Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Những Ngã Rẽ

Hồi ký

Dương Văn Ba


Vài nét tiểu sử
DƯƠNG VĂN BA

     Sinh năm 1942 tại Bạc Liêu. Năm 1961 đậu vào Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, sau khi tốt nghiệp tháng 8.1964 được bổ nhiệm về Mỹ Tho dạy môn Triết lớp Đệ nhất (tương đương lớp 12 bây giờ).  Tham gia hoạt động chính trị, trở thành một trong những dân biểu trẻ thuộc phái đối lập trong Hạ nghị viện khóa 1967-1971 thời Việt Nam Cộng Hòa.
     Đầu năm 1968 bước vào nghề báo với các bài xã luận thường xuyên đăng trên nhật báo Tin Sáng, rồi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báoĐại Dân Tộc. Từ tháng 11. 1971, sau khi thất cử Hạ nghị viện, đã cùng vài đồng nghiệp chủ biên nhật báo Điện Tín. Cuối năm 1972, để tránh bị bắt lính, dọn vào ở và tiếp tục làm báo tại Dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh. Ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Thông tin trong chính quyền ngắn ngủi 3 ngày của Tổng thống Dương Văn Minh, nhờ vậy đã có dịp chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong những ngày cuối cùng của chế độ.  
     Sau 30.4.1975, tiếp tục làm báo ở nhật báo Tin Sáng. Từ 1984 đến 1987, hoạt động hợp tác kinh tế với Lào với tư cách là phó giám đốc Công ty CIMEXCOL Minh Hải, và mặc dù ăn nên làm ra nhưng vẫn bị chính quyền bắt nhốt vào ngày 25.12.1987, ra tòa tại Bạc Liêu với án chung thân. Dư luận cả nước đều coi đây là một trong những vụ án lớn “có vấn đề” của chế độ mới XHCN mà khi đọc hồi ký Những ngã rẽnày người đọc sẽ được rõ thêm.
     Sau khi được ra tù trước thời hạn vào ngày 30.4.1995, ông làm ăn liên tiếp thất bại, mất hết tài sản, phải ở nhà thuê trong suốt nhiều năm. Hiện bị tai biến xuất huyết não, nằm bất động khoảng 6 tháng nay trên giường bệnh.
 
