Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Người góp phần làm rạng rỡ kiến trúc Việt Nam hiện đại

 Năm 1976, có dịp vào Sài Gòn, thăm Dinh Độc lập (bấy giờ đã cải tên thành Hội trường Thống Nhất), tôi chợt nhớ đến lời cảm thán của một đồng nghiệp đàn anh, trước đó đã chuyển công tác vào TP HCM: “Dinh Độc Lập có thể xem như Parthenon Việt Nam!” Tôi nghe, để bụng. Nhiều năm sau, lần hồi tìm hiểu sự nghiệp nghệ thuật của KTS Ngô Viết Thụ, tôi mới ngộ ra rằng Dinh Độc Lập chỉ là một trong rất nhiều tuyệt tác của ông – Và tự nhủ: Nước ta đã có một KTS hiện đại thực sự tầm vóc quốc tế. Đáng quý hơn, mỗi tác phẩm của ông ít nhiều có hồn Việt trong đó. Nửa thế kỷ sáng tạo, KTS Ngô Viết Thụ (1927 – 2000 ) đã để lại cho đời nhiều tác phẩm kiến trúc, quy hoạch đồ sộ. Xin được chia sẻ với độc giả TCKT một số “diện mạo” tác phẩm của ông.

KTS Ngô Viết Thụ báo cáo nghiên cứu trước Tổng thống Pháp vàTổng thống Ý tại triển lãm hàng năm tại Hàn lâm viện Pháp ở Rome (1957)

Thiết kế Tổng mặt bằng Sài Gòn – Chợ Lớn

“Năm 1960 chính quyền Ngô Đình Diệm giao cho KTS Ngô Viết Thụ soạn thảo tổng mặt bằng Sài Gòn và Chợ Lớn (mà một nghị định vào năm 1956 đã sát nhập làm một). Đó là dự án quy hoạch duy nhất không bị những nhu cầu thúc bách dồn ép, nhưng lại mang một quan điểm khó hoà hợp với thực tế đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn. Yếu tố trung tâm của dự án là khu vực tiêu biểu nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn bao gồm những toà nhà dạng đường răng, hoặc hình dài thẳng tắp. Tính vĩ đại của dự án đi đôi với ý thức chính trị của chế độ Sài Gòn đang mong muốn củng cố nền chủ quyền quốc gia vừa mới thu đoạt được” (Natasha Pairaudeau và Francois Tainturier, Sài Gòn kiến trúc quy hoạch – Estremen – Asie số 43, 49 năm 1960. TC Xưa & Nay số 5 / 1998 đăng lại, trang 13). Thiết kế quy hoạch của KTS Ngô Viết Thụ nhằm thay đổi bộ mặt Sài Gòn, làm cho thành phố thêm “đầy đặn” chức năng và hứa hẹn những tuyến phố, quảng trường, những không gian đầu mối hiện đại bắt kịp trào lưu Quốc tế. Tuy nhiên, chính quyền Đệ nhất Cộng hòa không mấy quan tâm đến phần tất yếu của dự án, đó là góp phần “Củng cố chủ quyền quốc gia” do chính họ đề ra. Họ cho rằng phần đông cư dân lánh nạn về Sài Gòn sẽ hồi hương khi chiến tranh chấm dứt. Trong khi tại thời điểm trước và sau năm 1960 tại hầu hết các vùng nông thôn miền Nam chiến sự khá yên ắng. Tức là trong 1,2 triệu người nhập cư Sài Gòn ngày ấy, số lánh nạn chỉ chiếm phần nhỏ so với số người tràn về đây tìm cơ hội làm ăn sinh sống và định cư lâu dài. Chính quyền và dư luận rất quan tâm đến dự án nối kết Sài Gòn với Chợ Lớn của ông bằng một Khu trung tâm hành chính quốc gia mới. Tuy nhiên do không có kinh phí, dự án Quy hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn đã không được thực hiện.

Quy hoạch chỉnh trang đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, 1955 – 1958

Dinh Độc Lập

Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. Bến Thành, Q.1 – TP HCM. 1962 – 1966.

