Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Hình như đã qua rồi thời kỳ người ta bàn luận, cân nhắc chọn sống ở miền nào, có hợp với mình hay không, ở đâu làm ăn dễ, thức ăn miền nào mặn, ngọt…
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tặng sách cho bạn đọc.
Bây giờ thì dù sống ở đâu đều có thể nói lên cái dở ở xứ mình mà không tự ái vùng miền hay "vạch áo cho người xem lưng".Năm ngoái, nhà văn Nam Bộ Nguyễn Quang Sáng viết về gái miền Tây. Gặp ông, ông bảo: "Viết xong rồi, nhưng nó... đang ở trong đầu! Tôi viết nhanh lắm. Với "Cánh đồng hoang" tôi đưa bà xã đi đẻ ở Từ Dũ, về viết trong một tuần. "Chiếc lược ngà" viết một buổi sáng, kê ván trên ghe, giữa sông nước mênh mông".
Nhiều người nói ông Sáng chơi không mà vẫn có sách. Ông toàn viết tay, vì nhìn cái máy vi tính không còn hứng. Giấy trắng, cái bút, nó thật, viết tức là chép ra cái đã nghĩ. Uống rượu cũng nghĩ, đi xe cũng nghĩ...
Nguyễn Quang Sáng đi khắp Nam Bộ, là do ông được một công ty mời làm khách trong chương trình tài trợ cho miền Tây 100 cầu bêtông "chứ không thì tiền đâu đi cho hết mọi nẻo, mọi giồng", Ông bảo buồn nhất là những nơi nghèo ấy, xưa là căn cứ cách mạng.
Một ông Hà Nội trong đoàn phát hiện không thấy bóng chiếc áo bà ba nữa. Khăn rằn mất tiệt. Mấy bà già nói móc: Nhiều lắm, trên tivi thiếu gì. Có nhà báo hỏi miền Tây của ông ngày xưa như thế nào, đi xa ông nhớ gì nhất? Ông đáp: "Đó là vẻ đẹp hoang sơ của kênh rạch và bến nước nhà nào cũng có dưới bóng cây dừa, cũng có cái xuồng lúc lắc, có chiếc gáo dừa trên cây cột để múc nước tắm, xưa còn để uống. Chiến tranh bom đạn tơi bời, nhưng bến nước hồn làng không thể mất". "Bây giờ đô thị hóa, ông có tiếc cảnh cũ không?".
Nguyễn Quang Sáng bảo: "Đồng Tháp Mười vẫn mùa nước nổi mênh mông như tôi tả trong "Cánh đồng hoang". Đô thị hóa chưa nhiều, nhưng cách sống đô thị thì tràn ngập. Bi kịch là chỗ đó. Trụ sở cơ quan rất sang, trưng cây kiểng tiền triệu... nhưng tiếc thì cứ tiếc, mà hiện đại vẫn phải hiện đại. Nhưng kẹt là y tế, giáo dục chưa lên. Mừng thấy trẻ đi học, nhưng hết lớp 3, 4 là nhiều đứa nghỉ".
Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam Bộ đã từng sống ở Hà Nội nhiều năm, cho nên "Hà Nội phải nhớ chớ. Phong cảnh thì đẹp quá rồi, khỏi nói". Ông mê đậu phụ Mơ chấm mắm tôm. Khi vào quán sang trọng, ông vẫn kêu đậu phụ Mơ. Ông khen phở Hà Nội ngon, nhưng dở là "Kêu ít bánh nhé, vâng. Cho ít bột ngọt thôi, cũng vâng. Nhưng không làm. Vẫn bát phở y nguyên, làm theo thói quen".
Khi trò chuyện văn chương, ông ghét nhất là ai nói văn chương ngày nay không có tầm cỡ thời đại, vì "biết thế nào là tầm cỡ". Cuộc sống chuyển biến quá nhanh. Trong khi viết văn là hình ảnh đọng trong lòng, phải lâu mới được. Lại có nỗi khổ là nhà văn không thể sống bằng văn chương, phải làm nhiều nghề để sống là thiếu tập trung. Viết văn không tập trung là thua.
