Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

CÙNG TƯỞNG NHỚ ÔNG SÁU DÂN NHÂN SINH NHẬT ÔNG

1. Phải chi lúc này có ông Sáu Dân

GS Tương Lai

Trong những diễn biến dồn dập trước thềm Đại hội XI, đây là câu nói bật ra giữa những người cùng một mối băn khoăn trước vận nước.
Trong hành lang hội trường giữa giờ giải lao; bên tách cà phê im lặng nhâm nhi để thêm đắng lòng những suy tư, hay giữa câu chuyện của những người gặp nhau tay bắt mặt mừng râm ran những đồn đoán phẩm bình về những sự kiện đang diễn ra, không hẹn mà gặp, câu "phải chi" ấy thốt ra một cách thật ngẫu nhiên, nhưng nghĩ cho kỹ lại hóa ra là chẳng ngẫu nhiên tí nào.
Thì chẳng phải thường thức a,b,c của triết học biện chứng của một thời học thuộc lòng đã dạy rằng cái tất nhiên thông qua cái ngẫu nhiên để biểu hiện ra đó sao? Người ta khao khát được nghe những ý tưởng được đúc kết, chắt lọc từ một đời trải nghiệm trong máu lửa chiến tranh luôn đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió, trong bầm dập của những tìm tòi không cam chịu trói buộc bởi những giáo điều đã biến thành nghị quyết, nhằm góp phần trả lời những câu hỏi lớn của đất nước được đặt ra thật bức xúc mà ông Sáu Dân đã từng làm, từng day dứt.
Day dứt cho đến khi đột ngột ra đi khi những kiến nghị nóng bỏng, những bức thư tâm huyết vẫn còn đó. Những kiến nghị về đối nội, đối ngoại, về chỉnh đốn Đảng, về thật sự mở rộng dân chủ trong cách làm nhân sự đại hội, về đại đoàn kết dân tộc, về quan tâm giải quyết những bức xúc của dân, nhất là nông dân với vấn đề đất đai trong quy hoạch đô thị, trong công nghiệp hóa...



Đó là sự miệt mài, quyết liệt trong những bức thư, những lời góp ý trực tiếp với những người giữ trọng trách trước dân."Nghe hay không là chuyện của các anh ấy, còn chuyện của mình thì phải kiên nhẫn và mềm mỏng chân tình thuyết phục, trong mười điều, người ta nghe mình một điều cũng đã là tốt", đó là điều ông Sáu Dân thường nói ra. Và có lẽ những điều ông chưa nói ra, những điều còn ủ kín trong tâm tư để suy đi nghĩ lại xem đưa ra thế nào cho đúng lúc thì chắc khó mà biết được hết. Bộ óc đầy ắp suy tư và trái tim mạnh mẽ đập cùng nhịp với cuộc sống của dân của con người ấy không một giây ngừng nghỉ..
Không chịu lùi bước trước bất cứ cản ngại nào nhưng ông lại hết mực khiên trì và nhẫn nại thuyết phục những đồng chí, đồng đội của mình, trong đó có những người do mình trực tiếp dìu dắt, huấn luyện, cùng suy nghĩ để tìm cách trả lời những câu hỏi lớn của đất nước đang bức xúc đặt ra.
Với ông, đại đoàn kết dân tộc, trong đó tư tưởng khoan dung và hòa hợp có ý nghĩa rất thiết thực vào lúc này đối với đất nước phải trải qua ngót nửa thế kỷ chiến tranh, không một gia đình Việt Nam nào không gánh chịu những nỗi đau mất mát. Cũng trên suy nghĩ đó, ông dồn nhiều sức lực cho việc kết nối anh chị em trí thức trong nước và đang ở nước ngoài cùng nhau chân thành hợp tác nghiên cứu để góp phần tạo nên sức bật mới cho sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh mới của thế giới.
Chỉ mấy ngày trước khi đột ngột ra đi ông còn dành thì giờ tiếp mấy trí thức đến từ Mỹ, chân tình động viên tâm nguyện của các vị ấy muốn tạo ra một bước hợp tác mới. "Mình tin rằng, tuy còn những điểm bất đồng, song chỗ gặp được nhau lại là điều quyết định, cần chủ động chìa tay ra, mạnh dạn bước tới, một cục diện mới sẽ mở ra", ông trả lời mối băn khoăn của mấy anh em.
Một lần khác, trước vài sự kiện đang xảy ra, ông tâm sự: "Tôi đã trực tiếp nói thẳng: đừng làm vậy, vì cách này thì chỉ ông bạn kia là vỗ tay hoan nghênh nhưng dưới con mắt của bè bạn gần xa khác thì Việt Nam sẽ xuống một bậc, rồi cái giá phải trả sẽ rất đắt".
Ngẫm nghĩ lại, khi cái câu hỏi lớn chưa có cách trả lời thật tường minh thì những giải pháp khó mà vẹn toàn được. Mà thật ra, câu hỏi lớn ấy cũng từng là mối băn khoăn của nhiều thế hệ. Cái tứ thơ của một thời xao động lòng người như khuấy động trở lại: "Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau/ Quay theo tám hướng hỏi trời sâu/Một câu hỏi lớn. Không lời đáp"[Huy Cận].
Cũng lại là ngẫu nhiên thôi, nhưng sự liên tưởng ngẫu nhiên quái quỷ về một thời xưa cũ này cứ ám ảnh mãi như một cộng hưởng trong suy tư về thời cuộc. Chẳng nhẽ lịch sử lặp lại "Một câu hỏi lớn. Không lời đáp"?