Có sự tham gia của Kỹ sư công chính Phan Văn Điển. Dinh lọt trong vuông đất rộng 12 ha, khuôn giới bởi 4 đường phố lớn: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai. Dinh có nhiều tên gọi: Dinh Norodom (tháng 2/1868 – 9/1954), dinh Thủ tướng (9/1954 – 10/1956), dinh Độc Lập (tháng 10/1956 – 1975). Từ 25/6/1976 gọi là Hội trường Thống Nhất. Năm 1954, dinh Norodom được bàn giao cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 2/1962, phe đối lập dùng phi cơ đánh bom làm sập hoàn toàn cánh trái toà nhà. Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định cho xây mới dinh Độc Lập. Theo thiết kế, dinh Độc Lập có diện tích xây dựng 4.500 m2 với tổng diện tích sàn chừng 20.000m2; gồm toà nhà chính ba tầng, hai gác lửng, một sân thượng và một tầng hầm. Trong dinh có cả thảy 95 phòng lớn nhỏ, chưa kể các khu phụ, buồng vệ sinh, hành lang, sảnh nội bộ, sảnh dành cho khách. Các phòng lớn dành cho hoạt động đối nội, đối ngoại nằm ở tầng trệt, lầu 1 và lầu 2. Kiến trúc ngang bằng, sổ thẳng. Các gian liền kề theo chiều rộng của toà nhà (21 gian, chạy liền 85m) và theo chiều sâu (19 gian, chạy liền 80m). Để có dinh Độc Lập chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tốn kém gần 150.000 lượng vàng, theo thời giá ngày nay cỡ trên dưới 9.000 (chín nghìn tỷ). Mỗi quân nhân, công chức phải đóng góp một ngày lương. Vật liệu xây dựng tốn 12.000m3 bê tông cốt sắt, 200m3 gỗ quý, 2.000m2 kính cửa, 20.000m2 đá rửa, đá mài… Dinh được trang trí bằng nhiều bức hoạ do các hoạ sĩ danh tiếng vẽ nên như Khuê văn các và Vua Trần Nhân Tông của hoạ sĩ Thái Văn Ngôn hay bức sơn mài Bình Ngô Đại cáo của hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh ở phòng trình quốc thư (một đại diễn hoạ bằng sơn mài, gồm 40 bức sơn mài nhỏ ghép thành, diễn tả cảnh sinh hoạt của trăm họ Đại Việt thời Lê). Đặc biệt, bộ Sơn Hà Cẩm Tú ngang dài 7m, cao 2m do chính KTS Ngô Viết Thụ thể hiện. Nghe nói ông căng tấm bố lớn trên nền nhà, rồi đi quyền Thiếu Lâm dẫn dắt những đường nét, mảng miếng sơn dầu, tức là vẽ bằng chân rồi sau dùng cọ chỉnh lại. Kiểu dáng dinh Độc Lập hàm súc triết lý phương Đông. Con trai ông – KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết: “Khi thiết kế dinh Độc Lập, nhiều người hiểu sai, cho rằng cha tôi thiết kế riêng cho ông Ngô Đình Diệm. Thực ra không phải vậy, ông xây dựng chung cho những vị nguyên thủ quốc gia, chính vì vậy mà khu ở của thủ tướng không làm gì hết. Ông quan niệm vị trí thủ tướng chỉ là tạm thời. Về mặt phong thủy, đa số công trình của các vị vua ngày xưa đều xây dựng theo triết lý bỏ đạo, tức là làm sao có lợi nhất cho chủ nhân, mà không tính đến chuyện gây hại cho người khác. Ông áp dụng khoa chiết tự vào thiết kế mặt đứng để nhắc nhở những ai chủ trì tại đó phải có tài đức của một nhà lãnh đạo (chữ Vương, chữ Tam tượng trưng cho Nhân, Minh, và Võ), giữ vững chủ quyền đất nước (chữ Chủ), đảm bảo tự do ngôn luận của người dân (chữ Khẩu), trung với quốc dân (chữ Trung), và làm sao cho đất nước ngày càng hưng thịnh (chữ Hưng)… Cha tôi theo quan điểm vương đạo, tức là làm sao cho cộng đồng phát triển tốt, khi cộng đồng phát triển tốt, trong đó sẽ có mình. Nhiều người cho rằng trục chính đi thẳng vào dinh là xấu, nhưng cha tôi vẫn làm, và dựng hồ nước để hóa giải. Ông cho rằng làm vua thì