Sáng 24/5, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhập viện để rồi đi mãi. Buổi làm việc chiều 23/5 với giới báo chí, giờ đây, đã là “buổi làm việc cuối cùng” của ông. Hôm ấy, trong cơn mưa không dứt, ông say sưa nói về vai trò của người trí thức trước những vấn đề của đất nước.
> Hàng chục nghìn người tiễn đưa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt/ Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua câu chuyện người trợ lý/ Ông Võ Văn Kiệt từng cứu TP HCM khỏi nguy cơ đói
> Hàng chục nghìn người tiễn đưa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt/ Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua câu chuyện người trợ lý/ Ông Võ Văn Kiệt từng cứu TP HCM khỏi nguy cơ đói
Những ai đã từng biết đến Võ Văn Kiệt, người chứng kiến một đội ngũ trí thức trước năm 1975 hăm hở ở lại Sài Gòn để rồi, sau đó, lặng lẽ rời bỏ Sài Gòn, mới hiểu vì sao ông có thể để lại dấu ấn sâu đậm và được các bậc trí thức quý trọng.
“Để tôi đưa anh đi, đừng vượt biên nguy hiểm”
Năm 1980, trong khi GS Chu Phạm Ngọc Sơn đang đi công tác ở Liên Xô, một người con của ông “vượt biên” không thành. Phải sống ở Sài Gòn thời ấy mới cảm nhận được sự dữ dội của hai từ “vượt biên”. Trở lại Sài Gòn, ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Để cháu đi như vậy, có gì, tôi với anh có tội”. Vợ GS Chu Phạm Ngọc Sơn là một dược sĩ đang làm ở một bệnh viện lớn. Giải phóng, bà được xếp vào thành phần “bóc lột”, bị thay thế bởi một người yếu kém về chuyên môn. Con gái ông, sau này trở thành một bác sĩ giỏi ở Mỹ, những năm ấy, thi vào dự bị y khoa không đỗ. Cho dù giáo sư vẫn quyết tâm gắn bó với chế độ mới, lòng tin của vợ con ông vơi dần.
Biết chuyện, ông Võ Văn Kiệt thỉnh thoảng qua lại, trò chuyện với gia đình GS Chu Phạm Ngọc Sơn, nhưng ông nhận ra mình bất lực. Ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Thôi, anh cứ để cho cô ấy và mấy cháu đi, đi chính thức. Bên đó, có điều kiện cho các cháu học hành. Sau này, nếu các cháu trở về thì tốt, nếu không, tôi với anh cũng được làm tròn bổn phận”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đam mê đọc sách, gắn bó với tri thức. Ảnh: Thu Thủy
|
Cũng trong những năm ấy, ông Kiệt cho gọi tổng thư ký hội Trí thức yêu nước Huỳnh Kim Báu lên dặn: “Anh nghe ngóng, anh em trí thức lỡ “đi”, nếu có bị bắt ở đâu, anh phải đi lãnh về”. Ông Huỳnh Kim Báu nhớ lại: “Một lần, nhận được tin công an Bình Thuận bắt giam kỹ sư Dương Tấn Tước về tội vượt biên, ông Kiệt cấp giấy cho tôi, ra Bình Thuận “di án” về TP HCM thụ lý”. Ông Báu kể, khi bước vô trại giam, anh Tước thấy tôi, mừng quá định kêu lên, tôi phải giả vờ làm mặt lạnh, bước tới, còng tay anh Tước. Dọc đường, tôi cứ phải làm thinh mặc cho kỹ sư Dương Tấn Tước ngơ ngác. Qua khỏi Bình Thuận, tôi mới mở còng và giải thích.
Đích thân ông Kiệt nhiều lần đến các trại giam để bảo lãnh các trí thức. Theo ông Phạm Văn Hùng và Nguyễn Văn Huấn, hai người giúp việc thân cận thời đó của ông, hình thức “xử lý” đối với những trí thức vượt biên của “anh Sáu Dân” là kêu tụi tôi đích thân đi làm lại hộ khẩu và sổ gạo cho họ. Một trong những trí thức mà ông Kiệt rất quý trọng là kỹ sư ngành dệt Phạm Văn Hai. Khi ông Hai vượt biên bị bắt, ông Kiệt vào trại giam nói: “Khi nào không ở lại được nữa hãy nói với tôi, anh đừng đi như thế, nguy hiểm lắm”.
