Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Người trẻ hiến kế văn hóa metro

 

Hệ thống đường sắt đô thị đã vận hành ở Hà Nội và sắp hoạt động ở TP.HCM đang được kỳ vọng không chỉ góp phần thay đổi diện mạo tích cực cho giao thông công cộng mà còn trở thành biểu tượng đánh dấu bước phát triển mới của Việt Nam.

Dành nhiều tâm huyết và tình cảm dành cho quê hương, những người trẻ Việt toàn cầu đã chia sẻ trải nghiệm đi metro ở nhiều nước với mong muốn góp phần tạo ra một nét văn hóa metro đặc trưng cho quê hương Việt Nam.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 1.

Dù ở thành phố hay nông thôn, Đức là nơi văn hóa được tôn vinh và bảo tồn. Các di sản và nét đẹp văn hóa Đức không chỉ được thể hiện ở các tòa lâu đài cổ kính hay các nhà thờ tráng lệ mà còn ở các nhà ga tàu với các không gian văn hóa mang đậm tính biểu tượng.

Nhiều nhà ga có thiết kế vĩ đại mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc và giữ được vẻ hùng vĩ nhất định của một thời đã qua. Nhà ga xe lửa Görlitz, tượng đài theo trường phái tân nghệ thuật, đã tồn tại qua thế chiến và đến tận hôm nay.

Nơi đây tạo thành bối cảnh nổi tiếng cho các bộ phim như "Một mình ở Berlin", "Kẻ trộm sách", và "Cuộc cách mạng thầm lặng".

Còn nhà ga Uelzen theo kiến trúc nghệ thuật Hundertwasser với những cây cột đầy màu sắc, những quả cầu vàng lấp lánh. Ngày nay, nhiều người cho rằng tòa nhà cổ tích này là một trong những nhà ga đẹp nhất thế giới.

Nếu không có biển báo nhà ga "Bahnhof" và logo "Deutsche Bahn" thì khách du lịch có lẽ ngỡ rằng mình đang bước vào một cung điện hoàng gia.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 2.

Metro tại Berlin, Đức - Ảnh: The Independent

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 3.

Ngoài ra, các nhà ga cũng tạo ra môi trường nơi văn hóa đại chúng ngày càng được phát triển như các cuộc triển lãm tranh, ảnh, buổi hòa nhạc hay các lễ hội thường xuyên xuất hiện.

Nghệ thuật graffiti cũng là một phần không thể thiếu xung quanh xe lửa. Đặc biệt, Đức cũng có những "chuyến tàu văn hóa" xuyên biên giới, ví dụ như tàu đi từ Berlin đến Wroclaw nhằm tôn vinh tình hữu nghị giữa Đức và Ba Lan.

Trên tàu không chỉ có các buổi hòa nhạc hay các buổi biểu diễn nhạc sống mà du khách còn có thể tham gia các buổi hát karaoke, sự kiện hẹn hò, lớp học ngôn ngữ, tiệc khiêu vũ…

Bên cạnh đó, văn hóa đọc được hỗ trợ tối đa tại nhà ga, bao gồm một kệ đựng báo và tạp chí được đặt ở cửa ra vào hoặc chỗ chờ tàu để phục vụ hành khách.

Theo tôi, để metro mang đậm văn hóa Việt, các nhà ga tại Việt Nam nên được thiết kế nhằm tạo dấu ấn văn hoá đặc trưng và cũng cần phù hợp với cảnh quan xung quanh.

Khi du khách nhìn vào có thể nhận ra ngay đó là một cảnh quan đặc trưng của một địa danh Việt Nam, ví dụ như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… và về sau này sẽ trở thành một biểu tượng văn hóa, lịch sử gắn liền với địa danh đó. Ngoài ra, tại nhà ga hay trên tàu nên có không gian văn hóa như triển lãm tranh, ảnh hay một buổi biểu diễn dân ca quan họ....

Các chuyến tàu văn hóa cũng là một trong ý tưởng mới cho hệ thống ga tàu tại Việt Nam. Các tiện nghi tại ga tàu nên ưu tiên sản phẩm địa phương và quan tâm hơn đến yếu tố môi trường.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 4.

Hệ thống metro ở Mỹ mang dấu ấn đặc sắc về thiết kế, lịch sử và được đánh giá cao trong các hệ thống metro của thế giới.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 5.

Ở các nhà ga metro, Mỹ ưu tiên quảng bá văn hoá nước này như Lễ hội hoa anh đào ở thủ đô Washington DC tháng 4 hàng năm, một số loại hình nghệ thuật liên quan đến lịch sử lập quốc của Mỹ, các đời Tổng thống.

Washington DC tự hào sở hữu hệ thống metro ấn tượng nhất nước Mỹ và cũng là thành tựu vượt trội nếu xét về kiến trúc đương đại.

Thông thường thiết kế trạm dừng sẽ có sự giao thoa nhất định với lịch sử phát triển của khu vực lân cận, ngay cả biển quảng cáo sẽ được chọn lựa sao cho phù hợp với cấu trúc dân số và nét văn hóa tiêu biểu của địa phương.

Tại trạm Gallery Pl-Chinatown trong hệ thống metro ở Washington DC, cửa Bắc mang dấu ấn văn hóa Á châu với tác phẩm "The Glory of Chinese Descendants, 2000" của nhà điêu khắc Foon Sham.

Trạm dừng metro kế bên Trung tâm trình diễn nghệ thuật John F. Kennedy Center lại ưu tiên quảng bá những show diễn lớn tại đây.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 6.

Trở lại với New York hoa lệ, hệ thống metro tại đây lại nổi tiếng dày đặc và phức tạp. Grand Central Terminal mang tính biểu tượng và cũng là di sản văn hóa, công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố, dấu ấn lịch sử nổi tiếng thế giới tọa lạc tại ngay Midtown Manhattan.

Grand Central Terminal còn là nơi lý tưởng để mua sắm, ăn uống - đậm chất văn hóa với kiến trúc mái vòm cổ điển. Đây cũng là điểm du lịch trọng yếu của thành phố, vừa là trạm trung tâm của hệ thống metro, vừa là trạm kết nối tàu liên bang.

Trạm Chambers Street - World Trade Center/Park Place lại có hơn 300 tranh khảm, là một phần của tác phẩm Đôi mắt của Kristin Jones và Andrew Ginzel khắc họa hình ảnh đôi mắt của hàng trăm người dân New York.

Để metro Việt Nam mang đậm văn hóa Việt, tôi nghĩ thiết kế toa tàu và thiết kế không gian trạm dừng nên tạo được dấu ấn văn hoá riêng, mang đậm nét truyền thống sẽ thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn và cũng là điểm nhấn văn hoá trong mắt bạn bè quốc tế.

Tuỳ vào vị trí trạm dừng mà có thể khắc hoạ hình ảnh những điểm du lịch nổi tiếng lân cận. Ví dụ, trạm dừng ngay trung tâm thì nên có hình ảnh Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành… Ở cụm trạm trung tâm, nên mời nghệ sĩ tên tuổi góp phần vào thổi hồn vào câu chuyện văn hóa Việt.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 7.

Với những trạm dừng xa trung tâm hơn, thiết kế tổng quan có thể tập trung giới thiệu những điểm tham quan ít người biết đến.

Những điều này giúp cho người dân hiểu và thêm yêu văn hoá khu vực, giúp du khách càng đánh giá cao lịch sử văn hoá Việt.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 8.

Hệ thống tàu điện ngầm metro Paris là một trong những hệ thống giao thông nổi tiếng và phức tạp nhất thế giới, với mạng lưới dày đặc có tổng chiều dài gần 227 km, vận chuyển khoảng 11 triệu hành khách mỗi ngày.

Ngoài vai trò chính là không gian giao thông, đây còn là không gian giúp hành khách chiêm ngưỡng những sáng tạo nghệ thuật và khám phá những câu chuyện lịch sử.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 9.
Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 10.

Kể từ khi khánh thành tuyến tàu điện ngầm đầu tiên nhân dịp Triển lãm Thế giới năm 1900, metro Paris đã trở thành nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.

Đây là một ý tưởng sáng tạo đột phá, táo bạo góp phần không nhỏ cho việc xây dựng và quảng bá hình ảnh thành phố Paris - một trung tâm văn hóa thế giới thông qua hệ thống giao thông công cộng ấn tượng.

Từ những đồ trang trí của Hector Guimard theo trường phái Nghệ thuật mới, qua tác phẩm hoành tráng của Tobias Rehberger (tại ga Pont Cardinet, tuyến 14), đến tác phẩm nghệ thuật đương đại Kiosque des noctambules (trên tuyến 1), metro Paris kể câu chuyện về mối quan hệ giữa tiện ích và vẻ đẹp trên hành trình hơn 100 năm.

Việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống tàu điện ngầm nhân dịp kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp hay kỷ niệm 100 năm metro Paris, đều đánh dấu những cột mốc quan trọng của việc xác định và thực hiện một chính sách văn hóa về không gian của nhà chức trách.

Trọng tâm hướng đến của chính sách sắp đặt không gian là tạo ra sự khác biệt, duy nhất cho từng ga tàu điện, mỗi nơi kể một câu chuyện hay sự kiện lịch sử, gửi gắm một ý niệm nghệ thuật. Có thể kể đến 15 ga tàu được chuyển đổi theo hướng này.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 11.

•Bến Bastille (quận 4 Paris) - tuyến 1 mang tên ngục Bastille nổi tiếng, nay là quảng trường Bastille. Ảnh: Travel France Online

Ví dụ, bến Louvre-Rivoli - tuyến 1 là một trong số các điểm dừng văn hóa đầu tiên được thành lập vào năm 1968 theo sáng kiến ​​của André Malraux, khi đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa.

Các tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại đây là những bản sao cực kỳ chính xác của những tác phẩm nổi tiếng từ Bảo tàng Louvre. Bến Bastille - tuyến 1 mang tên ngục Bastille nổi tiếng, nay là quảng trường Bastille.

Tại đây, có bức bích họa bằng gạch lát Bussière (Loiret) dài hơn 130 mét, được thiết kế bởi các họa sĩ Liliane Bélembert, Odile Jacquot và Le Boulanger, thể hiện năm sự kiện lớn trong những giai đoạn chính của cuộc Cách mạng Pháp.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 12.

•Bến Pont Neuf (quận 1 Paris) - tuyến 7 đặt theo tên cây cầu Pont Neuf, nằm gần La Monnaie de Paris - cơ quan phụ trách việc in ấn tiền của Pháp. Ảnh: Routard

Bến Pont Neuf - tuyến 7 đặt theo tên cây cầu Pont Neuf , nằm gần La Monnaie de Paris - cơ quan phụ trách việc in ấn tiền của Pháp. Bến Hôtel de Ville - tuyến 1 mang tên Tòa thị chính Paris ( tiếng Pháp : Hôtel de Ville), được trang trí các hình ảnh về lịch sử thành phố Paris, trong khi Bến Concorde - tuyến 12 , đặt theo quảng trường cùng tên , được phủ kín bằng các chữ cái trích từ Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 , mỗi một chữ cái được đính vào một ô gạch bằng sành.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 13.

Metro Paris còn là không gian biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật của người dân hay những nghệ sĩ tự do.

Đây là nơi ai cũng có quyền và không gian để thể hiện cái tôi nghệ sỹ, mong muốn biểu diễn, bộc lộ tình yêu nghệ thuật, và chia sẻ những rung động nghệ thuật với công chúng.

Ngoài ra, không khó để nhìn thấy hình ảnh metro Paris xuất hiện trong nhiều bộ phim, tiểu thuyết và các video ca nhạc - những sản phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp.

Để hiện thực hóa ý tưởng gửi gắm các giá trị văn hóa tinh thần, nghệ thuật thông qua hệ thống tàu điện công cộng tại Việt Nam, trước hết cần một đề án, chính sách cụ thể, bài bản từ các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, kết hợp với chính quyền địa phương và sự chung tay đóng góp của cộng đồng.

Có nhiều cách khác nhau để thể hiện văn hóa Việt tại không gian giao thông công cộng: từ ngôn từ thông qua cách đặt tên, biểu ngữ, khẩu hiệu; hình ảnh thông qua điêu khắc, hội họa, nghệ thuật trình chiếu ánh sáng; âm thanh thông qua âm nhạc; hay các hình thức kết hợp khác; các hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại chỗ, trưng bày ẩm thực; đến cách hành xử, giao tiếp của người dân hay những người trực tiếp tham gia truyền bá văn hóa.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 14.

•Bến Hôtel de Ville (quận 4 Paris) - tuyến 1 mang tên Tòa thị chính Paris được trang trí các hình ảnh về lịch sử thành phố Paris. Ảnh: Roxanne Gauthier Photographe

Văn hóa có thể được thể hiện thông qua những hình ảnh tĩnh như những bức tranh thể hiện những sự kiện, cột mốc lịch sử hào hùng của dân tộc, những danh lam thắng cảnh hay những hình ảnh đặc trưng của đất nước Việt Nam.

Bên cạnh đó là những cách thể hiện sống động khác thông qua âm thanh như những bản nhạc dân tộc truyền thống cùng âm nhạc đương đại, trình chiếu video nhằm truyền tải các thông điệp văn hóa, tổ chức, biểu diễn các hoạt động văn hóa như triển lãm nghệ thuật, múa hát truyền thống...

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 15.

Tôi đã từng đi du lịch qua nhiều quốc gia, và nhận thấy có nhiều đặc điểm văn hóa thú vị trong cách thiết kế metro tại đây, đặc biệt là ở các nước châu Á.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 16.

Gần đây, Đài Loan tiếp tục cho trang trí một số tuyến tàu điện ngầm theo chủ đề khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và bền vững - Ảnh: CAN

Ở Đài Loan, metro có nét đặc sắc về sử dụng và kết hợp màu sắc, bố cục chữ khá nổi bật; đồng nhất từ đường phố, xe cộ, billboard đến các bảng thông tin, chỉ dẫn; màu của toa tàu.

Nhìn chung, ngôn ngữ màu sắc của metro tại đây có sự kết nối mạnh mẽ về văn hóa phim ảnh của Đài Loan, một gam màu khá cũ kỹ của những chiếc máy phim ngày xưa. Ngoài ra, du khách có thể nhìn thấy các gam màu nóng thường thấy trong các bộ phim Đài Loan những thập niên 1990, 2000.

Đó là sắc màu điện ảnh rất "Đài Loan", không cần quá nhiều hình ảnh để minh họa nhưng vẫn làm du khách, đặc biệt là những ai từng quen thuộc với văn hóa điện ảnh Đài Loan cảm nhận được.

Tính đồng nhất về thiết kế còn được thể hiện qua những trụ điện thoại công cộng hay những bảng thông tin chuyến tàu ở nhà ga Đài Loan, cũng tạo cho du khách cảm giác như đang sống trong những thước phim Đài Loan hồi bấy giờ.

Có thể nói, thay vì chú trọng vào những bản sắc văn hoá hay phong tục mang tính nhìn ngắm thì Đài Loan mang con người vào không gian của phim ảnh, cho phép họ được trải nghiệm một cách chân thực nhất.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 17.

Trong khi đó, với metro Thái Lan, đặc biệt là Bangkok, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy các xe đồ ăn, hàng quán kiot bán đủ các món đặc sản của Bangkok ở trạm, ga tàu mà không cần phải tìm kiếm xa xôi.

Từ lối đi vào hay lối đi ra các trạm MRT/BTS, có thể bắt gặp ngay các món làm nên sức hút và khiến du khách phải nhớ đến Thái Lan. Đó là những món khiến mọi người chỉ cần nhắc đến đã biết đó là món Thái, và hơn nữa họ có thể ăn các món này hàng ngày.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 18.

Đầu năm 2023, ga tàu điện ngầm tại Bangkok trở thành nơi để các nghệ sĩ trẻ thỏa sức sáng tạo thông qua các tác phẩm như tranh vẽ, nghệ thuật sắp đặt… - Ảnh: Metro Art

Thái Lan đã tận dụng thế mạnh ẩm thực để quảng bá văn hóa bởi có nhiều món Thái được du khách ở nhiều quốc gia trên thế giới yêu thích.