phải làm gương, phải đứng ra gánh vác, chiếu không ngay không ngồi.” (Ngô Viết Thụ – Người tạo nên biểu tượng Dinh Độc Lập cho Sài Gòn, designs.vn 23 / 6 / 2016). Một số tài liệu nói, bình đồ hình chữ cát (吉) của dinh Độc Lập là biểu trưng điều phúc, điều lành, cát tường. Nét gạch ngang tạo bởi mái hiên, bao lơn danh dự cùng mái hiên lối vào tiền sảnh là chữ tam (三) theo quan niệm “Dân chủ hữu tam, viết nhân, viết minh, viết võ”, ý nói một đất nước cần có thiết chế chính trị đủ Nhân, Minh, Võ. Rồi chữ tam ấy lại được nối liền bằng một nét sổ dọc làm thành hình chữ vương (王) trên có kỳ đài làm thành nét chấm trông ra hình chữ chủ (主?) tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt tiền dinh Độc Lập với các bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới tạo thành chữ hưng (興) ý cầu cho nước nhà mãi hưng thịnh. Phòng trình Quốc thư nằm tại tâm của dinh nhấn mạnh vai trò nguyên thủ quốc gia. Trên cao là tòa lầu hình chữ khẩu (口?) với nghĩa cần thiết cho đường đi nước bước cai trị, tự do ngôn luận, mọi quyết sách đối nội và đối ngoại của Quốc gia đều xuất phát từ dân ý, dân nguyện. Nếu xem hạng mục này (thực ra là một toà phương đình) tượng trưng cho phát triển văn hóa, giáo dục thì có phần vượt ra ngoài ngữ nghĩa của chữ khẩu. Có ý kiến cho rằng chính giữa chữ khẩu có thêm nét sổ dọc (cột cờ, tạo thành chữ trung (中?) nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên; rồi gọi luôn đó là Tứ phương vô sự lầu thì lại càng xa rời ngữ nghĩa thư pháp. Xưa nay, khai phóng bố cục kiến trúc từ tượng hình Hán – Việt chỉ áp dụng đối với công trình có mặt bằng hình khối, đường vu đăng đối bốn phương tám hướng. Làm vậy để bảo toàn nội dung từ nguyên; cả khi đọc thuận từ phía người sử dụng lẫn đọc ngược từ phía chủ thể là đức thánh nhân thần, đại diện thiết chế tổ tiên gia chủ. Đằng này mặt bằng chữ cát (吉) tả hữu thì đăng đối nhưng tiền hậu bất nhất. Thêm nữa, sau khi hợp khối dinh Độc Lập chỉ còn là một thị sảnh hoành tráng có chuôi vồ. Nếu nhìn từ đường Nam Kỳ Khởi nghĩa (hướng chính) thì phòng trình quốc thư và phòng khách Tổng thống nằm ở chuôi vồ, nơi dung nạp khí âm. Và như lời KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Nhiều người cho rằng trục chính đi thẳng vào dinh là xấu, nhưng cha tôi vẫn làm, và dựng hồ nước để hóa giải”. Thiết tưởng, việc này mới giải quyết được thế “mũi đàng” của dinh Độc Lập chứ không có tác dụng cải thiện khí âm ở phòng trình quốc thư và phòng khách Tổng thống. Còn nhìn từ đường Huyền Trân Công chúa cho thuận mặt bằng chữ cát (吉) thì dinh Độc Lập phạm điều kỵ: “Tử cấm thành” bị phơi ra đằng trước “Thái hòa điện”, tất sinh loạn thần, theo quan niệm cai trị phong kiến. Còn như trông mặt tiền dinh Độc Lập mà quy về chữ tam (三), chữ vương (王), chữ chủ (主), chữ hưng (興), chữ khẩu (口), chữ trung (中); kể cả gán ghép các ý quang (光), minh (冥), chính (正), đạc (大) cho hành lang, đại sảnh, phòng ốc… suy cho cùng cũng chỉ là những bao biện hình thức mà bỏ qua bố cục thư pháp. Dù thế nào, phong thủy kiến trúc dinh Độc Lập không mấy cát tường, thậm chí tiêu cực đối với chủ thể đại diện thiết chế. Thế nhưng lại bộc lộ một điều sâu sắc: Vì Dân là mục tiêu số một của bất kỳ công trình thiết chế nào. Phải chăng đó là bài học để đời mà KTS Ngô Viết Thụ muốn nhắn gửi đồng nghiệp hậu thế?!

