Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Phát biểu của bà Clinton trong buổi gặp Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm


U.S. Department of State
Hillary Rodham Clinton
Secretary of State
Phát biểu của bà Clinton trong buổi gặp Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm
Nhận xét sau lễ ký kết
Hà Nội, Việt Nam
30-10- 2010

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp báo chiều 30/10 tại Hà Nội. Ảnh và chú thích ảnh: Dân Trí.

Ngoại trưởng Clinton: Cảm ơn ông rất nhiều, ông Bộ trưởng Ngoại giao. Tôi rất hân hạnh trở lại Hà Nội và có vinh dự chứng kiến việc hoàn thành thỏa thuận lớn giữa hai nước chúng ta. Boeing và Microsoft là hai trong số các công ty lớn của Mỹ và các công ty đối tác, các bạn đã gắn bó hôm nay sẽ cung cấp lợi ích thiết thực cho cả người Việt lẫn người Mỹ.
Tôi cũng rất vui khi thấy các thỏa thuận liên quan đến Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn đã được ký kết. Công ước này thể hiện một cam kết kéo dài nhiều thập niên của cộng đồng quốc tế, tôn trọng nhân quyền và phẩm giá. Hoa Kỳ lấy làm vinh dự hỗ trợ người dân Việt Nam khi [Việt Nam] tái khẳng định cam kết bằng cách phê chuẩn công ước này.
Thỏa thuận này là kết quả trực tiếp của các cuộc đối thoại về nhân quyền giữa hai nước chúng ta. Thêm bằng chứng rằng các cuộc thảo luận về những vấn đề khó khăn đã cho ra các kết quả thực sự.
Như quý vị đã biết, đây là chuyến đi lần thứ hai của tôi đến Hà Nội trong năm nay và đó là một dấu hiệu quan trọng mà Hoa Kỳ đặt mối quan hệ với Việt Nam, với Đông Nam Á và với toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tuần này đánh dấu lần đầu tiên Hoa Kỳ tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á và tôi xin cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời tôi làm người khách trong buổi họp mặt này. Tổng thống Obama mong muốn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào năm tới tại Indonesia.
Hoa Kỳ cam kết tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á trong thời gian dài, bởi vì chúng tôi tin rằng hội nghị có thể và nên trở thành một diễn đàn quan trọng về các vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Thượng đỉnh Đông Á cũng cung cấp cơ hội tham khảo ý kiến trực tiếp với các lãnh đạo trong khu vực. Tôi đã có một số cuộc họp đạt hiệu quả tối qua và hôm nay với các đối tác của tôi và các nhà lãnh đạo khác từ Nam Hàn, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, và các nước khác. Tôi muốn đưa ra thông báo ngắn gọn từ các cuộc thảo luận của tôi với thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao.
Rõ ràng là hai nước chúng ta đã đạt đến một mức độ hợp tác mà khó có thể tưởng tượng trong vài năm trước đây. Chúng ta đã vượt xa khỏi quá khứ đau thương và xây dựng mối quan hệ trong sự tôn trọng lẫn nhau, tình bạn, và lợi ích chung ổn định, an toàn và thịnh vượng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong các cuộc thảo luận, chúng tôi tái khẳng định sự quan tâm được chia sẻ trong việc hướng tới một quan hệ đối tác chiến lược và chúng tôi đã thảo luận một loạt vấn đề khác. Chúng tôi nói về tầm quan trọng của việc gia tăng hợp tác về an ninh hàng hải, tìm kiếm và các hoạt động cứu hộ và cứu trợ thiên tai.
Các cơn bão lớn năm nay đã và đang tàn phá nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam, cho thấy các nỗ lực chung của chúng ta trong khu vực này là cấp bách hơn bao giờ hết. Và cũng như tất cả những người bạn của Việt Nam, chúng tôi đau buồn vì những cái chết bi thương trong đợt lũ lụt gần đây và tôi muốn gửi lời chia buồn chân thành của tôi đến những người đã mất người thân, nhà cửa, và công ăn việc làm. Khi chúng tôi hợp tác chặt chẽ hơn về cứu trợ thiên tai, chúng tôi đang mở rộng trao đổi an ninh, gồm ba cuộc đối thoại hàng năm sẽ gia tăng các mối quan hệ quân sự hai nước và kết quả là [mang lại] lợi ích cụ thể cho người dân Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã có một cuộc họp tuyệt vời sáng nay về Sáng kiến Hạ lưu Mekong và Việt Nam là một lãnh đạo thực sự trong việc tìm những cách để chúng tôi có thể hợp tác nhằm giảm nhẹ các thiệt hại môi trường đang xảy ra ở Hạ lưu sông Mekong.
Về thương mại, hai nước chúng ta đã đạt được tiến bộ lớn. Mười lăm năm trước, thương mại song phương của chúng ta khoảng $450 triệu đô la. Năm ngoái đã hơn $15 tỷ đô la. Và bộ trưởng ngoại giao với thủ tướng mà tôi đã nói chuyện về việc làm thế nào để mở rộng quan hệ thương mại, gồm cả việc thông qua Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP- Trans Pacific Partnership). Hoa Kỳ, Việt Nam, và bảy nước khác đã hoàn thành vòng đàm phán thứ ba về TPP trong tháng này và chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam có thể kết luận nó trong quy trình nội bộ và sớm thông báo tình trạng của nó như là một thành viên đối tác.
Về y tế, Hoa Kỳ đã cung cấp kinh phí đáng kể cho những nỗ lực của Việt Nam để nâng cao hệ thống y tế, và phòng chống HIV/AIDS, cúm gia cầm, và các mối đe dọa đại dịch. Năm tới, chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc về dự án $34 triệu đô la để loại bỏ chất độc dioxin trong đất ở sân bay Đà Nẵng, di sản quá khứ đau thương chúng ta chia sẻ, và một dấu hiệu tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang xây dựng lại với nhau.
Biến đổi khí hậu, như chúng ta hướng vào các cuộc đàm phán ở Cancun tháng 11 này, chúng tôi hy vọng làm việc với Việt Nam và các nước khác để xây dựng những tiến bộ mà chúng ta đã thực hiện ở Copenhagen. Ngoài ra, tại cuộc họp của Sáng kiến Hạ lưu Mekong, chúng ta đã thảo luận làm thế nào để cùng làm việc với nhau, thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Và chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất xây dựng về tác động tiềm năng của các đập xây dựng ở Hạ lưu Mekong. Hoa Kỳ đã đề nghị tạm dừng, trước khi công trình chính tiếp tục xây dựng, chúng tôi sẽ tài trợ một nghiên cứu về vấn đề này.
Bây giờ, mặc dù các quan hệ đối tác giữa hai nước đang mạnh và ngày càng mạnh hơn, như với tất cả những người bạn mà chúng tôi có các lĩnh vực bất đồng. Một trong những lĩnh vực đó [mà chúng tôi] quan tâm là quyền con người. Trong khi thỏa thuận mà chúng tôi đã chứng kiến được ký kết hôm nay chắc chắn là một bước đi đúng hướng, Hoa Kỳ vẫn còn quan ngại về việc bắt giữ và kết án những người bất đồng chính kiến ôn hòa, đè nặng lên các nhóm tôn giáo, kiềm chế tự do Internet, bao gồm cả các blogger. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, và chúng tôi tin rằng cải cách chính trị và tôn trọng quyền con người là một phần thiết yếu trong việc nhận ra tiềm năng đó.
Lần trước tôi có mặt ở đây hồi tháng Bảy, chúng ta đã tổ chức kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt – Mỹ. Lần này, chúng ta kỷ niệm 1.000 năm Hà Nội là thủ đô Việt Nam. Và tôi muốn gửi lời chúc mừng của tôi đến các công dân của thành phố xinh đẹp này, và những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi đến tất cả người dân Việt Nam. Tôi mong muốn được làm việc với các bạn, và với người dân Việt Nam, để mở rộng công việc của chúng tôi, quan hệ đối tác của chúng tôi, và tình bạn của chúng tôi trong những năm tới. Cảm ơn bạn rất nhiều. (Vỗ tay)
Người điều khiển: (nói tiếng Việt)
Hỏi: (bằng tiếng Việt)
Ngoại trưởng Khiêm: (nói tiếng Việt)
Ngoại trưởng Clinton: Cảm ơn bạn, bởi vì chúng tôi cũng tin rằng giáo dục là một trong những phần quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta. Và đó là một trong những lĩnh vực mà chúng ta thấy có sự phát triển tích cực.
Trong ba năm qua, chúng tôi đã đưa các học giả Việt – Mỹ đến với nhau, các lãnh đạo chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân để thảo luận làm thế nào chúng ta có thể hợp tác tốt hơn trong việc thúc đẩy giáo dục. Trong thời gian đó, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ gần như tăng gấp ba, lên tới hơn 13.000. Và chúng tôi hỗ trợ mạnh mẽ trao đổi giáo dục và cộng tác học thuật, bao gồm thông qua chương trình Fulbright và chương trình Anh ngữ của chúng tôi.
Chúng tôi cũng cam kết sẽ làm việc với Việt Nam như cải cách hệ thống giáo dục ở Việt Nam, và khuyến khích các chương trình giáo dục tư nhân Việt – Mỹ, bao gồm một trường đại học kiểu Mỹ.
Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng có một tiềm năng không giới hạn ở đây. Và trong hai chuyến đi của tôi trong bốn tháng qua, đã có một số người trẻ tuổi nói với tôi rằng, họ rất thích nghiên cứu tại Hoa Kỳ, họ rất thích học tiếng Anh, và chúng tôi muốn giúp những người trẻ tuổi đạt được mục đích của họ.
Người điều khiển: Xin cám ơn. (nói tiếng Việt).
Hỏi: Xin chào. Tôi ở đài NPR. Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ một số điều họ không hài lòng về vai trò của Mỹ trong việc tranh chấp ở đảo Điếu Ngư, hay Senkaku, bao gồm cả lời nhận xét của bà với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Maehara. Tôi muốn biết, với tình hình như thế, nếu có thể, Hoa Kỳ làm điều gì để hành động như một trung gian hay người môi giới trong vấn đề này?
Tôi cũng muốn biết, nếu Bộ trưởng Ngoại giao Dương [Khiết Trì] có bất kỳ khẳng định hoặc giải thích nào, như tin đã đưa, về chính sách xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc? Và ông ấy có bất cứ đề nghị nào về việc Trung Quốc có thể làm điều gì để phá vỡ sự bế tắc của trong vấn đề hạt nhân ở Bắc Hàn? Xin cảm ơn bà.
Ngoại trưởng Clinton: Vâng, trước tiên, liên quan đến quần đảo Senkaku, Hoa Kỳ chưa bao giờ giữ vị thế chủ quyền, nhưng chúng tôi đã nói rất rõ rằng, các hòn đảo là một phần nghĩa vụ trong hiệp ước chung của chúng tôi, và nghĩa vụ đó là bảo vệ Nhật Bản. Chúng tôi chắc chắn đã khuyến khích cả Nhật Bản và Trung Quốc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho bất kỳ những bất đồng nào mà họ có trong khu vực này hay với khu vực khác. Tất cả sự quan tâm của chúng tôi đối với Trung Quốc và Nhật Bản là có quan hệ ổn định, hòa bình. Và chúng tôi đã đề nghị cho cả hai nước rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đứng ra [trong cuộc đối thoại] tay ba, nơi chúng tôi sẽ đưa Nhật Bản và Trung Quốc và các bộ trưởng ngoại giao của họ lại ngồi lại với nhau để thảo luận về một loạt vấn đề.
Về vấn đề khoáng sản đất hiếm, Bộ trưởng Ngoại giao Dương [Khiết Trì] đã nói rõ rằng Trung Quốc không có ý định giữ lại các khoáng chất này ở thị trường. Ông ấy nói rằng ông muốn nói rõ điều đó. Bây giờ, thực tế là nó đang được gọi là đất hiếm với một lý do, nó rất hiếm. Và Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh khác – Nhật Bản, Châu Âu và các nước khác – sẽ tìm kiếm thêm nhiều nguồn tài nguyên và tìm kiếm thêm các nguồn đất hiếm này. Vì vậy, trong khi chúng tôi đang hài lòng về tuyên bố rõ ràng này mà chúng tôi nhận được từ chính phủ Trung Quốc, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, toàn thế giới, cần tìm giải pháp thay thế và tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới, điều mà chúng tôi sẽ theo đuổi.
Và cuối cùng, tôi đã nói rất lâu với cả Tổng thống Lee của Nam Hàn, với đối tác Nhật Bản của tôi khi tôi gặp ông ở Honolulu, và với Bộ trưởng Dương [Khiết Trì] về Bắc Hàn. Đây là vấn đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm, và chúng tôi tiếp tục kêu gọi Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán, để theo đuổi những gì họ đã bắt đầu hồi năm 2005, đó là một loạt các cam kết thực hiện các bước không thể đảo ngược để phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, chúng tôi giữ liên lạc với những người đồng nhiệm của chúng tôi: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga để làm những gì chúng ta có thể, cố gắng đưa Bắc Hàn đi vào con đường hiệu quả hơn.
Người điều khiển: Cám ơn. (nói tiếng Việt).
Hỏi: (bằng tiếng Việt).
Ngoại trưởng Clinton: Vâng, khi Tổng thống Obama nhậm chức và tôi trở thành ngoại trưởng, một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tái khẳng định cam kết trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ là nước duy nhất trên thế giới là cường quốc tại Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Và chúng tôi không chỉ muốn tăng cường quan hệ song phương, như chúng tôi với Việt Nam, và với các nước khác trong khu vực, mà chúng tôi còn muốn tham gia tích cực hơn vào các tổ chức khu vực, như ASEAN.
Vì vậy, một trong những chuyến đi đầu tiên mà tôi thực hiện – thực ra là chuyến đi đầu tiên tôi thực hiện với tư cách ngoại trưởng – đã đến Đông Á, như đi đến trụ sở ASEAN ở Jakarta, và cam kết rằng Hoa Kỳ đồng ý với Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, để chúng tôi có thể trở thành một nước tham gia vào các hoạt động ở các diễn đàn khu vực ASEAN, và thực hiện một cam kết thực sự đối với tổ chức các quốc gia ASEAN.
Chúng tôi cũng tin rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á là nơi mang các quốc gia khác lại với nhau ngoài các nước chính như ASEAN, đến với nhau để thảo luận các vấn đề chính trị, an ninh, là một diễn đàn rất quan trọng mà Hoa Kỳ là một phần trong đó. Hôm nay, tôi đã nói tại cuộc họp ở Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á trước đó với các nhà lãnh đạo rằng hệ quả của các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh đang được thảo luận trong khu vực, Hoa Kỳ muốn có mặt ở đó.
Chúng tôi rất vui, rằng Việt Nam hiện làm chủ tịch ASEAN trong năm 2010, đã tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia, và mời chúng tôi làm khách mời của chủ tịch. Và chúng tôi đã rất vui mừng khi chúng tôi có cơ hội cùng với Nga tham gia. Hoa Kỳ có mối quan hệ sâu rộng và lâu dài ở châu Á-Thái Bình Dương, và chúng tôi muốn là một đối tác tốt, một người bạn tốt, một hàng xóm tốt. Và tôi nghĩ một trong những cách chúng ta có thể chứng minh đó là bằng cách tham gia tích cực vào các tổ chức như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Người điều khiển: Cảm ơn bà. (nói tiếng Việt).
Hỏi: Xin cảm ơn. Đây là một câu hỏi dành cho Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm.
Bà nói bà nêu các vấn đề nhân quyền và những vụ bắt bớ gần đây với bộ trưởng ngoại giao [Phạm Gia Khiêm]. Tôi chỉ muốn biết những gì ông ấy đã nói với bà, và bà đã chấp nhận lời phản hồi như thế nào. Và có lẽ ông bộ trưởng ngoại giao có thể nói về điều đó.
Và cũng có thể, một phần thú vị về việc sự tiến triển trong mối quan hệ Việt – Mỹ là thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự. Tôi muốn biết tình trạng của những cuộc đàm phán này là gì, và nếu Hoa Kỳ cho phép Việt Nam sản xuất nhiên liệu hạt nhân làm giàu uranium, là một thành phần trong thỏa thuận đó. Và tôi muốn biết [các thoả thuận này] đang ở vị trí nào. Xin cảm ơn bà.
Ngoại trưởng Clinton: Vâng, chúng tôi đang (không nghe).
Ông Phạm Gia Khiêm: (nói tiếng Việt)
Ngoại trưởng Clinton: Nhân quyền là vấn đề rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, và chúng tôi thường xuyên nêu lên mối quan tâm của chúng tôi, như tôi đã nói buổi tối qua với Thủ tướng Chính phủ, và đã lặp lại hôm nay với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao. Chúng tôi không chỉ nêu vấn đề này nói chung, mà chúng tôi còn đặc biệt quan tâm về các bản án nặng nề dành cho các nhà hoạt động chính trị, tấn công vào các blogger, hạn chế tự do Internet, và tự do tôn giáo, thắt chặt kiểm soát đối với các tổ chức nghiên cứu và các phương tiện truyền thông. Chúng tôi nêu những vấn đề này ở mọi cấp, cả ở Hà Nội, và tại Washington, bao gồm cả thông qua đối thoại của chúng tôi về nhân quyền.
Và như tôi đã nói trong lời phát biểu lúc khai mạc, việc ký kết Công ước Chống Tra tấn, đưa ra trực tiếp trong cuộc đối thoại của chúng tôi về nhân quyền. Và tôi rất yên tâm qua ý kiến của Thủ tướng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đã đưa ra, rằng họ muốn cam kết với Hoa Kỳ về các vấn đề này, rằng họ muốn nghe từ chúng tôi và quan điểm của chúng tôi về những vấn đề này. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy một cách kiên định và theo thời gian, như chúng tôi làm cho trường hợp Việt Nam gia tăng trong lĩnh vực kinh tế rất ấn tượng, sẽ trở nên ấn tượng và bền vững hơn như những lợi ích kinh tế đi đôi với những cải tiến về tự do chính trị và về quyền con người.
Liên quan đến tình trạng 123 cuộc đàm phán, chúng tôi ký kết một biên bản ghi nhớ về hợp tác hạt nhân hồi tháng Ba. Và chúng tôi đang tiếp tục các nỗ lực để mở rộng hợp tác hạt nhân dân sự. Chúng tôi vẫn chưa khai mạc các cuộc đàm phán chính thức về 123 thỏa thuận, nhưng chúng tôi đang hướng tới việc đó. Thực ra, Tổng thống Obama mời Thủ tướng Chính phủ đến tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington cuối tháng Tư là một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của chúng tôi về việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, và chúng tôi mong muốn có tiến triển hơn trong lĩnh vực đó.
Người điều khiển: Cảm ơn bà rất nhiều. (nói tiếng Việt.)

Ngọc Thu lược dịch
Nguồn: US Department of State

Mỹ từng giúp Trung Quốc đào tạo nhân tài

Năm 1906, Edmund J. James hiệu trưởng Đại học Illinois đề nghị Tổng thống T. Roosevelt cử người sang Trung Quốc khảo sát tình hình giáo dục và tìm cách thu hút học sinh nước này sang Mỹ học, nhằm đào tạo 1 tầng lớp trí thức có thể tác động tới các lãnh tụ Trung Quốc và coi đó là cách tốt nhất để Trung Quốc và Mỹ gắn bó với nhau về kinh tế cũng như về chính trị.
                                                       Đại học Thanh Hoa
Năm 1908, Quốc hội Mỹ thông qua đề án trả lại Trung Quốc 1 nửa số tiền trong khoản bồi thường Canh Tý quy định (11,6 triệu USD) giao cho Tổng thống tổ chức thực hiện việc mở trường học ở Trung Quốc và đưa học sinh nước này sang Mỹ học.

Khoản bồi thường năm Canh Tý

Cuối thế kỷ XIX, do không chịu nổi ách áp bức bóc lột dã man của phong kiến Mãn Thanh, nông dân 1 số tỉnh ở Trung Quốc đã nổi dậy chống triều đình. Phong trào này mới đầu có tên Nghĩa Hoà Quyền; từ 1899 đổi tên là Nghĩa Hoà Đoàn, chuyển mục tiêu sang chủ yếu chống đế quốc phương Tây.
Năm Canh Tý (1900), Nghĩa Hoà Đoàn chiếm Bắc Kinh và một số thành phố. Triều đình nhà Thanh của Từ Hy Thái hậu chạy lên Tây An, bỏ ngỏ Bắc Kinh. Quân Nghĩa Hoà Đoàn mặc sức hãm hại giáo sĩ, kiều dân nước ngoài, cướp phá tài sản của họ và các sứ quán. Trước tình hình đó, lấy danh nghĩa bảo vệ kiều dân và sứ quán, quân đội 8 nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Ý và đế quốc Áo-Hung liên kết nhau tiến vào Bắc Kinh và các thành phố bị chiếm. Phong trào Nghĩa Hoà Đoàn bị dập tắt.
Tháng 9/1901, triều đình nhà Thanh phải đàm phán với 11 nước phương Tây và ký Điều ước Tân Sửu gồm 12 điều khoản; trong đó điều khoản nhận bồi thường toàn bộ phí tổn và thiệt hại của các nước này do việc Nghĩa Hoà Đoàn chống lại họ (các nước tự khai phí tổn và thiệt hại). Khoản bồi thường đó gọi là Khoản bồi thường Canh Tý (KBTCT), quy định bằng 450 triệu lạng bạc, tức mỗi người Trung Quốc trả 1 lạng bạc. Được bồi thường nhiều nhất là Nga (28,97%), Đức (20,02%), Pháp, Anh, Nhật, Mỹ (7,32% hoặc 24,4 triệu USD), Ý, Bỉ, đế quốc Áo-Hung, Hà Lan... Theo quy định, KBTCT được trả dần trong 39 năm, lãi suất mỗi năm 4%, tổng cộng cả vốn lẫn lãi sẽ là 982 triệu lạng bạc. Số tiền này vượt quá khả năng chi trả của Trung Quốc.
Điều ước Tân Sửu rõ ràng là bất công, là nỗi xỉ nhục của Trung Quốc. Trong 11 nước phương Tây nói trên, Mỹ là nước duy nhất có chính quyền dân cử và đang muốn đóng vai trò dẫn đầu phong trào dân chủ thế giới; vì vậy Chính phủ Mỹ với đại diện là Tổng thống William McKinley và Bộ trưởng Ngoại giao John. Hay có quan điểm tương đối công bằng, đã đề nghị các nước phương Tây bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và giảm khoản bồi thường.
Cuối 1904, Mỹ tuyên bố: qua điều tra thấy phí tổn và thiệt hại của Mỹ chưa đến 24,4 triệu USD và Mỹ sẽ trả lại Trung Quốc phần dôi ra. Cuối 1908, Mỹ công bố lệnh trả lại Trung Quốc 28,9 triệu USD trong tổng số tiền bồi thường 53,35 triệu USD Trung Quốc phải trả (cả vốn lẫn lãi). Hành động của Mỹ trả lại khoản bồi thường Canh Tý cho Trung Quốc được các nước khác noi theo (Anh, Pháp: 1920; Nhật: 1923; Hà Lan: 1926; Ý: 1933) với quy mô hoàn trả khác nhau. Nhờ đó và nhờ các lý do khác, cuối cùng Trung Quốc chỉ phải trả 58% tổng số tiền quy định trong Điều ước Tân Sửu và có cơ hội đưa nhiều người sang Âu Mỹ du học.

Học bổng Khoản Bồi thường Canh Tý

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố cảm ơn Mỹ về kế hoạch đào tạo nhân tài,và để tỏ lòng tri ân, họ lấy tên Tổng thống Mỹ đặt cho Cung Thể thao ở ĐH Thanh Hoa (Roosevelt Memorial Gymnasium), có tạc tượng Roosevelt (sau 1949 tượng này bị phá).
Hai bên thoả thuận sẽ dùng số tiền Mỹ hoàn trả Trung Quốc để làm học bổng cho học sinh Trung Quốc sang Mỹ du học, gọi là Học bổng Khoản Bồi thường Canh Tý. Phía Trung Quốc dự định mỗi năm cử 100 người, từ năm thứ 5 trở đi mỗi năm 50 người, cho đến khi dùng hết số tiền trả lại. Hai bên thống nhất: 80% học sinh sẽ học các ngành nông nghiệp, khoáng sản, vật lý, hoá học, công trình đường sắt, cơ khí, ngân hàng; 20% học các ngành chính trị, pháp luật, tài chính, kinh tế và sư phạm. Việc tổ chức tuyển chọn du học sinh do Trung Quốc tự làm, phía Mỹ không tham gia.
Năm 1909, chính quyền lập Vụ Du học Mỹ để tổ chức thực thi việc nói trên. Các tỉnh được chọn người đưa lên Bắc Kinh dự thi. Khoá thi đầu tiên (8/1909) có 630 người ghi tên; 68 người lọt qua vòng sơ tuyển (thi Quốc văn và Anh văn), rồi thi tiếp các môn toán, lý, hoá, sử Anh, Mỹ, Hy Lạp, La Mã. Sau 5 đợt thi, kết quả chọn được 47 người. Tháng 10/1909 tốp học sinh đầu tiên đi Mỹ du học. Việc thi cử tiến hành nghiêm chỉnh chặt chẽ, thí sinh phải giỏi Quốc văn, Anh văn, và phải đạt yêu cầu “khoẻ mạnh, đứng đắn, tướng mạo không có khiếm khuyết, lý lịch trong sạch”. Khoá thi năm 1910 có 400 thí sinh, chọn được 70. Khoá thi năm 1911 chọn được 63 người.
Chính quyền còn cấp đất và kinh phí lấy trong KBTCT để xây dựng Trường Dự bị du học Mỹ, năm 1911 đổi tên là Thanh Hoa Học đường (năm 1924 đổi tên là Đại học Thanh Hoa), chia 2 khoa Trung học và Cao đẳng, mỗi khoa học 4 năm, chuyên đào tạo học sinh đi du học Mỹ. Tháng 3/1911 Thanh Hoa Học đường khai giảng, gồm hơn 400 học sinh 12-20 tuổi đã được tuyển chọn nghiêm ngặt từ các địa phương. Nhờ có kinh phí lớn nên trường này có cơ sở vật chất tốt nhất trong các trường ở Trung Quốc. Học sinh tốt nghiệp khoa Cao đẳng của Thanh Hoa Học đường có thể vào thẳng năm thứ 3 đại học Mỹ.
Ngoài ra từ năm 1917, Mỹ còn dùng KBTCT để xây dựng Y viện Hiệp Hoà hiện đại nhất Trung Quốc và Học viện Y khoa Hiệp Hòa.
Năm 1924, Quốc hội Mỹ thông qua luật dùng KBTCT còn lại (12,54 triệu USD) lập Quỹ Xúc tiến Trung Quốc. Quỹ này đã dùng một phần kinh phí cho học sinh ĐH Thanh Hoa du học Mỹ.
          3 chuyên gia khí động học nổi tiếng thế giới: Ludwig Prandtl (Đức), Tiền Học Sâm, Von Karman (1945)
Trong thời gian về sau, do tình hình chính trị trong nước không ổn định, việc thi tuyển lưu học sinh đi Mỹ không tiến hành liên tục. Từ năm 1932 bắt đầu tăng trở lại, năm 1935 số lưu học sinh lên tới 1033 người. Thời kỳ kháng chiến chống Nhật (1937-1945) việc đưa người đi du học bị ngừng. Năm 1946 tiếp tục tổ chức chiêu sinh dự thi toàn quốc đi du học nước ngoài, có 4463 thí sinh. Sau đó do có cuộc chiến tranh giải phóng nên việc tổ chức du học nói trên chấm dứt. Quỹ Xúc tiến Trung Quốc chuyển sang Đài Loan và dùng số tiền còn lại thành lập trường Đại học Thanh Hoa tại khu Tân Trúc ở Đài Loan.

