Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Đi khám sức khỏe tổng quát

Nguyn Tài Ngc

Ở Hoa Kỳ , câu nói "phòng bệnh hơn chữa bệnh" rất chí lý vì những người đi làm có bảo hiểm y tế mỗi năm đi khám bệnh hay khám răng định kỳ. Chỉ cần một người vợ hay chồng đi làm mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình là mọi người bố mẹ con cái có thể hồ hởi sáng ra hừng đông đi cày bừa đi nha sĩ chà răng một năm hai lần và đến bác sĩ khám bệnh tổng quát mỗi năm một lần.
Nhiều người không đi khám bác sĩ thường niên vì sợ khám phá mình bị ung thư tai nghe nhạc Việt Nam nhiều quá, thà không biết để khỏi phải sống trong phập phồng lo sợ. Hầu như ai cũng đi nha sĩ chà răng để tránh bị răng sâu vì bảo hiểm trả tiền chà răng, mình không phải trả đồng nào; trừ khi khám phá ra sâu răng hay lấy tủy răng thì mình mới phải đau đớn chi tiền.  Vì khám răng thường xuyên nên răng người Mỹ rất đẹp và đều vì con nít đã đi khám răng, niềng răng thường xuyên từ lúc bé.
Bảo hiểm y tế đắt nhưng đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ  trong thời kỳ sinh sản thì tiền đóng bảo hiểm rất đáng vì họ thường phải đi nhà thương. Tùy theo bảo hiểm,  mỗi lần đi khám bệnh nhân chỉ đóng từ $10 - $20 dollars tiền dịch vụ căn bản,  không cần biết tổng số tiền phải trả là bao nhiêu vì hãng bảo hiểm sẽ trả hết. Năm 50 tuổi, tôi đi soi ruột kết để xem có bị ung thư ruột hay không. Phí tổn nhà thương là năm nghìn dollars. Vì có bảo hiểm, tôi chỉ trả có hai mươi dollars. Thành thử ra ở Hoa Kỳ nếu không có bảo hiểm y tế, nếu đụng việc phải vào nhà thương thì bảo đảm một người sẽ chết trong lòng một ít.
Cũng như nhiều đấng nam nhi, tôi ghét đi khám bác sĩ. Sợ khám phá ra mình có con tim nhoén máu cần xức dầu-cù-là vì em Tám gánh nước trong xóm Bàn Cờ ngày xưa nay đã lấy chồng có chục đứa con thì tôi không sợ, nhưng tôi ghét chờ đợi đến lượt mình được khám. Tôi quan niệm là mình đã trả tiền thì phải được phục vụ ngay lập tức. Thành ra ngoài trường hợp bất khả kháng như đi máy bay tầu bè phải chờ đợi xếp hàng, nếu trả tiền, tôi không bao giờ muốn chờ. Đi ăn nhà hàng nơi nào phải đợi là không có tôi. Cho dù đi Paris bẩy lần, tôi chưa bao giờ leo lên tháp Eiffel vì số du khách đứng đợi xếp hàng quá đông.
Thân thể tôi cũng không đến nỗi bệ rạc: tôi không hút thuốc, không bia rượu từ bé, hàng tuần tôi vẫn thường chơi tennis, tập thể dục nên tôi lại càng tự tin vào sức mạnh anh Vọi của mình, do đó khi còn trẻ tôi thường dùng lý do không muốn đợi để không đi khám bác sĩ.
Thế nhưng khoảng mười lăm năm trở lại đây, tuổi đời chồng chất lung lay lòng tự tin tảng đá Gibraltar, và vì óc đại hà tiên của tôi tự nhủ thầm sao mình ngu thế, trả tiền bảo hiểm thì sao lại không dùng, nên hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, tôi lấy hẹn gặp bác sĩ khám nghiệm tổng quát.
Bảo hiểm cũ của tôi là nhà thương Kaiser.  Mỗi năm khám nghiệm tổng quát, thường thì y tá xem độ áp huyết, lấy máu. Anh bác sĩ tôi gặp mỗi năm, Dr. Kerrington, chỉ hỏi vẩn vơ vài câu, đặt ống nghe, vỗ bụng tôi vài cái xem có bị đau hay có bầu tâm sự hay không, rồi  nói với tôi: "Anh mạnh như trâu, chẳng có gì lo lắng, hẹn gặp anh năm tới".
