Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

'Cô bé ống nghiệm' đầu tiên của Việt Nam bước vào tuổi 25

 HOÀNG LỘC

Đúng đêm 30-4-1998, ba bé Mai Quốc Bảo, Phạm Tường Lan Thy và Lưu Tuyết Trân lần lượt cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Đây là ba bé đầu tiên của Việt Nam sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Cô bé ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam bước vào tuổi 25 - Ảnh 1.

Ba em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (từ trái qua): Phạm Tường Lan Thy, Mai Quốc Bảo và Lưu Tuyết Trân trong ngày kỷ niệm một năm chào đời 30-4-1999 - Ảnh: T.T.D

25 năm sau ngày lịch sử ấy, ba trẻ sơ sinh ngày ấy giờ đã trở thành những cô gái, chàng trai trưởng thành có công việc ổn định. Và ngày 30-4-1998 cũng là thời khắc đánh dấu bước ngoặt lịch sử của chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam.

Trong nỗ lực tìm gặp các nhân vật đặc biệt sau 25 năm chào đời, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã về TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang - nơi bé Lưu Tuyết Trân cùng mẹ là bà Trần Thị Bạch Tuyết đang sinh sống. 

"Cảm ơn vì cho em cuộc sống kỳ diệu"

Cô bé ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam bước vào tuổi 25 - Ảnh 2.

Lưu Tuyết Trân là một trong ba em bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) vào đêm 30-4-1998 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cách đây 5 năm, chúng tôi có dịp gặp Trân nhân kỷ niệm 20 năm hành trình thụ tinh trong ống nghiệm, lúc ấy cô bé vừa bước vào năm 1 đại học. 5 năm sau, Tuyết Trân giờ ra dáng một thiếu nữ xinh đẹp. Cô gái trẻ năng động, cặp mắt to tròn, mái tóc đen dài và trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ.

Tuyết Trân cũng là số ít nữ sinh viên vừa tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Tiền Giang. Hiện cô đang làm việc tại Trung tâm đào tạo và sát hạch giao thông thủy bộ của tỉnh Tiền Giang.

Phía sau cô gái tràn đầy năng lượng đó là một hành trình rất dài tìm kiếm con của ông bà Lưu Tấn Lực và Trần Thị Bạch Tuyết. 

Số phận chỉ mỉm cười với họ khi cả hai quyết định bỏ tất cả công việc tìm đến Bệnh viện Từ Dũ. Lúc bấy giờ, họ may mắn gặp được "ân nhân" là bác sĩ Phượng (giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ). 

"Lúc ấy, tôi được cho đi nội soi mới biết bị nghẹt một bên đường dẫn trứng. Bác Phượng nói còn có cơ hội và chỉ một tháng sau tôi được bệnh viện gọi đăng ký tham gia thụ tinh trong ống nghiệm", bà Tuyết nhớ lại.

Cô bé ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam bước vào tuổi 25 - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Bạch Tuyết bên cạnh bé Lưu Tuyết Trân vừa mới chào đời đêm 30-4-1998 - Ảnh: T.T.D

Người mẹ năm nay bước sang tuổi 58 không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhìn con ngày một trưởng thành, có việc làm ổn định. Bà gọi Trân là "cuộc đời của mẹ" và gọi bác sĩ Phượng, bác sĩ Lan (Vương Thị Ngọc Lan), bác sĩ Tường (Hồ Mạnh Tường) là "những ân nhân".

Xa xôi cách trở và công việc mưu sinh bộn bề, nhưng bà luôn ghi nhớ công ơn của các y bác sĩ đã giúp mình hiện thực giấc mơ làm mẹ. "Với tôi đây là điều thiêng liêng, đáng quý nhất mà tôi có được trong cuộc đời này", bà Tuyết xúc động.

Còn với Trân, chưa bao giờ em thôi niềm tự hào bởi mình là "cô bé ống nghiệm", là một trong những "chứng nhân lịch sử" của ngành thụ tinh trong ống nghiệm. "Em cảm ơn những y bác sĩ đã đưa em đến với thế giới này, cho em một sự sống kỳ diệu", Tuyết Trân nói. 

