ANTĐ) - Không ai hỏi thì tôi cũng phải thưa ngay với bạn đọc rằng vì sao một sỹ quan quân đội, đã 75 tuổi như tôi lại có chuyến lang thang suốt hai tháng, hai mươi sáu ngày dọc ngang tới 14/50 bang của nước Mỹ, rồi lân la vào nhà Quốc hội, tò mò đi xem in tiền, cất công đến tận quận Cam và băng qua sa mạc tới thành phố Las Vegas nổi tiếng ăn chơi, cờ bạc... chính là nhờ có mối thâm tình của bè bạn, cháu con người Việt Nam (VN) định cư ở Mỹ.
>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ 2
>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ 3
>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ 4
>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ 5
>>> La cà trên đất Mỹ - kỳ cuối
Ngẫu hứng trên đường phố Washington
Lần đầu đi Mỹ
Người ta nói đi Mỹ khó lắm, phải là người có quốc tịch Mỹ bảo lãnh, người đó phải có nhà cửa, cuộc sống ổn định, có tài khoản tại nhà băng và phải có biên lai nộp đầy đủ các loại thuế cho Nhà nước. Khó khăn, phiền phức quá. May nhờ có người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh mới đi thăm Mỹ về mách: Đi theo đường du lịch thì chẳng cần ai bảo lãnh cả. Mẫu đơn đã có sẵn trên mạng chỉ cần trả lời những câu hỏi trong đó rồi gửi qua mạng hẹn ngày phỏng vấn. Trước khi đi phỏng vấn phải nộp cho Lãnh sự quán Mỹ 131USD tiền lệ phí.
Tôi lo nhất là khâu phỏng vấn nhiều người không qua nổi khâu này. Họ hay hỏi những câu có vẻ vu vơ nhưng nếu trả lời không chính xác, tiền hậu bất nhất là không xong. Họ yêu cầu người đi phỏng vấn phải chứng minh được: Vì sao khi sang Mỹ anh không có ý định ở lại? Anh phải đưa ra những bằng chứng có sức thuyết phục viên chức Lãnh sự quán Mỹ rằng: Đương đơn có các mối ràng buộc gia đình, xã hội, kinh tế và các mối quan hệ khác khiến họ phải rời khỏi Hoa Kỳ khi hết hạn lưu trú. Tôi đã chuẩn bị sẵn hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sổ lương, thẻ bảo hiểm y tế...
Đúng hẹn, tôi đến Lãnh sự quán Mỹ để được phỏng vấn. Khi nghe gọi đến tên mình, cũng hơi hồi hộp. Trước mặt tôi là một tấm kính đạn bắn không thủng. Phỏng vấn tôi là một thanh niên Mỹ trắng trẻo, đẹp trai, nói tiếng Việt khá sõi.
Anh ta hỏi tôi sang Mỹ ở nhà ai, quan hệ với chủ nhà thế nào, người ấy làm gì. Về bản thân tôi, anh ta chỉ hỏi nghỉ hưu từ bao giờ, trước khi nghỉ hưu làm gì. Tôi trả lời ngắn gọn những câu hỏi ấy rồi anh ta đưa cho tôi tờ giấy có màu xanh hẹn 14h hôm sau đến nhận visa.
Tôi thật sự ngỡ ngàng khi mọi chuyện diễn ra giản đơn, nhanh chóng đến thế. Từ lúc nộp đơn đến lúc nhận visa chỉ mất vẻn vẹn 15 ngày và ngày 25-10-2008 tôi lên đường đi Mỹ.
Sau 20 giờ bay vượt quãng đường hơn 20.000km và 3 giờ nghỉ để chuyển máy bay tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, 11h30 (giờ Mỹ) ngày 26-10-2008 tôi tới sân bay quốc tế Washington DC. Vì không biết tiếng Anh, lại không gặp người Việt nào trên chuyến bay để nhờ làm tờ khai nhập cảnh nên khi tôi đẩy vali hành lý qua cửa Hải quan, họ bắt tôi mở vali để kiểm tra từng thứ trong đó.
