Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Suy nghĩ vụn nhân ngày 8/3


Nói ra điều này chắc sẽ đụng chạm, nhưng tôi quen nói thật lòng. VN có nhiều ngày kỉ niệm (nhà giáo, thầy thuốc, phụ nữ, v.v) và những dịp này cả xã hội trở nên ồn ào, chúc tặng, và ... bán bông. Có khi nào bạn ngồi xuống và tự hỏi những ngày kỉ niệm này xuất phát từ đâu, lịch sử ra sao, và ý nghĩa là gì. Có lẽ các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng phần lớn những ngày này là di sản từ phong trào quốc tế cộng sản hay nằm trong chiến dịch tuyên truyền để thần tượng hoá lãnh tụ.

Do vậy, bản chất những ngày này có khi chẳng dính dáng gì đến ngành nghề. Mà, nếu có một chút gì dính dáng thì cũng chẳng có gì đáng tự hào hay xưng tụng. Thử lấy ngày 8/3 làm ví dụ. Thật ra, đó là ngày Quốc tế Phụ nữ (International Women's Day) có "tiền sử" từ đầu thế kỉ 20 trong phong trào lao động, rồi đến năm 1975 Liên hiệp quốc bắt đầu lấy ngày 8/3 để ghi nhận những thành tựu của phụ nữ. Đến năm 1977, Liên hiệp quốc ra nghị quyết lấy ngày này làm ngày "United Nations Day for Women's Rights and International Peace" (dịch dài dòng là "Ngày Liên hiệp quốc cho nữ quyền và hoà bình thế giới"). Nhưng khi về đến VN thì được gọi tắt là "Ngày quốc tế phụ nữ". Ở VN chúng ta, có gì đáng để mừng khi mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ Việt bị bọn ma cô buôn bán; có gì đáng chúc mừng khi hàng vạn phụ nữ Việt vẫn xếp hàng để làm dâu chọ Tàu, Hàn, Đài; có gì để vui khi hàng vạn phụ nữ vẫn bị bạo hành hàng tháng. Trong thực tế, phụ nữ vẫn bị kì thị trong công việc, dù ít ai muốn nói ra. Nói cho công bằng, vẫn chưa thấy tiến bộ gì trong vấn đề nữ quyền ở VN.
Có hay không có những ngày này, thì chúng ta vẫn làm việc của mình, vẫn phục vụ cộng đồng xã hội. Chẳng lẽ phải chờ đến ngày này để làm tốt hơn (hàm ý những ngày khác thì làm ... tà tà). Có hay không có những ngày này thì xã hội vẫn âm thầm ghi nhận đóng góp của mọi ngành nghề.

Những ngày này có khi được hiểu như là kì thị nghề nghiệp. Cũng là phục vụ con người và cộng đồng, nhưng không có ngày y tá, ngày thợ hớt tóc, ngày tôn vinh người quét đường, v.v. Trong một xã hội, mọi người đều phải phụ thuộc vào mọi người khác để tồn tại. Bởi vậy mới có thuyết "dependent origination", mà theo đó cuộc sống là một hàm số khổng lồ và phức tạp, trong đó có những mối liên hệ chằng chịt. Chính những mối liên hệ đó làm nên cái thiết chế gọi là xã hội. Thành ra, thật là ngớ ngẩn và ấu trĩ nếu cho rằng ngành nghề của mình là quan trọng, còn mấy ngành khác là kém quan trọng!

Ở VN có một sự trớ trêu là cái gì được quảng bá càng nhiều thì cái đó càng bê bết. Những cái biển "phường văn hoá" lại chính là những nơi kém văn hoá và nguy hiểm; những khẩu hiệu "lương y như từ mẫu" lại là những khẩu hiệu có khi được xem là trêu chọc; những "không có gì quí hơn ..." lại chính là những gì xã hội và công chúng đã VÀ đang thiếu! Tại sao không lo cải thiện thực chất mà lại lo làm đẹp cái hình thức. Ông bà mình có câu "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Tặng hoa làm gì khi mà thực tế phụ nữ vẫn bị kì thị và xem thường? Ở mấy nước phương Tây không có những Ngày này, hay có thì cũng chẳng gây ồn ào và chắc chắn không phải phí tiền mua bông. Họ vẫn làm việc hết mình để phục vụ và chẳng cần ai nhắc nhở. Chỉ có những nơi theo chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa phong trào, nên mới gây ồn ào trong những dịp này. Mà, cái gì thuộc về hình thức và phong trào là nhằm che đậy cái thực chất không đẹp. Vui chơi một ngày, rồi chuyện đâu cũng vào đấy, thực tế vẫn bê bết, nhếch nhác như xưa.

Là người có học và "critical thinking" tôi nghĩ mình không nên trở thành nạn nhân của những chiến dịch mang tính hình thức và phong trào đó. Để mình bị lôi cuốn vào cái phong trào thì chẳng khác gì một cách đánh mất cái tri thức của mình.