Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

La cà trên đất Mỹ - kỳ 2

(ANTĐ) - Sở Xã hội quận Fairfax, tiểu bang Virginia, nơi chị Hòa làm việc có tổ chức một bộ phận “Tình nguyện viên” (TNV) gồm những người có tâm, có đức, có điều kiện để giúp đỡ những người già yếu, cô đơn hoặc tàn tật không nơi nương tựa, hàng ngày không thể đi chợ và tự nấu ăn được, thì họ sẽ đem cơm đến tận nhà. Đã nhiều lần tôi theo chị Hòa đi đưa cơm cho họ.

Đi đưa cơm

Nhà hàng Hương Bình, trong siêu thị EDEN - một trung tâm buôn bán của người VN tại ngoại vi Washington đã nhận thầu toàn bộ công việc này với Sở Xã hội quận. Hàng ngày, Hương Bình nấu cơm rồi cho từng suất vào hộp xốp để những TNV đến nhận rồi đem đến cho các đối tượng theo danh sách đã đăng ký.
Mỗi suất cơm trị giá 7USD, người nhận cơm chỉ phải trả 1USD, còn 6USD Quỹ xã hội quận tài trợ ngày hai bữa. Tôi đã xem một suất cơm thấy có rau, thịt, đậu rán và cơm đựng trong một cái hộp hai ngăn, còn canh đựng riêng một hộp.
Đội quân TNV này khá đông, mỗi người đi một khu vực. Hàng ngày mỗi TNV đưa cơm cho từ 10 đến 12 người, có khi đến 14, 15 người. Trung bình mỗi lần đưa cơm mất 2 tiếng đồng hồ đi ôtô. Tôi hỏi chị Hòa: Tiền xăng xe ai chịu? Chị Hòa cười: Mình chịu chứ ai! Tôi rất cảm phục những TNV “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Có những TNV rất trẻ, những đôi tình nhân đang ở độ yêu đương cũng tình nguyện làm việc này. Nhiều người khi nhận cơm đã nghẹn ngào nói lời cảm tạ. Chị Hòa hỏi họ: Các bác ăn có được không? Có hợp khẩu vị không? Hầu hết họ đều khen cơm nóng, thức ăn ngon và không cầu mong gì hơn.
Ở Mỹ những người già yếu, cô đơn hoặc tàn tật không nơi nương tựa và những người nghèo thực sự không có nguồn thu nhập gì, mỗi tháng được Chính phủ trợ cấp 650USD, 1 phiếu mua lương thực, thực phẩm trị giá 100USD. Ngoài ra, ai cũng có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Ai không có nhà được Chính phủ cho thuê với giá chỉ 100USD/tháng, trong khi giá bình thường là 1.000USD/tháng.
Khi ốm đau cần đi viện thì gọi xe nhà thương đến đón, nếu đi taxi Nhà nước thanh toán tiền xe, viện phí hết bao nhiêu Nhà nước chịu cả. Cách đây mấy năm mẹ chị Hòa phải vào bệnh viện mổ tim hết hơn 100.000USD nhưng Chính phủ trợ cấp hết, gia đình không phải trả đồng nào.
Ở đây dịch vụ y tế vô cùng tốn kém, nếu không có bảo hiểm thì không thể chịu nổi. Chị nói vui: ở Mỹ, người nghèo và người già là sướng nhất vì không phải lo lắng gì cho cuộc sống cả. Tuy nhiên, nước Mỹ hiện nay vẫn còn tới 37 triệu người nghèo và 45 triệu người không được bảo hiểm y tế.