Dinh Độc lập nay là Hội trường Thống Nhất – Xây dựng 1962 – 1966. KTS Ngô Viết Thụ

 

Chợ Đà Lạt

Công trình xây dựng cải tạo năm 1962 và nâng cấp năm 1993 – KTS. Ngô Viết Thụ (Tư vấn quy hoạch kiến trúc), KTS Nguyễn Duy Đức, KTS Huỳnh Kim Mãng, KTS Lâm Du Tốt.

Chợ Đà Lạt

Chợ có từ thời Pháp thuộc nhưng năm 1937 bị thiêu trụi bởi một trận hỏa hoạn. Sau đó nhà thầu SIDEC xây dựng lại bằng gạch thay thế chợ cũ, đáp ứng nhu cầu mua bán cho 6.500 người. Công trình xây dựng cải tạo chợ Đà Lạt năm 1962 do KTS Nguyễn Duy Đức thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu thi công. Lần ấy KTS Ngô Viết Thụ được mời làm quy hoạch tổng thể khu thung lũng từ cầu Ông Đạo trở vào. Ông đã chỉnh sửa các dãy phố buôn bán, hệ thống đường giao thông bao quanh và dựng một cây cầu cạn chân treo nối từ khu Hòa Bình vào tầng lầu của chợ. Riêng ngôi chợ cũ, cùng thời gian đó, chính quyền địa phương đã nhờ hai KTS Huỳnh Kim Mãng và Lâm Du Tốt thiết kế cải tạo lại thành Rạp hát Hòa Bình (nay là Rạp 3 tháng 4) với một số cửa hàng thương mại dịch vụ chung quanh. Năm 1993, dân số Đà Lạt đã tăng lên 120 ngàn người nên ngôi chợ hiện nay không đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị. Vả lại, ngôi chợ này cũng đã xuống cấp khá nhiều, do đó chính quyền địa phương đã quyết định cho nâng cấp ngôi chợ, xây dựng nối tiếp thêm để trở thành Trung tâm thương mại và dịch vụ, đánh dấu công trình kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Công trình này UBND TP Đà Lạt và Ngân hàng Việt Hoa tại quận 5 TP HCM hợp tác đầu tư. Phần thiết kế đồ án do Xí nghiệp khảo sát thiết kế xây lắp thuộc Bộ thương mại với hai KTS Lê Văn Rọt, Trần Hùng và KS Võ Hùng thực hiện. Trong quá trình duyệt đồ án, chính quyền địa phương có mời KTS Ngô Viết Thụ lên Đà Lạt tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Công trình khởi công từ ngày 3/4/1993. Khi hoàn thành Trung tâm thương mại và dịch vụ Đà Lạt có tổng diện tích sử dụng 21.627m2 (phần thương mại dịch vụ chiếm 13.071m2, phần khách sạn 8.556m2) và được chia làm 3 khối: Khối A (ngôi chợ): Cải tạo nâng cấp, nhưng không thay đổi mặt tiền và các dịch vụ; xây dựng thêm tầng lửng để mở rộng diện tích buôn bán hoa, đặc sản ở tầng dưới, hàng vải quần áo… ở tầng trên; thiết kế thêm một thang cuốn cho khách bộ hành lên xuống; Khối B (nối tiếp với chợ hiện nay) gồm hai tầng: Tầng dưới bán cá, thịt và rau quả, tầng trên bán hàng ăn; Khối C là một khách sạn cao 10 tầng trong đó: Ba tầng dưới phục vụ cho khu thương mại và dịch vụ của ngôi chợ. Bảy tầng trên là khách sạn, nhà hàng, siêu thị, vũ trường… Khu vực khách sạn có lắp thang máy thang máy.

Viện Hạt nhân Đà Lạt

Vị trí: Đường Nguyễn Tử Lực, TP Đà Lạt. Xây dựng năm 1962 – 1965. KTS Ngô Viết Thụ.

Tên đường Nguyên Tử Lực có từ năm 1958, khi chính phủ Việt Nam CH thành lập Cục nguyên tử lực; tiếp đó (năm 1961) thì thành lập Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt. Viện Hạt nhân Đà Lạt toạ lạc trên một quả đồi diện tích 21 ha, về phía Đông bắc thành phố. Lò phản nguyên tử là thiết bị nghiên cứu phản ứng TRIGA – MARK2 công suất 250kw, do hãng General Atomic sản xuất được KTS Ngô Viết Thụ bố trí ở tâm điểm mặt bằng, như hạt nhân của cấu trúc cơ học lượng tử, biểu tượng bằng những hạng mục kiến trúc phụ trợ xung quanh. Khi thay đổi bố cục mặt bằng lò phản ứng thông dụng theo hình vuông của Mỹ bằng một “lò Bát quái”, là có ý liên hệ việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình. Lò phản ứng Đà Lạt đạt trạng thái tới hạn vào ngày 26/2/1963 và chính thức đi vào hoạt động một tuần sau đó. Đến năm 1968 thì gần như không còn hoạt động. Năm 1984, với sự giúp đỡ của Liên Xô lò hoạt động trở lại, đạt năng suất 1.300 giờ/năm, được Tổng giám đốc IAEA đánh giá là lò phản ứng được khai thác có hiệu quả nhất trong số các nước phát triển (Nguồn tài liệu: Vũ Sinh, BQL Viện hạt nhân Đà Lạt).

Viện Hạt nhân Đà Lạt

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam

Vị trí: 01 Đoàn Hữu Trưng, P. Phước Vĩnh, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên, năm 1963 – 1995.

Đầu năm 1963, Tổng giám mục Ngô Đình Thục đã cho phá huỷ toàn bộ Nhà thờ Phủ Cam cũ và khởi công xây chính tòa mới. Đến tháng 11 năm ấy thì đình lại do chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ. Từ 1964 – 1967 xây tiếp cung thánh. Trong những năm 1967 – 1972 công việc diễn ra cầm chừng. Từ năm 1972 – 1995 hoàn thành từng bước: Xây thân nhà thờ, lợp toàn bộ mái ngói, hoàn thiện trang trí các ô cửa trên cao có chắn song gỗ, lát nền gạch hoa thánh đường, trang trí hai bên lối đi nam nữ, nâng cấp cầu thang… Phía trước Nhà thờ Chính toà Phủ Cam dựng tượng thánh bổn mạng, bên phải là Thánh Phêrô, bên trái là Thánh Phaolô. Nhà thờ có mặt bằng chữ thập latin với toà ngang như hình hai cánh tay vươn cao, giang rộng của đấng cứu thế. Tính ra, phải qua hai thời giám mục, ba đời linh mục chánh xứ, Nhà thờ Phủ Cam mới hoàn tất. Cái lộng lẫy hiện đại của thánh đường Phủ Cam như bất ngờ xuất hiện, cuốn hút tín đồ. KTS Ngô Viết Thụ quả là cơ trí khi ông vẽ các khung vòm bán nguyệt cao chân choãi, vừa làm rõ không gian 3 nave vừa đảm bảo sự chiếm choán bề ngang của dãy dọc trung tâm. Khi ấy, trên trần nhà thờ hiển hiện cả một thế giới vòm cao lộng kinh điển của nhà thờ Thiên chúa châu Âu. Cung thánh là một đài hình tròn xây các bậc cấp đi lên. Bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối. Nhà tạm được xây sát vào phần hậu thân nhà thờ và nằm gọn ở chỗ lõm sau cung thánh, lại toạ lạc chính giữa bệ cao, trang nghiêm tột bậc. Một đường vòm hình xoắn ôm trọn nhà tạm, với 12 đèn lồng gương màu hình sao, gắn vào tường chạy theo suốt khung sườn. Bên trên nhà tạm nơi cao là hình Chúa Giê su. Cây thánh giá làm bằng gỗ thụng lấy từ đồi Thiên An. Lại thêm các trụ sát tường uốn tiêm cung hướng thượng, trông mềm mại như những bàn tay chắp lại sốt sắng cầu nguyện…

Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam

Việt Nam Quốc Tự và Viện Đại học Phương Nam

Địa điểm: 244 đường 3 Tháng 2, Q. 10 – TP HCM. Xây dựng năm 1964.

Sau cuộc đảo chính năm 1963 tại Nam Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bấy giờ cấp cho giáo hội một khu đất rộng gần 45.000m² với danh nghĩa thuê trong thời hạn 99 năm chỉ với giá tượng trưng 1 đồng bạc và khi hết hạn vẫn được tiếp tục sử dụng đất. Thủ tướng Nguyễn Khánh còn quyên góp 10 triệu đồng cho việc xây chùa. Kiến trúc chùa thuộc hệ phái Bắc tông, tập họp chủ yếu quý tăng ni Phật tử miền Bắc di cư, thường được gọi là miền Vĩnh Nghiêm. Việt Nam Quốc Tự lọt trong khuôn viên rộng hơn 4 hecta. Lễ khởi công nhằm ngày 26/4/1964. Dự kiến chùa được xây dựng với một ngôi tháp 7 tầng mái cong, chạm trổ tinh vi trong không gian thiên nhiên rộng rãi với các cảnh quan đặc sắc hài hòa đậm bản sắc Việt. Đến năm 1967, đã xây dựng được nhà tam bảo, nhà tổ, dãy tăng xá và bảo tháp 7 tầng, tuy khâu hoàn thiện chưa xong. Cô nhi viện Quách Thị Trang do nhà chùa quản lý thì nằm phía sau chùa. Năm 1993, chùa được trùng tu và tôn tạo mới với nhiều hạng mục hơn. Nhà chùa đã trùng tu ngôi tháp 7 tầng và các cảnh Phật để tăng ni phật tử và khách thập phương chiêm bái. Ngày 31 tháng 10 năm 2015, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ cầu nguyện rót đồng đúc tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Tượng cao 7,5m, nặng 35 tấn. Pho tượng Phật Việt Nam Quốc Tự là pho tượng bằng đồng thờ trong chính điện lớn nhất Việt Nam bấy giờ. Năm 1967, hòa thượng Thích Tâm Châu (1921 – 2015) đã thành lập Viện Đại học Phương Nam trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự. Bấy giờ Phật giáo miền Nam chia làm hai khối: Khối Ấn Quang (đóng trụ sở tại Đại học Vạn Hạnh) và khối Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (còn gọi là khối Viện Hóa Đạo, đóng trụ sở tại Việt Nam Quốc Tự). Viện Đại học Phương Nam có ba phân khoa: 1- Phân khoa Kinh tế – Thương mại; 2- Phân khoa Ngoại ngữ; 3 – Văn Khoa; Viện trưởng đầu tiên của Viện Đại học Phương Nam là GS Lê Kim Ngân. Vào thập niên 1970, Viện Đại học Phương Nam có 750 sinh viên ghi danh. Hòa thượng Thích Thiện Tâm (1928 – 2017, nguyên ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Hội Phật Giáo Việt Nam) cho rằng, Đại học Phương Nam do một giáo hội Phật giáo thành lập, tổ chức, quản lý, điều hành nên có thể coi đó như Viện Đại học Vạn Hạnh thứ hai. Các giảng đường của Viện Đại học Phương Nam ở ngay trong chùa, biểu lộ tinh thần hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của một bộ phận Phật giáo miền Nam thời bấy giờ.

Mô hình Kiến trúc ngôi Việt Nam Quốc Tự 1964 (KTS Ngô Viết Thụ)

Nhà thờ Chánh toà Vĩnh Long

Địa điểm: 141 Lý Thái Tổ, phường 2, TP Vĩnh Long; 1965 -1967.

