Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

Ngày 30-4: Khát vọng hòa bình mạnh hơn sự hận thù

 VĨNH HÀ - VŨ VIẾT TUÂN thực hiện

TTO - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ với Tuổi Trẻ những câu chuyện, hình ảnh của sự kiện thống nhất đất nước 43 năm trước để cho thấy khát vọng hòa bình mạnh hơn, che lấp đi sự hận thù.

Ngày 30-4: Khát vọng hòa bình mạnh hơn sự hận thù - Ảnh 1.

Những người lính của hai phía bắt tay nhau tại tuyến giáp ranh thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào tháng 4-1973, sau Hiệp định Paris - Ảnh: CHU CHÍ THÀNH

Trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - chia sẻ những điều của một người từng trải qua những năm tháng lịch sử và đã có một khoảng lùi để nhìn lại sự kiện chiến thắng ngày 30-4 cách đây 43 năm.

Khát vọng hòa bình mạnh hơn hận thù

* Nhìn nhận của ông khi 20 tuổi và bây giờ về sự kiện lịch sử ấy có gì khác nhau không?

Là người nghiên cứu lịch sử và hiện tham gia xây dựng bộ quốc sử ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tôi thấy rõ rằng dù có nhiều lý do để đối phương thúc đẩy chiến tranh nhưng đối với người Việt, cuộc chiến chống Mỹ khi ấy chỉ có một mục đích duy nhất là thống nhất nước nhà. Khát vọng hòa hợp dân tộc sau này thể hiện rất rõ ở việc gác lại quá khứ, xóa bỏ hận thù.

Cụ thể mới đây nhất là việc báo Tuổi Trẻ cho đăng bức ảnh của hai người lính của phóng viên chiến trường Chu Chí Thành, một thuộc quân VN cộng hòa, một thuộc quân giải phóng. 

Hai người từng ở hai chiến tuyến nhưng họ không muốn nổ súng bắn giết nhau. Cái khoác tay của họ đã hóa giải những mâu thuẫn và nhiều thập kỷ sau, họ gặp lại nhau để khẳng định một điều rằng họ đã đúng khi cùng muốn hướng đến hòa bình, chấm dứt chiến tranh.

Những người lính cộng hòa hay quân giải phóng cũng đều là người con đất Việt. Họ sẽ không phải là kẻ thù nếu đất nước liền một dải.

* Vậy là khát vọng hòa hợp có trong máu mỗi người Việt, kể cả khi họ ở hai bên chiến tuyến?

Đúng. Có một hình ảnh khác mà tôi còn nhớ là cảnh một anh bộ đội rót nước cho anh lính cộng hòa vừa bị bắt làm tù binh. Khi không phải ở chiến trận, họ là những con người có chung mong ước. Ở đây tôi cũng muốn nói đến một đặc tính của người Việt là không muốn giữ sự thù hằn. 

Nhiều cựu binh Mỹ sau này ám ảnh vì những điều họ đã làm và muốn trở lại mảnh đất họ từng gây tội ác nhưng không dám. Họ hình dung sẽ bắt gặp những ánh mắt hận thù, nhưng trái lại nhiều người ngỡ ngàng vì họ được đón tiếp trong sự thân thiện.

Có một người lính Mỹ đã giữ một kỷ vật của người lính mà ông ta đã bắn. Ông ta muốn sang VN để tìm ngôi mộ mà ông ta biết rõ ở vị trí nào. Nhưng trải qua nhiều lo âu, ông ta mới dám sang VN. Tôi được biết về câu chuyện này và cũng không quên hình ảnh người lính Mỹ năm xưa tận tay khiêng chiếc tiểu chứa hài cốt của người lính mà ông ta từng bắn chết để trao lại cho gia đình người đã khuất. 

Còn rất nhiều những câu chuyện, những hình ảnh như thế. Nó là cơ sở để ta hiểu khát vọng hòa bình mạnh hơn, che lấp đi sự hận thù.

Ngày 30-4: Khát vọng hòa bình mạnh hơn sự hận thù - Ảnh 3.

Người lính giải phóng trong bức ảnh là Diễn (chính trị viên đại đội 6, trung đoàn 8, sư đoàn Hương Giang - Quân khu Trị Thiên - Huế) tiếp nước cho một người lính thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 Việt Nam cộng hòa tại cao điểm 550 thuộc mặt trận đường 9 Nam Lào. Tháng 11-1992, lần đầu tiên bức ảnh của phóng viên chiến trường Trọng Thanh được công bố tại nhiều bang của Mỹ đã gây ấn tượng trong giới cựu binh Mỹ và cộng đồng người Việt tại Mỹ - Ảnh: TRỌNG THANH

Trăn trở trong hành trình hòa hợp

* Trước thời điểm 1975, dấu ấn của các thể chế khác nhau cộng với việc phân chia đất nước do chiến tranh có thể là những cản trở cho quá trình hòa hợp dân tộc. Nhìn lại hơn 40 năm trước, ông nhận xét thế nào về những khác biệt và khó khăn của mục tiêu hòa hợp dân tộc?

