Với Đặng Tiến, phê bình văn học là yêu thương và sáng tạo
Sắp bước vào tuần lễ của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), của Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), nghe tin nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời, văn giới càng xót xa và tiếc nuối. Từ Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo gửi cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN) những chia sẻ rất riêng của ông.
Tôi đọc những bài phê bình văn học, phê bình thơ của Đặng Tiến từ hồi tôi còn ở chiến trường Nam bộ. Do đặc thù công việc, tôi được tiếp xúc khá nhiều với báo chí và cả các tác phẩm văn học của Sài Gòn thuở đó. Và tôi đọc những bài viết của Đặng Tiến trên tạp chí Văn, một tạp chí văn học uy tín hàng đầu của Sài Gòn, cũng thuở đó.
Viết phê bình để… thỏa chí sáng tạo
Với Đặng Tiến, tôi cảm nhận những bài viết tạm gọi là "phê bình văn học" của ông, thì phần "phê" gần như rất ít, phần "bình" lại rất nhiều. Và có cảm giác Đặng Tiến chọn thể loại phê bình để viết, là để thỏa chí sáng tạo của mình, chứ không hề vì mục đích "khen" hoặc "chê" ai cả. Trong tất cả những bài phê bình văn học của Đặng Tiến, thì luôn luôn, yếu tố văn học được đặt lên hàng đầu. Yếu tố nghệ thuật luôn là then chốt. Và tình cảm của người viết với tác giả, những tâm đắc của người viết với tác phẩm là sự kết nối quan trọng nhất, nhiều khi mang ý nghĩa thiêng liêng.
Từng câu văn của Đặng Tiến, dù kỹ lưỡng, chắt chiu, nhưng luôn ấm áp. Với Đặng Tiến, viết phê bình chỉ là cái cớ để anh thỏa sức sáng tạo ở một lĩnh vực cần có sự kết nối thân thiết với nhà văn, nhà thơ. Sự sáng tạo, khả năng kết nối thân mật, lòng kính trọng với văn học, với sáng tạo của người mình viết phê bình, khiến Đặng Tiến trở thành nhà phê bình văn học thân thiết nhất với các nhà văn, nhà thơ.
Tôi thật sự quen và chơi khá thân với Đặng Tiến từ năm 2003, khi tôi lần đầu được sang Pháp dự một Liên hoan thơ quốc tế ở Paris. Anh Đặng Tiến đã đón bố con tôi, đã mời tôi về nhà anh ở Orléans (nhà ở quê) chơi và ngủ lại.
Nói thật, khi được ở nhà anh, trước vườn nhà có một hồ nước xanh sâu, có cả thiên nga bơi lội, tôi cứ nghĩ như mình đang ở nơi chốn thần tiên. Không phải vì ngôi nhà sang trọng theo kiểu biệt thự của nhà giàu, mà là ngôi nhà vườn giản dị, nhưng cảnh quan quá thu hút, quá đẹp ở một vùng quê nước Pháp, dù Orléans khá gần Paris.
Ở ngôi nhà vườn giản dị và đẹp như vậy, chủ nhân của nó là người có tâm hồn rất đẹp, có sự chân thành, thật thà hết sức đáng quý. Anh có sự kết nối với những người sáng tác văn học như một người bạn đồng hành, đồng cảm, đồng sàng mà không dị mộng.
Một nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng như thế, lại ở Pháp từ rất nhiều năm, nhưng Đặng Tiến lại là một người "Quảng Nam rặt". Từ giọng nói, cách cư xử, tình thân mật, sự quan tâm tới người khác, tới bạn bè văn chương, khiến tôi thực sự cảm động. Vài lần sau sang Pháp, tôi cũng được anh Đặng Tiến tiếp đón như vậy, lại được về ngôi nhà vườn cảnh quan tuyệt đẹp của anh ở nhà quê, được vợ chồng anh đãi những món ăn "tuyệt đối Việt Nam" mà những người Việt xa nước, dù chỉ vài tuần như tôi, cảm thấy vô cùng thích thú.
Khi tới nhà Đặng Tiến ở Orléans, quà anh tặng tôi là mấy tập thơ và trường ca của… tôi, khiến tôi quá mừng. Vì tôi cũng không còn giữ được những tác phẩm đó của mình nữa. Đủ biết, trước khi muốn viết phê bình văn học về ai đó, Đặng Tiến đã chuẩn bị rất đầy đủ những tác phẩm của người đó, nên khi viết, gần như anh đang nhỏ nhẹ tâm tình với tác giả mình đang viết. Nói thật, đó cũng là cách viết của tôi về một tác giả nào đó mà tôi yêu thích, nên tôi với Đặng Tiến thật là… "đồng khí tương cầu".
Như khi anh Đặng Tiến viết về thơ Tế Hanh, một nhà thơ đồng hương với tôi mà tôi rất yêu thương, anh nhận xét thế này: "Tế Hanh là nhà thơ bình dị, đến với văn học với những bài thơ học trò chơn chất. Trong phong trào Thơ Mới vào giai đoạn đã hoàn chỉnh và tân kỳ, thơ Tế Hanh vẫn hồn hậu. Tiếp cận với thơ Âu Tây rất sớm, Tế Hanh không chịu ảnh hưởng bao nhiêu, vì không cảm thụ được những hình ảnh xa lạ hay những rung cảm mới mẻ. Một cách tự nhiên thôi, tâm hồn non trẻ của anh chỉ rung động trước những hình ảnh thân quen: Dòng sông quê, con đường đất; hiện đại lắm là sân ga với những toa đầy nặng khổ đau".