Kiểm tra tôi là một người Mỹ da đen lực lưỡng, tóc quăn, mắt trắng, da bóng nhẫy. Vali vừa mở thì mấy túi bột sắn bị bục tung ra trắng xóa, anh ta chỉ tay vào gói bột sắn, tôi đoán anh muốn hỏi cái gì, tôi trả lời bằng tiếng Việt “bột sắn” rồi nhúp luôn một cục cho vào miệng khiến anh ta cười, hai hàm răng trắng toát.
Họ lại chỉ vào mấy buộc bánh cốm, tôi lại bóc luôn một cái cắn một miếng ăn ngon lành, khiến anh ta và mấy người Mỹ đứng cạnh cùng cười ồ lên, còn mấy quả cam thì anh ta không hỏi gì mà nhặt vứt luôn vào thùng rác. Có lẽ vì thấy tôi già, tóc bạc, lại có vẻ thật thà nên họ không hỏi gì thêm nữa rồi ra hiệu cho tôi đóng vali lại và cho qua.
Ra đón tôi tại sân bay là anh Nguyễn Trường Thu, chồng chị Nguyễn Kim Hòa mà tôi sẽ có dịp nói với bạn đọc sau. Bầu trời Washington nặng trĩu nước, mưa lâm thâm, nhưng xe cứ vun vút lao nhanh trên đường nhựa phẳng lì, đen nhánh. Hai bên đường là rừng cây đã vào thu đẹp như tranh trông rất lạ mắt bởi sắc màu muôn vẻ của nó, mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy.
Buổi tối, cả gia đình anh chị Thu - Hòa cùng các con, các cháu quây quần, sum họp để mừng đón tôi từ Việt Nam sang, không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc tràn ngập trong bữa ăn đầu tiên của tôi trên đất Mỹ.
Tác giả đứng bên ngoài Tòa Bạch ốc, nơi Tổng thống Mỹ làm việc ở Washington
Một gia đình Việt Nam trên đất Hoa Kỳ
Tôi sang được Mỹ, chính là nhờ có sự bảo trợ, giúp đỡ chí tình của gia đình anh chị Thu - Hòa, từ ăn, ở, đi lại trong một thời gian dài. Anh Thu trước là kỹ sư điện, Phó Giám đốc Sở Điện lực Cần Thơ. Anh sang Mỹ năm 1978, hiện là kỹ sư Sở Xe điện ngầm Washington DC. Chị Hòa, nguyên là giáo viên cấp III môn Anh văn thành phố Hồ Chí Minh, sang Mỹ năm 1990, hiện là viên chức Sở Xã hội quận Fe-fắc, Tiểu bang Virginia. Tôi quen anh chị từ tháng 5-1975 đến nay được gần 34 năm.
Đêm đầu tiên trên đất Mỹ, tôi không ngủ được.
4h30 đã dậy, tắm xong nằm chờ sáng. Không gian thật yên tĩnh. Tôi mở cửa ra sân tập thể dục và đi bộ ngắm cảnh. Mặt trời đã nhô cao sau những tán cây. Con đường nhỏ Paloma nơi tôi ở thật đẹp, đường nhựa đen bóng, hai bên là rừng với đủ sắc màu đỏ, vàng, tím sẫm. Mỗi nhà là một biệt thự cách nhau dăm chục mét, trước nhà có vườn hoa và thảm cỏ xanh mượt.
Lúc đầu tôi cứ tưởng chỉ có vài nhà đẹp thế này, nhưng tôi đi mãi, đi mãi hàng cây số cũng vẫn thấy những biệt thự lấp ló sau những rặng cây như trong chuyện cổ tích, thỉnh thoảng lại gặp những chú sóc nhảy nhót trên cành, có lúc nó nhảy xuống vệ cỏ ven đường để tìm thức ăn. Tôi đưa tay ra, con sóc từ từ bò lại gần, không thấy gì ăn nó lại chạy đi. Chúng rất dạn, không sợ người, vì ở Mỹ bắn chim, bắn thú sẽ bị phạt rất nặng, nên không ai dám ăn đặc sản như Việt Nam.