Sức cộng hưởng của những suy tư liền mạch nối quá khứ với hiện tại càng làm xốn xang thêm những bức xúc hôm nay, song nói là không có lời đáp cho câu hỏi lớn của đất nước thì e không thỏa đáng. Cùng với bao bộ óc trĩu nặng suy tư khác, nếu đọc kỹ những sách báo viết về Võ Văn Kiệt trong suốt thời gian qua kể từ khi ông nằm xuống cũng đã thấy ra được phần nào cách ông góp phần trả lời những câu hỏi lớn của đất nước khiến cho chuyện "phải chi" lại càng xốn xang thêm.
Và rồi, "phải chi" những suy tư và kiến nghị của ông được công bố cho mọi người biết để cùng ông suy nghĩ và chia sẻ thì chắc chắn sẽ tạo nên những đột phá nhằm trả lời cho câu hỏi lớn của đất nước. Có lần ông bật cười kể lại rằng có mấy anh nói sẵn sàng nghe những kiến nghị, những đóng góp của ông, nhưng là của cá nhân ông chứ không nên là của một nhóm người cùng với ông hình thành những kiến nghị đó.
"Người ta cứ nghĩ như tôi là thiên tài, nghĩ ra được tất cả". Ông cười đôn hậu. "Tôi trả lời, những gì làm được là do anh em góp vào, tôi thành tâm lắng nghe và chắt lọc những cái đúng cái hay để chuyển thành giải pháp, thành kiến nghị, với ý thức trách nhiệm cá nhân. Không có anh em cùng góp sức, làm sao tôi nghĩ ra hết được. Tôi sẵn sàng có sự bảo lãnh chính trị về những người tôi mời cùng làm việc với tôi để giúp tôi tìm tòi, gợi cho tôi những suy nghĩ ".
Tầm vóc trí tuệ đáng kính phục của ông khởi nguồn từ cách ông biết tập họp, biết lắng nghe. Ông sẵn sàng làm người học trò để trở thành người thầy. Sức mạnh "đáng sợ" của ông Sáu Dân là ở chỗ này đây. Trên ý nghĩa đó mà nói, thì chuyện "phải chi" nói trên có thể không cần đặt ra, vì tư tưởng và sức mạnh của ông Sáu Dân vẫn nằm trong dân, trong đồng chí đồng đội của ông, đương nhiên là trong những người chưa thoái hóa, biến chất, những học trò phản bội thầy.
Còn nếu câu nói vẫn cứ phải bật ra "phải chi lúc này có ông Sáu Dân" thì cần phải bổ sung thêm câu "phải chi dạo ấy người ta nghe ông Sáu Dân".