Hai từ khóa trong thơ Tế Hanh là "chơn chất" và "hồn hậu", anh Đặng Tiến đã tìm được khi viết về nhà thơ đầy cảm xúc và cảm giác này.
Với nhà phê bình, nhiều khi chỉ cần tìm được "chìa khóa" để mở ra cánh cửa vào tác phẩm của tác giả mà mình đang viết, thì sự thành công đã chiếm tới một nửa bài viết rồi. Đặng Tiến thường thành công như vậy.
Muốn có thành công ấy, nhà phê bình phải "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" với tác giả mà mình viết. Và thực sự yêu tác giả ấy, mới viết được.
Với nhà phê bình văn học Đặng Tiến, tôi chỉ muốn thêm một câu cuối bài viết đã dài này: "Đó là nhà phê bình của yêu thương".
Xin vĩnh biệt anh Đặng Tiến thân yêu!
Hơn 35 năm dạy văn chương Việt Nam tại Pháp
Đặng Tiến qua đời tại bệnh viện ở Orléans, Pháp vào sáng ngày 17/4/2023. Ông sinh ngày 30/3/1940 tại làng An Trạch, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Học Lycée Blaise Pascal (Đà Nẵng), tốt nghiệp Đại học Văn khoa (Sài Gòn) năm 1963. Bắt đầu viết điểm sách, phê bình từ 1960. Anh kết bạn rộng rãi, nhiều thế hệ, trong đó có nhiều người bạn chí tình như Bùi Giáng, Thái Tuấn, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, Hoài Khanh, Bửu Ý, Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyễn Trung...
Ra nước ngoài từ năm 1966, lập nghiệp tại Pháp, dạy Pháp văn cho một trường trung học Pháp, dạy văn chương Việt Nam trong Ban Việt học tại Đại học Paris 7, từ ngày thành lập (1969) đến ngày nghỉ hưu (2005). Anh học thêm về lý luận văn học với Julia Kristeva và dân tộc học với Claude Lévi-Strauss. Sau 1975, viết cho nhiều báo và tạp chí ở trong nước. Tác phẩm chính: Vũ trụ thơ (1972, tái bản năm 2008), Vũ trụ thơ II (2008), Thơ - Thi pháp và chân dung (2009)... Anh còn hàng trăm bài nghiên cứu, phê bình chưa in thành sách.
Văn phê bình… thuần Việt
Văn phê bình của Đặng Tiến cũng như vậy. Nó thuần Việt tới mức ta phải kinh ngạc, thậm chí, nó mang đậm sắc thái miền Trung, sắc thái Quảng Nam, như ta được ăn một tô mì Quảng đúng chất, đúng điệu luôn.
Nhà phê bình Đặng Tiến qua đời
PHÁPNhà phê bình Đặng Tiến - tác giả cuốn "Vũ trụ thơ" - qua đời ở tuổi 83, tại nhà riêng vùng Orléans, sáng 17/4.
Ông mắc ung thư nhiều năm trước, luôn giữ tinh thần chống chọi bệnh tật. Trước khi mất không lâu, ông vẫn đăng bài, cùng bạn bè bàn luận thơ ca trên Facebook.
Đặng Tiến nghiên cứu, phê bình thơ Việt Nam hiện đại, được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong bài viết trên Đặc san Khoa học và Phát triển số 4 hồi tháng 3, tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa nhận xét: "Đặng Tiến, trong toàn bộ bài viết, cho thấy rõ ý niệm của ông về hai điểm chính của ngôn ngữ: Nhạc điệu và hình ảnh. Ông tìm đến các nhà thơ trong một niềm đồng cảm, thanh tân và tươi mới của tâm hồn".
Trong Vũ trụ thơ - cuốn phê bình nổi tiếng của Đặng Tiến, ông viết về nhà thơ Tản Đà: "Nguồn thơ nào mà không mang ít nhiều nhan sắc của phôi pha, nếu bản chất của thơ không phải chính là di tích của phôi pha. Tập thơ nào hay mà không u ẩn một cuộc tiễn đưa, một lời tống biệt? Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai". Ở bài viết Văn Cao, Lá khát vọng, ông nhận xét: "Thơ trĩu nặng tâm sự và khát vọng thời đại, và đất nước, nhưng nhan đề sao mà nhẹ nhàng, một chữ ngắn: Lá".
Trên trang cá nhân, nhà báo Nguyễn Hồng Lam cho biết khi đọc và có cơ hội bàn luận chuyện văn thơ với Đặng Tiến, anh biết thêm nhiều tác giả, có cách nhìn nhận, tiếp cận mới. Nhà báo viết: "Cách ông lý giải, đánh giá cả con người lẫn sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đều chứng tỏ ông hiểu rất sâu, rất riêng, rất khoan hòa nhưng quả quyết".
Đặng Tiến sinh năm 1940 tại làng An Trạch, Hòa Vang, Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông từng đi dạy tại THPT Yersin ở Đà Lạt. Từ năm 1966, ông sang Berne, Thụy Sĩ, làm việc trong ngành ngoại giao. Từ năm 1968, ông sang Pháp, làm giảng viên ngành văn học Việt Nam tại Đại học Paris 7. Từ đó đến nay, ông sống tại Orléans cùng vợ và các con.
Ông bắt đầu viết phê bình từ năm 1960, đăng trên các tạp chí như Mai, Văn, Tân văn. Ông từng xuất bản cuốn Vũ trụ thơ (1972), Vũ trụ thơ II (2008), Thơ - Thi pháp và chân dung (2009). Ông là bạn của nhiều văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tác giả Phạm Công Thiện, nhà thơ Hoài Khanh, nhà văn, dịch giả Bửu Ý, họa sĩ Trịnh Cung.
Hiểu Nhân