Và từ câu chuyện của mình, cô gái trẻ mong muốn những cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh như ba mẹ mình cũng có được niềm hạnh phúc trên bước đường tìm con…

Cô bé ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam bước vào tuổi 25 - Ảnh 4.

Tuyết Trân và mẹ bên dòng sông Tiền - Ảnh: DUYÊN PHAN

GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: "Tôi không nghĩ mình là ân nhân"

Từ chứng kiến nỗi đau các cặp vợ chồng hiếm muộn phải chịu đựng, từ sự ray rứt của nghề nghiệp, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - đã tìm đủ mọi cách nhằm đẩy nhanh chương trình hỗ trợ sinh sản, trong đó có kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Bà là người đặt nền móng cho chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam lúc bấy giờ.

"Ngày đó, tôi đặt ra một ước mơ, một khát vọng là được làm một điều gì đó cho những bệnh nhân hiếm muộn của mình. Tôi cứ cố gắng đi tới, chưa làm được chưa ngưng", GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng trải lòng. 

Và cho đến ngày 19-8-1997, GS Đỗ Nguyên Phương - bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ - đồng ý ký quyết định cho phép bà cùng các bác sĩ được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ - Ảnh: T.T.D chụp năm 1994

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ - Ảnh: T.T.D chụp năm 1994

"Tôi rất thích trẻ con, nhìn các cháu nhỏ tôi thấy thương như cháu ngoại của tôi ở nhà. Vậy nên tôi cũng không nghĩ mình là ân nhân hay gì quá to tát. Tôi hạnh phúc vì mình đã làm được một điều ý nghĩa cho gia đình các cháu. Nhìn thấy các cháu khôn lớn, chăm ngoan, giỏi giang, tôi cũng mừng lắm", GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng trải lòng.

Và bà cũng như bác sĩ Tường, bác sĩ Lan đều mong chờ cuộc hội ngộ với các "con, cháu" - những đứa trẻ "ống nghiệm" - vào ngày mai (27-4) tại Bệnh viện Từ Dũ...

Cô bé ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam bước vào tuổi 25 - Ảnh 6.

"Ngày xưa mẹ vén tóc cho Trân, giờ Trân vén tóc cho mẹ" - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cô bé ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam bước vào tuổi 25 - Ảnh 7.

Ngày xưa tìm con, bà Tuyết chấp nhận buông bỏ đại lý buôn bán vỏ xe, vốn thu nhập khá ổn định lúc bấy giờ. Bây giờ dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng bà vẫn làm việc để trang trải cuộc sống cho hai mẹ con - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cô bé ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam bước vào tuổi 25 - Ảnh 8.

Cả hai mẹ con đều trông chờ cuộc hội ngộ vào ngày mai (27-4) tại Bệnh viện Từ Dũ để nói lời cảm ơn những ân nhân của đời mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hội ngộ 25 năm các em bé "ống nghiệm"

Ngày mai 27-4, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày những em bé đầu tiên chào đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là cuộc hội ngộ đặc biệt giữa các thế hệ bác sĩ đặt nền móng cho chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm và các "em bé ống nghiệm".

Mời bạn đọc đón đọc đầy đủ bài "Cuộc hội ngộ của các bé ống nghiệm" trên nhật báo Tuổi Trẻ phát hành ngày 27-4.


TTO - Đúng ngày này 20 năm trước (30-4-1998), ba trẻ sơ sinh đầu tiên ở Việt Nam cất tiếng khóc chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo. 


00:01:37

Tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ  về áp lực dư luận với những ca thụ tinh qua ống nghiệm đầu tiên - Video: THUẬN THẮNG 

20 năm sau ngày "lịch sử" ấy, Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo đã là những cô gái, chàng trai giỏi giang, hiếu thảo.

Mỗi cái tên mang một số phận nhưng đều tựu chung ý nghĩa vô cùng đặc biệt, như một món quà vô giá gửi tặng những người mang cho các em cuộc sống diệu kỳ này.

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 2.

Câu hỏi tưởng chừng như dễ trả lời với nhiều người lại là nỗi đau âm ỉ, giằng xé tâm can cô gái trẻ Trần Thị Bạch Tuyết, quê ở miệt vườn Mỹ Tho (Tiền Giang). 

Cách nay 30 năm (năm 1986), Bạch Tuyết khi ấy 22 tuổi phải lòng anh chàng cán bộ văn hóa tỉnh có biệt tài đánh đàn, nhà ở kế bên tên là Lưu Tấn Trực, hơn cô đến 15 tuổi. 

Dù tuổi tác có hơi "lệch pha" nhưng hay tin hai người đến với nhau xóm giềng ai cũng gật đầu ưng ý.

Ấy thế mà 8 năm sau ngày cưới khát khao có một đứa con cho vui nhà vui cửa của hai vợ chồng vẫn xa vời. 

"Mấy năm trời sống chung không có con tui thấy hơi kỳ, vợ chồng dắt nhau đi khám nhiều nơi bác sĩ khẳng định cả hai đều khỏe mạnh. Những ngày đó cứ nghe đâu có bác sĩ hay vợ chồng tui đều ghé, kéo năm này qua năm khác không có kết quả gì khiến cả hai vợ chồng càng thêm chán nản". 

Buồn tủi, giận hờn, hi vọng rồi tuyệt vọng… đủ cung bậc cảm xúc ngày càng đè nặng lên vai cả vợ lẫn chồng và kéo dài trong suốt 8 năm đằng đẵng.

Từ bỏ hay tiếp tục? Hỏi vậy thôi nhưng thâm tâm của cô gái trẻ Bạch Tuyết luôn có sẵn câu trả lời bằng mọi giá phải tiếp tục, không bao giờ được tắt hi vọng. Những lúc chồng đi làm riết quên mất chuyện con cái, thay vì nhắc nhở cô lại tự an ủi: "Anh Trực công việc nhiều lắm". 

Và rồi sau những lời tự an ủi ấy, cô lại nhận ra một khoảng trống mênh mông. Tủi thân bởi khát khao làm mẹ chưa thành, cô gái ấy chỉ biết ngồi ôm mặt khóc một mình, rưng rức.

Đến một ngày không thể chịu nổi cảnh vợ chồng còm cõi, Bạch Tuyết lấy hết can đảm đánh liều "hăm dọa" chồng: "Bây giờ một là đi thăm khám kiểm tra xem thế nào, hai là chia tay đường ai nấy đi".

Ông Trực giật mình trước đề nghị có phần táo bạo của vợ và cuộc hành trình tìm con của họ lại tiếp tục lóe lên tia hi vọng.

Hình ảnh của những ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh tư liệu

Những ngày sau đó, để "tìm con", cả hai vợ chồng phải gác toàn bộ công việc. Ông Trực vì xin nghỉ hoài nên bị cơ quan nhắc nhở. Còn Bạch Tuyết chấp nhận buông bỏ đại lý buôn bán vỏ xe, vốn thu nhập khá ổn định lúc bấy giờ. 

Lần này, họ quyết định vào thẳng Bệnh viện Từ Dũ và may mắn được người quen chỉ đến gặp bác Phượng (Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc bệnh viện Từ Dũ). Lúc bấy giờ, bác Phượng cho đi nội soi rồi kết luận Bạch Tuyết bị nghẹt một bên đường dẫn trứng và còn có cơ hội… 

Và số phận đã mỉm cười với họ khi một tháng sau được bệnh viện gọi đăng ký tham gia thụ tinh trong ống nghiệm lần đầu tiên do các chuyên gia Y khoa từ Pháp sang hỗ trợ. 

"Không còn cách nào khác, bác sĩ bảo thì làm chứ thiệt tình lúc đó vợ chồng tui không hình dung được thụ tinh ống nghiệm thì phải lấy trứng, tinh trùng, nuôi cấy phôi phức tạp như vầy". 

Đúng tròn một tháng sau, vợ chồng vui mừng hay tin có một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần, lớn dần trong bụng người mẹ.

Hơn bao giờ hết, tin vui này càng thắp lên ngọn lửa hi vọng về hình hài đứa con mang máu thịt của vợ chồng, điều mà bấy nhiêu năm họ mỏi mòn tìm kiếm.

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 4.

Cùng thời điểm khó khăn như vợ chồng Bạch Tuyết, ở Sài Gòn hai cặp vợ chồng là anh Mai Văn Phơn, Phạm Xuân Tài cũng đang bước đi trên hành trình "tìm con" không ngưng nghỉ. 

Và thật trùng hợp cả 3 gia đình ấy lại gặp nhau ở Bệnh viện Từ Dũ, cùng nhận tin vui đậu thai trong đợt thụ tinh ống nghiệm đầu tiên. Khu D tầng 2 của bệnh viện ngày ấy như là mái nhà chung cho ba bà mẹ dưỡng thai chờ ngày vượt cạn.

TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, một trong những người được "chọn mặt gửi vàng" trực tiếp tham gia ba ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên cho hay đợt đó có khoảng 70 ca đăng ký nhưng kết quả chỉ 20% số ca ấy có thai.

"Tỉ lệ mang thai thấp nên cứ hay tin có ca mang thai, cả ê kíp vui đến độ ôm chầm lấy nhau nhảy cẫng như con nít. Ai cũng vui bởi đó là tin mong đợi nhất sau hàng loạt ca thất bại". 

Ba ca mang thai ấy có điểm chung cùng gần ngày dự sinh và sau đó được bệnh viện ấn định ngày mổ để các bé kịp chào đời đúng dịp 30-4.

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 5.

Phạm Tường Lan Thy, Mai Quốc Bảo, Lưu Tuyết Trân (từ trái qua)ba bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm kỷ niệm 1 năm ngày sinh 30-4 - 1998 và hiện tại - Ảnh: T.T.D - THUẬN THẮNG - NVCC

Trong suốt thời gian hơn 9 tháng mang thai, ba ca đặc biệt này đều được các bác sĩ giỏi nghề nhất theo dõi với chế độ nghiêm ngặt. Bởi chỉ một sai sót nhỏ sẽ đánh mất cơ hội chào đời của các bé. 

"Áp lực nặng nề đến nỗi chỉ cần nghe thai nhi nào đó có biểu hiện không ổn ngay lập tức cả bệnh viện lại một phen nhốn nháo, những người trong ê kíp lo lắng đến mất ăn mất ngủ" - BS Hồ Mạnh Tường, một trong những người chủ chốt của ê kip thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên nhớ lại.

Càng gần đến ngày sinh tâm trạng của các bác sĩ càng căng thẳng bởi có quá nhiều mối lo. Một mối lo ai cũng biết, chỉ dám cầu nguyện trong lòng là về hình hài các bé khi chào đời được hoàn thiện.

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 7.

"Khi người bệnh có thai thì mừng nhưng lúc chuẩn bị được thấy sản phẩm của mình chúng tôi lại bắt đầu thấy sợ. Bởi chúng tôi không biết phải làm sao khi có một dị tật xuất hiện trên sản phẩm ấy. Cái này cả xã hội lúc bấy giờ đều chờ đợi để coi em bé thụ tinh trong ống nghiệm có giống với những em bé bình thường không" - TS.BS Ngọc Lan chia sẻ áp lực vô hình đè nặng lên cả ê kíp.

Một ngày trước khi mổ, bác sĩ trong ê kíp đi tới đi lui thay nhau thăm hỏi động viên để các bà mẹ chuẩn bị tinh thần thật tốt cho cuộc mổ. 

Cả đêm hôm ấy nhóm bác sĩ không ai ngủ được, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – lúc bấy giờ là giám đốc bệnh viện chỉ vì lo lắng nên không về nhà mà ở lại bệnh viện "trực chiến".

Bệnh viện Từ Dũ. Đêm 30-4-1998. Nóng hầm hập…

2h sáng, chị Mai Thúy Nga bất ngờ được bác sĩ theo dõi thông báo suy tim. Ông Phơn (chồng chị) bị bệnh cao huyết áp, như ngồi trên đống lửa bởi lo lắng. Nắm được thông tin cấp báo, bác sĩ Phượng lật đật lao ra khỏi phòng làm việc cùng ê kíp nhanh chóng quyết định mổ lấy bé trai là Mai Quốc Bảo bây giờ. 

