Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Tưởng nhớ anh Huỳnh Hữu Nghiệp (1935-2023)

 Anh Nghiệp


Nguyễn Ngọc Giao


Hồi Tết, cuối tháng 1.2023, tôi đang ở trong nước, thì được tin anh Nghiệp bị đột quỵ, Chí Dũng (con trai anh) kịp đi xuống Cannes chăm lo, đưa anh chị trở lại vùng Paris, chị Linh về nhà, anh Nghiệp nhập viện. Về lại Pháp, chúng tôi muốn vào thăm anh, nhưng bác sĩ chỉ cho gia đình. Mùa hè năm ngoái, chúng tôi xuống Nice xem cuộc triển lãm Hàm Nghi, đi lại hơi phức tạp, nên không sang Cannes thăm anh chị. Thế là từ nay...


Nhìn lại, chúng tôi quen nhau đã được sáu mươi năm. Phải đến mùa xuân 1965, khi thành lập hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp (LHSVVNTP), tôi mới thực sự có dịp làm việc với anh Nghiệp. Tại đại hội thành lập, tổ chức tại hội trường của Hội Địa dư Pháp (đại lộ St-Germain des Prés), anh được bầu làm chủ tịch, tôi tổng thư ký. Lúc ấy, trung đoàn đầu tiên của Mỹ đã đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng (vài giờ sau, thủ tướng Phan Huy Quát mới được thông báo), Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, cuộc đụng độ giữa Hoa Kỳ và cách mạng Việt Nam đã trở thành trực diện. Ở Pháp, phong trào Việt kiều ủng hộ kháng chiến vẫn phải hoạt động nửa bí mật nửa công khai : năm 1959, chính phủ De Gaulle – vì nhiều lý do, đặc biệt là kinh tế – bắt tay với chính quyền Ngô Đình Diệm, giải tán hội Liên hiệp Việt kiều. Năm 1963, với cao trào Phật giáo và cuộc đảo chính lật đổ Diệm-Nhu, Pháp chuẩn bị “trở lại” miền Nam dưới một hình thức nào đó, cần dọn đường cho một vài tổ chức thân Pháp, nên đã quyết định trục xuất bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, lãnh đạo phong trào Việt kiều, là người có uy tín trong giới trí thức Việt Nam. Phải đến năm 1966, chính phủ Pháp mới bắt đầu có thái độ lên án chính sách chiến tranh của Mỹ – thể hiện qua lá thư của tổng thống De Gaulle gửi chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh ấy, phong trào Việt kiều đề ra sáng kiến thành lập LHSVVNTP. Phản ứng nước đôi : LHSVVNTP được quyền hoạt động, nhưng không được công nhận đầy đủ, chúng tôi không thể có trụ sở, không có quyền mở tài khoản ngân hàng. Điều đó không ngăn cấm hội hoạt động trong giới sinh viên Việt Nam. Tất nhiên, với những phương thức thích hợp để bảo vệ những bạn sinh viên khỏi bị tòa đại sứ Sài Gòn cắt chuyển ngân vì tội “thân cộng”. Phải nói sự tàn bạo của chiến tranh Mỹ đã thúc đẩy không ít anh chị em vượt qua rào cản và đến với phong trào. Năm 1968, hội Liên hiệp Trí thức Việt Nam tại Pháp ra đời. Tháng năm 1968, cuộc đàm phán Việt-Mỹ bắt đầu ở Paris giữa cao trào sinh viên và công nhân Pháp, rồi Hội nghị Paris về Việt Nam (tháng 1.1969). Liên hiệp Việt kiều tại Pháp (LHVK) đã ra đời trong bối cảnh đó. 


anh

Ban lãnh đạo Liên hiệp Việt kiều tại Pháp gặp bộ trưởng Xuân Thủy
và phái đoàn chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Paris (ảnh chụp năm 1971 với
chữ ký tặng của ông Xuân Thủy). Anh Huỳnh Hữu Nghiệp đứng thứ hai từ bên phải (giữa
các ông Phan Hiền và Nguyễn Thành Lê).