Năm nay, tôi đổi sang dùng bảo hiểm của bên hãng vợ tôi làm. Đây là lần đầu tiên  đi khám nghiệm tổng quát ở bác sĩ mới nên khi lấy hẹn, vì tôi muốn có cái hẹn sớm nhất, cô nhân viên hỏi tôi có bằng lòng hay không nếu một nam hay nữ bác sĩ khám. Tôi nghĩ bác sĩ nào khám nghiệm cũng như nhau, qualoasement, nên nói không sao, cho tôi cái hẹn với Docteur Alain Delon hay Brigitte Bardot cũng không thành vấn đề với tôi.
Nhà thương chỉ lo chuyện đại sự, nên đi khám tổng quát hay những vấn đề thường nhật thì dân đến văn phòng bác sĩ nhỏ hay clinic. Khác với Pháp hay Việt Nam nhà ở có thể dùng làm văn phòng bác sĩ dân đến khám bệnh, ở Mỹ khu nhà ở không được làm business. Thành phố Simi Valley của tôi chỉ có 120,000 người nên đi đâu cũng vắng: shopping vắng, chợ búa vắng, nhà thương vắng, và dĩ nhiên phụ nữ tìm đỏ mắt cũng không ra. Cái hẹn của tôi là 10 giờ 30 sáng. 10 giờ 20 tôi đã đến nơi, chỉ có một bà cụ già trong phòng đợi. Không biết bà đợi đã bao nhiêu lâu hay vừa mới được phóng thích từ một trại giam trên hải đảo hoang vu không một bóng người mà bà ta bắt chuyện với tôi nói huyên thuyên trời ơi đất hỡi không dứt. Hỏi tuổi tôi mới biết bà cụ năm nay 78 tuổi. 78 tuổi mà bà ta biết hết tất cả chuyện thời sự vanh vách, chê bai Obama không hết lời. May là chỉ nói với tôi độ vài phút thì bà đã được gọi vào khám, chứ nếu ngồi lâu nữa thì thế nào CIA cũng đến hỏi thăm sức khỏe tôi tại sao dám cùng bà ta chê bai Tổng Thống xứ Cờ Hoa.
Ngồi độ 10 phút, một cô y tá bước ra gọi tên tôi. Ở Việt Nam chớ ai đặt tên con là Ngọc vì người Mỹ không phát âm được chữ Ngọc. Gặp một người Mỹ nào lần đầu tiên nhìn tên tôi trên giấy tờ, ai cũng hỏi: "Tên của ông gọi như thế nào?". Mỹ họ đọc "Ngọc" là "Gờ-Nóp" hay "Nóc", nên mỗi lần nghe hỏi đọc như thế nào, tôi cười trừ trả lời: "Anh/Cô cứ gọi tôi là David cho tiện".
Việc đầu tiên cô y tá làm là đo chiều cao và mời tôi lên cân. Khi sức nặng và chiều cao của mình đi hai hướng ngược chiều khác nhau, đó là dấu hiệu báo động cảnh giác nghiêm trọng của a huyền à, giờ à già. Ngày xưa khi mới đến Mỹ tôi cao hai thước hai, bây giờ xương rút lại chỉ còn một thước mốt. Ngày lấy bằng lái xe trên đất Mỹ năm 1976 tôi chỉ cân nặng 119 lbs - 54 kí-lô,  bây giờ tôi cân 179 lbs - 81 kí, thẳng tiến trên đường trở thành võ sĩ sumo Nhật Bản. Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam làm gì có tủ lạnh, ai nấy cũng ốm đói nên  người nào đi ra đường có da có thịt thì thiên hạ sẽ bảo là người có phúc vì ăn uống dư thừa nên mới mập. Cái tư tưởng đó trăm năm sau vẫn đúng ở Mỹ. Thức ăn quá rẻ, quá dư thừa nên 70% dân Mỹ bị liệt vào hạng "obese" -mập-.  
Nếu muốn biết mình có dư một chút mỡ nào hay không, xin xem bảng số BMI dưới đây. BMI là chữ viết tắt của Body Mass Index, Chỉ số trọng khối cơ thể. Dùng chiều cao bên cột trái, và sức nặng ở hàng trên cùng để tìm ra số BMI của bạn là bao nhiêu, nằm trong mầu nào. Mầu tím hoa sim là gầy, xanh lá cây là bình thường, vàng là hơi mập, và xanh dương là mập. Nếu bạn bị liệt kê vào hạng "mập" thì xin đừng buồn nghĩ rằng chỉ có mình không được gầy vì chính tôi căn cứ theo bảng này cũng thuộc vào loại có dòng máu phúc hậu.
bmi-chart

bmi-chart-metric  
Kế tiếp, cô y tá đo áp xuất huyết - blood pressure- của tôi. Ai ở Mỹ hay Canada nên mua một máy đo áp xuất huyết, chỉ có  $50 dollars ở Costco, mình có thể chính mình check thường xuyên ở nhà.