2-3-15


Chương 1
CHUYỆN THUỞ MỚI LỚN

Gốc nông dân Miền Tây
Tôi không nhớ rõ gương mặt bà ngoại. Chỉ mang máng bà tôi trắng, gương mặt dễ nhìn. Bà rất thương đứa cháu trai, con đầu lòng của cô con gái duy nhất. Mẹ tôi có tên là Hai Án. Án tiếng Triều Châu có nghĩa là đỏ hồng. Bà con lối xóm thường gọi mẹ tôi là Hai Hồng.
Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Châu, một vùng cát biển giáp với Sóc Trăng, Bạc Liêu, hai tỉnh gần cực nam đất Việt, nơi có nhiều người Khơ Me sinh sống, xen lẫn với người Việt, người Tiều.
Sự hòa đồng giữa ba dân tộc đã có bao đời trên mảnh đất của ruộng đồng và cát biển, xứ của nước biển pha nước lợ, xứ của đồng chua đất phèn, xứ của cỏ năn, lát sậy sát với rừng tràm, rừng đước, xứ của tôm, cua và bao nhiêu loài cá nước lợ, cá đồng cá biển.
Ai về Bạc Liêu không thể nào quên con cá chốt kho sả ớt, con cá kèo kho tiêu, không thể quên vị ngọt tươi của con tôm đất vớt lên từ trại đáy ăn với bún rau sống bánh tráng chấm tương bầm. Trong những ngày mưa dầm, ực thêm ly rượu công-xi thật khó quên.
Càng không thể quên con cua gạch. Mỗi con chứa đầy gạch son béo như phó-mát. Chỉ ăn gạch cua thôi đủ thấy sự màu mỡ của biển Bạc Liêu, Cà Mau  đủ thấy cây mắm, cây tràm, cây đước vùng U Minh đã tạo cho thiên nhiên và sinh vật vùng biển bao nhiêu chất tươi, bao nhiêu chất béo bổ phục vụ dân cư địa phương.
Mỗi lần có dịp đi xuồng trong các kinh rạch chằng chịt vùng quê Bạc Liêu, Cà Mau, tôi có thói quen mở rộng buồng phổi hít thật sâu mùi thơm của cây tràm, một mùi dễ chịu khó tả không thể nào nhầm lẫn được.
Càng đi sâu vào vùng quê, tôi có cảm giác đất trời mênh mông càng lúc càng thấp xuống, gần sát vào nhau - Trời, Đất, Nước và con người như một, lẫn vào nhau, gần gũi nhau.
Dân Bạc Liêu, Cà Mau dễ hội nhập với nhiều nền văn hoá, nhiều lối sống, nhiều phong tục tập quán. Họ thể hiện sự cởi mở của ruộng đồng mênh mông, biển cả bát ngát vây quanh. Một người Bạc Liêu có thể nói 3 thứ tiếng Việt, Tiều, Khơ Me. Họ vừa biết trồng lúa, làm rẫy, vừa biết đánh lưới đi biển, vừa biết chăn nuôi heo, gà, cá.
Một đời sống cực khổ nhưng phong phú. Một vùng đất bước ra khỏi nhà đã gặp thức ăn. Chỉ cần học hỏi, lao động, chỉ cần một chút thông minh, siêng năng, cuộc sống hàng ngày không đến nỗi thiếu trước hụt sau.
Cha tôi, một nông dân khỏe mạnh, thông minh, cần cù lao động, sinh ở Trà É - Nhu Gia thuộc huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng.
Trà É, vùng ruộng đồng phì nhiêu, nơi sinh sống của người Hoa lai Việt, lai Khơ Me. Hiểu biết về nghề nông về đồng ruộng của cha tôi khá phong phú, ông lại chăm chỉ làm lụng nên được nội tôi thương, cho phép lấy vợ sớm. Cha tôi cưới má tôi lúc ông mới 24 tuổi. Ông từ bỏ vùng quê Trà É đi ở rể tại Xóm Lò Heo mới. Về vùng chợ Bạc Liêu cha tôi được lối xóm gọi là ông Hai. Ông Hai theo nghề buôn bán hàng xén của bên vợ, ông mua bán giỏi, biết gõ bàn toán, biết tiếng Hoa. Người dân Xóm Lò Heo không ai không biết ông Hai Án bán tạp hóa, chồng của cô Hai - một thiếu nữ hiền dịu có chút  ít học thức.
Bằng sức lao động cần cù, bằng tài mua bán tháo vát, chẳng mấy năm gia đình anh chị Hai Án trở nên khá giả, có tiệm hàng xén, có chành vựa lúa, mỗi năm mua bán nhỏ cũng được vài chục ngàn tạ lúa.  

Tuổi thơ và khát vọng
Tôi lớn lên trong khung cảnh lao động. Hàng ngày ngoài việc cắp sách đến trường tiểu học, tôi phụ mẹ giữ các em và làm công việc lặt vặt trong nhà. Sống và lao động để sinh sống, bài học đó cha tôi đã dạy cho tôi ngay từ lúc còn năm, sáu tuổi.
Thể chất tôi bình thường, nhưng trí tưởng tượng và ước mơ thật lớn.
Tôi thích được làm tay nghĩa hiệp trừ gian diệt bạo. Lúc còn bé, bắt đầu biết xem sách, thích xem các tập sách hình của Hồng Kông. Chỉ cần dùng mấy ngón tay lướt nhanh qua tập hình, các hiệp sĩ tha hồ đánh võ, đánh kiếm quần thảo nhau xem đã con mắt, khêu gợi óc giang hồ kỳ hiệp của các cô các cậu tuổi thơ. Các sách in hình chữ Hoa nhưng tôi vẫn đoán ai là kẻ gian, ai là hiệp sĩ.
Tuổi thơ của tôi được nuôi bằng các ảo tưởng anh hùng nghĩa hiệp. Lớn hơn một chút nữa, lúc sắp rời ghế nhà trường tiểu học, tôi lại vùi đầu vào các truyện phiêu lưu, truyện trinh thám, Vàng và Máu, Bàn tay máuNgười nhạn trắng… Hồi còn học tiểu học, được dịp xem xinê, tôi thích xem phim “Hoàng giang Hiệp nữ”. Cả một thời thơ ấu, trí tưởng tượng của tôi được nuôi bằng ảo vọng mong được làm các hành động nghĩa hiệp trừ gian diệt ác.
Tôi là con mọt sách kiếm hiệp từ lúc còn học lớp ba. Sách tranh ảnh giai đoạn này tác động mạnh vào tính cách tôi lúc trưởng thành. Tôi và anh Tư, người anh bà con chú bác, hễ có được mấy “cắc” là tìm dịp ra chợ Bạc Liêu mướn sách đọc. Không phải là truyện ái tình, mà là truyện trinh thám, kiếm hiệp, Tề Thiên đại thánh, Thủy hử, Tam quốc… Những mẫu chuyện hoang tưởng kỳ thú thỏa mãn ước mơ, khát vọng làm anh hùng của đám con nít. Ở thời kỳ phim đen trắng còn quá ít, phim còn câm, sách báo còn hạn chế, coi sách kiếm hiệp, đọc truyện Tề Thiên đã là thú tiêu khiển của người có xu hướng văn hóa.
Lớn lên suy nghĩ lại, sách báo tuổi thơ đã tạo nên phần nào nhân cách của tôi. Một nhân cách ưa phiêu lưu, thích làm chuyện đại nghĩa, chuyện lớn, không tính toán nhiều tới hậu quả, không lượng sức mình, không so đo đối chiếu cọ xát nhiều với thực tế. Tính cách này vừa là một ưu điểm gặp lúc bùng phát thịnh thời nhưng cũng là một nhược điểm dễ dẫn tới những thất bại không lường trước được. Nói theo kiểu tính tình học đây là đặc điểm của người đam mê, say mê lý tưởng, mộng tưởng nên gặp nhiều lúc thất bại ê chề.

Cảm giác về kẻ khác giống
Là một đứa trẻ thông minh, da dẻ sáng láng, tôi sớm hiểu nhanh nhiều chuyện của người lớn.
Mới có năm, sáu tuổi, tôi đã lưu ý tới chuyện người chú thứ Mười, ở chung nhà, dan díu với một cô gái hàng xóm. Chuyện tình của cô gái kia với chú Mười, tôi thắc mắc không biết phạm điều cấm gì mà thấy cha tôi la rầy dữ dội. Có lẽ vì thế chú Mười bỏ nhà đi đâu mất. Lúc đó khoảng năm 1947. Sau nầy tôi mới hiểu chú Mười bị tai tiếng tình cảm, đã bỏ đi theo Việt Minh từ dạo ấy.
Chuyện quan hệ trai gái sớm có sức hút sự chú ý của tôi. Ở chung xóm cách nhà mấy căn, có mấy cô bé cùng tuổi, họ cùng chơi đùa với tôi hàng ngày. Nhiều buổi trưa, tôi và các cô bạn gái vào lẫm lúa, giả đóng vai trò yêu đương của người lớn. Đó là sự tò mò về người khác giống, đồng thời cũng là dấu hiệu của sự sớm phát triển tâm sinh lý. Có những đêm, lúc đó tôi ngủ chung một bộ ván ngựa với người chú, lớn hơn tôi chừng hai tuổi, cả hai người không biết do vô thức hay ý thức, thích cọ sát mơn trớn giới tính của nhau, sự mơn trớn đó đã tạo cho tôi khoái cảm.
Bắt đầu thời kỳ cuối của bậc tiểu học, tôi đã chú ý đến các cô bạn dễ nhìn ở hàng xóm. Hai cô bạn gái học cùng lớp nhì lớp nhất được tôi quyến luyến là Hảo và Lệ. Mỗi lần các cô bạn này đi chợ ngang nhà, cậu bé chín mười tuổi lúc đó hay dõi theo ra chiều quyến luyến. Trong nhiều giấc mơ, tuổi bé tí, tôi thấy mình làm bạn tình cảm với họ.
Giới tính và sự phát triển lần hồi của giới tính như những đợt sóng nhẹ vỗ từ từ vào bờ cảm quan xác thịt của trẻ thơ, êm dịu và có lúc cuốn hút, không gì đẹp bằng những phút ngây ngây đó. Có lẽ giới tính phát triển sớm nơi những trẻ con lai giống. Sự kích thích của giới tính khiến trẻ sớm hiểu biết chung quanh, sớm hiểu người khác.Một chỉ số cường độ giới tính lành mạnh cũng là một chỉ số về cường độ thông minh nơi trẻ.
Qua kinh nghiệm bản thân, tôi sớm hiểu thế nào là khoái cảm, thế nào là sự êm ái do người khác giống tạo ra cho mình khi có được cảm giác người đó chú ý tới mình. Sự quan tâm đối với các cô bạn bé tí là chỉ dấu thôi thúc phát triển, chỉ dấu hướng ngoại, hướng tha. Tôi không thể sống cô đơn từ lúc bảy tám tuổi, luôn cần có bạn, thích lựa chọn bạn. Nào Lệ, nào Hồng, nào Hảo, nào Hoàng Anh, hình ảnh các cô bạn gái theo đuổi và thay đổi từng thời kỳ phát triển tâm sinh lý của tôi. Thời kỳ nào, tháng nào, ngày nào trong tuổi thơ của tôi luôn có những giấc mơ được dệt ra với những hình ảnh đó.
Với các bạn trai cũng thế. Những Cơ, Tập, Thanh, Tựu, lớn hơn một chút, những Khương, Thọ, Tỷ, Phát. Thế giới của tôi lẫn lộn giữa nam và nữ, giữa mơ mộng và thực tiễn, lẫn lộn giữa ước ao khát vọng với các giới hạn hàng ngày, giới hạn của chung quanh.
Chưa lớn đã khát khao yêu, chưa lớn đã mơ sự nghiệp lớn. Có những đêm trong chiêm bao, tôi mơ thấy mình là anh hùng, là kẻ tài năng, giàu có và mơ thấy mình được chắp cánh bay xa với những người yêu bé nhỏ. Mộng và thực. Ước mơ và giới hạn. Đó là những thúc bách của kẻ đang lớn, đang hình thành nhân cách, đang có nhiều ước vọng và ảo vọng.
Trí tưởng tượng thật dồi dào và thực tế cũng ê chề. Nhiều lúc, tôi ngồi thừ nhìn dòng sông trước mặt nhà, thấy mình hóa thân thành người thuyền trưởng dong buồm đi xa cùng nhiều nàng tiên đẹp. Tiếng gọi của cha tôi kéo tôi về với công việc thực tế, gánh gạo, gánh thóc đem giao cho hàng xóm.
Tuổi thơ của tôi đầy mơ mộng nhưng cũng là một tuổi thơ làm lụng vất vả. Mơ và thực lẫn vào nhau giữa ngày và đêm trong giấc ngủ, giữa công việc lao động và các cuốn truyện phiêu lưu kỳ hiệp. Sau này, khi lớn lên có lúc tôi vô cùng thực tế, cái thực tế cuả người Triều Châu mua bán, có lúc tôi lại là người mộng mơ bay theo những chuyện trong sách vở.

Sài Gòn của thuở mới lớn
Tôi lên Sài Gòn học từ năm 1957, lúc chỉ mới mười lăm tuổi. Nhà  tôi có chiếc xe đò chạy đường Sài Gòn – Bạc Liêu, năm mươi chỗ ngồi. Nhờ đó, việc liên lạc với gia đình khá dễ dàng. Được cha chăm sóc thường xuyên nên tôi cố gắng học tốt, tôi đỗ tú tài I năm mười sáu tuổi.
Ở trọ nhà bà cô được mấy tháng, trong khu chợ Vườn Chuối, sau đó tôi cùng bạn bè đi ở trọ sau lưng chợ Nancy. Từ mười sáu tuổi, tôi đã sống xa nhà, được tự do nên nhanh chóng thấu hiểu ngõ ngách của Sài Gòn.
Sài Gòn năm 1958 trong con mắt của cậu học sinh mới lớn, với nhiều con đường đầy bóng râm mát.
Đường Phan Thanh Giản có những cây dầu cao vút. Đường Trần Quang Khải với những cây sao đen kịt. Đường Đinh Tiên Hoàng rợp những tàng me. Đường Trần Quý Cáp yên ắng với nhiều biệt thự xinh đẹp. Nhiều cặp nam nữ dắt nhau đi bộ ung dung trong một thành phố có nhiều thảm cỏ.
Sài Gòn của những quán cà phê nhỏ, quán thạch chè đặc sản, quán mì cây nhãn, quán hủ tiếu Cả Cần, bánh tôm, bánh cuốn Phan Đình Phùng (ăn lúc nửa đêm).
Sài Gòn của Đêm Màu Hồng, của vũ trường Văn Cảnh, Sài Gòn với các hội quán sinh viên và bữa cơm tự phục vụ một đồng bạc, cùng lúc hàng ngàn người ở đường Bùi Viện.
Sài Gòn thời đó là Sài Gòn của các nhà sách nổi tiếng; Khai Trí đường Lê Lợi, Trần Văn đường Lê Văn Duyệt, Lê Phan đường Phạm Ngũ Lão, Albert Portail đường Tự Do… Tất cả đầy những người ham học đứng lựa sách và đọc sách báo.
Người Sài Gòn hồi năm mươi mấy, sáu mươi… thích đi dạo phố Catinat, Bonard, Charner… thích ăn kem uống cà phê ở các quán lề đường thanh nhã.
Mỗi thứ, mỗi kiểu đều có hương vị, sắc thái riêng.
Ăn phở là phở Tàu Bay, phở Bắc Huỳnh. Ăn sáng ở Thanh Bạch, Thanh Vị, Cả Cần, Sing Sing, ăn bánh paté chaud ở Phạm Thị Trước, nhậu ở Kim Hoa…
Một Sài Gòn vừa phải, văn minh lớp lang, sạch sẽ. Không có cảnh se sua, bát nháo. Không có cảnh cóc nhảy lên làm sang. Một Sài Gòn thi vị đầm ấm, đầy màu sắc văn hoá… Mặc dù Sài Gòn của bên kia sông, của bến tàu, của quận tư, Khánh Hội vẫn là một Sài Gòn lam lũ, nước đen, ổ chuột, nơi sôi sục bao nhiêu tệ nạn xã hội, bao nhiêu bất công, cũng là nơi sôi sục những mầm mống đấu tranh liên lỉ âm thầm.
Sài Gòn cuối thập kỷ năm mươi với vài tờ nhật báo Tiếng Chuông, Thần  Chung, Tin Điển, Sài Gòn Mới… bước sang thập kỷ sáu mươi với hơn chục tờ nhật báo lớn nhỏ… Một Sài Gòn cựa mình tự do ăn nói, tự do vẽ ra cung cách sống, cung cách suy nghĩ cho thế hệ hiện tại và tương lai. Cùng lúc Sài Gòn âm thầm bộc phá, len lỏi với hàng chục hàng trăm ngòi bút chịu ảnh hưởng của xu hướng cách mạng cộng sản.
Sài Gòn mở cửa đón chào nhiều làn sóng chính trị, văn hóa, văn nghệ, nhiều luồng sóng văn minh với sự âm ỉ ngún lửa của nhiều ngòi nổ đấu tranh cách mạng. Một Sài Gòn bắt đầu trăm hoa đua nở sau mấy chục năm chịu áp bức, kiềm chế của nền văn minh thuộc địa.
Ở tuổi 17, 18 với sự bùng lớn lên của sức vóc và tầm suy nghĩ, với sự dẫn dắt vượt bến bờ của trí tưởng, óc sáng tạo, tôi có dịp học hỏi, đọc sách tìm hiểu nhiều nguồn văn hóa, nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều phong trào chính trị. Cùng với nhiều thanh niên thời đó, tôi bắt đầu bị cọ xát bởi thuyết hiện sinh, bởi chủ nghĩa hiện thực xã hội, cọ xát với thuyết Mác xít, lý thuyết cộng sản.
Tôi thần tượng Karl Marx, ở bên kia sông và rào kẽm gai, nhưng tôi mê Jean Paul Sartre, Françoise Sagan với tác phẩm “Buồn ơi chào mi”, thích lối sống hiện sinh đồng thời cũng bị cuốn hút bởi chuyện những người ly khai thành thị, dứt áo ra đi, hẹn một ngày trở lại.
Thời kỳ cuối năm 50 đầu 60, những chàng trai mới lớn như tôi có chút mơ mộng trộn lẫn với hiện thực xã hội, thường nuôi trong lòng nhiều tình cảm đối chọi nhau, vừa thuận vừa nghịch thay phiên lấn chiếm tâm tư hàng ngày.
Nhớ lại năm 1961, tôi và Huỳnh Phan Anh, cả hai vừa tròn 20 tuổi đã nổi hứng viết lá thư ngỏ đăng trên tuần báo Mã Thượng, đối thoại với nhóm Sáng Tạo (một thế lực văn hóa văn nghệ thời đó giữa Sài Gòn). Nhóm Sáng Tạo tuyên ngôn khai tử văn nghệ tiền chiến và đòi hỏi làm lại một nền văn hoá văn nghệ mới mẻ từ con số không.
Hai chàng trai trẻ đã gióng tiếng chuông về một nền văn nghệ có tính chất lịch sử liên tục. Mọi thứ vận động văn hóa đều có tính cách thời gian và lịch sử. Tuyên chiến với quá khứ là một điều vô nghĩa, vì sáng tạo nhất là sáng tạo trong văn hóa văn nghệ luôn luôn là sáng tạo trong một không gian và thời gian:
“Từ chối đối thoại với quá khứ bao gồm ý nghĩa chối bỏ quá khứ. Thử hỏi người ta có thể làm một cuộc thanh toán với quá khứ và các anh, các anh có thể làm gì được trước quá khứ của các anh, trước nghệ thuật tiền chiến? Khi các anh dứt khoát lật nhào quá khứ, các anh đã mặc nhiên công nhận - và đây là một trong những thất bại đầu tiên - là quá khứ ấy chưa hẳn đã đi qua, đã thành xác chết. Sự hiện diện của quá khứ trong lòng nghệ thuật hôm nay, không phải là một hồi quang đơn giản mà tự nó đã là một thực tại, một vấn đề, một dấu hỏi, một thách đố…
…Bởi vậy là một vô lý nếu không nói là một nông nổi lãng mạn khi chúng ta nhân danh một nghệ thuật để lên án một nghệ thuật.
Nghệ thuật là một trong thể hiện lớn lao nhất của tự do con người…. Thái độ cần thiết là xem nghệ thuật tiền chiến như bất kỳ một nghệ thuật nào - là một công trình nhân loại, một sự sống và tác phẩm chính là thể hiện sự sống… Nói đến một xác chết nghệ thuật là một cái gì không thể quan niệm được….
….Thời đại chúng ta không thể giải thích bằng những danh từ im lìm băng giá của tâm lý học, xã hội học, siêu hình học. Sự thật và cuộc sống không nằm trọn trong những danh từ ấy. Tại sao lại phẫn nộ hoang mang, thắc mắc, quằn quại trước thực tại vì thử hỏi khi đó cuộc đời có thay đổi chút nào không hay nó vẫn tràn đầy ra đó, ương ngạnh và tự do. Nó vẫn không thay đổi với người học trò vẫn đi học, người thợ vẫn âm thầm làm việc, nó vẫn gần gũi và xa cách chúng ta muôn trùng.
Một nhà văn Mỹ, Kerouac đã nói:“Tôi sẽ phải chọn lựa giữa văn nghệ và nghề lái xe chạy trên các con đường trong nước Mỹ. Tôi nghĩ rằng tôi nên chọn nghề lái xe vì ở đó tôi sẽ không phải phát biểu gì cả mà tất cả đều có thực.”
Chúng tôi tìm thấy trong lời nói ấy một thái độ nghệ thuật lớn lao, dũng cảm mà mọi chủ trương nghệ thuật kết bằng những danh từ, những lý thuyết suông không thể so sánh được.
Vì cuộc đời vẫn tiếp diễn, bất khả xâm phạm trong khi những tác phẩm nghệ thuật vẫn tiếp tục ra đời và tạo nhiều giông bão trong những câu chuyện vô trách nhiệm quanh những tách càphê…”.
Tác giả Huỳnh Phan Anh và Dương Trần Thảo
(Trích tuần báo Mã Thượng xuất bản năm 1961 tại Sài Gòn)

