Dihoc.vn- Như nhiều người biết, Tiến sĩ - KTS Ngô Viết Nam Sơn sinh ra trong gia đình nổi tiếng với cụ thân sinh là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người thiết kế Dinh Độc Lập… cũng là người đoạt giải Khôi nguyên La Mã danh tiếng ngay từ thời còn rất trẻ. Tiếp bước truyền thống gia đình, Ngô Viết Nam Sơn đã thành danh ngay trong môi trường quốc tế về kiến trúc. Anh đã và đang tham gia nhiều dự án lớn của nhiều quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Singapore… Vậy mà việc anh chọn và theo học kiến trúc như thế nào để có được ngày hôm nay vẫn là chuyện “bây giờ mới kể” trên Dihoc.vn.
Tiến sĩ - KTS Ngô Viết Nam Sơn |
NAT: Thưa tiến sĩ, thời phổ thông anh học có gì nổi trội không, và có thiên hướng cho kiến trúc sau này?
- Thời phổ thông thì nói chung tôi học bình thường thôi, một phần lớn là do cá tính của tôi từ nhỏ đã không cảm thấy thoải mái với cách học thuộc lòng khá phổ biến trong trường phổ thông. Tuy vậy, tôi lại thường học rất giỏi những môn học mang tính trực quan và cần trí tưởng tượng như hình học và hội họa.
Tôi chỉ học giỏi hơn khi vào Đại học Kiến trúc TP HCM. Tôi cảm thấy thoải mái nhất và học rất tốt tại Mỹ vì cảm thấy mình đặc biệt rất thích hợp trong môi trường giáo dục với mô hình giáo dục mở và độc lập tại đây.
NAT: Thân sinh anh là một kiến trúc sư nổi tiếng, ông có chủ định hướng anh theo nghề kiến trúc mình? Và có thể, xin cho biết cách ông cụ dạy dỗ các con, nhất là về chuyện học hành?
- Cha tôi chỉ mong muốn các con học giỏi để trở thành người có ích trong xã hội thôi chứ không hề ép bất kỳ người nào trong anh chị em tôi trong việc chọn ngành học. Thật ra cha tôi là một nhà giáo rất giỏi, thời đó đã từng dạy thêm cho các học trò trong đó có cậu tôi học nhảy hai lớp trong một năm. Tiếc là khi chúng tôi lớn lên, ông không có thời gian để dạy chúng tôi.
NAT: Quá trình anh học và lấy học bổng qua Mỹ học tiếp thạc sĩ và sau đó là tiến sĩ có quá khó khăn với anh lúc đó? Và anh học bằng cách nào để đạt được?
- Quá trình lấy học bổng qua Mỹ là cực kỳ khó khăn, vì lúc đó tài liệu, phương tiện không được đầy đủ như ngày nay, sự cạnh tranh cũng cao hơn nhiều vì lúc đó nguồn học bổng du học nước ngoài không có nhiều như ngày nay. Một trong những trở ngại khó nhất là vượt qua kỳ thi TOEFL. Thời trung học tôi chỉ học tiếng Pháp. Vào Đại học Kiến trúc TP HCM thì chỉ được học tiếng Nga, sinh ngữ duy nhất được dạy trong trường lúc đó. Muốn được chọn đi du học Mỹ thì một trong các điều kiện là điểm TOEFL phải trên 550 điểm. Tôi chỉ mới bắt đầu học thêm Anh Văn trước đó vài năm. Khi tôi đến xin học lớp tại gia của thầy Lê Xuân Khuê để chuẩn bị thi TOEFL thì tôi thi chỉ được 430, điểm thấp nhất trong lớp của thầy. Tôi vừa học với thầy, vừa mua sách và băng cassette về tự học thêm ngày đêm vì thời gian để nộp đơn có hạn. Nhờ làm việc cật lực, chỉ trong khoảng 1 năm tôi đã đạt 630 điểm trong kỳ thi chính thức của Mỹ tổ chức, đậu học bổng Fulbright, và được ba trường đại học hàng đầu của Mỹ đồng thời nhận vào học: Đại học Cornell, Đại học Berkeley, và Đại học Michigan.
NAT: Được biết, anh rút ngắn được thời gian học tiến sĩ trước thời hạn quy định. Anh đã làm thế nào?