Số đo áp xuất huyết lúc nào cũng có hai con số, của tôi là 117/76 (mm Hg).
mmHg là đơn vị đo lường của áp xuất máu: milimeters of mercury.
- Con số lớn, tiếng Anh là Systolic, là độ  áp xuất của máu khi tim đập đẩy máu lưu thông trong cơ thể.
- Con số nhỏ, tiếng Anh là Diastolic, là độ áp xuất của máu khi tim tạm ngừng giữa hai nhịp đập.
Bảng dưới đây cho thấy là một người khỏe mạnh áp xuất huyết sẽ là dưới 120/80. Nếu con số này to hơn, khác với tiền dollar hay Euro số càng to càng thấy đời mình tươi như hoa, số mm Hg càng lớn là trạng thái sức khỏe của mình càng nguy kịch. Ở Mỹ nếu bước vào nhà thương khám bệnh, khi check áp xuất huyết trên 180/110 là họ giữ lại ở nhà thương không cho về nhà, sorry nếu ngay cả tối hôm đó đã có hẹn ăn một romantic dinner với em.    
8988-blood-pressure-chart-info
nguồn: http://www.nw-ci.com/wp-content/uploads/2011/03/BP-Chart.bmp
Mạch máu của chúng ta như ống sắt nước, khi ống sắt còn mới toanh, khi chúng ta còn nhỏ, lưu lượng nước hay máu chẩy dễ dàng vì không có gì cản trở. Sau khi dùng một thời gian lâu, ống sắt bị rỉ sét bám vào thành sắt khiến ống sắt nhỏ lại, mạch máu chúng ta ăn nhiều chất mỡ bám vào bên trong khiến mạch máu nhỏ đi. Tim bây giờ phải đập mạnh hơn để đẩy vẫn cùng một số lượng máu qua cơ thể. Áp xuất càng cao thì tim hoạt động càng nhiều, càng đập mạnh hơn. Tim làm việc quá mức có thể gây ra bao nhiêu hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bất tỉnh, mất trí nhớ, mù mắt , suy thận... 
eu-ah3
nguồn: http://zonahealth.eu/eu-images/eu-ah3.jpg
Sau đó cô y tá lấy máu và mời tôi vào phòng vệ sinh để lấy nước tiểu. Với máu, họ có thể biết chất lượng cholesterol, chất lượng đường trong người, hay tôi có máu dê hay không. Với nước tiểu. họ có thể biết tôi có suy thận, tiểu đường, dùng cần sa ma túy, hay nhiễm trùng ở bàng quang (bladder)...
Nếu để ý, một người sẽ thấy là nước tiểu ban sáng khi thức dậy mầu vàng khè vì cơ thể chứa mọi thứ ô uế qua đêm. Nước tiểu ban ngày do đó  trong hơn ban sáng khi thức dậy. Nếu nó vàng giống như ban sáng thì có thể là người đó thiếu uống nước, hoặc có thể là thận không lọc điều hòa, hay là người đó uống quá nhiều nước mía Viễn Tây, cần đổi sang uống nước mía Viễn Đông.
Tôi có than phiền cách đây một tháng khi đánh tennis tôi bị nhói tim khoảng chừng vài giây, phải ngồi xuống nghỉ cho lại sức nên cô y tá đẩy vào một cái máy đo điện tâm đồ - electrocardiogram, hay dễ nhớ hơn là chữ viết tắt ECG hoặc EKG. 
ecg_resting_427x240
nguồn:http://www.bupa-intl.com/health/health-information/ factsheets/e/~/media/Bupa-Intl/Images/ElectrocardiogramTab Container/ecg_resting_427x240.jpg
Máy này có nhiều dây nhợi gắn vào nhiều điểm trên cơ thể, tay , chân, tim, ngực, để đo nhịp đập, hoạt động điện của tim và rồi in ra kết quả những lằn lên xuống như động đất trên giấy. Nhìn kết quả này, bác sĩ biết được tim, hay ngườinào  mang máy trợ tim, đập có bình thường hay không, bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim, hai ngăn trong tim có thể bị dầy lên...
Sau khi in ra kết quả, cô y tá nói với tôi phận sự cô ta đã xong. Bây giờ thì trong khi chờ đợi bác sĩ vào khám, tôi phải thoát y, mặc vào áo giấy nhà thương không có nút, ngược ra sau chỉ xỏ hai tay vào, nếu ai đứng đằng sau thì sẽ thấy 100% cặp mông rằm tháng 8 của tôi.  
Đây là lý do tôi ghét đi khám bác sĩ. Nhà thương không phải là biển tắm trần truồng ai vào cũng phải cởi quần áo giống nhau, mà chỉ có bệnh nhân sexy trong khi tất cả nhân viên bệnh viện kín đáo. Đã thế, bác sĩ không vào ngay mà mình phải chờ đợi mười lăm phút. Mười lăm phút đó dài hơn mười lăm thế kỷ vì tôi trong trại thái bất khả kháng xấu xa, sexy mặc áo giấy mỏng mà lại mang đôi giầy lòi vớ, tay mang đồng hồ Omega hôm nay ra đường bao nhiêu người dòm ngó, với làn hơi gió của máy lạnh trong phòng thổi vào cặp mông cảnh tỉnh cho biết là phía sau lưng cơ thể của mình trần như nhộng không có gì che phủ.
Tiếng gõ cửa knock, knock, rồi tiếng "Hello" báo hiệu sự có mặt của người mở cửa cùng tiếng cửa mở mang tôi trở về thực tại: bà bác sĩ đến. Đã nghĩ trong đầu bác sĩ sẽ là một bà bác sĩ già nua người ngoại quốc  Ấn Độ, Á Đông..., nên tôi thật ngạc nhiên khi thấy cô bác sĩ Mỹ trắng xinh đẹp chắc có lẽ trẻ hơn tôi mười tuổi bước vào.
Ta có câu thành ngữ "có tật có tài",  không có câu nào nói "có sắc có tài", nên cô bác sĩ này nằm trong trường hợp ngoại lệ, vừa xinh đẹp, vừa giỏi giắn, thông minh. Cô ta xưng tên, nói ngay cho tôi biết kết quả của  EKG là tim tôi bình thường, không có dấu vết rạn nứt cay đắng của một cuộc tình.  Trong khi tôi vẫn còn say mê nhìn cặp mắt to tròn, tròng mắt xanh, đôi lông mi cong rậm, và da trắng phau  của người Mỹ da trắng thì cô ta đã bắt đầu dùng iPad đánh vào câu trả lời và bắt đầu tra tấn đời tư sức khỏe của tôi với những câu hỏi: có hút thuốc? uống rượu? đang uống thuốc gì? dị ứng với thuốc chi?  cảm thấy đau tim?..., và bỗng dưng cô ta hỏi một câu hỏi làm tôi thức tỉnh: "How is your sex life?".
Tôi khựng lại suy nghĩ, không biết trả lời cô ta như thế nào? Bất cứ cái gì cần phải có một tiêu chuẩn hay một điểm so sánh để mình có thể đánh giá trị khả năng của mình. Chẳng hạn muốn biết mình có mập hay ốm thì có bảng chỉ số cho mình biết rõ ràng ở số nào chúng ta bước sang bên kia vĩ tuyến. Ai hỏi cao hay thấp thì vì đã thấy chiều cao của người khác nên mình có thể nói là mình thấp cao như thế nào. Nếu hỏi sex life của tôi so với Thầy Thích Siêu Độ thì bảo đảm câu trả lời của tôi là vượt vào vũ trụ quá mức bình thường. Nếu so với chị em ta mà có một lần tôi gặp ở vườn Tao Đàn thì sex life của tôi quá khô cằn như người đi sa mạc không gặp nước. Nếu so với những người khác..., hmm... tôi nào biết người khác sex life ra làm sao, một ngày mười lần hay mười ngày một lần để so sánh nên làm sao có thể cho cô bác sĩ biết sex life của tôi có bình thường hay không?
Thấy tôi độn mặt ngố hẳn ra, cô bác sĩ có lẽ đã đoán được nỗi khổ của tôi nên hỏi tiếp: "Do you have a single sex partner?". Tôi như được thẩy cho cái phao cấp cứu, đến bây giờ thì biết tại sao cô ta hỏi sex life của tôi có bình thường hay không, có lẽ để hỏi câu kế tiếp là tôi có bệnh... hột xoài hay HIV để được khám nghiệm. Tôi trả lời yes, sex life của tôi bình thường như cơm ăn ngày hai bữa.
"Anh đã soi ruột kết để xem có bị ung thư -colonoscopy exam- chưa?" Cô bác sĩ hỏi. Tôi trả lời sáu năm trước đã soi rồi, không thấy vết tích gì của mắm nêm Phan Thiết trong ruột non ruột già nên nhà thương nói mười năm nữa tôi mới cần soi trở lại.
