Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Chuyến thăm nhiều ý nghĩa của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

 Việt Hà  Quốc Đạt

Lần thứ ba tới Việt Nam trong chưa đầy 10 năm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mang theo kỳ vọng góp phần giúp quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ tiếp tục phát triển.

Trong hai năm cuối nhiệm kỳ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ hai lần liên tiếp tới Việt Nam. Cả hai chuyến thăm đều là bước đệm cho những cột mốc đáng nhớ trong quan hệ Việt - Mỹ.

Chuyến thăm đầu tiên của ông này diễn ra tháng 5/2015. Tháng 7 cùng năm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ - lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ.

Cuối tháng 4/2016, ông Blinken, người khi đó giữ cương vị thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ, tới Hà Nội. Một tháng sau đó, ông Obama lần đầu thăm Việt Nam, tiếp tục đưa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước lên một cột mốc mới.

Tháng 4 này, ông Blinken đang có chuyến công du thứ ba tới Việt Nam trong vòng chưa đầy 10 năm, và là lần đầu tiên ông tới Hà Nội trên cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ. Chuyến thăm được đánh giá là bước đệm quan trọng để Việt Nam và Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Chuyến thăm nhiều ý nghĩa

Ngoại trưởng Blinken sẽ ở Việt Nam trong các ngày 14-16/4. Máy bay chở ông Blinken đáp xuống sân bay Nội Bài tối 14/4.

Ông Blinken là quan chức Mỹ mới nhất tới Việt Nam sau hàng loạt chuyến thăm của các quan chức cấp cao và nghị sĩ Mỹ từ đầu năm nay, bao gồm Đại diện Thương mại Katherine Tai, Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Samantha Power hay phái đoàn nghị sĩ lưỡng viện do Thượng nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu hồi tuần trước.

Trả lời báo giới sau khi thông tin về chuyến thăm được công bố, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết chuyến thăm nhằm tiếp đà quan hệ sau cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/3 vừa qua.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp ông Biden, khi đó là phó tổng thống Mỹ, trong chuyến thăm Mỹ năm 2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.
blinken tham viet nam anh 1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp ông Biden, khi đó là phó tổng thống Mỹ, trong chuyến thăm Mỹ năm 2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Bên cạnh đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau. Hai nhà lãnh đạo vui vẻ nhận lời và giao các cơ quan liên quan thu xếp vào thời gian phù hợp.

Tại Hà Nội, ông Blinken sẽ tham dự lễ khởi công dự án trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng một biểu tượng mới cho cam kết của Mỹ với mối quan hệ đối tác và tình bạn lâu dài với Việt Nam”,cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết.

Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ đang kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023).

“Chỉ trong vài năm, chúng tôi đã trở thành một trong những đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam. Mỹ giờ đây đã là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 8 của chúng tôi”, ông Kritenbrink nói.

Bình luận về chuyến thăm, ông Derek Grossman, chuyên gia về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Tập đoàn RAND, Mỹ, cho rằng đây là “động thái tốt” của Mỹ trong bối cảnh “quan hệ Việt - Mỹ hiện nay đối mặt với nhiều biến động hơn so với vài năm trước”.

Trong khi đó, ông Greg Poling, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), cho rằng Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ tại Đông Nam Á.

“Chính quyền Biden coi việc làm sâu sắc quan hệ với Việt Nam là thành tố trung tâm trong chiến lược tại Đông Nam Á, bên cạnh hiện đại hóa liên minh với Philippines và tăng cường quan hệ với Singapore và Indonesia”, ông Poling nói, theo Japan Times.

Ông Blinken tới sân bay Nội Bài tối 14/4, bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Ảnh: Reuters.
blinken tham viet nam anh 2

Ông Blinken tới sân bay Nội Bài tối 14/4, bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Trước khi tới Việt Nam, ông Blinken tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm tới Anh và Ireland. Sau khi rời Hà Nội, ông sẽ tới Karuizawa, Nhật Bản, để tham dự hội nghị ngoại trưởng nhóm G7.

Đây là sự kiện chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 tại Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 5 tới. Việt Nam là một trong số các quốc gia không phải thành viên của nhóm được mời tới sự kiện này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo hồi cuối tháng 3.

Bốn trụ cột

Việt Nam và Mỹ trở thành Đối tác toàn diện vào năm 2013. Kể từ đó tới nay, các nhà ngoại giao, nhà quan sát và phân tích từ cả hai phía Việt - Mỹ đều nhận định quan hệ song phương đã mang chất chiến lược.

“Quan hệ Việt - Mỹ chắc chắn đã ở tầm Đối tác chiến lược”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, người từng là đại sứ Việt Nam tại Mỹ, trả lời Zing hồi năm 2021. "Chỉ còn là việc định danh, đặt tên sao cho đúng, tương xứng với tầm quan hệ".

Ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cũng có chung nhận định ấy. “Chúng ta đã tiến rất xa kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Tôi nghĩ mối quan hệ đó đã ở tầm chiến lược, thể hiện qua những gì chúng ta làm cùng nhau”, ông nói với Zing vào năm 2022.

Ông Murray Hiebert, chuyên gia chương trình Đông Nam Á của CSIS, là một trong những học giả cho rằng năm 2023 là thời điểm tối ưu cho cả Việt Nam và Mỹ làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương.

Trong bài phân tích đăng trên CSIS vào cuối tháng 3, ông Hiebert chỉ ra 4 phương diện có thể là trụ cột cho mối quan hệ Việt - Mỹ.

Ông Blinken (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh trên đường phố Việt Nam trong một chuyến thăm trước đây. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ.
blinken tham viet nam anh 3

Ông Blinken (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh trên đường phố Việt Nam trong một chuyến thăm trước đây. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ.

Trước hết, Việt Nam và Mỹ có thể xem xét ký thỏa thuận thúc đẩy sức bền chuỗi cung ứng để đảm bảo đa dạng và ổn định nguồn cung, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.

Ngoài ra, theo ông Hiebert, “Việt Nam và Mỹ đều coi an ninh ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu”. Ở trụ cột này, Mỹ có thể cung cấp cho Việt Nam công nghệ để tăng cường năng lực và nhận thức trên biển, trong bối cảnh Việt Nam mong muốn xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại năm 2030.

Việt Nam và Mỹ cũng có thể đẩy mạnh hợp tác chống biến đổi khí hậu, tập trung vào bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác giảm phát thải, thúc đẩy năng lượng tái tạo và phát triển kỹ thuật canh tác thông minh.

Cuối cùng, hai nước có thể kết hợp các cuộc đối thoại hàng năm về nhiều chủ đề thành một cuộc đối thoại chung về chiến lược và quốc phòng. Nội dung đối thoại này có thể được bổ sung chủ đề an ninh mạng và thực thi pháp luật, ông Hiebert nhận định.

Sách hay về Đông Nam Á

Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.