Tường Nguyễn
Việc một người Việt Nam nhập cư trở thành Bộ trưởng Y tế Đức là một sự kiện được dư luận chú ý trong nhiều ngày qua.
Nhật báo Bild (Đức) ngày 1-11 đã có bài phỏng vấn ông Philipp Rôsler.
Chỉ chỉ sách, không thay đổi được tình hình
* Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, ông đã trở thành Bộ trưởng Y tế liên bang. Ông có thể cho biết ông đã tiêm phòng cúm A/H1N1 chưa?
Ông Philipp Rosler: Trước hết, tôi tiêm phòng bệnh cúm thông thường, vì thời điểm này vẫn khá nguy hiểm. Và sau đó là cúm A/H1N1.
* Và ông sẽ khuyến cáo tất cả công dân đi tiêm phòng cúm A/H1N1?
- Tất cả mọi người đều cần đến trao đổi với bác sĩ. Nhưng quý vị đừng quên rằng cúm thông thường vẫn còn đó và sẽ rất nguy hiểm đối với những người đang mắc các bệnh mạn tính.
* Người tiền nhiệm của ông là bà Ulla Schmidt bị phê phán như một trong những chính trị gia không hợp lòng dân nhất. Điều này có khiến ông lo lắng?
- Không có một chính sách nào gây ra nhiều kịch tính như các chính sách về chăm sóc sức khoẻ, bởi đụng chạm đến tất cả mọi người. Tôi có một chính sách y tế mới, hy vọng sẽ vận hành tốt và mang lại lợi ích cho 80 triệu người dân Đức.
* Trong vòng 10 năm gần đây, nhiều người dân, nhất là bệnh nhân thuộc lĩnh vực tư nhân, cho rằng nước Đức đang có hai “loại” thuốc ở thứ bậc khác nhau. Ông sẽ làm gì?
- Trong một đất nước mà tình hình ngày càng khó khăn hơn về chăm sóc y tế, và thời gian chờ đợi để được khám ngày càng lâu hơn, chỉ có chính sách không thôi thì không thể làm thay đổi tình hình được, mà phải thực hiện nhiều cải cách, để sau đó người dân sẽ cảm thấy mức cung về y tế được cải thiện hơn nhiều.
* Chính xác là chúng ta sẽ thay đổi những gì, để người dân khi trả tiền nhiều hơn sẽ không cảm thấy mình vẫn là “bệnh nhân hạng hai”?
- Vấn đề này là quan trọng. Chúng ta cần có sự cạnh tranh nhiều hơn nữa trong ngành. Bảo hiểm y tế phải thể hiện sức cạnh tranh và kêu gọi đóng góp từ nhiểu nguồn khác nhau để có thể cung cấp những dịch vụ tối ưu khác nhau. Hiện nay, chúng ta vẫn đang có những dịch vụ ngang giá và người dân sẽ không biết làm gì khi muốn bỏ ra một số tiền nhiều hơn và không biết gõ cửa nơi đâu.
* Các bác sĩ nói họ cần có nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân của mình và họ phải được trả tiền cho khoảng thời gian đó. Ông bình luận thế nào về điều này?
- Tôi đã học ngành y vì tôi muốn làm việc với đối tượng con người. Khi tôi học xong, tôi đã làm việc với ít nhiều mức độ chất lượng khác nhau. Tôi đã có lần tự nhủ: bây giờ anh có thể đi vào con đường chính trị và có thể xóa được những thông lệ bất hợp lý kia. Nếu như chúng ta có mối quan hệ và lòng tin tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân, nếu các bác sĩ và y tá có đủ thời gian để thực hiện được đạo đức nghề nghiệp của mình, thì bạn sẽ không còn cần đến những “quanh co” về chất lượng.
* Ông sẽ làm gì để đạt được điều đó?
- Chúng ta cần có tự do hơn nữa; tự do trong việc chọn lựa phương pháp điều trị, trong việc chọn bác sĩ và trong việc chọn bảo hiểm y tế.
Tôi sẽ bỏ chính trị để chọn gia đình
* Ông được đề bạt đúng vào ngày thôi nôi của hai con gái song sinh của ông. Đó là ngày đẹp nhất của cuộc đời ông?
