Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

La cà trên đất Mỹ - kỳ 4

(ANTĐ) - Ở thành phố New York có bức tượng Nữ thần tự do cao nhất, đẹp nhất, nổi tiếng nhất nước Mỹ, mà bất cứ ai đến thăm Hoa Kỳ cũng đều muốn chiêm ngưỡng. Tượng đúc bằng đồng nặng 225 tấn, cả tượng và đế cao 96 mét. Trên đầu có những tia sáng mặt trời, tay phải giương cao ngọn đuốc Tự do, tay trái cầm bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Tượng được xây dựng năm 1886 do nước Pháp tặng nhân kỷ niệm 110 năm ngày Hoa Kỳ tuyên bố độc lập (4-7-1776).

Năm 1913, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã tới đây. Sau khi đứng ngắm nhìn bức tượng, Bác đã ghi vào sổ vàng: “Trên đầu tượng Thần Tự do tỏa ánh sáng tự do nhưng dưới chân tượng Thần Tự do là những kiếp người nô lệ. Bao giờ người da đen được bình đẳng như người da trắng đây?”. Kính thưa Bác, sau 95 năm Bác ghi những dòng này, nước Mỹ đã có một Tổng thống da màu đầu tiên là ông Obama. Đây là một bước tiến khổng lồ, làm cho nước Mỹ lớn thêm một chút, khi sự phân biệt chủng tộc đã lùi vào quá khứ.


Đường làng ở Mỹ

Vệ sinh, môi trường

Không gian trong các thành phố lớn ở Mỹ khá trong lành, người Mỹ chịu khó trồng cây và chăm sóc cây chu đáo. Xung quanh vùng Thủ đô Washington là những dãy đồi lúp xúp, với các loại cây rừng mà người trồng có chủ định để mùa xuân ra hoa, mùa thu thay đổi màu sắc từ xanh sang vàng, sang đỏ hoặc màu mận chín trông rất đẹp mắt. Các nhà ở đều cách xa nhau, những nhà ở gần đường lớn hoặc xa lộ thì Nhà nước xây tường cao hoặc trồng cây để ngăn cách tiếng ồn.
Ở Mỹ, nhà mặt đường rẻ hơn nhà xa đường, vì không ai buôn bán trên đường phố như ta, tất cả đều vào siêu thị, trừ một vài đường phố của người Hoa, họ có cửa hàng ngay tại nhà nhưng rất trật tự, không bày ra vỉa hè. Đường phố sạch sẽ, không có bụi bẩn, không ai vứt rác ra đường. Mỗi nhà có 2, 3 thùng đựng rác. Rác được phân loại ngay từ trong gia đình và quy định rõ từng ngày trong tuần xe đến lấy loại rác gì để từng nhà đem sẵn ra đường, rồi xe chở thẳng đến nhà máy xử lý ngay.
Người Mỹ ăn, ở rất sạch sẽ nhất là nơi đại, tiểu tiện. Trong gia đình nhà vệ sinh sạch sẽ là đương nhiên, nhưng ở những nơi công cộng, nhà vệ sinh cũng hết sức sạch sẽ, không thấy mùi xú uế. Tôi đã có dịp vào tham quan lâu đài Capiton - Trụ sở Quốc hội Mỹ, các bảo tàng quốc gia, siêu thị, tiệm ăn... ở đâu nhà vệ sinh cũng giống nhau về mức độ sạch sẽ và sự tự giác giữ gìn của người sử dụng.
Trên các xa lộ, cứ khoảng 2 giờ xe chạy lại có một trạm nghỉ để lái xe, hành khách ăn uống, mua hàng lưu niệm hoặc chỉ để đi vệ sinh. Chị Hòa kể: Có một lần về thăm VN, khi qua Huế, một nữ du khách muốn đi đại tiện quá mà không có nơi nào để giải quyết, đành phải nghiến răng, chịu nhục đi ngay ra vệ đường, mặc cho trẻ em đứng nhìn, đi xong cô vô cùng xấu hổ rồi lấy giấy đậy lại. Chắc rằng cô ấy sẽ chẳng bao giờ dám đến VN du lịch nữa. Lại có một vị khách nước ngoài khi ra Hà Nội cứ thắc mắc: Không hiểu vì sao thỉnh thoảng lại có những người đàn ông đứng úp mặt vào tường???
Tôi vô cùng xấu hổ trước những câu chuyện như thế. Được biết ngành Giao thông nước ta đang xây dựng những trạm nghỉ trên đường như thế. Thật mừng.


Tác giả bên tượng Nữ thần tự do

Đến thăm gia đình của cựu... con dâu

Cháu Hồ Thị Dũng, con dâu tôi trước đây, sau cuộc hôn nhân với con trai tôi đổ vỡ, đã kết hôn với một người Mỹ tên là Jê-ri cũng đã từng đổ vỡ hôn nhân. Cháu mang theo hai con riêng - cháu nội tôi, sang Mỹ sinh sống với người chồng mới ở thành phố Lansing, thủ phủ bang Michigan, miền Bắc nước Mỹ, cách Washington hơn 1.000km. Hai vợ chồng đã mời tôi đến thăm gia đình và các cháu nội.
Ngôi nhà các cháu ở trông giống như nhà cấp 4 của ta, chỉ có 2 phòng ngủ, một phòng khách, nhưng tiện nghi đầy đủ. Hai vợ chồng đi làm mà có 3 chiếc ôtô. Hóa ra một chiếc dành cho cháu Lâm (cháu nội lớn của tôi) sắp đủ 18 tuổi có xe đi học đại học. Xe ôtô ở Mỹ không đắt như ta. Một chiếc ôtô đã qua sử dụng nhưng còn khá tốt giá chỉ khoảng 4.000 - 5.000 USD, lại mua trả góp nên ai cũng có thể mua được. Lương của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 6.000USD, trừ tiền ăn, tiền thuế, tiền trả góp mua nhà, mua ôtô, mua bảo hiểm, tiền đóng thuế thu nhập... mỗi tháng còn khoảng 2.000USD.
Tôi hỏi tình hình học tập của các cháu, Jê-ri kể cho tôi nghe: Cháu Mạnh Lâm, Mạnh Hải học rất giỏi. Vừa qua kiểm tra học kỳ Mạnh Lâm (lớp 11) thi 6 môn được 5 điểm A, 1 điểm B xếp loại giỏi; Mạnh Hải học lớp 8 thi 6 môn được 6 điểm A xếp loại xuất sắc đứng đầu lớp. Cô giáo khen cháu Hải học giỏi hơn các bạn Mỹ, cô mong trong lớp có nhiều học sinh giỏi như Hải.
Ở Mỹ, học sinh phổ thông được miễn học phí hoàn toàn, sách vở và đồ dùng học tập nhà trường cung cấp, gia đình không phải đóng góp bất cứ khoản gì. Hằng ngày có xe buýt của trường đưa đón học sinh tận nhà. Các em đi học không phải mang sách vở, vì ở trường mỗi học sinh đều có một tủ riêng để sách vở và đồ dùng học tập. Nghĩ mà thương các cháu tôi ở nhà, hàng ngày phải lễ mễ mang một ba lô sách vở nặng trịch đến trường.
Ở Mỹ cũng có học thêm, dạy thêm như ta nhưng mục đích và phương pháp thì khác hẳn. Học sinh kém môn nào thì giáo viên dạy thêm môn đó, dạy ngoài giờ ngay tại lớp sau giờ học chính thức, mỗi tuần dạy thêm một số buổi tùy theo học lực của các em và không lấy tiền bồi dưỡng của học sinh.
Chính phủ Mỹ luôn khuyến khích phát triển tài năng của học sinh, em nào học giỏi, muốn vượt lớp, vượt cấp, học trước tuổi đều được, ngược lại khi tự thấy học lực kém muốn học lại cũng được, miễn sao đảm bảo học thực chất, thi thực chất. Việc thi cử ở Mỹ không nặng nề, tốn kém như ta, thậm chí có trường đại học tuyển sinh tự do, ai có đủ năng lực, đủ tiền thì vào học, cái quan trọng là anh học như thế nào, học xong rồi có xin được việc làm không? Học phí cấp đại học ở Mỹ khá cao, vì hầu hết các trường đại học thuộc tư nhân. Đại học Harvard nổi tiếng thế giới cũng của tư nhân. Cho nên dân Mỹ tuy giàu nhưng việc cho con vào đại học không phải dễ.
Một trong những hình thức khuyến khích học sinh học giỏi là tặng học bổng. Cháu Hải ngoài việc năm nào cũng đứng đầu lớp, còn rất cố gắng tham gia hoạt động thể thao, thể dục của nhà trường, chiều nào cũng ở lại tập thêm bóng đá, bóng rổ. Nhờ học giỏi và thi đấu thể thao giỏi nên cháu được Hội đồng nhà trường thưởng hai năm học bổng đại học. Cháu nói với tôi sẽ cố gắng để lên cấp III sẽ được thưởng hai năm học bổng đại học nữa để sau này học 4 năm đại học gia đình sẽ không phải đóng góp học phí.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà