Hôm 25-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS năm 1982.
Việt Nam cũng khẳng định việc Trung Quốc lắp đặt các phao đèn báo hiệu tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông mà không được sự đồng ý của Việt Nam là "vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, vì vậy không có giá trị pháp lý".
5 lực lượng phối hợp trên Biển Đông
Hai hành động phi pháp trên của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam nằm trong chuỗi hoạt động "vây lấn" mà nước này đang thực hiện từ đầu tháng 4 đến nay ở Biển Đông. Thế trận "vây lấn" lần này của Trung Quốc mang tính phức hợp, liên hoàn và được triển khai đồng loạt ở nhiều vị trí chiến lược.
Trung Quốc đã huy động đến năm lực lượng tham gia thế trận phức hợp lần này với những nhiệm vụ "vây", "lấn" và "tấn" cụ thể bao gồm: dân binh, hải cảnh, hải tuần, hải quân và cuối cùng là các tàu khảo sát hàng hải.
Trong đó, sự phân nhiệm giữa các lực lượng này nhằm thực hiện định hướng "bình thường hóa" các cuộc đối đầu trong phạm vi "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò) phi pháp được bộc lộ cụ thể như sau:
Thứ nhất là lực lượng dân binh của Trung Quốc với vai trò thường trực ở cả hai chức năng trong công tác "vây". Chức năng đầu tiên là phong tỏa các thực thể chưa có người ở khu vực trung tâm "đường 9 đoạn" phi pháp thông qua sự hiện diện tập trung quanh hai thực thể đá Ba Đầu (với hơn 100 tàu) và bãi Sabin (18 tàu) theo ghi nhận vào ngày 23-4.
Chức năng kế tiếp là bảo vệ vòng trong cùng khi hộ tống các tàu khảo sát hàng hải hoặc các khu vực do Trung Quốc kiểm soát trái phép trên Biển Đông.
Sự kiện tám tàu dân binh Trung Quốc được phát hiện di chuyển cắt ngang đội hình các tàu hải quân của ASEAN và Ấn Độ, trong khuôn khổ diễn tập AIME-23 vào ngày 9-5 vừa qua, là minh chứng điển hình cho chức năng này.
Thứ hai là lực lượng hải cảnh. Với chức năng chấp pháp, lực lượng này thực hiện công tác "lấn" một cách chủ động nhằm hỗ trợ lực lượng dân binh Trung Quốc ở trên đối trọng với các tàu chấp pháp của ASEAN.
Điển hình là sự túc trực thường xuyên của hai tàu hải cảnh Trung Quốc 4303 và 5305 hộ tống tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 ở khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam từ giữa tháng 5.
Thứ ba là lực lượng hải quân, tuy không can dự trực tiếp vào thế trận do dân binh - hải cảnh thực hiện mà chủ yếu hiện diện từ xa ở vòng ngoài cùng thông qua hai hoạt động được ghi nhận.
Một là tuyên bố tự tập trận ở một số khu vực trên Biển Đông theo thông báo vào ngày 27-4 và hai là tiến hành tập trận song phương Trung Quốc - Singapore, từ ngày 28-4 đến 1-5 tại vùng biển quốc tế sát mũi phía nam của Biển Đông, mà phía Trung Quốc tuyên truyền rằng "sẽ thúc đẩy sự cởi mở và hiểu biết lẫn nhau" ở vùng biển này.
Ngoài ra, cũng có ghi nhận về hiện diện không rõ chủ ý của tàu hải quân Trung Quốc, quanh khu vực đảo Thị Tứ (của Việt Nam nhưng phía Philippines chiếm đóng trái phép) vào ngày 23-4 trong động thái hỗ trợ công tác "tấn" của hải cảnh Trung Quốc.
Hai lực lượng còn lại là nhóm tàu khảo sát hàng hải và tàu hải tuần. Hai nhóm tàu này tuy xuất hiện đơn lẻ nhưng lại có sự phối hợp hoạt động rất tinh vi.