Bên cạnh đó, thiết kế nhà ga và tàu BTS/MRT của Thái Lan luôn tạo cho hành khách sự thuận tiện để sử dụng hàng ngày vì ở mọi ngóc ngách đều phảng phất một văn hóa rất gần gũi, thân thuộc của đời sống.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 19.

Metro tại Paris, Pháp - Ảnh: Wikipedia

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 20.

Đón từ 10.000-15.000 khách/ngày, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện là phương tiện di chuyển được nhiều người trẻ Hà Nội ưa thích.

Tính đến tháng 4-2023, tuyến metro trên cao chạy bằng điện này đã vận hành được gần một năm rưỡi, với lượng khách đạt 10.000 người/ngày vào ngày thường và 15.000 người/ngày vào cuối tuần.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 21.
Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 22.

Đối tượng sử dụng tàu chủ yếu là người cao tuổi, học sinh, sinh viên và người đi làm. Trong số người đi làm, người trẻ chiếm phần lớn.

Người trẻ Hà Nội hiện sử dụng tuyến cao tốc Cát Linh - Hà Đông cho nhiều mục đích đa dạng như đi học, đi làm, đi chơi và du lịch.

Có nhiều lợi ích thôi thúc các bạn trẻ lựa chọn đi tàu cao tốc như rút ngắn thời gian di chuyển, tránh ùn tắc vào giờ cao điểm, giảm thiểu ô nhiễm, khói bụi, và đảm bảo an toàn…

Khánh Trâm (25 tuổi, chuyên viên tư vấn) cho biết chị sử dụng tàu Cát Linh – Hà Đông trung bình 2 lần/ngày để đi làm trong tuần và 3-4 lần/ngày để đi chơi vào cuối tuần.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 23.

Vào giờ cao điểm, lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông vẫn ở mức kiểm soát - Ảnh: MẪN LINH

Trong khi đó, Khánh Vi (21 tuổi, sinh viên) đi tàu mỗi ngày từ ga Phùng Khoang để tới công ty thực tập ở gần ga Cát Linh, còn Nguyệt Minh (27 tuổi, nhân viên truyền thông) từng kết hợp tuyến metro này với xe buýt để đi du lịch, đồng thời cho biết đi metro luôn là lựa chọn hàng đầu của chị mỗi khi cần tới Hà Đông.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 24.

Một bạn trẻ mua vé tàu tại ga Cát Linh - Ảnh: MẪN LINH

Nói về lợi ích khi sử dụng tuyến đường sắt trên cao, Khánh Trâm cho biết chị được lợi về sức khỏe nhờ tránh được sự mệt mỏi và áp lực của việc điều khiển xe máy suốt nhiều giờ.

Trâm thường tận dụng thời gian ngồi tàu để nghỉ ngơi, đọc sách hoặc giải quyết công việc nhanh trên điện thoại, vốn không thể thực hiện nếu dùng phương tiện cá nhân như ôtô hay xe máy.

Là người thường xuyên sử dụng xe buýt để di chuyển, Khánh Vi chia sẻ rằng tàu metro là một lựa chọn thay thế tuyệt vời, nhất là vào giờ cao điểm.

"Vì nhà mình ở đường Nguyễn Trãi - tuyến đường có lưu lượng phương tiện cao nên việc đi tàu metro giúp mình tránh được cảnh tắc đường mỗi sáng. Bên cạnh đó, tuyến metro này cũng giải quyết được vấn đề đứng đợi xe buýt vào ngày mưa, nắng nóng hay ô nhiễm nặng, do tuyến có nhà ga thoáng rộng với mái che và ghế ngồi thoải mái", chị bộc bạch.

Tuấn Thành (25 tuổi, phi công) cho biết ngoài việc tiết kiệm được đáng kể thời gian di chuyển, anh ưu tiên sử dụng tuyến Cát Linh - Hà Đông còn vì sự an toàn.

Do buổi tối ở Hà Nội thường là thời điểm nhiều thanh niên tụ tập đua xe, lạng lách trên đường, anh Thành cảm thấy yên tâm hơn khi đi tàu metro nếu phải về nhà sau 9 giờ tối.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 25.

Theo nghiên cứu, chất lượng dịch vụ là một trong những nhân tố tác động lớn tới nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng của người tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, ngoài việc khó di chuyển vào giờ cao điểm, người dân Hà Nội còn ngần ngại sử dụng xe buýt bởi chất lượng dịch vụ chưa được đảm bảo, chẳng hạn thái độ ứng xử của lái xe và nhân viên phục vụ còn gây phản cảm, thiếu chuyên nghiệp.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 26.

Từ góc độ của hành khách, có nhiều bằng chứng cho thấy tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện đáp ứng kỳ vọng của người sử dụng về chất lượng dịch vụ.

Theo chị Nguyệt Minh, do tuyến metro được lắp đặt máy bán vé tự động nên chị có thể chủ động mua vé và không phải xếp hàng lâu. Nhân viên của tuyến cũng kịp thời giải đáp thắc mắc mỗi khi chị có nhu cầu.

Khánh Trâm cũng đánh giá cao các yếu tố: mức độ sạch sẽ của toa tàu và nhà ga, thái độ phục vụ của nhân viên, và sự tiện dụng về tính năng của máy bán vé.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 27.

Từng là một du học sinh tại Mỹ, Khánh Vi nhận xét do tuyến metro Cát Linh - Hà Đông mới được xây dựng nên cơ sở vật chất có phần sạch sẽ hơn so nhiều tuyến tàu điện ngầm ở thành phố Boston và New York.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 28.

"Nhìn chung, tuyến cao tốc Cát Linh - Hà Đông có nhà ga thoáng, sạch với các biển chỉ dẫn rõ ràng. Ngoài máy bán vé tự động, nhà ga còn có một quầy bán vé dành cho người không biết sử dụng máy cùng nhân viên túc trực mọi lúc để hướng dẫn.

Mỗi sáng khi đợi tàu, mình thấy ga luôn có người quét dọn; đồng thời đa số hành khách có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Nhân viên trên tàu cũng cư xử rất thân thiện, thường chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng nếu có hiện tượng chen lấn, xô đẩy chứ không to tiếng hay quát tháo. Tôi cảm thấy họ đều nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ" - Vi nhận xét.

Về chi phí, mặc dù so giá vé 100.000 đồng/tháng cho sinh viên của xe buýt đem đến nhiều lựa chọn về hành trình hơn so mức giá 100.000 đồng/tháng của tuyến metro, song Khánh Vi vẫn chấp nhận sự chênh lệch này để được hưởng các tiện ích mà tuyến cao tốc mang lại.

Còn với Khánh Trâm, vốn thường kết hợp tàu cao tốc và xe ôm công nghệ để tới cơ quan, trung bình chị trả khoảng 50.000 đồng/ngày cho việc đặt xe và 200.000 đồng/tháng cho vé tàu, song vẫn đánh giá mức phí này thuộc khả năng chi trả và xứng đáng với lợi ích nhận được.

Chia sẻ về đề xuất cải thiện dịch vụ của tuyến metro Cát Linh - Hà Đông trong tương lai, Khánh Trâm và Nguyệt Minh đều mong muốn rằng tuyến sẽ chấp nhận thêm các phương thức thanh toán khác ngoài tiền mặt như thanh toán qua thẻ, chuyển khoản và ví điện tử, do người trẻ hiện có xu hướng ít dùng tiền mặt.

Không chỉ vậy, chị Trà Giang (36 tuổi, nghiên cứu viên) và chị Quỳnh Trang (25 tuổi, phóng viên) đều kỳ vọng rằng các tuyến metro khác trong thành phố sẽ sớm được triển khai để người trẻ có thể sử dụng tàu cao tốc cho ngày càng nhiều cung đường di chuyển hằng ngày.

Người trẻ hiến kế văn hóa metro - Ảnh 29.
 
BÌNH MINH
 
VÕ TÂN