Sau một giờ đi bộ, tôi quay về đứng ngắm nhìn ngôi nhà tôi sẽ ở những ngày tới. Trông bên ngoài nó không to lớn, đồ sộ như những nhà giàu có mới phất, nhưng nó xinh xắn gọn gàng, xung quanh rộng rãi, thoáng đãng, trong nhà trang thiết bị khá hiện đại để phục vụ cho sinh hoạt gia đình, từ phòng khách, phòng xem tivi, phòng ngủ, nhà vệ sinh đến nhà bếp đều rất sạch sẽ. Bát, đĩa ăn xong đưa vào máy rửa rồi sấy khô, nơi rửa tay, rửa bát, nhà tắm... luôn được lau sạch, không khi nào có nước đọng ẩm ướt.
Ngôi nhà có 5 tầng, 2 tầng ngầm, 3 tầng nổi. Cách đây 10 năm, khi mua ngôi nhà này trị giá 750.000USD, trả góp mỗi tháng 2.000USD, tính ra phải trả trong 30 năm mới hết. ở Mỹ mua nhà, mua ôtô hầu hết đều trả góp, ít người có tiền trả liền một lúc như các đại gia VN!
Nhà 4 người có 4 chiếc ôtô. Ôtô ở Mỹ nhiều như xe máy, xe đạp ở VN. Ra khỏi nhà là lên ôtô, đi làm về ôtô để ngay ngoài sân, ngoài đường, không sợ mất cắp, cái kho đồ đạc của gia đình không có khóa mà chẳng sợ mất gì. Nói như thế không có nghĩa là nước Mỹ không có trộm cướp, nhất là ở những thành phố lớn, đông người như New York, Chicago, Los Angeles, Boston, Detroit... trung bình cứ 3 phút mất 1 chiếc ôtô, tính ra mỗi ngày mất 480 chiếc, mỗi năm mất 175.000 chiếc. Có lẽ Mỹ là nước mất cắp ôtô nhiều nhất thế giới.
Trong nhà chị Hòa tất cả đồ dùng, trang trí nột thất từ tranh ảnh, bàn ghế, giường tủ đều đưa từ VN sang, rất nhiều tượng Phật và các loại bát đĩa, ấm chén, các lọ độc bình to nhỏ... đều là hàng gốm, sứ Bát Tràng. Các bữa ăn trong gia đình đều nấu theo hương vị quê nhà, bữa ăn thường có rau xào hay luộc, cá chiên hay thịt chiên, có canh chua, rau sống, dưa cải, cà muối, dấm, ớt... tưởng như tôi đang sống ở nhà vậy.
Gia đình anh Thu cũng như các gia đình khác ở Mỹ đều phải làm việc cật lực vì cuộc sống. Anh Thu dậy lúc 4h30 và 5h đến công sở. Chị Hòa rời khỏi nhà lúc 6h30. Cháu Ân làm ca đêm, ban ngày đi học. Cháu Bính đi học cả ngày. Gia đình chỉ gặp nhau đông đủ vào bữa ăn tối, ăn xong người nào lại về phòng ấy. Chị Hòa thường làm việc tới khuya mới đi ngủ. ở Mỹ kiếm được đồng tiền đâu có dễ, phải vất vả lao động, phải đổ mồ hôi, có khi cả nước mắt mới có cuộc sống ổn định.
Gia đình anh chị Thu - Hòa tuy hơn 30 năm sống ở Mỹ, đã trở thành công dân Mỹ, nhưng tấm lòng luôn luôn hướng về đất nước, hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cứ vài ba năm lại về thăm VN và lần nào về cũng đều ra thăm Hà Nội. Là người Sài Gòn nhưng anh chị rất yêu mến Hà Nội, nhất là cháu Bính tuy mới ra Hà Nội vài lần nhưng mê Hà Nội lắm. Anh chị có ý định năm 2010 kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ về VN để tham dự ngày lễ trọng đại này.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà