Biển Đông là một nơi nguy hiểm bởi những tầng lớp tranh chấp chồng lấn ở đó. Đó là những tranh giành trật tự thế giới trong tương lai, tranh chấp giữa những sức mạnh khu vực và tranh giành tài nguyên biển. Tiêu điểm là nút thắt chủ quyền đối với vài trăm mỏm đá và rặng san hô. Mặc dù rất nhiều sự chú ý đổ dồn vào những tranh chấp này, nhưng ngạc nhiên là rất ít mối quan tâm đến nguồn cơn của nó. Một vài tuyên bố sai lầm của Trung Quốc đã được ghi nhận vài thập kỉ trước nhưng ngày càng nhiều bằng chứng được đưa ra ánh sáng kể từ đó và đây là thời điểm để xem xét lại những tuyên bố của quốc gia này.
Hình 1: Đá vành khăn, một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa.
Trọng tâm của vấn đề hiện nay trên Biển Đông là quần đảo Trường Sa và một vài thực thể địa lý dưới đại dương gần bờ biển Việt Nam và đảo Borneo (một trong ba hòn đảo lớn nhất châu Á). Bản thân CHND Trung Hoa và Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) chưa bao giờ đưa ra nguồn gốc những tuyên bố chủ quyền của họ về các khu vực này. Nghiên cứu của tôi, được công bố trên tạp chí học thuật Modern China (Trung Quốc hiện đại) – đã đưa đến kết luận rằng, những tuyên bố của Trung Quốc chỉ xuất hiện bởi vì lỗi dịch thuật và đo đạc bản đồ trong những năm 1930.
Tuyên bố đầu tiên
Câu chuyện về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bắt đầu vào năm 1907 khi họ phát hiện ra một thương nhân người Nhật chuyên khai thác phân hóa thạch của mòng biển trên quần đảo Đông Sa (nằm giữa Hồng Kông và đảo Đài Loan), tên là Nishizawa Yoshiji. Ông là một trong nhiều doanh nhân Nhật Bản đào phân chim để làm phân bón ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, từ đó lại có những đồn đoán về việc Nhật Bản đang dự định xây dựng căn cứ Hải quân ở Đông Sa và điều đó khiến Mỹ vốn vừa giành thuộc địa mới là Philippines quan ngại. Chính phủ Mỹ thông báo cho các quan chức Bắc Kinh vào cuối năm 1907 nhưng phải khoảng một năm sau thì triều đình nhà Thanh mới cử tàu đến điều tra. Vào năm 1909, triều đình Lưỡng Quảng xác nhận sự có mặt của Nishizawa ở quần đảo này và điều đó làm dấy lên một cuộc biểu tình lớn ở phía Nam Trung Quốc (vì người dân nước này cảm thấy chủ quyền của mình bị xúc phạm – ND) và làn sóng tẩy chay hàng Nhật. Chính phủ Nhật Bản vì vậy đồng ý đàm phán. Điều này cuối cùng dẫn tới việc Nhật công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Đông Sa.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, chính quyền Lưỡng Quảng biết đến sự tồn tại của Quần đảo Hoàng Sa, có lẽ đó là lần đầu tiên họ nghe về nó và họ lo ngại Nhật Bản có thể sẽ thôn tính quần đảo này. Điều này dẫn tới một cuộc thăm dò vào tháng năm và tháng sáu của đô đốc Lý Chuẩn (李準) vào năm 1909, đồng thời Trung Quốc tuyên bố chính thức chủ quyền của mình lên quần đảo Hoàng Sa lần đầu tiên. Tàu thăm dò của Trung Quốc chỉ dành ba ngày giữa những hòn đảo bắn đại bác và cắm cờ trước khi trở về đất liền. Tuy nhiên, một điều rất rõ mà những người dẫn đầu cuộc thăm dò nhận ra ngay lập tức đó là Quần đảo Hoàng Sa không đem lại giàu có gì cho Trung Quốc. Báo chí lúc bấy giờ có đề cập đến một kế hoạch biến quần đảo này thành một thuộc địa của mình nhưng chỉ trong vài tuần, chính quyền nước này hoàn toàn không còn hứng thú gì với quần đảo này. Họ không quay lại đó cho đến những năm 1920.
Sự việc tiếp theo diễn ra ở biển Đông hoàn toàn là một sự lúng túng – là một sự hỗn độn ảnh hưởng tới những ghi nhận của giới học thuật về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và cho đến bây giờ vẫn tác động đến những cuộc thảo luận về lịch sử. Vào tháng 12/1931, Pháp – quản lý thuộc địa ở Đông Dương – tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và chín tháng sau, Trung Quốc Dân quốc phản đối. Trong tháng 7/1933, trong khi hai chính quyền vẫn đang tranh cãi về quần đảo Hoàng Sa, Pháp đồng thời cũng tuyên bố mình đã thôn tính xong sáu đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Điều này khiến Trung Quốc lúng túng vô cùng. Một điều rất rõ là trong những văn bản chính thức và báo chí thời bấy giờ, chính quyền Trung Quốc không phân biệt được giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ nghĩ rằng những hòn đảo mà Pháp vừa tuyên bố thôn tính chính là những gì mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền vào năm 1909. Phải mất nhiều tuần họ mới nhận ra sai lầm này. Trong quá trình đàm phán, Hải quân Trung Quốc còn gửi bức điện cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng quần đảo Trường Sa không hề tồn tại! Tình huống này chỉ được hóa giải với sự hỗ trợ của bản đồ của quan chức Mỹ tại Manila. Cuối cùng, chính quyền Trung Quốc quyết định rằng họ không thể chứng minh được tuyên bố chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa và bởi vậy không phản đối hành động của Pháp nữa.
Tuy nhiên, sự lúng túng này khiến chính quyền Trung Quốc quyết định điều Ủy ban đánh giá bản đồ nước và đất điều tra lại tình huống này. Trong số các nhiệm vụ của ủy ban này, họ phải xem xét và dịch các bản đồ để chỉ ra quần đảo nào là Hoàng Sa và quần đảo nào là Trường Sa. Họ cũng đặt những tên Trung Quốc cho những địa danh này – nhưng đó chỉ đơn giản là dịch thuật hoặc phiên âm. North Danger Reef (Rạn nguy hiểm từ phía Bắc, một phần của cụn Song Tử) trở thành Beixian 北險礁 và quần đảo Trường Sa trở thành Si – ba – la – tuo 斯巴拉脫島 (Tư Ba Lạp Thoát, phiên âm từ tên của một thuyền trưởng người Anh, Richard Spratly, người đã ghi chép về quần đảo năm 1843) và Luconia Shoals (Cụm bãi cạn Luconia) được phiên âm thành Lu – kang – ni – a 盧康尼亞滩 (Lư Khang Ni Á). Nghiên cứu của tôi cho rằng danh sách các tên mà ủy ban này dịch ra được lấy từ China Sea Directory (Thư mục Biển Trung Hoa) được xuất bản năm 1906 của Văn phòng bản đồ Hàng hải Anh Quốc.
Nhưng trong quá trình này, Ủy ban này đã bị sai vài điểm. Họ đặc biệt lúng túng bởi hai thuật ngữ tiếng Anh là “bank” và “shoal”. Hai từ này đều có nghĩa là vùng biển nông – từ “bank” dùng để chỉ phần đáy biển nhô lên cao khỏi mặt nước (bãi), từ còn lại là cách diễn đạt của ngành hàng hải, lấy từ Tiếng Anh cổ, nghĩa là “nông.” Thế nhưng ủy ban này lạị dùng một từ để dịch cả hai từ, là tan 滩 (than), có ý nghĩa chung chung mơ hồ là “bãi cát”, một thực thể có thể là ở dưới nước hoặc trên mặt nước.
Ủy ban gọi một thực thể ngầm dưới đại dương, James Shoal (Bãi ngầm James), bằng tên gọi Tiếng Trung là Zengmu tan曾姆滩, và thực thể khác Vanguard Bank (Bãi Tư Chính) là Qianwei tan 前衛滩. Zengmu là cách phiên âm của “James” còn Qianwei (Tiền vệ) là cách dịch của từ “vanguard” và tan là cách dịch của cả hai từ “bank” và “shoal”. Cách dịch này đưa đến một hậu quả vô cùng lớn mà chúng ta sẽ thấy dưới đây. Tại sao họ lại chọn hai thực thể ngầm dưới đại dương cho danh sách của họ thì vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Giả thuyết của tôi là, bởi vì họ không hề thực hiện bất kì một khảo sát bản đồ thủy văn nào, thành viên của ủy ban này phụ thuộc hoàn toàn vào những bản đồ mà họ tham khảo. Một bản đồ được coi là một phần của bất kì bộ sưu tập tiêu chuẩn nào thời bấy giờ là được sản xuất bởi công ty Edward Stanford của London. Bản đồ năm 1918 của công ty này, có tên Quần đảo châu Á có sự ưu ái đặc biệt cho cả James Shoal và Vanguard Bank và với hầu hết các thực thể khác được ủy ban liệt kê (xem hình 1). Tôi ngờ rằng, cũng chính bản đồ này đã định hướng lựa chọn của ủy ban này về việc đặt tên Trung Quốc cho thực thể nào.
Hình 2: Tài liệu Đảo và quần đảo châu Á, cho thấy Bãi ngầm James (James Shoal) và Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) là những thực thể chìm (được khoanh vùng bởi tác giả bài viết). Bản đồ này được công ty Edward Stanford, London, năm 1918 (Thư viện bản đồ Anh, Bản đồ 88715) xuất bản.
Vào năm 1936, Bạch Mi Sơ, người sáng lập Hiệp hội Địa lý Trung Quốc, sử dụng thông tin của Ủy ban này để xuất bản “Cấu trúc địa lí Trung Quốc mới”中華建設新圖 (Trung Hoa Kiến thiết tân đồ). Kế thừa cả sự nhầm lẫn trong việc dịch thuật của Ủy ban cũ, ông đã tạo ra một sai lầm khủng khiếp. Ông vẽ thực thể Jeams Shoal lẫn Vanguard Bank đều là quần đảo (xem Hình 2). Và ông còn thêm đường chữ U vòng quanh Biển Đông chườm xa về phía Nam tới James Shoal và chườm xa về phía Đông Nam tới tận Vanguard Bank. Ý đồ của ông Bạch khá rõ ràng – Đó là đánh dấu cách hiểu “khoa học” của ông về chủ quyền của Trung Quốc. Bởi vì sự tùy tiện của ông (có thể là nhằm phục vụ lợi ích quốc gia) về James Shoal và Vanguard Bank về sau trở thành giới hạn chủ quyền đưa ra trong tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông. Đó cũng là lần đầu tiên đường này được vẽ trên bản đồ Trung Quốc. Nó thậm chí còn không xuất phát từ tài liệu của nhà nước mà hoàn toàn là công trình của một cá nhân.
Bạch còn có một vài “sáng tạo” khác nữa. Ông vẽ những thực thể của Bãi ngầm Macclesfield Bank (ở chính giữa Biển Đông) là một quần đảo. Đó là lí do tại sao, cho đến tận ngày hôm này, chính quyền Trung Quốc vẫn nói về bốn quần đảo trên biển, mặc dù một trong số chúng không hề tồn tại!
Dù vậy chính quyền Trung Hoa Dân quốc tới trước năm 1946 lại không tuyên bố chủ quyền của mình ở Trường Sa. Đến tận năm 1943, Bộ Thông tin của Chính quyền Trung Hoa Dân quốc đã xuất bản cuốn Sổ tay Trung Quốc 1937 – 1943, một cuốn hướng dẫn mạch lạc về địa lý, lịch sử, chính trị và kinh tế của nước này. Ngay từ trang mở đầu, nó đã khẳng định “Lãnh thổ của Trung Hoa Dân quốc kéo dài từ [dãy núi Sayan ở phía Bắc]… tới Đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Đông Sa.”
Hình 3: Ảnh từ quyển Cấu trúc địa chí Trung Quốc mới (1936) xuất bản bởi Bạch Mi Sơ. Bãi ngầm James (James Shoals) được gọi là Zengmu tan曾姆滩 và Vanguard Bank gọi là Qianwei tan 前衛滩 (Vạn an than). Cả hai đều được vẽ là quần đảo và được chỉ dấu bằng đường biên giới cho chính ông Bạch vẽ (Vòng khoanh tròn được thêm vào bởi tác giả bài viết). Nguồn: Báo của Đại học Sư phạm Bắc Ninh, số 295 (10/5/2012).
Quan niệm về chủ quyền hàng hải của của Trung Quốc thay đổi chóng mặt sau đó ba năm. Sự thay đổi này thực ra bị thúc đẩy, có lẽ thậm chí còn bị điều khiển bởi hai học trò của Bạch Mi Sơ. Vào năm 1927, khi ông là Trưởng Khoa Lịch sử và Địa lý tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Bạch dạy Phó Giác Kim và Trịnh Tử Việt. Sau Thế chiến thứ Hai, họ được tuyển vào Bộ Nội vụ để cố vấn cho chính phủ về biên giới chủ quyền. Họ vẽ bản đồ biển và đặt tên các đảo vào năm 1946 và 1947 dẫn đến tuyên bố chính thức của Trung Quốc trên Biển Đông. Phó Giác Kinh và Trịnh Tử Việt sử dụng bản đồ của ông Bạch cùng đường chữ U để làm chỉ dẫn. Bởi vậy Trung Quốc cũng tuyên bố cả chủ quyền của mình với James Shoal và Vanguard Bank. Điều này hết sức phi lí – trừ khi bạn hiểu nguồn cội kì lạ của nó. Tuyên bố của Trung Quốc là kết quả của một chuỗi những nhầm lẫn và tùy tiện.
Vào tháng 10 năm 1947, Bộ Nội vụ của Trung Hoa Dân quốc đặt lại tên các quần đảo trong tuyên bố mới của mình. Hầu hết các việc dịch và phiên âm năm 1935 đều bị thay thế bởi các tên gọi mới, kêu và “Trung Quốc hơn”. Chẳng hạn như, tên Trung Quốc cho Quần đảo Trường Sa được chuyển từ Si-ba-la-tuo thành Nam Sa 南威島 hay Bãi cạn Scarbrough được chuyển từ Si-ka-ba-luo 斯卡巴洛礁 (phiên âm Tư Ca Ba Lạc) thành Rạn san hô Dân Chủ 民主礁. Tên Tiếng Trung của Vanguard Bank được chuyển từ Qianwei tan sang Wan’an tan (Vạn An). Quá trình này lặp lại trên khắp các đảo và quần đảo. Bộ Nội vụ có vẻ nhận ra vấn đề trước đó trong việc dịch từ “shoal” bởi vì họ đã dùng từ “ansha” 暗沙, nghĩa đen là “cát ngầm” như một cách gọi mới thay thế cho từ tan 灘 trong nhiều thực thể, bao gồm James Shoal, được đổi tên thành Zengmu ansha 曾母暗沙 (Tăng Mẫu ám sa).
Vì vậy phải đến tận năm 1948, chính quyền Trung Quốc mới chính thức mở rộng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tới quần đảo Trường Sa và xa về phía Nam tới tận James Shoal. Hẳn là điều gì đó đã thay đổi giữa tháng 7 năm 1933, thời điểm khi Trung Hoa Dân quốc hoàn toàn không biết gì về sự tồn tại của quần đảo Trường Sa đến năm 1947, khi họ “khẳng định” điểm cực Nam của chủ quyền mình là James Shoal.
Kết luận
Mặc dù chính quyền Trung Quốc muốn nói rằng họ có chứng cứ lịch sử và cổ xưa về những rạn san hô và các mỏ đá ở Biển Đông, thì việc đánh giá chi tiết các bằng chứng cho thấy, các “chứng cứ” này hóa ra mới chỉ được tạo ra từ nửa đầu thế kỉ 20. Các “chứng cứ này” cũng thay đổi trong suốt 40 năm thời kỳ từ 1907-1947. Toàn bộ quá trình này đầy rẫy những sự lẫn lộn và hiểu nhầm. Một vài nhầm lẫn là do một số ít những quan chức và học giả thiếu hiểu biết vào những năm 1980 đã tạo ra những hoang mang kéo dài đến tận bây giờ và gây tai họa cho địa chính trị Đông Nam Á đến tận ngày nay. □
Hảo Linh dịch
——-
*Bill Hayton là học giả của Chương trình châu Á – Thái Bình Dương ở Think-tank Chatham House, Viện quan hệ Quốc tế Hoàng gia. Ông là tác giả của quyển sách Biển Đông: tranh chấp quyền lực ở châu Á.