Nhà thờ Vĩnh Long xây dựng năm 1867, sau ngày Pháp ép Nam triều thôi cấm đạo; ban đầu chỉ là một kiến trúc cột cây lợp lá, đến 1869 mới xong thánh đường. Sau 1885 thêm nhiều giáo dân từ Bình Định chuyển cư về Vĩnh Long. Từ 1889 – 1894 xây dựng nhà thờ mới bằng gạch kiên cố, kiến trúc kiểu Roman dài 38m, ngang 19m. Hai tháp chuông của nhà thờ Vĩnh Long hồi ấy đều cao 16,7m. Năm 1938 Giáo phận Vĩnh Long chính thức được thành lập. Năm 1965 khởi công xây dựng công trình mới, ở vị trí ngã ba Cần Thơ như ngày nay. Khi thiết kế có tháp chuông, nhưng sau không thực hiện. Năm 1973 làm lại tất cả các cửa sổ cho thánh đường sáng sủa hơn. Nhà thờ Vĩnh Long theo thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ dài 100m, rộng 36m, cao 27m. Có lẽ đây là kiến trúc biểu hiện tối thiểu Thiên chúa giáo đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, tuy đã có nhà thờ Phủ Cam (thiết kế 1963) nhưng công trình này mãi đến 1995 mới hoàn tất.

Nhà thờ Chánh toà Vĩnh Long

Dự án QH Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức và kiến trúc Làng đại học Thủ Đức (1973)

Dự án QH Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức và kiến trúc Làng đại học Thủ Đức (1973)

Dự án này bao gồm các trường đại học chuyên ngành Nông nghiệp, Kỹ nghệ, Sư phạm Kỹ thuật, Khoa học, Kinh tế – quản trị, Thiết kế Đô thị và một số cơ sở đào tạo Sau đại học. Các trường sở đào tạo, nghiên cứu được bố trí quây quần trong một khuôn viên rộng lớn với cảnh quan kiến trúc phù hợp, tạo thuận lợi cho sinh viên học tập, các nhà khoa học nghiên cứu giảng dạy và nghỉ ngơi giải trí. Mặt khác góp phần tăng hiệu quả quản lý, giảm chi phí giáo dục thường niên. Hạt nhân kiến trúc của Viện ĐH Bách khoa Thủ Đức là Làng Đại học Thủ Đức (triển khai tháng 1/1973) là một phần quan trọng của Quy hoạch Tổng thể Sài Gòn. Hai KTS Ngô Viết Thụ và Lê Văn Lắm đã thiết kế Làng Đại học Thủ Đức trên một diện tích rộng 3km², bao gồm nhiều nhà hành chính, thư viện, sân vận động, cư xá sinh viên, và 300 ngôi nhà dành cho các giáo sư và nhân viên thường trú. Do hoàn cảnh chiến tranh dự án bị đình trệ, chỉ được thực hiện một phần.

Phác thảo Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt

Vị trí: Núi Phụng Hoàng, phường 3 – TP. Đà Lạt; Xây dựng năm 1993 – 1994 nhóm KTS tỉnh Lâm Đồng khai triển chi tiết.

Thiền Viện do hoà thượng Thích Thanh Từ lập ra 1993. Trước đó, trong hai năm 1969 -1970, hòa thượng đã dựng thiền đường. Tháng 4/1971 ngài mở viện Chân Không (TT nghiên cứu Thiền tông lớn nhất Việt Nam bấy giờ) và chiêu sinh khoá tu thiền 3 năm. Mỗi ngày tăng sinh ngồi thiền 3 thời, mỗi thời 2 giờ. Quần thể Trúc Lâm Đà Lạt như ngày nay ban đầu do KTS Ngô Viết Thụ phác thảo. Tiếp đó nhóm KTS Lâm Đồng: Vũ Xuân Hùng, Trần Đức Lộc…triển khai chi tiết. Thiền Viện Đà Lạt tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, trong một khu đất rộng tới 24ha, là cả một quần thể Phật giáo trác tuyệt. Tuy không cổ kính nguy nga nhưng ẩn chứa bao điều huyền nhiệm. Từ phía hồ Tuyền Lâm đi lên 140 bậc đá đường dốc, hai bên là những rặng thông cao vút, qua tam quan tới chính điện. Thiền viện chia ra thành 4 khu vực: 1) Ngoại viện; 2) Tịnh thất cho các hòa thượng thường trú và hòa thượng Viện trưởng; 3) Nội viện tăng; 4) Nội viện ni. Chính điện rộng 192m², thờ tự theo nghi thức Trúc Lâm. Giữa điện thờ tượng Thích Ca Mâu Ni cao gần 2m. Tay phải ngài cầm cành hoa sen hàm tiếu; bên phải là tượng Văn Thù cưỡi sư tử; bên trái là Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Bao lam chính điện, án thờ làm bằng gỗ quý, tôn trí 8 tướng mạo Đức Phật thị hiện. Bốn cột tròn bê tông giả gỗ dựng thành hàn lang trước chính điện. Mái chính điện lợp ngói tráng men sáng màu. Lầu chuông nằm bên phải, có phù điêu chạm khắc tinh xảo. đẹp mắt. Trên lầu treo đại hồng chung cao 1,98m nặng 1,1 tấn. Thân chuông thể hiện các bài kệ. Phía sau chính điện là điện Đạt ma sư tổ bằng đá trắng. Kế đến là phòng phát hành kinh sách, nhiều tác phẩm trong đú do hoà thượng Thích Thanh Từ chấp bút. Ngoài ra cũng bày nhiều hiện vật, hình ảnh về con đường chu du hướng hoá của sư tổ qua nhiều xứ sở Ấn Độ và trên thế giới… Dưới lưng chừng đồi, gần hồ Tĩnh Tâm là nhà khách 2 tầng nằm gọn trên một ngọn đồi rợp bóng cây xanh. Đây là nơi dành cho nữ nhi đến thiện viện tu tập ngắn hạn. Đằng trước nhà này có khu rừng trúc rất đẹp. Xa xa, núi Voi phục hùng vĩ in bóng xuống hồ Tuyền Lâm. Thiền viện còn nhiều công trình phụ kiểu dáng thanh bạch ẩn mình giữa đồi thông tịch mịch.