“Nước đâu phải là chuyện của trí thức”
Ông Võ Văn Kiệt nhiều lần tâm sự, ông hiểu phần lớn những trí thức chọn ở lại sau ngày 30/4 không phải vì họ bị “kẹt”. Ông biết nhiều người có trong tay cả một chiếc máy bay đã cất cánh nhưng không thể nào rời bỏ Việt Nam được. Nhiều người, như giáo sư Châu Tâm Luân, đã từng là một “kẻ chống đối” trong chế độ cũ. Kết thúc chiến tranh là một cơ hội mà phần lớn người dân miền Nam lúc ấy hy vọng sẽ nhanh chóng thống nhất được lòng người để xây dựng một đất nước ấm no hạnh phúc. Nhưng, ông hiểu vì sao chính những người đó về sau đã “vượt biên”.
Ông Đặng Anh Võ, một chuyên gia trong ngành viễn thông, do từng phục vụ trong quân đội, sau 1975, phải đi “học tập” một thời gian. Cũng như nhiều trí thức lúc đó, ông Võ phải làm đủ nghề để kiếm sống. Ông, một người lãnh lương gần 4 cây vàng một tháng hồi trước 1975, kể lại cuộc sống về sau trong tập sách Những trang đời do hội Nghiên cứu dịch thuật xuất bản: 16:30 tan sở; 17:00 đến Trung tâm ngoại ngữ; 21:00 về, ăn qua loa rồi phụ vợ gọt thơm, gọt ổi để sáng còn kịp đi bỏ mối. Nhiều hôm, 21:00 dạy ra, bánh xe bị xẹp, phải dắt bộ 9 km về nhà tự vá để tiết kiệm 3 đồng! Nhưng, sự khốn khó của cuộc sống không phải là tất cả.
Ông Huỳnh Kim Báu kể, năm 1978, khi có nhiều trí thức bỏ nước ra đi, ông Võ Văn Kiệt đã gặp gỡ trí thức thành phố, kêu gọi họ ở lại. Ông nói: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường”. Lúc đó, GS Nguyễn Trọng Văn đứng lên trả lời ông: “Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người ra đi không phải là chúng tôi”. Câu nói của GS Nguyễn Trọng Văn gây rúng động.
Tối hôm ấy tại văn phòng Thành ủy có một cuộc họp, Huỳnh Kim Báu được mời dự. Các ý kiến phê phán GS Văn hết sức gay gắt, có người đề nghị: bắt! Ông Báu kể, Sáu Dân làm thinh, nhưng cặp mắt đăm chiêu, buồn. Cuối cùng, ông nói: “Sau khi nghe anh Văn nói, tôi cũng bị sốc, rất sốc. Nhưng rồi suy nghĩ, tôi thấy, anh Văn đã phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì rõ ràng người ra đi không thể là các anh ấy”. Kết luận của “Sáu Dân” khiến cho mọi người im lặng và nhờ kết luận đó, GS Nguyễn Trọng Văn đã không bị bắt.
Năm 1977, một lần, hệ thống nước máy của thành phố bị đục, ông Võ Văn Kiệt mời các nhà trí thức tới hiến kế. Nhiều người phát biểu, riêng ông Phạm Bửu Tâm ngồi im. Ông Kiệt hỏi: “Sao vậy anh Tâm?”. Ông Phạm Bửu Tâm là một nhà giáo dục rất được kính trọng. Ông Tâm cũng rất quý ông Kiệt, nhưng có lẽ là đã dồn nén lâu lắm, ông đứng dậy nói: “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khoẻ, vì cái gì cũng đã có mấy anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh, đâu phải chuyện tụi tui”.
