Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Hàng loạt nhân sĩ kiến nghị tạm ngừng khai thác bô-xít...."Lũ bùn đỏ" tấn công hàng trăm hộ dân Cao Bằng

Tác giả: Anh Phương

Sau sự cố bùn đỏ ở Hungary, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều nhân sĩ - trí thức đã gửi thư lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiến nghị về dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.

Mời các bạn xem toàn văn thư kiến nghị của các nhân sĩ - trí thức TẠI ĐÂY.

Nghiên cứu lại tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên
Với tư cách "những người Việt Nam gắn bó với vận mệnh tồn vong của đất nước", bà Nguyễn Thị Bình và các nhân sĩ trí thức đã gửi thư tới Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Cùng kí tên trong thư với bà Bình còn có Thiếu tướng Lê Văn Cương, GS Hồ Ngọc Đại, nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, GS Chu Hảo, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nhà văn Nguyễn Khắc Mai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà văn hóa Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, nhà thơ Trần Việt Phương, Vũ Quần Phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Trung, TS Tô Văn Trường, GS Hoàng Tụy, và GS Đặng Hùng Võ.
Trong thư, bà Bình và các nhân sĩ trí thức "khẩn thiết yêu cầu" Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét lại việc khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Trên cơ sở "lường trước nguy cơ không thể kiểm soát nổi vấn đề bùn đỏ độc hại trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên", các nhân sĩ kiến nghị Đảng và Nhà nước "quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý; tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp với đối tác nước ngoài về nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông; tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học".

                            Thảm họa bùn đỏ Hungary. (Click để xem Videos)
Đồng thời đề xuất "nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên" trên cơ sở "lập một nhóm nghiên cứu độc lập (nhóm đặc nhiệm)". Nhóm này gồm những cá nhân có uy tín và có tâm huyết với đất nước trong giới các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và những người hoạt động xã hội độc lập, để tiến hành nghiên cứu toàn bộ vấn đề bô-xít Tây Nguyên.
"Những kết quả nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên của nhóm đặc nhiệm này sẽ được trình bày trước Quốc hội, đồng thời được đem trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước về đề tài kinh tế - xã hội vô cùng nhạy cảm này để quyết định", các nhân sĩ - trí thức viết.
Báo chí đưa tin chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa nhiều mỏ khai thác bô-xít trên lãnh thổ Trung Quốc để tránh thảm họa môi trưởng. Vì vậy, chúng ta có căn cứ để giải quyết vấn đề này với phía đối tác nước ngoài tham gia dự án.

Lời cảnh báo nghiêm khắc từ thảm hoạ bùn đỏ Hungary
Trong thư, các nhân sĩ nhắc lại tính "phi kinh tế, hủy hoại môi trường, để lại nhiều hệ quả khó lường về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, uy hiếp nghiêm trọng an ninh quốc phòng của quốc gia" của dự án bô-xít Tây Nguyên đã được giới khoa học chỉ ra trong các cuộc hội thảo tiến hành trong hai năm 2008, 2009.
Khả năng sinh lời trong khai thác bô-xít Tây Nguyên "không hiện thực, thậm chí hầu như chắc chắn là lỗ". Vấn đề vận tải và cảng cho việc sản xuất, xuất khẩu alumina hiện tại và trong vài năm tới "hoàn toàn bế tắc chưa thể giải quyết". Nhà máy sản xuất alumina Tân Rai nếu làm xong, cũng có thể có nguy cơ phải nằm đắp chiếu một thời gian.
Hơn nữa, "việc sản xuất ra alumina với khối lượng vài triệu tấn/năm là quá nhỏ so với thị trường bô-xít/nhôm trên thế giới và trong thực tế chỉ có thể bán được cho một thị trường duy nhất là Trung Quốc,... tạo thêm nguy cơ phụ thuộc kinh tế và chính trị rất bất lợi cho đất nước".
Vả lại, "cứ sản xuất một tấn nhôm sẽ tạo ra 3 tấn bùn thải có chứa hóa chất độc hại, càng sản xuất nhiều đòi hỏi phải có hồ chứa bùn đỏ càng lớn, nguy cơ thảm họa môi trường càng hơn".
"Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên", các nhân sĩ viết trong thư.
"Không thể hình dung nổi nguy cơ thảm họa môi trường của một hồ chứa bùn đỏ hàng triệu hay hàng chục triệu m3 treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai và Bắc Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ...".

"Các hồ chứa bùn đỏ sẽ là những quả bom độc treo trên đầu hàng chục triệu người với tai họa khôn lường", lá thư lưu ý. Đó là chưa kể, "khả năng quản lý, thực thi pháp luật, lực lượng vật chất kĩ thuật phòng chống thiên tai của ta chưa thể so sánh với Hungary".

Trách nhiệm tuyệt đối với vận mệnh quốc gia
Từ những phân tích khoa học, các nhân sĩ cho rằng, việc tạm ngưng khai thác bô-xít và nghiên cứu tổng thể lại toàn bộ vấn đề bô-xít Tây nguyên "là phương án an toàn nhất, có thể giúp đất nước có đủ thời gian tìm ra những phương án tối ưu trong việc xem xét vấn đề bô-xít Tây Nguyên nói riêng và cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung".
Nhìn lâu dài về tổng thể, đây còn là phương án tốt nhất, kinh tế nhất và toàn diện nhất, với nghĩa các tổn thất được tạm hủy ngay hoặc thậm chí có khi phải đi tới kết luận sẽ phải hủy hoàn toàn việc khai thác bô-xít Tây Nguyên.
Theo các nhân sĩ - trí thức, thực hiện thỉnh cầu này đồng nghĩa với việc phải thực hiện "một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế Việt Nam và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế phải chịu đựng, nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ".
Nhưng "dù sao, sẽ vẫn còn rẻ hơn cái giá phải trả không thể lường hết được và thậm chí không thể cứu vãn được cho những hệ quả và thảm họa có thể xảy ra", các nhân sĩ viết trong thư.
"Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối với vận mệnh quốc gia" của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, cùng "sự thông cảm" của nhân dân cả nước "mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này", các nhân sĩ nhấn mạnh.
Hiện nay, đã có hơn 1500 người cùng kí tên vào thư kiến nghị này.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-10-21-hang-loat-nhan-si-kien-nghi-tam-ngung-khai-thac-bo-xit


Kiến nghị dừng khai thác bauxite do các nhà trí thức khởi xướng phải được công bố cho toàn dân và Quốc hội


Lê Hiếu Đằng


clip_image001Luật gia, nguyên Phó Tổng Thư ký UB TƯ Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình VN, nguyên Phó Chủ tịch MTTQVN TPHCM. Hiện là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc UBTƯMTTQVN