Phác thảo Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt

Nhà thờ Bảo Lộc

Vị trí: Phường Blao, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; 1994 -1999; Thiết kế 1993: KTS Ngô Viết Thụ. Chỉnh sửa 1997: KTS Nguyễn Viết Tống và Nguyễn Hoàng Sơn.

Nhà thờ Bảo Lộc mới thay thế cho nhà thờ cũ có từ năm 1957. Có thể nhận ra những nét văn hoá Việt được trình bày tinh tế và tự nhiên. Bố cục phối hợp hình vuông của các hành lang phía ngoài và hình tròn của mái bầu. Vuông thì như chiếc bánh chưng, tròn thì như chiếc bánh dày. Dưới gầm trời ấy dựng 12 cây cột chống đỡ đại diện cho 12 tông đồ gánh vác Giáo hội. Lẽ vuông tròn cũng có thể biểu trưng Đức tin. Thiết kế ban đầu của KTS Ngô Viết Thụ cho thấy thánh đường Bảo Lộc cao 53m, rộng 3.600m² (60m x 60m) chưa kể tháp chuông bên cạnh. Với sức chứa 3.000 – 4000 người, nhà thờ Bảo Lộc sẽ là thánh đường lớn nhất Đông Nam Á. Việc xây mới ở giai đoạn đầu phải đình lại vì lý do tài chính, đến tháng 4/1997 được vãn hồi. Lần này xây dựng theo thiết kế điều chỉnh của nhóm KTS Nguyễn Viết Tống và Nguyễn Hoàng Sơn. Theo đó thánh đường thu gọn còn 1.764m² (42m x 42m) và cao còn 31m. Vòm trận đường kính 36m, được chia thành 12 cánh ôm lấy cửa vòm trên cao (đường kính 6m) và được trang trí thạch cao. Bé tranh kính Thánh đường Bảo Lộc gồm 33 bức lớn, tổng diện tích 66m² được xem là bộ tranh kính màu lớn và đẹp nhất trong số nhà thờ hiện đại Việt Nam ngày ấy.

Nhà thờ Bảo Lộc mới (xây dựng 1994 – 1999, KTS Ngô Viết Thụ)

Năm 1955, KTS Ngô Viết Thụ đoạt Giải Premier Grand Prix de Roma. Cùng năm này ông trở thành Thành viên Hội KTS Pháp. Năm 1962, ông là người châu Á đầu tiên mang danh hiệu Viện sĩ danh dự Viện kiến trúc Hoa Kỳ, cùng thời với một số KTS danh tiếng như J.H. Van den Broek, Arne Jacobsen, Steen Eiler Rasmussen, Hector Mestre, Amancio Williams, Hernan Larrain – Errazuriz, Emilio Duhart, Jerzy Hryniewiecki và John B. Parkin. Cho đến nay, KTS Ngô Viết Thụ vẫn là người đứng đầu Việt Nam về số lần triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, với nhiều bộ sưu tập sưu tập đồ sộ: Quy hoạch, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ tại Chi nhánh Rome, Paris của Viện hàn lâm Pháp trong các năm 1956, 1957, 1958; Sài Gòn năm 1960, 1963; Viện kiến trúc Philippine (Manila) 1963 và Triển lãm lưu động 1963 tại trụ sở chính ở Washington DC của Viện nghiên cứu Smithsonian và phân viện Virginia, phân viện Panama của Bảo tàng Smithsonian – Hoa Kỳ.

