HÀ ĐÌNH CẨN
1. Bình Dương chào đón khách bằng tuyến đường hai làn xe kìn kìn ô-tô tải siêu trường siêu trọng, nối đuôi nhau suốt ngày đêm đảm bảo cho hoạt động của tỉnh công nghiệp đang làm ăn phát đạt. Theo dự kiến, mươi mười lăm năm nữa Việt Nam sẽ là nước công nghiệp. Riêng Bình Dương đầu năm 2009 đã là tỉnh công nghiệp, nông nghiệp chỉ còn 10%. Càng phát triển công nghiệp, Bình Dương càng trẻ.
Tổng điều tra dân số mới nhất, Bình Dương có 1,2 triệu người, một nửa trong số này là lao động trẻ ngoại tỉnh về làm việc ở hơn mười ngàn doanh nghiệp. Chỉ chừng hơn mười năm trước, Bình Dương già vì thuần nông…
Hai mũi nhọn kinh tế của tỉnh là công nghiệp và dịch vụ không ngừng mở rộng. Vì vậy Bình Dương vẫn là địa chỉ thu hút nguồn lao động trẻ của cả nước hướng đến. Nhân kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước, Bình Dương công bố xây thành phố mới trên một vùng đồi phía tây bắc Thủ Dầu Một, nơi ngày xưa từng là khu căn cứ kháng chiến. Bình Dương sẽ còn trẻ nữa…
2. Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, UVTƯ Đảng Mai Thế Trung một người chắc nịch về cơ thể và mạnh mẽ, quyết đoán trong hành động dẫn mấy anh em nhà báo và nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cùng một vài quan khách đi ăn cơm tối ở căn nhà trơ trọi giữa vùng đồi.
Căn nhà này, ông Trung nói, sẽ là trung tâm của thành phố Bình Dương mới, dự kiến một tuổi vào năm 2015. Nghĩa là không lâu nữa, vùng đồi mênh mông này với cơ sở hạ tầng: đường mười làn xe ô-tô, điện và công trình ngầm hiện đại sẽ khánh thành, sẽ mọc lên thành phố với dân số 1,2 triệu người. Sự kỹ lưỡng của quy hoạch thành phố trẻ đến từng vuông đất, vì vậy, mặc dù căn nhà chưa xây, nhưng những khuôn viên với những hàng cây có tuổi và bãi cỏ đã được trồng và chăm sóc kỹ càng.
Ở đại bản doanh của Tổng công ty Becamex Bình Dương, chúng tôi được Phó tổng giám đốc Bùi Văn Đức giới thiệu thành phố tương lai bằng cuốn phim kỹ thuật 3D của các kiến trúc sư Singapore. Đó là một thiên đường với trung tâm hành chính, trung tâm thương mại và tài chính, trung tâm công nghiệp kỹ thuật cao, trung tâm thể thao, văn hóa, giáo dục... Tất cả được thiết kế hiện đại, hài hòa phục vụ tốt nhất nhu cầu của con người.
Khu đô thị mới.
3. Chúng tôi thăm hai khu tập thể VSIP1 và VSIP2, những làng trẻ kiểu mới giành cho người lao động trong các xí nghiệp liên doanh với Singapore.
Các ngõ ngách ở đây không có rác và bên trong cửa sổ các ngôi nhà là cuộc sống đông vui. Những khu làng công nhân làm quan niệm cho người lao động rằng đến đây không phải chỉ để kiếm sống mà để sinh cơ, lập nghiệp, Bí thư tỉnh ủy giải thích với chúng tôi như vậy, như một kinh nghiệm đã được tổng kết.
Đã thành tỉnh công nghiệp, vì thế, trong khi các địa phương còn đang ở thời kỳ trải thảm đỏ mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư thì nơi này đã vào thời kỳ khó tính chỉ kén chọn kỹ thuật cao và trải thảm xanh cho nhu cầu dân sinh.
