Lý lịch trích ngang của ông Nguyễn Minh Thuyết
Là phó chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, hình ảnh của ông gắn liền với không khí nghị trường nóng bỏng. “Ông nghị phản biện nhiều nhất” là cái tên mà nhiều người đã yêu quý gọi ông.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, minh hoạ: Hoàng Tường
Sự đố kỵ, ích kỷ và vô cảm đang trở thành căn bệnh xã hội trầm kha làm thui chột những giá trị sống quý giá. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Con người sở dĩ trở thành con người và tồn tại xuyên suốt lịch sử, bất chấp sự hữu hạn của cuộc đời mỗi người là nhờ có cộng đồng (hiểu theo nghĩa tập hợp những người cùng chung sống và những thế hệ kế tiếp nhau). Chính vì vậy, tình cảm gia đình, quê hương, đồng loại… ở đâu và bao giờ cũng là những tình cảm tự nhiên đối với mỗi người. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, người Việt ta luôn chia ngọt sẻ bùi, cố kết với nhau, chung sức chung lòng xây dựng nên đất nước này. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhiều người trong chúng ta từng chứng kiến dân ta đùm bọc nhau như thế nào, xã hội nề nếp như thế nào. Bây giờ, hình như xã hội có phần nhốn nháo, nhiều giá trị sống không còn được coi trọng. Nhìn nhận một cách công bằng thì xã hội ngày xưa đơn giản hơn, còn bây giờ, đời sống phong phú, phức tạp hơn, con người cũng có ý thức về cá nhân nhiều hơn; hạnh phúc được mỗi người phân biệt rạch ròi với những giá trị ảo. Theo tôi, đó là sự phát triển tất yếu từ xã hội thời chiến, trong đó mọi người vừa được bao cấp toàn diện vừa phải cố kết với nhau để tồn tại sang xã hội thời bình có khoảng trời riêng tư cho mỗi cá nhân nhiều hơn và mỗi người, mỗi gia đình cũng phải tự lo cho mình nhiều hơn.
Nhưng quả tình đang có những biến đổi trong tâm lý xã hội làm chúng ta lo lắng. Có lẽ chưa bao giờ ý thức làm giàu bằng mọi giá, nạn bạo lực, sự thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề chung, những nỗi đau của đồng loại, sự chối bỏ những giá trị truyền thống, thậm chí sự đổ vỡ niềm tin hiện rõ như bây giờ.
Còn một căn bệnh trầm kha nữa là bệnh nói dối. Theo ông, bệnh này nảy nòi từ đâu?
Đó là hậu quả của một thời kỳ dài thiếu dân chủ, trong đó nhà quản lý muốn mọi người nghĩ như nhau, nói như nhau, và không muốn nghe ai nói khác. Căn bệnh này làm cho người ta không còn thấy được nhược điểm của bản thân, của đơn vị, địa phương hay xã hội nữa và luôn tự ru ngủ bằng ảo tưởng. Chính nó là một nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển của xã hội. Có thể trong từng thời kỳ đặc biệt của đất nước, nhất là thời chiến tranh, chúng ta chấp nhận không nói hoặc không nói hết về những khó khăn, thất bại cục bộ, để giữ cho được tinh thần, sự nhất trí cao trong xã hội, động viên toàn dân đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng trong thời kỳ xây dựng kinh tế, nếu cứ che giấu mãi như chuyện Vinashin, dẫn đến món nợ khổng lồ 86 ngàn tỉ đồng thì tai hại vô cùng. Tuy vậy, thất bại kinh tế vẫn chưa phải điều tai hại nhất. Tai hại nhất là tệ nói dối sẽ làm cho người dân mất dần lòng tin vào lãnh đạo, thậm chí mất cả cảm hứng trước những vấn đề quốc gia đại sự.
Làm thế nào để gầy dựng lại các thang giá trị xã hội đang bị thử thách như thế? Ông nhìn nhận thế nào về vai trò tiên phong của giới trí thức trong vấn đề này?
Tôi nghĩ trách nhiệm này trước hết là của Đảng. Là đội tiên phong dẫn dắt dân tộc, Đảng phải nhận thức được trách nhiệm nặng nề của mình trước lịch sử, trước nhân dân để có những giải pháp hoàn thiện và phát triển những giá trị sống được hun đúc trong lịch sử dân tộc. Nhưng trước hết, Đảng cần chỉnh đốn đội ngũ của mình, để cán bộ, đảng viên là những tấm gương cho xã hội tin theo. Một loạt các vụ cán bộ tha hoá, biến chất gần đây cho thấy chỉnh đốn đội ngũ là việc cần kíp lắm rồi, nhân dân trông đợi lắm rồi. Tự hoàn thiện mình, Đảng sẽ tiếp tục là nơi tập hợp những người con ưu tú, trong đó có tầng lớp trí thức, dẫn dắt toàn xã hội xây dựng đời sống mới với nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở của thời đại.
Nổi tiếng là “ông nghị phản biện”, luôn đưa ra những ý kiến thẳng thắn về những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống trước Quốc hội, con người phản biện của ông được hình thành do đâu?