KTS Ngô Viết Thụ là bậc anh tài cầm kỳ thi hoạ, rành đàn nguyệt, đàn tranh, đàn kìm, sáo. Đặc biệt ông vẽ rất nhanh, có khi vừa nói chuyện vừa vẽ kiểu nhà. Trong di cảo trăm bài thơ của ông, bài nào cũng như bài nào không quốc họa thì phác thảo phong cảnh, chân dung. Ông đã chứng tỏ tài nghệ hội họa với các bức tranh nổi tiếng Thần tốc, Hội chợ, Bến Thuyền, và bộ tranh Sơn hà Cẩm tú ngang dài 7m, cao 2m. Người hướng dẫn tham quan dinh Độc Lập kể lại: KTS Ngô Viết Thụ đã căng tấm bố lớn trên sàn nhà rồi đi bài quyền Thiếu Lâm dẫn dắt mảng miếng đường nét sơn dầu, tức là vẽ bằng chân rồi sau dùng tay chỉnh lại. Ông còn là điêu khắc gia thực thụ, tác phẩm hợp kim đặt trước toà đô chánh Sài Gòn (nay không còn) là tác phẩm lập thể đầu tiên ở Sài Gòn. Đến tận bây giờ, ở Việt Nam có lẽ KTS Ngô Viết Thụ là tác giả kiến trúc duy nhất có thể vẽ tranh thánh đẹp cho các thánh đường mà ông thiết kế như chánh toà Phủ Cam, chánh toà Vĩnh Long, nhà thờ Bảo Lộc.Tranh thánh của ông bám sát đàng thánh giá và quy lệ kiến trúc Thiên chúa, đồng thời hoà trộn nhuần nhuyễn cổ điển Pháp và baroco Ý, nhất là tương cầu thanh khí với lối biểu hiện của ông.

Trước sau KTS Ngô Viết Thụ vẫn nặng lòng với quê hương đất nước. Ông đã dâng hiến đến tận cùng, làm rạng rỡ nền kiến trúc Việt Nam hiện đại. Suốt đời, ông đã sống và làm việc như một kẻ sĩ. Có lẽ đến hôm nay kiến trúc nước nhà vẫn thiếu vắng một cánh chim đầu đàn như ông ngày nào. Đành rằng chúng ta đang không thiếu người tài, nhưng trong số họ chưa có một KTS cầm kỳ thi họa như Ngô Viết Thụ; để có thể gánh vác những tác phẩm từ truyền thống đến hiện đại Việt Nam, đúng theo nghĩa của nó.

Đồ án đoạt Huy chương Paul Bigot của Viện Hàn lâm Pháp của KTS Ngô Viết Thụ (1955)

Những tác phẩm chính

  • Quy hoạch chỉnh trang đô thành Sài Gòn (1960);
  • Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại London (1961);
  • Chợ Đà Lạt: QH khu vực, công viên, đường vào chợ và các dãy phố quanh chợ (1962). Năm 1993: cố vấn tái thiết.
  • Quy hoạch Viện Đại học Huế và thiết kế khu giảng đường Đại học Sư phạm (1961 – 1963);
  • Dinh Độc Lập (1962 – 1966);
  • Viện Nguyên tử Đà Lạt (1962 – 1965);
  • Trường Đại học Y khoa Sài Gòn: KTS Ngô Viết Thụ tham gia với tư cách Trưởng ban Kiến trúc phía Việt Nam Cộng Hòa, hợp tác với nhóm KTS Mỹ đến từ Texas;
  • Cung Nghệ thuật Quốc tế tại Paris (cộng tác với Oliver Clément Cacoub và Paul Tournon);
  • Khu công nghiệp An Hòa, Nhà máy dệt Phong Phú (Sài Gòn);
  • Khách Sạn Hương Giang I (Huế, 1962);
  • Nhà thờ chính toà Phủ Cam – Huế (1963 – 1995);
  • Quy hoạch Khu Thánh địa La Vang – Quảng Trị (cộng tác với Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế);
  • Việt Nam Quốc Tự và Viện đại học Phương Nam – Sài Gòn (1964).
  • Biệt thự Ưng Thi – Sài Gòn;
  • Nhà chung cư Pháp – Sài Gòn;
  • Mở rộng Khu Hội nghị Quốc tế ở tầng trên cùng của Khách sạn Majestic;
  • Thương xá Tam Đa (Crystal Palace) – Sài Gòn;
  • Quy hoạch Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức và Đại học Nông nghiệp Thủ Đức (1973 – 1975);
  • Tháp Tiêu Năng – Sài Gòn (1974);
  • Trung tâm Innotech Sài Gòn (1974 – 1975);
  • Trụ sở Ty Thủy lợi Đắc Lắc (1977);
  • Cố vấn Quy hoạch thành phố Hải Phòng (1978 – 1980);
  • Bệnh viện Sông Bé 500 giường (1985);
  • Khách sạn Century Huế (1990);
  • Thành viên Ban giám khảo cuộc thi quốc tế Quy hoạch Nam Sài Gòn (1993);
  • Phác thảo Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt (nhóm KTS Lâm Đồng khai triển chi tiết, 1993 – 1994);
  • Thiết kế nhà thờ Bảo Lộc (1994 – 1999);
  • Cộng tác thiết kế Tổng quy hoạch Hà Nội đến năm 2000;

Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2023)