Lịch sử đã ghi nhận không có một cuộc "tắm máu" nào xảy ra khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Chúng ta cũng thực hiện đúng chủ trương hạn chế tối đa việc phá hủy những giá trị hiện có ngay sau khi giành thắng lợi. Tuy nhiên, ở vào thời điểm ấy, đã có những hạn chế. 

Cụ thể là quan niệm phải xóa bỏ những giá trị của tư sản, mà không tính đến việc tiếp thu được những ưu việt của mô hình quản lý kinh tế tư bản.

Hay như một ưu điểm của cách quản trị xã hội của miền Nam trước giải phóng biểu hiện cả ở những việc nhỏ như sự lễ phép trong giáo dục. Học sinh gặp người lớn là khoanh tay chào. Người dân có ý thức trong chấp hành luật lệ giao thông... 

Đó là những ưu điểm, lẽ ra nên tiếp nhận để phát huy trong quá trình hòa hợp dân tộc.

* Nhưng có vẻ như việc phổ biến những giá trị văn hóa của miền Nam còn hạn chế về liều lượng so với những sản phẩm văn hóa của miền Bắc?

Tôi không cho rằng có sự phân biệt trong việc phổ biến các giá trị văn hóa giữa các vùng miền, nhất là ở thời điểm hiện tại. Nhưng dĩ nhiên nhìn lại quãng thời gian dài đã qua, có những lúc các sản phẩm văn hóa của miền Nam được nói đến ít hơn. 

Hoặc nội dung sách giáo khoa trong nhà trường cũng thiên về miền Bắc hơn như cảnh quan, con người, đặc trưng văn hóa... Quan điểm này đã dần được cải thiện.

"Hai người lính" mong hòa bình mãi mãi'Hai người lính' mong hòa bình mãi mãi

TTO - Tuổi Trẻ ngày 27-4-2015 đăng câu chuyện xúc động về tấm ảnh “Hai người lính” của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành chụp tại Quảng Trị tháng 4-1973 sau Hiệp định Paris. Không ai ngờ sẽ có ngày hai người lính xưa gặp lại nhau.

* Ông đánh giá thế nào về các chính sách của Đảng - Nhà nước đối với kiều bào, nhất là với những người tản cư sau ngày 30-4-1975?

Phải nói rằng, giờ đây chính sách của Đảng - Nhà nước đã thực sự cởi mở, tạo điều kiện hết sức cho kiều bào về thăm và đóng góp xây dựng quê hương. Trong hơn 4 triệu kiều bào đang định cư ở nước ngoài, rất nhiều người trong số đó đã trở về và đã có những đóng góp nhất định từ tài chính đến chất xám. 

Tuy nhiên vẫn còn ít nhiều những định kiến và nếu còn thì cũng chỉ từ phía kiều bào, nhưng số này rất ít.

* Ông có thấy rằng có thời kỳ, một số người Việt ở nước ngoài bị hạn chế trong các hoạt động khi họ muốn thực hiện ở VN?

Trước đây thì có, nhưng những năm gần đây việc này đã thay đổi. Về điều này, tôi chỉ ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông ta từng là một nhân vật cấp cao của chế độ cũ, từng trực tiếp lái máy bay ném bom miền Bắc. 

Nhưng khi ông ta thay đổi suy nghĩ, muốn khép lại quá khứ thì đã được đón chào khi quay về nước. Chuyện này cũng là một minh chứng nữa cho quan điểm luôn thúc đẩy hòa hợp dân tộc.

Ngày 30-4: Khát vọng hòa bình mạnh hơn sự hận thù - Ảnh 5.

Lễ khai mạc Trại hè Việt Nam 2017 với chủ đề “Tuổi trẻ kiều bào tự hào về đất phương Nam”, dành cho thanh niên kiều bào khắp nơi trên thế giới về dự tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (19-7-2017) - Ảnh: THẾ ANH

'Hai người lính' mong hòa bình mãi mãi

PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Tuổi Trẻ ngày 27-4-2015 đăng câu chuyện xúc động về tấm ảnh “Hai người lính” của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành chụp tại Quảng Trị tháng 4-1973 sau Hiệp định Paris. Không ai ngờ sẽ có ngày hai người lính xưa gặp lại nhau.

Hai người lính mong hòa bình mãi mãi - Ảnh 1.

Ông Bùi Trọng Nghĩa - Ảnh: TỰ TRUNG

Qua kết nối của báo chí, ông Chu Chí Thành đã tìm lại được hai người trong ảnh: anh bộ đội Nguyễn Huy Tạo hiện ở Hà Nội và anh lính Việt Nam cộng hòa hiện sống ở TP.HCM. 45 năm sau, nét mặt ông Bùi Trọng Nghĩa đã phai vẻ bụi bặm, nghịch ngợm trong bức ảnh cũ, thay vào đó là nụ cười rất hiền.

"Mừng chết đi sống lại"

* Cảm xúc của ông thế nào khi vừa rồi được quay lại Quảng Trị, gặp lại cảnh cũ, người xưa?