Kết quả của Chương trình du học bằng học bổng KBTCT

Thời gian 1909-1928, Trung Quốc đưa được hơn 1000 người sang Mỹ du học; sau đó vẫn cử người đi tiếp, nhưng không có số liệu thống kê. Số người du học Mỹ chưa nhiều lắm, nhưng điều quan trọng nhất là nước Mỹ đã đào tạo cho Trung Quốc nhiều nhà khoa học giỏi, thậm chí hàng đầu thế giới, về sau có đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự phát triển khoa học nhân văn và khoa học kỹ thuật của Trung Quốc (hơn hẳn số hàng chục nghìn lưu học sinh sau này đào tạo tại Liên Xô và Đông Âu). Chẳng hạn nhờ đó chương trình làm bom nguyên tử và làm tên lửa, vệ tinh nhân tạo của Trung Quốc hoàn thành sớm được ít nhất 20 năm. Các nhà khoa học chủ yếu trong chương trình này như Đặng Gia Tiên, Tiền Học Sâm... đều học ở Mỹ về.
Dưới đây xin giới thiệu hai gương mặt điển hình của số học sinh đi Mỹ theo chương trình học bổng khoản bồi thường năm Canh Tý.
                                                             Hồ Thích
Về khoa học nhân văn có Hồ Thích (1891-1962), năm 1910 đi Mỹ du học tại Đại học Cornell, về nước 1917. Ông là nhà thơ, sử gia, triết gia, nhà giáo dục, luân lý học, nhà tư tưởng..., một đại học giả của Trung Quốc, từng được tặng 36 bằng tiến sĩ (chủ yếu ở Mỹ), nổi tiếng có nhiều cống hiến trên nhiều lĩnh vực. Sau khi về nước đã đề xướng cách mạng văn học, trở thành một trong các lãnh tụ Phong trào Tân Văn hoá.
Từng là Đại sứ Trung Hoa Dân quốc tại Mỹ (1938), hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh (1946), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung ương (Đài Loan, 1957). Từ 1949 ở Mỹ và Đài Loan. Hồ Thích là nhà tiên phong chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc, đề xuất thuyết điều hoà giai cấp, cho rằng chủ nghĩa Marx và thuyết đấu tranh giai cấp không thích hợp với Trung Quốc. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc triết học thực dụng của J. Dewey.
Hồ Thích có ảnh hưởng rất lớn đối với văn hoá Trung Quốc; một thời gian ông từng bị phê phán, phủ định, nhưng về sau được đánh giá cao. Ông là người đầu tiên đề xuất dùng văn Bạch thoại, lật đổ hình thức văn Văn ngôn từng thống trị nước này hơn 2000 năm. Ông cũng có những ý kiến cực đoan như chủ trương Trung Quốc nên phương Tây hoá toàn bộ, bỏ chữ Hán, dùng ký hiệu phiên âm La tinh...
                                                           Tiền Học Sâm
Về KHKT có Tiền Học Sâm (1911-2009, tên La tinh là Qian Xue-sen hoặc H.S.Tsien), người được gọi là Cha đẻ tên lửa và du hành vũ trụ Trung Quốc. Năm 1934 tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải, thi đỗ vào lớp học sinh du học Mỹ của Đại học Thanh Hoa.
Năm 1935 sang Mỹ học tại Học viện Công nghệ Massachusetts, lấy bằng thạc sĩ, năm 1936 đến Học viện Công nghệ bang California (Caltech) làm nghiên cứu sinh ngành cơ khí hàng không dưới sự hướng dẫn của chuyên gia cơ học nổi tiếng Von Karman.
Năm 1939 nhận bằng tiến sĩ, ở lại trường giảng dạy và tham gia nhóm nghiên cứu thiết kế tên lửa. Cuối 1942 được Karman đề cử làm công tác nghiên cứu khoa học cho quân đội Mỹ. Từng tham gia Dự án Manhattan (làm bom nguyên tử) và chương trình chế tạo tên lửa, được phong hàm Đại tá. Là người nước ngoài duy nhất được Karman đề cử vào Nhóm Cố vấn khoa học cho Không quân Mỹ (Karman làm Trưởng nhóm).
Năm 1947 được Caltech đặc cách phong hàm Giáo sư suốt đời, được cử làm Giám đốc Phòng Thí nghiệm Phản lực của Caltech và trở thành chuyên gia kỹ thuật tên lửa nổi tiếng. Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập, Tiền Học Sâm xin về nước nhưng bị chính quyền Mỹ từ chối vì sợ tiết lộ bí mật quân sự.
Chính phủ Trung Quốc qua thương lượng với Mỹ, đã xin được Tiền Học Sâm về nước bằng cách trao trả cho Mỹ một số phi công Mỹ bị Trung Quốc bắt giữ. Sau 5 năm bị giam lỏng, năm 1955 Tiền Học Sâm được trở về Trung Quốc. Ông đề xuất nhiều ý kiến xây dựng ngành tên lửa-hàng không và thám hiểm vũ trụ. Từ 1958 trở đi lãnh đạo công tác nghiên cứu chế tạo tên lửa và tàu vũ trụ.
Ông còn được cử làm Phó Chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc, Chủ tịch Hội Phổ biến KHKT toàn quốc. Do có cống hiến kiệt xuất trong lãnh đạo nghiên cứu thiết kế chế tạo tên lửa và vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ, ông được Chính phủ tặng nhiều vinh dự như giải nhất thành tựu khoa học tự nhiên (1957), giải đặc biệt tiến bộ KHKT Nhà nước (1985), danh hiệu Nhà khoa học có cống hiến kiệt xuất cấp Nhà nước và huy chương Anh hùng lao động hạng nhất (1991), huy chương Công huân “Lưỡng đạn nhất tinh” (bom nguyên tử, tên lửa và vệ tinh) (1999), giải thưởng danh dự cao nhất 50 năm sự nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (2006), cùng nhiều vinh dự khác.
(Theo Báo Tia Sáng)

Tâm sự và giải đáp thắc mắc

GS. Ngô Bảo Châu


Từ khi được thông báo về giải thưởng Fields, tức là cách đây vài tháng cho đến ngày hôm qua, là một khoảng thời gian đây lo âu đối với tôi. Lo lắng lớn về cái trách nhiệm hiển nhiên của người nhận giải đối với đất nước. Lo lắng nhỏ về cái không gian riêng tư của mình sẽ bị người khác xâm phạm.
Từ ngày hôm qua, tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng. Những lời chúc mừng chân thành của bạn quen và bạn không quen đã làm tan đi cái nỗi lo lớn. Xin nói lời cảm ơn chung bây giờ trước khi viết thư cảm ơn riêng đến từng người.
Từ ngày hôm qua, nỗi lo lớn đã trở thành niềm vui lớn. Nó là sự tự hào đã được nhân lên trong trái tim của triệu con người. Tôi chỉ mong ước một cách chân thành là nó sẽ ở lại trong trái tim bạn như một niềm tin nho nhỏ, được giữ gìn cẩn thận. Không phải ai cũng có khả năng để đạt giải Nobel hay Fields, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa.
Tôi cũng muốn tin rằng giải thưởng Fields sẽ đánh dấu một bước ngoặt, sẽ đem đến một luồng gió mới cho khoa học và giáo dục đại học ở nước ta. Cá nhân tôi quá bé nhỏ so với một dự kiến lớn như vậy. Nhưng bên cạnh bao nhiêu yếu kém, trì trệ, bảo thủ, tôi còn thấy những người lớn tận tụy vì khoa học, những bạn trẻ tràn trể niềm say mê khoa học. Hy vọng chúng ta sẽ đi cùng một con đường.
Trong những chuyện buồn nho nhỏ thì chuyện buồn to nhất liên quan đến hai ông bạn thân (Hiệp và Hoàng Anh). Có bao kỷ niệm riêng thì các bạn đã phơi lên báo nên chúng khô mất hết cả rồi. Đừng vì một niềm vui bột phát mà làm mất đi những gì quí nhất.

Chuyển sang mục giải thích thắc mắc :
1. Tôi xin cảm ơn rất nhiều người đã cho tôi lời khuyên về chuyện ở hay về. Rất tiếc rằng các lời khuyên này không cần thiết vì đây là sự hiểu lẩm xuất phát từ sự sơ suất của một số nhà báo. PTT Nguyễn Thiện Nhân chưa bao giờ đặt vấn đề mời tôi về trong nước làm việc hẳn.
2. Ông Đào Hồng Tuyển có nhã ý tặng tôi một biệt thự ở Tuần Châu. Tôi đã gọi điện cảm ơn ông và cho ông Tuyển biết là tôi không có ý định nhận quà từ các cá nhân. Quỹ khuyến học NBC, sẽ ra đời trong tương lai, có thể tiếp nhận mọi thiện nguyện từ các cá nhân và được dùng trọn vẹn cho việc khuyến học.
3. Tôi có thêm quốc tịch Pháp từ đầu năm 2010, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Quốc tịch Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Mặt khác, tôi có nghĩ trong trường hợp có cái huy chương, bên cạnh toán học VN, toán học Pháp sẽ vì thế mà được vinh danh một cách xứng đáng.
4. Có một vài bác quen biết, bình thường thì rất hiểu biết, lần này cứ thắc mắc mãi về chuyện cái bút cũ hay cái bút mới. Xin thưa với các bác, cá nhân tôi quí cái bút cũ hơn cái bút mới.
5. Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết, lần này cứ thắc mắc về chuyện NBC là lề trái hay lề phải. Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Đây là toàn văn bài phát biểu ở Mỹ Đình

 GS.Ngô Bảo Châu


Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Kính thưa Chủ tịch Hội đồng học hàm Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
Kinh thưa các vị khách quốc tế,
Kính thưa các thầy các cô giáo,
Kính thưa các quí vị, các đồng nghiệp,
Các bạn sinh viên, học sinh thân mến,

Trước hết tôi xin bầy tỏ tấm lòng cảm kích của tôi với nhà nước và chính phủ đã tổ chức buổi lễ mừng công hôm nay với một tấm lòng trân trọng và chân thành. Tôi cũng thực sự cảm động khi nhận thấy niêm vui, niềm tự hào của giải thưởng Fields đã được chia sẻ với đông bào khắp nơi trên cả nước. Bắt gặp sự hân hoan, niềm tự hào trong mắt các bạn học sinh, sinh viên có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay, làm sự hân hoan, niềm tự hào của cá nhân tôi được nhân lên nhiều lần.
Lần đầu tiên, giải thưởng Fields, giải thưởng quan trọng nhất của toán học được trao cho một nhà toán học xuất thân và có quốc tịch của một nước đang phát triển. Sự kiện này có thể sẽ tạo tiền đề cho một sự thay đổi lớn, về chất, cho toán học Việt Nam nói riêng, công tác nghiên cứu khoa học nói chung. Ít nhất đây là cái mà cá nhân tôi, và rất nhiều nhà khoa học và nhà quản lý khoa học có tâm huyết, rất hy vọng. Nhưng trước khi nói về tương lai, tôi nghĩ chúng ta nên điểm lại quá khứ, để tìm hiểu xem cái gì là nguyên nhân, những nhân tố tích cực nào đã đưa đến thành công ngày hôm nay.
Tôi sinh ra trong chiến tranh chống Mỹ và lớn lên trong hoàn cành kinh tế khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Tuy không ai thích thú chuyện ôn nghèo kể khổ, ta vẫn không thể không nhớ lại những yếu tố lập thành con người ta, cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngay khi còn bé, tôi đã hiểu rằng bố mẹ phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi tôi khôn lớn. Gần hai mươi năm trở lại đây, tôi sinh sống ở nước ngoài, rất lâu ở Pháp, gần đây ở Mỹ. Tiếp xúc nhiều với cuộc sống ở nước ngoài, tôi có hiểu ra một điều rằng, tuổi thơ của tôi và các bạn cùng lứa tuổi, có thể thiệt thòi hơn về chuyện ăn, chuyện chơi, nhưng về chuyện học tập thì hoàn toàn không, thậm chí theo một nghĩa nào đó, tôi còn có nhiều điều kiện thuận lợi đặc biệt. Sinh ra trong một gia đình trí thức truyền thống, việc học hành của tôi luôn là ưu tiên số một của bố mẹ. Có lẽ vì bố mẹ đều là những nhà khoa học, niềm ham mê khoa học, giá trị tuyệt đối của tri thức đã ngấm vào máu tôi từ lúc nào mà không biết. Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành rất được coi trọng, nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học, thì theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là chuyện hiếm.
Điều kiện thuận lợi đặc biệt nữa cần kể đến là tuổi học trò của tôi đã được cộng đồng toán học Việt Nam nuôi dưỡng. Tôi hiểu cộng đồng toán học theo nghĩa rộng, từ thầy Tôn Thân giáo viên chuyên toán trường Trưng Vương, đến thầy cô khối chuyên toán A0 trường Đại học tổng hợp, cho đến nhiều nhà toán học trẻ vào thời đó đã dạy tôi với tất cả sự tâm huyết của mình, hoàn toàn vô tư trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn của lúc ấy. Tôi không thể kể hết tên các anh, các thầy nhưng xin lấy ví dụ thầy Phạm Hùng khối chuyên toán. Tôi đến học thầy trong căn buồng 8 mét vuông, lúc nào cũng nghi ngút mùi thuốc bắc vì thầy hay đau ốm. Nhưng thù lao duy nhất thầy Hùng nhận từ bố mẹ tôi đôi khi là cân đường, đôi khi là vỉ thuốc bổ. Trong cộng đồng toán học Việt Nam, việc người đi trước nắm tay người đi sau là một chuyện tự nhiên . Gần đây, do có cọ sát với một số ngành khoa học khác, tôi mới sực hiểu ra rằng, tinh thần thương yêu, đoàn kết của cộng đồng toán học Việt Nam là một cái gì rất hiếm hoi, đáng quí. Khoa học của nước ta nói chung, và toán học nói riêng, chưa có một vị trí xuất sắc trên thế giới, nhưng nếu không có tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau, cùng với tinh thần nghiêm khắc, không bao che cho những yếu kém về học thuật, thì toán học Việt Nam cũng như các ngành khoa học khác, sẽ không có bất kỳ một cơ hội nào để tiến bộ.
Cái may mắn đặc biệt tiếp theo là việc được chính phủ Pháp cấp học bổng để sang Pháp học đại học. Là một sinh viên nước ngoài, nhưng trong suốt quá trình học tập ở Pháp, chưa lần nào tôi cảm thấy được kém ưu tiên hơn so với sinh viên Pháp. Ngược lại, chính ông trưởng khoa toán trường Sư phạm Paris nơi tôi học, đã khuyên tôi đi làm luận án tiến sĩ với GS Laumon, một trong những nhà toán học Pháp xuất sắc nhất, và thuyết phục ông Laumon nhận tôi làm học trò. Ông Laumon là người đã giúp tôi từ một cậu sinh viên thích học toán trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp. Ông là một người thầy tuyệt vời, trong số 6, 7 người học trò của ông, tính đến nay đã có hai giải thưởng Fields và gần đây nhất, cô học trò trẻ nhất của ông đã được phong làm giáo sư đại học Harvard khi cô chưa đầy 30 tuổi. Trưởng thành trong nhóm khoa học do ông Laumon và một vài đồng nghiệp của ông lãnh đạo, không chỉ có tôi và anh Lafforgue, người được giải thưởng Fields vào năm 2002, còn có rất nhiều nhà toán học trẻ xuất săc khác. Ôn lại thời gian này, tôi hiểu được sự quan trọng và sức mạnh của những nhóm nghiên cứu khoa học, kết hợp những nhà khoa học có tên tuổi, có kinh nghiệm, có hiểu biết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với những sinh viên nghiên cứu sinh tràn trể hăng say khoa học. Tôi thực sự hạnh phúc khi giải thưởng Fields tuy trao cho cá nhân tôi, nhưng cũng đem lại một sự vinh dự xứng đáng cho cộng đồng toán học Pháp.
Từ hơn ba năm nay, tôi có cái may mắn hiếm có được làm việc ở Viện nghiên cứu cao cấp ở Princeton. Viên được thành lập từ những năm 30 và là nơi Albert Einstein làm việc hơn 40 năm. Ngoài một số nhỏ những giáo sư cơ hữu của viện, hầu hết là những nhà toán học, vật lý hàng đầu của thế giới, viên thường xuyên có rất nhiều những nhà khoa học trẻ đến làm việc trong thời gian từ một đến hai năm, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Ngoài nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn từ chính phủ Mỹ cũng như từ các tổ chức tư nhân và các cá nhân, cách tổ chức công việc hiệu quả của Viện là cái rất đáng để học tập. Sau 50 năm, tức là một khoảng thời gian không lớn so với lịch sử khoa học, Viện đã trở thành lá cờ đầu của toán học và vật lý lý thuyết và đã đóng một vai trò rất lớn cho sự hình thành của trường phái toán học Mỹ mà vào thời điểm hiện tại, vẫn đóng vai trò số một không thể bàn cãi. Nếu không có thời gian làm việc ở Princeton, rất có thể công trình Bổ đề cơ bản sẽ chưa hoàn thành vào thời điểm này. Ngoài ra, nhờ vào sự tiếp xúc với những nhà toán học thiên tài như Langlands, tôi đã xác định được rõ ràng chương trình nghiên cứu tiếp theo của mình sau khi Bổ đề cơ bản đã hoàn thành.
Từ trải nghiệm ở Pháp cũng như ở Mỹ, tôi hiểu ra rằng môi trường học thuật lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật được luôn được xếp ở vị trí đầu tiên, cùng với sự bình đẳng giữa các nhà khoa học, không phân biệt già trẻ, cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học.
Cuối cùng, tôi xin nhắc đến một con người, một nhà khoa học, và một người bạn lớn của Việt Nam. Khi còn là sinh viên Henri Van Regemorter đã tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Pháp phản đối chính sách thực dân ở Đông dương. Sau này, ông đa qua Việt Nam nhiều lần và trở thành một người bạn thân thiết của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người sáng lập ra Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật Pháp Việt. Tôi có cái may mắn được sống trong ngôi nhà của ông nhiều năm và học được rất nhiều từ con người của ông. Ông không bao giờ nói dài như tôi đang làm, nhưng qua việc làm của ông, tôi hiểu rằng, nhiệm cụ của nhà khoa học không chỉ đơn thuần là làm chuyên môn, mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi, không kể đến nguồn gốc xuất sứ, không nhất thiết là người thân, cái cơ hội để tiềm năng của họ được phát triển, trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đấy là điều tôi muốn nói với những nhà khoa học Việt nam, những nhà quản lý, và với tất cả những người làm cha, làm mẹ.
Hiện trạng khoa học và giáo dục của chúng ta chưa được như chúng ta mong đợi, nhưng ý thức của mỗi người và sự cố gắng của nhà nước, của chính phủ qua những quyết sách đúng đắn và dũng cảm, chính là tiền đề cho một sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Cuối cùng, xin chúc các bạn trẻ đang lắng nghe tôi có đủ niềm tin và sự say mê để đi hết con đường mà mình đã chọn.
Xin cảm ơn sự chú ý của quí vị.

