Trang blog này nhằm lưu lại những bài viết của chính tác giả hoặc của những tác giả khác đã viết và công bố trên các ấn phẩm chính thức, trên phương tiện truyền thông đại chúng, và trên mạng Internet, về những vấn đề Kinh Tế, Văn hoá, Xã hội, Y tế & Giáo dục đang cần tìm hiểu...lúc tuổi già. Không biết nói gì hơn, ngoài lời được xin phép và trân trọng cám ơn các bạn có bài đăng lại trên Blog này.
Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010
La cà trên đất Mỹ - kỳ 5
Một khẩu hiệu ở quận Cam
Tự động hóa, tự giác hóa và sự bình đẳng
Ở Mỹ, công nghệ tự động hóa được áp dụng khá rộng rãi trong sinh hoạt và giao dịch xã hội. Một lần đi theo chị Hòa đến nhà băng gửi tiền. Khi xe đến cạnh một cái cột, chị dừng xe, quay cửa kính xuống, thò tay ra lấy một cái ống nhựa hình tròn, rồi mở nắp bỏ vào đấy một tờ séc 4.000USD, chờ cho cái ống chuyển vào trong nhà, khi nó trở ra, chị Hòa lại cầm cái ống đó và mở nắp lấy ra biên lai nhận tiền của nhà băng. Tất cả chỉ mất có vài phút, không phải xuống xe, chờ đợi.
Việc áp dụng tự động hóa của các nhà băng khiến cho việc giao dịch giữa người gửi và người nhận không hề có liên hệ trực tiếp với nhau, tránh phiền hà, mất nhiều thời gian, nhưng quan trọng hơn là tránh được những tiêu cực có thể xảy ra. Tự động hóa đã được ứng dụng rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày từ việc mua hàng hóa ở các siêu thị đến việc giao dịch hành chính ở các công sở, khiến cho người dân yên tâm hơn, các viên chức Nhà nước cũng công khai, minh bạch hơn.
Bên cạnh sự tự động hóa là sự tự giác của người Mỹ trong các mối quan hệ xã hội. Mấy lần theo anh Thu đi siêu thị mua hàng, mua xong anh tự đến máy tính tiền và trả tiền, mua xăng cũng thế, tự động bơm xăng vào xe, tự tính tiền theo giá niêm yết rồi cho thẻ vào máy thanh toán rất nhanh chóng, chính xác.
Đi xe từ trong đường nhỏ ra đường lớn, mặc dù không có đèn tín hiệu giao thông, nhưng lái xe vẫn tự giác dừng lại quan sát, khi nào thấy không có xe chạy qua mới cho xe ra đường lớn. Khi đậu xe ở đường cũng tự giác bỏ tiền vào hộp đặt trên vỉa hè ngay sát mép đường. Nếu xe đậu quá thời gian mà không bỏ thêm tiền, khi cảnh sát đi kiểm tra phát hiện sẽ dán ngay phiếu phạt lên kính xe, chủ xe phải đem 50USD đến nhà băng nộp phạt, cảnh sát không cần gặp chủ xe, không cần lập biên bản.
Tự giác đã trở thành thói quen của người Mỹ, nhưng có được thói quen này cần phải có thời gian. Tự giác phải đi đôi với hình phạt và chính hình phạt nghiêm khắc có tác dụng giáo dục rất hiệu quả tính tự giác của con người.
Ngày 12-12-2008, báo Mỹ đưa tin: “Ông Obama, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ muốn cho con mình chuyển đến nhà khách Chính phủ (trong Nhà Trắng) ở sớm để tiện cho việc học hành đỡ vất vả, nhưng không được vì nhà khách đang có người ở”. Qua mẩu tin trên mới thấy quyền bình đẳng ở nước Mỹ được nghiêm chỉnh thực hiện như thế nào, đến Tổng thống cũng không được đặc quyền, đặc lợi, con Tổng thống cũng như con dân thường phải thuê khách sạn mà ở, chứ không thể chuyển người khác đi để cho con Tổng thống ở được.
Hoa Kỳ là một Hợp chủng quốc với 65% người da trắng, 12% người da màu, 23% người da vàng, da đỏ, da nâu, nhưng họ sống với nhau rất bình đẳng. Tôi đến Sở Xã hội quận Fairfax thấy những viên chức đến làm việc có đủ các màu da, có cả những người khuyết tật, nhưng thái độ của họ đối với nhau rất thân thiện, hòa đồng. Việc nước Mỹ bầu ông Obama, một người Mỹ da màu làm Tổng thống là đỉnh cao của sự đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử, khiến thế giới phải nể phục.
Đến quận Cam
Quận Cam thuộc thành phố Los Angeles, “thủ phủ” của người VN tại bang California, nơi có đông đồng bào VN định cư nhất ở Mỹ. Từ Washington phải mất 6 giờ bay, vượt quãng đường 4.800km mới tới California. Ngay từ khi đặt chân tới Mỹ tôi đã có ý muốn đến đây để tận mắt thấy cuộc sống của đồng bào mình khi ở xa quê hương, xứ sở.
Ngày 22-6-2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Mỹ đã có cuộc gặp với bà con Việt kiều ở đây. Khách sạn St Regis chật cứng người đến đón chào Chủ tịch. Bằng tấm lòng chân thành, Chủ tịch nói: “Chúng ta là người VN, dù quá khứ có thế nào đi nữa bây giờ hãy đoàn kết, yêu thương nhau bởi vì chúng ta cùng có chung một mẹ hiền VN. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng đất nước vững vàng và giàu mạnh”. Buổi nói chuyện nhiều lần bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay và cả những giọt nước mắt.
Quận Cam trước đây chỉ là một vùng đất khô cằn, hoang vắng, chỉ có một số người trồng cam. Nhưng từ sau tháng 4-1975, một số đồng bào VN sang định cư tại đây, dần dần ngày càng đông người tới sinh cơ lập nghiệp, trở thành một vùng dân cư đông đúc với hàng trăm ngàn người, làm đủ các ngành, nghề từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ, buôn bán, nhiều khu phố mới mọc lên, sầm uất, thu hút cả người Mỹ, người Mễ (Mê-xi-cô) đến làm ăn, sinh sống mà người Việt gọi họ là những “ngoại kiều”.
Các cửa hàng, cửa hiệu ở đây toàn viết biển hiệu bằng tiếng Việt như: Đặc sản Nam Bộ, Hủ tiếu Trường Sinh, Bánh Tôm hồ Tây, Bánh Xèo Huế, Đệ nhất Cơm tấm, nhà hàng Hà Nội v.v.., vào các siêu thị, các tiệm ăn đều của người VN cả, các xe buýt chạy trên đường cũng do nhiều người VN lái, ngay cả các trạm đợi xe buýt cũng làm theo kiểu dáng VN, Trung tâm thương mại Phúc - Lộc - Thọ lớn nhất ở đây cũng xây dựng theo phong cách VN.
Chiều hôm mới đến, chúng tôi vào ăn ở cửa hàng “Đệ nhất cơm tấm”, một bữa ăn thật ngon và rẻ, chỉ có 6,5 USD một suất, nếu ở Washington giá phải gấp đôi mà không thể ngon bằng ở đây, thật xứng đáng là “Đệ nhất...”. Khí hậu ở đây giống hệt Hà Nội, nên mùa đông mà cây cối vẫn xanh tốt. Nhà dân hầu hết đều một tầng, phần vì đất rộng, phần vì lo động đất nên rất ít nhà hai, ba tầng. Chúng tôi ở trong một gia đình Việt kiều quê Nam Định di cư vào Nam năm 1954, mới sang Mỹ năm 1991, gia đình có một cây quít trĩu quả, chín vàng như quít trồng ở Quảng Bá, Nhật Tân vậy.
Cả ngày dạo chơi trên phố Bolsa, một đường phố lớn mà hầu hết do người Việt kinh doanh buôn bán. Vào một tiệm cà phê, trong sân đỗ đầy xe con loại đắt tiền toàn là của người VN. Anh Thu nói nhỏ: Những loại xe xịn này nhiều người Mỹ phải mơ ước đấy. Đi dọc phố, chúng tôi thấy nhiều biểu tượng về đất nước được trang trọng dựng lên như: “Đoàn kết và phát triển”, hoặc những khẩu hiệu mang đậm tinh thần dân tộc được viết trên những tấm băng rôn lớn “Hoàng Sa, Trường Sa là của VN”. Dù sống nơi đất khách quê người nhưng đồng bào ta không bao giờ quên dân tộc, quên Tổ quốc.
Đi trên mảnh đất hoàn toàn xa lạ, những người tôi tiếp xúc chưa bao giờ quen, vậy mà sao thấy thân thiết, gần gũi như đi trên chính quê hương mình, như gặp lại những người từng sống với nhau như bè bạn.
Trưa ấy chúng tôi vào tiệm ăn “Hà Nội Restaurant”, là người Hà Nội, xa Hà Nội khá lâu, mấy hôm nay lại được sống với đồng bào mình ngay trên đất Mỹ vui quá. Khi bước vào tiệm, từ ông chủ đến nhân viên phục vụ đều nói tiếng Bắc, thái độ niềm nở, bài trí trong tiệm toàn phong cảnh Hà Nội từ tháp Rùa, chùa Một Cột, đến các bức tranh treo trên tường đều mang đậm chất văn hóa Thăng Long, tôi thật xúc động, nước mắt trào ra.
Cháu Chính đi cùng hỏi: Bác làm sao vậy? Tôi nghẹn ngào không trả lời được, cháu bảo: Mới có vậy mà bác đã xúc động rồi, nếu bác ở đây vào dịp Tết cổ truyền VN sắp tới, bác sẽ phải khóc nhiều”. Tôi hiểu ra rằng đồng bào mình dù đi đâu, ở đâu vẫn hướng về quê hương, đất nước nơi chôn nhau, cắt rốn của mình.
Buổi chiều đến thăm gia đình bác Từ. Năm 1990, bác đưa gia đình sang định cư tại Mỹ theo diện H.O, hiện nay hai bác sống bằng tiền Chính phủ Mỹ trợ cấp mỗi tháng 800USD/người. Tuy đã 72 tuổi nhưng dáng người vẫn chắc nịch, nhanh nhẹn và vui tính. Bác rất cởi mở khi tâm sự: “Tôi sang Mỹ chỉ vì tương lai của các cháu thôi ông ạ và mong các cháu sau này sẽ trở về góp phần xây dựng đất nước”.
Cơm nước xong, bác lấy xe ôtô đưa tôi đi xem khu Disney Town, một khu vui chơi, giải trí rất đẹp ở Los Angeles. Khi chia tay bác Từ hỏi tôi: ở bên nhà ông làm gì? Tôi trả lời làm giáo viên. Bác cười tế nhị rồi bắt tay tạm biệt.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà