Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Hệ thống đại học ở California, Hoa Kỳ

Nguyn Tài Ngc
Thứ Bẩy vừa rồi vợ chồng tôi chở cậu con trai xuống San Diego để nó nhập học UCSD (University of California,  San Diego) hai năm kế tiếp trong chương trình đại học bốn năm.  Nó là đứa con cuối cùng đi học xa nhà. Chúng tôi có ba gái, một trai.  Chín năm trước cô con gái đầu tiên của chúng tôi cũng học ở UCSD. Ngày đầu tiên đưa nó xuống đi học dọn vào apartment mướn riêng cho nó ở một mình, khi giã từ nó đi về, không xem phim Tình Chú Thoòng mà tôi khóc một giòng sông nhiều hơn vợ tôi, nước mắt rơi lộp độp giọt mưa trên lá như khi nghe tin tiếng sét ngang tai người yêu trong mộng Bà Năm Sa-Đéc lên xe hoa về nhà chồng.
Tôi khóc lúc bấy giờ vì hai mươi năm nuôi con, con gái lúc nào cũng sống chung nhà, bất cứ một  chuyện gì như  ăn uống, đau ốm, bệnh tật, đi học, tập lái xe, khiêng đồ nặng nhọc..., lúc nào tôi cũng ở ngay bên cạnh để giúp đỡ. Bây giờ thì nó phải quán xuyến một mình, có chuyện gì tôi không có ở bên cạnh để giúp đỡ cho con. Vì thế tôi không cầm lòng được.
Lần này đưa con trai đi học cảm tưởng của tôi ngược hẳn 180 độ so với đưa mấy cô con gái đi học xa. Con trai mạnh hơn con gái, vai u thịt  bắp, khắp người  xâm mình hận kẻ bạc tình, hận mình hơn em, có chuyện gì thì nó tự lo xử một mình được. Có thể nó không là Trần Đại trong Điệu Ru Nước Mắt , nhưng sức mạnh nó có thể bằng cậu Ba chăn trâu, không phải sợ bị ai ăn hiếp.
Con tim tôi đã chai đá như Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ giấu thân nơi nhà hoang, Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi nên không còn nước mắt. Tôi rời Việt Nam phiêu lưu trên biển cả tìm đến một phương trời vô định năm 17 tuổi. Con trai tôi bây giờ đã 21, sống ở Mỹ sướng hơn tôi rất nhiều so với thời gian tôi sinh trưởng ở Việt Nam nên chẳng có gì phải quan tâm. Hơn nữa, triết lý cùn của tôi là đàn ông con trai phải giúp đỡ người khác yếu đuối hơn mình, phải lăn xả vào xã hội phụng sự thiên hạ; vì thế làm quái nào Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao* được khi chỉ có chia tay với con trai mà tôi lại rơi lệ? (*Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn). 
Đường xa lộ từ Simi Valley đến San Diego - 150 miles (240km) - vào cuối tuần ít xe quang đãng nên chỉ hai giờ mười lăm phút tôi đã đến San Diego. Đi vào ngày thường xe cộ đông nghẹt, xem phim bộ Hàn quốc 82 tập chưa chắc đã đến nơi. Khác với cô con gái xưa tôi mướn apartment cho nó ở riêng bên ngoài, lần này chúng tôi trả tiền cho UCSD để cậu con trai ở ký túc xã, apartment do nhà trường cung ứng, ngay trong khuôn viên của UCSD. Nói là trong khuôn viên nhưng không có nghĩa là đi bộ từ nơi này đến nơi khác dễ dàng vì ở Mỹ rộng lớn cái gì cũng to, từ cặp đùi cột đèn của mấy cô Mỹ da đen đến diện tích trường tiểu học, trung học, hay đại học. UC San Diego  rộng 8.5 cây số vuông, có gần trăm building (so với đại học Việt Nam của mình chỉ có vài dẫy nhà),  nên có xe bus chuyên chở sinh viên từ nơi này đến nơi khác, nếu cần.
Giờ di chuyển vào apartment đã được nhà trường định trước là 1 giờ trưa. Sau khi vào phòng ổn định, tôi chở nó xem một vòng thành phố trước khi vào tù hai năm cấm cố. Ngày xưa khi mới đến Mỹ tôi ở San Diego nên thành phố này gợi lại nhiều kỷ niệm cho tôi, từ những buổi ăn 100% thức ăn Mỹ không có thức ăn Việt làm tôi ước mơ có được một chai nước mắm Phú Quốc hơn là lọ nước hoa Chanel Number 5, cho đến những buổi tối weekend ra Harbor Island dùng lon soda câu cá trong khi chờ cá cắn câu, nhìn vào mực nước biển xa xăm ở chân trời xa tít, hát bài "Giờ này em ở đâu" để nhớ lại cô bồ cũ ở xóm Bàn Cờ.

Hàng Không Mẫu Hạm Midway

Star of India, đóng vào năm 1863, tầu xưa nhất thế giới vẫn còn đi biển được

Balboa Park

Harbor Island

Seaport Village

Nghĩa trang quân đội Fort Rosecrans

Hải đăng Point Loma

La Jolla Cove

Coronado Bridge

Torrey Pines Gliderport

Ở Hoa Kỳ, hệ thống giáo dục cấp bậc mẫu giáo, tiểu học, và trung học hoàn toàn miễn phí.  Miễn phí nghĩa là zerođồng, riennothing, học sinh hoàn toàn không trả một xu, không như trước 1975 ở SàiGòn tôi học Trung học, nói là miễn phí nhưng lâu lâu phải đóng tiền xây trường, tiền mua xà-bông Cô Ba cho toilette... Bây giờ ở Việt Nam thì cấp bậc nào bố mẹ cũng phải đóng đủ thứ lệ phí cho con đi học.
Tình cờ khi tôi viết bài này thì có tin ở VN học sinh ở trường Trung học cũ của tôi, Hùng Vương, than phiền là bị đóng đủ thứ lệ phí. Sau khi quý vị xem link sau đây, ở dưới link này là những tin đã loan tải cũng cùng một đề tài. Xin đọc cả ba mẫu tin để biết rõ câu chuyện từ cả hai phía học sinh và nhà trường.  
Phải có tiền thì trường học mới hoạt động được vì biết bao là khoản phải chi: tiền xây trường, tiền duy trì trường, tiền an ninh, tiền lương trả thầy cô giáo, tiền sách vở dụng cụ...., do đó phải có tiền cho ngành giáo dục. Ở Mỹ trường học do ba cơ quan chính phủ tài trợ: Liên bang, Tiểu bang, và thành phố địa phương. Trung bình một năm cơ sở giáo dục tiêu $10,658 dollars cho mỗi học sinh. Trong số tiền này, Tiểu bang và thành phố địa phương mỗi cơ quan đóng góp 44%, Liên bang đóng 12% (nguồn: National Center for Education Statistics).
Bắt đầu lên đại học thì trường học công cộng không còn miễn phí nữa (trường tư tốn tiền thì cấp nào cũng có, từ mẫu giáo đến đại học). Ở California có ba hệ thống đại học công cộng khác nhau:
1. University of California (gồm 10 trường).
2. California State University (có 23 trường)
3. California Community College (có 112 trường).
Hệ thống đại học số 1 và 2 là bốn năm hay hơn nữa (nếu đi vào ngành chuyên nghiệp như luật, y, dược, nha khoa...), trong khi số 3 là hai năm. Sau khi học hết Trung học, một học sinh có thể chọn đại học ở 1, 2, hay 3. Sinh viên nào học ở hệ thống số 3 hai năm đầu thì hai năm sau sẽ chuyển sang đại học ở hệ thống số 1 hay 2. Đại đa số sinh viên nếu chọn số 3 (Community College) học hai năm đầu, thì sẽ chọn số 1 (UC-University of California) học nốt hai năm sau vì UC nổi tiếng hơn California State University. 
Nếu so sánh trường giỏi, "tuyển", giữa ba hệ thống đại học trên thì số 1 như là xách tay hiệu Louis Vuitton, số 2 là xách tay hiệu Nine West, và số 3 là xách tay hiệu Việt Nam KK. Hệ thống University of California (số 1) là le lói nhất nhưng học phí cũng đắt nhất, đắt hơn gấp hai lần hệ thống số 2, California State University.
Tuy là không miễn phí, nhưng vì chính quyền khuyến khích dân học ít nhất hai năm đại học, tiền đóng học cho hệ thống số 3, California Community College tương đối rẻ:  lệ phí trung bình toàn quốc là $3,176 dollars một năm. Số tiền này chưa kể tiền sách, cộng thêm vào $1,710 dollars nữa.  Giá này là cho người  sống cùng tiểu bang. Nếu là sinh viên từ tiểu bang khác, hoặc người ngoại quốc thì giá đắt hơn, trung bình phải cộng thêm $6,000 - $8,000 dollas nữa.
Community College ở gần nhà, lái xe đi học được (nửa giờ là cao lắm) nên nhiều  học sinh chọn học hai năm đầu đại học cho vừa gần nhà, vừa đỡ tốn tiền. Con trai tôi cũng học Community College hai năm đầu, và bây giờ thì chuyển sang UCSD học nốt hai năm cuối.
Ở hệ thống hai năm đại học này (số 3) thì nước Mỹ có một điểm lạ độc nhất vô nhị là không cần bằng cấp, không thi tuyển chọn lựa, hay người lớn tuổi không học trung học, ai cũng vào học được. Vì thế mà đôi lúc có trường hợp hi hữu là ba thế hệ ông, bố, con, cùng đi học community college cùng một lúc, cùng học chung một lớp. 
Sau Trung học Hoa Kỳ không thi Tú Tài, không thi vào đại học mà học sinh chỉ thi một môn SAT khi gần cuối học trình. Đây là môn thi tổng quát về trình độ trung học, dĩ nhiên học sinh càng giỏi thì điểm càng cao. Đại học sẽ dùng điểm này để quyết định chọn học sinh nào vào trường mình. Đại học càng giỏi, càng "tuyển" thì điểm SAT phải càng cao thí sinh mới có cơ hội được nhận vào.
Sinh viên học hết hai năm ở hệ thống College số 3 muốn chuyển lên hai năm cuối ở số 1 hay 2  thì chỉ cần nộp điểm ở hai năm college và viết một bài luận tại sao mình muốn vào học trường mình chọn. Không cần nộp SAT.
Thường thì một học sinh sẽ nộp đơn vào nhiều trường tuyển cùng một lúc (lệ phí nộp đơn mỗi trường là $70 dollars) để nếu được nhiều trường cho vào thì sẽ chọn trường tốt nhất.  
Hệ thống cho điểm của Mỹ không như ở Việt Nam mình thời tôi đi học, đúp zê-rô đến hai mươi điểm, mà là A,B,C,D, và F.
Nếu bài làm đúng từ               Hạng  sẽ là      Lời phê            Đổi ra điểm 
(Mỹ dùng 2 hệ thống)
Một là     Hai là     
       
90%-100%   94%-100%                 A             Excellent                 4.00
80%-89%        87%-93%                B             Good                       3.00
70%-79%        80%-86%                C             Average                  2.00
60%-69%        75%-79%                D             Below average        1.00
 0%-59% 0%-74%                         F              Failing                     0
Hạng "D" và "F" là rớt, phải học lại.
Trung học có cả những lớp khó hơn bình thường chuẩn bị cho đại học, gọi là advanced course (môn tiên tiến?). Điểm tối đa cho những  lớp này là 5 điểm. Hầu hết học sinh giỏi đều lấy những lớp này khi học  Trung học nên điểm trung bình có thể hơn 4.00, thí dụ như 4.28, 4.37, 4.52..., Một học sinh tuy  giỏi, có bài vở được chấm toàn là A với điểm trung bình là 4.00 điểm, có thể  không được các đại học giỏi chọn vì có nhiều thí sinh khác xin vào học với điểm trung bình trên cả 4.00.
Đây là danh sách 12 đại học bốn năm, công cộng hay tư nhân giỏi nhất trong 128 trường ở California. Số 1 (Stanford), số 5 (USC), và số 8 (CalTech) là tư nhân, còn lại tất cả là công cộng. Số phần trăm kèm theo là tỷ lệ phần trăm học sinh được nhận vào trường đó. Thí dụ số 1 có 6%, có nghĩa là trong 100 đơn xin vào học, chỉ có 6 học sinh được chọn. Số này càng nhỏ thì có nghĩa là trường đó càng khó xin vào:
1. Stanford University,  6%    (đứng thứ tư trên nước Mỹ . Bốn đại học hàng đầu nước Mỹ, tất cả đều là trường tư, với tỷ lệ được chọn là: 1. Princeton -  8%,  2. Harvard - 6%,  3. Yale - 7%, và thứ tư là Stanford. Lệ phí niên khóa 2014-2015 của Stanford là  $56,446 dollars ($43,725 - tiền học + $12,721 - tiền ăn ở).
2. UC (University of CaliforniaBerkeley,  21%  (đứng thứ nhất trên nước Mỹ, nếu chỉ nói về trường công). Lệ phí trung bình hàng năm của tất cả UC trong danh sách này là $30,000 dollars ($15,000 - tiền học + $15,000 tiền ăn ở ).Phí tổn $30,000 dollars là cho người ở California. Lệ phí chỉ tiền học cho học sinh tiểu bang khác, không kể tiền ăn ở là vào khoảng $38,000 dollars + $15,000 tiền ăn ở).
3. UCLA (University of CaliforniaLos Angeles),  26%  (đứng thứ nhì trên nước Mỹ, nếu chỉ nói về trường công).
4. UCSD (University of CaliforniaSan Diego),  37%  (đứng thứ tám trên nước Mỹ, nếu chỉ nói về trường công).
5. USC (University of Southern California),  23%   (Lệ phí hàng năm của USC là  $58,403 dollars ($45,963 tiền học + $12,440 - tiền ăn ở).
6. UC Davis (University of CaliforniaDavis),  46% (đứng thứ chín trên nước Mỹ, nếu chỉ nói về trường công).
7. UCI  (University of CaliforniaIrvine),  42% (đứng thứ 11 trên nước Mỹ, nếu chỉ nói về trường công).
8. CalTech (California Institute of Technology),  13%  (đứng thứ 10 trên nước Mỹ. Lệ phí hàng năm của Caltech là $72,621 dollars ($44,428 - tiền học + $28,193 - tiền ăn ở).
9. UCSB (University of CaliforniaSanta Barbara),  45% (đứng thứ 10 trên nước Mỹ, nếu chỉ nói về trường công).
10. UC Riverside (University of CaliforniaRiverside),  76%.
11. UCSF (University of CaliforniaSan Francisco) (không có dữ kiện về tỷ số thí sinh được nhận vào học).
12. UCSC (University of CaliforniaSanta Cruz),  64%.
Sinh viên Á Đông ở hệ thống UC rất đông, ở nhiều trường Á Đông chiếm đa số. Đây là bảng liệt kê các trường UC có nhiều sinh viên Á Châu nhất:
1. UC Irvine, 58% là sinh viên Á Châu, so với sinh viên da trắng chỉ có 28%.
2. UC San Diego, 50% là sinh viên Á Châu.
3. UC Berkeley, 42% là sinh viên Á Châu.
4. UCLA, 40% là sinh viên Á Châu.
Tuy rằng hệ thống UC được tiểu bang California yểm trợ tài chánh (khoảng 2.4 tỷ dollars một năm) những năm gần đây tiểu bang phải cắt giảm tiền viện trợ vì ngân quỹ tiểu bang bị thiếu hụt. Tìm cách xoay sở mang thêm tiền vào cho UC, các đại học University of California  giảm bớt thu nhận sinh viên Á Đông ở California để nhận sinh viên ngoại quốc,  một số lớn  từ Trung quốc. Lý do là thay vì chỉ thu học phí $15,000 dollars từ mỗi sinh viên ở California, tiền thu vào sẽ được gần gấp đôi, $38,000 dollars từ sinh viên out-of-state, không sống ở tiểu bang California.
Năm 2009, số sinh viên out-of-state chỉ là 9% của tổng số sinh viên. Năm nay, số sinh viên out-of-state là 21%.
Tôi xin nói thêm ở đây lương bổng của giáo sư ở hệ thống University of California để cho thấy một khoản chi phí nặng của nhà trường:
1. Assistant professor (giáo sư mới dậy, trung bình từ ba đến bẩy năm. Tổng số là 1300 giáo sư): lương mỗi năm từ $55,900 dollars đến $69,400 dollars.
2. Associate professor  (giáo sư được thăng chức sau khi đã là Assistant professor một thời gian. Tổng số là 1200 giáo sư): lương mỗi năm từ $69,500 dollars đến $81,600 dollars.
3. Professor (chức cao nhất trong ngành giáo sư, thường là giáo sư kỳ cựu và đạt nhiều thành quả trong lãnh vực giáo dục. Tổng số là 1,100 giáo sư): lương mỗi năm từ $81,700 dollars đến 149,200 dollars.
Lệ phí học và ăn ở $30,000 một năm cho trường công, gần $60,000 cho trường tư trong chương trình đại học bốn năm là một số tiền khổng lồ, vì thế hơn một nửa sinh viên nhập học xin viện trợ hay học bổng từ chính phủ Liên Bang, Tiểu Bang, các hội đoàn, hay chính trường mình xin vào học.
Tên gọi bằng cấp đại học Mỹ như sau:
Associates:              Hai năm.
Bachelors:              Bốn năm.
Masters:                  Sáu năm (hai năm sau khi lấy bằng Bachelors)
Doctors:                  Bẩy - Mười năm (3 cho đến 6 năm sau khi lấy bằng Bachelors)
PH.D:                      Tám - 11 năm (2 cho đến 5 năm sau khi lấy bằng Masters)  
Sinh viên tốt nghiệp bốn năm, Bachelors degree, thì gọi là undergraduate (hay "undergrad").
Graduate là sinh viên đã tốt nghiệp bốn năm với bằng Bachelors, học thêm lên để lấy bằng Masters hay graduate degree trong lãnh vực họ theo đuổi, như bằng Doctors trong Luật, Y, Nha, Dược khoa chẳng hạn. 
UCSD có gần 29,000 sinh viên nên cho dù có cả chục building cho sinh viên ở nội trú, vẫn không đủ cho tất cả mọi người. Ai không được nhận ở nội trú do đó phải tự mướn riêng apartment ở bên ngoài. Một apartment thường có hai hay ba phòng ngủ. Mỗi phòng ngủ phần đông chứa hai hay ba sinh viên (rất hiếm phòng ngủ chỉ có một người, giá $2,000 dollars/ một năm hơn phòng ngủ chứa ba người). Con tôi ở phòng ngủ có ba người. Tuy rằng phòng ngủ ba người như tù nhân ở khám Chí Hòa, phòng khách và nhà bếp tương đối rộng rãi, có tủ lạnh và microwave. Nó ăn uống ở cafeteria nên khỏi lo nấu nướng. 


Học sinh dùng xe đi chợ đẩy đồ đạc vào phòng  

Lần này thì vợ tôi quyến luyến hơn tôi khi chúng tôi từ giã cậu con trai. Dù rằng xác nó to hơn Godzilla, đặt mông ngồi trên ai là bảo đảm người ấy ná thở, đối với nàng nó vẫn là đứa con út, vẫn còn là "baby" nên khi chia tay con, mẹ rơi lệ vắn dài.   
Biết thế thì ngày xưa thay vì có một vợ, bốn con, thì tôi đã có bốn vợ, một con. Có một con thì con rời nhà đi học xa một lần, chỉ khóc một lần rồi thôi. Bốn vợ thì chẳng ai đi học xa, nhà lúc nào cũng vui vẻ, không ai u sầu.
Có thì giờ đâu mà u sầu vì tối ngày hết vợ này đến vợ kia, tôi viết thư cho mỗi người: "Anh sẽ vì em làm thơ tình ái...."
Nguyễn Tài Ngọc
October 2014
Tài liệu tham khảo:

Best ranking :