Chúng ta phát triển để làm gì, nếu không phải vì hạnh phúc của con người. Bí thư tỉnh ủy Mai Thế Trung nói với chúng tôi và kể câu chuyện gần đây bà con ở các vùng ven làng công nhân đua nhau mời nhà nước lấy đất làm khu công nghiệp để họ được đổi đời như lên phố.
Việc mở rộng quy hoạch, giải phóng mặt bằng đối với Bình Dương bây giờ không còn nan giải như ngày nào vì dân biết, được quy hoạch cho công nghiệp là ấm no.
4. Bình Dương không chỉ vui vì giàu mà còn đó những nỗi niềm. Cùng xe với tôi có hai tác giả, nhà viết kịch Đỗ Nhân, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Bình Dương và nhà văn Chu Lai.
Trong khi ông Đỗ Nhân cho biết Hội Văn nghệ của tỉnh hàng năm được cấp kinh phí hoạt động như một Sở, nghĩa là văn nghệ sĩ tương đối mát mặt, không khó khăn đồng tiền bát gạo như các hội trên toàn quốc, thoải mái cho hoạt động sáng tác và in ấn thì nhà văn Chu Lai không mấy vui khi vào thăm Đại Nam lạc cảnh - một khu vui chơi rộng lớn phục vụ du lịch với thành quách, lâu đài, đền miếu, tháp nghinh phong giả cổ, rồi siêu thị, khách sạn hiện đại, rồi lính canh, sư tử đá kiểu Trung Hoa, rồi giả sơn, giả biển, vườn muông thú quý hiếm...
Phối cảnh khu đô thị mới Bình Dương sau khi xây dựng xong vào năm 2020.
Nguồn: binhduong.gov.vn
Tất cả được xây cất bằng đá, xi-măng với tượng và phù điêu mạ vàng khá kỳ khu xóa sạch dấu vết khu đất này, vốn là trận địa của bao chiến sĩ đặc công và nhân dân Thủ Dầu Một đã chiến đấu hi sinh suốt những năm đánh Mỹ để đi tới ngày hòa bình. Có khi do mải làm giàu nhanh nên dường như kỳ tích của cuộc kháng chiến cũng nhanh bị lãng quên. Nỗi niềm này ai tỏ cùng ai?
5. Tôi hỏi ông Trương Đình Tuyển, một chuyên gia kinh tế của Chính phủ: Sức mạnh nào thúc đẩy Bình Dương nhanh chóng trở thành tỉnh công nghiệp? Ông Tuyển bảo: Đổi mới. Tôi lại hỏi ông Tuyển: Ở đây đã đổi mới như thế nào? Ông không trả lời thẳng vào câu hỏi mà... đọc thơ.
Ông đọc bài thơ Đổi mới, nghe nói đã đọc cho không ít thành viên Chính phủ nghe. Tôi nhập tâm được một ý của bài thơ, rằng, đổi mới không phải là cách tân kinh nghiệm của quá khứ mà là hiện thực hóa các ước mơ.
Tôi hỏi Bí thư tỉnh ủy Mai Thế Trung: Ông có làm thơ không? Ông bảo, ông không làm thơ nhưng yêu thơ. Ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ của ai đó ông học được khi thăm khu di tích thành cổ Quảng Trị: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Dưới sông còn đó bạn tôi nằm...
Tôi hỏi: Tôi biết ông là chiến sĩ, từng nhiều năm nằm gai nếm mật đánh giặc ở cánh đồng Bà Bèo, khu đất sẽ là trung tâm thành phố Bình Dương hiện đại trong tương lai. Hôm phát lệnh khởi công làm cơ sở hạ tầng ở đó, ông đã nói gì với công nhân?
Ông Trung nói, tôi bảo họ, tôi mong ước không phải nơi này sẽ mọc lên căn nhà bao nhiêu tầng, rồi hiện đại như thế nào, mà làm thế nào để người dân sống trong ngôi nhà đó được sung sướng, hạnh phúc. Đó mới là tượng đài của tương lai mọc trên vùng đất từng thấm máu để giành tự do, độc lập… Đó có thể là thông điệp của Bình Dương.