Trang blog này nhằm lưu lại những bài viết của chính tác giả hoặc của những tác giả khác đã viết và công bố trên các ấn phẩm chính thức, trên phương tiện truyền thông đại chúng, và trên mạng Internet, về những vấn đề Kinh Tế, Văn hoá, Xã hội, Y tế & Giáo dục đang cần tìm hiểu...lúc tuổi già. Không biết nói gì hơn, ngoài lời được xin phép và trân trọng cám ơn các bạn có bài đăng lại trên Blog này.
Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010
La cà trên đất Mỹ - kỳ 3
Đường hầm qua biển ở New York
Đường sá ở Mỹ
Tôi biết nước Mỹ có hệ thống đường sá hiện đại bậc nhất thế giới và có tổng chiều dài các xa lộ lớn nhất thế giới. Đặt chân lên đất Mỹ, ấn tượng đầu tiên của tôi khi ra khỏi sân bay quốc tế Washington là những con đường nhựa phẳng lì, đen nhánh với những vạch sơn trắng toát trên mặt đường, chỗ hẹp nhất cũng 6 làn xe, chỗ rộng nhất là 12, 14 và 16 làn xe, dọc đường rất nhiều biển báo hướng dẫn đường đi cho lái xe.
Trừ khi vào thành phố, còn ngoài xa lộ không bao giờ có đèn tín hiệu giao thông. Không có ngã ba, ngã tư mà toàn cầu vượt. Tốc độ xe trên xa lộ trung bình từ 70 đến 74 dặm Anh (112 đến 118km/h), nếu chạy quá quy định sẽ bị cảnh sát hỏi thăm ngay, nhưng nếu chạy chậm quá cũng bị cảnh sát nghi ngờ.
Anh Thu kể, có lần đi xa, muốn đi vừa phải để giữ sức nên chỉ chạy 80km/h. Cảnh sát đi sau thấy anh chạy xe như thế, họ theo dõi một quãng đường khá dài vẫn thấy thế, liền nháy đèn ra hiệu cho anh Thu dừng xe, rồi vượt lên hỏi:
- Sức khỏe ông có tốt không?
- Rất tốt
- Ông có buồn ngủ không?
- Không
- Ông có cần một ly cà phê cho tỉnh táo không?
- Không cần
- Vậy mời ông đi, chúc ông bình yên.
Cảnh sát Mỹ rất lịch sự, luôn quan tâm đến người chạy xe trên đường và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết. Dân Mỹ rất sợ cảnh sát, nhưng cũng rất kính trọng cảnh sát vì họ rất nghiêm, không nhũng nhiễu, không gây phiền hà cho dân. Gần ba tháng ở Mỹ, đi khá nhiều nơi, nhưng tôi rất ít khi gặp cảnh sát trên đường phố, nhưng nếu anh vi phạm họ sẽ có mặt ngay tức khắc.
Nhằm đảm bảo an toàn cho lái xe, ở mép đường họ làm những gờ nhỏ liên tiếp để nếu lái xe buồn ngủ đi chệch ra mép đường thì xe sẽ rung lên rất mạnh làm lái xe tỉnh ngủ tránh tai nạn.
Người lái xe ôtô ở Mỹ rất tự giác tuân thủ luật giao thông, không dám uống rượu khi lái xe, nếu cảnh sát phát hiện người lái xe có mùi bia rượu sẽ phạt rất nặng, thậm chí trên xe ôtô cũng không được mang theo bia rượu.
Cảnh sát giao thông tại Manhattan, khu vực sầm uất nhất của thành phố New York, Mỹ
Người Mỹ thích dùng ôtô tương đối to để chở được nhiều người, có khi cả gia đình cho đỡ tốn xăng. ở Washington có hẳn những làn đường ưu tiên dành cho những xe chở từ 3 người trở lên được đi giữa đường trong giờ đi làm, hoặc giờ tan tầm không bị ùn tắc để vừa đỡ tốn xăng, vừa tiết kiệm thời gian. Vì vậy có nhiều người đi làm đứng ở đường chờ đi nhờ xe vào nội thành và người có xe sẵn sàng cho đi nhờ để được đi vào đường ưu tiên.
Mặc dù vậy, tai nạn giao thông ở Mỹ vẫn rất kinh hoàng, trung bình hàng năm có khoảng 40.000 người chết và hàng chục nghìn người khác bị thương.
Máy định vị toàn cầu
Hệ thống đường bộ ở Mỹ rất khoa học nhưng vô cùng phức tạp, nhiều chỗ như trận đồ bát quái, cho nên phần lớn lái xe phải dùng đến máy “định vị toàn cầu” mà tôi quen gọi là “máy chỉ đường”, nếu không có nó lái xe sẽ rất dễ bị lạc.
Nó chỉ bằng một bàn tay nhỏ, nhưng trong đó chứa những dữ liệu về giao thông trên đường đi. Khi xe chuẩn bị chuyển bánh, người lái xe chỉ việc đưa dữ liệu vào máy như: Số nhà, đường phố, hoặc địa điểm sẽ đến rồi ấn nút, màn hình của máy sẽ hiện lên sơ đồ đường đi, mũi tên chỉ đường, độ dài của đường, thời gian xe chạy và thời gian đến nơi.
Khi xe sắp đến ngã ba, ngã tư máy sẽ báo trước và nói rõ đi thẳng, hay rẽ trái, rẽ phải. Nếu chẳng may đi lạc đường thì lập tức máy nói ngay “sẽ điều chỉnh”, và đưa lái xe ra đường khác để tới đích. Nếu có hai con đường cùng tới đích thì máy đưa ra hai phương án để lái xe lựa chọn: Một đường ngắn, nhưng tốc độ xe phải đi chậm, một đường dài nhưng tốc độ xe đi nhanh hơn.
Những lúc xe đi vào phố, hay vào các khu chung cư có nhiều đường ngang, ngõ dọc nhưng máy đều chỉ rất chính xác. Có một lần anh Triệu Quốc Hân, một người bạn chí thân của tôi quê ở Hà Tây đưa tôi đi thăm cháu nội ở bang Michigan, cực bắc Hoa Kỳ, giáp giới Canada.
Quãng đường từ Washington đi Michigan dài gần 1.200km, lại chưa đi lần nào, nên phải trông cậy vào máy chỉ đường. Xe vun vút lao nhanh với tốc độ 120km/h, khi còn cách nhà cháu tôi chừng 300km, máy báo 7 giờ 01 phút sẽ đến nơi. Trời hơi mưa, lại tối, nhưng anh Hân vẫn giữ nguyên tốc độ, đúng 7 giờ tôi tới nơi, chỉ sớm hơn 1 phút.
Xem in tiền đô la Mỹ
Chắc không nước nào trên thế giới lại cho dân và du khách nước ngoài vào xem in tiền như Mỹ, bởi in tiền thuộc bí mật quốc gia.
Nhà máy in tiền khá đồ sộ, nằm giữa trung tâm Thủ đô Washington. Vừa qua cửa là mọi người phải cởi áo khoác, cởi giày, bỏ tất cả đồ dùng kim loại từ máy ảnh, điện thoại di động, chìa khóa xe... vào một cái khay rồi cho chạy qua máy kiểm tra, người cũng phải kiểm tra bằng máy cẩn thận y như lên máy bay. Sau đó, được mời ngồi nghe giới thiệu quá trình sản xuất ra một tờ USD như thế nào bằng hình ảnh.
Các loại tiền trên thế giới và Việt Nam nếu mệnh giá khác nhau thì màu sắc, kích thước cũng khác nhau. Nhưng đồng USD thì hoàn toàn khác, mệnh giá khác nhau, nhưng tất cả màu sắc, kích cỡ đều giống nhau. Điều làm tôi thú vị là về quá trình làm ra nó, đồng USD ta nhìn thấy thường chỉ có từ 2 đến 3 màu, nhưng thực ra nó có đến 13 màu khác nhau mà mắt thường ta không nhìn thấy hết được. Giấy in đồng USD là một loại giấy đặc biệt được nén dưới áp lực 100kg/cm2 nên rất dai khó rách nát.
Chúng tôi đi xem cái máy nén, rồi máy thử độ dai, độ bền của tờ tiền, có thể gấp đi, gấp lại tới 4.000 lần không rách, ngâm dưới nước lâu ngày không bị mục nát, phai màu. Đây là loại công nghệ in tiền vào loại tiên tiến bậc nhất thế giới. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là họ đã công khai chỉ rõ 6 điểm trong đồng USD không thể làm giả được. Tôi hỏi vì sao lại công bố bí mật này, họ nói: Vì chúng tôi tin rằng ngoài Mỹ ra không nơi nào có thể làm được đồng USD đúng như của chúng tôi. Họ tự tin đến thế là cùng.
Giới thiệu xong, họ đưa khách đi xem nơi in tiền. Khi chúng tôi đến họ đang in đồng 100 USD. Nhà máy được tự động hóa hoàn toàn nên chỉ có khoảng chục người điều khiển. Mỗi ngày nhà máy này in 1,4 tỷ USD. Những đồng tiền cũ họ thu về cắt thành những sợi nhỏ để làm những sản phẩm khác hoặc cho vào túi bán cho khách đến tham quan làm kỷ niệm.
Họ còn in những tờ tiền mệnh giá 1 USD nhưng có 4 số 8 hoặc 3 số 7 ở đầu số xê - ri gọi là “con số hên”, rồi ép plastic và gài vào thiệp chúc Tết có in hình các con vật tượng trưng cho từng năm như: chuột, trâu, hổ... để bán cho du khách với giá gấp 5 lần. Hoặc in tờ tiền có mệnh giá 2 USD, phát hành năm 1976, nhân kỷ niệm 200 năm ngày độc lập của nước Mỹ (1776 - 1976) mà hiện nay không phát hành nữa gọi là “đồng tiền may mắn” để bán cho khách với giá gấp 4 lần mệnh giá.
Người Mỹ khá thực dụng, cái gì đem lại lợi nhuận là họ làm.
(Còn nữa)
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Hà