Nguồn: Tuần Việt Nam.




2. Tinh thần bứt phá Võ Văn Kiệt

Nguyễn Trung

(VEF) - Anh Võ Văn Kiệt nhiều lần còn nói thẳng với chúng tôi, ngoại trừ ta tự mua dây trói mình, chẳng ai có quyền và có thể ngăn cấm nhân dân ta và Đảng ta tiếp cận cái mớ bòng bong hóc búa này theo cách của chúng ta. Tinh thần bứt phá của Võ Văn Kiệt chính là chỗ này! - Nguyễn Trung viết.
LTS: Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cống hiến gần như toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và đổi mới đất nước. Tên tuổi của ông gắn liền với một giai đoạn lịch sử oai hùng và đầy thử thách của dân tộc, qua những hoạt động phong phú và nổi bật mang dấu ấn đặc sắc, dấu ấn Võ Văn Kiệt.
Dấu ấn về tư tưởng và quyết tâm đổi mới đất nước, đưa đất nước vượt qua tình trạng khó khăn, trì trệ, từng bước phát triển và hội nhập. Dấu ấn về bầu nhiệt huyết không hề vơi cạn theo thời gian và tuổi tác của con người.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của ông (23/11/1922 - 23/11/2007), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Trung với góc nhìn riêng của một chuyên gia, xuất phát từ những chiêm nghiệm qua nhiều năm làm trợ lý và gần gũi với chú Sáu Dân khi giã từ chính trường.
Đó là dấu ấn về tinh thần bứt phá Võ Văn Kiệt.

*********************
Đại hội toàn quốc lần thứ XI của ĐCSVN đứng trước nhiều vấn đề lớn của đất nước, tôi đã đôi ba lần có dịp trình bầy những suy nghĩ của mình[1]. Lần này, nhân kỷ niệm ngày sinh của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi bàn về câu chuyện kinh tế.
Không thể nói gì nhiều trong một bài báo, tôi chỉ muốn nêu lên một suy nghĩ: Vấn đề càng lớn, càng khó, càng phải được tiếp cận với tinh thần và ý chí bứt phá mọi khó khăn, rào cản để giải quyết, như lúc sinh thời người đảng viên vì dân vì nước Võ Văn Kiệt đã nêu gương.
Nếu phải nói gọn trong một câu những gì người đảng viên Võ Văn Kiệt đã làm được cho đất nước trong thời bình xây dựng đất nước, câu nói đó của tôi sẽ là:
Vì dân, vì nước, Võ Văn Kiệt đã dám vượt lên mọi giáo lý và ràng buộc, tìm ra con đường giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế vô cùng bức xúc của đất nước. Để làm được việc này, hình như bí quyết của Anh là: Tin vào dân, không đánh mất lòng tin của dân đối với chính mình.
Nói ngắn hơn nữa: Tin dân và giữ cam kết.
Khái quát lại lên tầm ý thức, đấy chính là con đường đi với dân tộc, vì dân tộc Võ Văn Kiệt đã chọn.



Lúc này, trong tôi sống động hình ảnh anh Sáu Dân đứng mũi chịu sào tìm cách giải thoát cả thành phố lớn nhất nước ra khỏi cảnh phải lấy bo bo thay thế lương thực trong những năm cam go sau giải phóng, lúc Anh đi đầu trong các nhóm "thiểu số" của mình khai phá con đường trở lại kinh tế thị trường của những năm dẫn đến đổi mới, trong mở đường cho nền kinh tế nước ta gia nhập thị trường ASEAN, trong bình thường hóa quan hệ với Mỹ, trong vượt qua bao nhiêu đắn đo ngang trái, để đưa nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, trong rất nhiều vấn đề kinh tế nóng bỏng khác nữa của đất nước...
Nhất là những năm tháng dòng dã ấy, tâm lý sợ con thuyền kinh tế Việt Nam sẽ chìm trong đại dương kinh tế thế giới rất nặng nề, tâm lý sợ diễn biến hòa bình sẽ nuốt chửng mất chế độ...
Có thể nói Võ Văn Kiệt đã sống như thế, luôn luôn đi đầu như thế, cho đến khi từ giã cõi đời này. Tinh thần ấy, tấm gương ấy, người nào trong lương tâm mình còn giữ thẻ đảng viên rất cần phải noi theo, để chuyển đất nước sang một thời kỳ phát triển mới, bền vững mà Đại hội XI bắt buộc phải coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của mình.
Thực hiện nhiệm vụ chuyển giai đoạn này, đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam nói chung, từng người đảng viên nói riêng, một lần nữa lại phải ra đứng trước câu hỏi khẳng định vô điều kiện (categorical question) "ai là ai?".
Nhìn vào yêu cầu chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững và năng động đặt ra cho Đại hội XI, còn gọi là giai đoạn phát triển theo chiều sâu, có lẽ đổi mới cơ cấu kinh tế là một trong những vấn đề quyết định nhất. Báo chí nói không ngoa, đây là vấn đề được bàn tới mòn cả chữ mà chưa nhúc nhích được mấy. Xin miễn góp thêm lời vào cuộc bàn thảo vô tận này, để được đi thẳng vào một vài gợi ý cho sự khởi động.

1 - Vấn đề tập đoàn kinh tế nhà nước
Đổi mới cơ cấu kinh tế, nói dân dã, đấy là việc xắp xếp lại, bầy binh bố trận lại cả nền kinh tế, lựa chọn thị trường mới, sản phẩm mới - tất cả để đi vào một "chiến trường" mới.
Như thế, việc đầu tiên là phải làm tốt việc điểm binh, nóng bỏng nhất, nhức nhối nhất trong nền kinh tế nước ta hiện nay theo tôi là vấn đề kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, gắn liền với nó trước hết, và chủ yếu là vai trò đối với toàn bộ nền kinh tế của 19 tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) hiện nay.
Vì những lý do dễ hiểu, như một sự kiêng húy bất di bất dịch, dứt khoát kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, được khẳng định xuyên xuốt các nghị quyết quan trọng nhất của Đảng từ trước đến nay, bây giờ cũng được viết lại đúng như thế trong các dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI.
Song có một sự thật xuyên suốt nữa, chưa một Đại hội Đảng toàn quốc nào cho đến nay thành công trong việc định nghĩa thế nào là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Câu chuyện không phải là thiếu ngôn ngữ để diễn đạt, mà là các định nghĩa đã đưa ra đều không đứng vững được trong cuộc sống. Trong những năm gần đây, có không ít bài báo phê phán rất xác đáng những bất cập trong mô hình TĐKTNN hiện nay.
Trong thực hiện, lại cũng là một sự thật xuyên suốt nữa cho đến nay, hiệu quả của kinh tế nhà nước nhìn chung thấp rất xa sự mong đợi.
Vậy, nếu cứ muốn khăng khăng giữ "chủ đạo", xin đề nghị nên bỏ cách tiếp cận từ phía định nghĩa chính trị đi, mà nên dứt khoát chuyển sang cách tiếp cận từ phía giao nhiệm vụ, nói cho dễ hiểu là:
(a) Trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, nhiệm vụ kinh tế nào mà khu vực tư nhân làm không tốt bằng khu vực nhà nước, hoặc khu vực tư nhân không kham nổi, thì giao cho khu vực kinh tế nhà nước, nhất là trong những lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng và một số vấn đề phát triển kinh tế có ý nghĩa chiến lược hoặc có liên quan đến an ninh quốc phòng.
(b) Để thực hiện một yêu cầu kinh tế quan trọng, nhà nước có thể phân bổ những nguồn lực cần thiết (vốn, đất đai, chất xám, nhân lực...) theo những điều kiện đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong cơ chế kinh tế thị trường với sự giám sát công khai minh bạch.
(c) Nhà nước chuyển hẳn sang hinh thái đấu thầu, mua/bán dịch vụ công - kể cả trong phát triển kết cấu hạ tầng hoặc trong giải quyết những vấn đề kinh tế có tính chất chiến lược. Đấu thầu, mua/bán dịch vụ công để phục vụ những yêu cầu của Nhà nước được thực hiện công khai minh bạch, trong cơ chế thị trường. Xin lưu ý cho: Tất cả các nước phát triển - không có ngoại lệ - đều thực hiện phương thức này, kể cả trong vấn đề quốc phòng.



Đi liền với cách tiếp cận từ phía giao nhiệm vụ như đã nói trên, cần bãi bỏ ngay quyền được phép kinh doanh trái nghề và hủy hoàn toàn việc TĐKTNN được phép huy động 1/3 vốn của mình cho kinh doanh trái nghề.
Đây là biện pháp bắt buộc, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của TĐKTNN, đồng thời loại bỏ khả năng của nó lũng đoạn thị trường. Toàn bộ phần kinh doanh trái nghề phải được cắt hẳn để chuyển ra ngoài tập đoàn thành những đơn vị kinh tế mới tồn tại độc lập trong thị trường. Nghĩa là từ nay, TĐKTNN chỉ được kinh doanh nghề chính của mình do nhà nước giao cho - dưới dạng đấu thầu, mua/bán dịch vụ công.
Theo những điều kiện chung của thị trường áp dụng bình đẳng cho các thành phần kinh tế, TĐKTNN hoàn toàn có quyền huy động các nguồn lực kinh tế cho thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, để kinh doanh duy nhất nghề chính do Nhà nước giao như đã nói trên.
Vì vậy, nếu cứ muốn kiên trì giữ kinh tế quốc doanh là chủ đạo, thì không chỉ nói nữa, mà hãy làm đúng cái việc "chủ đạo" phải làm đi. Thực tế cuộc sống sẽ cho chúng ta câu trả lời.

2 - Tư tưởng nhiệm kỳ và nền kinh tế GDP tỉnh
Vấn đề này rất khó và tốn nhiều giấy mực hơn để bàn tới.

Trước khi bàn tới, xin làm một vài so sánh.
Trong những năm 2009, 2010, kinh tế Thái Lan "quằn quại" vì các chấn thương đảo chính và biểu tình, tuy nhiên kinh tế Thái Lan 2 năm này vẫn lành mạnh hơn nền kinh tế nước ta.

Năm 2009/các chỉ số            Thái Lan                  Việt Nam

Tăng trưởng GDP                          -2,278%                   5,324%
 GDP p.c                                    3.939,63 USD          1.059,94 USD
Lạm phát                                           3,5%                      6,518%
Cán cân thanh toán                     +7,6% GDP             -7,763% GDP
ICOR                                            2,5 (estimate)         7-8 (estimate)

Chú ý: trước khủng hoảng 1997-1998, đồng Baht Thái Lan có tỷ giá cố định 25 Bath/1 USD; trong khủng hoảng rớt xuống 60-70 Bahth/1 USD; hiện nay trở lại 30-35 Bath /1 USD.
Năm 2010, tình hình kinh tế Thái Lan được cải thiện hơn đáng kể (nguồn: Thailand Economic Statistics and Indicators 2009 - and comment -  http://www.economywatch.com/). Còn tại Việt Nam, các chỉ số trên của năm 2010 dự báo sẽ còn xấu hơn (nguồn: Vietnam Economic Statistics and Indicators 2009 - and comment - http://www.economywatch.com/).