Chưa bao giờ ý thức làm giàu bằng mọi giá, nạn bạo lực, sự thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề chung, những nỗi đau của đồng loại, sự chối bỏ những giá trị truyền thống, thậm chí sự đổ vỡ niềm tin hiện rõ như bây giờ.
Tôi không chịu được khi không phản ánh đúng ý nghĩ của mình. Có thể đó là ảnh hưởng của nghề nghiệp và môi trường sống. Từ bé, tôi đã hay đọc sách văn học cổ và lịch sử. Lớn lên, do nghề nghiệp, càng đọc nhiều hơn, càng nghĩ sâu hơn, tôi càng chịu ảnh hưởng của những câu chuyện, những nhân vật, những bài học trong sách của người xưa. Về môi trường sống, tôi may mắn được gặp nhiều người có cá tính, nên cá nhân luôn có sự tỉnh thức. Vả lại, tư thế của một trí thức khiến tôi luôn cảm thấy xấu hổ nếu nói sai sự thật, nói hùa theo người khác. Nhưng để có thể bày tỏ chủ kiến trước Quốc hội, để ý kiến mình có tính thuyết phục, tôi luôn tìm hiểu kỹ vấn đề, nhất là tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ, để ý kiến của mình khách quan, công bằng, càng tiệm cận với lẽ phải càng tốt. Đặc biệt là phải có động cơ đúng, mang tính xây dựng. Khi người đại biểu lấy quyền lợi chung để định hướng cho mình thì sẽ có cách nghĩ đúng đắn và thái độ đúng mực.
Có bao giờ ông lâm vào thế khó xử?
Khó xử thì không nhưng khó khăn thì có. Ví dụ, khi phải trả lời phỏng vấn trực tiếp của các phóng viên nước ngoài về một số vấn đề “nhạy cảm” như vụ PCI, dự án khai thác bauxite, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam… Cách giải quyết của tôi là trả lời đúng với quan điểm của mình như đã phát biểu trước Quốc hội, vì ý kiến của mình trước Quốc hội là ý kiến được chuẩn bị kỹ và đã được gần 500 đại biểu cùng giới báo chí và cử tri thẩm định.
Động lực nào thôi thúc ông luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió như thế? Ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của người đại biểu nhân dân?
Động lực thôi thúc tôi là trách nhiệm của một trí thức, một đảng viên, một đại biểu dân cử. Tôi tin khi nói lên sự thật, những người có tâm sẽ đánh giá đúng, chẳng ghét bỏ gì mình. Còn nếu có ai không bằng lòng, tôi cũng phải chấp nhận thôi. Muốn vừa lòng tất cả mọi người thì không làm được việc gì nên hồn cả. Vả lại, tôi luôn luôn ý thức rằng phát biểu ý kiến phải có tổ chức, phải phù hợp với quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Khi Quốc hội đã ra nghị quyết thì đại biểu phải chấp hành. Như chuyện mở rộng Hà Nội chẳng hạn, mặc dù đại biểu có thể không tán thành nhưng khi đã có nghị quyết thì về tiếp xúc cử tri cũng không thể nói trái nghị quyết được.
Những năm tháng học tập ở Nga dường như đã hình thành nên tính cách của ông và lối giảng dạy, nghiên cứu khoa học độc lập, có tranh biện?
Tư thế của một trí thức khiến tôi luôn cảm thấy xấu hổ nếu nói sai sự thật, nói hùa theo người khác.
Tuổi thơ vất vả đã tập cho tôi thói quen đương đầu với khó khăn. Tôi đã từng đi bán báo, bán lạc luộc, ra sông Hồng vớt củi mỗi mùa lũ. Thời phổ thông, tôi là học sinh tham gia cả đội tuyển văn và đội tuyển toán của trường. Vào đại học, tôi học khoa ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội và chọn chuyên ngành ngôn ngữ học. Những năm tháng chiến tranh rèn cho tôi sức chịu đựng, ý chí vươn lên và sự trung thành với lý tưởng. Bốn năm sơ tán và mười năm tình nguyện công tác miền núi cho tôi rất nhiều kiến thức thực tế. Nói tóm lại, mỗi thời kỳ đều đóng góp một phần rất quan trọng.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
“Một người trung thực, thẳng thắn, trí tuệ, có văn hoá nền rất tốt. Một đại biểu Quốc hội giàu kinh nghiệm, có tâm với công việc, có tâm với những vấn đề của đất nước”.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, ĐH Quốc gia Hà Nội:
“Tôi nhớ mãi thời đi học nghèo khó, sau giờ học, thầy bao giờ cũng giữ lại, nấu cơm cho tôi ăn, rồi hai thầy trò cùng nhau rửa bát… Thầy có một tình yêu thương đặc biệt với học trò, ân cần, chu đáo, đầy trách nhiệm. Bao giờ thầy cũng hướng đến những gì tốt đẹp nhất cho mọi người. Tôi không hiểu thầy lấy đâu ra thời gian để có thể làm nhiều việc đến thế, mà việc nào cũng đến nơi đến chốn. Thầy thực sự là tấm gương mà tôi nương theo, để chống chọi với cuộc đời, để giữ lại những gì tốt đẹp cho giáo dục”.
Những năm tháng sống ở Nga, những đợt làm việc dài ngày ở Canada, Pháp và những hoạt động đối ngoại của trường cũ hay của cơ quan Quốc hội mà tôi tham gia sau này cũng tác động sâu sắc đến cách sống của tôi. Điều tôi học được ở các bạn nước ngoài là tính thẳng thắn, tư duy độc lập và sự tôn trọng ý kiến riêng, cuộc sống riêng của người khác.
Theo ông, để tập hợp được đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, lãnh đạo cần làm gì?
Chúng ta hãy rút ra những bài học từ Bác Hồ. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt là từ khi thành lập nước, Bác đã tập hợp được những trí thức tiêu biểu của dân tộc, phát huy trí tuệ của họ, rèn luyện họ thành những người trí thức cách mạng có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp vệ quốc và kiến quốc. Trí thức theo Bác là vì họ tin theo sự nghiệp chính nghĩa cứu dân cứu nước của Bác, tâm phục trí tuệ, đức độ và tấm lòng liên tài thành thực của Bác. Làm theo được Bác, chắc chắn chúng ta tập hợp được những người có tâm có tài vốn không thiếu trong số con Lạc cháu Hồng ngày nay.
Giữa tâm với tài thì tâm là gốc. Đối với người lãnh đạo lại càng như vậy. Có tâm thì biết chọn việc đúng, biết nghe lời nói phải và biết trọng hiền tài. Không có tâm thì chỉ chăm chăm nghĩ đến cái lợi, chỉ chọn việc đem lại lợi lộc cho mình, chỉ chọn những kẻ a dua xu nịnh, và bịt tai trước mọi lời nói phải.
Ông quan niệm như thế nào về người trí thức dấn thân?
Thực ra, đã là trí thức thật thì ai cũng dấn thân. Có người dấn thân cho các sáng tạo, sáng chế, phát minh. Có người dấn thân cho xã hội. Sự dấn thân nào cũng đòi hỏi trí tuệ và đức hy sinh. Không có trí tuệ thì sẽ chọn sai đường. Không dám hy sinh thì không thể đi đến cùng con đường đã chọn.
Nhìn lại đời mình, ông đã đạt được mục đích sống mà mình chọn lựa chưa? Gia đình có chia sẻ nhiều với chuyện dấn thân vào nghị trường của ông không?
Từ nhỏ, tôi luôn mơ ước mình sẽ trở thành người có tiếng nói trong khoa học, trong xã hội. Còn trong cuộc sống riêng, cũng như tất cả mọi người, tôi mơ ước một gia đình hạnh phúc. “Bà đầm” nhà tôi là một phó giáo sư, cũng bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài và đang công tác ở một viện khoa học nên rất ủng hộ tôi phát huy năng lực của mình, đóng góp cho cái chung. Còn mẹ tôi, lúc đầu cũng băn khoăn lắm, bà thường bảo: “Anh mà nói thẳng như thế, sợ người ta mất lòng”. Vợ con tôi luôn chia sẻ, vì cho rằng việc gì đúng phải làm. May mắn nhất cho tôi là các con học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm tử tế. Tôi chỉ còn một điều đang “mộng” là được thăng lên chức ông!
Thực hiện: Kim Yến
Minh hoạ: Hoàng Tường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết:
Không để phí cơm dân nuôi
TP - Luôn phát biểu thẳng thắn, thậm chí gây sốc ở các kỳ họp Quốc hội, GS. Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - rất được dư luận quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: “Người có quyền nhắc nhở đại biểu Quốc hội chính là cử tri” . Ảnh: Hồng Vĩnh
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ông đã phải trăn trở rất nhiều trước khi nói lên tiếng nói của cử tri như vậy. “Mình ăn lương của dân, làm đại biểu của dân, nếu không nói lên được nguyện vọng của dân thì phí cơm dân nuôi mình”. - Ông Thuyết nói.
Chưa thể hài lòng
Công việc của một đại biểu Quốc hội khác công việc của người thầy thế nào, thưa ông?
Nói thật là ban đầu tôi không thấy thích thú với công việc ở Quốc hội. Đang ở môi trường giáo dục quen việc, lên Quốc hội lo không biết có làm được việc không. Thứ hai là ở trường vui hơn, trẻ trung hơn, chưa kể thu nhập cũng cao hơn (cười). Nhưng sau một thời gian làm việc, tôi mới thấy quả là hoạt động Quốc hội rất bổ ích. Đúng như người ta vẫn nói, Quốc hội là một trường đại học lớn.
"Người dân, thậm chí đại biểu Quốc hội ở ta thường tự bó mình, không sử dụng đầy đủ quyền mà pháp luật giao cho."
Tuy nhiên, cũng phải nói thật là làm việc ở Quốc hội đau đầu hơn. Làm việc trong Quốc hội, tiếp xúc với nhiều đơn từ khiếu nại, tố cáo, tôi thấy khá nhiều mặt trái và cũng buồn vì thấy mình không giúp giải quyết được bao nhiêu.
Ông tự thấy những gì ông làm được đã xứng đáng với niềm mong mỏi của cử tri chưa?
