nào hay phần ấy, trong khung cảnh tương quan quyền lực giữa một nước láng giềng khổng lồ và một tiểu quốc.
Hoàn cầu thời báo nói Trung Quốc có đủ sức mạnh để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
Bên Trung Quốc trong khi có những khó khăn nội bộ, những bất đồng giữa hàng ngũ lãnh đạo cao nhất, điển hình là sự kiện Bạc Hy Lai, trong giai đoạn chuyển giao quyền hành, và mặt niềm tin về ý thức hệ cộng sản, việc làm dễ nhất là khuyến khích tình cảm quốc gia quá khích.
Tình cảm này đang được phe diều hâu Trung Quốc khai thác.
Theo tôi, nếu chính sách khiêu khích và cứng rắn được áp dụng và nếu các nhà lãnh đạo chính trị không kiểm soát được, nó có thể gây ra những đụng độ nhỏ.
Và “cái xảy nảy ra cái ung”, nó có thể tạo ra những phản ứng dây chuyền đe dọa an ninh và ổn định ở Á Châu mà khó ai có thể lường được.