- Ông Bùi Trọng Nghĩa: Tuyệt vời. Thật là một điều tôi không ngờ lại xảy đến trong đời mình. Mấy mươi năm tôi không còn nhớ về tấm ảnh ấy, vậy mà cuối cùng được gặp lại tất cả: ông Tạo, ông Thành. Rồi Quảng Trị. 

Những gì còn lại trong tôi về nơi ấy là chiến tranh, bom đạn, chết chóc, vậy mà nay phố thị sầm uất, không thể nhận ra. Đúng thật là những thay đổi trong hòa bình.

* Với ông, hòa bình đã đến và diễn ra như thế nào?

- Hòa bình với tôi thì chính là lúc diễn ra sự kiện được ông Thành ghi lại trong tấm ảnh ấy. Bọn lính tráng tuổi 20 chúng tôi hồi đó đâu có quan tâm nhiều đến chính trị, nghe tin ngừng bắn chỉ biết mừng, đúng nghĩa là "mừng chết đi sống lại". 

Vậy nên mới có chuyện chúng tôi sang bên phía quân giải phóng chơi, nói chuyện. Tôi thật sự không nghĩ gì, coi họ như anh em, bạn bè, cùng trải qua khói lửa vào sống ra chết như mình. Khác chiến tuyến là do hoàn cảnh.

Từ sau đó tôi vẫn ở Quảng Trị nhưng được đưa vào đội bóng của tiểu đoàn, được thỏa nguyện say mê thể thao từ nhỏ. 

Rồi đến năm 1975 chiến trường lại ác liệt, chúng tôi được điều về Đà Nẵng vào tháng 2 thay thế lữ đoàn dù. Khi Đà Nẵng giải phóng, chúng tôi bị bắt làm tù binh. 

Đến tháng 6-1975 tôi được thả. Đường về Sài Gòn với tôi khi ấy thật lạ lẫm và nhiều cảm xúc. Rất nhiều hoang mang cho tương lai 22 tuổi của mình, nhưng nhiều hơn hết vẫn là mừng. Mừng vì còn sống và không còn nghe tiếng súng.

* Mừng cho mình hay cho ai?

- Cho tất cả mọi người, nhất là người dân. Có ai hiểu chiến tranh bằng lính, ai mong hòa bình bằng lính. 

Chúng tôi là lính thủy quân lục chiến, được trang bị đầy đủ đến tận răng, được bảo vệ tầng tầng lớp lớp mà trong chiến tranh vẫn chết chóc, vẫn khổ cực thì người dân tay trắng sẽ thế nào. 

Nhà cửa, ruộng vườn của họ bị biến thành chiến trường sẽ thế nào, không cần nói cũng hiểu. Tôi về Sài Gòn, biết mình đã có may mắn lớn nhất đời là được sống và bắt đầu cuộc mưu sinh như họ.

Riêng tôi và mẹ còn có thêm một cái mừng: từ ngày ấy tôi không còn uống rượu. Hồi còn làm lính, còn trẻ nhưng tôi uống rượu nhiều lắm. Uống cho quên buồn, hết sợ mà. Hòa bình tôi bỏ rượu luôn.

Hai người lính mong hòa bình mãi mãi - Ảnh 2.

Người dân ai cũng muốn sống yên bình

* Cuộc mưu sinh sau đó với ông có khó khăn lắm không?

- Khó mà không khó, tôi là người đã vượt qua chiến tranh mà. Thật sự đến hôm nay gia đình tôi vẫn thiếu trước hụt sau nhưng đó là do hoàn cảnh, không phải do thời cuộc. 

Nhiều người giàu có, sung sướng hơn mình, nhưng cũng nhiều người cực hơn cả mình. Hôm rồi ra Quảng Trị thấy bà con mình ngoài ấy còn nghèo, còn cực quá!

Mấy mươi năm hòa bình tôi đã làm đủ nghề, trong đó có năm năm là nhân viên vật tư của Phòng giao thông vận tải Phú Nhuận. 

Hồi đó rất vô tư, làm nhân viên nhà nước, được nhiều người quý là vui, sáng được cấp cái phiếu mua chiếc bánh mì, bao thuốc lá là vui lắm. 

Rồi lại có người nói ra nói vào: "Nó là ngụy". Tôi nghe vậy cũng buồn và xin nghỉ. Từ ấy việc gì nuôi mình, nuôi mẹ được là tôi làm: phụ hồ, bốc xếp, bảo vệ, xe ôm, buôn bán...

Tôi tự nhận xét mình là người lạc quan, yêu đời, yêu người. Cực quen rồi, không nghĩ mình khổ cực. Sống sạch, lương thiện là đủ rồi. Tôi dạy con tôi: làm gì thì làm cho tốt, không để ai ghét bỏ là đủ vui.

* Bây giờ, nhất là vào tháng 4, tấm ảnh "Hai người lính" được nhiều người xem như một chỉ dấu của sự hòa giải, hòa bình. Ông có theo dõi những thông tin đó không?

- Tôi không dùng máy tính, điện thoại chỉ gọi và nghe nên không theo dõi được như mọi người. Tấm ảnh "Hai người lính" đăng báo lần đầu trên Tuổi Trẻ cách nay vài năm tôi không biết cho đến sau này bạn của con tôi phát hiện. 

Ngày 30-4-1975 tôi là tù binh trong rừng, nghe tin Sài Gòn thất thủ, có chút buồn và hụt hẫng nhưng thấy khỏe, vì biết vậy là hết chiến tranh, hết chết. 

Tôi nghĩ không chỉ có các anh bộ đội Bắc Việt và giải phóng quân mới mong muốn hòa bình, hi sinh cho hòa bình, mà chúng tôi cũng vậy, cũng khát khao hòa bình.

Tôi ở miền Nam, ở Sài Gòn nên đi lính cộng hòa, nếu tôi ở miền Bắc sẽ đi bộ đội. Hoàn cảnh là như vậy. Nhà vợ tôi ở Vĩnh Kim, Tiền Giang. 

Hai ông chú mất trong chiến tranh, trên bàn thờ ảnh một ông mặc quân phục bộ đội, một ông mặc quân phục cộng hòa. Chắc có nhiều gia đình như thế. Là người dân, ai cũng muốn sống yên bình.

* Là người Sài Gòn gốc, ông thấy Sài Gòn đã thay đổi thế nào sau hòa bình?

- Rộng lớn hơn. Lộng lẫy hơn. Và cái dễ thấy nhất là đông người hơn. Người Sài Gòn vẫn như xưa, vẫn hào sảng, rộng rãi và hình như càng bao dung hơn vì ngày nay người từ mọi nơi tụ về đông quá, ấy vậy mà Sài Gòn vẫn dung chứa được hết. 

Sinh ra, lớn lên và đã già đi ở đây, Sài Gòn với tôi là cuộc đời. Đi qua cuộc chiến ấy rồi, tôi mong hòa bình ở Việt Nam là mãi mãi.

45 năm, một tấm ảnh

untitled-1

"Hai người lính" - chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo (trái) và người lính Việt Nam cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa tại tuyến giáp ranh thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tháng 4-1973 và gặp lại nhau đầu năm 2018 ở địa điểm xưa - Ảnh: Chu Chí Thành

45 năm sau, đầu năm 2018 này, sau nhiều năm, nhiều người nỗ lực tìm kiếm, kết nối, một lần nữa hai người đàn ông ấy lại được gặp nhau ngay tại điểm hẹn cũ: chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, Quảng Trị, lại khoác vai để ông Chu Chí Thành chụp ảnh.

Hai nụ cười lần này thật tươi, thật thoải mái. Họ đều đã vượt qua cuộc chiến tranh, đều đã hưởng trọn 43 mùa xuân hòa bình trên đất nước mình.

45 năm, tấm ảnh "Hai người lính" đã hoàn thành số phận đặc biệt của mình một cách trọn vẹn nhất.

Ông Nguyễn Huy Tạo:

Vẫn chung một mong ước

img_5712_wwqq 1(read-only)

Ông Nguyễn Huy Tạo - Ảnh: DPV

Ngày vào bộ đội, cầm cây súng, tất cả chúng tôi chỉ có một quyết tâm: giải phóng miền Nam. Sau Hiệp định Paris, rút từ thành cổ Quảng Trị về chốt tại Long Quang, ngừng bắn, lần đầu tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những người lính đối phương.

Tôi nhận ra họ cũng là những chàng trai 20 tuổi, đầy ước mơ tương lai như mình, cùng là những người lính khao khát hòa bình bằng cả mạng sống như mình.

Được gặp lại nhau sau 45 năm, chúng tôi vẫn chung một mong ước như ngày xưa: hòa bình sẽ được giữ gìn cho từng gia đình ở Việt Nam cho đến đời đời.

Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành:

Phe này, phe kia không còn hiện diện

frhc0bp1 1(read-only)

Ông Chu Chí Thành và tấm ảnh để đời - Ảnh: Thuận Thắng

Câu chuyện về tấm ảnh "Hai người lính" là một may mắn lớn trong nghề nghiệp của tôi. Sau 45 năm, việc được gặp lại cả Nghĩa và Tạo là quá sức tưởng tượng, mong đợi.

Chụp lại tấm ảnh của hai người ở chốn cũ, tôi đã âm thầm phóng lên quan sát để so sánh. Quá mừng khi nét mặt của Nghĩa thật không thay đổi. Quá mừng khi bàn tay Tạo đặt trên vai Nghĩa vẫn mở rộng hai ngón y như xưa. Khi ấy tôi mới dám tin rằng đây chính thực là họ, hai người lính tôi tình cờ gặp năm nào.

Hai tấm ảnh với hai người chụp cách nhau 45 năm nói lên được câu chuyện của đất nước. Tấm ảnh ngày xưa chụp ngay nơi chiến trường vừa kịp lặng tiếng súng, tình cảm bột phát, trong sáng, vô tư. Tấm ảnh ngày nay chụp khi hai người đã trải qua cả chiến tranh lẫn hòa bình, tình cảm càng thân thiết, gắn bó.