“Người nhập cư cũng có nhiều đóng góp quan trọng tại Đức”

Tường Nguyễn

Việc một người Việt Nam nhập cư trở thành Bộ trưởng Y tế Đức là một sự kiện được dư luận chú ý trong nhiều ngày qua.
Nhật báo Bild (Đức) ngày 1-11 đã có bài phỏng vấn ông Philipp Rôsler.


Chỉ chỉ sách, không thay đổi được tình hình

* Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, ông đã trở thành Bộ trưởng Y tế liên bang. Ông có thể cho biết ông đã tiêm phòng cúm A/H1N1 chưa?
Ông Philipp Rosler: Trước hết, tôi tiêm phòng bệnh cúm thông thường, vì thời điểm này vẫn khá nguy hiểm. Và sau đó là cúm A/H1N1.
* Và ông sẽ khuyến cáo tất cả công dân đi tiêm phòng cúm A/H1N1?
- Tất cả mọi người đều cần đến trao đổi với bác sĩ. Nhưng quý vị đừng quên rằng cúm thông thường vẫn còn đó và sẽ rất nguy hiểm đối với những người đang mắc các bệnh mạn tính.
* Người tiền nhiệm của ông là bà Ulla Schmidt bị phê phán như một trong những chính trị gia không hợp lòng dân nhất. Điều này có khiến ông lo lắng?
- Không có một chính sách nào gây ra nhiều kịch tính như các chính sách về chăm sóc sức khoẻ, bởi đụng chạm đến tất cả mọi người. Tôi có một chính sách y tế mới, hy vọng sẽ vận hành tốt và mang lại lợi ích cho 80 triệu người dân Đức.
* Trong vòng 10 năm gần đây, nhiều người dân, nhất là bệnh nhân thuộc lĩnh vực tư nhân, cho rằng nước Đức đang có hai “loại” thuốc ở thứ bậc khác nhau. Ông sẽ làm gì?
- Trong một đất nước mà tình hình ngày càng khó khăn hơn về chăm sóc y tế, và thời gian chờ đợi để được khám ngày càng lâu hơn, chỉ có chính sách không thôi thì không thể làm thay đổi tình hình được, mà phải thực hiện nhiều cải cách, để sau đó người dân sẽ cảm thấy mức cung về y tế được cải thiện hơn nhiều.
* Chính xác là chúng ta sẽ thay đổi những gì, để người dân khi trả tiền nhiều hơn sẽ không cảm thấy mình vẫn là “bệnh nhân hạng hai”?
- Vấn đề này là quan trọng. Chúng ta cần có sự cạnh tranh nhiều hơn nữa trong ngành. Bảo hiểm y tế phải thể hiện sức cạnh tranh và kêu gọi đóng góp từ nhiểu nguồn khác nhau để có thể cung cấp những dịch vụ tối ưu khác nhau. Hiện nay, chúng ta vẫn đang có những dịch vụ ngang giá và người dân sẽ không biết làm gì khi muốn bỏ ra một số tiền nhiều hơn và không biết gõ cửa nơi đâu.
* Các bác sĩ nói họ cần có nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân của mình và họ phải được trả tiền cho khoảng thời gian đó. Ông bình luận thế nào về điều này?
- Tôi đã học ngành y vì tôi muốn làm việc với đối tượng con người. Khi tôi học xong, tôi đã làm việc với ít nhiều mức độ chất lượng khác nhau. Tôi đã có lần tự nhủ: bây giờ anh có thể đi vào con đường chính trị và có thể xóa được những thông lệ bất hợp lý kia. Nếu như chúng ta có mối quan hệ và lòng tin tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân, nếu các bác sĩ và y tá có đủ thời gian để thực hiện được đạo đức nghề nghiệp của mình, thì bạn sẽ không còn cần đến những “quanh co” về chất lượng.
* Ông sẽ làm gì để đạt được điều đó?
- Chúng ta cần có tự do hơn nữa; tự do trong việc chọn lựa phương pháp điều trị, trong việc chọn bác sĩ và trong việc chọn bảo hiểm y tế.
Tôi sẽ bỏ chính trị để chọn gia đình
* Ông được đề bạt đúng vào ngày thôi nôi của hai con gái song sinh của ông. Đó là ngày đẹp nhất của cuộc đời ông?
- Ngày đẹp nhất là ngày chúng tôi cưới nhau và ngày các con ra đời. Và hẳn nhiên ngày mà quý vị vừa đề cập là một sự kiện quan trọng để tôi có thể giữ lời hứa với tư cách là bộ trưởng, khi ngồi làm việc tại văn phòng nội các. Ngày thôi nôi của hai con tôi cũng quan trọng không kém.
* Chính trị đôi khi phá hỏng hôn nhân và gia đình. Vậy ông có sẵn sàng đánh đổi?
- Nếu một ngày, tôi bỗng có cảm giác là làm chính trị thì sẽ “nguy hiểm” cho gia đình thì tôi sẽ từ bỏ ngay lập tức. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều chính trị gia không thành công mà gia đình cũng tan vỡ. Nhưng mỗi một sự nghiệp đều có một điểm kết thúc nào đó khác nhau. Hiện nay thì tôi vẫn quan tâm chăm sóc gia đình nhỏ của mình.
* Diễn viên Jochen Busse mới đây có nói về ông như một “người Fiji” trong nội các. Ông có cảm thấy khó chịu?
- Nếu như tôi không là một chính trị gia thì chắc tôi cũng sẽ ở vào vị trí của ông ấy. Mỗi người phải quyết định cuộc đời mình, cũng như diễn viên Busse vậy. Nhưng, quần đảo Fiji nằm khá xa Việt Nam.
* Ông sinh ra tại Việt Nam, được nhận làm con nuôi lúc 9 tháng tuổi và lớn lên ở Đức. Vậy một Philipp Rösler châu Á ở điểm nào?
- Mắt nhỏ, mũi tẹt, tóc đen.
* Còn bên trong?
- Tôi thích ăn các món châu Á, và nhiều món khác nữa.
* Những gì là “nét đặc trưng Đức” ở ông?
- Tôi nói tiếng Đức. Đối với tôi, Đức là một nước lớn và tôi là thành viên của chính phủ liên bang. Có nhiều nét đặc trưng Đức nữa mà bạn không thể có.
* Ông không biết tên khai sinh của mình, vì nó không có trong hồ sơ xin con nuôi. Vậy ông có chắc chắn về ngày sinh của mình?
- Tôi đến bang Hạ Saxon vào tháng 11-1973, lúc đó tôi mới 9 tháng tuổi. Vậy, tất nhiên là tôi sinh vào cùng năm đó. Nhưng tôi không biết rõ ngày, có thể là ngày 25 hay 27-2. Chính thức trong hồ sơ hiện nay là ngày 24.
* Ông là một người mồ côi?
- Ông có thể gọi tôi là một đứa trẻ được tìm thấy. Hẳn nhiên, cha mẹ tôi sống trong thời kỳ chiến tranh, sau đó đã chết, và người ta đã gửi tôi vào một trại mồ côi.
* Ông đã được một gia đình người Đức nhận làm con nuôi, rồi sau đó 4 năm, vợ chồng đó ly dị, cuộc sống của ông lúc đó khó khăn ra sao?
- Nhiều người nói là lúc đó tôi phải chịu đựng đau khổ, nhưng tôi tin là trước đó tôi đã gặp một dịp may. Có điều khác với nhiều đứa trẻ là tôi đã sống với cha chứ không phải mẹ.
* Ông vẫn còn liên lạc với mẹ nuôi chứ?
- Bà đang sống ở Chile với một chị gái của tôi. Tôi hy vọng gặp lại bà vào năm sau khi bà sang Đức.
* Ông sống với cha nuôi sau khi cha mẹ ông ly dị. Ông ấy sống rất kỷ luật. Vậy còn ông?
- Cha tôi là một quân nhân chuyên nghiệp. Lúc đó, tôi sống với cha tôi như những người lính đúng nghĩa, tự giặt giũ quần áo. Cha tôi rất tình cảm, nhưng luôn nghiêm khắc và dạy tôi về trách nhiệm cá nhân và tính tự lập.
* Một người Việt Nam mồ côi là Bộ trưởng tại Đức lúc 36 tuổi. Điều này có ý nghĩa gì?
- Điều đó cho thấy rằng Đức là một quốc gia có nhiều người từ nhiều nơi khác đến sinh sống, và tỏ ra rộng lượng hơn là nhiều người nghĩ. Và những người nhập cư cũng có nhiều đóng góp quan trọng tại Đức hơn là tôi nghĩ trước đây.
______

* Lược dịch theo trang web chính thức của Bộ Y tế Liên bang Đức

Bức thư của một bác sĩ về hưu

Nguyễn Quý Ninh
email: ninhien@yahoo. com. vn

Kính thưa Các bạn bè thân thương, các đồng nghiệp.
Hôm nay, ngày 1/9/2010 là ngày đầu tiên tôi rời bỏ cuộc sống của một công chức NN nói chung, của một cán bộ Ngành y tế của NN nói riêng, chính thức nhận sổ hưu về sinh hoạt với gia đình và địa phương.
Trước hết, xin cho tôi được bày tỏ lòng cảm kích và biết ơn với BGĐ BV TX, với tập thể CBCC BV TX đã bỏ nhiều công sức và tốn hao nhiều vật chất để tổ chức buổi gặp mặt thân tình này vì tôi. Xin cám ơn quý vị đại biểu, các bạn bè thân thương, các đồng nghiệp đã bỏ chút thời gian về đây cùng với tôi chia sẻ niềm vui nỗi buồn sau gần 34 năm công tác trong nghành y tế NN của địa phương và 42 năm ngày tôi bước chân vào Trường Y, rồi từ đó nghề Y đã gắn kết với thân phận suốt cuộc đời tôi.
Tôi thi vào trường Y để tự khẳng định mình, thời bấy giờ BS và trước đó SVYK là thành phần ưu tú, là danh giá nhất của đất nước và xã hội. Trường Y là "trung tâm tàn phá nhan sắc" vì đòi hỏi phải học rất căng suốt 7 năm dài. Các thầy của trường Y rất nghiêm khắc và công minh, họ không bao giờ dung thứ cho một bác sĩ tương lai được quyền dốt và sai sót về chuyên môn và càng không được quyền thiếu sót về nhân cách, về đạo làm người. Bởi vì cứu người hay được quyền giết người của BS chỉ cách nhau một gang tấc mà thôi. Trường Y có một truyền thống lâu đời về trọng Lễ, về tôn sư trọng đạo, ngoài việc phải biết ơn và tôn trọngcác vị Thầy, SV hay BS chỉ sau các khóa trên một lớp đều phải tuyệt đối học hỏi và tôn trọng đàn anh.
Tôi về công tác tại Huyện KrongBuk - Daklak vào tháng 3 năm 1977, hồi đó Buôn Hồ gồm 6 huyện: Buôn Hồ - KrongBuk – Easup, Eahleo –– CuMgar, ngoài ra còn có một vùng dân kinh tế mới rộng lớn của Thừa Thiên – Huế vào thành lập ở Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang bây giờ thuộc Huyện Krongnang, diện tích rộng hơn tỉnh Kontum bây giờ, là rừng núi hoang sơ, còn nhiều thú dữ hoang dã, dân chỉ thuần nông nghèo và dân trí còn rất thấp, lạc hậu. Nói là bệnh viện nhưng thật ra chỉ là 1 cái bệnh xá quân dân y nhỏ thời chế độ cũ để lại, thiếu thốn trăm bề về cơ sở, vật tư, trang thiết bị kể cả con người phục vụ rất hạn chế về trình độ chuyên môn. Vừa qua khỏi tuổi 26, Tôi đã đem hết bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, các kiến thức chuyên môn trong 8 năm học tập ở nhà trường để phục vụ người bệnh vì chỉ có tôi là BS tốt nghiệp chính quy đầu tiên về công tác tại địa phương. Mô hình bệnh tật thời đó rất phức tạp, đa phần là những bệnh dịch nguy hiểm và rất dễ gây chết người hàng loạt như sốt rét, dịch hạch, uốn ván, bạch hầu, dịch tả, tiêu chảy cấp… và các loại ngộ độc nhất là ngộ độc thuốc rầy P – HC, rồi các bệnh lý cấp cứu ngoại sản khoa mà không thể dễ dàng chuyển tuyến trên vì rất thiếu thốn khó khăn điều kiện và phương tiện vận chuyển.
Tôi đã cùng với một số anh em tổ chức, thành lập lại các khoa phòng với lề lối làm việc gần như các BV chính quy, cùng với trường THYT tỉnh tổ chức đào tạo các lớp y tá, nữ hộ sinh 3 tháng – 6 tháng đến một năm, gởi các CBNV tương đối có tâm huyết trình độ đi tập huấn tại BV Tỉnh và đề xuất với lãnh đạo các cấp mua sắm thêm các vật tư –TTB cần thiết. Với các nổ lực không mệt mỏi đó, tôi đã làm sống lại một đội ngũ CBNVYT đầy nhiệt tâm nhiệt tình và tương đối thông thạo trong việc cứu chữa có hiệu quả và cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo kể cả nội – ngoại khoa mà trước đây phải chấp nhận tử vong hoặc phải chuyển tuyến trên. về ngoại khoa, tôi đã cùng với anh em giải quyết tốt tất cả những ca tiểu phẫu thông thường như cầm máu, cắt lọc, vá các rách phần mềm lớn, cắt các đốt ngón bàn, bất động các xương gãy và trật khớp đơn giản, cắt phimosis, các u hiền ngoại biên …mà trước đây hoàn toàn không ai làm. Về các thủ thuật thăm dò, tôi tập cho anh em thực hiện các ca chọc dò tủy sống, ổ bụng, túi cùng Douglas, màng phổi, khối u, bộc lộ TM cấp cứu … Thành lập phòng mổ đã phẫu thuật và giải quyết cứu sống những ca trung phẫu cấp cứu như ruột thừa viêm, thoát vị bẹn nghẹt, rách túi cùng Douglas, GEU, trục lấy nhãn cầu bị tổn thương nặng, mổ lấy thai kể cả trường hợp buộc phải cắt tử cung cấp cứu tại chổ do bị vỡ mà không thể chuyển đi kịp … Về nội khoa, đã nỗ lực và kiên trì cứu sống nhiều ca nặng như shock nhiễm trùng huyết, sốt rét ác tính, dịch hạch thể phổi và nhiễm trùng huyết, viêm màng não, ngộ độc P-HC thể nặng, các shock do giảm thể tích, hạ đường huyết.... Thời đó đâu có máy thở, có monitoring như bây giờ, anh em phải ngồi lấy mạch, đo HA, nhịp thở và bóp bóng liên tục ở những ca hôn mê suy hô hấp, ngưng thở, trụy tim mạch. Phác đồ thống nhất điều trị những ca bệnh nặng thường gặp của cả nước chưa có và nếu có thì rất sơ sài chung chung và không hiệu quả. Tôi phải ngồi nghiền ngẫm suốt đêm ngày, đối chiếu lý thuyết, sách vở, các kiến thức cập nhật với thực tế lâm sàng của địa phương để soạn thảo các phác đồ chẩn đoán và điều trị riêng, thực tế hơn, hiệu quả hơn cho các ca bệnh hay gặp từ nhẹ đến nặng như SR, SRAT, Dịch hạch thường, thể NT huyết và thể phổi, ngộ độc thuốc rầy ( P-HC)… Tập cho anh em phân tích để hỗ trợ lâm sàng chính xác hơn các kq XN máu, dịch não tủy, nước tiểu, phim XQ... Những năm sau đó, Bv KBuk luôn được Sở y tế xếp loại là lá cờ đầu xuất sắc của Tỉnh và được nhiều đơn vị bạn trong và ngoài Tỉnh tham quan học tập.
Thưa quý vị và các bạn, tôi xuất thân là một trí thức ăn ở học hành đào tạo ở các thành phố lớn. Tôi bỏ phố về rừng, làm việc rồi lập gia đình trong những điều kiện hết sức khó khăn không những về đời sống vật chất mà còn về tinh thần: nhà ở không có, vợ chồng tôi phải đi ở nhờ nhiều nơi nay đây mai đó, cuối cùng năm 1978 cố gắng lắm cũng mua được một túp liều tranh thì bị cháy tan tành khi con trai tôi mới tròn 1 tháng tuổi! Chỉ cứu được một ít sách vở, lại đi ở nhờ, cuộc sống BS cơ cực, tôi phải đi làm nông, trồng lúa bắp, trồng mía, cà phê, nuôi heo, nuôi gà, phải đi vác củi, vác chuối từ các nơi xa về, vợ tôi phải cắn răng ra chợ năn nỉ người ta mua giùm cho mấy cái áo dài hồi còn nữ sinh để mua cho tôi ít lạng thịt heo bồi dưỡng! Mẹ từ Huế vào thăm tôi, thấy mấy cuốn sách cháy xém vì cháy nhà, thấy nhà tôi ăn bắp, khoai độn cơm, mẹ khóc mà than: “Mẹ gắng nuôi con ăn học bao nhiêu năm gian khổ để thành BS, mẹ không ngờ…”. Bạn bè cùng lứa với tôi ví tôi như BS Zhivago trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Boris Pasternak
Chính quyền hồi đó ít quan tâm, thiếu tôn trọng thành phần trí thức, không có việc chiêu hiền đãi sĩ lại còn kỳ thị, có vị còn cho rằng tôi được đào tạo trong chế độ cũ và lấy cớ về một số sinh hoạt đời thường hơi khác để rao giảng, châm biếm! Bạn bè cùng khóa với tôi lên Đaklak công tác đầu tiên 10 BS, có thể cùng cảnh ngộ như tôi, phần đông họ đã bỏ việc về TP hoặc ra nước ngoài hành nghề : chỉ còn vợ chồng BS Trần Hữu Phước, nay Phước không còn nữa chỉ còn Cần, BS Lê Khắc Thảo hiệu phó THYT thì nay tai biến bại liệt, BS Nguyễn văn Sê công tác ở Viện VSDTTN cũng về ĐN Tai biến bại liệt, BS Nguyễn Trĩ về tận Đaklâp Đaknông nay gần như chuyển thành nông dân thực thụ.
1979, quá gian khổ và quá thiếu điều kiện hành nghề và học tập, tôi định bỏ đơn vị về Saigon, đã liên hệ được một Bv lớn nhận tôi về. Chiều hôm đó, trên một chuyến xe khách rệu rã khởi hành từ Buôn Hồ đi BMT, định bụng sẽ từ BMT về SG và đi không trở lại. Khi xe qua xã Thống Nhất, nhìn lên bầu trời chiều thấy những đám mây bàng bạc trôi rõ nét hình một bà mẹ ngồi tóc buông dài rũ rượi âu sầu ôm con, có vẻ như con mẹ đang bệnh nặng! Trên QL14, những nông dân buồn bã trên những chiếc xe bò kẽo kẹt chậm rãi về nhà! Tôi chạnh lòng tự hỏi : Rồi đây, khi tôi xa nơi này, khi những con người này bị bệnh ai sẽ chăm lo đúng bệnh, đúng thuốc? Trên đường về SG tôi mãi day dứt, vài ngày sau tôi đành trả QĐ, về lại Buôn Hồ.
Ngày ấy và bây giờ đã khác xa, quê hương thứ 2 của tôi, Buôn Hồ, đã trổi dậy, đã phát triển, người dân đã cơm no áo ấm. BV Buôn Hồ bây giờ đã khang trang tươi tắn hoành tráng, vật tư TTBYT đã khá đầy đủ hiện đại, và đội ngũ CBYT hùng mạnh nhất nhì trong toàn Tỉnh, khá đủ trình độ, năng lực, phẩm chất để chăm sóc điều trị Bn hiệu quả. Tôi rất hài lòng và tự hào về đội ngũ y tế kế thừa, họ sẽ đạt đến nhiều đỉnh cao hơn nữa trong sự nghiệp cứu người phục vụ nhân dân trong TX và trong toàn vùng cánh Bắc của Tỉnh. Về các CB quản lý lãnh đạo bệnh viện nói riêng và y tế nói chung, tôi nhắn nhủ là anh em nên thực thi quyền lực của mình trên cơ sở lòng tin yêu và sự đồng thuận của đại đa số tập thể CBCC, không nên sử dụng quyền lực mang tính áp đặt và trong đa số trường hợp nếu ta đặt cái tâm lên hàng đầu thì khó bị mắc sai lầm.
Đối với các thầy thuốc trẻ, tôi xin có lời khuyên: nghề của ta rất dễ làm giàu, nhưng nên đặt lương tâm trách nhiệm lên trên hết, không nên cố làm giàu bằng mọi giá! Nếu ta giỏi, ta tận tụy thì người bệnh sẽ tự tìm đến ta và Trời sẽ không phụ người tài tâm. Nên nhớ rằng y đức tốt không chỉ có nghĩa là lo tận tụy với người bệnh mà còn phải luôn lo tự học tập trau giồi năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Bởi vì ta dốt, ta kém, ta thiếu hiểu biết... ta sẽ vô tình giết người mà chính ta, người bệnh và pháp luật đôi khi không hay biết. Cuối cùng, một lần nữa, tôi xin trân trọng biết ơn và vô cùng cảm tạ Chính quyền các cấp, Sở y tế, các cơ quan chức năng và anh em bạn bè thân thương, đồng bào đồng nghiệp ở BuonHo và khắp nơi đã thương, đã giúp đỡ, đã bảo bọc cưu mang gia đình tôi trong suốt gần 34 năm qua. Rất tiếc là không thể mời hết các vị ấy và xin tha thứ cho tôi nếu quãng thời gian qua tôi phạm nhiều sai sót và có lỗi với quý vị. Xin chúc quý vị và các bạn, các đồng nghiệp cùng gia đình luôn luôn bình an, sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
BS.Nguyễn Quý Ninh

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

La cà trên đất Mỹ - kỳ 1

ANTĐ) - Không ai hỏi thì tôi cũng phải thưa ngay với bạn đọc rằng vì sao một sỹ quan quân đội, đã 75 tuổi như tôi lại có chuyến lang thang suốt hai tháng, hai mươi sáu ngày dọc ngang tới 14/50 bang của nước Mỹ, rồi lân la vào nhà Quốc hội, tò mò đi xem in tiền, cất công đến tận quận Cam và băng qua sa mạc tới thành phố Las Vegas nổi tiếng ăn chơi, cờ bạc... chính là nhờ có mối thâm tình của bè bạn, cháu con người Việt Nam (VN) định cư ở Mỹ.

>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ 2
>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ 3
>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ 4
>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ 5
>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ cuối

 
Ngẫu hứng trên đường phố Washington

Lần đầu đi Mỹ

Người ta nói đi Mỹ khó lắm, phải là người có quốc tịch Mỹ bảo lãnh, người đó phải có nhà cửa, cuộc sống ổn định, có tài khoản tại nhà băng và phải có biên lai nộp đầy đủ các loại thuế cho Nhà nước. Khó khăn, phiền phức quá. May nhờ có người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh mới đi thăm Mỹ về mách: Đi theo đường du lịch thì chẳng cần ai bảo lãnh cả. Mẫu đơn đã có sẵn trên mạng chỉ cần trả lời những câu hỏi trong đó rồi gửi qua mạng hẹn ngày phỏng vấn. Trước khi đi phỏng vấn phải nộp cho Lãnh sự quán Mỹ 131USD tiền lệ phí.
Tôi lo nhất là khâu phỏng vấn nhiều người không qua nổi khâu này. Họ hay hỏi những câu có vẻ vu vơ nhưng nếu trả lời không chính xác, tiền hậu bất nhất là không xong. Họ yêu cầu người đi phỏng vấn phải chứng minh được: Vì sao khi sang Mỹ anh không có ý định ở lại? Anh phải đưa ra những bằng chứng có sức thuyết phục viên chức Lãnh sự quán Mỹ rằng: Đương đơn có các mối ràng buộc gia đình, xã hội, kinh tế và các mối quan hệ khác khiến họ phải rời khỏi Hoa Kỳ khi hết hạn lưu trú. Tôi đã chuẩn bị sẵn hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sổ lương, thẻ bảo hiểm y tế...
Đúng hẹn, tôi đến Lãnh sự quán Mỹ để được phỏng vấn. Khi nghe gọi đến tên mình, cũng hơi hồi hộp. Trước mặt tôi là một tấm kính đạn bắn không thủng. Phỏng vấn tôi là một thanh niên Mỹ trắng trẻo, đẹp trai, nói tiếng Việt khá sõi.
Anh ta hỏi tôi sang Mỹ ở nhà ai, quan hệ với chủ nhà thế nào, người ấy làm gì. Về bản thân tôi, anh ta chỉ hỏi nghỉ hưu từ bao giờ, trước khi nghỉ hưu làm gì. Tôi trả lời ngắn gọn những câu hỏi ấy rồi anh ta đưa cho tôi tờ giấy có màu xanh hẹn 14h hôm sau đến nhận visa.
Tôi thật sự ngỡ ngàng khi mọi chuyện diễn ra giản đơn, nhanh chóng đến thế. Từ lúc nộp đơn đến lúc nhận visa chỉ mất vẻn vẹn 15 ngày và ngày 25-10-2008 tôi lên đường đi Mỹ.
Sau 20 giờ bay vượt quãng đường hơn 20.000km và 3 giờ nghỉ để chuyển máy bay tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, 11h30 (giờ Mỹ) ngày 26-10-2008 tôi tới sân bay quốc tế Washington DC. Vì không biết tiếng Anh, lại không gặp người Việt nào trên chuyến bay để nhờ làm tờ khai nhập cảnh nên khi tôi đẩy vali hành lý qua cửa Hải quan, họ bắt tôi mở vali để kiểm tra từng thứ trong đó.
Kiểm tra tôi là một người Mỹ da đen lực lưỡng, tóc quăn, mắt trắng, da bóng nhẫy. Vali vừa mở thì mấy túi bột sắn bị bục tung ra trắng xóa, anh ta chỉ tay vào gói bột sắn, tôi đoán anh muốn hỏi cái gì, tôi trả lời bằng tiếng Việt “bột sắn” rồi nhúp luôn một cục cho vào miệng khiến anh ta cười, hai hàm răng trắng toát.
Họ lại chỉ vào mấy buộc bánh cốm, tôi lại bóc luôn một cái cắn một miếng ăn ngon lành, khiến anh ta và mấy người Mỹ đứng cạnh cùng cười ồ lên, còn mấy quả cam thì anh ta không hỏi gì mà nhặt vứt luôn vào thùng rác. Có lẽ vì thấy tôi già, tóc bạc, lại có vẻ thật thà nên họ không hỏi gì thêm nữa rồi ra hiệu cho tôi đóng vali lại và cho qua.
Ra đón tôi tại sân bay là anh Nguyễn Trường Thu, chồng chị Nguyễn Kim Hòa mà tôi sẽ có dịp nói với bạn đọc sau. Bầu trời Washington nặng trĩu nước, mưa lâm thâm, nhưng xe cứ vun vút lao nhanh trên đường nhựa phẳng lì, đen nhánh. Hai bên đường là rừng cây đã vào thu đẹp như tranh trông rất lạ mắt bởi sắc màu muôn vẻ của nó, mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy.
Buổi tối, cả gia đình anh chị Thu - Hòa cùng các con, các cháu quây quần, sum họp để mừng đón tôi từ Việt Nam sang, không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc tràn ngập trong bữa ăn đầu tiên của tôi trên đất Mỹ.