Những câu nói như vậy không làm cho ông Võ Văn Kiệt, lúc đó đang nắm “quyền sinh quyền sát” tại thành phố, để bụng. Ông nhận thấy ở đấy sự đau đớn của giới trí thức. Ông biết, những người như kỹ sư Phạm Văn Hai không chỉ tiếc những tài sản bị “cải tạo”, mà còn không chịu được khi nhìn những nhà máy bị quản lý cẩu thả, chất lượng sản phẩm xuống cấp. Những người như GS Châu Tâm Luân, Dương Kích Nhưỡng thì xót xa về một vấn đề khác lớn hơn. Ông Kiệt kể: Anh Dương Kích Nhưỡng nói với tôi, “Ý của các anh rất tốt nhưng các anh không làm được”. Tôi hỏi vì sao, anh Nhưỡng nói, “Đất nước phải được quản lý theo luật”. Cho tới hàng chục năm sau, khi nhớ lại thời điểm này, ông Kiệt nói: “Đau lắm, để họ ra đi là đau lắm! Nhưng, mình biết, cái cách của mình lúc ấy không thể nào giữ được họ”.
Khát khao tri thức
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ông Võ Văn Kiệt chưa bao giờ được đến trường một cách chính thức. Từ năm lên sáu, lên bảy tuổi, ông Kiệt, khi ấy có tên là Phan Văn Hòa, Chín Hòa, thường theo cha nuôi lênh đênh đi gặt mướn cho các điền chủ dọc sông Tiền, sông Hậu. Công việc của Chín Hòa là giữ ghe hoặc “mót” lúa. Năm tám tuổi, Chín Hòa mới được đi học. Lớp học do những gia đình trung nông, địa chủ, sau ngày mùa, cất trại, rước thầy về dạy, nên tiền học chỉ phải trả “rất nhẹ”. Ông Hai Mẹo, một trong hai người thầy “dạy mùa” của Chín Hòa, kể: “Năm 1932, lấy được cái certificat, tôi về Đình, ông chú thấy tôi có chữ, kêu tôi dạy cho trẻ con lối xóm. Chín Hòa, thông minh và ăn nói lễ độ lắm. Nhưng dạy được hai năm thì tôi cũng hết chữ, rồi thôi”. Lớp học thứ hai của ông là do những người truyền giáo tới ấp Bình Phụng, quê ông, mở. Ông học ở ngôi trường này khoảng một năm. Tuy nhiên con đường tìm kiếm tri thức của ông Võ Văn Kiệt không dừng lại ở đấy.
Khi tham gia cách mạng, được dự những cuộc họp của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, nghe những bậc trí thức như Nguyễn Văn Hưởng, Ung Văn Khiêm, Phạm Ngọc Thuần… nói, ông Võ Văn Kiệt thấy có một khoảng cách rất rõ giữa mình và những bậc trí thức đó. Ngay từ trong kháng chiến, ông đã miệt mài đọc sách và học hỏi từ những bậc trí thức, cho dù có nhiều người chỉ là cấp dưới của ông.
Sau ngày 30/4/1975, ông không mang nguyên cái “thế” của một nhà lãnh đạo kháng chiến xuất sắc từ trong rừng trở về. Ông không ngần ngại học hỏi từ những người trí thức Sài Gòn cũ. Trong đó có những người đã từng là quan chức cao cấp trong chế độ Sài Gòn như tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh… Ông nhìn thấy ở họ phẩm chất của những người yêu nước và rất tự trọng. Hồi đó, một vị lãnh đạo thấy ông gần gũi với những quan chức cao cấp của chế độ cũ, muốn giữ cho ông, nói: “Đó là CIA đấy”. Ông trả lời: “Lúc nào anh đủ bằng chứng họ là CIA hãy đưa tôi, chính tôi sẽ bắt họ”. Những kiến thức về kinh tế thị trường của các ông như Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Xuân Oánh, những người đã từng là phó thủ tướng trong chế độ Sài Gòn, và của nhiều bậc trí thức Sài Gòn khác mà ông có dịp tiếp cận rất sớm, tuy ngay lúc đó chưa dùng được nhưng về sau đã rất hữu ích với ông.
Năm 1989, khi ông đang là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng, được giao chủ trì công tác cải cách hệ thống ngân hàng, ông Kiệt đã thiết lập một nhóm chuyên gia bao gồm cả những người đã từng hoạt động trong hệ thống ngân hàng Sài Gòn. Hai “tác giả” chính của pháp lệnh Ngân hàng thời đó chính là hai chuyên gia được ông mời từ Sài Gòn ra: ông Huỳnh Bửu Sơn và ông Lâm Võ Hoàng.