Tôi được cử làm phiên dịch cho ông Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ tháng 5.1968, và vài tháng sau, khi Hội nghị Paris bắt đầu, anh Nghiệp được cử làm phiên dịch cho ông Lý Văn Sáu, rồi Dương Đình Thảo, người phát ngôn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 6.69, là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam). Chúng tôi làm việc mỗi người một nơi, anh Nghiệp ở trụ sở phái đoàn ở Verrières-le-Buisson, tôi ở Choisy-le-Roi. Nhưng hàng tuần, vào ngày thứ năm sau phiên họp chính thức ở đại lộ Kléber, chúng tôi vẫn gặp nhau ở trung tâm họp báo đại lộ Ségur. Buổi tối, khi có họp ban chấp hành chi hội Paris của LHVK, cũng thế. Đôi lần, chúng tôi đã “vượt tuyến” dịch thay nhau. Tháng 8.1970, tôi tham gia phái đoàn Việt kiều về Hà Nội dự lễ quốc khánh, đi vắng một tháng, thì anh Nghiệp đã thay tôi dịch cho ông Nguyễn Thành Lê. Và trong mấy năm hội nghị, có đôi ba lần, anh Nghiệp bị cảm, tôi đã thay anh dịch cho ông Dương Đình Thảo. Sau này, trong hơn mười năm, tôi ít có dịp gặp anh : anh làm việc ở đại sứ quán Việt Nam tại Paris, rồi phái đoàn Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc, New York. Đầu thập niên 1980, tôi phụ trách trung tâm văn hóa (ở phố Cardinal Lemoine, quận 5), anh lãnh đạo công ti Serepco, một trong những cơ sở hoạt động kinh tế của Việt kiều. Cũng như ở các nước phương Tây khác (Đức, Canada...), các cơ sở ở Pháp phát triển trong thời kỳ Việt Nam bị cấm vận, đáp ứng khá tốt nhu cầu xuất nhập khẩu của nước ta, và nhất là nhu cầu gửi tiền và thuốc men của kiều bào cho thân nhân ở trong nước. Bối cảnh này thay đổi hẳn khi Việt Nam mở cửa, cải cách kinh tế, cấm vận chấm dứt, các công ti trong nước có thể giao dịch trực tiếp, không cần trung gian của các công ti Việt kiều.

Không biết bao giờ một nhà nghiên cứu có thể tìm tòi các kho lưu trữ và phỏng vấn những người còn sống (càng ngày càng thưa thớt) để viết nên một cuốn sách về phong trào Việt kiều tại Pháp từ năm 1945 – tôi muốn nói một công trình sử học, chứ không phải một cuốn sách “cúng cụ” hay bè phái, như đôi ba cuốn đã xuất hiện. Trong những con người đã tham gia phong trào Việt kiều xuyên suốt nửa sau thế kỷ 20, anh Huỳnh Hữu Nghiệp là một nhân vật vừa tiêu biểu, vừa hiếm hoi. Tiêu biểu : là sinh viên đi từ miền Nam sang Pháp năm 1952, anh đã liên tục tham gia phong trào ủng hộ kháng chiến rồi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiếm hoi : sau khi tốt nghiệp địa chất học và bảo vệ luận án tiến sĩ cấp 3, anh trở thành “cán bộ thoát ly”, hoạt động toàn phần thời gian cho phong trào với một trợ cấp tối thiểu – kinh tế gia đình một phần lớn dựa trên đồng lương đi làm phòng thí nghiệm của chị Minh Linh. Thời gian anh làm phiên dịch cho đoàn đại biểu MTDTGP ở Hội nghị Paris tất nhiên là “làm chùa” – điều này tôi có thể làm nhân chứng chính xác, mấy năm sau (cuối thập niên 70) làm tham tán ở sứ quán, nhận được lương như cán bộ trong nước, nghĩa là chẳng mấy đồng, đến tuổi về hưu, không được tính trong hưu bổng (cũng như những năm “thoát ly” hoạt động trong phong trào). Cuộc sống về hưu của anh chị, chủ yếu dựa vào tiền hưu bổng khiêm nhường của chị Linh và sự chăm lo của các con.

Tôi mạn phép nói rõ điều ấy, để bạn bè hiểu thêm một con người chung thủy đến cùng với lý tưởng mà anh đã chọn lựa ở tuổi thanh niên, trải qua bảy mươi năm thăng trầm vận nước. Tôi muốn nhấn mạnh điều ấy, vì giữa chúng tôi, nhất là trong thập niên 1990, có những bất đồng quan trọng về chính kiến. Điều không thay đổi trong tôi, là sự quý mến dành cho anh và gia đình của anh.

21.4.2023