Theo dõi hoạt động của Quốc hội những ngày qua, tôi rất đồng tình với việc vụ Vinashin đã được đưa ra nghị trường, nhiều đại biểu đã quy rõ và quy đúng trách nhiệm: chính Thủ tướng Chính phủ, người trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chịu trách nhiệm cuối cùng về con tàu sắp chìm này.
Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn vì có hai vấn đề chưa được Quốc hội đề cập thỏa đáng: việc cho thuê đất rừng đầu nguồn và đại dự án bauxite. Mà đây lại là hai vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Nếu sụp đổ Vinashin chỉ là chuyện mất tiền, dù là tiền tỷ (đô la), thì hai vấn đề sau là chuyện môi trường sinh thái, tác hại lâu dài, và nghiêm trọng nhất, là chuyện an ninh quốc phòng, an nguy quốc gia.
Hôm nay tôi thấy cần phải lên tiếng thêm về vụ bauxite.
1/ Là một trong những người ký tên rất sớm vào Kiến nghị dừng khai thác bauxite ở cả hai lần, lần đầu do ba nhà trí thức Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, lần hai do 13 nhà trí thức thuộc tổ chức IDS cũ và nhóm Bauxite Việt Nam khởi xướng, tôi thấy nội dung kiến nghị, đặc biệt là Kiến nghị lần hai gồm 5 điểm rất rõ ràng, thuyết phục. Kiến nghị này được đăng tải công khai, minh bạch, cho đến nay đã thu được gần 3000 chữ ký, trong đó có nhiều nhà khoa học, trí thức đầu đàn, nhiều bậc lão thành cách mạng, quan chức, tướng lĩnh, nguyên lãnh đạo cấp cao, có Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, có nhà toán học Ngô Bảo Châu – niềm vinh dự của trí tuệ Việt Nam, người vừa được Thủ tướng tiếp và đặc biệt cấp nhà (ông Ngô Bảo Châu không những đã ký tên cả hai lần, mà còn gửi một lá thư riêng cho các vị lãnh đạo đất nước đề nghị ngưng dự án).
Một Kiến nghị quan trọng như thế phải được công bố rộng rãi để mọi đại biểu Quốc hội và toàn dân biết. Như thế là cung cấp thông tin đa chiều để các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân lựa chọn. Đại biểu và nhân dân phải có điều kiện đối chiếu những luận điểm bênh vực khai thác bauxite của Bộ Công Thương và tập đoàn TKV với những luận điểm phản biện của các trí thức trong Kiến nghị để suy nghĩ và rút ra kết luận.
Tôi xin thẳng thắn đặt câu hỏi: Có ai đã ngăn cản các phương tiện truyền thông công bố kiến nghị trên? Nếu có, thì đó là tước quyền được thông tin của nhân dân – quyền được hiến pháp và pháp luật bảo hộ, như thế người ngăn cản đã vi phạm pháp luật của nước CHXHCNVN.
Nếu không phải như thế, thì tôi xin hỏi giới nhà báo nước ta: Tại sao các bạn phải sợ mà không dám đăng tải một kiến nghị có tầm quan yếu đến vận mệnh dân tộc, đã được lưu truyền khá lâu trên nhiều mạng, đã được chính thức gửi tới Quốc hội? Như thế có phải các bạn đã từ bỏ cái quyền quan trọng nhất của mình và cũng là yêu cầu cao nhất của nhân dân với các bạn: thông tin trung thực những gì liên quan đến lợi ích của người dân? Tôi tin rằng tờ báo nào mạnh dạn đăng tải Kiến nghị nói trên sẽ chẳng bị ai bắt tù, ngược lại sẽ được nhân dân quý trọng.
2/ Bản kiến nghị đã nêu rõ mối lo về hiệu quả kinh tế, tác hại môi trường của Dự án Bauxite. Tôi muốn xin nhấn mạnh thêm về mặt an ninh quốc gia mà tôi nghĩ có thể vì sự “tế nhị” nào đó đã chưa được đề cập thỏa đáng trong Kiến nghị. Nhất là khi liên kết chuyện khai thác bauxite với việc cho thuê đất rừng đầu nguồn.
Trong việc xây dựng các nhà máy bauxite, ta thấy nhân công Trung Quốc vào rất đông. Thậm chí có hiện tượng hình thành “làng Trung Quốc” ở Tân Rai. Chúng ta không thể không đặt những câu hỏi: Trong số nhân công đó, có bao nhiêu quân nhân mặc áo dân sự? Họ làm gì ở đấy chúng ta có kiểm soát được không? Các chuyên gia Trung Quốc xây dựng nhà máy liệu có đủ thiện chí đảm bảo an toàn lâu dài cho việc khai thác bauxite, hay biết đâu họ không “gài” một khuyết tật nào đó để khi “có chuyện” nó sẽ trở thành một áp lực chính trị cho nhà nước ta?
Đặt những câu hỏi như trên không phải là quá đa nghi, mà xuất phát từ tinh thần cảnh giác có cơ sở. Vâng, lịch sử quan hệ Việt – Trung buộc chúng ta phải cảnh giác. Bản chất, mưu toan bá quyền của người hàng xóm khổng lồ không hề thay đổi. Những tư liệu gần đây được công bố chỉ ngày càng cho ta thấy rõ hơn bản chất đó. Và ngay trước mắt là vấn đề Biển Đông. Chưa nói đến hiểm họa về sông Mê Kông không xa. Tất cả đều nằm trong âm mưu bá quyền.
Tôi tiếp xúc với nhiều tướng lĩnh, tâm tư các vị rất không yên, các vị rất lo lắng cho sự an nguy của đất nước trước âm mưu xâm thực tinh vi của nước ngoài qua con đường kinh tế. Và cả những người dân bình thường, hầu như ai cũng lo ngại, cũng cảnh giác. Trong khi đó, hình như tinh thần cảnh giác của các vị lãnh đạo lại khá hời hợt, cho nên mới để lọt những chủ trương nguy hiểm như khai thác bauxite, cho thuê rừng đầu nguồn.
Tại sao có thể như thế? Tôi không sao trả lời được câu hỏi này. Có phải các vị chỉ chạy theo lợi ích kinh tế mà quên mối lo an nguy lâu dài của đất nước? Có phải các vị bị chi phối bởi các tập đoàn kinh tế? Đây là lúc các vị phải trả lời rõ ràng để giải tỏa những băn khoăn chính đáng của người dân.
3/ Tôi mong mỏi các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ hai vấn đề nghiêm trọng nhất: bauxite và cho thuê rừng đầu nguồn, đừng để bị lạc hướng vì những chuyện khác.
Nhân đây tôi cũng xin qua mạng Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ những đồng chí đã từng sát cánh chiến đấu với tôi ở nội thành Sài Gòn – Gia Định, các chiến trường miền Đông Nam Bộ, ven Sài Gòn… Đó là các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải. Mong các đồng chí lên tiếng đấu tranh để ngăn chặn những nguy cơ cho đất nước như Dự án Bauxite và việc cho thuê rừng đầu nguồn nói trên.
Tôi cũng muốn nhắn với đoàn đại biểu Quốc hội của TPHCM là tôi rất buồn vì trong đoàn không có ai lên tiếng thẳng thắn về những chuyện nghiêm trọng như trên. Thử hình dung nếu bùn đỏ bauxite đổ xuống thì cả vùng Đông Nam Bộ, TPHCM sẽ nguy ngập thế nào? Tương lai con cháu chúng ta sẽ ra sao?
4/ Đã đến lúc tất cả chúng ta, cán bộ, Đảng viên, nhân dân, phải có ý kiến, không thể nhân nhượng, không thể dĩ hòa vi quý với cái sai, cái nguy hại cho đất nước, cho dân tộc. Chúng ta không có gì phải sợ, vì chúng ta trong sáng, chúng ta thực tâm yêu nước thương nòi, chúng ta làm đúng theo luật pháp, hiến pháp.
Bản thân tôi cũng có những lúc hơi e ngại khi cần lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải. Những lúc ấy tôi tự nhắc mình: khi bị Toà án Vùng 3 Chiến thuật Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt, mình vẫn coi khinh, vẫn mỉm cười và dấn thân chiến đấu, thì cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?

L. H. Đ.




"Lũ bùn đỏ" tấn công hàng trăm hộ dân Cao Bằng


Đêm 5/11, “cơn lũ bùn đỏ” bất ngờ ập đến, vùi lấp hàng chục ha ruộng lúa, hoa màu và tràn vào làm ngập một số nhà dân ở xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng.
Lũ bùn xuất hiện do sự cố vỡ đập chắn nước thải tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng (thuộc Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng).
Sáng 6/11, con đường vào xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng tràn ngập toàn bùn đất, hàng chục người và xe máy dồn tắc vì không qua được dòng suối nhỏ đã bị bùn đỏ đặc quánh ngập quá đầu gối.
Cạnh đó, một chiếc máy xúc đang cố gắng dùng gàu gạt dòng bùn đỏ quặch, đặc sánh để thông đường cho dân đi lại. Dọc hai bên bờ suối dài khoảng 2 km, bùn đỏ đã tràn ngập khắp những cánh đồng lúa và hoa màu, vùi lấp giếng nước của dân.
Chị Mã Thị Bạch, xóm Nà Kéo cho biết tối hôm qua, không biết bùn từ đâu tràn vào đầy nhà. Nhiều nhà dân khác tại xóm Nà Kéo cũng bị bùn đỏ tràn vào nhà, hoặc vùi lấp chuồng trại của gia súc, ao vườn…
Đến xóm 4 Nà Gà, xã Duyệt Trung, ông Nguyễn Văn Túc đang cố gắng dùng xẻng xúc đống bùn dày đặc đang bám đầy sân và giếng nước. Ông cho hay, những hộ dân sống gần bờ suối đã bị bùn đỏ vùi lấp hết ruộng đất ven suối. Không riêng gì gia đình ông Túc, chị Bạch mà khu vực này còn rất nhiều hộ dân bị thiệt hại bởi lũ bùn như hộ Nông Văn Ngân, Nông Văn Tuyến, Lương Văn Tòng, Hoàng Văn Hoà, Hoàng Văn Quang...
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng cho biết: Đây không phải lần đầu tiên tình trạng này xảy ra. Chính quyền thị xã đã yêu cầu xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng phải có trách nhiệm phối hợp với người dân để sớm khắc phục hậu quả do cơn lũ bùn này gây ra. Xí nghiệp này cũng phải có biện pháp khử độc do bùn thải công nghiệp gây ra, đồng thời có chính sách bồi thường cho các gia đình bị thiệt hại.
Mỏ quặng Nà Lũng được đưa vào khai thác những năm 1990. Quặng sắt sau khi được đào bới sẽ được phun nước rửa sạch. Sau đó, nước thải chảy xuống, lắng bùn tại những cái đập lớn. Hiên nay có 4 đập chắn nước thải, đập chắn số 4 là đập cuối cùng trước khi nước xả ra suối.
Theo những người dân sinh sống lâu năm ở đây, dòng suối này trước kia vốn trong xanh, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho cả vùng, nhưng từ ngày xí nghiệp khai thác quặng đi vào hoạt động, con suối bỗng trở nên đỏ quặch, không những không thể dùng sinh hoạt mà đến cả cá tôm cũng chết sạch. Điều đáng nói hơn, con suối này còn chảy ra Sông Bằng - nơi cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhiều cư dân ven sông.
                                     Máy xúc đang khẩn trương gạt bùn thông đường cho dân


                                       Bùn đỏ ngập đường khiến việc đi lại hết sức khó khăn


                                              Ngôi nhà của Chị Bạch ngập sâu dưới bùn đỏ


                               Nhiều đất đai hoa màu của dân bị bùn đỏ phủ dày hàng mét


                       Ông Nguyễn văn Túc đang cố gắng nạo vét bùn ra khỏi giếng nước


                       Một trong những đập chắn thải của xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng.

Yến Thanh