Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Nghĩ về thái độ trân trọng trí thức của chú Sáu Dân

Tác giả: Phan Chánh Dưỡng

(VEF) - Trong sâu xa thái độ trân trọng trí thức của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân, ngoài sự tin cậy, còn hàm chứa một tinh thần đoàn kết dân tộc, một tầm nhìn sâu sắc, sự chuẩn bị cho nguồn lực phát triển đất nước trong tương lai.

Hằng năm, cứ đến ngày 20/11 - Ngày kỷ niệm nhà giáo - là chúng ta nói đến vấn đề giáo dục đào tạo. Mặc dù ngành giáo dục đã đổ nhiều nhân lực và tiền của cho công việc giáo dục và đào tạo ở mọi cấp, nhưng xem ra vẫn không đáp ứng được yêu cầu của một nước đang đà phát triển như Việt Nam chúng ta.
Cuộc chạy đua để chiếm lĩnh những nguồn lực phát triển trong thế kỷ XXI giữa các cường quốc đã và đang phát triển, ngoài việc chiếm lấy nguồn nguyên liệu, nguồn năng lượng, thị trường thế giới, vấn đề quan trọng hơn là phải nắm lấy nguồn nhân lực chất xám. Đây mới là cốt lõi của chiến lược phát triển quốc gia trong thế kỷ XXI.
Để có thể sử dụng được nguồn nhân lực chất xám của toàn thế giới, trước tiên về chính sách xây dựng nguồn nhân lực phải thỏa mãn hai yếu tố:
1. Nhà nước phải xây dựng được một hệ thống giáo dục đào tạo đủ sức đáp ứng cho nhu cầu phát triển đất nước trong trước mắt cũng như lâu dài. Vì chỉ có phát triển giáo dục để tạo được nguồn nhân lực mới đó mới có thể vực dậy các lĩnh vực khác của quốc gia.



2. Phải có chính sách trọng dụng nhân tài, cụ thể là một cơ chế tuyển dụng người tài và đảm bảo người lãnh đạo ở mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi là những người đả có những khả năng, thể hiện thành tích xuất sắc trong lĩnh vực họ đã đảm trách.
Mặt khác, người lãnh đạo luôn có một tấm lòng rộng mở để lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến khác nhau, từ đó chắt lọc được chất xám trong xã hội.
Được vậy, nhà nước sẽ không chỉ sử dụng được nguồn nhân lực chất xám trong nước mà còn có thể sử dụng cả chất xám của thế giới.
Mỗi khi nói đến vấn đề sử dụng nhân tài, chúng ta không khỏi nhớ đến Bác Hồ và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân.
Ai cũng biết, trong thời kỳ đầu đấu tranh giành độc lập cho đất nước, Bác không những đưa ra nhiều chủ trương vận động quần chúng nhân dân lao động nghèo theo cách mạng, mà trọng tâm là phải xây dựng một đội ngũ lãnh đạo nòng cốt.
Đây là lực lượng những người yêu nước thuộc các thành phần khác nhau, trong có có cả những người từng làm việc với chính quyền phong kiến, chính quyền thực dân và nhất là các kiều bào, các trí thức đang sống tại Pháp.
Và cũng chính với tư tưởng vĩ đại, lòng yêu nước mà Bác Hồ đã tạo được sự đoàn kết dân tộc và từ đó xây dựng nên một lực lượng cách mạng có tổ chức. Đây mới là yếu tố quyết định hàng loạt thắng lợi sau này.
Còn với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân - chúng ta đều biết ông là người học trò suất sắc của Bác Hồ trong việc sử dụng nhân tài.
Những câu chuyện của ông đối với trí thức là đề tài được báo chí đăng tài thường xuyên, đã trở thành những câu chuyện nói lên nhân cách cao quí của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Biết bao câu chuyện về đối xử với tri thức, sử dụng nhân tài được người dân khắp mọi miền đất nước kể cho nhau nghe. Quả là một hình ảnh đẹp mà chú Sáu Dân để lại trong lòng người dân.


Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bên các cháu học sinh - những trí thức tương lai của đất nước.
Trong sâu xa thái độ trân trọng trí thức của chú Sáu Dân, ngoài một sự tin cậy, còn hàm chứa một tinh thần đoàn kết dân tộc, một tầm nhìn sâu sắc, sự chuẩn bị cho nguồn lực phát triển đất nước trong tương lai.
Đối với chú Sáu Dân, trí thức là người có suy nghĩ độc lập, có kiến thức hiểu biết vào những lĩnh vực nhất định, sẵn sàng đóng góp sức mình để xây dựng đất nước theo những cách khác nhau.
Những người trí thức ở mọi vị thế xã hội có dịp tiếp cận với chú Sáu Dân cùng đều cảm nhận được điều đó, nên họ đã thẳng thắn trình bày những suy nghĩ của mình. Có thể xem đây là một cầu nối mới mở ra, một bước mới trong tiến trình đổi mới, tạo ra một nguồn lực mới trong phục vụ cho công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Đây có thể là lý do giải thích tại sao vào cuối đời ông đã hết sức quan tâm đến lực lượng người Việt đang sống ở nước ngoài và mong muốn có sự đối thoại thẳng thắn với mọi thành phần có suy nghĩ chính kiến khác nhau. Điều này nói lên tinh thần đoàn kết dân tộc rộng mở và sâu sắc của Chú.
Thái độ trân trọng trí thức của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là hình ảnh đẹp để mọi người ca ngợi mà còn là một tư tưởng lớn của một nhà lãnh đạo lúc nào cũng ưu tư về một chiến lược phát triển đất nước trong thời đại mà nguồn nhân lực chất xám có tính quyết định.
Tầm nhìn sâu sắc đó vô cùng đúng đắn khi chúng ta nhìn lại các nước đang phát triển thành công vượt bậc chung quanh ta như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc...
Họ không những xây dựng được một nền giáo dục tốt mà điều quan trọng là họ có được một cơ chế đào tạo nhân tài và tạo được môi trường cho người tài về đóng góp cho đất nước.
Theo thống kê gần đây, số lượng người Việt theo học tại các trường đại học ở Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Arap Saudi. Đây là một nguồn lực to lớn cho tương lai đất nước.
Nhưng làm cách nào để thành lực lượng cùng tham gia xây dựng đất nước. Tinh thần trân trọng trí thức cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc của chú Dân - Võ Văn Kiệt có được kế thừa và phát huy hay không, quả là điều mọi người mong đợi ở các vị lãnh đạo đất nước.