Cụ thể, mặc dù hiện chỉ có tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 hiện diện trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, nhưng vẫn còn hai tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 14 và Hướng Dương Hồng 31 được xác định vẫn đang hiện diện trong khu vực quanh cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cả hai khu vực này đều có trữ lượng dầu mỏ lớn cùng những ngư trường dồi dào trên Biển Đông, đặc biệt là bãi Tư Chính được phía Trung Quốc ước tính có đến 5 tỉ tấn dầu.
Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam PHẠM THU HẰNG trả lời báo chí ngày 25-5.
Giương đông kích tây
Có hai mục tiêu chiến lược chính trong thế trận của Trung Quốc trên Biển Đông lần này. Thứ nhất, Trung Quốc chủ động gây rối các hoạt động mở rộng khai thác các lô dầu khí có trữ lượng lớn của nhóm A5 (Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam) ở khu vực được cho là chồng lấn giữa EEZ của các nước A5 với "đường 9 đoạn phi pháp" của Bắc Kinh.
Điển hình là gây rối việc mở rộng mỏ Kawasari, lô SK316 của Malaysia thuộc bãi Luconia và lô Tuna (Cá Ngừ) của Indonesia có vị trí nằm cách đường phân định EEZ với Việt Nam 13km.
Thứ hai, Trung Quốc cũng "giương đông kích tây" để củng cố các phương án pháp lý mà nước này có lợi thế.
Trong đó, sự kiện tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 hiện diện khiêu khích ở bãi Tư Chính, thuộc bờ tây của Biển Đông, dường như có dấu hiệu giảm áp lực cho việc Trung Quốc thả phao đèn hiệu ở cụm Sinh Tồn thuộc bờ đông Biển Đông được diễn ra cùng lúc nhưng trong thời gian ngắn.
Và cả hai sự kiện này lại đang khiến dư luận ít chú ý đến động thái Cục Quản lý di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc công bố tiến độ khảo sát hai xác tàu đắm ở khu vực phía tây bắc của Biển Đông.
Công tác khảo sát tàu đắm này, bao gồm cả việc thiết lập thiết bị định vị dưới nước và bổ sung vào hệ thống 124 di tích khảo cổ đáy biển, vừa được công bố sẽ góp phần hoàn thiện hồ sơ Di sản Văn hóa con đường tơ lụa hàng hải của Trung Quốc, vốn muốn đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Không chỉ vậy, việc hoàn thiện các hệ thống dữ liệu địa chất và sinh thái ở Biển Đông cũng giúp Trung Quốc có thể chứng minh năng lực đảm bảo an toàn hàng hải vượt trội các nước trong khu vực.
Đây sẽ là một chỉ dấu quan trọng, khi các phiên tòa phân định biển trong tương lai có xu hướng ưu tiên cho quốc gia nào có khả năng thực thi năng lực chấp pháp thực tế ở khu vực tranh chấp theo nguyên tắc chiếm hữu thực sự (à titre de souverain).
Như vậy, có thể thấy đây là giai đoạn có nhiều động thái quyết đoán và đồng bộ đang diễn ra trên Biển Đông từ cả Trung Quốc và khối A5 thuộc ASEAN.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thực hiện Tuyên bố ứng xử (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) đang đến những giai đoạn cuối cùng, các hoạt động leo thang căng thẳng tuy vẫn thuộc phạm vi "vùng xám" từ phía Trung Quốc cho thấy nước này sẽ không dễ từ bỏ các mục tiêu duy trì ảnh hưởng đơn phương phi pháp trên Biển Đông.
Sự đoàn kết nhằm chia sẻ thông tin cũng như thực hiện các bước phối hợp đồng bộ của nhóm A5 nói chung và khối ASEAN lúc này là vô cùng cấp thiết.
Những lần Trung Quốc xâm phạm vùng biển và chủ quyền của Việt Nam
- Tháng 5-2011: Tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam bị tàu công vụ Trung Quốc cắt cáp khi đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Tháng 11-2012: Tàu Bình Minh 02 lại bị tàu Trung Quốc cắt cáp khi đang ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
- Từ tháng 5 đến 7-2014: Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
- Tháng 7 và 8-2019: Tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
- Tháng 3-2021: Trung Quốc đưa hàng trăm tàu xâm nhập phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
- Tháng 5-2023: Trung Quốc đưa tàu Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
DUY LINH tổng hợp