Một so sánh khác "dài hơi" hơn
Nếu so sánh với 25 năm đầu tiên của Hàn Quốc trên con đường trở thành NIC (khoảng 1960-1985)[2], Hàn Quốc đã hình thành được một nền công nghiệp xác định được chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Năm 1985, Hàn Quốc đạt GDP p.c. theo giá cố định lần đầu tiên vượt 5.000 USD, xuất siêu ngày càng lớn, nhiều năm liền bắt đầu có cán cân thanh toán dương. Đặc biệt quan trọng, Hàn Quốc trong khoảng thời gian 25 năm này đã hình thành được một nhà nước pháp quyền, đáp ứng những đòi hỏi quản trị quốc gia của một nước trên con đường trở thành nước công nghiệp hiện đại[3].
Trong thời gian 25 năm đầu tiên này, các nguồn lực bên ngoài đổ vào Hàn Quốc ít hơn so với vào nước ta 25 năm qua. Năm 2009 Hàn Quốc đạt GDP p.c. là 17.074 USD (xếp thứ 36 trên thế giới - Nguồn: IMF) và đã chiếm lĩnh được một số ngành kinh tế mũi nhọn.
Sau 25 năm đổi mới vừa qua, nói một cách khái quát, ta mới chỉ đi được một quãng rất ngắn chặng đường Hàn Quốc đã đi như nêu trên. Thật khó mà nói rõ được đấy là 1/2, 1/3, hay 1/4... chặng đường Hàn Quốc đã đi trong 25 năm đầu tiên.
Song, điều quan trọng là kinh tế nước ta gần như vẫn thường xuyên nhập siêu lớn, cán cân thanh toán là số âm lớn, nền công nghiệp nước ta vẫn chưa xác định được chỗ đứng rõ ràng trong nền kinh tế thế giới, vân... vân...
Về năng lực quản trị quốc gia so với Hàn Quốc còn nhiều thua kém lớn. Ngay bây giờ, chưa có cách gì trả lời rõ được hướng Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp như thế nào trong thế giới ngày nay.
Thậm chí, phải đặt câu hỏi liệu có hay không nước ta sẽ chệch hướng khỏi con đường trở thành "một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN vào khoảng giữa thế kỷ này" như đã viết trong Cương lĩnh (dự thảo)... Dễ nhận xét hơn, có lẽ nên nói là: nước ta đi một con đường khác hẳn với Hàn Quốc và không hiệu quả bằng.



So sánh như vậy giữa nước ta và Đài Loan, đại thể chúng ta cũng có thể rút ra được những nhận xét tương tự.
Xem như vậy, có thể thấy con đường phát triển nước ta đã đi 25 năm đổi mới vừa qua và hệ thống chính trị quản lý đất nước có nhiều vấn đề dứt khoát phải xem lại.
Xem lại như thế, đây không phải là chuyện muốn hay không muốn, mà là chuyện bắt buộc phải làm, đơn giản là vị trí địa lý tự nhiên đặt nước ta sát nách và án ngữ con đường đi xuống phía nam của "cái công xưởng thế giới" đang cần "ngốn" mọi thứ cho sự phát triển của nó.
Trong cái mớ bòng bong này, "tư tưởng nhiệm kỳ và nền kinh tế GDP tỉnh", cùng với cấu trúc là "hai trong một và một trong hai" giữa hệ thống Đảng và hệ thống nhà nước, tất cả vận động dưới quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo như đang hiện hành, đấy chính là nguồn gốc tạo ra sự phát triển kém hiệu quả trong so sánh với Hàn Quốc, với Đài Loan, với nhiều nước đang phát triển khác.
Giải quyết cái mớ bòng bong này là vấn đề khó nhất trong giai đoạn phát triển hiện nay của nước ta. Cuộc sống là như thế, không tránh né được.
Tôi không thể đếm lại được đã có bao nhiêu cuộc thảo luận giữa anh Võ Văn Kiệt và chúng tôi về cái mớ bòng bong hóc búa này. Có lúc anh động viên chúng tôi suy nghĩ bằng cách kể lại kinh nghiệm của mình: Trong chiến đấu trước đây, không hiếm trường hợp Anh phải khởi đầu bằng sự lựa chọn tiến công vào chiến trường khó nhất mới hy vọng giành được thắng lợi.
Nói gọn hơn nữa, muốn đổi mới cơ cấu kinh tế, trước hết cần khắc phục bằng được tư trưởng nhiệm kỳ và "nền kinh tế GDP tỉnh" - việc đầu tiên của mọi việc đầu tiên.
Tiếp cận với cái việc đầu tiên này, Anh Võ Văn Kiệt dần dần đã khẳng định cho mình một quan điểm rõ ràng: Phải thực hiện công khai minh bạch, phải xây dựng một Nhà nước mạnh để làm cho cả Nhà nước và Đảng cùng mạnh lên - bắt đầu từ tách công việc của Đảng ra khỏi công việc của Nhà nước, nghĩa là ai phải làm đúng việc của người nấy.
Theo Anh Võ Văn Kiệt, công khai minh bạch là hoàn toàn thực thi, vì có tới trên 90% lượng thông tin về toàn bộ đời sống kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa của đất nước là có thể bạch hóa được, ngoài trừ một số rất ít các thông tin về an ninh quốc phòng hoặc một số thông tin có tính chất chiến lược khác.
Vậy chỉ còn lại ý chí chính trị có hay không, để thực hiện công khai minh bạch.
Việc đòi hỏi phải tách ra, và giữa Đảng và Nhà nước ai phải làm đúng việc nấy, như thế mới thực sự là Đảng làm đúng và nâng cao được vai trò lãnh đạo của mình.
Còn Đảng làm theo con đường mòn của quán tính như hiện nay là nắm quyền theo cách làm cho cả Đảng và Nhà nước cùng yếu, với các hệ quả như các so sánh bên trên đã nêu ra không thể phản bác được. Anh Võ Văn Kiệt đã nhiều lần nêu rõ quan điểm này của mình bằng văn bản với lãnh đạo Đảng và Nhà nước đương thời.
Anh Võ Văn Kiệt nhiều lần còn nói thẳng với chúng tôi, ngoại trừ ta tự mua dây trói mình, chẳng ai có quyền và có thể ngăn cấm nhân dân ta và Đảng ta tiếp cận cái mớ bòng bong hóc búa này theo cách của chúng ta. Tinh thần bứt phá của Võ Văn Kiệt chính là chỗ này!
Cuộc sống đặt ra vấn đề nước ta bây giờ ở ngay sát nách "cái công xưởng thế giới" đang rất nóng. Nhân dân ta không thể lựa chọn vị trí địa lý tự nhiên cho quốc gia mình, nhưng nhân dân ta có thể lựa chọn thế giới cho mình. Trong thời đại ngày nay, sự thành công của một quốc gia trước hết là sự thành công của nó trong lựa chọn thế giới.
Hãy lựa chọn thế giới như thế, theo tinh thần bứt phá của Võ Văn Kiệt.
Tây Hồ, ngày 20/11/2010



--------------------------------------------------------------------------------
[1] Tìm xem Nguyễn Trung:
- "Việt Nam trong thế giới thập kỷ thứ hai thế kỷ 21",  http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_NguyenTrung.htm
- "Trách nhiệm lịch sử" -  http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai19/201019_NguyenTrung.htm
- "Việc của Đảng là việc của quốc gia" -  http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-03-07-viec-cua-dang-la-viec-cua-quoc-gia
- "Nỗi lo trệch hướng" - http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_NoiLoTrechHuong.htm...v..v...
[2] Trong những năm 1954-1960 Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào giải quyết những hậu quả của cuộc chiến tranh Trung - Triều khốc liệt và tìm con đường đi lên thành NIC.
[3] Tìm xem: "Structural Change and Sectoral Growth in Selected East Asian Countries" UNITED NATIONS INDUSTRIAL DEVELOPMENT ORGANIZATION
http://www.unido.org/fileadmin/user_media/Publications/RSF_DPR/WP182009_Ebook.pdf

*Bài đăng trên VietNamnet, nhưng hiện tại không truy cập được. Trên đây là bản do Ông Nguyễn Trung gửi Nguyễn Xuân Diện-Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả!

Ảnh trong bài: Internet