Năm 1990, khi đại diện Việt Nam lần đầu tiên tham dự diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, ông kể: “Tôi không yên tâm với bài phát biểu do anh em văn phòng chuẩn bị. Anh em giỏi nhưng hiểu biết về phương Tây chưa nhiều”. Ông đã không ngần ngại đưa bài phát biểu của mình vào Sài Gòn nhờ tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đọc lại. Đồng thời, ông cho bà Tôn Nữ Thị Ninh liên hệ mời tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo lúc ấy đang ở nước ngoài bay đến Davos. Như vậy, trong chuyến đi tới phương Tây lần đầu tiên ấy, ông có không chỉ là một người bạn mà còn có một “cố vấn” ở bên cạnh. Trước chuyến đi, ông cũng nhờ bà Tôn Nữ Thị Ninh tư vấn về trang phục. Đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu đổi mới và thế giới bắt đầu nhìn thấy một nhà lãnh đạo “cộng sản”, từ trong cách ăn mặc, phát biểu, hết sức thân thiện và không có nhiều khác biệt với thế giới bên ngoài.
Sự trân trọng chân thành
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo kể, những năm sau 1975, ông ở lại nhưng rồi không được sử dụng, đôi khi cả ngày không có việc gì làm. Nhưng, khi nghe một vị lãnh đạo điện thoại bảo: “8 giờ sáng nay mời anh lên tôi gặp”, ông đã trả lời: “8 giờ tôi bận”. Ông Kiệt không bao giờ cư xử như vậy. Cho dù đang ở vị trí đầy quyền lực và lớn tuổi hơn, khi nào ông Kiệt cũng gọi tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo bằng “ông”. Những khi muốn gặp, ông thường trực tiếp nói chuyện điện thoại và bao giờ cũng hỏi trước: “Ông tiến sĩ rảnh vào lúc nào?”.
Một lần, ông Kiệt mời kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ cùng ông đi Algérie. Trên chuyến bay của hãng hàng không Air France, ông được xếp ở khoang hạng nhất, còn KTS Ngô Viết Thụ do sơ suất chỉ được mua vé ngồi ở phía sau. Ông muốn mời KTS Ngô Viết Thụ lên ngồi cùng nhưng không được. Ông “xin” phi hành đoàn cho được xuống hạng economy để ngồi với ông Thụ, thế là phi hành đoàn đã đồng ý để ông mời KTS Ngô Viết Thụ lên. Trong một chuyến đi khác cùng với KTS Ngô Viết Thụ ra Hạ Long, khi ông Thụ xúc động trước cảnh đẹp thần tiên, đích thân ông Kiệt đã lấy giấy và tự tay mài mực cho ông Ngô Viết Thụ vẽ.
Là một nhà lãnh đạo hết sức quyết đoán, nhưng đồng thời ông Võ Văn Kiệt cũng là người hết sức thận trọng, ông thường lắng nghe rất nhiều ý kiến khác nhau trước khi ban hành các quyết định của mình. Ông nói: “Kinh nghiệm của một nhà lãnh đạo là phải nghe rất kỹ ý kiến chuyên gia và đặc biệt, đã nghe chuyên gia thì phải nghe trực tiếp chứ không bao giờ nên nghe thông qua những người giúp việc”.
Cho đến những năm cuối đời, ông vẫn đọc rất nhiều, đọc cả những ý kiến chỉ trích ông gay gắt. Nhiều lần ông dặn những người giúp việc, nếu như những người chỉ trích ông về nước, hãy mời họ tới gặp ông. Ông trân trọng và muốn trao đổi sâu thêm về những khác biệt, với họ.
Bằng sự trân trọng tri thức và các bậc trí thức một cách chân thành, ông tìm thấy ở họ, không ngừng, những điều mới mẻ. Ông kiến tạo được rất nhiều mối quan hệ bè bạn với các nhà trí thức. Đó là lý do mà người ta có thể tìm thấy ở ông không chỉ là uy lực mà còn là sự thông tuệ. Và đặc biệt, ông có được từ những người đã gặp và làm việc, không chỉ là sự kính trọng mà còn là sự thân thiện. Sự thân thiện của một con người vẫn thường được gọi: “Anh Sáu Dân”.
(Theo Sài Gòn Tiếp thị)