Rồi lần lượt sau đó hai bé gái Phạm Tường Lan Thi, Lưu Tuyết Trân cất tiếng khóc chào đời. Ba ca phẫu thuật thành công, cả bệnh viện hôm ấy vui như ngày hội.

Ba bé chào đời với thân thể hoàn toàn lành lặn, cân nặng xấp xỉ hoặc hơn 3kg khiến cả ê kíp như trút bỏ được gánh nặng vô hình đè nặng bấy lâu nay. 

"Đó là thời khắc lịch sử với mỗi con người từ bệnh nhân đến đội ngũ y bác sĩ và cả bệnh viện. Với ba gia đình hiếm muộn được nhìn thấy hình hài con mình vào thời khắc ấy là điều gì đó ngoài sức tưởng tượng" - BS Tường nhớ lại.

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 9.

Ngày 30-4-1998 được xem là ngày "lịch sử" bởi không chỉ mang lại niềm tin cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn chưa có cơ hội làm cha làm mẹ, ngày này còn đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam và đập tan mọi hoài nghi sinh con trong ống nghiệm là "quái thai" lúc bấy giờ.

BS Tường bảo rằng, dự án hỗ trợ sinh sản (IVF) đầu tiên ở Việt Nam là một "chiến dịch lịch sử" của Bệnh viện Từ Dũ cả về thời gian, quy mô và số người tham dự. Rất nhiều việc đã được thực hiện để chuẩn bị cho cơ sở vật chất, thiết bị, con người, thủ tục pháp lý, tài chính... 

Để có ngày "lịch sử" ấy là sự hi sinh thầm lặng của các thế hệ đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, trong đó không thể không nhắc đến GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành thụ tinh trong ống nghiệm trong nước.

Theo BS Tường, để đạt được thành công ấy, đó là cả hành trình có thể gọi "đi ngược chiều gió". Thời điểm đó ở nước ta vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm không thực sự được quan tâm bởi định kiến xã hội coi đó là chuyện vô cùng xa xỉ. 

"Chỉ có những người trực tiếp tiếp cận với bệnh nhân đến khám như chúng tôi mới thấy sự đau khổ của họ, thấy được việc không có thai ảnh hưởng lớn như thế nào đến hạnh phúc gia đình họ và có một đứa con sẽ mang lại hạnh phúc như thế nào đối với họ. Đó chính là lý do thôi thúc chúng tôi cần phải làm cái gì đó có ý nghĩa để giúp đỡ họ" - BS Hồ Mạnh Tường tâm sự.

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 10.

Không biết bao lần nước mắt của BS Tường và các cộng sự rơi vì cả chuyện vui, lẫn chuyện buồn. 

"Nhiều khi tôi cảm thấy rất thương họ bởi họ chịu quá nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè, dòng họ. Người Việt yêu, cưới nhau mà không có con là điều gì đó thật kinh khủng, là bi kịch mà đáng lẽ không nên như vậy.

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 11.

Nhiều cặp vợ chồng tâm sự với tôi rằng vì không có con nên họ sống khép mình không dám đi gặp ai, không có bạn bè, tết lễ không dám đi thăm ai cả. Vì áp lực gia đình có những cặp vợ chồng buộc phải nói lời chia tay dù vẫn còn yêu thương nhau". 

Tôi mong rằng những cặp vợ chồng như vậy phải được sự ủng hộ của xã hội, đừng vội trách họ vì lỗi không phải ở họ.

Suốt 20 năm đồng hành với các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn khắp mọi nơi, BS. Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan bảo rằng còn điều gì vui sướng hơn khi sau mỗi ca thành công họ lại có thêm một gia đình thực sự, có thêm những người con người cháu gọi hai từ "bà ngoại" thân thương. 

Đó chính là động lực lớn nhất để họ vượt qua mọi giới hạn gieo thêm niềm tin cho biết bao nhiều cặp vợ chồng đang từng ngày mỏi mòn "tìm con". 

"Chúng tôi hiểu rằng với những gia đình hiếm muộn quá lâu thì niềm vui ấy càng mãnh liệt. Niềm vui của họ chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đòi hỏi chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa" - TS.BS Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 12.
Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 13.

Bây giờ, ba em bé ngày xưa nay khôn lớn trưởng thành và đều đang học đại học, trong đó Phạm Tường Lan Thy được nhận học bổng đang du học ở Nhật Bản, hai em Mai Quốc Bảo và Lưu Tuyết Trân đang học đại học ở Việt Nam.

Trong hành trình tìm lại câu chuyện lịch sử về ba em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, chúng tôi may mắn gặp được em Lưu Tuyết Trân cùng mẹ Trần Thị Bạch Tuyết đang sống những ngày yên bình ở ấp Mỹ An (Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang).

Cô bé ngày nào nay đã trở thành thiếu nữ xinh xắn với mái tóc dài đen nhánh. Như một món quà của tạo hóa, cô bé giờ đây chính là "châu báu", là niềm tự hào, niềm an ủi lớn lao nhất cuộc đời của người mẹ đã bước sang tuổi ngũ tuần này.

Không bỏ cuộc và không bao giờ thôi hi vọng… Đó cũng chính là con đường chông gai mà nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn khác đang và sẽ đi bằng cả trái tim để hướng đến một khát khao cháy bỏng: "TÌM CON"

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 14.

Trong hàng chục ngàn ca thụ tinh trong ống nghiệm, có một trường hợp đặc biệt khiến TS.BS Vương Thị Ngọc Lan không bao giờ quên. Đó là trường hợp phụ nữ người Việt 38 tuổi lấy chồng ngoại quốc. 

Lần đầu tiên vợ chồng dắt nhau đến bệnh viện Từ Dũ là khi ông chồng đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư đại tràng. Sợ hóa trị có thể khiến tinh trùng bị nhiễm độc hoặc suy tinh hoàn nên vợ chồng này xin được phẫu thuật lấy tinh trùng dự trữ. 

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 15.

"Điều trớ trêu người này lại không có tinh trùng trong tinh dịch, nên buộc bệnh viện phải phẫu thuật mô tinh hoàn lấy tinh dịch đi đông lạnh" - TS.BS Vương Thị Ngọc Lan kể. 

Bẵng đi một thời gian không thấy quay lại, một ngày hộp thư của BS Ngọc Lan nhận được email đầy cảm xúc, cũng là nguyện vọng cuối cùng của ông chồng.

"Tôi đang điều trị ung thư giai đoạn cuối, cuộc sống của tôi có thể tính bằng tháng nữa thôi. Điều hai vợ chồng tôi hết sức mong mỏi là có một đứa con chung, mong các bác sĩ giúp đỡ để tôi biết được tin vợ tôi có thai trước khi tôi không còn trên đời này nữa", trích email người chồng gửi BS Lan.

Người vợ lớn tuổi, tinh trùng người chồng rất yếu đặt BS Ngọc Lan vào tình thế vô vàn khó khăn, chỉ có một cơ hội duy nhất để người phụ nữ này có thai. TS.BS Ngọc Lan bảo rằng những ngày đó, bắt tay vào làm công đoạn nào cũng thấy khó và nặng nề kinh khủng. 

"Căng thẳng đến độ tôi phải in tâm nguyện của ông chồng dán ở từng công đoạn để mọi người ghi nhớ, ý thức cao độ ở mọi việc bởi một sai sót nào đều có thể đánh mất cơ hỏi duy nhất trong đời của họ".

Và phép nhiệm màu đã đến. Một thời gian sau người vợ này gửi lời cảm ơn và thông báo chồng qua đời, ước nguyện của ông chồng trước khi qua đời đã trở thành hiện thực.

Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 16.
Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh 17.

 
HOÀNG LỘC - LAN ANH
 
THUẬN THẮNG & ẢNH TƯ LIỆU
 
THÙY TRANG
 
BẢO SUZU