Nếu ban tổ chức môn điền kinh không chủ ý xếp lịch thi đấu gây bất lợi trực tiếp cho Nguyễn Thị Oanh thì có lẽ họ thiếu năng lực. Dù vậy, Oanh đã vượt qua tất cả đề lập kỳ tích chấn động Đông Nam Á.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Nam Nhân - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, xung quanh kỳ tích giành 2 huy chương vàng trong hơn 30 phút của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games 32. Trước khi trở thành lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, ông Nguyễn Nam Nhân từng là VĐV nhảy cao và là HLV điền kinh nổi tiếng của Việt Nam.
Ngày 9-5, VĐV Nguyễn Thị Oanh đã tạo nên kỳ tích cho điền kinh Việt Nam và Đông Nam Á khi giành 2 huy chương vàng ở hai nội dung khốc liệt của điền kinh là 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong hơn 30 phút.
Kỳ tích của Oanh được tạo nên sau khi ban tổ chức đại hội không hiểu vì lý do gì đã tự động thay đổi lịch thi đấu, đẩy Oanh vào tình huống phải thi 2 nội dung cách nhau đúng 20 phút. Đây là điều hết sức vô lý theo thông lệ SEA Games, cũng như các giải điền kinh quốc tế.
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng toàn bộ phân tích của ông Nguyễn Nam Nhân xung quanh câu chuyện của Nguyễn Thị Oanh.
Tại sao?
"Tôi đặt mình trong cương vị ban tổ chức để trả lời phản ánh của dư luận, truyền thông, lẫn giới chuyên môn: Vì sao thay đổi lịch thi đấu gây bất lợi, đặc biệt cho Oanh, người đang là đương kim vô địch 1.500m, 5.000m và 3.000m chướng ngại vật, một môn thi Olympic cơ bản nhất tại Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á ?
Tôi thử trả lời: Chỉ xếp lịch theo công thức ngẫu nhiên phù hợp, đây là môn cá nhân, chuyên môn hóa sâu, các anh chị phải chấp nhận. Một là chọn nội dung thế mạnh để đạt huy chương cao nhất, hai là nếu cứ ôm đồm, thì phải chịu. Vì giả sử nếu xếp lịch có lợi cho hơn 100 VĐV thi đấu 2-3 nội dung như thế thì sao kham nổi.
Đó là câu trả lời có thể tạm chấp nhận, nếu việc lên lịch đã được tiến hành từ trước. Vậy mà, việc thay đổi lịch chỉ được tính bằng giờ trước khi thi đấu. Trên trang web chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế còn lưu thông tin được đăng cách đây 6 ngày về lịch thi đấu SEA Games 32: Nội dung 1.500m (tổ chức sáng 8-5); 5.000m (chiều 8-5); 3.000m vượt chướng ngại vật (9-5). Thật sự không thể tìm ra lý do đến nỗi ban tổ chức phải thay đổi lịch vội vàng như thế.
Tôi đặt mình vào một người hâm mộ thể thao, hâm mộ nhà đương kim vô địch 3 nội dung khắc nghiệt nhất của điền kinh với thân hình bé nhỏ, một VĐV được phong tặng VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31. Oanh đã là một biểu tượng không chỉ của môn điền kinh mà là của cả thể thao Đông Nam Á. Tại sao lại đối xử với bạn ấy như vậy ?
Tôi lục xem lại số liệu những kỳ SEA Games trước, nhất là cách xếp lịch thi đấu.
SEA Games 2015 tại Singapore: 1.500m (ngày 11-6), 5.000m (ngày 10-6), 3.000m chướng ngại vật (ngày 12-6).
SEA Games 2017 tại Malaysia: 1.500m (ngày 24-8), 5.000m (ngày 25-8), 3.000m vượt chướng ngại vật không tổ chức.
SEA Games 2019 tại Philippines: 1.500m (ngày 8-12), 5.000m (sáng ngày 10-12), 3.000m vượt chướng ngại vật (chiều ngày 10-12).
SEA Games 2021 tại Việt Nam: 1.500m (sáng ngày 14-5), 5.000m (chiều ngày 14-5), 3.000m chướng ngại vật (ngày 15-5).
Như vậy, các nội dung mà Nguyễn Thị Oanh thi đấu trong 4 kỳ SEA Games gần nhất đều cách nhau tối thiểu là 1 buổi, tối đa là 2 ngày, trung bình đều là 1 ngày. Thậm chí ngay tại SEA Games 31 ở Việt Nam năm 2021, ban tổ chức còn bố trí "khắc nghiệt" khi 2 cự ly của Oanh 1.500m và 5.000m chỉ diễn ra trong 1 ngày.
Nhìn lại cả các kỳ SEA Games đã qua, các cự ly trung bình - dài đều tổ chức thi đấu cách buổi để VĐV cự ly này có thời gian hồi phục. Thậm chí các cự ly nam - nữ giống nhau, đều thi chung buổi chứ không có chuyện cự ly nam - nữ bị tách ra như 3.000m vượt chướng ngại vật hôm nay chỉ thi nội dung nữ. Và tuyệt nhiên, không có chuyện thay đổi lịch chỉ trong một ngày.
VĐV là giá trị lớn nhất của mọi cuộc thi đấu thể thao
Với những dữ liệu như vậy, tôi chắc chắn rằng, nếu ban tổ chức môn điền kinh không chủ ý sắp xếp lịch thi đấu gây bất lợi trực tiếp đến Oanh, thì có lẽ họ thiếu năng lực. Nhưng ngọc quý là viên ngọc vẫn sáng, càng chà sát, càng sáng long lanh. Thật sự kinh hoàng với khả năng của cô gái nhỏ bé này.
Có thể số ít không đánh giá và hiểu hết về ý nghĩa của một trong những biểu tượng của thể thao Đông Nam Á mà ta cần tôn vinh và trân trọng. Và họ không hiểu được, trong bất kỳ cuộc thi đấu thể thao đỉnh cao nào, VĐV là trung tâm và là giá trị lớn nhất của mọi cuộc đấu cần được nâng niu.
Nguyễn Thị Oanh đã dám đương đầu với điều vô lý để lập một kỳ tích chấn động".
'Điền kinh thế giới sẽ phải thán phục Nguyễn Thị Oanh'
Cho đến hiện tại, điền kinh thế giới gần như có duy nhất Nguyễn Thị Oanh giành 2 huy chương vàng ở 2 nội dung, cự ly khác nhau chỉ trong 30 phút.
Nguyễn Thị Oanh "chạy nhanh nghỉ sớm" giành huy chương vàng cự ly 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật trong 30 phút - Nguồn: VTV Sports
Tối 9-5, vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh giành cú đúp huy chương vàng ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật.
Trong thành tích của Oanh, điểm nhấn "không tưởng" đầu tiên nằm ở thời gian xuất phát giữa hai nội dung là 30 phút. Trên thực tế thời gian nghỉ giữa hai lần xuất phát của Oanh cũng chỉ có 10 phút.
Điểm nhấn thứ 2 về chuyên môn. 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật là hai nội dung có nhiều sự khác biệt. Một chỉ thiên về sức bền và một cần thêm nhiều yếu tố kỹ thuật.
Như ở cấp độ điền kinh thế giới, việc xếp lịch thi đấu các nội dung cũng phân theo từng cặp có sự liên quan về chuyên môn. Cụ thể: 100m và 200m - cự ly ngắn, tốc độ; 800m và 1.500m - cự ly trung bình, tốc độ và sức bền; 5.000m và 10.000m - cự ly dài, sức bền.
Còn 3.000m vượt chướng ngại vật là cự ly trung bình dài và được tính riêng là một nội dung. Trên đường chạy, bên cạnh tốc độ hay sức bền, các vận động viên phải dùng kỹ thuật để vượt qua thanh chắn, hố nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia điền kinh Việt Nam nhận định: Điền kinh thế giới sẽ phải thán phục Nguyễn Thị Oanh với cú đúp huy chương vàng này.
Nếu để so sánh thành tích của Oanh với thế giới, dù có phần hơi khiên cưỡng, gần như chỉ có huyền thoại Carl Lewis là từng giành HCV ở các nội dung khác nhau - cự ly ngắn (100m, 200m) và nhảy xa ở Olympic 1984.
Trong lịch sử Olympic kể từ sau Carl Lewis, vận động viên xuất sắc nhất chỉ có thể vô địch tối đa hai cự ly nhưng ở cùng một nội dung.
Điển hình như ở Olympic 2012, Usain Bolt (nam) và Elaine Thompson (nữ) đều giành huy chương vàng 100m và 200m - ngắn, tốc độ, Mo Rarah giành huy chương vàng 5.000m và 10.000m - dài, sức bền.
Trong khi đó tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh lập hattrick huy chương vàng ở ba nội dung, cự ly khác nhau: 1.500m - cự ly trung bình, 5.000m - cự ly dài và 3.000m vượt chướng ngại vật.
Đặc biệt hơn, đây là kỳ SEA Games thứ 4 liên tiếp mà Oanh giành cả 2 huy chương vàng 1.500m và 5.000m.
Nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật dành cho nữ lần đầu đưa vào thi đấu ở SEA Games 30. Từ đó đến nay, chủ nhân tấm huy chương vàng vẫn luôn là Nguyễn Thị Oanh.
Câu chuyện Nguyễn Thị Oanh phải xuất phát hai nội dung cách nhau 30 phút là điều có lẽ chỉ diễn ra ở SEA Games. Tại SEA Games 29, chính Nguyễn Thị Oanh cũng bị làm khó khi ban tổ chức nước chủ nhà xếp lịch thi đấu 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật trong một ngày.
Theo quy định xếp lịch thi đấu của nhiều giải điền kinh thế giới, châu lục, các vòng thi cự ly ngắn diễn ra cách nhau ít nhất 45 phút, các cự ly dài phải qua ngày thi đấu hôm sau - cách nhau ít nhất 12 giờ.
Ở Olympic, Asiad, môn điền kinh phải có lịch thi đấu sơ bộ trước 4 năm và lịch thi đấu cố định từ 2 năm trước giải. Với các giải điền kinh vô địch thế giới, lịch thi đấu phải được ấn định 6 tháng trước giải.
Chùm ảnh Nguyễn Thị Oanh lập kỳ tích SEA Games khi giành 2 HCV trong 30 phút
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh đã tạo nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại SEA Games 32 khi là VĐV đầu tiên và duy nhất có thể giành 2 HCV ở hai nội dung cực kỳ khốc liệt trong hơn 30 phút.
Video: Phỏng vấn Nguyễn Thị Oanh sau khi cô lập 'cú đúp vàng' trong vòng 30 phút
Nguyễn Thị Oanh khốn khổ vì 17h30 thi 1.500m, 17h50 thi tiếp 3.000m
Ban tổ chức môn điền kinh SEA Games 32 liên tục thay đổi lịch thi đấu khiến cho VĐV Nguyễn Thị Oanh - chủ lực của điền kinh Việt Nam - rơi vào thế khó chưa từng có.
Hôm nay 9-5, môn điền kinh diễn ra ngày thi đấu thứ hai trên SVĐ Morodok Techco. Cho đến ngày thi đấu, ban tổ chức SEA Games 32 đã có 3 lần thay đổi lịch khiến các VĐV gặp rất nhiều khó khăn.
VĐV Nguyễn Thị Oanh - niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam với mục tiêu bảo vệ 3 huy chương vàng (1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật) đột nhiên rơi vào tình thế khó có thể bảo vệ thành tích bởi việc thay đổi lịch của ban tổ chức.
Cụ thể, theo lịch thi đấu đã công bố trước đó, hôm nay 9-5 Nguyễn Thị Oanh sẽ tham dự cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật lúc 17h50. Đến 16h30 ngày 11-5, Oanh mới bước vào thi nội dung cuối là 1.500m.
Vậy nhưng đến đêm 8-5, ban tổ chức tiếp tục thay đổi lịch thi đấu. Theo đó, nội dung 1.500m nữ thay vì đấu ngày 11-5 sẽ được đẩy lên đấu vào lúc 17h30 hôm nay 9-5.
Nguyễn Thị Oanh vì thế vừa phải đấu nội dung 1.500m lúc 17h30 sau đó tiếp tục bước vào đấu nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật lúc 17h50 trong chiều nay. Đây thực sự là điều kinh khủng với sức khỏe của VĐV.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 9-5, ông Nguyễn Mạnh Hùng - tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam - cho biết: "Ban tổ chức gửi lịch tổng thể cho các đoàn nhưng đến khi thi đấu cứ mỗi ngày họ lại thay đổi lịch một kiểu không biết sao mà lần. Chúng tôi đã đấu tranh với ban tổ chức nhưng họ không thay đổi. Không có cách nào khác là giờ Oanh phải thi hai nội dung sát nhau trong buổi chiều".
Hai nội dung thi đấu sát giờ không chỉ khiến Nguyễn Thị Oanh khó bảo vệ 2 tấm huy chương vàng mà còn đe dọa sức khỏe của VĐV.
Trước đó, vào chiều 8-5, hai VĐV điền kinh đã phải lên xe cấp cứu vì kiệt sức khi thi đấu trong điều kiện trời chuyển từ nắng gay gắt sang mưa rào tầm tã.
Lương Đức Phước mất huy chương vàng 1.500m
Trước đó, chiều 8-5, ban tổ chức cũng xáo trộn lịch thi đấu khiến VĐV Lương Đức Phước và Giang Văn Dũng bất ngờ bị đôn lên đấu 1.500m dù trước đó lịch không có nội dung này trong ngày.
Trả lời Tuổi Trẻ Online sau khi chỉ giành huy chương bạc, không thể bảo vệ tấm huy chương vàng ở cự ly 1.500m nam, Lương Đức Phước cho biết ban tổ chức đổi lịch thi đấu đã ảnh hưởng quá lớn đến anh.
Cụ thể theo lịch cũ, anh chỉ thi vòng loại 800m vào ngày 8-5 nhưng đến phút cuối lại đổi lên bắt thi chung kết 1.500m. Việc đổi cự ly, đổi thời gian đấu đã khiến VĐV không chuẩn bị kịp về tâm lý, chuyên môn, nhất là trong việc khởi động sao cho đủ.