Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

Nhanh và chậm

TP - Những ngày này, cả nước hướng về đồng bào Bắc miền Trung. Một trận lụt mà ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng xóm Mới của xã Quảng Tân (Quảng Trạch, Quảng Bình) nói: “Đời tui gần 70 tuổi rồi mà chưa thấy trận lụt mô to như năm ni”.
Trong lúc thiên tai ập đến nhanh, gây thiệt hại ngay lập tức, thì phản ứng của chính quyền địa phương lại quá chậm.
Điển hình tại tỉnh Quảng Bình, nơi thiệt hại nặng nhất, ông Nguyễn Ngọc Giai, Chánh Văn phòng Ủy ban Phòng chống lụt bão Quảng Bình, cho biết: “Phải nói là bất ngờ và thiếu thông tin. Phương tiện cứu hộ hạn chế; đường bộ thì bất lực hoàn toàn do tắc; xuồng thuyền không đủ để đáp ứng”.
Trong lúc mưa lũ lên đỉnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thúc thủ ở TP Đồng Hới. Huyện Quảng Trạch bị ngập 16 xã, có nơi ngập trên 3 m, Chủ tịch UBND huyện nói: “Mưa to gió lớn không thể làm gì được, đã có phương án 4 tại chỗ, xã sẽ lo liệu”. Sáng 6-10, PV Tiền Phong có mặt tại trụ sở xã Quảng Minh, không một bóng người. Lãnh đạo xã đều ở nhà vì mưa to nên không đến được trụ sở.
Tỉnh Quảng Bình đề nghị 15 tàu cao tốc và xe lội nước nhưng không thấy bóng dáng. Đề nghị chi viện hai chiếc trực thăng để tiếp tế cho hàng vạn người đang bơ vơ giữa biển nước, đề nghị buổi sáng, cuối chiều có nhưng một chiếc thiếu xăng, chỉ chở vài vị lãnh đạo tỉnh thị sát một vòng. Chiếc khác chở mì tôm thả giữa gió to, nhiều thùng rơi giữa đồng nước, bể tung tóe.
Cứu hộ cứu nạn như thế là quá chậm và ít hiệu quả. Cứu hộ cứu nạn trong thiên tai cũng như khi địch họa, có một nguyên tắc tối thượng là không trông chờ, ỷ lại mà phải khẩn trương, quyết liệt bằng mọi cách và mọi phương tiện trong tay. Công tác này chậm, phải chăng đã khiến số người chết, bị thương, mất tích tăng?
Thiệt hại sẽ chưa dừng lại. Khắc phục ngay lề thói chậm chạp trong cứu hộ cứu nạn phải đặt ra nghiêm túc trong lúc này.


Sáu Nghệ
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/Chuyen-Hom-Nay/514875/Nhanh-va-cham.html



Tâm thế lúc này...

  Lực lượng cứu hộ vùng lũ 'bó tay' 
  Ngổn ngang vùng lũ

TP - Giờ này, phút này, thời khắc này…, hàng vạn dân nghèo miền Trung đang cheo leo trên những mái nhà thoi thóp đỉnh lũ nước cuộn đục ngầu. Đói, khát, lạnh và sợ. Và đau đớn không khóc được khi chứng kiến quanh mình cảnh người trôi, của mất…

                      Nhiều xã ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chìm trong biển nước. Ảnh: Minh Thùy..

Tái hiện hình ảnh quặn lòng những đứa trẻ, bà mẹ già lập cập gặm miếng mỳ tôm vừa được cứu trợ giữa dòng lũ xiết. Tái hiện những chiếc quan tài dập dềnh bọt nước. Lềnh bềnh những mái tranh nơi cồn nổi sông Gianh. Như từng bắt gặp ở biết bao nơi suốt nhiều năm qua. Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Và nay là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị …
Tâm thế lúc này là hai chữ “cứu dân” xuất hiện với tần suất dày đặc trên báo chí và trên mạng suốt mấy ngày nay.
Tái hiện những chuyến ca nô chở hàng cứu trợ khẩn cấp trên từng đỉnh lũ, những chuyến trực thăng cứu hộ. Và hình ảnh những người lính.
Hôm qua, hàng trăm bộ đội đã liều mình lao xuống lòng hồ thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh để đẩy đuổi hàng ngàn cây gỗ hòng giảm sức công phá vào thân đập.
Sẽ không khóc nổi, khi hai vạn người dân sống dưới chân đập thủy điện này biết rằng họ vừa tạm thời thoát khỏi trận đại hồng thủy khủng khiếp khi trên 40 triệu mét khối nước treo trên đầu đã kịp thời được “tháo kíp”. Sau sự cố hỏng hóc khó tin, cuối cùng thủy điện này đã xả được lũ tránh vỡ đập. Nhà máy giữ được an toàn, thì nước lại ào xuống phủ lên nhà dân.
Tâm thế lúc này là hai chữ “ngao ngán”. Tại sao vẫn lại chuyện gỗ từ rừng ầm ầm lao xuống lòng hồ thủy điện công phá dữ dội từ trong ra kiểu những con ngựa thành Tơ Roa trong thần thoại Hy Lạp ? Gỗ ở đâu nếu không phải do lâm tặc đốn hạ rồi “thập diện mai phục”, như từng xảy ra với thủy điện A Vương ở Quảng Nam và nhiều nơi khác?
Nhắc tới A Vương, lại nhớ mới hôm qua người của thủy điện này than thở, rằng hồ tích nước đang tiệm cận với mực nước chết. Địa phương này mưa dầm dề từ hàng chục ngày qua vẫn không đủ để tích nước. Nhưng biết đâu chỉ vài hôm nữa lại tái hiện cảnh hung hãn của Hố Hô, như đã xảy ra ở mùa lũ trước.
Tâm thế lúc này là hai chữ “đồng bào”.
Nhớ trong một bài viết, nhà sử học Dương Trung Quốc kể, năm 1969, Hà Nội và cả miền Bắc bị trận lũ lụt lịch sử hoành hành với nhiều cảnh tang thương. Cuối tháng 8 năm ấy, trước khi qua đời không lâu, Bác Hồ cho gọi Thủ tướng và Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tấn đến bên giường bệnh báo cáo về việc ứng phó với lũ lụt. Rồi Bác dặn dò: “Nước đang lên to, chú Kỳ (Thư ký Vũ Kỳ) bảo Bác đi sơ tán lên chỗ cao nhưng Bác không đi đâu, Bác ở lại với dân, các chú đừng để lụt làm vỡ đê …”.
Xin dành chút tấm lòng và sự tương trợ từ Đại lễ hướng về người dân vùng đại lũ miền Trung. Sẽ chẳng có một dị nhân hay thiên sứ nào làm được điều này hết. Ngoài chính mỗi tấm lòng và lương tri chúng ta, những người đồng bào.

Trí Quân
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/514498/Tam-the-luc-nay.html