Tôi là ĐBQH chuyên trách, vì thế không làm gì khác ngoài nhiệm vụ ở QH. Tôi luôn tự răn mình: Mình ăn lương của dân, làm đại biểu của dân, nếu không cố gắng thì phí cơm dân nuôi mình.
Tuy nhiên, những gì đã làm được so với kỳ vọng của cử tri khó có thể nói là đáng hài lòng được.
Quan trọng nhất: nhạy cảm
Thưa ông, điều gì khiến ông cảm thấy băn khoăn và trăn trở nhất kể từ khi trở thành đại biểu Quốc hội?
Trăn trở thì nhiều lắm. Nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, liên quan mật thiết đến quyền lợi của người dân, tôi đã lên tiếng nhưng chưa thuyết phục được các cơ quan chức năng. Nhưng tôi biết rằng mình cũng chỉ là một tiếng nói trong QH thôi. Mình có lý của mình, người khác cũng có lý của họ.
Một vấn đề cũng làm tôi trăn trở rất nhiều là giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách thủ tục hành chính chậm tiến bộ quá. Từ đó dẫn tới khó khăn của người dân trong việc tiếp xúc với chính quyền. Quả là người dân nước mình còn bị hành nhiều quá. Gia đình mẹ vợ tôi nộp đơn xin sổ đỏ 12 năm không được cấp mà không hiểu lý do gì.
Khi tôi phản ánh, một đồng chí lãnh đạo thành phố “quạt” cấp dưới một trận thì việc được giải quyết chỉ trong 2 - 3 ngày. Điều đó chứng tỏ là khi lãnh đạo chưa gõ vào đầu thì bộ máy chưa làm việc. Nhưng họ cũng chỉ sợ cấp trên trực tiếp thôi. Lãnh đạo các bộ không ăn thua gì với họ. Tôi biết một thứ trưởng Bộ TN&MT làm sổ đỏ cho nhà mình hết sức khó khăn. Đến bộ trưởng muốn làm sổ đỏ cũng phải lót tay 3 triệu đồng mới xong.
Là đại biểu nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn, nói được tâm tư nguyện vọng của cử tri cả nước, ông có phải mất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi phát biểu?
Ngay từ khi được bầu vào Quốc hội khoá XI, tôi đã xác định là mình phải luôn mạnh dạn nói lên ý kiến của dân. Những điều tôi phát biểu đều là những vấn đề tôi tìm hiểu, trăn trở, ngẫm nghĩ từ lâu. Cho nên để trình bày với Quốc hội, tôi thường chuẩn bị rất nhanh, có khi ngay trong buổi họp, chứ không mất nhiều thời gian lắm.
Ngoài công việc của Quốc hội, tôi còn phải tham gia nhiều công việc khác; nếu quá mất thời gian để chuẩn bị ý kiến thì tôi không còn thời gian làm gì nữa.
Ông có tham khảo ý kiến của chuyên gia?
Cũng có trường hợp tôi trực tiếp tham khảo ý kiến của chuyên gia. Ví dụ, vấn đề khai thác bôxít, tôi phải tham khảo ý kiến một số chuyên gia đầu ngành. Ngoài ra, tôi thường tham khảo thông tin qua các báo cáo, các tài liệu trên mạng trong nước và nước ngoài. Giữa một bể thông tin như vậy, điều quan trọng nhất là đại biểu phải nhạy cảm, tức là cảm nhận được những vấn đề quan trọng nhất đối với quyền lợi của người dân, của đất nước.
Tự bó mình
Về những kiến nghị của ông liên quan đến trách nhiệm vụ Vinashin, những đại biểu khác và các cử tri có ý kiến gì, thưa ông?
Tại hội trường, có nhiều ý kiến ủng hộ và cũng nhiều ý kiến không ủng hộ. Việc đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau là bình thường vì mỗi người có cương vị khác nhau trong bộ máy. Điều quan trọng nhất là đại biểu phải đóng đúng vai trò đại diện cho dân và phát biểu đúng ý dân; không đóng nhầm vai.
Tôi nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri qua tin nhắn, điện thoại và email cũng như qua các trang thông tin và báo điện tử. Cũng nhiều trường hợp nói chuyện trực tiếp, trong cuộc họp hoặc trên đường phố.
Ở nhiều nước, một kiến nghị như của tôi là rất bình thường. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là ý kiến, kiến nghị của đại biểu có đúng pháp luật và có vì dân, vì nước không.
Có người tỏ ý lo rằng ý kiến tôi có thể bị lợi dụng. Tôi cho rằng chuyện đổ bể của Vinashin đăng đầy trên báo, không lạ gì. Ta xuê xoa cho nhau thì mới bị lợi dụng.
Ông nói phát biểu của mình ở nước ngoài là điều bình thường, nhưng ở nước ta thì đó lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Hiện tượng này nói lên điều gì, thưa ông?
Nó nói lên rằng người dân, thậm chí đại biểu Quốc hội ở ta thường tự trói buộc mình, không sử dụng đầy đủ quyền mà pháp luật giao cho. Tôi nghĩ đó là tự mình bó mình. Nhưng cũng phải nói rằng, một bộ phận người dân và thậm chí quan chức chính quyền ở ta chưa quen với điều đó.
Xin cảm ơn ông!
Hải Hà Thực hiện
“Vinashin thực sự đã sụp đổ”
Đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm liên quan vụ Vinashin
TTO - Cuộc thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 1-11 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đã trở thành cuộc “truy” trách nhiệm thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề thua lỗ của Vinashin.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Ngoài lãnh đạo Vinashin thì ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?" - Ảnh: Việt Dũng
Vinashin thua lỗ 120.000 tỷ đồng?
"Vinashin thực sự đã sụp đổ mặc dù chúng ta dùng những từ ngữ tu từ nhẹ nhàng để diễn đạt. Nói cách gì đi nữa thì thực sự Vinashin cũng đã sụp đổ. Vinashin sụp đổ vì thua lỗ khoảng 100.000 tỷ đồng, sồ tiền này người dân phải gánh chịu. Một phần trong số này lẽ ra chúng ta đã xây dựng được những con đường cho người dân miền núi. Ngoài lãnh đạo Vinashin thì ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?".
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã mở đầu vấn đề Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) như vậy.
"Căn cứ hiến pháp và luật tổ chức Quốc hội, tôi đề nghị Quốc hội nên thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của những thành viên chính phủ"
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết
Và ông Thuyết đề nghị thẳng thắn: "Căn cứ hiến pháp và luật tổ chức Quốc hội, tôi đề nghị Quốc hội nên thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của những thành viên chính phủ. Nói ra những điều này tôi thực sự rất đau lòng nhưng tôi thấy cần phải làm vì hậu quả và ảnh hưởng của Vinashin để lại rất lớn, phải làm để lấy lại niềm tin của nhân dân về quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí".
Từ vụ Lã Thị Kim Oanh gây thất thoát 100 tỷ đồng, một bộ trưởng đã từ chức và hai Thứ trưởng đã phải hầu tòa, đại biểu Thuyết nói: "Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại gấp 1.000 lần".
THÙY MAI - HỒNG NHỰT
Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ vụ Vinashin
SGTT.VN - ”Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan đến vụ Vinashin”, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã làm nóng hội trường khi Quốc hội (QH) thảo luận về tình hình nhiệm vụ kinh tế - xã hội diễn ra sáng nay, 1.11.2010.
Các đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, cũng như đánh giá khách quan của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về kết quả và một số vấn đề tồn tại cần khắc phục, về chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc điều hành phát triển kinh tế -xã hội năm 2011.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (đứng, giữa) đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức cho Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm các thành viên Chính phủ về vụ Vinashin. Ảnh: TTXVN
Một tỉnh phải nhịn ăn một thế kỷ mới trả hết nợ Vinashin
Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, với khoản nợ không dưới 100.000 tỉ đồng, tức một tỉnh thu nhập cỡ 1.000 tỉ một năm phải nhịn ăn, nhịn mặc... trong một thế kỷ mới trả được nợ vì Vinashin đã ”sụp đổ” rồi, dù nhiều người đang cố dùng từ ngữ có tính tu từ để giảm nhẹ đi mức độ nghiêm trọng!
Những sai phạm thì đã rõ, song câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là: sai phạm ở Vinashin, ngoài lãnh đạo Vinashin còn ai phải chịu trách nhiệm vẫn khiến ông Thuyết băn khoăn. Dù cho báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội có nhận trách nhiệm và đã ”nghiêm túc kiểm điểm”, nhưng cụ thể thế nào?
Theo đại biểu Thuyết, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ phải kiểm điểm và nhận kỷ luật
trước Quốc hội. ”Không thể nhận trách nhiệm chung chung, tuyên bố kiểm điểm nội bộ là hết trách nhiệm được”.
Đại biểu Thuyết nhắc lại vụ việc Lã Thị Kim Oanh ở bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông cách đây hơn 6 năm. Ông Thuyết nói: ”Vì nuông chiều, áp dụng sai quy chế chung cho công ty của Lã Thị Kim Oanh mà một vị bộ trưởng đang rất được lòng dân đã phải từ chức, 2 vị thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa”.
Vinashin là phóng đại vụ Lã Thị Kim Oanh gấp 1.000 lần
Ông Thuyết so sánh: ”Vinashin là phóng đại của vụ Lã Thị Kim Oanh cỡ 1.000 lần, nhưng trách nhiệm của bộ chủ quản, của Chính phủ thì chưa rõ ràng, cụ thể”.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định rằng: có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tài sản của nhà nước. Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm ra sao... thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận.
Vì vậy, ông Thuyết thẳng thắn: "Căn cứ hiến pháp và luật Tổ chức Quốc hội, tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức cho Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở đó bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan... Để tạo điều kiện cho quá trình điều tra, phải tạm đình chỉ chức vụ các vị cần điều tra”.
”Tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn khi nói những điều trên. Nhưng có xử lí nghiêm mới hạn chế các dự án phá của, lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của chúng ta trong thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng. Ngay sau đây, tôi trình UBTV Quốc hội như một kiến nghị chính thức từ đại biểu”, ông Thuyết nói thêm.
Chí Hiếu (ghi)
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết:
“Ý kiến của tôi là nguyện vọng cử tri”
“Động cơ thôi thúc tôi nêu lên đề nghị này trên diễn đàn Quốc hội là nguyện vọng của đông đảo cử tri” - ông Nguyễn Minh Thuyết, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho biết như vậy về một số đề nghị của mình trong thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội vào hôm qua.
Ông Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: V.DŨNG
* Đâu là căn cứ pháp lý để ông đưa ra đề nghị của mình?
- Từ người dân thường cho đến trí thức đều muốn làm rõ trách nhiệm trong một vụ việc hết sức lớn như vụ Vinashin. Trong phát biểu sáng nay, tôi dự kiến đưa ra ba phương án.
Thứ nhất là đề nghị Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan trong vụ Vinashin từ chức.
Thứ hai là đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm ngay đối với Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan trong vụ Vinashin.
Thứ ba là kiến nghị lập ủy ban lâm thời điều tra, rồi trên cơ sở đó mới đi đến việc bỏ phiếu tín nhiệm như tôi đã phát biểu trước Quốc hội.
Sau khi cân nhắc, tôi cho là phương án thứ ba chắc chắn hơn, ở chỗ phương án này có căn cứ pháp lý dựa vào quy định của hiến pháp về Quốc hội và điều 23 Luật tổ chức Quốc hội.
* Đối với Vinashin, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có thông báo, hiện cơ quan điều tra cũng đang tiến hành các công việc liên quan...
- Kết luận chung thì Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có thông báo, tôi nghĩ như vậy về cơ bản là đúng rồi. Công tác điều tra thì cơ quan điều tra đang làm. Tôi có đề nghị lập ủy ban lâm thời là để điều tra về trách nhiệm chính trị. Việc này có thể tiến hành nhanh và từ nay đến cuối kỳ họp có thể điều tra xong.
* Đến chiều nay (1-11) ông đã nhận được phản hồi nào từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị của mình chưa?
- Tôi chưa nhận được. Tôi hi vọng trong thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc này. Thời gian qua cũng như ngay trên diễn đàn Quốc hội, đã có ý kiến cho rằng trong vụ Vinashin thì Quốc hội cũng có trách nhiệm. Như vậy, nếu Quốc hội không làm đến nơi đến chốn thì có thể hiểu là dư luận đó nói đúng. Vậy Quốc hội phải làm rõ trách nhiệm ra chứ.
* Ông đã chính thức có đề nghị như nêu trên, vậy các công việc tiếp theo liên quan đến đề nghị này sẽ như thế nào?
- Cái này phụ thuộc cách làm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như cả Quốc hội. Tôi phải chờ thủ tục. Có thể phải đưa ra Quốc hội biểu quyết. Nếu đa số đại biểu Quốc hội nói không cần lập ủy ban lâm thời thì cá nhân tôi chấp hành nghị quyết theo đa số của Quốc hội, nhưng tôi bảo lưu ý kiến của mình.
* Đã nhiều lần đại biểu Quốc hội có đề nghị về việc bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng cơ chế này được ví như “thanh bảo kiếm chưa bao giờ được Quốc hội rút ra khỏi vỏ”?
- Chính vì thế tôi đề nghị lập ủy ban điều tra đã, trên cơ sở kết quả làm việc của ủy ban đó thì Quốc hội quyết định dễ hơn. Nghĩa là lúc đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa vấn đề ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ rằng khi một ý kiến đại biểu đã đề nghị như vậy chắc chắn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải quan tâm xem xét.
* Tổng Thanh tra Chính phủ có phát biểu là không thấy có dấu hiệu của sự bao che trong vụ Vinashin?
- Xã hội và cử tri rất bức xúc cho rằng có sự bao che cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin... Tôi nghĩ rằng dư luận xã hội là có cơ sở, vì sao mấy lần định thanh tra, kiểm toán đều chưa vào được? Với tư cách người đứng đầu Chính phủ thì Thủ tướng có thể chỉ đạo các cơ quan thanh tra phối hợp với nhau để làm, ví dụ như thanh tra các bộ Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Giao thông vận tải và Thanh tra Chính phủ. Theo tôi hiểu đó là do chúng ta cứ “cưa đứt từng đoạn”, đây là lỗi điều hành.
* Ông có tiếp tục chất vấn về Vinashin?
- Tôi sẽ chất vấn xem trách nhiệm của Thủ tướng như thế nào.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đúng luật
Ông Lê Quang Bình - Ảnh: V.DŨNG
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xử lý như thế nào trước đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết?”, Phó chủ tịchh Quốc ội Uông Chu Lưu nói cá nhân ông “chưa thể nói gì” nhưng “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Lê Quang Bình khẳng định: “Đề nghị của đại biểu Thuyết là hoàn toàn đúng luật, xác đáng, thể hiện được ý kiến mà nhiều cử tri và đại biểu quan tâm, cá nhân tôi ủng hộ ý kiến đó”. Theo ông Bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội “có thể sẽ phải họp vào tối 1 hoặc 2-11 để xem xét, quyết định về đề nghị của đại biểu Quốc hội”.
LÊ KIÊN ghi
Nguyên văn bài phát biểu của ĐB Nguyễn Minh Thuyết tại kỳ họp Quốc hội ngày 1/11/2010
… tôi trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này. Trên cơ sở đó vào thời gian cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Ủy ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.
Kính thưa Quốc hội.
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2010 này nước ta đã đạt và vượt 16/21 chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Cũng như đông đảo người dân tôi rất hân hoan trước tin vui này và sự trân trọng những kết quả đã đạt được. Tuy nhiên tôi cũng vô cùng lo lắng trước những khuyết điểm nghiêm trọng trong điều hành nền kinh tế, phân tích chưa sâu, chưa đủ cụ thể và nghiêm khắc. Trong thời gian có hạn tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin sụp đổ. Vâng, thực sự nó đã sụp đổ, mặc dù chúng ta có thể dùng từ ngữ nhẹ nhàng hơn theo truyền thống tu từ của mình. Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng. Món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng một năm phải làm quần quật không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt, một thế kỷ mới trả nổi. Đối với đồng bào nhiều nơi nhất là nông thôn. miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường, xây bệnh viện v.v… những nhu cầu rất thiết yếu của cuộc sống đồng bào. Sai phạm trong chỉ đạo điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là ngoài lãnh đạo Vinashin còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này.
Báo cáo của Chính phủ cho biết Chính phủ có trách nhiệm và đã nghiêm túc kiểm điểm, nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu trong trường hợp này các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội – cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình. Không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.
Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những siêu cơ chế cho công ty của Lã Thị Kim Oanh dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và 2 vị Thứ trưởng đã phải ra trước vành móng ngựa. Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản Nhà nước. Nhưng ai bao che? Bao che thế nào? Vì nguyên nhân gì? Nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm ra sao thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà nếu Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.
Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này. Trên cơ sở đó vào thời gian cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Ủy ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.
Thưa quý vị Chủ tọa,
Thưa quý vị đại biểu khách mời,
Nói những điều trên tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn, nhưng chúng ta có xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế được những dự án làm ăn phá của bốc trời, đưa hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững và lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
Thưa quý vị, hôm nay tôi đọc một bài đã chuẩn bị sẵn là để ngay sau buổi họp này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội như một kiến nghị chính thức của đại biểu. Trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xem xét và cho biểu quyết về kiến nghị của tôi. Xin trân trọng cảm ơn.
Nội dung bản kiến nghị
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
________________
Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 2010
Kính gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tôi là Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội khoá XII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, xin gửi đến các vị Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lời chào trân trọng, kính đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét kiến nghị trình bày dưới đây.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010 này, nước ta đã đạt 16/21 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Cũng như đông đảo người dân, tôi rất hân hoan trước tin vui này và hết sức trân trọng những kết quả đã đạt được.
Tuy nhiên, tôi cũng vô cùng lo lắng trước những khuyết điểm nghiêm trọng trong điều hành nền kinh tế mà báo cáo của Chính phủ phân tích chưa sâu, chưa đủ cụ thể và nghiêm khắc.
Trong khuôn khổ kiến nghị này, tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sụp đổ, trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng / năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi. Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là: “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.
Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những “siêu cơ chế” cho công ty của Lã Thị Kim Oanh, dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và hai vị Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa.
Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định "có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước". Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm thế nào thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.
Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.
Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.
Thưa các vị Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,
Nói những điều trên, tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn. Nhưng chúng ta có xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế được những dự án làm ăn phá của, bốc trời, đưa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững và lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
Trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xem xét và cho biểu quyết về kiến nghị của tôi.
Xin cảm ơn.
Đại biểu Quốc hội
Nguyễn Minh Thuyết
Phát biểu về ngân sách Nhà nước tại Quốc hội sáng 3/11/2010
Phát biểu của GS. Nguyễn Minh Thuyết về Nợ công
Thảo luận về ngân sách nhà nước lần này, tôi xin nêu một số ý kiến về nợ công, cụ thể là về 4 vấn đề như sau:
1. Thực chất nợ công của nước ta hiện nay là bao nhiêu?
Theo báo cáo của Chính phủ thì hiện nay nợ công của nước ta tương đương 56,7% GDP. Nhưng theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế, bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công Việt Nam không dưới 70% GDP (vì theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì riêng dư nợ nội địa của các doanh nghiệp nhà nước năm 2008 đã chiếm 20% GDP). Tôi xin đề nghị Chính phủ giải trình rõ thêm về vấn đề này.
2. Cơ cấu của khối nợ công nói trên như thế nào?
Báo cáo của Chính phủ chưa cho biết cơ cấu của khối nợ công chiếm hơn nửa GDP (hoặc 2/3 GDP như tính toán của nhà kinh tế đã nêu trên) như thế nào. Khối nợ ấy có bao gồm nợ xấu không, hay toàn nợ đẹp? Hay đã là nợ công thì không phân biệt xấu đẹp?
Ngày hôm qua, một số đại biểu rất am hiểu và hình như rất am hiểu về kinh tế có đưa đến cho Quốc hội những tin rất vui về Tập đoàn Vinashin. Chẳng hạn, Tập đoàn này sắp xuất xưởng những con tàu hàng chục vạn tấn, vốn chủ sở hữu của họ vẫn còn v.v… Nghe những tin này, tôi rất mừng. Tôi không thể cãi Uỷ ban Kiểm tra TW như mấy đệ tử của một ông Chủ tịch UBND tỉnh vừa bị Trung ương kiểm điểm. Nhưng thâm tâm tôi chỉ mong những kết luận của Uỷ ban Kiểm tra TW về vụ Vinashin là không hoàn toàn chính xác. Không chính xác thì may cho dân mình quá.
Nhưng tôi vẫn nửa tin nửa ngờ trước những tin vui được một số vị công bố hôm qua.
Lãi từ việc bán những con tàu mới đóng, tôi không biết sẽ được bao nhiêu. Theo tôi hiểu thì trong công nghệ đóng tàu, ta chủ yếu lắp ráp thôi, cũng không khác ngành chế tạo ô tô, xe máy là mấy. Lấy công làm lãi như vậy thì có đủ trả lương cho cả mấy chục nghìn cán bộ, công nhân không?
Về vốn nằm trong tài sản, tôi thấy chuyện này giống như chuyện một anh được vợ cấp vốn đi buôn, mới khuân về được mấy cái máy second hand thì hết sạch vốn; vợ hỏi: “Có ai đi buôn mất sạch vốn, lại còn nợ nần chồng chất như ông không?” thì hồn nhiên bảo: “Vốn nó nằm ở cái nhà mình đang sống, ở mấy cái máy cũ nát kia.”
Tôi nhớ cách đây chừng 10 năm có một doanh nhân thành đạt dùng tiền vay ngân hàng đầu tư vào bất động sản (cụ thể là mua rất nhiều đất). Tới hạn trả nợ ngân hàng, giá đất xuống, doanh nhân này không trả nợ được, bị toà kết án tử hình.
Bây giờ chúng ta bảo Vinashin còn đất, còn nhà xưởng, còn những con tàu cũ (có thể bán theo giá sắt vụn) v.v… để trả nợ. Tôi không hiểu lý luận này thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, như khẳng định của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, là Vinashin đã vay một số vốn gấp 13,7 lần vốn chủ sở hữu. Nhân dân hỏi là hỏi số vốn vay ấy mất đi đâu, chứ không hỏi vốn chủ sở hữu. Cả nước làm ăn như ông Vinashin này thì rồi đây biết bán cái gì để trả nợ?
3. Nợ công Việt Nam đã vượt ngưỡng an toàn chưa?
Theo một chuyên gia kinh tế, “mức độ an toàn của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP, mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của nền kinh tế.
Khó có thể yên tâm khi nợ công của ta tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và chỉ số ICOR cũng tăng tới gần 2 chữ số. Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của quản lý nợ công bền vững. Và như vậy, có cơ sở để lo lắng rằng GDP càng tăng thì nợ càng tăng, khả năng trả nợ ngày càng khó.
4. Vấn đề thứ 4: Làm thế nào để việc tăng nợ công không dẫn đến phát triển thiếu bền vững?
Theo tôi, để việc tăng nợ công không dẫn đến phát triển thiếu bền vững, cần giữ 2 nguyên tắc cơ bản:
- Thứ nhất: Có lãi thì làm, không chắc có lãi, dứt khoát không làm. Ví dụ, việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, chưa tính chi phí làm cảng, làm đường vào giá thành aluminum mà một số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã bảo lỗ thì nên dừng.
- Giữ kỷ luật ngân sách cho nghiêm. Hôm thứ bảy 30/10 vừa qua, tôi thấy báo Tuổi Trẻ có đăng một bản tin như sau:
“Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Theo đó, về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Phan Thiết, Bộ Giao thông vận tải đề xuất việc thành lập ban chỉ đạo để tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ kĩ thuật theo yêu cầu của nhà tài trợ JICA. UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư thống nhất với nhà tài trợ JICA để triển khai đấu thầu quốc tế dự án tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án”
Đọc tin này, tôi quả thực không hiểu mình có nằm mơ không. Dự án ĐSCT Bắc - Nam đã không được Quốc hội thông qua (đó là nói cho nhã nhặn); nay Chính phủ tiếp nhận viện trợ của nước ngoài, thành lập Ban chỉ đạo dự án và chuẩn bị triển khai đấu thầu quốc tế dự án tuyến đường sắt số 1. Thế thì không biết trong mắt người dân có còn Quốc hội không?
Hôm 1/11 vừa qua, thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội chủ động nhận lỗi về phía mình, tức là về phía 1000 đại biểu khoá XI và khoá XII trong việc quản lý tập đoàn kinh tế yếu kém, để xảy ra vụ Vinashin. Tôi không hiểu 1000 người cùng có trách nhiệm thì xử lý trách nhiệm thế nào. Hay là hoà cả làng?
Tôi mong là lần này Chính phủ sẽ cung cấp thông tin về nợ công đầy đủ hơn, đại biểu sẽ xem xét kỹ càng và thực hiện quyền quyết định vay và trả nợ, để tới đây không phải nhận lỗi như thế nữa.
Nguyễn Minh Thuyết