Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

Lò lu Đại Hưng, Bình Dương

 Lò lu Đại Hưng là lò gốm cổ nhất đất Bình Dương, hiện vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống, với sản phẩm nghề đặc trưng truyền thống.

    Một góc Lò lu Đại Hưng. Đây là cơ sở sản xuất gốm thủ công lớn nhất Bình Dương với diện tích gần 11.000m2.


    Lò lu Đại Hưng nằm ở ấp 1, xã Tương Bình Hiệp (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một khoảng 3km về phía bắc. Cái tên Lò lu xuất phát từ lò gốm chuyên sản xuất các loại lu, khạp, hũ... dùng cho sản xuất nông ngư nghiệp và đời sống từ xa xưa. 

    Lò lu Đại Hưng có lịch sử trên 150 năm; với người chủ sáng lập đầu tiên là một người Hoa gốc Quảng Đông, Trung Quốc, trong cộng đồng di cư đến vùng đất này vào khoảng thế kỷ 17-18. Lò lu Đại Hưng đã trải qua nhiều thăng trầm, với nhiều đời chủ. Có những quãng thời gian khó khăn, lò lu Đại Hưng tưởng như phải đóng cửa ngừng sản xuất. Cơ sở cũng đã từng suýt bị giải thể vì bị cho rằng gây ô nhiễm môi trường; nhưng may mắn đã được giữ lại với quan điểm bảo tồn nghề truyền thống.

    Tháng 10.2006, lò lu Đại Hưng đã được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích cấp tỉnh. Người có công giữ được lò lu Đại Hưng và bảo tồn, phát triển nghề là ông Bùi Văn Giang (Tám Giang), người chủ thứ 5, tới nay đã có hơn 30 năm gắn bó, quản lý cơ sở gốm truyền thống này.

    Sản phẩm của Đại Hưng là những chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng, thiết thực cho đời sống của những người làm nông - ngư nghiệp, là các loại lu, khạp, hũ... với nhiều kích cỡ; không sản xuất hàng gốm mỹ nghệ. Mỗi ngày trung bình lò xuất xưởng khoảng 300 sản phẩm các loại, tiêu thụ nhiều ở các tỉnh miền Tây và cả Campuchia, Thái Lan, vận chuyển theo đường giao thông thủy.

    Khu vực làm đất trong xưởng. Đất được lấy ở cách cơ sở sản xuất khoảng 20km. Đất nguyên liệu được xử lý 2 lần qua máy để đảm bảo nhuyễn, mịn. Ở Lò lu Đại Hưng, các công đoạn khác đều làm thủ công bằng tay theo phương thức truyền thống, riêng công đoạn này được máy hỗ trợ để tiết kiệm sức người.

    Ông Hồ Văn Lớn, 71 tuổi, đang gia công một chiếc khạp. Ông theo nghề gốm từ năm 21 tuổi và đã có 11 năm gắn bó với lò lu Đại Hưng. Đất sét được cắt thành miếng, cán mỏng làm thành khạp...

    Phần miệng trên của khạp được tiếp tục bổ sung bằng một rẻo đất khác.

    Phần thành khạp được đưa vào khuôn tròn đặt ngược.

    Cả hệ khuôn được lật ngược lại, xén và làm mịn phần miệng trên...

    Trải qua thời gian cùng những thăng trầm lịch sử, và những thay đổi của đời sống, xã hội; lò lu Đại Hưng vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống như xưa, không sử dụng máy móc (trừ khâu làm đất); trong khi các cơ sở gốm khác ở Bình Dương đã thay đổi, cơ giới hóa nhiều. Đây là quan điểm bảo tồn của ông chủ Tám Giang cũng như Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bình Dương.

    Nghề gốm là một nghề truyền thống đặc biệt, nổi tiếng của đất Bình Dương. Lò lu cổ Đại Hưng là một đại diện tiêu biểu, niềm tự hào; thể hiện bản sắc của miền đất này; và cũng để lại dấu tích quan trọng trên con đường phát triển nghề truyền thống ở vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao: “Ai về chợ Thủ bán hũ, bán ve - 
    Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”...

    Dỡ khuôn.

    Công đoạn tráng men cũng được làm thủ công với từng sản phẩm một.

    Sau khi xếp sản phẩm vào lò, các cửa lò sẽ được xây trám, bịt kín, chổ chừa một lỗ nhỏ - gọi là mắt lò, để tiếp củi vào và quan sát lửa. Lò được đốt ở nhiệt độ 1200 độ C, thời gian từ 4-6 tiếng. Những thợ lò cho biết, mỗi mẻ sản phẩm sau nung đạt thành công khoảng 90%.

    Lò lu Đại Hưng trung bình mỗi ngày xuất xưởng khoảng 300 sản phẩm; tất cả vẫn theo cách thức cổ truyền xưa; hình dáng, chất liệu, màu sắc sản phẩm vẫn giống như hơn một trăm năm trước.

    Hà Thành