- Ngày đẹp nhất là ngày chúng tôi cưới nhau và ngày các con ra đời. Và hẳn nhiên ngày mà quý vị vừa đề cập là một sự kiện quan trọng để tôi có thể giữ lời hứa với tư cách là bộ trưởng, khi ngồi làm việc tại văn phòng nội các. Ngày thôi nôi của hai con tôi cũng quan trọng không kém.
* Chính trị đôi khi phá hỏng hôn nhân và gia đình. Vậy ông có sẵn sàng đánh đổi?
- Nếu một ngày, tôi bỗng có cảm giác là làm chính trị thì sẽ “nguy hiểm” cho gia đình thì tôi sẽ từ bỏ ngay lập tức. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều chính trị gia không thành công mà gia đình cũng tan vỡ. Nhưng mỗi một sự nghiệp đều có một điểm kết thúc nào đó khác nhau. Hiện nay thì tôi vẫn quan tâm chăm sóc gia đình nhỏ của mình.
* Diễn viên Jochen Busse mới đây có nói về ông như một “người Fiji” trong nội các. Ông có cảm thấy khó chịu?
- Nếu như tôi không là một chính trị gia thì chắc tôi cũng sẽ ở vào vị trí của ông ấy. Mỗi người phải quyết định cuộc đời mình, cũng như diễn viên Busse vậy. Nhưng, quần đảo Fiji nằm khá xa Việt Nam.
* Ông sinh ra tại Việt Nam, được nhận làm con nuôi lúc 9 tháng tuổi và lớn lên ở Đức. Vậy một Philipp Rösler châu Á ở điểm nào?
- Mắt nhỏ, mũi tẹt, tóc đen.
* Còn bên trong?
- Tôi thích ăn các món châu Á, và nhiều món khác nữa.
* Những gì là “nét đặc trưng Đức” ở ông?
- Tôi nói tiếng Đức. Đối với tôi, Đức là một nước lớn và tôi là thành viên của chính phủ liên bang. Có nhiều nét đặc trưng Đức nữa mà bạn không thể có.
* Ông không biết tên khai sinh của mình, vì nó không có trong hồ sơ xin con nuôi. Vậy ông có chắc chắn về ngày sinh của mình?
- Tôi đến bang Hạ Saxon vào tháng 11-1973, lúc đó tôi mới 9 tháng tuổi. Vậy, tất nhiên là tôi sinh vào cùng năm đó. Nhưng tôi không biết rõ ngày, có thể là ngày 25 hay 27-2. Chính thức trong hồ sơ hiện nay là ngày 24.
* Ông là một người mồ côi?
- Ông có thể gọi tôi là một đứa trẻ được tìm thấy. Hẳn nhiên, cha mẹ tôi sống trong thời kỳ chiến tranh, sau đó đã chết, và người ta đã gửi tôi vào một trại mồ côi.
* Ông đã được một gia đình người Đức nhận làm con nuôi, rồi sau đó 4 năm, vợ chồng đó ly dị, cuộc sống của ông lúc đó khó khăn ra sao?
- Nhiều người nói là lúc đó tôi phải chịu đựng đau khổ, nhưng tôi tin là trước đó tôi đã gặp một dịp may. Có điều khác với nhiều đứa trẻ là tôi đã sống với cha chứ không phải mẹ.
* Ông vẫn còn liên lạc với mẹ nuôi chứ?
- Bà đang sống ở Chile với một chị gái của tôi. Tôi hy vọng gặp lại bà vào năm sau khi bà sang Đức.
* Ông sống với cha nuôi sau khi cha mẹ ông ly dị. Ông ấy sống rất kỷ luật. Vậy còn ông?
- Cha tôi là một quân nhân chuyên nghiệp. Lúc đó, tôi sống với cha tôi như những người lính đúng nghĩa, tự giặt giũ quần áo. Cha tôi rất tình cảm, nhưng luôn nghiêm khắc và dạy tôi về trách nhiệm cá nhân và tính tự lập.
* Một người Việt Nam mồ côi là Bộ trưởng tại Đức lúc 36 tuổi. Điều này có ý nghĩa gì?
- Điều đó cho thấy rằng Đức là một quốc gia có nhiều người từ nhiều nơi khác đến sinh sống, và tỏ ra rộng lượng hơn là nhiều người nghĩ. Và những người nhập cư cũng có nhiều đóng góp quan trọng tại Đức hơn là tôi nghĩ trước đây.
______
* Lược dịch theo trang web chính thức của Bộ Y tế Liên bang Đức