Chuyện phe này, phe kia trong tấm ảnh trước đã nhòa, trong tấm ảnh sau không hề hiện diện. Ý nghĩa của tấm ảnh là hạnh phúc của ba anh em chúng tôi: Chu Chí Thành - Nguyễn Huy Tạo - Bùi Trọng Nghĩa và là của tất cả mọi người.

Hai người lính

QUỐC NAM

TT - Họ là hai người lính ở hai bên chiến tuyến. Một người là bộ đội miền Bắc, người kia là lính thủy quân lục chiến của miền Nam.

10s

10s

0:00
00:00

Khoảnh khắc được ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ghi lại vào tháng 4-1973

Cả hai cùng đóng quân tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Trong một buổi chiều tạm yên tiếng súng, họ cùng choàng vai nhau chụp chung một bức hình kỷ niệm.

Khoảnh khắc này được ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ghi lại vào thời điểm tháng 4-1973. Hơn 40 năm sau, tác giả bức ảnh đã cất công đi tìm lại nhân vật của mình...

Tấm ảnh lịch sử

Ông Chu Chí Thành nay đã ngoài tuổi thất tuần, vẫn còn rất minh mẫn. Trong ngôi nhà có phần cũ kỹ của ông ở một con hẻm trên đường Minh Khai (Hà Nội), rất nhiều bức ảnh về cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc được ông trưng bày.

Nằm ngay ở vị trí trang trọng nhất trong phòng riêng của ông là bức ảnh được phóng khá to về hai người lính khoác vai nhau - một người mặc quân phục bộ đội giải phóng, người còn lại mặc quân phục thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa. Sau lưng hai người là trảng cát rộng của vùng giới tuyến trải dài hơn 2km.

Ông Chu Chí Thành trầm ngâm một lúc lâu như để lục lại ký ức về khoảnh khắc này hơn 40 năm về trước. “Lúc đó, tôi cùng anh Trần Mai Hưởng, cũng là phóng viên của TTXVN, đến chốt Long Quang. Thật bất ngờ về tất cả những gì đang diễn ra ở đây” - ông Thành nói.

Đó là thời điểm tháng 4-1973, tức chỉ khoảng hơn một tháng sau ngày hiệp định Paris được ký kết. Chiến sự được tạm dừng ở vùng ranh giới hai miền. Ông Thành vẫn nhớ rất rõ thời điểm ông đến chốt Long Quang, ở hai bên ranh giới vẫn chĩa súng về phía nhau.

Tuy nhiên, đến buổi chiều thì mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Một nhóm bộ đội miền Bắc ra vẫy tay gọi í ới vào chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh.

“Tôi cứ ngỡ là chuyện đùa. Nhưng mấy phút sau một nhóm bốn năm người lính cộng hòa kéo dây ranh giới để qua chốt của quân giải phóng” - ông Thành kể chậm rãi.

Hai bên bắt tay, chia nhau chén nước chè xanh, hút chung điếu thuốc lá Điện Biên và cùng trò chuyện cười đùa. Những người lính phía miền Nam nói giọng miền Nam cũng mang sang một chai rượu nếp đen làm quà cho bộ đội miền Bắc.

Một anh lính thủy quân lục chiến thấy ông Chu Chí Thành cầm máy ảnh nên gọi: “Nhà báo ơi, chụp cho tôi với anh bộ đội giải phóng tấm hình kỷ niệm”.

Nói rồi, hai người lính đến khoác vai nhau tươi cười hồn nhiên. Bấm xong mấy bức hình, ông Thành đứng trân người đến mức quên mất chuyện hỏi tên tuổi của hai người lính.

“Cách đó mấy cây số về phía nam súng vẫn đang nổ, nhưng tại điểm ranh giới này họ nói chuyện với nhau rôm rả, không giống những người lính ở hai bên chiến tuyến. Nhìn cái cách mà hai người lính ấy choàng tay nhau, tôi biết rằng ngày đất nước thống nhất đã sắp đến” - ông Thành xúc động.

Tìm người trong ảnh

Ông Thành ở vùng giới tuyến giai đoạn này hơn ba tháng mới về Hà Nội. Từ lúc chụp bức ảnh tại chốt Long Quang cho đến khi về rửa phim, tráng ảnh xong, ông mới sững người vì đã quên hỏi tên của hai người lính đó.

Tấm ảnh được ông giấu kỹ cho đến năm 2007 mới công bố. Ông đặt tên cho tấm ảnh là Hai người lính. Dù ảnh đã có tên, nhưng ông Thành nói vẫn cứ luôn canh cánh trong lòng một nỗi niềm. Ông thấy mình như còn mắc nợ vì cái sự “quên” đáng trách đó nên quyết đi tìm thông tin về hai người lính.

Ông mang tấm ảnh tìm đến những người bạn từng chiến đấu tại chiến trường thành cổ Quảng Trị giai đoạn từ 1972-1973 để hỏi. Hết người này đến người khác đều lắc đầu. “Ai cũng nói chiến tranh bom đạn ác liệt, chỉ những người cùng tiểu đội mới biết nhau. Có người cùng đơn vị chưa kịp hỏi tên nhau đã hi sinh”.

Cách đây mấy năm, ông có quen một nữ phóng viên, ông cũng đưa tấm ảnh cho cô này nhờ đưa lên mạng Internet để “may có người biết”.

Advertisements

Ads end in 09

Tính đến khi chúng tôi tìm gặp ông, đã hơn 40 năm sau khoảnh khắc ấy và cũng đã hơn chục năm ông tìm kiếm, nhưng vẫn vô vọng.

Gặp chúng tôi, ông cũng không quên gửi gắm nỗi lòng của mình, có cách gì tìm giúp ông. Và chúng tôi đã cất công đi tìm. Thật may mắn, trong khi tìm về điểm chốt Long Quang (Quảng Trị) ngày ấy, chúng tôi đã gặp được một manh mối.

Ông Phan Tư Kỳ, nguyên là xã đội trưởng xã Triệu Trạch thời điểm năm 1972-1973, xem kỹ bối cảnh tấm ảnh rồi dẫn chúng tôi ra lại đường ranh giới hai miền giữa trảng cát năm nào để xác định vị trí nơi ra đời tấm ảnh.

Đây là vị trí mà vào thời điểm sau hiệp định Paris, trung đoàn 48 thuộc sư đoàn 320 đóng quân. Nhưng có đến năm đại đội thuộc hai tiểu đoàn được rải quân theo từng nhóm đóng chốt dọc theo đường ranh giới dài hơn 2km.

“Tôi chỉ biết chừng đó. Không thể nhớ được là người trong ảnh thuộc đại đội nào” - ông Kỳ lắc đầu.

Ông Lê Vũ Bằng, nguyên ủy viên Ủy ban xã Triệu Trạch, phụ trách binh vận tại chốt Long Quang thời điểm đó, dù “thấy quen quen” nhưng cũng không nhớ là ai. Liên lạc với một số cựu binh thuộc trung đoàn 48 thời điểm ấy tại Quảng Trị nay ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Đã tìm được người bộ đội

Trời Quảng Trị trở gió bấc khi dịp kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất đến gần. Cuộc điện thoại ngắn ngủi thông báo cho ông Chu Chí Thành về kết quả tìm kiếm không được như ý vừa dứt trong tiếng thở dài tiếc nuối, thì một cuộc điện thoại khác bất ngờ đến.

Điện thoại từ ông Phan Tư Kỳ. “Có manh mối rồi. Ngày mai có một đoàn cựu binh C5 (đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48) ở Thạch Thất (Hà Nội) sẽ ghé về Long Quang thăm chiến trường xưa” - ông Kỳ reo lên.

Ông Chu Chí Thành - nguyên chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên phóng viên ảnh TTXVN, tác giả của bức ảnh Hai người lính - trước hội trường Thống Nhất, TP.HCM chiều 26-4 - Ảnh: Thuận Thắng

Mong tìm được người còn lại trong bức ảnh

Vậy còn người lính Việt Nam cộng hòa trong bức ảnh là ai? Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Lai, từng là lính địa phương của quân đội Việt Nam cộng hòa đóng tại vùng ven thị xã Quảng Trị thời điểm năm 1972-1973, cũng đóng quân ở xã Triệu Trạch, hiện sống tại Vũng Tàu.

Ông Lai nhớ đóng ở chốt Long Quang thời điểm đó là một đơn vị quân chủ lực thuộc lực lượng thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa. Ông Phan Tư Kỳ, nguyên xã đội trưởng xã Triệu Trạch thời điểm đó, xác nhận người lính cộng hòa trong bức ảnh thuộc tiểu đoàn 5, lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến Việt Nam cộng hòa.

“Thời điểm đó tôi cũng hay nói chuyện với lính bên đơn vị này. Họ toàn nói giọng miền Nam và nhiều người cho biết họ lớn lên từ cô nhi viện” - ông Kỳ nói.

Ông Chu Chí Thành là người vui nhất khi tìm được một người trong bức ảnh này. Ông cũng giải tỏa được nỗi niềm trong lòng mình mấy mươi năm qua. Tuy nhiên, ông vẫn rất muốn tìm lại người lính Việt Nam cộng hòa chụp chung trong bức hình đó.

“Tôi luôn xem tấm ảnh này như là biểu tượng hòa hợp của hai miền” - ông Thành nói. Khi tấm ảnh này được đăng lên ở đây, nếu người lính này vẫn còn thì hãy cho ông nhà báo chiến trường này được gặp. Hoặc ai biết anh ấy thì xin mách mối giúp. 

Đúng 9g sáng 21-4, chiếc ôtô chở đoàn cựu binh vừa đến Long Quang, ông Phan Tư Kỳ mang theo bức hình của chúng tôi chạy ra đưa cho đoàn. Hơn 20 người lính C5 chuyền tay nhau bức ảnh và lục lại ký ức hơn 40 năm trước. Ai cũng nói thấy người bộ đội trong bức ảnh quen mặt nhưng không nhớ là người nào.

Trong buổi trưa cùng ngày, bức ảnh được những cựu binh này chuyển đi khắp tất cả các ban liên lạc của trung đoàn 48 tại các tỉnh thành trong cả nước qua đường Internet. Đúng 16g40 cùng ngày, một cuộc điện thoại lạ bất ngờ đến. Đó là ông Đỗ Bê, nguyên là đại đội trưởng đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48.

Ông Bê khẳng định người trong bức hình chính là lính của đại đội mình năm ấy. Để chúng tôi chắc chắn, ông Bê nối điện thoại cho chúng tôi gặp ông Đỗ Thành Chấm, là một người lính của đại đội 5.

Ông Chấm khẳng định người bộ đội trong bức hình này là bạn thân của ông từ thời niên thiếu ở thôn 2, Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội, tên là Dương Minh Sắc, sinh năm 1954. Hai người nhập ngũ cùng ngày và ở cùng đơn vị nhiều năm.

Tuy nhiên, ông Chấm thở dài: “Tiếc là Sắc đã mất vì bệnh nặng cách đây mấy năm”. Lần theo địa chỉ của ông Chấm đưa, chúng tôi vào Huế tìm vợ của ông Sắc. Bà Đỗ Thị Thim, vợ ông Sắc, vào Huế sống với anh trai là một cựu chiến binh người Thái Bình hiện kinh doanh khách sạn ở đây.

Tay run run cầm bức ảnh chúng tôi đưa, bà Thim chạy vào tủ lấy ra một tập hình kỷ niệm của vợ chồng đem ra so sánh. “Đây, cái mũi và cặp mắt này thì không lẫn đâu được. Đúng là ông Sắc nhà tôi thời trẻ” - bà Thim nói.

Theo bà Thim, hai ông bà gặp nhau tại Nga khi cả hai cùng đi xuất khẩu lao động năm 1990, một năm sau thì cưới nhau và sinh con. Thời điểm bà gặp ông Sắc cách thời điểm chụp bức ảnh này đến 17 năm sau nên ngoại hình ông có nhiều thay đổi.

Nhưng những nét trên khuôn mặt này rất khó nhầm lẫn. Khi lấy nhau, ông Sắc cũng kể cho bà nghe rất nhiều về cuộc chiến ác liệt ở Quảng Trị, nhưng ông chưa một lần kể về việc chụp bức ảnh này.

“Những ngày ở Nga ông ấy cũng hay kể chuyện chiến trường. Có lúc kể về giai đoạn sau hiệp định Paris mới thấy ông vui hơn một chút. Bởi khi đó, lính hai bên tại vùng giáp ranh qua lại với nhau rất bình thường. Văn công về biểu diễn bên này thì cũng gọi lính bên kia qua xem chung” - bà Thim nói.

Năm 2008, tức gần một năm trước khi mất, ông Sắc cứ nằng nặc đòi về thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị.

Và sau khi thỏa nguyện ước mong này, ông qua đời. “Chồng tôi chỉ có hình ảnh từ thời điểm năm 1990 trở về sau. Khi đó anh Sắc đã 37 tuổi. Không ngờ anh lại còn một hình ảnh ở tuổi 20 như thế này” - bà Thim nói

Nắm tay lần nữa cho hòa bình

Cứ đến tháng 4, như đã thành thông lệ, lòng người Việt Nam đang ở bất kỳ nơi đâu cũng bất giác ngẫm suy về hòa bình.

Bức ảnh “Hai người lính” của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành chụp tại Quảng Trị vào tháng 4-1973 trở thành một biểu tượng của hòa bình - hòa hợp - hòa giải

Bức ảnh “Hai người lính” của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành chụp tại Quảng Trị vào tháng 4-1973 trở thành một biểu tượng của hòa bình - hòa hợp - hòa giải

Tháng 4 này, cuộc xung đột đã biến thành chiến tranh ngày một ác liệt giữa Nga và Ukraine lại càng làm bùng lên cảm thức sâu thẳm về hòa bình, khát khao mãnh liệt về hòa bình hơn bao giờ. Hòa bình - giá trị, thước đo của sự văn minh mà toàn thể nhân loại hướng đến xuyên suốt hàng ngàn năm qua.

Cách đây 50 năm, chiến sự ở Việt Nam vẫn diễn ra ác liệt song song với hội nghị Paris nhằm tìm kiếm các giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình. Hiệp định Paris được ký kết năm 1973 được xem là bước khởi đầu của nền hòa bình Việt Nam. Mặc dầu vậy, phải đến hai năm sau, ngày 30-4-1975, chiến tranh mới chấm dứt, đất nước mới thống nhất.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã đi vào lịch sử thế giới. Ngày nay, mỗi khi nhắc đến các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan hay Nga - Ukraine đang diễn ra thì ký ức, bài học về chiến tranh Việt Nam vẫn thường xuyên được cả thế giới nhắc nhớ.

Điều đó cũng nhắc nhở những việc hệ trọng thời hậu chiến mà người Việt Nam chúng ta phải đối diện và học hỏi để kiến lập nền hòa bình, thịnh vượng cho riêng mình. Để có hòa bình phải qua chiến tranh, và gìn giữ vun đắp hòa bình cũng chẳng hề đơn giản. 

Sau gần 50 năm, Việt Nam đã thiết lập mới nhiều mối quan hệ với bạn bè quốc tế, trong đó có những nước từng ở phía đối phương, các hợp tác song phương được tăng cường nhằm thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau. 

Tuy nhiên, ngay trong đời sống xã hội Việt Nam hôm nay, những vết thương tinh thần của chính người Việt vẫn còn những nhói buốt cần được chữa lành.

Là người nghiên cứu nhân học, thường xuyên tiếp xúc và trò chuyện với nhiều người khác nhau, tôi thường ngạc nhiên khi nghe những người lớn tuổi kể về cuộc chiến Việt Nam đầy cảm xúc khác nhau, gọi tên ngày 30-4 với những tên gọi khác nhau tùy thuộc vào vị trí, chỗ đứng của họ, nhưng lại ít được nghe họ gọi ngày 30-4 là ngày hòa bình - hòa hợp - hòa giải, những danh từ mà chúng ta thường đọc được trên báo, nghe được trên đài. 

45 năm sau, năm 2018, họ đã gặp lại nhau

45 năm sau, năm 2018, họ đã gặp lại nhau

Phải chăng nó chỉ tồn tại trên môi những người sinh ra, lớn lên trong hòa bình như tôi?

Tôi không có trải nghiệm về cuộc chiến tranh ngoài những câu chuyện kể và những bài học lịch sử trong sách giáo khoa. Nhưng là người Việt Nam, với gia đình, làng xóm, tôi vẫn cảm được những nỗi đau, mất mát, những hy sinh không thể cân đo đong đếm, và tôi tự tin rằng mình vẫn hiểu thấu giá trị quý báu của hòa bình, hòa giải. 

Trong những câu chuyện về ký ức của cuộc chiến, thi thoảng tôi nghe được những cuộc chiến nhỏ hơn, ẩn núp trong từng gia đình, từng xóm làng nơi miền quê hay từng góc phố nơi đô thành. 

Nỗi đau không chỉ trên thể xác mà khắc sâu trong lòng như lời bài hát: "Vết thương thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang". Chiến tranh không chỉ mang đến chết chóc, đau thương mà còn mang đến ly tán và tạo ra những vách ngăn trong mối tương liên giữa những người đáng lẽ phải thương nhau.

Có những câu chuyện thật éo le. Nhiều gia đình có những người từng đứng khác chiến tuyến. Có gia đình, dòng họ đã ôm lấy nhau bằng tình máu mủ, nhưng cũng có gia đình phải xa cách tâm tư, những người chung dòng họ không thể cùng mâm cơm trong ngày giỗ chạp gia tiên. Quan niệm khác nhau có lúc đẩy mọi thứ vượt khỏi sự thân ái, bao dung, tin cậy của tình huyết thống và nghĩa đồng bào.

Tôi không rõ ở phương Tây những ký ức chiến tranh về Việt Nam được truyền tải như thế nào, nhưng theo số liệu của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - thành viên của Mạng lưới bảo tàng hòa bình thế giới, trước đại dịch COVID-19 có khoảng 500.000 khách phương xa tới tham quan bảo tàng. 

Họ muốn tìm hiểu cuộc chiến năm xưa và đi tìm ý nghĩa, giá trị của hòa bình. Một số trường đại học trên thế giới cũng đã mở ngành đào tạo về hòa bình, và xem hòa bình - hòa giải như là một vấn đề cần nghiên cứu và đào tạo.

Trên thế giới, để bắt đầu một cuộc chiến, đôi khi người ta chỉ cần một nguyên cớ và ý chí của người lãnh đạo, và để kết thúc cuộc chiến thì cần nhiều giải pháp và sự dũng cảm của nhà lãnh đạo.

 Vậy nhưng chiến tranh vẫn bắt đầu và kết thúc đơn giản hơn khi so sánh với việc thiết lập hòa bình. Để thấm được giá trị của hòa bình, người ta phải mất thật nhiều năm để học và thực hành giá trị về hòa giải và hòa hợp.

Với tất cả những trải nghiệm đau thương về chiến tranh của lịch sử Việt Nam, giá trị hòa bình - hòa giải cần được thực hành từ mỗi người, từ đời sống thường nhật lẫn đời sống học thuật. 

Nỗi đau chiến tranh vẫn một lần nữa cần được xoa dịu, lòng người ly tán một lần nữa cần được chữa lành để tất cả mọi người Việt cùng chung tay cho một đất nước thịnh vượng từ nền tảng của giá trị hòa bình, hòa hợp và hòa giải.

Bức ảnh "Hai người lính" của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành chụp tại Quảng Trị vào tháng 4-1973 trở thành một biểu tượng của hòa bình - hòa hợp - hòa giải. 45 năm sau, năm 2018, họ đã gặp lại nhau.

'Hai người lính' mong hòa bình mãi mãi

TTO - Tuổi Trẻ ngày 27-4-2015 đăng câu chuyện xúc động về tấm ảnh “Hai người lính” của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành chụp tại Quảng Trị tháng 4-1973 sau Hiệp định Paris. Không ai ngờ sẽ có ngày hai người lính xưa gặp lại nhau.