- Chương trình Tiến sĩ Kiến trúc ở Việt Nam thời gian học quá ngắn, do đó có vấn đềvề chất lượng. Chương trình Tiến sĩ Kiến trúc ở Mỹ thời gian học trung bình là 5-7 năm, và một số người mất gần 10 năm. Tôi không học liên tục từ Thạc sĩ lên Tiến sĩ, mà đi làm vài năm ở công ty Skidmore Owings & Merrill trước để lấy kinh nghiệm chuyên môn.
Tôi làm Tiến sĩ chỉ mất 4 năm, là một trong những sinh viên tốt nghiệp với thời gian ngắn nhất của trường Đại học Washington. Sở dĩ làm được vậy là nhờ khi nhận được hợp đồng 4 năm giảng dạy thực hành thiết kế kiến trúc quy hoạch (studio) ởtrường, tôi đã sớm lên kế hoạch học Tiến sĩ. Tất cả đề cương giảng dạy, cũng nhưcác bài viết nghiên cứu của tôi đều góp phần cho luận án tốt nghiệp. Thực tế, sau khi trải qua kỳ thi để đạt học vị tương đương Phó Tiến Sĩ (PhD. Candidate), tôi chỉ mất 2 tháng để trình duyệt đề cương luận án tốt nghiệp, và 10 tháng sau đó để hoàn thành nó.
NAT: Triết lý giáo dục của anh là gì? Khi trong nước vì thành tích, vì bằng cấp, vì trường nổi tiếng mà học, nhiều bạn trẻ không vì bản thân, xác định được thếmạnh bản thân?
- Tôi nghĩ các bạn trẻ không nên quá quan trọng bằng cấp. Người thành công không nhất thiết phải có bằng cấp cao. Học giả Nguyễn Hiến Lê, dù không có bằng Tiến sĩ, lại xứng đáng được kính trọng và học hỏi nhiều hơn các vị có bằng cấp đầy mình, nhưng không đóng góp được gì nhiều cho xã hội.
Tuy vậy, công bằng mà nói thì bằng Tiến sĩ của các Đại học hàng đầu của Hoa Kỳ thực sự là một bảo đảm cho việc được đào tạo bài bản, nền tảng cho một chuyên gia tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong tương lai, với điều kiện người đó sẽ tiếp tục không ngừng tự trau dồi học hỏi sau khi nhận bằng. Những người chỉ xem bằng cấp như một tấm vé để tiến thân chắc chắn sẽ không đi được xa bao nhiêu.
NAT: Theo nhiều chuyên gia, và truyền thông đưa tin giáo dục chúng ta đang “loạn”, thay đổi, điều chỉnh nhiều nhưng chưa giải quyết được căn cơ. Anh có những giải pháp nào?
- Tôi cho là cần chấn chỉnh đồng thời từ dưới lên và từ trên xuống. Một mặt nên chấm dứt tình trạng cho phép đào tạo đại học nặng về số lượng mà thiếu chất lượng, đặc biệt là ở trình độ Tiến sĩ. Mặt khác cần cải cách giáo dục tiểu học và trung học theo tư duy mới, tránh lối dạy và học vẹt.
NAT: Hiện nay quá trình hội nhập càng ngày càng sâu rộng, vật chất ngày càng được coi trọng hơn tinh thần, các bạn trẻ chạy theo vật chất, vẻ bề ngoài và đã không ít bị bế tắt, dẫn đến những hiện tượng đau lòng như tìm đến cái chết, anh có lời khuyên nào cho họ, cho gia đình họ.
- Thời tôi còn học tại trường Trung Tiểu học Lasan Taberd (nay là trường chuyên Trần Đại Nghĩa), chúng tôi được học môn Công dân Giáo dục trong suốt các năm học, bắt đầu từ lớp tiểu học thấp nhất. Trong đó học sinh được hướng dẫn theo trình độ nâng cao dần dần về mặt ý thức công dân, đạo đức trong gia đình và xã hội. Ngoài ra còn có văn phòng tư vấn tâm lý cho học sinh trong việc định hướng giáo dục cũng như các vấn đề về tâm sinh lý. Tôi nghĩ để phục vụ mục đích giáo dục toàn diện và tránh các vấn đề ứng xử tiêu cực, nhà trường của ta hiện nay cần lưu tâm nhiều hơn đến đức dục và tư vấn tâm lý cho sinh viên học sinh.
- Cảm ơn và chúc Tiến sĩ sức khỏe, tiếp tục gặt hái thành công.
Nguyễn Anh Tài thực hiện