Tác giả đứng bên ngoài Tòa Bạch ốc, nơi Tổng thống Mỹ làm việc ở Washington

Một gia đình Việt Nam trên đất Hoa Kỳ

Tôi sang được Mỹ, chính là nhờ có sự bảo trợ, giúp đỡ chí tình của gia đình anh chị Thu - Hòa, từ ăn, ở, đi lại trong một thời gian dài. Anh Thu trước là kỹ sư điện, Phó Giám đốc Sở Điện lực Cần Thơ. Anh sang Mỹ năm 1978, hiện là kỹ sư Sở Xe điện ngầm Washington DC. Chị Hòa, nguyên là giáo viên cấp III môn Anh văn thành phố Hồ Chí Minh, sang Mỹ năm 1990, hiện là viên chức Sở Xã hội quận Fe-fắc, Tiểu bang Virginia. Tôi quen anh chị từ tháng 5-1975 đến nay được gần 34 năm.
Đêm đầu tiên trên đất Mỹ, tôi không ngủ được.
4h30 đã dậy, tắm xong nằm chờ sáng. Không gian thật yên tĩnh. Tôi mở cửa ra sân tập thể dục và đi bộ ngắm cảnh. Mặt trời đã nhô cao sau những tán cây. Con đường nhỏ Paloma nơi tôi ở thật đẹp, đường nhựa đen bóng, hai bên là rừng với đủ sắc màu đỏ, vàng, tím sẫm. Mỗi nhà là một biệt thự cách nhau dăm chục mét, trước nhà có vườn hoa và thảm cỏ xanh mượt.
Lúc đầu tôi cứ tưởng chỉ có vài nhà đẹp thế này, nhưng tôi đi mãi, đi mãi hàng cây số cũng vẫn thấy những biệt thự lấp ló sau những rặng cây như trong chuyện cổ tích, thỉnh thoảng lại gặp những chú sóc nhảy nhót trên cành, có lúc nó nhảy xuống vệ cỏ ven đường để tìm thức ăn. Tôi đưa tay ra, con sóc từ từ bò lại gần, không thấy gì ăn nó lại chạy đi. Chúng rất dạn, không sợ người, vì ở Mỹ bắn chim, bắn thú sẽ bị phạt rất nặng, nên không ai dám ăn đặc sản như Việt Nam.
Sau một giờ đi bộ, tôi quay về đứng ngắm nhìn ngôi nhà tôi sẽ ở những ngày tới. Trông bên ngoài nó không to lớn, đồ sộ như những nhà giàu có mới phất, nhưng nó xinh xắn gọn gàng, xung quanh rộng rãi, thoáng đãng, trong nhà trang thiết bị khá hiện đại để phục vụ cho sinh hoạt gia đình, từ phòng khách, phòng xem tivi, phòng ngủ, nhà vệ sinh đến nhà bếp đều rất sạch sẽ. Bát, đĩa ăn xong đưa vào máy rửa rồi sấy khô, nơi rửa tay, rửa bát, nhà tắm... luôn được lau sạch, không khi nào có nước đọng ẩm ướt.
Ngôi nhà có 5 tầng, 2 tầng ngầm, 3 tầng nổi. Cách đây 10 năm, khi mua ngôi nhà này trị giá 750.000USD, trả góp mỗi tháng 2.000USD, tính ra phải trả trong 30 năm mới hết. ở Mỹ mua nhà, mua ôtô hầu hết đều trả góp, ít người có tiền trả liền một lúc như các đại gia VN!
Nhà 4 người có 4 chiếc ôtô. Ôtô ở Mỹ nhiều như xe máy, xe đạp ở VN. Ra khỏi nhà là lên ôtô, đi làm về ôtô để ngay ngoài sân, ngoài đường, không sợ mất cắp, cái kho đồ đạc của gia đình không có khóa mà chẳng sợ mất gì. Nói như thế không có nghĩa là nước Mỹ không có trộm cướp, nhất là ở những thành phố lớn, đông người như New York, Chicago, Los Angeles, Boston, Detroit... trung bình cứ 3 phút mất 1 chiếc ôtô, tính ra mỗi ngày mất 480 chiếc, mỗi năm mất 175.000 chiếc. Có lẽ Mỹ là nước mất cắp ôtô nhiều nhất thế giới.
Trong nhà chị Hòa tất cả đồ dùng, trang trí nột thất từ tranh ảnh, bàn ghế, giường tủ đều đưa từ VN sang, rất nhiều tượng Phật và các loại bát đĩa, ấm chén, các lọ độc bình to nhỏ... đều là hàng gốm, sứ Bát Tràng. Các bữa ăn trong gia đình đều nấu theo hương vị quê nhà, bữa ăn thường có rau xào hay luộc, cá chiên hay thịt chiên, có canh chua, rau sống, dưa cải, cà muối, dấm, ớt... tưởng như tôi đang sống ở nhà vậy.
Gia đình anh Thu cũng như các gia đình khác ở Mỹ đều phải làm việc cật lực vì cuộc sống. Anh Thu dậy lúc 4h30 và 5h đến công sở. Chị Hòa rời khỏi nhà lúc 6h30. Cháu Ân làm ca đêm, ban ngày đi học. Cháu Bính đi học cả ngày. Gia đình chỉ gặp nhau đông đủ vào bữa ăn tối, ăn xong người nào lại về phòng ấy. Chị Hòa thường làm việc tới khuya mới đi ngủ. ở Mỹ kiếm được đồng tiền đâu có dễ, phải vất vả lao động, phải đổ mồ hôi, có khi cả nước mắt mới có cuộc sống ổn định.
Gia đình anh chị Thu - Hòa tuy hơn 30 năm sống ở Mỹ, đã trở thành công dân Mỹ, nhưng tấm lòng luôn luôn hướng về đất nước, hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cứ vài ba năm lại về thăm VN và lần nào về cũng đều ra thăm Hà Nội. Là người Sài Gòn nhưng anh chị rất yêu mến Hà Nội, nhất là cháu Bính tuy mới ra Hà Nội vài lần nhưng mê Hà Nội lắm. Anh chị có ý định năm 2010 kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ về VN để tham dự ngày lễ trọng đại này.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà

La cà trên đất Mỹ - kỳ 2

(ANTĐ) - Sở Xã hội quận Fairfax, tiểu bang Virginia, nơi chị Hòa làm việc có tổ chức một bộ phận “Tình nguyện viên” (TNV) gồm những người có tâm, có đức, có điều kiện để giúp đỡ những người già yếu, cô đơn hoặc tàn tật không nơi nương tựa, hàng ngày không thể đi chợ và tự nấu ăn được, thì họ sẽ đem cơm đến tận nhà. Đã nhiều lần tôi theo chị Hòa đi đưa cơm cho họ.

Đi đưa cơm

Nhà hàng Hương Bình, trong siêu thị EDEN - một trung tâm buôn bán của người VN tại ngoại vi Washington đã nhận thầu toàn bộ công việc này với Sở Xã hội quận. Hàng ngày, Hương Bình nấu cơm rồi cho từng suất vào hộp xốp để những TNV đến nhận rồi đem đến cho các đối tượng theo danh sách đã đăng ký.
Mỗi suất cơm trị giá 7USD, người nhận cơm chỉ phải trả 1USD, còn 6USD Quỹ xã hội quận tài trợ ngày hai bữa. Tôi đã xem một suất cơm thấy có rau, thịt, đậu rán và cơm đựng trong một cái hộp hai ngăn, còn canh đựng riêng một hộp.
Đội quân TNV này khá đông, mỗi người đi một khu vực. Hàng ngày mỗi TNV đưa cơm cho từ 10 đến 12 người, có khi đến 14, 15 người. Trung bình mỗi lần đưa cơm mất 2 tiếng đồng hồ đi ôtô. Tôi hỏi chị Hòa: Tiền xăng xe ai chịu? Chị Hòa cười: Mình chịu chứ ai! Tôi rất cảm phục những TNV “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Có những TNV rất trẻ, những đôi tình nhân đang ở độ yêu đương cũng tình nguyện làm việc này. Nhiều người khi nhận cơm đã nghẹn ngào nói lời cảm tạ. Chị Hòa hỏi họ: Các bác ăn có được không? Có hợp khẩu vị không? Hầu hết họ đều khen cơm nóng, thức ăn ngon và không cầu mong gì hơn.
Ở Mỹ những người già yếu, cô đơn hoặc tàn tật không nơi nương tựa và những người nghèo thực sự không có nguồn thu nhập gì, mỗi tháng được Chính phủ trợ cấp 650USD, 1 phiếu mua lương thực, thực phẩm trị giá 100USD. Ngoài ra, ai cũng có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Ai không có nhà được Chính phủ cho thuê với giá chỉ 100USD/tháng, trong khi giá bình thường là 1.000USD/tháng.
Khi ốm đau cần đi viện thì gọi xe nhà thương đến đón, nếu đi taxi Nhà nước thanh toán tiền xe, viện phí hết bao nhiêu Nhà nước chịu cả. Cách đây mấy năm mẹ chị Hòa phải vào bệnh viện mổ tim hết hơn 100.000USD nhưng Chính phủ trợ cấp hết, gia đình không phải trả đồng nào.
Ở đây dịch vụ y tế vô cùng tốn kém, nếu không có bảo hiểm thì không thể chịu nổi. Chị nói vui: ở Mỹ, người nghèo và người già là sướng nhất vì không phải lo lắng gì cho cuộc sống cả. Tuy nhiên, nước Mỹ hiện nay vẫn còn tới 37 triệu người nghèo và 45 triệu người không được bảo hiểm y tế.

Chợ trời ở thành phố Fitchburg, Massachusetts, Mỹ

Người khuyết tật ở Mỹ

Theo thống kê cả nước Mỹ có 24 triệu người khuyết tật (NKT). Chính phủ trợ cấp cho mỗi người 800USD/tháng và tạo mọi điều kiện cho họ làm việc để có thêm thu nhập và hòa nhập với cộng đồng. ở Mỹ, NKT khi đi xin việc trong đơn chỉ cần ghi: Họ tên, tuổi, giới tính và khả năng hoàn thành công việc, chứ không cần ghi trình độ văn hóa, dân tộc, giai cấp, màu da hoặc tình trạng sức khỏe của bản thân.
Cơ quan hay công ty khi xét tuyển nếu thấy người đó có đủ năng lực hoàn thành công việc được giao thì tiếp nhận, không phân biệt đối xử. Các công ty thuê NKT làm việc sẽ được Nhà nước giảm tiền thuế nhằm khuyến khích họ sử dụng NKT vào những công việc thích hợp như tiếp thị, quảng cáo, dịch vụ điện thoại, đưa nhận hàng.v.v..
Hôm đến Sở Xã hội quận Farifax tôi thấy không ít người đi xe lăn đến làm việc, thậm chí có người đi ôtô đến làm việc mà lưng thì gù, người bé loắt choắt. Hỏi anh Thu tôi mới biết NKT ở Mỹ còn được phép lái xe ôtô. Các công ty xe hơi sẵn sàng cải tiến các bộ phận trong xe tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NKT khi lái xe vừa đảm bảo an toàn, vừa dễ điều khiển từ tay lái đến tay phanh...
Tôi chợt nhớ vừa qua ở ta bàn chuyện quy định những tiêu chuẩn cho người lái xe trong đó quy định cả chiều cao, trọng lượng, thậm chí quy định cả ngực lép hay phồng mới được lái xe thì thật khôi hài.
Xã hội Mỹ rất quan tâm đến NKT, các công sở, siêu thị, nơi công cộng, ở đâu người ta cũng bố trí cho NKT nơi để xe riêng, gần cửa ra vào nhất, ngay các nhà vệ sinh ở sân bay, ga xe lửa hoặc những nơi công cộng thì NKT cũng có nhà vệ sinh riêng...
Lên xe buýt, xe hỏa hoặc máy bay NKT luôn được quan tâm giúp đỡ. Hôm từ sân bay Washington về Hà Nội, vì sân bay quá lớn, đường đi từ nơi này đến nơi khác trong sân bay rất xa, ở tuổi tôi có quyền đề nghị được hỗ trợ bằng xe đẩy.
Làm thủ tục bay xong họ đem ngay một chiếc xe đẩy đến mời tôi ngồi vào, rồi một người đẩy xe, một người kéo va li hành lý giúp tôi đến tận cửa máy bay và suốt chuyến bay tôi đều được các nhân viên hàng không giúp đỡ tận tình.

Đi chợ

Ở Mỹ, đàn ông đi chợ mua thức ăn là chuyện bình thường, thậm chí Bộ trưởng ngày chủ nhật vẫn đi chợ. Thỉnh thoảng tôi lại theo anh Thu đi chợ mua thức ăn, vật dùng. Thực ra ở Mỹ tôi chẳng thấy có cái chợ nào như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm ở Hà Nội hay chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Đông Ba ở Huế.
Toàn là những siêu thị rộng mênh mông như sân bóng đá, trong đó bán đủ mọi thứ. Siêu thị EDEN - một trung tâm buôn bán của người Việt vùng ngoại vi Washington thì không có thứ gì VN có mà ở đây không có, thượng vàng, hạ cám có hết, từ mắm tôm, mắm tép, măng khô, măng tươi, măng chua, rau mùi, rau húng, su hào, bắp cải... đến các loại bánh rán, bánh giò, bánh dày, bánh chưng, bánh gai, bánh mật, bánh nếp, bánh tẻ, bánh xèo, bánh ú đến bánh tôm, bánh bột lọc, bánh phu thê...
Các món ăn VN cũng phong phú, muốn gì có nấy đủ các hương vị Bắc, Trung, Nam, nhưng giá cả nếu tính ra tiền VN thì chắc ít người dám ăn. Tôi và chị bạn vào ăn bữa trưa ở siêu thị EDEN, gọi một tô cơm, một bát canh chua nấu cá, một đĩa cá kho tộ, một đĩa rau cải xào mà hết 40USD, tính ra tiền VN là 680.000đ. Chị còn mua thêm hai khúc sắn luộc mỗi khúc dài khoảng một gang tay, to bằng cái chai nước khoáng nửa lít mà giá 2,5USD, bằng 42.000đ VN.
Mỹ là nước có nền kinh tế thị trường phát triển bậc nhất thế giới, giá cả hàng hóa được điều tiết theo thị trường, mỗi địa phương, mỗi cửa hàng và mỗi ngày giá cả đều có thể thay đổi, thí dụ: Khi giá dầu thô của thế giới ở đỉnh cao 147USD/thùng thì giá xăng ở Mỹ là 4USD một ga-lông (1 ga-lông tương đương 4 lít), nhưng khi giá dầu thô tụt xuống còn 34,35USD/thùng thì giá xăng của Mỹ chỉ còn 40xu/lít. Giá xăng ở VN thường cao hơn giá xăng ở Mỹ từ 10 - 20%.
Vào các siêu thị, cái làm cho tôi thú vị nhất chính là thái độ bán hàng của người Mỹ họ luôn nhã nhặn, niềm nở, lịch sự với khách hàng. Người mua tha hồ lựa chọn, chọn chán không mua thì thôi, thậm chí mua hàng rồi đem về nhà thấy không vừa ý lại đem trả, hoặc đổi cái khác họ vẫn vui vẻ đổi lại hoặc trả lại tiền, không bao giờ nhăn nhó, khó chịu. Phong cách bán hàng này tôi đã thấy ở Huế, ở Đông Hà... còn các chợ khác... thì rất bát nháo!
Các siêu thị ở Mỹ hay hạ giá, nhất là vào dịp cuối năm, những hàng hóa người tiêu dùng mua càng nhiều càng hạ giá. Có nhiều mặt hàng giảm tới 50 - 60%. Người già từ 65 tuổi trở lên còn được giảm thêm 15% nữa. Tôi mua một cuốn album giá đề 17USD, nhưng được giảm 60%, tôi là người già được giảm 15% nữa là 75%, cuối cùng tôi chỉ phải trả có 4,25USD.
Thấy vậy, tôi mua thêm một con mèo gài áo để tặng cô cháu gái giá 10USD, nhưng được giảm 75% chỉ còn 2,5USD, thậm chí sau khi được giảm 75% rồi mà số tiền mua hàng còn trên 50USD thì người mua lại được bớt thêm 10USD nữa. Cho nên người tiêu dùng Mỹ luôn chờ khi hàng hóa hạ giá mới mua. Thời khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, hàng hóa ở Mỹ càng giảm giá mạnh.
Chị Hòa mua một chiếc áo măng tô chỉ có 100USD nếu không giảm giá thì phải 500USD, cháu Bình mua một đôi giày 30USD, trong khi giá chưa giảm là 180USD, đúng là bán rẻ như cho, nhất là trong lúc nền kinh tế Mỹ đang bị suy thoái và khủng hoảng tài chính trầm trọng, tỷ lệ người thất nghiệp đã lên đến 6,7%, sức mua của người tiêu dùng Mỹ giảm rõ rệt, nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản, vì vậy để thu hồi vốn cho nhanh chắc là hàng hóa Mỹ sẽ còn giảm hơn nữa.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ G. Bush đã ký sắc lệnh chi 146 tỷ USD để hỗ trợ cho người dân Mỹ nhằm nâng cao sức mua của người tiêu dùng, người ít được 600USD, người nhiều được 1.200USD. Năm nay nghe nói ông Obama cũng có ý định làm như thế nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân trong cuộc khủng hoàng kinh tế toàn cầu này.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà

La cà trên đất Mỹ - kỳ 3


Đường hầm qua biển ở New York

Đường sá ở Mỹ

Tôi biết nước Mỹ có hệ thống đường sá hiện đại bậc nhất thế giới và có tổng chiều dài các xa lộ lớn nhất thế giới. Đặt chân lên đất Mỹ, ấn tượng đầu tiên của tôi khi ra khỏi sân bay quốc tế Washington là những con đường nhựa phẳng lì, đen nhánh với những vạch sơn trắng toát trên mặt đường, chỗ hẹp nhất cũng 6 làn xe, chỗ rộng nhất là 12, 14 và 16 làn xe, dọc đường rất nhiều biển báo hướng dẫn đường đi cho lái xe.
Trừ khi vào thành phố, còn ngoài xa lộ không bao giờ có đèn tín hiệu giao thông. Không có ngã ba, ngã tư mà toàn cầu vượt. Tốc độ xe trên xa lộ trung bình từ 70 đến 74 dặm Anh (112 đến 118km/h), nếu chạy quá quy định sẽ bị cảnh sát hỏi thăm ngay, nhưng nếu chạy chậm quá cũng bị cảnh sát nghi ngờ.
Anh Thu kể, có lần đi xa, muốn đi vừa phải để giữ sức nên chỉ chạy 80km/h. Cảnh sát đi sau thấy anh chạy xe như thế, họ theo dõi một quãng đường khá dài vẫn thấy thế, liền nháy đèn ra hiệu cho anh Thu dừng xe, rồi vượt lên hỏi:
- Sức khỏe ông có tốt không?
- Rất tốt
- Ông có buồn ngủ không?
- Không
- Ông có cần một ly cà phê cho tỉnh táo không?
- Không cần
- Vậy mời ông đi, chúc ông bình yên.
Cảnh sát Mỹ rất lịch sự, luôn quan tâm đến người chạy xe trên đường và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết. Dân Mỹ rất sợ cảnh sát, nhưng cũng rất kính trọng cảnh sát vì họ rất nghiêm, không nhũng nhiễu, không gây phiền hà cho dân. Gần ba tháng ở Mỹ, đi khá nhiều nơi, nhưng tôi rất ít khi gặp cảnh sát trên đường phố, nhưng nếu anh vi phạm họ sẽ có mặt ngay tức khắc.
Nhằm đảm bảo an toàn cho lái xe, ở mép đường họ làm những gờ nhỏ liên tiếp để nếu lái xe buồn ngủ đi chệch ra mép đường thì xe sẽ rung lên rất mạnh làm lái xe tỉnh ngủ tránh tai nạn.
Người lái xe ôtô ở Mỹ rất tự giác tuân thủ luật giao thông, không dám uống rượu khi lái xe, nếu cảnh sát phát hiện người lái xe có mùi bia rượu sẽ phạt rất nặng, thậm chí trên xe ôtô cũng không được mang theo bia rượu.

Cảnh sát giao thông tại Manhattan, khu vực sầm uất nhất của thành phố New York, Mỹ

Người Mỹ thích dùng ôtô tương đối to để chở được nhiều người, có khi cả gia đình cho đỡ tốn xăng. ở Washington có hẳn những làn đường ưu tiên dành cho những xe chở từ 3 người trở lên được đi giữa đường trong giờ đi làm, hoặc giờ tan tầm không bị ùn tắc để vừa đỡ tốn xăng, vừa tiết kiệm thời gian. Vì vậy có nhiều người đi làm đứng ở đường chờ đi nhờ xe vào nội thành và người có xe sẵn sàng cho đi nhờ để được đi vào đường ưu tiên.

Mặc dù vậy, tai nạn giao thông ở Mỹ vẫn rất kinh hoàng, trung bình hàng năm có khoảng 40.000 người chết và hàng chục nghìn người khác bị thương.

Máy định vị toàn cầu

Hệ thống đường bộ ở Mỹ rất khoa học nhưng vô cùng phức tạp, nhiều chỗ như trận đồ bát quái, cho nên phần lớn lái xe phải dùng đến máy “định vị toàn cầu” mà tôi quen gọi là “máy chỉ đường”, nếu không có nó lái xe sẽ rất dễ bị lạc.
Nó chỉ bằng một bàn tay nhỏ, nhưng trong đó chứa những dữ liệu về giao thông trên đường đi. Khi xe chuẩn bị chuyển bánh, người lái xe chỉ việc đưa dữ liệu vào máy như: Số nhà, đường phố, hoặc địa điểm sẽ đến rồi ấn nút, màn hình của máy sẽ hiện lên sơ đồ đường đi, mũi tên chỉ đường, độ dài của đường, thời gian xe chạy và thời gian đến nơi.
Khi xe sắp đến ngã ba, ngã tư máy sẽ báo trước và nói rõ đi thẳng, hay rẽ trái, rẽ phải. Nếu chẳng may đi lạc đường thì lập tức máy nói ngay “sẽ điều chỉnh”, và đưa lái xe ra đường khác để tới đích. Nếu có hai con đường cùng tới đích thì máy đưa ra hai phương án để lái xe lựa chọn: Một đường ngắn, nhưng tốc độ xe phải đi chậm, một đường dài nhưng tốc độ xe đi nhanh hơn.
Những lúc xe đi vào phố, hay vào các khu chung cư có nhiều đường ngang, ngõ dọc nhưng máy đều chỉ rất chính xác. Có một lần anh Triệu Quốc Hân, một người bạn chí thân của tôi quê ở Hà Tây đưa tôi đi thăm cháu nội ở bang Michigan, cực bắc Hoa Kỳ, giáp giới Canada.
Quãng đường từ Washington đi Michigan dài gần 1.200km, lại chưa đi lần nào, nên phải trông cậy vào máy chỉ đường. Xe vun vút lao nhanh với tốc độ 120km/h, khi còn cách nhà cháu tôi chừng 300km, máy báo 7 giờ 01 phút sẽ đến nơi. Trời hơi mưa, lại tối, nhưng anh Hân vẫn giữ nguyên tốc độ, đúng 7 giờ tôi tới nơi, chỉ sớm hơn 1 phút.

Xem in tiền đô la Mỹ

Chắc không nước nào trên thế giới lại cho dân và du khách nước ngoài vào xem in tiền như Mỹ, bởi in tiền thuộc bí mật quốc gia.
Nhà máy in tiền khá đồ sộ, nằm giữa trung tâm Thủ đô Washington. Vừa qua cửa là mọi người phải cởi áo khoác, cởi giày, bỏ tất cả đồ dùng kim loại từ máy ảnh, điện thoại di động, chìa khóa xe... vào một cái khay rồi cho chạy qua máy kiểm tra, người cũng phải kiểm tra bằng máy cẩn thận y như lên máy bay. Sau đó, được mời ngồi nghe giới thiệu quá trình sản xuất ra một tờ USD như thế nào bằng hình ảnh.
Các loại tiền trên thế giới và Việt Nam nếu mệnh giá khác nhau thì màu sắc, kích thước cũng khác nhau. Nhưng đồng USD thì hoàn toàn khác, mệnh giá khác nhau, nhưng tất cả màu sắc, kích cỡ đều giống nhau. Điều làm tôi thú vị là về quá trình làm ra nó, đồng USD ta nhìn thấy thường chỉ có từ 2 đến 3 màu, nhưng thực ra nó có đến 13 màu khác nhau mà mắt thường ta không nhìn thấy hết được. Giấy in đồng USD là một loại giấy đặc biệt được nén dưới áp lực 100kg/cm2 nên rất dai khó rách nát.
Chúng tôi đi xem cái máy nén, rồi máy thử độ dai, độ bền của tờ tiền, có thể gấp đi, gấp lại tới 4.000 lần không rách, ngâm dưới nước lâu ngày không bị mục nát, phai màu. Đây là loại công nghệ in tiền vào loại tiên tiến bậc nhất thế giới. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là họ đã công khai chỉ rõ 6 điểm trong đồng USD không thể làm giả được. Tôi hỏi vì sao lại công bố bí mật này, họ nói: Vì chúng tôi tin rằng ngoài Mỹ ra không nơi nào có thể làm được đồng USD đúng như của chúng tôi. Họ tự tin đến thế là cùng.
Giới thiệu xong, họ đưa khách đi xem nơi in tiền. Khi chúng tôi đến họ đang in đồng 100 USD. Nhà máy được tự động hóa hoàn toàn nên chỉ có khoảng chục người điều khiển. Mỗi ngày nhà máy này in 1,4 tỷ USD. Những đồng tiền cũ họ thu về cắt thành những sợi nhỏ để làm những sản phẩm khác hoặc cho vào túi bán cho khách đến tham quan làm kỷ niệm.
Họ còn in những tờ tiền mệnh giá 1 USD nhưng có 4 số 8 hoặc 3 số 7 ở đầu số xê - ri gọi là “con số hên”, rồi ép plastic và gài vào thiệp chúc Tết có in hình các con vật tượng trưng cho từng năm như: chuột, trâu, hổ... để bán cho du khách với giá gấp 5 lần. Hoặc in tờ tiền có mệnh giá 2 USD, phát hành năm 1976, nhân kỷ niệm 200 năm ngày độc lập của nước Mỹ (1776 - 1976) mà hiện nay không phát hành nữa gọi là “đồng tiền may mắn” để bán cho khách với giá gấp 4 lần mệnh giá.
Người Mỹ khá thực dụng, cái gì đem lại lợi nhuận là họ làm.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà

La cà trên đất Mỹ - kỳ 4

(ANTĐ) - Ở thành phố New York có bức tượng Nữ thần tự do cao nhất, đẹp nhất, nổi tiếng nhất nước Mỹ, mà bất cứ ai đến thăm Hoa Kỳ cũng đều muốn chiêm ngưỡng. Tượng đúc bằng đồng nặng 225 tấn, cả tượng và đế cao 96 mét. Trên đầu có những tia sáng mặt trời, tay phải giương cao ngọn đuốc Tự do, tay trái cầm bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Tượng được xây dựng năm 1886 do nước Pháp tặng nhân kỷ niệm 110 năm ngày Hoa Kỳ tuyên bố độc lập (4-7-1776).

Năm 1913, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã tới đây. Sau khi đứng ngắm nhìn bức tượng, Bác đã ghi vào sổ vàng: “Trên đầu tượng Thần Tự do tỏa ánh sáng tự do nhưng dưới chân tượng Thần Tự do là những kiếp người nô lệ. Bao giờ người da đen được bình đẳng như người da trắng đây?”. Kính thưa Bác, sau 95 năm Bác ghi những dòng này, nước Mỹ đã có một Tổng thống da màu đầu tiên là ông Obama. Đây là một bước tiến khổng lồ, làm cho nước Mỹ lớn thêm một chút, khi sự phân biệt chủng tộc đã lùi vào quá khứ.


Đường làng ở Mỹ

Vệ sinh, môi trường

Không gian trong các thành phố lớn ở Mỹ khá trong lành, người Mỹ chịu khó trồng cây và chăm sóc cây chu đáo. Xung quanh vùng Thủ đô Washington là những dãy đồi lúp xúp, với các loại cây rừng mà người trồng có chủ định để mùa xuân ra hoa, mùa thu thay đổi màu sắc từ xanh sang vàng, sang đỏ hoặc màu mận chín trông rất đẹp mắt. Các nhà ở đều cách xa nhau, những nhà ở gần đường lớn hoặc xa lộ thì Nhà nước xây tường cao hoặc trồng cây để ngăn cách tiếng ồn.
Ở Mỹ, nhà mặt đường rẻ hơn nhà xa đường, vì không ai buôn bán trên đường phố như ta, tất cả đều vào siêu thị, trừ một vài đường phố của người Hoa, họ có cửa hàng ngay tại nhà nhưng rất trật tự, không bày ra vỉa hè. Đường phố sạch sẽ, không có bụi bẩn, không ai vứt rác ra đường. Mỗi nhà có 2, 3 thùng đựng rác. Rác được phân loại ngay từ trong gia đình và quy định rõ từng ngày trong tuần xe đến lấy loại rác gì để từng nhà đem sẵn ra đường, rồi xe chở thẳng đến nhà máy xử lý ngay.
Người Mỹ ăn, ở rất sạch sẽ nhất là nơi đại, tiểu tiện. Trong gia đình nhà vệ sinh sạch sẽ là đương nhiên, nhưng ở những nơi công cộng, nhà vệ sinh cũng hết sức sạch sẽ, không thấy mùi xú uế. Tôi đã có dịp vào tham quan lâu đài Capiton - Trụ sở Quốc hội Mỹ, các bảo tàng quốc gia, siêu thị, tiệm ăn... ở đâu nhà vệ sinh cũng giống nhau về mức độ sạch sẽ và sự tự giác giữ gìn của người sử dụng.
Trên các xa lộ, cứ khoảng 2 giờ xe chạy lại có một trạm nghỉ để lái xe, hành khách ăn uống, mua hàng lưu niệm hoặc chỉ để đi vệ sinh. Chị Hòa kể: Có một lần về thăm VN, khi qua Huế, một nữ du khách muốn đi đại tiện quá mà không có nơi nào để giải quyết, đành phải nghiến răng, chịu nhục đi ngay ra vệ đường, mặc cho trẻ em đứng nhìn, đi xong cô vô cùng xấu hổ rồi lấy giấy đậy lại. Chắc rằng cô ấy sẽ chẳng bao giờ dám đến VN du lịch nữa. Lại có một vị khách nước ngoài khi ra Hà Nội cứ thắc mắc: Không hiểu vì sao thỉnh thoảng lại có những người đàn ông đứng úp mặt vào tường???
Tôi vô cùng xấu hổ trước những câu chuyện như thế. Được biết ngành Giao thông nước ta đang xây dựng những trạm nghỉ trên đường như thế. Thật mừng.


Tác giả bên tượng Nữ thần tự do

Đến thăm gia đình của cựu... con dâu

Cháu Hồ Thị Dũng, con dâu tôi trước đây, sau cuộc hôn nhân với con trai tôi đổ vỡ, đã kết hôn với một người Mỹ tên là Jê-ri cũng đã từng đổ vỡ hôn nhân. Cháu mang theo hai con riêng - cháu nội tôi, sang Mỹ sinh sống với người chồng mới ở thành phố Lansing, thủ phủ bang Michigan, miền Bắc nước Mỹ, cách Washington hơn 1.000km. Hai vợ chồng đã mời tôi đến thăm gia đình và các cháu nội.
Ngôi nhà các cháu ở trông giống như nhà cấp 4 của ta, chỉ có 2 phòng ngủ, một phòng khách, nhưng tiện nghi đầy đủ. Hai vợ chồng đi làm mà có 3 chiếc ôtô. Hóa ra một chiếc dành cho cháu Lâm (cháu nội lớn của tôi) sắp đủ 18 tuổi có xe đi học đại học. Xe ôtô ở Mỹ không đắt như ta. Một chiếc ôtô đã qua sử dụng nhưng còn khá tốt giá chỉ khoảng 4.000 - 5.000 USD, lại mua trả góp nên ai cũng có thể mua được. Lương của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 6.000USD, trừ tiền ăn, tiền thuế, tiền trả góp mua nhà, mua ôtô, mua bảo hiểm, tiền đóng thuế thu nhập... mỗi tháng còn khoảng 2.000USD.
Tôi hỏi tình hình học tập của các cháu, Jê-ri kể cho tôi nghe: Cháu Mạnh Lâm, Mạnh Hải học rất giỏi. Vừa qua kiểm tra học kỳ Mạnh Lâm (lớp 11) thi 6 môn được 5 điểm A, 1 điểm B xếp loại giỏi; Mạnh Hải học lớp 8 thi 6 môn được 6 điểm A xếp loại xuất sắc đứng đầu lớp. Cô giáo khen cháu Hải học giỏi hơn các bạn Mỹ, cô mong trong lớp có nhiều học sinh giỏi như Hải.
Ở Mỹ, học sinh phổ thông được miễn học phí hoàn toàn, sách vở và đồ dùng học tập nhà trường cung cấp, gia đình không phải đóng góp bất cứ khoản gì. Hằng ngày có xe buýt của trường đưa đón học sinh tận nhà. Các em đi học không phải mang sách vở, vì ở trường mỗi học sinh đều có một tủ riêng để sách vở và đồ dùng học tập. Nghĩ mà thương các cháu tôi ở nhà, hàng ngày phải lễ mễ mang một ba lô sách vở nặng trịch đến trường.
Ở Mỹ cũng có học thêm, dạy thêm như ta nhưng mục đích và phương pháp thì khác hẳn. Học sinh kém môn nào thì giáo viên dạy thêm môn đó, dạy ngoài giờ ngay tại lớp sau giờ học chính thức, mỗi tuần dạy thêm một số buổi tùy theo học lực của các em và không lấy tiền bồi dưỡng của học sinh.
Chính phủ Mỹ luôn khuyến khích phát triển tài năng của học sinh, em nào học giỏi, muốn vượt lớp, vượt cấp, học trước tuổi đều được, ngược lại khi tự thấy học lực kém muốn học lại cũng được, miễn sao đảm bảo học thực chất, thi thực chất. Việc thi cử ở Mỹ không nặng nề, tốn kém như ta, thậm chí có trường đại học tuyển sinh tự do, ai có đủ năng lực, đủ tiền thì vào học, cái quan trọng là anh học như thế nào, học xong rồi có xin được việc làm không? Học phí cấp đại học ở Mỹ khá cao, vì hầu hết các trường đại học thuộc tư nhân. Đại học Harvard nổi tiếng thế giới cũng của tư nhân. Cho nên dân Mỹ tuy giàu nhưng việc cho con vào đại học không phải dễ.
Một trong những hình thức khuyến khích học sinh học giỏi là tặng học bổng. Cháu Hải ngoài việc năm nào cũng đứng đầu lớp, còn rất cố gắng tham gia hoạt động thể thao, thể dục của nhà trường, chiều nào cũng ở lại tập thêm bóng đá, bóng rổ. Nhờ học giỏi và thi đấu thể thao giỏi nên cháu được Hội đồng nhà trường thưởng hai năm học bổng đại học. Cháu nói với tôi sẽ cố gắng để lên cấp III sẽ được thưởng hai năm học bổng đại học nữa để sau này học 4 năm đại học gia đình sẽ không phải đóng góp học phí.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà

La cà trên đất Mỹ - kỳ 5


Một khẩu hiệu ở quận Cam

Tự động hóa, tự giác hóa và sự bình đẳng

Ở Mỹ, công nghệ tự động hóa được áp dụng khá rộng rãi trong sinh hoạt và giao dịch xã hội. Một lần đi theo chị Hòa đến nhà băng gửi tiền. Khi xe đến cạnh một cái cột, chị dừng xe, quay cửa kính xuống, thò tay ra lấy một cái ống nhựa hình tròn, rồi mở nắp bỏ vào đấy một tờ séc 4.000USD, chờ cho cái ống chuyển vào trong nhà, khi nó trở ra, chị Hòa lại cầm cái ống đó và mở nắp lấy ra biên lai nhận tiền của nhà băng. Tất cả chỉ mất có vài phút, không phải xuống xe, chờ đợi.
Việc áp dụng tự động hóa của các nhà băng khiến cho việc giao dịch giữa người gửi và người nhận không hề có liên hệ trực tiếp với nhau, tránh phiền hà, mất nhiều thời gian, nhưng quan trọng hơn là tránh được những tiêu cực có thể xảy ra. Tự động hóa đã được ứng dụng rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày từ việc mua hàng hóa ở các siêu thị đến việc giao dịch hành chính ở các công sở, khiến cho người dân yên tâm hơn, các viên chức Nhà nước cũng công khai, minh bạch hơn.
Bên cạnh sự tự động hóa là sự tự giác của người Mỹ trong các mối quan hệ xã hội. Mấy lần theo anh Thu đi siêu thị mua hàng, mua xong anh tự đến máy tính tiền và trả tiền, mua xăng cũng thế, tự động bơm xăng vào xe, tự tính tiền theo giá niêm yết rồi cho thẻ vào máy thanh toán rất nhanh chóng, chính xác.
Đi xe từ trong đường nhỏ ra đường lớn, mặc dù không có đèn tín hiệu giao thông, nhưng lái xe vẫn tự giác dừng lại quan sát, khi nào thấy không có xe chạy qua mới cho xe ra đường lớn. Khi đậu xe ở đường cũng tự giác bỏ tiền vào hộp đặt trên vỉa hè ngay sát mép đường. Nếu xe đậu quá thời gian mà không bỏ thêm tiền, khi cảnh sát đi kiểm tra phát hiện sẽ dán ngay phiếu phạt lên kính xe, chủ xe phải đem 50USD đến nhà băng nộp phạt, cảnh sát không cần gặp chủ xe, không cần lập biên bản.
Tự giác đã trở thành thói quen của người Mỹ, nhưng có được thói quen này cần phải có thời gian. Tự giác phải đi đôi với hình phạt và chính hình phạt nghiêm khắc có tác dụng giáo dục rất hiệu quả tính tự giác của con người.
Ngày 12-12-2008, báo Mỹ đưa tin: “Ông Obama, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ muốn cho con mình chuyển đến nhà khách Chính phủ (trong Nhà Trắng) ở sớm để tiện cho việc học hành đỡ vất vả, nhưng không được vì nhà khách đang có người ở”. Qua mẩu tin trên mới thấy quyền bình đẳng ở nước Mỹ được nghiêm chỉnh thực hiện như thế nào, đến Tổng thống cũng không được đặc quyền, đặc lợi, con Tổng thống cũng như con dân thường phải thuê khách sạn mà ở, chứ không thể chuyển người khác đi để cho con Tổng thống ở được.
Hoa Kỳ là một Hợp chủng quốc với 65% người da trắng, 12% người da màu, 23% người da vàng, da đỏ, da nâu, nhưng họ sống với nhau rất bình đẳng. Tôi đến Sở Xã hội quận Fairfax thấy những viên chức đến làm việc có đủ các màu da, có cả những người khuyết tật, nhưng thái độ của họ đối với nhau rất thân thiện, hòa đồng. Việc nước Mỹ bầu ông Obama, một người Mỹ da màu làm Tổng thống là đỉnh cao của sự đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử, khiến thế giới phải nể phục.

Đến quận Cam

Quận Cam thuộc thành phố Los Angeles, “thủ phủ” của người VN tại bang California, nơi có đông đồng bào VN định cư nhất ở Mỹ. Từ Washington phải mất 6 giờ bay, vượt quãng đường 4.800km mới tới California. Ngay từ khi đặt chân tới Mỹ tôi đã có ý muốn đến đây để tận mắt thấy cuộc sống của đồng bào mình khi ở xa quê hương, xứ sở.
Ngày 22-6-2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Mỹ đã có cuộc gặp với bà con Việt kiều ở đây. Khách sạn St Regis chật cứng người đến đón chào Chủ tịch. Bằng tấm lòng chân thành, Chủ tịch nói: “Chúng ta là người VN, dù quá khứ có thế nào đi nữa bây giờ hãy đoàn kết, yêu thương nhau bởi vì chúng ta cùng có chung một mẹ hiền VN. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng đất nước vững vàng và giàu mạnh”. Buổi nói chuyện nhiều lần bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay và cả những giọt nước mắt.
Quận Cam trước đây chỉ là một vùng đất khô cằn, hoang vắng, chỉ có một số người trồng cam. Nhưng từ sau tháng 4-1975, một số đồng bào VN sang định cư tại đây, dần dần ngày càng đông người tới sinh cơ lập nghiệp, trở thành một vùng dân cư đông đúc với hàng trăm ngàn người, làm đủ các ngành, nghề từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ, buôn bán, nhiều khu phố mới mọc lên, sầm uất, thu hút cả người Mỹ, người Mễ (Mê-xi-cô) đến làm ăn, sinh sống mà người Việt gọi họ là những “ngoại kiều”.
Các cửa hàng, cửa hiệu ở đây toàn viết biển hiệu bằng tiếng Việt như: Đặc sản Nam Bộ, Hủ tiếu Trường Sinh, Bánh Tôm hồ Tây, Bánh Xèo Huế, Đệ nhất Cơm tấm, nhà hàng Hà Nội v.v.., vào các siêu thị, các tiệm ăn đều của người VN cả, các xe buýt chạy trên đường cũng do nhiều người VN lái, ngay cả các trạm đợi xe buýt cũng làm theo kiểu dáng VN, Trung tâm thương mại Phúc - Lộc - Thọ lớn nhất ở đây cũng xây dựng theo phong cách VN.
Chiều hôm mới đến, chúng tôi vào ăn ở cửa hàng “Đệ nhất cơm tấm”, một bữa ăn thật ngon và rẻ, chỉ có 6,5 USD một suất, nếu ở Washington giá phải gấp đôi mà không thể ngon bằng ở đây, thật xứng đáng là “Đệ nhất...”. Khí hậu ở đây giống hệt Hà Nội, nên mùa đông mà cây cối vẫn xanh tốt. Nhà dân hầu hết đều một tầng, phần vì đất rộng, phần vì lo động đất nên rất ít nhà hai, ba tầng. Chúng tôi ở trong một gia đình Việt kiều quê Nam Định di cư vào Nam năm 1954, mới sang Mỹ năm 1991, gia đình có một cây quít trĩu quả, chín vàng như quít trồng ở Quảng Bá, Nhật Tân vậy.
Cả ngày dạo chơi trên phố Bolsa, một đường phố lớn mà hầu hết do người Việt kinh doanh buôn bán. Vào một tiệm cà phê, trong sân đỗ đầy xe con loại đắt tiền toàn là của người VN. Anh Thu nói nhỏ: Những loại xe xịn này nhiều người Mỹ phải mơ ước đấy. Đi dọc phố, chúng tôi thấy nhiều biểu tượng về đất nước được trang trọng dựng lên như: “Đoàn kết và phát triển”, hoặc những khẩu hiệu mang đậm tinh thần dân tộc được viết trên những tấm băng rôn lớn “Hoàng Sa, Trường Sa là của VN”. Dù sống nơi đất khách quê người nhưng đồng bào ta không bao giờ quên dân tộc, quên Tổ quốc.
Đi trên mảnh đất hoàn toàn xa lạ, những người tôi tiếp xúc chưa bao giờ quen, vậy mà sao thấy thân thiết, gần gũi như đi trên chính quê hương mình, như gặp lại những người từng sống với nhau như bè bạn.
Trưa ấy chúng tôi vào tiệm ăn “Hà Nội Restaurant”, là người Hà Nội, xa Hà Nội khá lâu, mấy hôm nay lại được sống với đồng bào mình ngay trên đất Mỹ vui quá. Khi bước vào tiệm, từ ông chủ đến nhân viên phục vụ đều nói tiếng Bắc, thái độ niềm nở, bài trí trong tiệm toàn phong cảnh Hà Nội từ tháp Rùa, chùa Một Cột, đến các bức tranh treo trên tường đều mang đậm chất văn hóa Thăng Long, tôi thật xúc động, nước mắt trào ra.
Cháu Chính đi cùng hỏi: Bác làm sao vậy? Tôi nghẹn ngào không trả lời được, cháu bảo: Mới có vậy mà bác đã xúc động rồi, nếu bác ở đây vào dịp Tết cổ truyền VN sắp tới, bác sẽ phải khóc nhiều”. Tôi hiểu ra rằng đồng bào mình dù đi đâu, ở đâu vẫn hướng về quê hương, đất nước nơi chôn nhau, cắt rốn của mình.
Buổi chiều đến thăm gia đình bác Từ. Năm 1990, bác đưa gia đình sang định cư tại Mỹ theo diện H.O, hiện nay hai bác sống bằng tiền Chính phủ Mỹ trợ cấp mỗi tháng 800USD/người. Tuy đã 72 tuổi nhưng dáng người vẫn chắc nịch, nhanh nhẹn và vui tính. Bác rất cởi mở khi tâm sự: “Tôi sang Mỹ chỉ vì tương lai của các cháu thôi ông ạ và mong các cháu sau này sẽ trở về góp phần xây dựng đất nước”.
Cơm nước xong, bác lấy xe ôtô đưa tôi đi xem khu Disney Town, một khu vui chơi, giải trí rất đẹp ở Los Angeles. Khi chia tay bác Từ hỏi tôi: ở bên nhà ông làm gì? Tôi trả lời làm giáo viên. Bác cười tế nhị rồi bắt tay tạm biệt.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà