Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Cha & con & những công trình để lại

KTS Ngô Viết Nam Sơn - Ảnh chụp tại Diễn đàn kiến trúc sư Châu Á lần thứ 32 tại Đà Nẵng - Ảnh Thái Linh
Sau gần bốn thập kỷ kể từ khi Sài Gòn trở thành TP.HCM, bộ mặt đô thị đã có rất nhiều đổi thay. Nhiều công trình mới được xây dựng, một số công trình được cải tạo mở rộng, nhưng một số công trình kiến trúc có giá trị đã bị tổn hại hoặc bị phá bỏ để dành chỗ cho các công trình mới. Sau đây là câu chuyện về một số công trình như thế, mà cha tôi – KTS Ngô Viết Thụ – và gia đình là những người trong cuộc.
Khách sạn Rex giữa thập niên 60 (nguồn: bưu ảnh).
Khách sạn Rex, biệt thự Ưng Thi
Nói đến khách sạn Rex, người ta không thể không nhắc đến vợ chồng bác Ưng Thi, người chủ cuối cùng của khách sạn trước năm 1975. Cha tôi là người thân tình với hai bác kể từ khi về nước, và là người thiết kế ngôi biệt thự cho hai bác ở góc đường Hồng Thập Tự và Duy Tân (nay là Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Ngọc Thạch). Ngôi biệt thự là một trong những công trình đầu tiên tại Việt Nam sử dụng chất liệu xây dựng đá rửa, hoa văn gạch Đồng Nai (thời kỳ nhà máy mới xây dựng xong), thiết kế hoa sắt lấy cảm hứng từ khóm trúc, với các thiết bị nhập ngoại cho nhà ở thuộc loại hiện đại vào thời ấy.
Sau khi công trình xây xong ít lâu, áp lực nước của khu vực giảm xuống đáng kể do có quá nhiều công trình mới xây dựng trong khu vực, do đó cần xây thêm bồn nước dự trữ trên mái. Nhưng có lẽ vì cha tôi lúc đó đang công du ở nước ngoài, gia chủ đã tự gọi thầu xây dựng thêm bồn nước mái mà không hỏi ý kiến kiến trúc sư về mặt thiết kế sao cho hài hoà. Cha tôi khá tâm đắc với công trình, nhưng chỉ trừ một điểm này, đến nỗi mỗi lần ông lái xe chở chúng tôi đi ngang đó, chúng tôi lại nghe ông càu nhàu. Sau 1975, công trình được giao cho trung tâm Văn hoá hữu nghị Việt Xô, và sau đó là cho lãnh sự Trung Quốc thuê. Được biết các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao công trình này, tôi hy vọng sẽ có dịp sửa lại thiết kế bồn nước, và công trình được quan tâm bảo vệ để có thể tồn tại lâu dài trước xu hướng phá hoại các biệt thự có giá trị lịch sử để xây nhà cao tầng hiện nay.
 Biệt thự Duy Tân vào cuối thập niên 1960. Ảnh: Ảnh: Thư viện NVT
Trong gần hai thập niên trước thời điểm năm 1975, hai bác Ưng Thi đã xây dựng trung tâm thương mại và khách sạn Rex ngày càng quy mô. Khu thương mại bao gồm một rạp chiếu bóng chính, hai rạp chiếu bóng mini, một vũ trường và cafeteria. Lần cuối tôi gặp hai bác là khi cùng mẹ đi ngang ghé thăm bác gái ở công trường khách sạn Rex, lúc đó bác gái đang đích thân chỉ đạo công nhân làm lại phần lát gạch vệ sinh cho đúng theo kiểu Pháp. Bác gái than thở với mẹ tôi, là rút hết tiền dành dụm ở Pháp và Thuỵ Sĩ về mà vẫn không đủ cho xây dựng nên phải vay mượn thêm. Hai rạp hát Mini Rex A và B đã được khai trương không lâu trước đó, phần lớn sử dụng các vật liệu trang trí do bác gái đích thân chọn lọc từ châu Âu đem về, trong đó có những thứ đầu tiên sử dụng ở Việt Nam như giấy dán tường tạo hình rừng cây mùa thu chạy suốt một bức tường dài.
Cuối tháng 4.1975, bác gái và các con lớn đang ở Pháp, còn bác trai và con gái út ở lại rồi cũng sang Pháp đoàn tụ sau đó không lâu. Hai bác cùng nhau mở một tiệm ăn nhỏ ở Paris. Anh Tào Văn Nghệ, giám đốc khách sạn Rex hiện nay, là người dành nhiều tâm huyết trong công cuộc mở rộng quy mô khách sạn, với kiến trúc mới khá phù hợp với kiến trúc cũ, và với cảnh quan trước trụ sở UBND TP.HCM.
Tháp điều áp
Tháp điều áp: chụp vào thập niên 60 của thế kỷ 20 (ảnh: Henry Bechtold) và hiện nay 
Đi trên xa lộ Hà Nội tiến vào thành phố theo đường Điện Biên Phủ, người ta chú ý đến hai tháp bêtông, một cái mới hơn gần ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm, một cái cũ hơn ở bên kia sông Sài Gòn. Đây là hai tháp điều áp, có chức năng giữ cho áp suất nước phù hợp cho việc cấp nước đô thị dẫn từ sông Đồng Nai về. Nếu chú ý kỹ, người ta thấy tháp cũ hơn có tỷ lệ hơi thô kệch nặng nề, còn tháp mới thì có tỷ lệ cân đối và các đường nét vát góc thanh thoát, như một công trình điêu khắc.
Một lần cùng đi với nhau, cha tôi đã chỉ cho tôi thấy và giảng giải rằng hồi đó, sau khi thấy người ta xây dựng xong tháp cũ, và chuẩn bị xây dựng một tháp mới theo thiết kế y như vậy, thấy vậy, ông đã rất bức xúc, và sau đó tình nguyện giúp Sài Gòn Thuỷ cục thiết kế lại tháp mới này. Ông nói với tôi, nhiệm vụ của người kiến trúc sư là làm đẹp đô thị, và được thể hiện không chỉ qua kiến trúc công trình, mà còn qua các kiến trúc hạ tầng như cầu cống, tháp nước, và trạm điện. Nếu kiến trúc tại vị trí cửa ngõ một thành phố không được quan tâm, thì người ngoài có thể có ấn tượng ban đầu không đẹp về trình độ thẩm mỹ của giới kiến trúc và người dân thành phố đó.
Hiện nay, tháp nước này không còn cao nhất khu vực như trước nữa. Tuy vậy, nếu việc xây dựng các công trình lân cận của tháp trong tương lai có thể phối hợp bố cục theo chiều cao và chiều ngang một cách hài hoà, chúng ta có thể có một tổng thể công trình đẹp cho cửa ngõ phía Bắc thành phố.
Ảnh chụp giữa thập niên 70 thế kỷ 20 của trụ sở Hàng không Việt Nam hiện nay. Ảnh: Thư viện NVT
Trụ sở Hàng không Việt Nam
Trụ sở Hàng không Việt Nam, nằm ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Đinh Tiên Hoàng ngày nay, là một công trình xây vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước để làm trụ sở chính cho nha tổng giám đốc Hàng không Việt Nam. Công trình này có kết cấu trống chân (sur pilotis) để có thể đậu xe ở dưới mà không cần làm tầng hầm. Mặt đứng được đồng thời chắn nắng và lấy sáng một cách khéo léo bằng hệ thống lam chữ U úp ngược, cũng để làm tủ hồ sơ cho các văn phòng bên trong. Toàn bộ hệ thống đường ống kỹ thuật được giấu khéo léo đến nỗi sau khi tham quan, một kiến trúc sư Mỹ đã đến văn phòng yêu cầu cha tôi cho xem bản vẽ để tìm hiểu ông đã xử lý cách nào. Nhờ giải pháp kiến trúc vừa hiệu quả vừa kinh tế, nên khi làm xong còn dư kinh phí, cha tôi thuyết phục ông tổng giám đốc Nguyễn Tấn Trung giao cho ông thiết kế bổ sung tăng thêm một tầng trên cùng.
Công trình này là một trong số ít công trình ưng ý của cha tôi, nhưng lại không có tuổi thọ cao. Vào những năm 90, công trình bị phá bỏ mặt tiền, nhưng giữ lại hệ khung bêtông, có lẽ để chuẩn bị xây cao lên, nhưng không hiểu vì sao lại bỏ dở nửa chừng. Đáng tiếc hơn nữa là vào thời gian sau này, nó lại được cải tạo mở rộng tạm bợ lần nữa, thành nơi buôn bán với một mặt tiền lộn xộn, chắp vá. Cũng may là thời kỳ đó, cha tôi bệnh ở nhà nên không biết những điều đó, chứ nếu không, thì chắc là ông sẽ buồn lắm. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có dịp giúp khôi phục giá trị của quần thể kiến trúc này.
Trường Taberd
Trường trung tiểu học Lasan Taberd nằm trên một khu đất rộng bao bọc ba phía bởi ba con đường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, và Lý Tự Trọng. Đây là nơi tôi theo học suốt từ cấp 1 đến trung học, cho đến khi trường chuyển thành trường trung học sư phạm. Sau này, trường lại chuyển lần nữa thành trường PTTH chuyên Trần Đại Nghĩa.
Trường Taberd được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19 bởi một nhóm sư huynh dòng Lasan, chuyên đi khắp thế giới mở trường phục vụ người dân về mặt giáo dục. Trường có hai khu: khu kiến trúc cổ điển Pháp được xây dựng thời kỳ đầu, kết nối hài hoà với khu kiến trúc hiện đại được mở rộng thêm vào cuối thập niên 60. Khu vườn hoa yên tĩnh phía trước khá tương phản với khu sân chơi và thể thao ở phía sau. Trường Taberd được thiết kế sáng sủa thoáng mát tự nhiên, làm cho học sinh luôn cảm thấy thư thái nhẹ nhàng trong môi trường giáo dục trong lành.
 Trường Taberd vào thập niên 1930: khu nhà Pháp và vườn phía trước (ảnh trái). Ảnh: thư viện Lasan
Ngôi trường được trang bị đầy đủ như một trung học kiểu mẫu ở nước ngoài. Trường có một hội trường có thể biểu diễn văn nghệ và chiếu bóng, một tầng lầu bao gồm những phòng thí nghiệm lý hoá và sinh học, tám sân tập bóng rổ, bốn sân bóng chuyền, khu học tập cho các cấp, khu học tập chuyên đề và âm nhạc, hai khu bán tạp hoá và thức ăn uống cho học sinh, hai khu ở dành cho các sư huynh, khu hành chính, và khu triển lãm và thương mại phục vụ cho đối nội và đối ngoại.
Khu vực trước trường phía đường Nguyễn Du là nơi sinh hoạt chính của học sinh trước khi vào trường và sau khi tan trường, do đó tạo nên một cộng đồng nho nhỏ mà mọi người sống và làm việc quanh đó nếu không biết tên, thì cũng quen nhau. Vào những kỳ lễ hội, không gian này kết nối với không gian đi bộ trước bưu điện thành phố, xung quanh nhà thờ Đức Bà và dọc theo đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi), tạo nên một không khí gắn bó thân tình của người dân, mà ngày nay, sau nhiều chục năm xa cách, tôi vẫn không quên.
Ngày nay, ngôi trường tiếp tục là nơi đào tạo nhiều thế hệ học sinh xuất sắc cho thành phố. Mặt tiền phía Hai Bà Trưng của trường được bổ sung một “bức tường cây” không những làm đẹp cho con đường, mà còn có tác dụng giảm ồn và giảm bụi cho trường. Mong sao ngôi trường này sẽ mãi tồn tại như một địa chỉ văn hoá giáo dục có giá trị của khu trung tâm lịch sử.
TS. KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN
Theo SGTT