Chợ trời ở thành phố Fitchburg, Massachusetts, Mỹ

Người khuyết tật ở Mỹ

Theo thống kê cả nước Mỹ có 24 triệu người khuyết tật (NKT). Chính phủ trợ cấp cho mỗi người 800USD/tháng và tạo mọi điều kiện cho họ làm việc để có thêm thu nhập và hòa nhập với cộng đồng. ở Mỹ, NKT khi đi xin việc trong đơn chỉ cần ghi: Họ tên, tuổi, giới tính và khả năng hoàn thành công việc, chứ không cần ghi trình độ văn hóa, dân tộc, giai cấp, màu da hoặc tình trạng sức khỏe của bản thân.
Cơ quan hay công ty khi xét tuyển nếu thấy người đó có đủ năng lực hoàn thành công việc được giao thì tiếp nhận, không phân biệt đối xử. Các công ty thuê NKT làm việc sẽ được Nhà nước giảm tiền thuế nhằm khuyến khích họ sử dụng NKT vào những công việc thích hợp như tiếp thị, quảng cáo, dịch vụ điện thoại, đưa nhận hàng.v.v..
Hôm đến Sở Xã hội quận Farifax tôi thấy không ít người đi xe lăn đến làm việc, thậm chí có người đi ôtô đến làm việc mà lưng thì gù, người bé loắt choắt. Hỏi anh Thu tôi mới biết NKT ở Mỹ còn được phép lái xe ôtô. Các công ty xe hơi sẵn sàng cải tiến các bộ phận trong xe tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NKT khi lái xe vừa đảm bảo an toàn, vừa dễ điều khiển từ tay lái đến tay phanh...
Tôi chợt nhớ vừa qua ở ta bàn chuyện quy định những tiêu chuẩn cho người lái xe trong đó quy định cả chiều cao, trọng lượng, thậm chí quy định cả ngực lép hay phồng mới được lái xe thì thật khôi hài.
Xã hội Mỹ rất quan tâm đến NKT, các công sở, siêu thị, nơi công cộng, ở đâu người ta cũng bố trí cho NKT nơi để xe riêng, gần cửa ra vào nhất, ngay các nhà vệ sinh ở sân bay, ga xe lửa hoặc những nơi công cộng thì NKT cũng có nhà vệ sinh riêng...
Lên xe buýt, xe hỏa hoặc máy bay NKT luôn được quan tâm giúp đỡ. Hôm từ sân bay Washington về Hà Nội, vì sân bay quá lớn, đường đi từ nơi này đến nơi khác trong sân bay rất xa, ở tuổi tôi có quyền đề nghị được hỗ trợ bằng xe đẩy.
Làm thủ tục bay xong họ đem ngay một chiếc xe đẩy đến mời tôi ngồi vào, rồi một người đẩy xe, một người kéo va li hành lý giúp tôi đến tận cửa máy bay và suốt chuyến bay tôi đều được các nhân viên hàng không giúp đỡ tận tình.

Đi chợ

Ở Mỹ, đàn ông đi chợ mua thức ăn là chuyện bình thường, thậm chí Bộ trưởng ngày chủ nhật vẫn đi chợ. Thỉnh thoảng tôi lại theo anh Thu đi chợ mua thức ăn, vật dùng. Thực ra ở Mỹ tôi chẳng thấy có cái chợ nào như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm ở Hà Nội hay chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Đông Ba ở Huế.
Toàn là những siêu thị rộng mênh mông như sân bóng đá, trong đó bán đủ mọi thứ. Siêu thị EDEN - một trung tâm buôn bán của người Việt vùng ngoại vi Washington thì không có thứ gì VN có mà ở đây không có, thượng vàng, hạ cám có hết, từ mắm tôm, mắm tép, măng khô, măng tươi, măng chua, rau mùi, rau húng, su hào, bắp cải... đến các loại bánh rán, bánh giò, bánh dày, bánh chưng, bánh gai, bánh mật, bánh nếp, bánh tẻ, bánh xèo, bánh ú đến bánh tôm, bánh bột lọc, bánh phu thê...
Các món ăn VN cũng phong phú, muốn gì có nấy đủ các hương vị Bắc, Trung, Nam, nhưng giá cả nếu tính ra tiền VN thì chắc ít người dám ăn. Tôi và chị bạn vào ăn bữa trưa ở siêu thị EDEN, gọi một tô cơm, một bát canh chua nấu cá, một đĩa cá kho tộ, một đĩa rau cải xào mà hết 40USD, tính ra tiền VN là 680.000đ. Chị còn mua thêm hai khúc sắn luộc mỗi khúc dài khoảng một gang tay, to bằng cái chai nước khoáng nửa lít mà giá 2,5USD, bằng 42.000đ VN.
Mỹ là nước có nền kinh tế thị trường phát triển bậc nhất thế giới, giá cả hàng hóa được điều tiết theo thị trường, mỗi địa phương, mỗi cửa hàng và mỗi ngày giá cả đều có thể thay đổi, thí dụ: Khi giá dầu thô của thế giới ở đỉnh cao 147USD/thùng thì giá xăng ở Mỹ là 4USD một ga-lông (1 ga-lông tương đương 4 lít), nhưng khi giá dầu thô tụt xuống còn 34,35USD/thùng thì giá xăng của Mỹ chỉ còn 40xu/lít. Giá xăng ở VN thường cao hơn giá xăng ở Mỹ từ 10 - 20%.
Vào các siêu thị, cái làm cho tôi thú vị nhất chính là thái độ bán hàng của người Mỹ họ luôn nhã nhặn, niềm nở, lịch sự với khách hàng. Người mua tha hồ lựa chọn, chọn chán không mua thì thôi, thậm chí mua hàng rồi đem về nhà thấy không vừa ý lại đem trả, hoặc đổi cái khác họ vẫn vui vẻ đổi lại hoặc trả lại tiền, không bao giờ nhăn nhó, khó chịu. Phong cách bán hàng này tôi đã thấy ở Huế, ở Đông Hà... còn các chợ khác... thì rất bát nháo!
Các siêu thị ở Mỹ hay hạ giá, nhất là vào dịp cuối năm, những hàng hóa người tiêu dùng mua càng nhiều càng hạ giá. Có nhiều mặt hàng giảm tới 50 - 60%. Người già từ 65 tuổi trở lên còn được giảm thêm 15% nữa. Tôi mua một cuốn album giá đề 17USD, nhưng được giảm 60%, tôi là người già được giảm 15% nữa là 75%, cuối cùng tôi chỉ phải trả có 4,25USD.
Thấy vậy, tôi mua thêm một con mèo gài áo để tặng cô cháu gái giá 10USD, nhưng được giảm 75% chỉ còn 2,5USD, thậm chí sau khi được giảm 75% rồi mà số tiền mua hàng còn trên 50USD thì người mua lại được bớt thêm 10USD nữa. Cho nên người tiêu dùng Mỹ luôn chờ khi hàng hóa hạ giá mới mua. Thời khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, hàng hóa ở Mỹ càng giảm giá mạnh.
Chị Hòa mua một chiếc áo măng tô chỉ có 100USD nếu không giảm giá thì phải 500USD, cháu Bình mua một đôi giày 30USD, trong khi giá chưa giảm là 180USD, đúng là bán rẻ như cho, nhất là trong lúc nền kinh tế Mỹ đang bị suy thoái và khủng hoảng tài chính trầm trọng, tỷ lệ người thất nghiệp đã lên đến 6,7%, sức mua của người tiêu dùng Mỹ giảm rõ rệt, nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản, vì vậy để thu hồi vốn cho nhanh chắc là hàng hóa Mỹ sẽ còn giảm hơn nữa.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ G. Bush đã ký sắc lệnh chi 146 tỷ USD để hỗ trợ cho người dân Mỹ nhằm nâng cao sức mua của người tiêu dùng, người ít được 600USD, người nhiều được 1.200USD. Năm nay nghe nói ông Obama cũng có ý định làm như thế nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân trong cuộc khủng hoàng kinh tế toàn cầu này.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà