Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Cái chết của một... nghĩa trang

Những người đã chết vẫn là cư dân của thành phố này, như cái chết là một phần bất khả phân ly của cuộc sống...
Hoàng hôn bên hồ Xuân Hương. Ảnh minh họa: Readzo
Đã đôi lần anh mơ thấy mình đi trở lại trên con đường của hơn hai mươi năm trước. Con đường dài chừng mười cây số, bắt đầu từ số 7 Hùng Vương, đổ xuống hồ Xuân Hương, ngược lên khu Hoà Bình, xuôi theo Trương Công Định nối vào Phan Đình Phùng. Từ đây là đoạn đáng nhớ nhất: sau khi rẽ phải vào Xô Viết Nghệ Tĩnh, con đường uốn mềm như một nét mi cong quanh ngọn đồi Mả Thánh, sau con dốc chừng trăm mét lại uốn lượn hai lần nữa trước khi vượt ngã ba Cao Bá Quát, băng qua một cái miếu nhỏ và toà thánh thất Cao Đài, hướng về ngôi giáo đường ở cây số 7 Tùng Lâm. Anh tin rằng nếu ngày ấy có phần mềm Google Earth, hẳn khúc đường này từ trên cao nhìn xuống phải trông như đường ngôi mượt rẽ trên một mái tóc kết bằng thông xanh. Vậy mà giờ đây, nó khô khốc trần trụi, chỉ thiếu những tàng trứng cá nữa là hệt như những con đường chói nắng và ngập bụi của một tỉnh lỵ miền Tây mới nổi.
Ngày đó anh gọi nó là con đường tình, không phải vì nó dẫn đến nhà nàng, mà chính con đường ấy là người tình của anh, chàng trai mỗi sáng chào Đà Lạt bằng những hơi thuốc khét, quều quào mười ngón tay chải tóc, nhấp từng ngụm cà phê đặc quánh, rồi tự hỏi sẽ làm gì cho hết những tháng ngày vô tận của tuổi hai mươi. Nếu không tìm thấy việc để làm, anh lên đường đến nhà nàng.
Hồi ấy anh vượt hai mươi cây số đi về trên con đường này chỉ bằng đôi chân, thi thoảng mượn được chiếc xe đạp cà khổ thì nhấp nhổm đạp băng băng. Anh đến thăm một người con gái mà giờ đây đã thành bà ngoại không chừng, chứ không chỉ đang “tay bế tay bồng” như cách nói của thơ ca. Nhà nàng sặc sụa mùi xăng, salon phòng khách là ghế xe đò, sàn ximăng đầy vết dầu mỡ như thể một gara ôtô, vậy mà anh chẳng hề để tâm, chỉ khoan khoái tận hưởng cảm giác thi vị vừa nếm trải trên một con đường cao nguyên. Sau bữa cơm trưa, nàng dẫn anh ra ngôi nhà vườn nằm ven sườn đồi của ông bà nội nàng. Ở đó, anh khoanh tay nằm ôm giấc trưa, và trước khi chập chờn với những cơn mộng khanh tướng, qua lớp kính cửa mờ hơi ẩm anh vẫn thấy bóng nàng ẩn hiện sau những luống cải xanh um và những bụi salem đủ sắc. Có một lần, trước khi chìm vào giấc ngủ, anh tự cho phép mình tưởng tượng cả một cuộc đời mà anh có thể chọn lựa: mỗi ngày cũng mang đôi ủng cao su hì hục trong vườn rau đến chiều tối, bốn năm giờ sáng hôm sau thức dậy co ro theo xe chở rau ra thành phố trên con đường tình lúc ấy đã thành con đường của sinh kế, rồi trở về với xấp tiền trên tay và những toan tính chi li cho cơm áo... Có lần anh tưởng tượng xa tới mức là một ngày nào đó, sau khi đã trọn cuộc đời vô danh bình lặng ở chốn này, anh sẽ an nghỉ trên ngọn đồi nghĩa trang kia... Nhưng anh biết đó mãi mãi chỉ là giấc mộng của một buổi trưa cao nguyên, vì ở tuổi hai mươi thênh thang vô hạn, anh có quyền mơ đến hàng vạn giấc mộng đời, trong khi cánh cửa gỗ xộc xệch của khu vườn này thì chỉ rào được mỗi một cơn mơ...
Khi mặt trời đã lặn, anh thường nấn ná cho đến khi chuyến xe lam cuối cùng xuống phố đã khởi hành, rồi mới đạp xe trở về. Hồi ấy, nơi đây heo hút tới mức chưa đến bảy giờ tối mà trên đường chỉ còn lác đác vài bóng người. Hôm nào không có trăng thì anh đành mò mẫm đạp xe trong đêm tối. Trong bản hoà ca của tiếng xích xe nghiến trèo trẹo, tiếng chó sủa ma, tiếng côn trùng rả rích và lá thông xao xác, anh thêm vào một khúc hát Trịnh Công Sơn cho ấm đường về. Một lần anh đang đổ dốc Mả Thánh thì xe mất thắng, xuống nửa dốc đến lượt vỏ sau không chịu nổi những chiếc ổ gà lổn nhổn đã nổ tung, chiếc xe chồm như ngựa bất kham, vành nhôm gõ còng cọc lên mặt nhựa đường gây náo động. Trong ánh trăng mờ, những cây thánh giá trên đồi nghĩa trang như những bóng người thinh lặng đứng giang tay trông xuống. Không phải gió hoang lạnh, mà nỗi sợ hãi khiến sống lưng anh nhức buốt. Nắm chặt ghi đông, anh đành để mặc chiếc xe lao vô định, đón chờ một hố thẳm mở ra dưới chân mình. Khi đã hết đà, chiếc xe chậm dần, rồi rời rã dừng lại trong tiếng thở dốc của anh. Sau mươi giây định thần, anh dắt xe vượt bốn cây số còn lại về số 7 Hùng Vương, khi ấy là trụ sở của hội Văn nghệ Lâm Đồng, và như bao giờ cũng vậy, ông nhà thơ chủ tịch hội vẫn ngồi trầm ngâm bên chiếc máy quay đĩa, chìm đắm trong những bản nhạc cổ điển Nga. Đồng hồ chỉ 10 giờ tối.
Chính từ đêm ấy, anh bắt đầu hoài nghi rằng mình không thể là người vô thần theo xu hướng thời thượng. Sau bao năm nguyện làm người duy vật, đêm ấy anh muốn có linh hồn. Thậm chí anh tin con đường này cũng có linh hồn của nó, một linh hồn chờ đợi trong giá buốt của khổ nạn vô tri chờ ngày thoát thai sống kiếp nhân sinh, dẫu nhọc nhằn nhưng biết cảm thức.
Thế mà giờ đây, ngay cả nghĩa trang Mả Thánh cũng không còn. Trên đỉnh đồi trơ trụi, chỉ còn hai cây thông già, và tấm bảng “Đội bốc mộ” gắn trên túp lều dưới chân đồi cho biết nơi đây từng là thành phố của người chết. Anh đã ở tuổi tri thiên mệnh nên sẵn sàng chấp nhận nếu những người thân quen cũ, thậm chí cả nàng (nói phỉ phui) đã yên nghỉ trên khu nghĩa trang thơ mộng kia. Nhưng anh bàng hoàng khi ngay cả người đã chết nay cũng không còn. Đâu rồi những chiếc thánh giá đổ bóng xuống chàng trai trẻ đêm ấy? Đâu rồi những chứng nhân đã khuất của một con đường tình? Anh có ích kỷ không, có lỗi thời không với ý nghĩ những người quy hoạch Đà Lạt khi muốn thành phố cao nguyên này nhiều sinh khí hơn, hiện đại hơn tân tiến hơn thu hút du khách đổ nhiều tiền hơn v.v. đã quên rằng những người đã chết vẫn cứ là cư dân của thành phố này, như cái chết là một phần bất khả phân ly của cuộc sống. Khi Đà Lạt không còn Mả Thánh, không còn vẻ yêu mị liêu trai, nó thiếu hẳn chút não nùng cần thiết của một nhan sắc.

Linh hồn con đường tình của anh đã về trời.
Hữu Bảo