Vào dịp tháng tư năm nay, ông vẫn còn phải viết nốt những truyện cuối cùng về nỗi đau gái miền Tây rời bỏ quê hương lên thành thị, xếp hàng xuống tàu, đò bỏ xứ, đông hàng "binh đoàn". Nhưng "có hai việc nó đè mình", đó là ông phải hoàn thành kịch bản 30 tập phim về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và là chủ biên Tạp chí 100 năm bóng đá Việt Nam.
Nhà văn tuổi Tân Mùi, năm nay 82 tuổi, mà không ai "đếm xỉa" đến tuổi già của ông, cứ mời vào việc . Theo ông, người ta mời, mình nói không hoài thì buồn chết cha. Mấy ông lãnh đạo chính trị về hưu chả biết nghề gì, rảnh rỗi đi lang thang, còn mình, sáng đọc báo xong, càphê xong là viết.
"Đời nhà văn sống có gì vui?". "Phải vui vui buồn buồn chứ vui hoài sao được. Tôi có một trách nhiệm phải đi nghe nhạc đều đặn, mà ca nhạc nó tập trung quận 3, phải chạy sang đó. Mình ở quận 7, môi trường trong lành thích, kẹt nỗi bạn bè toàn ở quận 1, quận 3. Phải chạy sang đó. Mà đi taxi, tốn kém". Tiền ông không thiếu, nhưng không dư, con cho thì tùy, không yêu cầu, mình vẫn làm ra. Lương hưu 5 triệu đồng, kiếm thêm mỗi tháng 10 triệu đồng là đủ xài.
Phim "Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt" người ta mời ông viết kịch bản vì "hiếm người biết ông Kiệt nhiều như anh". Thủ tướng biết nhà văn hay uống rượu nên hay mời đến nhậu chơi, nói chuyện, khi nhà văn ở miền Nam ra, Thủ tướng hay tin là cho xe đến rước.
Nguyễn Quang Sáng bảo, trong phim, ông thích nhất đoạn "Ông Kiệt "cãi lệnh" T.Ư khi miền Nam bị o ép khủng bố trước khi có Nghị quyết 15. Lúc làm Chính ủy khu 9, ông Kiệt đánh, nó mới mở ra. "Có mấy chi tiết cực hay": Có thời kỳ thiếu thốn, hết tiền, phải giải tán đoàn văn công. Ông Kiệt về là ra lệnh lập lại văn công ngay.
Theo ông Kiệt, thì "một nhà chính trị nói ai nghe, còn văn công sáng đèn một cái là dân đến ào ào". Đúng như ông nói, đêm văn công biểu diễn, dân lội suối chèo ghe ào ào đến xem.
Theo ông Kiệt, dân ca, ca dao Việt Nam có tất cả triết học trong đó. Bạn ông có con đi nước ngoài, ông hài lòng thấy bạn chuẩn bị hành trang cho con không quên hai thứ quan trọng là tập ca dao tục ngữ (giúp tìm cách giải mọi vấn đề trong cuộc sống) và tập Truyện Kiều (để không quên ngôn ngữ Việt Nam).
Nhà văn sống ở miền Nam, nếu có năng lực và chịu khó làm việc thì không bao giờ ở không. Mà ở xứ này nó vậy, chấp nhận một cách hào phóng, trong vất vả vẫn tìm ra cánh cửa mở. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng khoe ông đã mua một mảnh đất ở Cần Thơ cho con cháu thoát Sài Gòn về đó chơi.
Có người hỏi ông: Như vậy có phải văn nghệ sĩ ở miền Nam, ở Sài Gòn dễ sống hơn miền Bắc, Hà Nội. Ông bảo khó so sánh, nhưng "Nói thế là không đúng. Tôi biết nhiều bạn bè ở Hà Nội giàu bằng nghề tay trái. Văn nghệ sĩ ở miền nào cũng có người rất giàu, người trung bình và luôn có những người nghèo chết cha".
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải