Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Tính xấu của người Việt qua ca dao & Thói hư tật xấu của người Việt: Co mình trong hủ lậu, Văn nặng về đùa giỡn, Lười và hay nói hão

Tác giả: Hà Đan

Người xưa có câu “Nhân vô thập toàn” - nghĩa là con người ta, dù ít hay nhiều (tùy theo mức độ cá nhân) đều có những phần chưa “trọn vẹn”. Vâng! Chỉ một chữ “vô” ấy thôi, là khoảng cách mênh mông của thế giới thói hư tật xấu. Nhận chân giá trị của mình để hoàn thiện và phát triển là rất cần thiết. Đáng buồn thay, một thời gian dài trước đây - khi chúng ta xây dựng con người mới XHCN hay phát huy phẩm chất “anh hùng cách mạng”, đã không nhận ra - thậm chí cho rằng cái xấu không có “đất để tồn tại”. Nói cách khác, nhắc đến thói hư tật xấu của con người cũng đồng nghĩa với những điều “phạm húy”, “cấm kỵ”. Khi còn sống, GS Trần Quốc Vượng từng ấp ủ một cuốn sách theo kiểu “Người Việt Nam xấu xí”; ấy vậy mà lúc ông có ý định vận động để in, một vị GS - cựu quan chức đã thẳng thừng “lắc đầu”. Thế mới biết, ở đầu thế kỷ XXI này, số người thích đeo mặt nạ, sống trong “lễ hội hóa trang” cũng không phải là ít.
Xin đừng đồng nhất việc nhận diện, chỉ ra thói hư tật xấu với “vạch áo cho người xem lưng”. Một dân tộc hay cộng đồng người chỉ có thể tiến bộ khi biết phê phán và tự phê phán. Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vĩ đại là vậy mà vẫn có một tập đại thành về thói hư tật xấu của họ với tiêu đề “Người Trung Quốc xấu xí”, “Người Mỹ xấu xí”, “Người Nhật xấu xí” đó sao?. Thiết nghĩ, ở một phương diện nào đó, việc nêu ra những mặt hạn chế trong tính cách của một dân tộc sẽ là hành trang cần thiết trao truyền cho các thế hệ trên con đường phát triển nhân cách.
Tìm về ca dao truyền thống, chúng ta có tới hàng trăm đơn vị câu (bài) dành riêng cho thói hư tật xấu. Đây thật sự là những số liệu biết nói, giúp chúng ta nhận chân giá trị con người. Những thói hư tật xấu bao gồm nhiều khía cạnh: quan hệ gia tộc (cha mẹ - con cái, chồng - vợ, lại cả mẹ chồng - nàng dâu…), quan hệ xã hội và nhất là tu thân; trong đó nổi bật hơn cả là thói lẳng lơ, bội bạc, tham ăn - nhác làm. Không phải ngẫu nhiên, anh chàng tham ăn và cô gái lẳng lơ đã là nhân vật của folklore, của hội hè đình đám…
Trước hết, không thể không nhắc đến thói lẳng lơ - thường gắn liền với người phụ nữ. Thật khó tưởng tượng lẳng lơ lại là nét lớn của tính cách người Việt truyền thống, vì xưa nay, chúng ta quen với cái gọi là “tam tòng, tứ đức”… Song đó lại là sự thật. Tiếp cận ca dao, thói lẳng lơ cũng muôn hình nghìn vẻ, lắm cung bậc - đủ mọi lứa tuổi, ngôi thứ, thành phần xã hội. Đó có thể là người già (Bà già bưng thúng gạo xay/Gãi bụng sồn sột hỏi chầy cối đâu), những kẻ khoác áo “nhà nước quân chủ” (Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình/Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi), sư sãi (Nam mô ba chữ từ bi/Phật còn ve gái huống chi thầy chùa); thậm chí là con gái mới lớn (Con gái mười bảy mười ba/Đêm nằm với mẹ khóc la đòi chồng), những người trưởng thành hơn (Gái đâu có gái lạ đời/Chỉ còn thiếu mỗi ông trời không chim) hay bộc lộ qua một điểm nhìn, quan điểm cụ thể (Lẳng lơ chết cũng ra ma/Chính chuyên chết cũng đưa ra ngoài đồng)…Có thể hiểu, con người của thời đại quân chủ chuyên chế đã phải khoác trên mình quá nhiều bộ quần áo của nghi lễ, buộc trói; đấy là chưa nói đến thói đạo đức giả của những bậc “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt”. Cho nên, ở phương diện nào đó, lẳng lơ cần được nhìn nhận như một sự “phản kháng”, “bất hòa” với thực tại xã hội, hay “bí hạ phá thượng” - nói cho sướng miệng. Tuy nhiên, xét đến cùng, lẳng lơ chưa bao giờ được xem là tính tốt.
Sánh đôi cùng với lẳng lơ là bội bạc. Mặc dù người Việt Nam luôn sống vì nghĩa, hy sinh xả thân cho nghĩa lớn, hoặc răn dạy cháu con tích phúc, để đức cho đời sau, trọng nghĩa khinh tài…Nhưng sao mà vô ơn, phụ nghĩa, bạc tình nhiều đến thế: Tò vò mà nuôi con nhện/Đến khi nó lớn nó quện nhau điCòn đâu nhân nghĩa, thuỷ chung khi người vợ phải kêu gào thảm thiết: Chẳng ai phụ bạc như chàng/Bẻ cành gai bạc lấp đàng chốn đi. Và lời của chàng trai nọ cũng thật là ai oán, lay động tâm can: Bậu nghe ai dỗ ai dành/Bậu tham chốn khác bậu đành bỏ qua… Đến đây, chắc chắn độc giả đã có thể bổ sung thêm dẫn chứng cho mục từ bội bạc của cuốn từ điển về thói hư tật xấu.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu chúng tôi không nhắc đến ở đây cái sự tham ăn - nhác làm, khi đề cập đến vấn đề thói hư tật xấu truyền thống của người Việt. Vẫn biết xưa nay, “miếng ăn là miếng nhục”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”… song không thể phủ nhận: miếng ăn - cái đói (dẫn đến tham) có một sức ám ảnh ghê gớm đối với người bình dân xưa (nó còn là một chủ đề lớn trong văn xuôi Nam Cao trước Cách mạng Tháng Tám). Đây là nỗi niềm đã được ca dao ghi nhận: Bực mình chẳng muốn nói ra/Muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời. Và câu chuyện dân gian nọ kể về thầy đồ giận học trò chỉ vì lỡ ăn nắm xôi do không hiểu ý thầy cũng thật là sâu sắc. Điều hiển nhiên, tham ăn luôn hợp thành cặp bài trùng với nhác làm: Ăn no rồi lại nằm khoèo/Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem, hay hình ảnh một “chân dung” khác cũng đáng chê trách không kém: Làm thì chẳng dám bằng ai/Ăn thì thứ nhất thứ hai trong vùng…Xét đến tận cùng căn nguyên, chúng ta có thể hiểu: các bậc “tiền nhân” đã trải qua quá nhiều cơ hàn, đói khổ - thậm chí những năm mất mùa, những ngày giáp hạt… từng để lại “dấu ấn” không quên trong lịch sử. Đói nghèo đến độ không thể “sạch”, không thể “thơm” (như ý câu: Đói cho sạch, rách cho thơm) trở thành bia miệng ngàn năm, lưu cùng hậu thế…
Ngoài lẳng lơ, bội bạc, tham ăn - nhác làm…với những thói xấu khác của người Việt, chúng ta không thiếu những “dẫn chứng” đắt giá - cho dù đó là tính cơ hội (Nghèo giữa thị thành không người hỏi/Giàu tại rừng sâu lắm kẻ tìm), sự tráo trở (Yêu nhau nấu cháo củ tre/Nấu canh vỏ nhãn, nấu chè nhân ngôn), ganh ghét đố kỵ (Trâu buộc thì ghét trâu ăn/Quan võ thì ghét quan văn dài quần), bê tha (Cờ bạc là bác thằng bần/áo quần bán hết ngồi trần tô hô), ích kỷ (Khi giàu có chẳng đỡ ai/Đến khi hoạn nạn chẳng ai đỡ mình), rởm đời (Con cóc nằm lép bờ ao/Lăm le lại muốn đớp sao trên trời)…Rồi quan hệ hai chiều giữa cha mẹ - con cái cũng không hoàn toàn hiếu, nghĩa (Trời mưa bong bóng phập phồng/Mẹ đi lấy chồng con ở với ai; Cha mẹ nuôi con Biển Hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày); quan hệ vợ chồng không hợp đạo lý (Con gái Linh Xá dạy chồng bằng dao - hay Cái cò là cái cò quăm/Mày hay đánh vợ mày nằm với ai); quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thì thật là bi kịch: Thật thà cũng thể lái trâu/Dẫu yêu thương cũng nàng dâu mẹ chồng
Nói chung, mọi thói hư tật xấu của con người đều có thể tìm thấy trong ca dao truyền thống - một bộ bách khoa toàn thư giá trị, nhiều ý nghĩa. Hy vọng, tiếp cận với những gì “xấu xí” ngày hôm qua (bây giờ nhiều tính nết truyền thống vẫn còn tồn tại hoặc chưa mất hẳn, dù cuộc sống đã đi sang một giai đoạn khác), chúng ta sẽ tìm được những điều bổ ích, không cũ với thời gian.


Trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX


Thói hư tật xấu của người Việt: Co mình trong hủ lậu, Văn nặng về đùa giỡn, Lười và hay nói hão

Vương Trí Nhàn
Thể thao & Văn hóa

Co mình trong hủ lậu (Văn minh tân học sách, 1904)

Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ(1), bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thủy ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, chả kể làm gì. Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tý được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo(2), ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém hơn nữa thi chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác. Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến(3): "Các thầy muốn ra làm quan, thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo mới”, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chớ đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi khiến cho không nghe không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thể thiệt nên lấy làm đau đớn!

(1) đầu hồ: một trò chơi của người xưa, ném một cái thẻ xuống một miệng trống rồi tính điểm, được "Đại Nam quốc âm tự vị” miêu tả là "một cuộc chơi lịch sự”.
(2) thế đạo: đạo lý ở đời.
(3) hậu tiến: đây chỉ có nghĩa lớp người thuộc thế hệ sau, chữ không phải người kém cỏi.
--------------------------------------------------------------------------------

Văn chương nặng về chơi bời đùa giỡn (Phan Khôi, Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta, 1939)

Ở nước ta, kẻ học khi chưa đỗ thì chăm về văn khoa cử, khi đỗ rồi thì chăm về văn thù ứng(1). Có những người nổi tiếng mà nhan nhản những bài hết tự tặng người này lại dâng người khác, té ra trời phú cho ông ấy cái văn tài lỗi lạc là để đi thù phụng thiên hạ. Vậy nếu tôi nói một ngàn năm nay người An Nam làm văn chữ Hán chỉ chuyên có hai lối khoa cử và thù ứng và trong văn học chỉ sở trường một cách “jeu de mots"(2) mà thôi, thì cũng chẳng quá nào!

(1) thứ văn thơ làm khi giao tiếp khoản đãi nhau.
(2) chơi chữ.
--------------------------------------------------------------------------------

Lười biếng và hay nói hão (Xuân Diệu, Sinh viên với quốc văn, 1945)

Tật đầu sổ là tật lười, tật làm biếng. Lười suy nghĩ thích nhàn nhã, thích ngồi không. Nếu máu chúng ta chạy mạnh thì tất chúng ta phải xung xăng làm cái nọ cái kia chớ vô vi thì chịu sao nổi. Vậy thì trong văn học thôi ta đừng dùng cái khẩu khí hát cô đầu nữa mà phải thế này: cúc cung tận tuỵ.
Thứ hai là tật "một tấc đến giời". Ngồi mà thanh tịnh vô vi thì dễ hiểu vũ trụ lắm: Ta cho vũ trụ là thế nào thì vũ trụ sẽ thế ấy chớ chi. Nhưng sự thật là ta phải đi nghiên cứu tìm tòi mới hiểu vũ trụ được. Một tật nữa là não(1) huyền hoặc, não chuộng thần quyền. Gần đây trong thơ văn có cái mốt nói chuyện Liêu Trai. Có những thi sĩ nhất định lấy hồ ly làm vợ và nếu buông cụ Bồ Tùng Linh ra thì họ không biết nói gì.

(1) não ở đây là một lối suy nghĩ, nay hay thay bằng "óc”

Nguồn:  Thể thao & Văn hóa