Thời sinh viên và tự do tư tưởng
Huỳnh Phan Anh và tôi cùng đậu vào trường Đại học Sư phạm Đà Lạt giữa năm 1961. Hai chàng trẻ tuổi đầy ước mơ và tham vọng làm một chuyện mới trong thực trạng văn hóa thời đó.
Ở Đà Lạt trong khung cảnh nên thơ của xứ thông reo và xứ hoa đào, chúng tôi vùi đầu vào sách vở triết lý tôn giáo, xã hội học, văn chương hiện thực, hiện sinh. Giữa vòng tay của tôn giáo và giáo điều, những chàng thanh niên đó mơ làm kẻ nổi loạn, vô thần, không tin có Chúa ở trên trời.
Tôn giáo là cái mũ, cái áo mặc ngoài, con người đàng sau và bên trong vỏ bọc là gì? Thần thánh hay trần tục. Xác thịt hay cao thượng. Tất cả là sản phẩm của suy tư được nhào nặn trong thực tế va chạm của cuộc sống. Chỉ có con người tự quyết định và làm nên số phận của mình từng phút, từng giờ. Con người là sản phẩm của chính anh ta trong cuộc vật lộn với người khác, với môi trường và thế giới chung quanh. Con người tự quyết định lấy số phận của mình không ai sống dùm và sống thay kiếp sống của người khác. Tôi suy tư vậy là tôi hiện có. Tôi suy tư là tôi sống và quyết định đời sống của tôi mỗi giây phút đi qua.
Giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, giữa giảng đường thênh thang lúc nào cũng ẩn hiện hình bóng Chúa, chúng tôi không một ngày đi nhà thờ cầu nguyện, cũng không một buổi ghé Chùa Linh Sơn tĩnh tâm. Chúng tôi lăn xả vào sách vở cũng như thả hồn suy tư, bay tản mạn theo khói thuốc lá, theo những dòng nhạc lãng mạn thời thượng hàng đêm ở quán Càphê Tùng. Tiếng hát u uẩn của Thuý Nga, tiếng hát da diết buồn của Thanh Thuý lúc nào cũng văng vẳng bên tai. Chúng tôi sống theo những suy nghĩ riêng vừa thu nhặt được từ sách vở hiện sinh, từ văn chương hiện thực xã hội. Sartre hay Camus ? Về tư tưởng triết học, về quan niệm văn chương hư vô hay nổi loạn. Goethe hay Kant? Jesus Christ hay Karl Marx? Tất cả chỉ là suy tư, giáo điều. Tất cả chỉ là tư duy của một thời kỳ (nghĩ như thế có chắc đúng không?!)
 Con người phải làm lại từ đầu và làm lại tất cả. Đó là sự sáng tạo, sự tiến lên của dòng chảy vận động văn hoá xã hội. Một cuộc phiêu lưu, va chạm trong tư tưởng không bến không bờ, phá vỡ các công thức, các giáo điều, các lý tưởng.
Con người không phải là tượng đá. Con người luôn thay đổi, luôn hình thành. Tôi là ai ? Hôm nay và ngày mai. Đó là sự phát triển không giới hạn. Đó là tự do.
Tự do tư tưởng là phá vỡ các giới hạn, các ràng buộc. Cách mạng tư tưởng là phá xiềng tinh thần. Điểm khởi đầu cho các xáo trộn và đổi mới xã hội.
Những chàng thanh niên trí thức thời kỳ 1960-1963 sống trong tâm tình và suy tư tương tự như thế. Và vì không có một chỗ để đỡ đầu, để tựa lưng cho nên phương hướng của họ là sự vô phương hướng.
Nhớ lại giai đoạn đó tôi và bạn bè thường sống trong nỗi suy tư và tâm tình của những kẻ nổi loạn (Revolté).
Nhiều người đã nổi loạn và có lẽ đã may mắn, gặp con đường đi làm cách mạng theo kiểu cộng sản. Trong giới sinh viên Đại học Đà Lạt thời đó không thiếu những chàng trai âm thầm đi theo tiếng gọi của cộng sản. Võ Văn Điểm, Nguyễn Trọng Văn, sau nữa… Cao Thị Quế Hương… là thể hiện tích cực của những tình cảm nổi loạn, bức phá.
Đại đa số đi theo chiều ngược lại. Hiện sinh, vô thần, không chấp nhận khuôn thước, rào cản, luôn đi tìm cái mới. Trong số những người này có Huỳnh Phan Anh, Huỳnh Đạt Bửu, Võ Văn Bé, Tô Văn Lai, Huỳnh Quan Trọng…và nhiều thanh niên khác đứng giữa dòng cộng sản và tôn giáo.

               Chúng tôi đi không bến không bờ
    Trước mặt là dòng sông, sau lưng là nghĩa địa
           (thơ Tô Thuỳ Yên, nhóm Sáng Tạo)

Não trạng sống của trí thức Sài Gòn, trí thức miền Nam thời bấy giờ tương tự như thế. Còn ngày mai sẽ ra sao? Đó là những bến bờ không định trước được của lịch sử. Tôi và nhiều bạn bè đã rời ghế trường đại học trong hoàn cảnh suy tư đó. Chúng tôi đã bị xô đẩy và vùi dập bởi nhiều cơn sóng lớn nhỏ của lịch sử kể từ 1965 về sau này…