Sau khi đặt ống nghe, bắt tôi thở ra hít vào như kéo thuốc lào để  xem lục phủ ngũ tạng tôi có thể đã bắt đầu triệu chứng ra đi không trở lại, cô bác sĩ bảo tôi nằm ngửa ra và dùng tay nhấn vào nhiều nơi trên bụng,  đồng thời hỏi tôi có thấy đau hay không? Tôi trả lời không thấy đau gì hết, nhưng trong bụng nghĩ thầm là  thay vì nhấn vào bụng, có thể nào cô ta làm hô hấp nhân tạo thay vì phương pháp nhấn bụng để hoàn thành cùng một mục đích?
Bác sĩ nhấn tay vào bụng bệnh nhân để tìm hiểu  bao nhiêu thứ như gan, lá lách, tử cung có bị to lên, dấu hiệu của nhiễm trùng, hay những nội tạng khác như thận, ruột, tụy, bàng quang, túi mật, ruột...có bị viêm hay không, hoặc trong bụng có thể có tám chai bia, lý do của những ông bị bụng bự.
Tôi thở phào nhẹ nhõm khi cô bác sĩ nói sức khỏe tôi khả quan, tất cả bình thường, và đinh ninh là buổi khám nghiệm tổng quát của tôi đến đây là chấm dứt chương trình của ban Tùng Lâm. Thế nhưng cô bác sĩ nói một câu mà tôi ân hận đến già đã không chọn một bác sĩ phái nam:
- Anh đã hơn 50 tuổi nên tôi cần khám hậu môn để xem anh có bị prostate cancer -ung thư tuyến tiền liệt hay không.Anh quay người lại, nằm trên vai trái cho tôi.
Tuyến tiền liệt (prostate) là một tuyến bao quanh cổ bàng quang (bladder) trong cơ thể nam giới. 99% những người bị ung thư tuyến tiền liệt trên 50 tuổi. Nếu ông nội ngoại hay bố trong gia đình đã bị ung thư tuyến tiền liệt thì gia tăng cơ hội con có thể bị cùng một chứng bệnh. Ung thư tuyến tiền liệt phát triển rất chậm nên người bị ảnh hưởng tuổi thọ, không phải lo sợ.
Phương pháp chuẩn bệnh chính xác nhất là  biopsy (sinh thiết, cắt một phần nhỏ của mô sống để khám nghiệm), nhưng phương pháp thường dùng nhất khi đi khám tổng quát như ở đây là bác sĩ dùng ngón tay nhất dương chỉ chó vào hậu môn. 
Khi cô ta đẩy tay vào địa đạo Củ Chi, tôi chưa bao giờ cảm thấy một cảm tưởng đau đớn như thế. Một sự đau nhức như sức ép của đạn đại bác 50 ly bành trướng với tốc độ sao xẹt từ bộ phận này sang bộ phân khác trong cơ thể đến nỗi tôi phải rướn mông lên bên trái giường bệnh để giảm bớt nỗi đau của sự đột nhập vô phép vào cơ thể của một cái gì khác thường.
Có lẽ nhận thức được tôi đang rút lui vô điều kiện, cô bác sĩ lại đẩy thêm vào một ngón tay đưa lên, hàng ngàn ngón tay đưa lên, hàng vạn ngón tay đưa lên, quyết đấu tranh cho một nền hòa bình chân chính. Lần thứ hai này đau thốn người gấp bội lần trước nên tôi phát ra một tiếng rên rỉ, và tuy nhỏ, nhưng cô bác sĩ nghe được. Cô ta hỏi:
-Are you hurt? Anh đau hả?
-Yes. Tôi trả lời. I am in pain. Tôi bị đau.
-It is not pain, it is uncomfortable, correct? Không phải đau mà là khó chịu phải không?
Tôi vừa mới bị đau đớn thấy chín tầng mây, derrière của tôi xót nóng hơn hỏa diệm sơn Hawaii mà cô bác sĩ thản nhiên phân tách độ nhức nhối của tôi là "khó chịu", không là "đau đớn". Đang ở địa phận của địch quân, cãi nhau làm gì nên tôi vội vàng đồng ý và ngồi dậy mặc lại quần áo vào vì cô bác sĩ nói buổi khám nghiệm sức khỏe đã chấm dứt.Sức khỏe tôi khả quan, một tuần nữa cô ta sẽ gửi cho tôi kết quả về cholesterol, tiểu đường... sau khi phòng thí nghiệm phân tích máu và nước tiểu.         
Tôi lái xe về nhà mà lòng vẫn còn bàng hoàng, không biết lý do là vì cô bác sĩ xinh đẹp hay vì cơn thử nghiệm ung thư tuyến tiền liệt đau đớn kịch liệt lên đến chín tầng mây.
Nguyễn Tài Ngọc
January 2015

Tài liệu tham khảo: